Bài đăng nổi bật

Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực

  Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực 14/03/2024 Reuters Triển lãm vũ khí ở Hà Nội, Việt Nam...

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Thủ tướng phải có lời xin lỗi

Thủ tướng phải có lời xin lỗi

1-8-2020
Nhân 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, Thủ tướng có bài phát biểu chào mừng tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ có đoạn như sau:
“Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý …
Anh Đức (bút danh của Bùi Đức Ái), Phan Tứ (bút danh của Lê Khâm), Nguyễn Sáng (bút danh của Nguyễn Quang Sáng), Trần Hiếu Minh (bút danh của Nguyễn Văn Bổng) đều không chết trong chiến tranh.
Anh Đức và Nguyễn Quang Sáng cùng mất năm 2014, Phan Tứ mất năm 1995, Nguyễn Văn Bổng mất năm 2001 đều cách cột mốc 1975 rất xa.
Bốn nhà văn trên đều rất nổi tiếng và đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm Hòn Đất, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Chiếc lược ngà, Mẫn và tôi, Rừng U Minh, Con trâu… viết về chiến tranh ở miền Nam mà bất cứ ai quan tâm tới văn hoá đọc và nền văn học hiện đại thời chống Mỹ và là học sinh phổ thông đều biết.
Đó là chưa kể: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng vẫn luôn xuất hiện cùng các tác phẩm và các hoạt động văn học nghệ thuật trên tivi, báo chí, sách vở sau 1975 bất cứ ai thường xuyên xem tivi, đọc báo đều biết.
Đó là chưa kể: Hầu như bất cứ ai sinh ra, lớn lên ở đất học truyền thống Quảng Nam không thể không biết và tự hào về nhà văn đồng hương Phan Tứ, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh để biết ông chết già hay hy sinh trong chiến tranh, nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng quê Quảng Nam từng là lãnh đạo Hội Nhà văn VN và tổng biên tập báo Văn nghệ rất nổi tiếng sau 1975.
Đặc biệt bất cứ lãnh đạo đảng và chính quyền Quảng Nam nào qua các thời kì cũng từng có mối quan hệ quen biết với nhà văn Nguyên Ngọc tác giả “Đất nước đứng lên”, người thường xuyên có mặt ở những sự kiện truyền thống và văn hoá ở Quảng Nam, để tìm hiểu về Nguyên Ngọc mà biết Nguyễn Trung Thành chính là bút danh của Nguyên Ngọc đang sống sờ sờ ở Hội An với tuổi 89.
Để xảy ra lỗi nặng này, nhất là lỗi bảo người còn sống đã chết trước hết do kẻ ngu dốt nào đã viết phát biểu cho thủ tướng dẫn ra 8 nhà văn hy sinh trong chiến tranh mà trật đến 5 người.
Sau đó là lỗi của thủ tướng không ý thức được nguyên tắc “không được phát biểu, chỉ đạo những lĩnh vực vì lý do nào đó mình không am hiểu.”
Thủ tướng cần cách chức ngay kẻ nào quá ngu dốt viết phát biểu cho thủ tướng vì làm tổn hại uy tín của thủ tướng nhất là thủ tướng đang ở tuyến đầu vất vả chỉ huy chống đại dịch.
Đồng thời không thể có cách khác là thủ tướng trực tiếp công khai xin lỗi gia đình nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng
và xin lỗi nhà văn Nguyên Ngọc vì nhầm lẫn… chết người trên.
Khi đoàn xe của thủ tướng đi vào phố cổ Hội An gây dư luận, lập tức thủ tướng đã xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc này. Dư luận đã cảm thông và chia sẻ.
Hy vọng lần này cũng vậy bởi vì việc chung trước mắt thủ tướng đang chỉ đạo đúng đắn quyết liệt chống đại dịch rất vất vả, người Dân sẵn sàng bỏ qua khi thủ tướng dũng cảm cầu thị thấy lỗi, nhận lỗi, xin lỗi.
Là chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch QH cũng là con người vì vậy không phải việc gì cũng biết đó là lẽ đương nhiên.
Vấn đề sẽ không còn là đương nhiên nếu chính các vị ở vị trí trên không ý thức được điều đó.

Nathan Law: “Tôi hy vọng rằng, tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua tự kiểm duyệt”

Nathan Law: “Tôi hy vọng rằng, tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua tự kiểm duyệt”

1-8-2020
Giống như tất cả các bạn, tôi phát hiện ra rằng tôi – cùng với năm người Hồng Kông khác hiện đang ở nước ngoài – nằm trong danh sách truy nã vì đã vi phạm NSL (luật ANQG) từ các báo tin tức. Tôi không biết tội phạm của tôi là gì và tôi không nghĩ rằng điều đó thậm chí có còn quan trọng không. Đây là những lời buộc tội vô căn cứ. Có lẽ, cuối cùng chỉ có một câu trả lời là tôi yêu Hồng Kông quá nhiều.
Kể từ năm 2014, tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm: Từ lãnh đạo sinh viên đến thành viên Hội đồng Lập pháp, và từ một tù nhân đến một nhà vận động quốc tế, tôi đã không một phút nào phản bội các giá trị và khát vọng dân chủ của Hồng Kông. Mọi người có thể nghĩ tôi không trung thực nếu tôi nói rằng tôi có thể tưởng tượng sáu năm trước rằng, vào thời điểm Hồng Kông bị phá hủy hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Trung Quốc vào năm 2020, do đó tôi phải ra đi, đi xa quá thực sự không biết khi nào tôi có thể trở về nhà.
Tôi đã chuẩn bị tinh thần rời khỏi Hồng Kông để lưu vong; nhưng khi điều này trở thành hiện thực vẫn làm tôi thất vọng, mất năng lực và làm tôi sợ hãi. Thật vậy, ai có thể tận hưởng sự tự do khỏi nỗi sợ hãi khi đối mặt với bộ máy chính trị hùng mạnh của Trung Quốc? Điều chúng ta có thể chọn là làm thế nào để đối phó với nỗi sợ hãi này: Đối với tôi, đó là hành động.
Tôi luôn luôn ủng hộ tự do và dân chủ ở Hồng Kông, cần có các lệnh trừng phạt của chính phủ nước ngoài đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, những người bóp nghẹt nhân quyền, cần có phản ứng quốc tế tích cực đối với các trại tập trung ở Tân Cương và sự sụp đổ của quyền tự trị Hồng Kông.
Các vụ bắt giữ, việc truất quyền ứng viên dân chủ, các bản tin truy nã – đây là những dấu hiệu cho thấy chúng tôi cần duy trì hoạt động trên mặt trận toàn cầu nhiều hơn nữa. Hồng Kông đã không có chỗ cho những quan điểm ôn hòa khi chúng ta nhấn mạnh sự phi lý của sự cai trị của Cộng sản Trung Quốc. Tôi thực sự yêu Hồng Kông: Địa hình, văn hóa, rung cảm. Nhưng điều tôi thích nhất là giá trị của người Hồng Kông và tương lai của mọi cư dân. Những gì tôi phải đối mặt là lớn hơn nhiều so với lợi ích và thua thiệt của riêng tôi. Cái giá của sự dịch chuyển là những gì tôi đã sẵn sàng trả giá.
Phương tiện truyền thông, mạng xã hội của tôi sẽ vẫn hoạt động. Tôi cũng hy vọng rằng tất cả các bạn có thể mạnh mẽ để chống lại khủng bố trắng thay vì chịu thua nó và tự kiểm duyệt. Đồng thời, tôi xin nhắc lại: Công việc vận động của tôi ở nước ngoài được thực hiện trong khả năng cá nhân của tôi, không có bất kỳ sự hợp tác nào với người khác. Kể từ khi rời Hồng Kông, tôi cũng đã ngừng liên lạc với các thành viên trong gia đình. Từ giờ trở đi, tôi sẽ cắt đứt mối quan hệ với họ.
Tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ sự an toàn của mình. Xin đừng lo lắng về tôi. Tôi vẫn có niềm tin vào tương lai.
Nguồn: FB Nathan Law

Phiên tòa “rọ mõm” nhóm Hiến pháp: 40 năm 6 tháng tù và 19 năm quản chế

Phiên tòa “rọ mõm” nhóm Hiến pháp: 40 năm 6 tháng tù và 19 năm quản chế

1-8-2020
Gia đình và người ủng hộ Facebooker Ngô Văn Dũng yêu cầu trả tự do cho ông. Nguồn: FB Nga Kim
Hôm nay 31/7/2020, phiên tòa ngày đầu tiên thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19 “tái lập trật tự” diễn ra tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh dành cho 8 người thuộc nhóm Hiến Pháp.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Tuấn Anh
Các hội thẩm nhân dân: Ông Lê Giáo và Ông Bùi Quang Việt
Đại diện Viện kiểm sát: Ông Mai Chiến Thắng
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra liên tục từ 8 giờ sáng đến hơn 6 giờ tối (nghỉ một giờ buổi trưa) xét xử các bị cáo về tội “Phá rối an ninh” theo Điều 118 Bộ luật hình sự.
Kết quả phiên tòa:
1. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh: 8 năm tù và 3 năm quản chế
2. Hoàng Thị Vang: 7 năm tù và 3 năm quản chế
3. Đỗ Thế Hóa: 5 năm tù và 2 năm quản chế
4. Hồ Đình Cương: 4 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế
5. Lê Quý Lộc: 5 năm tù và 3 năm quản chế
6. Ngô Văn Dũng: 5 năm tù và 2 năm quản chế
7. Trần Thanh Phương: 3 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế
8. Đoàn Thị Hồng: 2 năm 6 tháng tù và 2 năm quản chế
Tám người này bị bắt từ đầu tháng 9 năm 2018 khi đang chuẩn bị xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối Luật An ninh mạng và chữ viết Bùi Hiền (một kiểu chữ viết Tiếng Việt cải cách).
Trước khi bị bắt ít ngày, tối ngày 28/8/2020 có một người đàn ông điện thoại thông báo cho chị Hạnh biết hiện có khảng 200 cây đèn pin có chức năng phát điện, có thể sử dụng để tự vệ, chống trả lại lực lượng chức năng khi bị trấn áp và hỏi chị Hạnh có cần không? Sau khi trao đổi với anh Hóa và chị Vang, chị Hạnh đã đề nghị người đàn ông ấy hỗ trợ cho nhóm.
Chỉ một ngày sau, người đàn ông ấy đã “sản xuất” được 66 cây roi điện tự chế bằng ống nước, sử dụng pin điện thoại và hướng dẫn chị Hạnh đến một trụ điện đôi tại bến xe Chợ Lớn để lấy hàng chở về phát cho các thành viên của nhóm Hiến Pháp và những ai sẽ đi biểu tình ngày 04/9/2018.
Lực lược chức năng đã phát hiện và bắt giữ hơn chục người với tang vật là roi điện tự chế và… quyển Hiến Pháp nước CHXHCNVN cùng với thuốc chữa bệnh, thực phẩm để phục vụ cho cuộc biểu tình. Sau khi sàng lọc, còn lại 8 người, trong đó có anh Lê Quý Lộc, một tài xế xe công nghệ, chẳng liên quan gì đến nhóm Hiến Pháp.
Cáo trạng truy tố nhóm người này nhận tài trợ từ nước ngoài và khi tham gia biểu tình phải sử dụng hung khí tấn công lại lực lượng chức năng nếu bị trấn áp, nhằm gây bạo loạn, nếu có thời cơ thì cô lập sân bay, nhà ga, bến cảng, chiếm giữ trụ sở cơ quan nhà nước, tạo cớ để lực lượng vũ trang của Liên Hiệp Quốc nhảy vào can thiệp nhằm lật đổ chế độ nhà nước Việt Nam, xây dựng chính phủ lâm thời cầm quyền vào ngày 04/9/2018, theo như các Video Clip từ các thế lực thù địch ở nước ngoài mà các thành viên chia sẻ.
Tại phiên tòa, những người này đã nhận hành vi chuẩn bị biểu tình ngày 04/9/2018 vì đây là quyền Hiến định tại Điều 25 Hiến Pháp và không có mục đích chống chính quyền nhân dân, riêng anh Lê Quý Lộc kêu oan thì bị cho là ngoan cố, quanh co chối tội.
Về nguồn gốc nhóm Hiến Pháp, Cáo trạng ghi: “Khoảng đầu năm 2018, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số người sử dụng các tài khoản Facebook lập các diễn đàn phổ biến, làm cho người nghe hiểu sai lệch về nội dung các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình,… được quy định tại Điều 25 Hiến Pháp, nhằm kêu gọi mọi người xuống đường tham gia biểu tình đòi quyền tự do, dân chủ, quyền tự quyết.”
Đợt biểu tình lần trước (ngày 10/6/2018) họ đã xuống đường với lời thề “Quyết tử để dân tộc trường tồn”, lần sau họ hẹn nhau xuống đường mang theo dải vải trắng với ý nghĩa “Nước mất nhà tan” và hôm nay họ đã đứng trước vành móng ngựa.
Bản án tuyên trong tiếng sấm vang rền và cơn mưa nặng hạt không dứt.

Bản tin ngày 31-7-2020

Bản tin ngày 31-7-2020

BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin: Sau khi Hải Dương Địa Chất 4 rời khu vực khảo sát về neo tại đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, “sáng 31/7, Hải Dương Địa Chất 12 cũng di chuyển hướng về Vành Khăn. Có thể 2 tàu kết thúc kế hoạch khảo sát cũ về tiếp nhiên liệu, thực phẩm chuẩn bị cho các đợt hoạt động tiếp theo, có lẽ sẽ thay đổi khu vực khảo sát”.Chiều 30/7, Hải Dương Địa Chất 12 di chuyển tới khu vực Hải Dương Địa Chất 4 đã hoạt động trước đó, phía đông bắc Đá Bắc, quần đảo Trường Sa.
Malaysia bác ‘quyền lịch sử’ của Trung Quốc ở Biển Đông, theo VnExpress. Hôm 29/7, Malaysia đã gửi công hàm lên Tổng Thư Ký LHQ, có đoạn: “Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong ‘đường chín đoạn’. Các yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), vượt quá giới hạn địa lý và ranh giới thực chất của Trung Quốc được quy định trong công ước”.
RFI có bài: Trung Quốc tập trận trên không phận Biển Đông gởi tín hiệu đến Mỹ. Bài báo thuật lại bình luận của hãng tin AFP, cho rằng vụ tập trận của TQ “là một tín hiệu rõ ràng gởi đến phía Mỹ, trong cuộc đọ sức ngày càng thêm gay gắt giữa hai bên, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông vào đầu tháng 7”. Trước đó, người phát ngôn bộ Quốc Phòng TQ cáo buộc: “Hoa Kỳ muốn đóng vai trò trọng tài, nhưng lại chỉ phá hoại hòa bình”
Dòng người từ TQ tiếp tục vào VN, mang theo rủi ro an ninh, bệnh tật
Công an tỉnh Lào Cai vừa phá đường dây đưa 40 người Trung Quốc vào Việt Nam, VnExpress đưa tin. Hai nghi phạm cầm đầu một đường dây đưa người TQ nhập cảnh trái phép vào VN là Nguyễn Thị Thanh Nhàn, trú tại Lào Cai và Nguyễn Trịnh Văn Hưng, trú tại Khánh Hòa.
Phía công an cho biết, đầu tháng 4/2020, Nhàn quen một người TQ tên A Ma. Người này đặt vấn đề cần thuê xe ô tô để chở người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Sài Gòn. Nhàn nhận lời, thỏa thuận rằng với mỗi chuyến xe từ Lào Cai vào Sài Gòn, A Ma trả cho Nhàn 25 triệu đồng. Nhàn và Hưng khai nhận, đã thực hiện trót lọt 6 chuyến xe, mỗi chuyến chở khoảng 5 người tới Sài Gòn.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại cơ quan công an. Ảnh: VNE
Nguyễn Trịnh Văn Hưng tại cơ quan điều tra. Ảnh: VNE
Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết: “Trong tối qua, khi thực hiện tuần tra, kiểm soát và bằng nghiệp vụ, Công an quận Tân Phú đã phát hiện, tạm giữ một nam giới người Việt Nam tại Aeon Mall Tân Phú. Người này bị tình nghi đã dẫn 19 trường hợp mang quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện hôm 30/7”. Trong lúc bị tạm giữ, người có biểu hiện ho, sốt nên đã được cách ly, theo dõi sức khỏe và lấy lời khai.
Công an quận Bình Tân vừa bắt thêm 28 người Trung Quốc vượt biên vào TP.HCM, Zing đưa tin. Công an đã phát hiện nhiều người nước ngoài thường đến một phòng thu âm ở địa chỉ 1189 tỉnh lộ 10, phường Tân Tạo. Khoảng 8h30’ sáng nay, Công an quận Bình Tân kiểm tra hành chính cơ sở này và phát hiện 28 người TQ. Qua làm việc, tất cả những người này không xuất trình được giấy tờ có dấu nhập cảnh. Toàn bộ đã được đưa đi cách ly, kiểm tra y tế và lấy lời khai để làm rõ lộ trình vào VN.
8 người Trung Quốc bị Công an quận Tân Bình bắt vào ngày 30/7. Ảnh: Lê Trai/Zing
***
Lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ thêm 45 người từ Trung Quốc vượt sông nhập cảnh trái phép, VTC đưa tin. Trong số 45 người này có người VN, vượt biên nhập cảnh trái phép vì muốn trốn cách ly. Chiều 30/7, tại khu vực Mốc 1364 (2) + 200, thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, đồn biên phòng khu vực này phát hiện một nhóm 16 người vượt biên, không rõ có người VN hay không. Tối cùng ngày, bộ đội biên phòng phát hiện tiếp một nhóm 29 người VN nhập cảnh trái phép cũng tại khu vực trên. Tất cả đều đã được đưa đi cách ly.
Nhóm 29 người nhập cảnh trái phép bị Tổ tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ. Ảnh: VTC
Bộ đội biên phòng Kiên Giang lại bắt “nóng” 4 người nhập cảnh trái phép vào Kiên Giang để trốn cách ly, theo báo Người Lao Động. Trưa nay, tại khu vực mốc 301/1, tổ công tác phòng chống Covid-19 đã phát hiện 4 phụ nữ đang băng đồng từ phía Campuchia vào phường Đông Hồ, TP Hà Tiên.
Nhóm 4 người phụ nữ này không xuất trình được giấy từ chứng minh nơi ở ổn định, xuất cảnh qua biên giới. Họ khai nhận đã lén lút sang Campuchia rồi vào làm thuê trong casino từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý. Hiện tại, do ảnh hưởng dịch Covid-19, casino không có khách, cả 4 người lén về VN nhằm trốn cách ly y tế.
Mời đọc thêm: Lào Cai: Thủ đoạn của nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam (GĐ). – Các đối tượng người Trung Quốc vượt biên trái phép như thế nào? (GT). – Công an quận Bình Tân phát hiện 28 người Trung Quốc trong phòng thu âm (NLĐ). – Bắt 2 nghi phạm đưa người Trung Quốc vượt biên vào TP.HCM (PLTP). – TP.HCM cách ly 2 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, biểu hiện sốt (Zing). – Bắt 45 người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc bằng đường thủy (PL Plus). – Quảng Ninh: Phát hiện nhiều nhóm người nhập cảnh trái phép qua sông biên giới, đưa vào khu cách ly tập trung (ANTĐ). – Phát hiện thêm 4 cô gái vượt biên trái phép từ Campuchia vào Việt Nam (ĐSVN).
Tin nhân quyền
Hôm nay, một số báo “lề đảng” có đưa tin về vụ TAND thành Hồ xét xử và tuyên án đối với 8 nhà hoạt động trong nhóm “Hiến Pháp”. Họ bị cáo buộc hành vi phá rối an ninh, khi nhóm lên kế hoạch biểu tình tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, ở Sài Gòn, hai năm trước. Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tổ chức biểu tình bạo động, 8 bị cáo lãnh án tù.
Kết thúc “phiên tòa bỏ túi”, nhà hoạt động Nguyễn Thị Ngọc Hạnh bị tuyên án 8 năm tù, Hoàng Thị Thu Vang lãnh án 7 năm tù; cả 2 còn phải chịu thêm 3 năm quản chế. Các thành viên còn lại bị xử từ 2,5 năm đến 5 năm tù, cùng 2 năm quản chế. Họ bị cáo buộc “kêu gọi xuống đường biểu tình lật đổ chế độ nước ta của các cá nhân phản động lưu vong ở nước ngoài”.
Các thành viên nhóm Hiến Pháp tại phiên tòa ngày 31/7/2020. Ảnh: TT
Trước đó, Facebooker Võ Ngọc Lực đưa tin khẩn: Tình hình rất nóng tại Tòa án TP HCM. Ông Lực đưa tin, Tòa án thông báo xử công khai nhưng “rất đông lực lượng công an chìm nổi và côn đồ đã xua đuổi và tấn công người dân và người nhà của những người đang bị xét xử. Họ đòi đánh các người con anh Ngô văn Dũng có mặt trước cổng Toà án. Hiện nay gia đình các anh chị em và những người tham dự phiên tòa bị đuổi ra khỏi cách xa nơi xét xử hơn một km. Không một ai lọt vào được trong phiên tòa, xét xử một con người mà thậm chí một người nhà họ không được vào là sao?”
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khanh chia sẻ ảnh chụp người thân một số thành viên nhóm “Hiến Pháp” ở buổi xử sáng nay, trước tòa án ở thành Hồ: “Lâu nay những hình ảnh như vậy đã trở thành quen thuộc trong xã hội: Đó là những người thân, người quan tâm… của các bị cáo bị ngăn cản không được vào dự phiên tòa. Không những vậy, họ bị đủ các thành phần của nhà cầm quyền hăm dọa, xua đuổi, thậm chí đánh đập trước cửa ngôi nhà có tên công lý”.
Một số người thân của các thành viên nhóm Hiến Pháp không được vào dự phiên tòa “công khai”. Ảnh: FB Khanh Nguyễn
Cũng tin nhân quyền, RFA có bài: Tạp chí Nhân quyền do Hà Nội phát hành chục năm qua, ai đọc? Tạp chí mang tên “Nhân quyền” nhưng chỉ đăng những bài tuyên truyền “phản ánh thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực”, nghĩa là tô hồng cho chính quyền và làm ngơ các vụ vi phạm, các bê bối nhân quyền do an ninh CSVN gây ra. Cho nên, đa số người dân sống trong nước ít biết đến ấn phẩm này.
TS Nguyễn Quang A bình luận: “Tôi nghĩ việc của họ là họ cứ phải tuyên truyền. Thực sự nhân quyền ở Việt Nam bây giờ bị vi phạm một cách hết sức trầm trọng nhưng họ luôn luôn nói rằng thành tích nhân quyền của họ rất tốt”
VietNamNet có bài tuyên truyền, thể hiện giọng điệu quen thuộc của báo “lề đảng” khi bàn về nhân quyền: Bảo đảm tự do ngôn luận, chứ không cổ súy ngôn luận tự do. Một cái tựa bài thể hiện sự mâu thuẫn với chính nó, không khác gì nói rằng: “Đường này để đi nhưng không được đi trên đường này”. 
Chiến dịch “đốt lò”
VKSND vừa hoàn tất cáo trạng chính thức truy tố ông Nguyễn Thành Tài ra tòa, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Cựu phó chủ tịch UBND TP HCM bị truy tố vì sai phạm vụ “đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, gây thất thoát 1.927 tỉ đồng. Đây là vụ án mà VKS từng nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề, đến nay mới chính thức truy tố các bị cáo ra tòa.
Cáo trạng còn truy tố các ông Đào Anh Kiệt, cựu GĐ Sở TN&MT TP HCM, Nguyễn Hoài Nam, cựu Bí thư Quận ủy quận 2, Lê Thị Thanh Thúy, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue và Trương Văn Út, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở TN&MT, TP HCM. TAND TP HCM sắp xét xử ông Tài và đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
VnExpress có bài: Ông Nguyễn Thành Tài ‘gây thiệt hại 1.927 tỷ đồng’. Theo cáo trạng, bị cáo Thúy đã lợi dụng mối quan hệ tình cảm cá nhân với ông Tài, gửi văn bản cho Công ty Quản lý Kinh doanh nhà, tự nhận Công ty Hoa Tháng Năm của bà “có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính” để xin tham gia dự án ở số 8 – 12 Lê Duẩn mà không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án.
Tháng 6/2011, ông Tài đã ký quyết định cho Công ty Lavenue, do bà Thúy lập ra, dựa trên Công ty Hoa Tháng Năm, sử dụng toàn bộ khu đất số 8-12 Lê Duẩn xây khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. 
***

Covid-19: Thêm nhiều ca nhiễm mới trong ngày, Việt Nam có hai ca tử vong đầu tiên!

Covid-19: Thêm nhiều ca nhiễm mới trong ngày, Việt Nam có hai ca tử vong đầu tiên!

BTV Tiếng Dân
31-7-2020
Diễn biến dịch bệnh ở Việt Nam thay đổi theo chiều hướng phức tạp. Có lẽ bây giờ Việt Nam mới thật sự chống dịch sau khi phát hiện ca nhiễm cộng đồng ở Đà Nẵng hôm 25/7. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hôm nay Việt Nam có nhiều ca nhiễm nhất kể từ khi dịch Covid-19 vào Việt Nam. Bộ Y tế thông báo, thêm 45 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, Việt Nam có 509 ca bệnh.
Thống kê số các ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, tính từ 7/3/2020 đến nay. Nguồn: Bộ Y tế
Nhóm 45 bệnh nhân có độ tuổi từ 27 đến 87 tuổi, trong đó có 33 trường hợp bị lây bệnh tại BV Đà Nẵng, 4 trường hợp nhiễm bệnh tại BV Phổi Đà Nẵng, 2 trường hợp bị lây tại BV ung bướu Đà Nẵng, 4 trường hợp bị nhiễm tại Khách sạn dùng để cách ly bệnh nhân thận nhân tạo của Bệnh viện Đà Nẵng, quận Sơn Trà, 2 trường hợp dính bệnh tại Trung tâm Y tế Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Chiều nay, Bộ Y tế thừa nhận, Việt Nam có ca COVID-19 đầu tiên tử vong, vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng. Người tử vong là bệnh nhân số 428, một cụ già 70 tuổi ở phường Minh An, TP Hội An, Quảng Nam. Cụ có tiền sử suy thận mạn tính, đã chạy thận nhân tạo 2 lần/ tuần trên 10 năm, tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngày 9/7, bệnh nhân thấy tức ngực, mệt, nên nhập viện tại BV Đà Nẵng với chẩn đoán bệnh thận và tim, kèm viêm phổi.
Đến ngày 26/7, bệnh nhân 428 mới được xét nghiệm dịch hầu họng và cho kết quả dương tính với Covid-19. Khoảng 5 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh nhân 428 đã qua đời, phá vỡ thành tích “không có ca tử vong nào vì Covid-19” mà bộ máy tuyên truyền VN lặp đi lặp lại hơn 3 tháng qua.
BBC có bài: Covid-19: Bệnh nhân 428 tử vong, diễn tiến đưa tin ‘lạ’ của báo Việt Nam. Bài báo ghi nhận diễn biến khó hiểu trong việc tường thuật của báo chí chính thống về bệnh nhân 428 qua đời do Covid-19: “Ban đầu, trong ngày 31/7, các báo lớn đều đưa tin tử vong của bệnh nhân 428, nam, 70 tuổi, ở tại Phường Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam. Nhưng tính đến khoảng 15h30 chiều giờ Việt Nam, hầu hết các báo mạng ở Việt Nam, tuy đã đưa tin này, lại đã xóa“.
Đến 15h46, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế,Sức khỏe Đời sống, mới đăng tin chính thức. Các trang báo chính thống Việt Nam lúc này đã đưa tin trở lại về cái chết của bệnh nhân 428“. Qua đó cho thấy, nếu không có lệnh từ cấp trên, thì bệnh nhân 428 cũng không được chết do Covid-19!
Không chỉ VTC, một số báo “lề đảng” cũng tiếp lời Bộ Y tế, liên tục nhấn mạnh rằng bệnh nhân 428 tử vong vì nhiều bệnh nền, chứ không phải vì Covid-19 và sự chủ quan, háo thắng, của những người cầm quyền.
Liên tiếp 3 tháng trời, toàn bộ báo đài của chế độ liên tục tuyên truyền “Việt Nam thắng dịch”, thậm chí có tuyên truyền viên còn đặt câu hỏi mỉa mai: “Thế giới đang có dịch à?” Tâm lý chủ quan xuất hiện ở mọi tầng lớp trong xã hội VN, kể cả những nhân viên Y tế, cho nên bệnh nhân 428 xuất hiện triệu chứng viêm phổi từ ngày 9/7 nhưng đến tận 26/7 mới được xét nghiệm Covid-19, nên người này không cứu kịp nữa.
Ngay khi chúng tôi đăng bản tin này lên mạng, trang web của Bộ Y tế cập nhật thêm một ca tử vong nữa, tổng cộng là hai ca. Thông Tấn xã VN đưa tin lúc 22h21′: Thêm một bệnh nhân tử vong trên nền bệnh lý nặng và mắc COVID-19.
Đó là bệnh nhân nam, số 437, tên N.H.L, 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Vừa phát hiện nhiễm Covid-19, bốn ngày sau, bệnh nhân tử vong: “Bệnh nhân tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc Covid-19 ngày 27/7“.
***
Bộ Y tế đang khẩn cấp tìm người đi từ Đà Nẵng về Hà Nội trên chuyến bay VN166 ngày 25/7, theo báo Tiền Phong. Bộ Y tế phát thông báo đề nghị tất cả người đến thăm, chăm sóc bệnh nhân hoặc đến khám, điều trị tại BV Đà Nẵng từ ngày 1/7 và các hành khách trên chuyến bay VN166 lúc 8h30′, ngày 25/7, từ Đà Nẵng về Hà Nội, liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Tối nay, Bộ Y tế thông báo, thêm 3 người TP HCM, 8 người Quảng Ngãi nhiễm nCoV, VnExpress đưa tin. Chiều nay, Bộ Y tế cho biết, có thêm 37 ca nhiễm mới, trong đó có 26 ca từ nước ngoài về, được cách ly ngay khi nhập cảnh, còn lại là 11 ca lây nhiễm cộng đồng, gồm 3 ca ở Sài Gòn, 8 ca ở Quảng Ngãi.
Các ca ở Sài Gòn gồm, một ca ở quận 10, một ca ở quận Tân Phú, đều từng chăm người thân ở BV Đà Nẵng, một ca còn lại từ Quảng Ngãi vào ở quận Tân Phú, từng trị bệnh ở BV Đà Nẵng. Như vậy, cả ngày hôm nay, tính cả các trường hợp lây nhiễm nhập cảnh và lây nhiễm cộng đồng, và 20 ca nhiễm trên chuyến bay VN6 từ Guinea Xích đạo về Sân bay Nội Bài ngày 29/7, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở VN lên 546 ca.
_____

Mùa Covid-19, đột nhiên nhiều người bị ngã xuống chiến trường!

Mùa Covid-19, đột nhiên nhiều người bị ngã xuống chiến trường!

31-7-2020
Cả nước đang dồn sức chống dịch, không phải lúc tranh cãi hay phản biện. Thế nhưng, có những thông tin cần phải “nói lại cho rõ” ngay.
Nhân 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, Thủ tướng có bài phát biểu chào mừng tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ tổ chức ở Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ đã in toàn văn, có đoạn như sau:
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý… tạo nên “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” (Thơ Lê Anh Xuân), tô thắm hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, “anh giải phóng quân”.
Bài đưa lên lúc 7h47′ đến chiều 31/7 thì vẫn còn y nguyên*. Chứng tỏ nội dung trên được mặc định chính xác.
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Xin thưa, có 4 nhân vật lừng lẫy được liệt kê “ngã xuống chiến trường”, vẫn còn sống sau ngày đất nước thống nhất.
Thứ nhất, nhà văn Anh Đức, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1935, đến năm 2014 mới qua đời ở tuổi 79.
Thứ hai, nhà văn Nguyễn Sáng (bút danh khác Nguyễn Quang Sáng) được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1932, đến năm 2014 mới qua đời ở tuổi 82. (Còn có một Nguyễn Sáng nữa là họa sĩ Nguyễn Sáng, cũng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, sinh năm 1923, đến năm 1988 mới qua đời ở tuổi 65).
Thứ ba, nhà văn Phan Tứ, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1930, sau năm 1975 còn làm Đại biểu Quốc hội của Đà Nẵng, đến năm 1995 mới qua đời ở tuổi 65.
Thứ tư, nhà văn Nguyễn Trung Thành. Nghe có vẻ lạ, nhưng Nguyễn Trung Thành là một bút danh khác của nhà văn Nguyên Ngọc, được dùng giai đoạn viết tác phẩm nổi tiếng “Rừng Xà Nu”. Nhà văn Nguyên Ngọc sinh năm 1932, hiện nay vẫn còn sống khỏe mạnh và minh mẫn. Ông tự rút tên đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, nên nhắc đến ông trên báo chí chính thống thì bút danh Nguyên Ngọc được thay bằng bút danh Nguyễn Trung Thành.
Thủ tướng bận trăm công nghìn việc. Thủ tướng không có thời gian biên soạn, chỉ có thể đọc bài phát biểu chào mừng do người khác viết sẵn. Đồng chí trợ lý nào đã chấp bút cho Thủ tướng, mà lại thiếu cẩn trọng như vậy?
Đề nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến yêu cầu báo Tuổi Trẻ đính chính dùm…
*Ghi chú của Tiếng Dân: Đến 21h45′ ngày 31/7/2020, nội dung trên báo Tuổi Trẻ đã được cắt bỏ:
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ