Uy tín chế độ không nên tiếp tục được đo bằng “thước Phùng Xuân Nhạ”
30-3-2019
Việc “khẩn trương xác minh, xử lý” trường hợp “nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng” ở Hưng Yên là việc của chính quyền địa phương chứ không phải việc của ông cán bộ cấp vụ. Đây phải được coi là vụ án “làm nhục người khác” mà tố tụng hình sự đã quy định rất rõ trình tự truy cứu trách nhiệm và áp dụng hình phạt cho người phạm tội là trẻ “vị thành niên” hay người thành niên. Điều người dân chờ đợi ở Bộ Giáo dục là hành động của ông Bộ trưởng.
Việc sửa điểm thi ở dăm ba tỉnh; “đổi tình lấy điểm” hoặc lạm dụng tình dục với học sinh ở một trường nào đó có khi chỉ là những hành vi cá nhân (của những con quỷ khoác áo thầy cô). Nó chỉ bị coi là tệ nạn quốc gia khi người đứng đầu ngành thay vì tuyên chiến lại cà lăm trước những hành vi ấy.
Nếu những hiện tượng đó chỉ là đơn lẻ, công chúng cần ông Bộ trưởng – bằng những thông điệp chính trị – cho biết chuẩn mực giáo dục mà Bộ thiết lập và các giá trị mà ông tin vào là gì. Khi việc sửa điểm, quấy rối tình dục và bạo lực xảy ra liên tục thì việc ông im lặng có giá trị như một sự đồng loã. Cách duy nhất ông có thể làm để cứu vãn uy tín của nền giáo dục là phải bày tỏ một thái độ chính trị rõ ràng – thường trong một đất nước mà uy tín “đảng cầm quyền” quan trọng hơn cái ghế của một cá nhân, người đứng đầu ngành sẽ xin từ chức (dù lỗi có thể từ người tiền nhiệm hoặc từ Hệ thống).
Ngày 16-11-2016, bình luận về phản ứng của ông Phùng Xuân Nhạ trước việc một số nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh bị điều tới nhà hàng tiếp khách, tôi viết mấy dòng dưới đây và tới giờ vẫn thấy không cần viết thêm gì nữa:
KINH NGHIỆM CHÍNH TRỊ & NỀN TẢNG GIÁO DỤC
Lẽ ra sai phạm của chính quyền Hồng Lĩnh đã như một đường banh chuyền cho Bộ trưởng Giáo Dục ghi bàn chứ không phải nhấn ông chìm vào một tình huống khủng hoảng truyền thông khác. Thay vì giận dữ trước việc các đồng nghiệp của mình bị lạm dụng, bị xúc phạm, ông đã phản ứng theo lối chia sẻ với các quan chức địa phương.
Phản ứng của ông Bộ trưởng là phản ứng của một quan chức trên nền tảng “văn hóa cán bộ”, thứ “văn hóa” cấp trên coi cấp dưới là thuộc hạ, chứ không phải phản ứng của một người có nền tảng văn hóa căn bản, biết tôn trọng con người, biết giới hạn quyền lực hành chánh (Phòng giáo dục hay hiệu trưởng chỉ được coi là cấp trên trong mối quan hệ công sở, liên quan tới công việc).
Không phải ông Bộ trưởng thiếu kinh nghiệm chính trị, ông thiếu nền tảng giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét