Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Làm thế nào để lực lượng lao động phi chính thức nhận được phúc lợi xã hội?

Làm thế nào để lực lượng lao động phi chính thức nhận được phúc lợi xã hội?

Hình minh họa chụp tại Hải Phòng, Việt Nam.Hình minh họa chụp tại Hải Phòng, Việt Nam.Courtesy: bhxh.gov.vn
Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong những năm vừa qua được đánh giá có tiến bộ về hoàn thiện hệ thống luật pháp cũng như các kết quả bước đầu trong tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, có đến gần 98% lực lượng lao động phi chính thức (tức những người tham gia lực lượng lao động tự do trong xã hội) tại Việt Nam không có bảo hiểm xã hội (BHXH).

Vì sao không có BHXH?

Lao động phi chính thức tại Việt Nam được ghi nhận chiếm hơn 60% lực lượng lao động và đóng góp khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia.
Theo số liệu trong báo cáo “Xu hướng Lao động & Xã hội Việt Nam 2012-2017”, do Viện Khoa học-Lao động & Xã hội cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện, cho thấy có đến gần 19 triệu lao động làm việc phi chính thức; trong đó tỷ lệ làm việc phi chính thức trong khu vực kinh tế chính thức là cao, chiếm 32,8% hồi năm 2014 và ở mức 32,4% vào năm 2016.
Truyền thông trong nước vào trung tuần tháng 3 dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê cho biết thu nhập bình quân hàng tháng của lao động phi chính thức vào tầm 4,4 triệu đồng/tháng, thấp hơn khu vực chính thức khoảng 30% và có đến 97,9% lực lượng lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.

Khi đề cập về thành phần lao động không chính thức ở Việt Nam, chúng tôi nhớ đến anh Phạm Thiện Minh Phong, người bán hàng rong bị Công an phường 4, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh đánh xuất huyết não hồi trung tuần tháng 4 năm 2016 khi anh Phong đang đậu xe trước cửa chợ Bình Tiên để bán trái cây. Vụ việc này xảy ra cách nay gần 2 năm đã từng thu hút sự quan tâm của dư luận. Báo giới quốc nội đăng tải thông tin đại diện của chính quyền địa phương đã hỗ trợ một khoản tiền trong lúc anh Phong nằm viện. Đài RFA liên lạc với anh Phạm Thiện Minh Phong trong những ngày cuối tháng 3 và được anh cho biết vụ việc của anh đã bị “chìm xuồng’ kể từ khi ra viện. Hiện tại anh Phong đang làm công việc giao hàng và cũng không có thông tin gì liên quan đến việc mua bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế, phòng khi gặp tai nạn lao động hay bị thất nghiệp. Anh Phong chia sẻ:
“Bây giờ em làm công việc giao hàng nhanh, ăn chuyến. Lãnh lương mỗi ngày. Đâu có bảo hiểm đâu. Trước giờ mấy việc mua bảo hiểm này nọ, em không biết.”
Tổng cục Thống kê thực hiện một khảo sát và công bố trong năm 2017, ghi nhận số liệu chỉ có 0,2% lực lượng lao động phi chính thức được đóng BHXH bắt buộc và 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Một trong những nguyên nhân mà Tổng cục Thống kê đưa ra khiến tỷ lệ lao động phi chính thức đóng BHXH rất thấp là do có đến gần 70% lao động phi chính thức làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có 3% các cở sở này đăng ký BHXH và hầu hết là các cơ sở ở khu vực kinh tế chính thức tham gia.
Một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng trấu, ở An Giang thuê 30 lao động làm việc, nhưng chủ doanh nghiệp này chỉ mua BHXH cho hai người. Chủ doanh nghiệp, không muốn nêu tên lý giải với RFA vì sao như vậy:
“Bắt buộc là phải mua bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn cho công nhân, mà tối thiểu là một người. Tôi mua cho hai nhân công (tài xế) là vượt mức quy định rồi. Theo đúng luật thì năm nay đóng bảo hiểm hơn 1, 4 triệu đồng/tháng. Chủ doanh nghiệp trừ tiền lương của công nhân 300-400 ngàn, còn lại chủ doanh nghiệp bù một triệu đồng. Bây giờ mà mua cho cả 30 công nhân thì một tháng doanh nghiệp mất hết 30 triệu đồng. Không mua nỗi đâu, lỗ chết. Bây giờ tôi mua cho các đội trưởng BHYT, 800 ngàn đồng/năm.”

Ảnh minh họa: Một người bán hàng rong, lao động phi chính thức ở Việt Nam.
Ảnh minh họa: Một người bán hàng rong, lao động phi chính thức ở Việt Nam. AFP

Chính sách của Nhà nước

Theo Điều 34 Hiến Pháp Việt Nam năm 2013 về quyền an sinh xã hội của công dân, đảm bảo an sinh cho mọi người dân và theo hai Nghị quyết số 15 và 16 của Đảng Cộng sản lãnh đạo đối với chính sách BHXH và BHYT, Chính phủ Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH và 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Báo cáo “Xu hướng Lao động & Xã hội Việt Nam 2012-2017” ghi nhận đến cuối năm 2017, Việt Nam có 13, 715 triệu người tham gia BHXH, tương đương 24,5% lực lượng lao động tại Việt Nam, tăng bình quân 5,1% trong giai đọan từ 2012 đến 2017, thấp hơn thời kỳ 5 năm trước đó, so sánh với mức tăng bình quân 6,3%. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động rời khỏi hệ thống để hưởng trợ cấp BHXH 1 lần. Chuyên gia tài chính-Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định xu hướng người lao động ở Việt Nam tham gia BHXH nhưng muốn rời khỏi hệ thống là do xuất phát từ bản chất thiếu ổn định của thị trường lao động Việt Nam:
“Tôi cho rằng bản thân người lao động hiện nay cũng không chắc chắn họ sẽ làm được bao lâu trong cái cơ sở làm công ăn lương để mà được tiền hưu trí sau này. Có thể lúc thì họ làm công ăn lương, lúc thì họ chuyển sang khu vực ngoài làm công ăn lương, tức thời gian đóng BHXH sẽ gián đoạn. Chính vì thế nó tạo ra tâm lý muốn lĩnh hưu luôn một lần và sau đó có thể họ không đóng BHXH nữa.”
Giới chuyên gia đánh giá đặc trưng nền kinh tế Việt Nam thể hiện ở tỷ trọng kinh tế phi chính thức. Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam tạo ra các yếu tố khiến cho lao động nông thôn di cư đến thành thị và khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng lực lượng lao động hàng năm đang giảm dần, tỷ trọng lực lượng lao động dưới 34 tuổi giảm trong khi tỷ trọng lực lượng lao động cao tuổi đang càng ngày gia tăng. Trước tình hình thực tiễn, giới chuyên gia cho rằng chính sách an sinh xã hội của Việt Nam gặp nhiều thách thức khi dân số đang già hóa và hệ thống BHXH còn non trẻ.

“Chính thức hóa” lao động phi chính thính thức

Tổ chức ILO vào đầu tháng 10 năm 2017 công bố thông tin việc làm phi chính thức tại Việt Nam đang có xu hướng giảm, qua ghi nhận giảm 1,6% trong hai năm từ 2014 đến 2016 và người lao động trong khu vực phi chính thức phải đối mặt với nguy cơ trở thành tầng lớp lao động nghèo. Báo giới dẫn lời của ông Philippe Marcadent, Giám đốc Văn phòng điều kiện việc làm ILO Geneva, Thụy Sĩ cho rằng việc “chính thức hóa” khu vực phi chính thức không chỉ giúp bảo vệ việc làm cho người lao động mà còn bảo vệ lợi ích cho cả doanh nghiệp và điều cần được thực hiện trong việc “chính thức hóa” phải bằng chính sách BHXH.

Truyền thông trong nước cũng nghi nhận ý kiến của một vài chuyên viên làm việc trong các cơ quan trực thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội khuyến nghị cần thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng đối với BHXH bắt buộc, có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kinh phí để người lao động phi chính thức được tham gia BHXH tự nguyện.
Đài Á Châu Tự Do trao đổi với một số người trong thành phần lao động phi chính thức, như anh Phạm Thiện Minh Phong, để tìm hiểu xem họ có sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện một khi được nhà nước hỗ trợ hay không và chúng tôi nhận được câu trả lời rằng nếu chi trả hàng tháng số tiền vài chục ngàn đồng thì có thể, còn như lên đến số tiền cả triệu đồng thì họ không kham nỗi.
Đài RFA cũng cố gắng tiếp xúc với giới chức trong Vụ Bảo hiểm Xã hội, thuộc Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, để hỏi thăm thông tin cập nhật về lộ trình của chính phủ trong việc thực hiện chính sách cho lao động phi chính thức tham gia BHXH tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không thể liên lạc được qua các số điện thoại công bố trên trang điện tử của bộ này.
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình lên tiếng với RFA rằng đây là một vấn đề mà Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đang nghiên cứu:
“Bên đó họ không chia sẻ (thông tin) đâu. Tôi cũng không có số liệu đâu.”
Chính phủ Hà Nội chủ trương BHXH là biện pháp an sinh xã hội bền vững và đang cố gắng thực hiện mục tiêu đã đề ra, cũng như khuyến khích lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức tích cực tham gia. Thế nhưng, không ít chuyên gia tỏ ra không lạc quan đối với chính sách hiện hành về BHXH của Việt Nam. Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng khẳng định với RFA rằng:
“Theo ILO, đến năm 2034 thì Quỹ BHXH Việt Nam có thể vỡ. Đó là dự báo đầu thôi, còn dự báo gần nhất là năm 2021.Và theo một số chuyên gia và những người làm việc trực tiếp tại Việt Nam, thậm chí cả Đại biểu Quốc hội Việt Nam, đánh giá là Quỹ BHXH Việt Nam không được minh bạch và thiếu hiệu quả trong hoạt động. Như vậy, Quỹ BHXH Việt Nam làm sao có tiền để trả cho công nhân trong tình trạng thiếu minh bạch và thâm hụt tài chính vì có tới 50% số doanh nghiệp không đóng BHXH, ngược lại Quỹ BHXH lại hoạt động giống như là một số ngân hàng tức cho vay vốn, mượn vốn lẫn nhau và mất vốn…”
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc, vào cuối tháng 11 năm 2018, công bố số liệu Việt Nam chạm mốc xấp xỉ 97 triệu người và là một trong những quốc gia có tỷ lệ người trên 60 tuổi tăng nhanh nhất trên thế giới. Giới chuyên gia cho rằng việc chăm sóc phúc lợi cho người già là một vấn đề khó khăn khi Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm những nước đang phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét