Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Hoan hô lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nhưng đợi chờ các biện pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn

 

Hoan hô lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nhưng đợi chờ các biện pháp mạnh mẽ và thiết thực hơn

1. Khi bị Pháp bắt (1888) vua Hàm Nghi không muốn để lộ thân phận mình. Pháp cho đón nhà vua vào thành, bắt lính xếp hàng đón chào. Nhà vua thản nhiên nói: “Tôi chỉ là bề tôi, không dám nhận lời chúc mừng của các ông. Vua Hàm Nghi của chúng tôi hiện ở trong rừng sâu”.

Biết nhà vua là người giữ lễ, Pháp đưa thầy giáo cũ của vua Hàm Nghi là thầy Nguyễn Nhuận đến. Khi thấy thầy giáo cũ, vua Hàm Nghi đứng dậy vái chào. Người Pháp biết đích thực là vua Hàm Nghi (https://vtc.vn/cau-chuyen-ve-vua-ham-nghi-va-thay-giao-nguyen-nhuan-ar442782.html).

Nay nghe nói một Lãnh đạo đương chức rất cao của huyện Hưng Nguyên là học trò cũ của cô giáo Lê Thị Dung (vừa bị TAND Huyên Hưng Nguyên tuyên 5 năm tù giam ngày 26/4/2023). Lại được đọc bài thơ sau đây của cô giáo Lê Thị Dung vừa viết trong nhà giam:

TRÒ CHỨC QUYỀN

Học trò chức trọng quyền cao ơi

Nhân nghĩa ân tình đi đâu rồi

Kính thầy mến bạn cứ quên hết

Áo rộng, ghế cao người đơn côi

Học trò chức trọng quyền cao ơi

Óc rỗng, tim đen ta biết rồi

Ăn chơi, đàn đúm còn vênh váo

Cô giáo oan sai ngươi bỏ rơi

Cô giáo oan sai chỉ vì ngươi

Tham quyền giữ ghế nên buông lơi

Mặc cho một lũ quân gian ác

Đày đọa cô ngươi đến hết đời

Tù tội cô ngươi vẫn thanh cao

Nhân, nghĩa, hiếu, trung vẫn cuộn trào

Trí dũng oai hùng cười ngạo nghễ

Bất lễ bất tình ai dạy ngươi???

Nghĩ đến truyền thống của người Việt: “Mồng Một Tết Cha, Mồng Hai Tết Mẹ, Mồng Ba Tết Thầy” mà ứa nước mắt.

2. Bảo vệ cấp dưới là thước đo giá trị của cấp trên.

Vận động viên bóng rổ Mỹ Brittney Grine bị Nga quy tội buôn bán ma tuý và tuyên 9 năm tù, nhưng chỉ sau 10 tháng đã được Chính phủ Mỹ đưa về Mỹ bởi cuộc trao đổi tù nhân người Nga Viktor Bout. Hai công dân Mỹ tham chiến ở Ukraine là John – Robert Drueke và Huỳnh Ngọc Tài bị Nga bắt giữ ở Ukraine cũng được trả tự do nhờ Chính phủ Mỹ đàm phán với Nga qua trung gian Ả Rập Xê Út.

Tại sao hộ chiếu của các quốc gia mạnh có uy lực? Là vì công dân họ được Chính phủ bảo vệ mạnh mẽ. Bảo vệ công dân là thước đo giá trị của Chính phủ.

3. Nay rất mừng khi nghe tin Bộ GD&ĐT đã lên tiếng bảo vệ cô giáo Lê Thị Dung. Theo ông Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, thì Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Lãnh đạo Nghệ An, bày tỏ mong muốn cơ quan pháp luật Nghệ An xét xử công bằng, khách quan cho cô giáo Lê Thị Dung.

Giáo dục ‘bảo vệ lẽ phải’ là trụ cột quan trọng của nền giáo dục mọi quốc gia. Cô thầy giáo là người truyền dạy cho học trò biết sống nhân nghĩa, không bị tiền bạc cám dỗ, không sợ hãi trước quyền lực, phải bảo vệ chính nghĩa, phải bảo vệ lẽ phải. Nay cô giáo Lê Thị Dung bị tù oan mà Lãnh đạo Bộ GD&ĐT không bảo vệ được thuộc cấp của mình, thì làm sao các thầy cô giáo trong cả nước có thể truyền dạy cho học trò biết sống vì lẽ phải?

Rất hoan hô Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có động thái đầu tiên về trường hợp cô giáo Lê Thị Dung. Nhưng trao đổi chưa đủ để minh oan cho cô giáo Lê Thị Dung. Hy vọng rằng ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đọc được bài thơ của cô giáo Lê Thị Dung viết trong tù mà có những hành động mạnh mẽ hơn, bằng công văn, bằng trợ giúp pháp lý, bằng mọi biện pháp có thể để bảo vệ cô giáo Lê Thị Dung, chứng minh cho học trò và thầy cô giáo cả nước thấy sự toàn thắng của lẽ phải.

Án oan cô giáo Lê Thị Dung không thể là chuyện nhỏ, không phải là chuyện của một cá nhân. Đó là chuyện lớn của toàn xã hội. Vì nó huỷ hoại lòng tin vào công lý. Vì nó đang thể hiện ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’.

Những người lính sẽ luôn được tưởng nhớ

 

Những người lính sẽ luôn được tưởng nhớ

Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, có khá nhiều thi hài của những người lính VNCH được đưa về nghĩa trang nhưng chưa kịp an táng. Họ, sau đấy, đã an nghỉ bên nhau trong một khu mồ tập thể. Không có con số cụ thể nhưng những người trông coi nghĩa trang trước 30-4-1975 nói lại là lên tới hàng trăm người.

Cho dù không mộ chí và cùng một mặt bằng, khu mộ ấy luôn ở trong tầm mắt của những cư dân sống xung quanh. Đầu thập niên 2000, một nhà đầu tư về đây… những cư dân này đã “bàn giao” cho anh. Sau khi, xác định ranh giới, khu mộ đã được xây tường bao, đắp cao lên và thường xuyên nhang khói.

Năm ngoái, sau khi dự lễ khánh thành Đền thờ Liệt sỹ Trường Sơn trên đường 20 [ngôi đền được hai cựu binh Trường Sơn, nhà báo Nguyễn Đức Quang và nhà báo Trần Thế Tuyển (báo SGGP) vận động vốn xã hội, xây], tôi trở về quê ủng hộ nhà báo Hoàng Anh Minh, một người sinh sau chiến tranh, khi biết anh vận động xây đền thờ liệt sĩ bên Hồ Kẻ Gỗ.

Nơi bây giờ là lòng hồ, vào năm 1972, Quân đội NDVN đã cho xây một sân bay dã chiến. Hai mươi ngày trước khi ký Hiệp định Paris [7-1-1973], Mỹ ném B52 phá hủy sân bay. Chỉ riêng đợt bom ấy, có 32 nam nữ TNXP hy sinh. Cũng nơi bây giờ là lòng hồ, trong chiến tranh là con đường 22 huyết mạch. Không biết bao nhiêu xương máu đã đổ xuống.

Nhiều người giờ đây vẫn nằm lại dưới lòng hồ.

Hơn 10 năm trước, đã có một nhóm người từ miền Nam ra, phát tâm, đóng góp để xây ở đấy một am thờ khiêm nhường. Chúng tôi nghĩ, họ xứng đáng được tưởng nhớ.

Thành ngữ mới: Tư bản giãy chết

 

Thành ngữ mới: Tư bản giãy chết

Thấy không khí rộn ràng, cờ đèn kèn trống, hừng hực tinh thần… thù địch, chối bỏ hòa hợp (mà rõ nhất là việc “rút phép thông công” nhà phê bình văn học Đặng Tiến vừa qua đời, kiên quyết không có một dòng về giải thưởng nước Pháp vừa trao cho nhà văn Dương Thu Hương), kiên định con đường đi lên… nghèo đói, chợt nhớ lại những ngày sau “giải phóng”.

Như đã nói, đây là thứ thành ngữ mới, tồn tại trong thời gian khá dài hơn nửa thế kỷ ở nước ta, phổ biến vài chục năm trước 1975 ở miền Bắc, sau đó thêm vài chục năm nữa ở miền Nam và cả nước. Bây giờ thì ít được nhắc đến. Nó là sản phẩm của tư duy cộng sản, nằm trong loạt thành ngữ mới như “bơ thừa sữa cặn”, “đế quốc sài lang”, “phồn vinh giả tạo”, “đời đời bền vững”, “ngăn sông cấm chợ”… (những thành ngữ này, tôi đã viết và tải lên FB cả rồi), do chính người cộng sản đẻ ra, cả trong thực tiễn lẫn lý luận.

Cần phải nói ngay rằng các đảng và tổ chức chính trị khi đứng ra giành quyền lãnh đạo luôn đề ra đường lối, chủ trương, xu thế cho đất nước và dân tộc. Nước nào cũng thế thôi. Đảng nào cũng thế thôi, chẳng riêng gì người cộng sản. Khi nó là lý thuyết thì thường rất hay, chỉ có trải qua thực tiễn mới biết được thực chất. Vì vậy, nếu ngay từ đầu, những năm nửa đầu thế kỷ 20 mà ai đó bảo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là xấu, là dở, là không tưởng sẽ bị đám đông lên án ngay. Chết như chơi. Liên Xô khi ấy là hình mẫu của xu thế cách mạng thế giới, xây dựng chủ nghĩa xã hội xong sẽ tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Họ vẽ ra bức tranh đẹp, ưu việt hơn vạn lần chủ nghĩa tư bản. Những nhà cách mạng vô sản An Nam lặn lội sang học, lôi về và truyền bá ở nước mình.

Lứa chúng tôi sinh giữa thập niên 50 ở miền Bắc được nhét vào đầu biết bao lời hay ý đẹp về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nào “thiên đường của loài người”, “mùa xuân của nhân loại”, “xu thế tất yếu của xã hội”, “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” (trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa), “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” (xã hội cộng sản)… Rất vớ vẩn, không làm mà cũng có ăn. Đại loại họ cứ vẽ vống lên đủ thứ tốt đẹp để lôi cuốn đám đông cần lao, bất kể hiện thực cuộc sống diễn ra hoàn toàn ngược lại. Thế mà rất nhiều người tin. Tôi cũng tin. Mà không tin cũng chả được với họ.

Ở miền Bắc những năm trước 1975, học sinh cấp 3 và sinh viên đại học đứa nào cũng biết thuật ngữ “Ai thắng ai?” nói về cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Những giờ học chính trị và triết học Mác – Lênin, các thầy khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng phe tư bản, thực dân, đế quốc, bóc lột đang giãy chết, phe xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh. Bọn tư sản, chủ nghĩa tư bản bị dồn đến cùng đường, chó dại cắn càn, gây chiến tranh, nhưng sẽ không tránh khỏi bị diệt vong. Họ bảo “chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”. Diệt xong đế quốc, nhân loại sẽ lên thiên đường, “cùng làm cùng hưởng bình quân chia đều”, “bao giờ thế giới đại đồng/chúng ta sẽ thoát khỏi vòng gian truân”. Cuối những bài nhồi não, bao giờ các thầy hoặc báo cáo viên cũng kết luận “Sức ta là sức thanh niên/Thế ta là thế đứng trên đầu thù”, cả thầy lẫn trò đều hỉ hả.

Ngồi đáy giếng thấy bầu trời chỉ to bằng cái vung nồi. Tất cả sự thực đều bị bưng bít, gần như không ai biết chủ nghĩa tư bản nó thế nào. Bộ máy tuyên truyền của cộng sản rất thành công trong chính sách ngu dân. Đó là sự thực, mà thế hệ chúng tôi sinh sống ở miền Bắc thập niên 50 – 70 trải nghiệm rõ nhất. Cả thế giới bao la rộng lớn đa dạng như thế, nhưng người ta chỉ biết mỗi nước mình; mở rộng hơn chút nữa qua kênh văn học, phim ảnh và bộ máy tuyên truyền, báo chí mậu dịch thì biết thêm về những thiên đường Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cuba, Triều Tiên, Mông Cổ… Đó mới thực là mơ ước của loài người. Còn đám Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Nam Phi, Hà Lan… tất cả đều phồn vinh giả tạo, tư bản giãy chết, đều trong cơn hấp hối, cùng đường, sắp sửa bị diệt vong, mà người đào mồ chôn chúng không ai khác chính là chúng ta, những công dân đang hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đang bụng đói cật rét, khổ sở trăm bề nhưng nghe vậy sướng lắm.

Sự dối trá ấy bị xé toạc khi những người ở thiên đường miền Bắc được tận mắt chứng kiến cuộc sống và nền kinh tế ở miền Nam. Người cộng sản không thể ngờ và nghĩ rằng đồng thời với việc họ “giải phóng” được miền Nam thì chính miền Nam cũng giải phóng đầu óc u mê cho hàng triệu người Bắc. Họ tận mắt thấy chủ nghĩa tư bản ở miền Nam đã xây dựng một nền kinh tế hàng hóa dồi dào tới mức những người quen sống trong chế độ bao cấp có nằm mơ cũng không dám nghĩ.

Tháng 4.1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, chỉ một thời gian ngắn hiểu rằng những gì mình được trang bị về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản bị sụp đổ hoàn toàn, hay nói chính xác hơn là dối trá, đảo ngược. Những chuyến hàng hóa sinh hoạt, một dạng chiến lợi phẩm, ùn ùn chảy ra bắc, từ xe cộ, tivi, tủ lạnh, máy cassette, vải vóc, cục xà phòng, cây kem đánh răng, cục pin, hộp sữa tới cái kim sợi chỉ đều lên đường ngược bắc, đủ chứng minh cho cuộc nhận thức lại. Chả biết miền Nam “nhận họ” thì được cái gì, chứ miền Bắc “nhận hàng” không chỉ làm thay đổi cuộc sống vốn nghèo khó bền vững mà còn đổi cả nhận thức cho con người. Bây giờ còn rất nhiều người đã tham gia vào cuộc đối lưu nam – bắc ấy, nếu không tin cứ hỏi họ, chứ tôi chả dám đơn sai.

Rất tiếc là, tầng lớp cai trị đất nước sau năm 1975, cho tới tận bây giờ, hoặc không nhận ra điều đó bởi họ quá say chiến thắng hoặc cố tình lờ đi để củng cố quyền lực. Họ thừa hiểu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không thể nào đưa đất nước, dân tộc đến bến hạnh phúc; thừa hiểu phương thức sản xuất tư bản, xã hội tư bản có bao nhiêu điều tốt đẹp cần phải tận dụng và phát huy nhưng đối với họ thay đổi đường lối đồng nghĩa với tự sát nên cứ nhắm mắt lao vào đường hầm, tự đánh lừa chính mình, và ác độc nhất là lừa nhân dân, cả trăm triệu con người. Họ say sưa tự lừa dối chính mình/trong đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh.

Tôi còn nhớ, năm 1980, tại nhà văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1), ông Nguyễn Hộ khi ấy còn là yếu nhân của chính quyền TP.HCM đăng đàn diễn thuyết nói rằng chỉ 10 năm nữa Việt Nam sẽ thành cường quốc như Liên Xô, phe xã hội chủ nghĩa sẽ thắng lợi trên toàn thế giới. Cả hội trường vỗ tay rào rào. Vài năm sau, ông Hộ nhận thức lại (nói theo kiểu bây giờ là suy thoái, tự diễn biến), chả biết có nghĩ những lúc mình và đồng chí của mình đi trên mây và ngáo như thế không.

Cũng khoảng đầu thập niên 80, khi đám giáo viên chúng tôi người xanh rớt như tàu lá bởi ăn bo bo, mặt mũi ai nấy vêu vao (coi lại cái ảnh cưới do thầy Châu Hoàng Tiểng chụp đen trắng, chú rể là tôi, chỉ thấy hai gò má vêu ra, rất khiếp) thiếu thốn tới mức bốc thăm để được mua từng cuộn chỉ khâu bằng ngón tay út, viên đá lửa, con dao cạo râu… thì đám giáo viên chúng tôi được nghe ông Nguyễn Mại, khi ấy là Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về hợp tác đầu tư (tiền thân của Bộ kế hoạch – Đầu tư bây giờ) về hội trường của trường để thông não. Ông Mại say sưa khẳng định, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là cực kỳ đúng đắn, ai sẽ thắng ai, chủ nghĩa tư bản bóc lột tất yếu bị diệt vong. Chỉ chưa đầy chục năm sau buổi diễn thuyết của ông Mại, năm 1991, Liên Xô sụp đổ cái rầm, thành trì vững chắc của cách mạng thế giới tan như bong bóng xà phòng, kéo theo đám đàn em vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhưng cơ hội nghìn năm có một để thoát khỏi đường cụt đã bị giới cai trị xứ này bỏ qua. Sau này lịch sử công minh cần lên án, vạch tội.

Vừa rồi, có một facebooker còm cho tôi, rằng nếu không có người cộng sản thì liệu đất nước có được như bây giờ không. Lý luận ấy tôi không lạ. Tôi chỉ giả nhời ngắn gọn, đúng như thế. So với năm 1945, 1954, 1975 thì đã thay đổi khá nhiều, kiểu như nông thôn đã có nhiều nhà ngói, nhà mái bằng. Cuộc sống bây giờ là sản phẩm của người cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa, nên đó một phần là công của họ. Nhưng, nếu không có họ lãnh đạo, chắc chắn đất nước sẽ khác rất nhiều, tốt hơn nhiều, những rồng châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… chưa chắc đã hơn.

Nhìn ra xung quanh, đừng ngó xa Mỹ, Nhật, Đức, Hà Lan, Bỉ… làm gì, cứ chú mục vào mấy nước gần cũng đủ thực tiễn trả lời “ai thắng ai”, tư bản có giãy chết không. Những con rồng châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông đều là tư bản giãy chết. Những con hổ đang trỗi dậy trong khối ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Phippines không có nước nào theo chủ nghĩa xã hội. Họ càng giãy, càng vươn cao, tiến nhanh. Thậm chí “thằng em dại” Campuchia cũng đang ruổi những bước dài sau khi định lại đường lối, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, từ bỏ thứ lý luận cũ rích về chủ nghĩa xã hội.

Còn ta, cứ kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đã gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, thử nhìn xem đã tạo dựng được vị trí như thế nào. Chừng ấy thời gian mà vẫn thua cả Thái Lan thì phải biết xấu hổ, chứ đừng vênh mặt lên mà ảo tưởng “tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng”. Đẹp mà cứ kéo nhau sang tư bản giãy chết chữa bệnh, con cái từng đàn từng lũ sang tư bản giãy chết học hành, lập nghiệp, quyết không chịu sang những nước cùng phe như Cuba, Triều Tiên, thì đẹp ở chỗ nào.

Hiện thực thế giới rất rõ ràng. Không phải nước nào theo chủ nghĩa tư bản cũng giàu, nhưng những nước giàu nhất là những nước phát triển bằng đường lối và phương châm tư bản chủ nghĩa. Còn phe xã hội chủ nghĩa luôn chạy theo tư bản về nhiều mặt, nhất là kinh tế và mức sống của người dân. Nó, chủ nghĩa xã hội, như miếng da lừa, teo tóp dần, chẳng biết có giãy chết như tư bản không nhưng cứ dậm chân tại chỗ và thụt lùi so với các nước khác. Chủ nghĩa xã hội, nói một cách ngắn gọn, chỉ đem lại nghèo đói và lạc hậu.

Nếu đã xác định mục đích vì đất nước giàu mạnh, nhân dân sung sướng hạnh phúc, thì tại sao cứ phải chê bai chủ nghĩa tư bản, khư khư bám lấy chủ nghĩa xã hội.

Hãy dũng cảm làm cuộc đổi mới thật sự chứ không phải nửa vời, ông Trọng, ông Thưởng, ông Chính và các ông bà tai to mặt lớn ạ. Còn không thì mãi đi cùng các “bạn” Triều Tiên, Cuba, Venezuela và cuộc sống đầy bất công, nghèo đói.

Chói tai và vỡ vụn

 

Chói tai và vỡ vụn

Tạ Duy Anh

29-4-2023

Một bộ luật không cho phép kẻ bắt trộm một con vịt thoát sự trừng phạt, là cần thiết. Nhưng một bộ luật mà khiến kẻ bắt trộm một con vịt phải lĩnh án tới 7 năm tù, thì bộ luật ấy nhất định phải xem lại.

Trong tiểu thuyết “Đi tìm nhân vật”, tôi từng để nhân vật nói với mình thế này: “Tôi tự nhủ là mình không được mủi lòng. Còn những tiếng kêu khác của đồng loại, thê thảm hơn, chói tai hơn mà ta buộc phải làm ngơ”.

Nhân vật với tác giả đôi khi là một. Quả tình nhiều lúc tôi cũng đã rất muốn, thậm chí đã bắt chước, làm giống như nhân vật của mình. Cuộc sống có muôn vàn chuyện đau lòng, làm sao mình đủ sức để quan tâm đến tất cả.

Nhưng không phải cứ bịt tai là không nghe thấy những tiếng thét, nhất là những tiếng thét kêu đòi công lý.

Vụ án cô giáo Lê Thị Dung chính là một tiếng kêu chói tai như vậy.

Tòa án huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, đã tận dụng triệt để sự lỏng lẻo trong các quy định của luật, để tuyên án cô 5 năm tù giam, chỉ vì cô “làm thất thoát”, trong gần chục năm, hơn 44 triệu đồng. Họ dựa vào đâu để có bản tuyên án như vậy? Đây rồi, đó là tình tiết TÁI PHẠM NHIỀU LẦN. Nhờ tình tiết mập mờ này, các quan tòa đã Ơ-rê-ca tìm ra cái khung hình phạt ghê gớm, vốn chỉ áp cho tội phạm lớn.

Chỉ cần lấy hai vụ án còn rất mới làm “đối chiếu”: Vụ ông Đặng Thanh Bình làm trái gây thiệt hại cho nhà nước 15.000 tỷ đồng, với mức phạt 03 năm tù treo; vụ bác sỹ Nguyễn Quang Tuấn, công khai thừa nhận đã ăn hối lộ 10.000 USD (khoảng 240 triệu đồng, gấp hơn 5 lần số tiền cô Dung bị cho là ‘chi sai”) và thất thoát 53,6 tỉ đồng, bị xử với mức án 03 năm tù giam, thì nhắm mắt lại Tòa Hưng Nguyên cũng có thể phán quyết cô Dung chỉ phải hoàn trả số tiền 44 triệu 700 ngàn đồng (cứ cho là cô phải chịu trách nhiệm về việc chi sai” cho ngân sách), mà không sợ sai một li. Việc xử lý tiếp theo đối với cô Dung thuộc phạm vi hành chính.

Đẹp cả lý cả tình.

Giờ đây, nếu lấy mức án của cô Dung làm “đối chiếu” ngược, thì ông Bình sẽ phải bị phạt tù khoảng 4000-6000 năm, ông Tuấn ít nhất cũng là 300-1000 năm.

Một bộ luật không cho phép kẻ bắt trộm một con vịt thoát sự trừng phạt, là cần thiết. Nhưng một bộ luật mà khiến kẻ bắt trộm một con vịt phải lĩnh án tới 7 năm tù, thì bộ luật ấy nhất định phải xem lại.

Ngay cả với người có tội, thì công lý là để trừng phạt, chứ không phải để trả thù, tệ hơn ngàn lần nếu nó bị kẻ nắm quyền lực trong tay lợi dụng cho mục đích trả thù cá nhân.

Trong trường hợp khép tội cô Lê Thị Dung, hoặc Tòa án huyện Hưng Nguyên sai, hoặc TẤT CẢ chúng ta đều sai?

Tôi nghiêng về giả định sau.

Sửa chữa sai trái của một phiên xét xử, một bản án, thậm chí cả một cơ quan tư pháp, không có gì khó.

Nhưng sửa cái sai của tất cả chúng ta, thì rất khó.

Có những tiếng kêu chỉ gây chói tai, chỉ khiến ta bịt tai quay mặt. Nhưng khi nó biến thành những tiếng gào thét, có thể khiến vỡ vụn tất cả.

Tôi không muốn đưa ra ví dụ.

Cần hiểu đúng “Bản chất của Văn hóa”

 

Cần hiểu đúng “Bản chất của Văn hóa”

Nguyễn Đình Cống

29-4-2023

Về hình thức, lãnh đạo và tuyên truyền của Đảng trình bày nhiều và khá hay về Văn hóa, thấy được vai trò của nó là một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của xã hội (Kinh tế, Chính trị, Văn hóa). Thế nhưng trong nhận thức của nhiều người, kể cả một số có danh vị, chức tước cao lại có nhầm lẫn về bản chất của văn hóa. Nhầm lẫn này kết hợp với một vài thứ khác làm cho họ trở thành những kẻ bẻm mép và dối trá, nói một đàng, làm một nẻo. Dối trá trong chiến trận là được phép, dối trá trong kinh tế và chính trị là tệ hại, dối trá trong văn hóa và giáo dục là trò vô luân mà người lương thiện không được phép làm, nếu cố tình làm thì chưa lương thiện.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét rằng, Văn hóa là lĩnh vực khá phức tạp, dễ gây ra nhầm lẫn. Trong từ điển Tiếng Việt (GS Hoàng Phê chủ biên), từ Văn Hóa có 5 nội dung (ND) khác nhau, Đó là:

ND 1- Tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra,

ND 2- Những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần (là các hoạt động do Bộ Văn hóa điều hành, quản lý, như công việc xuất bản, biểu diễn, triển lãm, hội hè, di tích, bảo tàng v.v… Bộ Văn hóa hình như ít hoặc không quan tâm đến Văn hóa ở ND 1.)

ND 3- Tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát, như là học văn hóa, trình độ văn hóa phổ thông).

ND 4- Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh (như là người có văn hóa cao hoặc kém văn hóa).

ND 5- Nền văn hóa của một thời kỳ lịch sử (như nền văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa Núi Đọ…).

Bản chất của Văn hóa thể hiện ở ND 1. Khái niệm này có nội hàm phong phú, có ngoại diên rất rộng, vì thế có đến trên trăm định nghĩa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Ngoài định nghĩa ở ND 1, xin dẫn thêm vài định nghĩa tiêu biểu.

+ Văn hóa là tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt, ứng xử và giao tiếp.

+ Văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần còn lại sau thời gian, được cộng đồng xã hội tự nguyện lưu truyền từ đời này sang đời khác, thông qua các chuỗi sự kiện trong đời sống hàng ngày.

+ Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc.

+ Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa (Định nghĩa của Hồ Chí Minh).

Nhầm lẫn của nhiều người thể hiện ở chỗ, không phân biệt được rõ ràng BẢN CHẤT VĂN HÓA ở ND 1 với các Hoạt động văn hóa ở ND2. Nguyên nhân trực tiếp gây ra sự nhầm này có lẽ do sự tồn tại và hoạt động của Bộ Văn hóa. Tôi xin lỗi độc giả khi đưa ra Luận điểm này (kết luận) mà không nêu các luận cứ để chứng minh. (Nêu ra vài luận cứ thì chưa đủ sức thuyết phục, mà nêu ra nhiều thì tôi không đủ sức vì đang bị kẹt vào thế “lực bất tòng tâm”).

Sự nhầm này gây ra hiện tượng như sau: Một người (thậm chí người có cương vị rất cao) đang trình bày về những vấn đề liên quan đến Bản chất văn hóa thì lại đá vào các Hoạt động văn hóa và để cho chúng lấn át Bản chất. Nhầm như thế gây ra tác hại không những về nhận thức mà còn có hại trong thực tiễn, đến độ khi văn hóa xuống cấp, bản chất của văn hóa đang bị hủy hoại kéo theo sự tàn phá nền giáo dục mà không nhận ra, mà vẫn cứ nhơn nhơn tự hào về nền văn hóa “đậm đà bản sắc”.

Có văn hóa cá nhân, văn hóa của tôn giáo, của “đơn vị”, của vùng miền, của dân tộc. “Đơn vị” nói ở đây là một tổ chức đông người cùng hoạt động vì một mục đích như là Công ty, Tổng Công ty, Tập đoàn, Trường học v.v… Không phải đơn vị nào cũng có văn hóa riêng, nhưng chỉ những đơn vị có nền văn hóa tốt đẹp mới phát triển được bền vững. Một số thể hiện của văn hóa vùng miền, của dân tộc trở thành phong tục tập quán.

Văn hóa cá nhân là tâp hợp những tính cách, đạo đức, thói quen của người đó. Văn hóa của tôn giáo được hình thành từ Giáo chủ. Văn hóa của đơn vị, của vùng mlền, của dân tộc là tập hợp những suy nghĩ, những việc làm tốt đẹp đã trở thành thói quen. Mỗi ý nghĩ, mỗi việc làm như vậy trước tiên bắt đầu từ một người, những người khác thấy tốt, làm theo, dần dần trở thành phổ biến, tích tụ lại thành phong tục, thành văn hóa. Trong việc phổ biến, tích tụ này có vai trò của người dân và của người làm quản lý (chính quyền) trong đó vai trò của quản lý quan trọng hơn, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

Trong mỗi đơn vị, mỗi đất nước, có những việc công rất cần, rất hay, mang lại nhiều lợi ích. Việc ấy có thể do một ai đó nghĩ ra và đề xuất, nhưng có được làm thành công hay không còn phụ thuộc vào nhận thức và tình cảm của người đứng đầu. Chỉ có thể làm thành công khi việc ấy trở thành nhận thức chắc chắn, thành tình cảm sâu sắc của người đứng đầu. Còn nếu không được như vậy thì phần lớn chỉ dừng lại ở mức hô vài khẩu hiệu, xong rồi đâu lại vào đó.

Quay trở lại với vấn đề Đảng và Văn hóa. Về hình thức, Đảng rất quan tâm đến văn hóa, có nhiều phát biểu hay và đúng, nhưng lại mắc vào vòng kim cô của Mác-Lênin mà không thoát ra được những chiếc bẫy dối trá tự giăng ra rồi tự đút cố vào. Đó là chiếc bẫy cho rằng Mác – Lê là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, rằng Mác – Lê là văn hóa tiên tiến của thời đai.

Ảnh bìa sách: Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” của Trường Chinh. NXB Hội Văn nghệ VN – 1949

Thực ra Mác – Lê chẳng có gì là văn hóa. Họ chủ trương làm cách mang vô sản với động lực là sự thù hận giai cấp, rồi thiết lập thể chế vô sản chuyên chính của giai cấp công nhân vì cho rằng công nhân đại diện cho nền sản xuất tiên tiến. Thù hận không tạo ra văn hóa. Chuyên chính không tạo ra văn hóa và giai cấp công nhân không bao giờ đại diện cho nền sản xuất tiên tiến.

Chỉ xin dẫn ra vài thí dụ về việc Cộng sản Việt Nam vận dụng Mác – Lê để xem văn hóa ở chỗ nào. Đó là cải cách ruộng đất, là hợp tác hóa nông nghiệp, là cải tạo công thương nghiệp, là đàn áp phong trào Nhân văn, là độc quyền đảng trị tạo điều kiện cho một chính quyền tham nhũng, là sự tuyên truyền dối trá vê mọi mặt. (Hoặc như cách mạng văn hóa của Tàu Cộng).

Những người cho rằng có thể dựa vào Mác – Lê để làm chính trị và kinh tế là đã phạm sai lầm lớn, còn dựa vào Mác – Lê để phát triển Bản chất văn hóa thì sai lầm càng lớn hơn nhiều vì chủ nghĩa Mác – Lê chứa nhiều độc tố phản lại văn hóa của nhân loại. Đất nước này, khi lãnh đạo và quản lý chưa nhận ra tác hại của chủ nghĩa Mác – Lê và từ bỏ nó thì sự phát triển còn bế tắc.

Vụ án cô giáo Lê Thị Dung: Hậu quả của những quyết định sai trái (Kỳ 1)

 

Vụ án cô giáo Lê Thị Dung: Hậu quả của những quyết định sai trái (Kỳ 1)

Thái Hạo

29-4-2023

Liên quan hệ trọng đến vụ án cô giáo Lê Thị Dung đang gây rúng động dư luận, là việc sở Giáo dục Nghệ An “tuyển dụng chui” bà Nguyễn Thị Phương Thúy (giáo viên dạy Văn), rồi sau đó được UBND huyện Hưng Nguyên ra văn bản yêu cầu bà Lê Thị Dung (giám đốc TT) phải ký hợp đồng không thời hạn với bà Thúy khi mà bà Dung đã gửi liên tiếp 3 tờ trình và đề nghị giải quyết, vì giữa lúc TT này đã có 1 giáo viên Văn được biên chế từ năm 1993. Tuyển dụng sai quy định và trái pháp luật thì đã đành, nhưng nó còn gây ra những hậu quả tai hại không thể đong đếm hết được.

Cụ thể, vì TT đã có giáo viên dạy Văn và dư sức đáp ứng định mức dạy học theo quy định (15/17 tiết), vậy mà Sở GD lại đẩy thêm một người nữa về, khiến cho dư thừa. Chưa hết, trong lúc đó, TT lại đang có những môn khác không có một giáo viên nào, sự thừa thiếu cục bộ xảy ra ở mức đỉnh điểm như năm học 2019-2020, thiếu giáo viên tới 4 môn là Toán, Lý, Sử, Địa! Hãy hình dung, một TT dạy chương trình Giáo dục Phổ thông mà có tới 4 môn không có giáo viên nhưng Sở GD lại không tuyển những môn ấy, mà đi tuyển người cho 1 môn vốn đã có đủ giáo viên rồi, là cớ làm sao vậy?

Cách tuyển dụng và thi hành công việc chung như thế của Sở GD và các bên liên quan rõ ràng là phá hoại nền giáo dục, làm hỏng chương trình, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người học.

Còn nữa, theo đơn thư của bà Lê Thị Dung: “Vì những sai phạm trên không được xử lý dù đã báo cáo nên cô Thúy đã có thái độ cậy thế, ỉ lại, thách thức lãnh đạo Trung tâm, ngang nhiên không chấp hành đúng, đủ sự phân công công tác của người đứng đầu, tạo ra 1 hiệu ứng xấu, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bất ổn trong nội bộ Trung tâm”.

Vậy, quyết định tuyển dụng sai trái này và các hành vi tiếp sau nhằm bao che, hợp thức hóa nó không những đã phá hoại chương trình giáo dục và công tác dạy học, mà còn gây mất đoàn kết, làm lãng phí ngân sách quốc gia, khiến cho xáo trộn và có nguy cơ đẩy một Trung tâm giáo dục xuống bờ vực phá sản, tan hoang.

Ai mới đang xâm phạm đến lợi ích của nhà nước và nhân dân đây? Và ai mới là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đây?

Thế mà cô Dung lại bị kỷ luật, rồi bị bắt và kết án 5 năm tù sau khi liên tiếp gửi những tờ trình, đơn thư phản ánh để tìm cách khắc phục tình trạng bất cập và có tính tai họa này của TT do mình quản lý, nhằm mang lại quyền lợi cho người học và chấn chỉnh nề nếp làm việc của đơn vị. Là vì sao?

Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần cuối)

 

Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần cuối)

Tác giả: Henry Kissinger

Đỗ Kim Thêm, dịch

29-4-2023

Tiếp theo phần 1 — phần 2 và phần 3

Trong cuộc họp ngày 8 tháng 10, ông đột nhiên đưa ra một tài liệu chính thức, với tài liệu này, Hà Nội sẽ chấp nhận đề xuất cuối cùng của Nixon vào tháng Giêng. Ông xác định là: Đề nghị mới này đúng là của Tổng thống Nixon tự đề xuất: Đình chiến, chấm dứt chiến tranh, trao trả các tù binh và rút quân.

Chủ yếu các điều này là đúng, dù có một vài cạm bẫy được nhận ra trong các cuộc đàm phán. Nhưng khi chấp nhận chính phủ Sài Gòn như là một cấu trúc liên tục, chúng ta đã đạt được một trong những mục tiêu chính.

Khi Lê Đức Thọ chấm dứt, tôi yêu cầu có thời gian. Sau khi ông rời phòng họp, tôi quay sang Winson Lord, người bạn và là một phụ tá đặc biệt của tôi, bắt tay ông và nói: “Chúng ta có thể tiến hành việc này” (5).

Sau khi kềm chân chúng tôi gần ba năm dài, bây giờ, Lê Đức Thọ thay đổi hẳn thái độ, bởi vì Hà Nội nóng ruột khi cho rằng, các cuộc đàm phán đang đứng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; mặt khác, sau đó Hà Nội lo sợ phải thương thuyết với vị tổng thống tái đắc cử do đa số chọn.

Nixon ý thức rằng trong nhiệm kỳ thứ hai có lẽ ông sẽ gặp phải thái độ thù nghịch của Quốc hội, khi họ sẵn sàng cắt giảm các viện trợ cho chiến tranh.

Trong một thời gian ngắn, các tính toán về chiến thuật của hai phía cùng theo về một hướng: Cuối cùng, cuộc xung đột đã đến một điểm mà các học giả nghiên cứu về các giải pháp trong hội nghị cho rằng đã chín muồi.

Khi Lê Đức Thọ và tôi cùng trải qua ba ngày ba đêm dài để soạn thảo bản thoả thuận chung quyết (ngoại trừ việc đồng thuận của Nixon và Sài Gòn), hoà bình đang trong tầm tay, và Hà Nội thúc giục chúng tôi kết thúc ngay công việc.

Nhưng cả Nixon và tôi đều không muốn kết thúc cuộc chiến bằng cách áp đặt lên dân tộc mà họ đã đứng về phía chúng ta chiến đấu trong suốt 20 năm. Và Sài Gòn cũng biết rõ là cuộc chiến đấu sống còn của họ không thể kết thúc với một hòa ước, họ kiên quyết về các cuộc đàm phán được kéo dài qua các chi tiết, trong một tiến trình cho thấy là không phải chỉ có miền Bắc có khả năng chịu đựng. Thật ra, chiến thuật trì hoãn của Sài Gòn có ý nghĩa sâu xa hơn: Lo sợ bị bỏ rơi với một kẻ thù ngoan cố, mà từ “hoà bình” đối với họ chỉ có ý nghĩa chiến thuật.

Trong khoảng thời gian này, tình hình đúng là một sự đảo ngược, mà nó đã xảy ra trong suốt nhiệm kỳ đầu của Nixon: Hà Nội thúc ép chúng tôi kết thúc một thỏa ước mà họ kéo dài gần mười năm. Họ muốn quy định cho chúng tôi về những gì đã được thảo luận và công bố toàn bộ các văn bản về kết quả đàm phán.

Trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 10 năm 1972, tôi giải thích về diễn tiến của tình hình và nhấn mạnh là vẫn còn cam kết cho quy luật đàm phán. [Với sự đồng thuận của Nixon], tôi dẫn nhập bằng cách dùng câu: “Hoà bình đang ở trong tầm tay”. Tôi kết thúc lời tuyên bố với đoạn văn nhằm phản ảnh mức khẩn thiết và giới hạn của chúng tôi:

“Chúng tôi sẽ không để bị thúc ép trong một thoả ước, cho đến khi nào mà các quy định của thoả ước này là hợp lý. Chúng tôi cũng sẽ không để bị chệch hướng từ một thoả ước mà những quy định của thoả ước này là đúng đắn. Và với thái độ này và sự hợp tác của phía bên kia, chúng tôi tin là có thể tái lập rất sớm hoà bình và thống nhất tại Hoa Kỳ”.

Sau khi Nixon tái đắc cử vào ngày 7 tháng 11, Lê Đức Thọ tin rằng thời gian đã đến cho phía của ông và dùng các chiến thuật để làm đình trệ trong thời kỳ trước khi cuộc đột phá về đàm phán.

Cho đến đầu tháng 12, Nixon kết luận rằng, Hà Nội đang tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, ông đề ra một chiến dịch không kích với phi cơ B-52 để chống các mục tiêu quân sự. Lệnh này đã bị truyền thông, Quốc hội và quốc tế phê bình kịch liệt.

Nhưng hai tuần lễ sau, Hà Nội trở lại bàn hội nghị, và đồng ý các tu chỉnh do Sài Gòn đòi hỏi. Hòa ước Paris được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, văn bản bao gồm các điều khoản quan trọng mà Nixon đề ra một năm trước đó.

Chín quốc gia, cũng như các chính phủ Sài Gòn và Hà Nội và Cộng Sản miền Nam chính thức đồng thuận bản hòa ước và đánh dấu một cao điểm về chính sách Việt Nam của Nixon.

Tuy nhiên, vào tháng 3, Hà Nội lại vi phạm hòa ước một cách nghiêm trọng, bằng cách dùng đường mòn Hồ Chí Minh để đưa một số lớn thiết bị quân sự vào miền Nam. Đầu tháng 4 năm 1973, Nixon quyết định không kích trên các đường tiếp vận của Hà Nội. Việc này được dự định cho đầu tháng 4, sau khi các tù binh Mỹ hồi hương từ các nhà tù Bắc Việt.

Giữa tháng 4, John Dean, Cố vấn Toà Bạch Ốc, bắt đầu hợp tác với các công tố viên liên bang trong vụ điều tra liên quan đến các cáo buộc việc tham gia vụ nghe lén và các hoạt động khác của Nixon. Vụ lùm xùm này loan ra tai tiếng rất nhanh, mà ngày nay nổi danh là Watergate. Do ảnh hưởng của vụ này, Quốc hội dùng quyền bảo lưu để cấm toàn bộ các hành động quân sự tại Đông Dương.

Hòa ước Paris luôn tuỳ thuộc vào tinh thần sẵn sàng và khả năng chấp hành các điều kiện quy định này. Hòa ước dựa trên sự mặc định là, đầu tiên, như trong cuộc tấn công của Bắc Việt trong năm 1972, Sài Gòn đã chứng tỏ có khả năng cầm cự các khả năng quân sự của Bắc Việt, cho đến khi nào mà miền Nam nhận được tiếp liệu như đã ghi trong Hiệp định, (cụ thể là, các vũ khí và thiết bị được thay đổi trên căn bản một đổi một), thứ hai, trong trường hợp có một cuộc tấn công toàn diện của Bắc Việt, không lực Mỹ sẽ sẳn sàng hỗ trợ.

Trong cuộc điều tra Watergate, công luận mệt mỏi, không hỗ trợ cho một cuộc xung đột thêm tại Đông Dương. Quốc hội cắt giảm toàn bộ các viện trợ quân sự cho Kampuchea và vì thế, để nước này cho Khmer đỏ chiếm đóng. Quốc hội giảm bớt viện trợ quân sự và kinh tế cho Nam Viêt Nam đến 50%, cấm chỉ mọi hoạt động quân sự bằng bộ binh, không quân trong và tại các ven biển của Bắc Việt, Nam Việt, Lào và Kampuchea. Trong tình hình này, việc thực thi các giới hạn của Hiệp định là không thể được, và các hạn chế dành cho Hà Nội tiêu tan.

Với Hiệp định Paris, Nixon đã mang về cho đất nước một kết quả thể hiện được vinh dự và địa chính trị, mà kết quả này về sau bị choáng ngợp do thảm hoạ nội chính. Tháng 8 năm 1974, Nixon từ chức tổng thống. Tám tháng sau đó, Sài gòn thất thủ sau một cuộc tấn công toàn diện của quân đội Bắc Việt, kể cả các sư đoàn chiến đấu. Ngoài Hoa Kỳ, không một nước nào trong số chín cường quốc quốc tế đứng ra bảo đảm Hiệp định, phản đối.

Chiến tranh mang lại một sự phân hoá nội bộ trong xã hội Mỹ, cho đến nay vẫn còn xâu xé. Cuộc xung đột mang lại một phong cách trong cuộc thảo luận công cộng mà nó có ít liên quan đến nội dung hơn là động cơ chính trị và các bản sắc. Nổi giận đã thay thế cho cuộc đối thoại như là một phương tiện để thực hiện các tranh chấp, và sự bất đồng trở thành một cuộc xung đột của các nển văn minh. Trong tiến trình này, người Mỹ đang đứng trước cơ nguy trong việc quên đi các điều kiện mà các xã hội trở thành vĩ đại, nó không phải chỉ bằng chiến thắng của một phong trào hay đè bẹp chống đối trong nước, không phải là chiến thắng của phe này với nhóm kia, mà là qua một mục tiêu chung và hoà giải.

__________

Chú thích của tác giả:

1. Khi làm như vậy, Johnson đã tuân theo trường phái tư duy đang thịnh hành, thuyết này cho rằng những thách thức của cộng sản tại châu Á có cùng đặc điểm với châu Âu trong thập niên1940 và 1950. Do đó, Mỹ có thể chống lại bằng cách đề ra những lằn ranh an toàn cho dân chúng bị đe doạ, họ có thể tập hợp để theo đuổi tự do của họ. Thật không may, có một sự khác biệt quan trọng giữa hai trường hợp: về cơ bản, các xã hội châu Âu là gắn kết và do đó, khi mang lại được an ninh, họ có thể để xây dựng bản sắc lịch sử của họ.

Ngược lại, Đông Dương bị chia rẽ về sắc tộc và do nội chiến. Chiến tranh xâm lược diễn ra không chỉ qua các ranh giới theo địa lý mà còn ngay trong lòng xã hội. Năm 1965, Lâm Bưu, trợ lý của Mao, đã đưa ra một tuyên ngôn kêu gọi nông dân khắp thế giới trỗi dậy và đánh bại các thành phố. Cả hai chính quyền Kennedy và Johnson giải thích các thách thức của cộng sản là một cuộc thập tự chinh trong toàn cầu, mà trong đó Đông Dương tiêu biểu cho giai đoạn đầu tiên.

2. Tôi không có hồi ức hay phân tích lý do tại sao hoặc ai chọn tên cho các bí danh này.

3. Vào tháng 6, ngay trước khi Nixon khởi hành cho chuyến đi vòng quanh thế giới, một cuộc triệt thoái gồm 30.000 quân đã được thông báo. Việc cắt giảm này được đề ra để chuẩn bị cho bản tuyên bố tại Guam, nhưng dường như đến quá sớm trong chiến lược.

4. Xem Chương 3, trang 170-171.

5. Winston đã được thuyết phục không nên từ chức để phản đối Hoa Kỳ khi xâm nhập nhằm chống các căn cứ của Hà Nội đóng tại Campuchia trong năm 1970. Tôi lập luận rằng, ông nên lựa chọn giữa hai việc, một là mang băng biểu tình trước Toà Bạch Ốc và hai là ở lại trong một thời gian để chúng ta cùng nhau hoàn tất nhiệm vụ.

6. Các giả định có thể so sánh được đã chi phối và duy trì Hiệp định đình chiến Triều Tiên năm 1953.

***

Bài liên quan: Henry Kissinger đã bỏ rơi miền Nam như thế nào? — Hồ sơ tội trạng của Henry Kissinger – Chistopher Hitchens — Chuyện thắng thua sau ngày 30 tháng 4 năm 1975

Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 3)

 

Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 3)

Tác giả: Henry Kissinger

Đỗ Kim Thêm, dịch

29-4-2023

Tiếp theo phần 1 và phần 2

Bất chấp những cuộc biểu tình đang làm tê liệt Washington từ mấy tuần qua, Nixon kêu gọi đa số người Mỹ thầm lặng nên kiên quyết cho một nền hoà bình trong vinh dự.

“Đừng để các nhà viết sử ghi là, Mỹ một nước hùng mạnh nhất thế giới, chúng ta đứng bên kia lề đường và cho phép các hy vọng cuối cùng về hoà bình và tự do của nhiều triệu người bị bóp nghẹt bởi các sức mạnh của các chế độ độc tài. Và tối nay, trước quý vị là đa số thầm lặng dân chúng Mỹ, tôi yêu cầu quý vị hãy yểm trợ”.

Nhưng ông từ bỏ những gì trong tiến trình mà ông công bố, đây là lần duy nhất trong lúc tôi làm việc chung với ông. Khi chúng tôi tiến gần đến ngày hẹn chót của tối hậu thư tháng 11, Hà Nội không thay đổi thái độ hay tổng thống không có một quyết định gây hậu quả nào, theo đúng nguyên tắc là Cố vấn An ninh Quốc gia, tôi soạn thảo hai văn bản ghi nhớ đệ trình cho Tổng thống để phân tích vấn đề về các quyết định quan trọng.

Bản ghi nhớ đầu tiên phân tích, liệu việc Việt Nam hoá chiến tranh có thực sự đạt được các mục tiêu của chúng ta đã thoả thuận không. Bản thứ hai trong ngày hôm sau phân tích các động lực khích lệ cho một giải pháp ngoại giao trong các chiến lược hiện hành. Nixon quyết định duy trì các chủ trương đang tiến hành trên thực tế.

Để tránh việc leo thang quân sự mà ông đe doạ và Ban Tham mưu của ông chuẩn bị, cũng như tránh việc triệt thoái binh sĩ đơn phương do Hà Nội và các phong trào phản chiến tại Mỹ đòi hỏi, điểm chủ yếu mà ông quyết định theo đuổi tiến trình Việt Nam hoá, như ông đã khởi thảo trong cuộc họp báo tại đảo Guam. Trong bài diễn văn ngày 3 tháng 11, ông mô tả chiến lược là việc rút các binh sĩ Mỹ một cách tuần tự, cùng lúc các cuộc đàm phán tiến hành, cho đến khi nào Sài Gòn đủ mạnh cho một giải pháp chính trị, để người dân miền Nam có khả năng tự định đoạt cho số phận của mình. Chương trình Việt Nam hoá chiến tranh do Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laid triển khai và Nixon công bố, có nghĩa là một việc rút quân tuần tự của binh sĩ Mỹ, cùng với việc thay thế bởi các binh sĩ miền Nam. Khi Nixon đọc diễn văn, việc rút quân khoảng 100.000 binh sĩ Mỹ đã được thực hiện.

Lúc đó, tôi không thoải mái với quyết định của Nixon. Trong suốt nhiều năm, khi suy nghĩ về các giải pháp tương ứng khác, tôi kết luận rằng Nixon đã đề ra một tiến trình khôn ngoan hơn. Nếu như ông theo những trực giác đầu tiên, có lẽ ông sẽ có khủng hoảng nội các, nó kết hợp bởi các cuộc biểu tình phản chiến tại các thành phố làm cho cả nước sẽ bị tê liệt. Việc mở cửa cho Trung Quốc vẫn chỉ là một ý tưởng; các phản ứng đầu tiên Bắc Kinh vẫn chưa nhận được (4). Việc đối mặt đọ sức với Liên Xô tại vùng Cận Đông và Berlin chưa kết thúc, và các cuộc đàm phán với Liên Xô còn trong thời kỳ thăm dò. Hơn thế, lúc đầu năm quan trọng này, trong chuyến công du của Nixon tại châu Âu, các Đồng minh châu Âu đã tỏ ra có ác cảm, chống lại cuộc chiến tại Đông Nam Á.

Vì thế, dù có những dè dặt ban đầu, trong những năm sau đó, tôi thực hiện quyết định của Nixon với niềm tin tưởng. Cả Nixon và tôi đều tin rằng sự ổn định của một cấu trúc quốc tế được phát triển cần phải được minh chứng, thông qua một chiến lược khả tín của Mỹ, chúng tôi không hoang phí, nhất là đối với Trung Quốc và Liên Xô.

Bất chấp việc giới tinh hoa khinh miệt, Nixon cố gắng giữ lời hứa mà ông đưa ra với đa số người Mỹ thầm lặng, không phải chỉ tránh việc thất bại nhục nhã mà cũng tránh được việc gởi con em đến trong một cuộc chiến không kết thúc. Liệu các mục tiêu này có phù hợp theo trọng tâm của những cuộc thảo luận đang diễn ra trong cả nước không, và không khí bạo loạn trong các khuôn viên đại học và trên các đường phố, cũng như những chống đối thường trực của giới thân cận Nixon áp đặt các cưỡng chế.

Mặt khác, trong nhiều thập niên, Hà Nội đã không tranh đấu chống Pháp và Mỹ vì lợi ích của một tiến trình chính trị hay một thoả hiệp đã được đàm phán, nhưng chỉ muốn đạt đến một chiến thắng chính trị toàn diện.

Vì Nixon muốn cố thử xem có một giải pháp đàm phán không, ông chấp nhận các cuộc mật nghị về chính trị. Sau đó Hà Nội phái Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị, làm Trưởng đoàn Bắc Việt đến Paris, nơi mà tôi gặp ông khoảng cứ ba tháng một lần. Cuộc gặp gỡ này mang nhiều thực chất tiến bộ hơn các cuộc đàm phán chính thức, nhưng cũng với mức độ không đáng kể.

Xuân Thuỷ bắt tay Henry Kisinger trước sự chứng kiến của Lê Đức Thọ sau một lần đàm phán. Nguồn: Getty Images/ Fine Art America

Cứ mỗi lần gặp, Lê Đức Thọ đọc lời cáo buộc về những vi phạm của Mỹ gây ra đối với Việt Nam. Các điều kiện đòi hỏi tối thiểu và tối đa của Hà Nội giống nhau. Điều kiện tiên quyết cho Hà Nội đàm phán là chính quyền Sài Gòn phải được thay thế bởi các nhân sĩ “yêu chuộng hoà bình” và toàn thể lính Mỹ phải rút. Khi chúng tôi tìm hiểu định nghĩa của họ về những người “yêu chuộng hoà bình”, thì nhận ra rằng, không một khuôn mặt chính trị nổi danh ở Nam Việt Nam nào có đủ tiêu chuẩn của họ.

Nhưng Nixon không nản lòng. Hai năm sau, vào ngày 25 tháng 1 năm 1972, trước sự ngạc nhiên của giới truyền thông, họ cáo buộc rằng từ lâu ông không quan tâm đến tiến trình hoà bình, ông công bố biên bản các cuộc mật nghị của tôi với Lê Đức Thọ trong thời gian hai năm.

Trong một bài diễn văn trong cùng buổi tối, ông đưa ra một đề xuất chung quyết trong các điểm chính. Ông kết hợp một cuộc đình chiến, việc tự quản của chính quyền miền Nam và rút quân Mỹ, một chiến lược mà ông âm thầm chấp nhận giống như trong bài diễn văn trong ngày 3 tháng 11 năm 1969.

Hà Nội phản ứng bằng cách khởi động một cuộc tấn công vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 trong chiến dịch mùa hè đỏ lửa. Họ huy động tất cả các sư đoàn chiến đấu, ngoại trừ một sư đoàn, và lần đầu tiên kể từ khi Nixon nhậm chức, họ chiếm được tỉnh lỵ Quảng Trị.

Qua cuộc leo thang quân sự, Hà Nội suy đoán rằng Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng về một cuộc họp thượng đỉnh với Liên Xô, dự trù vào tháng 5 năm 1972, năm Mỹ có tranh cử.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi đang kết thúc các mục tiêu trong chương trình Việt Nam hoá chiến tranh: Cho đến cuối năm 1972, toàn bộ các đơn vị chiến đấu đã được triệt thoái. Cuối năm 1972, có ít hơn 25.000 binh sĩ còn lại trong nước, con số xuống thấp vì lúc Nixon nhậm chức là hơn nửa triệu. Trong khi các đơn vị bộ binh miền Nam đã tham chiến với sự yễm trợ của không quân Mỹ, để chống trả các cuộc tấn công mới của Hà Nội. Số lượng thương vong của binh sĩ Mỹ xuống thấp đáng kể, từ 16.899 trong năm 1968 còn lại là 2.414 trong năm 1971 và chỉ còn 68 trong năm 1973, khi Mỹ hoàn toàn rút hết các đơn vị còn lại ra khỏi nước, chiếu theo Hiệp định Paris.

Thời điểm của chiến dịch mùa hè đỏ lửa đã làm gia tăng nguy cơ vì Nixon có thể đáp trả bằng bất kỳ hành động nào. Chuyến Hoa du của Nixon là một bước lịch sử đầu tiên làm thay đổi Chiến tranh Lạnh; cuộc họp thượng đỉnh tại Moscow vào tháng Năm trở thành một diễn biến quan trọng khác. Tại Washington, đa số đồng thuận cho việc hạn chế quân sự; đúng như dự đoán, Nixon phản bác cách này.

Trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Toà Bạch Ốc vào buổi sáng ngày 8 tháng 5 năm 1972, Tổng thống xác nhận việc leo thang để báo thù có thể gây hại cho cuộc họp thượng đỉnh tại Moscow và các công tác trù bị này kéo dài hàng tháng. Nhưng nếu chúng ta không hành động gì hoặc bị đẩy lui ra khỏi Việt Nam, điều đó đoán chắc là, trong các cuộc đàm phán với Moscow, chúng ta mang danh là thoái thác vai trò lãnh đạo quốc gia.

Trình bày trước quốc dân trong ý nghĩa này, Nixon đề ra quan điểm của Mỹ. Điểm chủ yếu là ông lặp lại các đề nghị về hoà bình mà ông đã đề ra vào tháng Giêng: Ngưng chiến và triệt thoái quân Mỹ là điều kiện đáp ứng cho việc công nhận chính phủ Sài Gòn, một chính phủ được thành hình qua một tiến trình chính trị mà trước đó đã được thoả thuận.

Nixon giải thích: “Đối với chúng tôi, chỉ có hai vấn đề để lại trong cuộc chiến này.

Thứ nhất: Trước cuộc xâm lăng ồ ạt, chúng tôi phải đứng nhìn, gây thiệt hại cho sinh mạng của 60.000 người Mỹ, kể cả các nhân viên dân sự, để lại cho những người miền Nam trước một đêm dài khủng bố? Việc này sẽ không xảy ra. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì phải làm để bảo vệ mạng sống của người Mỹ và vinh dự của Mỹ.

Thứ hai: đối với các thái độ hoàn toàn ngoan cố trong bàn hội nghị, chúng ta phải liên kết với kẻ thù để thiết lập một chính phủ cộng sản tại miền Nam sao? Việc này cũng sẽ không xảy ra. Chúng ta sẽ không vượt qua lằn ranh từ tinh thần hào phóng để đến sự phản bội”.

Theo một nguyên tắc mà ông thường phát biểu, người ta phải trả cùng một giá trong một hành động nào đó khi làm nửa vời, cũng giống như khi làm trọn vẹn, Nixon bấy giờ ra lệnh thực hiện toàn bộ các biện pháp mà ông dự kiến lúc đầu cho năm 1969. Ông tiên liệu việc gài mìn các hải cảng Bắc Việt và ném bom các đường tiếp vận, bất cứ nơi nào mà họ đặt ra. Với các biện pháp này, ông huỷ bỏ thoả ước về việc đình chỉ không kích có hiệu lực từ năm 1968.

Moscow chọn cách né tránh các thách thức, và cuộc họp thượng đỉnh xảy ra đúng như dự trù. Liên Xô lên án việc leo thang, cũng như việc phong toả; tuy nhiên, họ giới hạn việc phê bình chỉ trong một buổi ăn tối tại tư thất của Breschnews. Liên Xô không đe doạ, cuối cùng, trong cùng trong buổi tối này, Ngoại trưởng Andrei Gromyko và tôi lại tiếp tục thảo luận về việc giới hạn vũ khí chiến lược (SALT).

Ngay sau cuộc họp thượng đỉnh, Nilolai Podgory, Tham mưu trưởng, nhân danh lãnh đạo nhà nước Liên Xô, đi thăm Hà Nội. Liên Xô không đề ra các biện pháp báo thù, Moscow kết luận, không thể từ bỏ các nỗ lực để làm quân bình đối với sáng kiến của chúng tôi về Trung Quốc.

Tháng 7, Đồng minh Nam Việt Nam tái chiếm Quảng Trị. Hà Nội trở nên bị cô lập, cả Liên Xô và Trung Quốc đều không viện trợ, ngoại trừ các phản đối chính thức. Trong cùng tháng, các cuộc đàm phán với Lê Đức Thọ lại tiếp tục.

Trong khi các quan điểm chính thức vẫn không thay đổi, nhưng ông có một giọng điệu thân thiện hơn. Ông đặt vấn đề tìm hiểu tốc độ mà đàm phán có thể đạt được một thoả thuận chung cuộc, ông dự trù đạt được mức đột phá.

(Còn tiếp)

Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 2)

 

Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Phần 2)

Tác giả: Henry Kissinger

Đỗ Kim Thêm, dịch

29-4-2023

Tiếp theo phần 1

Theo quan điểm của Nixon, quyền lợi quốc gia đòi hỏi phải có một đường lối trung dung giữa chiến thắng và rút quân. Theo Nixon, rút quân không điều kiện đưa đến sự thoái vị về tinh thần và địa chính trị, nói khác đi, một sự thiệt hại nặng nề về ý nghĩa của Hoa Kỳ đối với trật tự quốc tế.  

Khi Nixon nhậm chức, ông khám phá ra các lý do thiết thực để từ chối việc rút quân đơn phương. Vị Tham mưu trưởng Liên quân ước lượng rằng, để chuẩn bị cho việc rút nửa triệu quân và các thiết bị phải cần thời gian 16 tháng. Ngay cả khi cho rằng, việc ước lượng của vị Tư lệnh này bị ảnh hưởng do ác cảm, kinh nghiệm đầy hỗn loạn trong việc rút 5.000 lính Mỹ ra khỏi Afghanistan trong năm 2021 cho thấy tình trạng vô trật tự tiềm ẩn qua việc rút quân đơn phương trong điều kiện chiến tranh. Tại Việt Nam, có khoảng hơn 150.000 binh sĩ Mỹ và ít nhất là 800.000 binh sĩ Bắc Việt và một số lượng tương đương binh sĩ miền Nam, thái độ của họ là có cảm tưởng bị phản bội, có thể xảy ra từ sự thù nghịch cho đến hỗn loạn.

Chính vì thế, như đã tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử, Nixon quyết định đạt được sự liên kết một giải pháp ngoại giao với Liên Xô. Ông theo đuổi chiến lược này ngay khi đối diện cuộc tấn công của Bắc Việt, nó bắt đầu nội trong ba tuần sau khi ông nhậm chức, trước khi ông đưa ra bất cứ một hành động quân sự quan trọng nào, việc này làm cho hơn 6.000 binh sĩ thương vong trong sáu tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Nixon muốn tìm ra một sự kết hợp ngoại giao bằng cách áp lực buộc Liên Xô cắt giảm viện trợ cho Hà Nội. Ban Tham mưu của tôi dự kiến một kế hoạch ngoại giao để giải thích, trong đó chúng tôi chuẩn bị trình bày các tương nhượng cho Bắc Việt, để có thể thông qua Moscow. Song song, với bí danh “Duch Hook” (2), Ban Tham mưu của tôi có các chọn lựa khác là việc leo thang quân sự (chủ yếu là phong toả và ném bom). Trường hợp Moscow từ chối các đề nghị của chúng tôi, Nixon muốn cố thử áp đặt bằng bạo lực quân sự (việc này đã xảy ra, khi một phần lớn kế hoạch quân sự được thực hiện trong ba năm sau này, tháng 5 năm 1972, như là phản ứng trước việc tấn công của Hà Nội trong chiến dịch  mùa hè đỏ lửa).

Là nhà đàm phán của chính quyền Johnson với Bắc Việt, Cyrus Vance tỏ ra nhạy bén cho ý tưởng khi được bổ nhiệm làm đặc sứ trong trường hợp đề nghị của chúng tôi được đồng thuận.

Được Nixon thoả thuận, tôi đưa ra một khái niệm với Anatoli Dobrynin, Đại sứ của Liên Xô tại Hoa kỳ, mà không nêu chi tiết. Chúng tôi không nhận được câu trả lời nào từ phía Moscow, nhưng trong lần gặp gỡ đầu tiên vào tháng 8 năm 1969 với Bắc Việt, Xuân Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Nội, từ chối lời đề nghị với lập luận là Hà Nội không bao giờ đàm phán thông qua phe thứ ba.

Trong khi nghiên cứu về các đường lối ngoại giao, Nixon đề ra một khái niệm chiến lược toàn diện trước thế giới vào ngày 25 tháng 7 năm 1969. Về địa điểm của bài diễn văn, ông chọn một nơi vắng vẻ thuộc phía Tây Thái Bình Dương của đảo Guam, ông dừng lại ở đây vào buổi chiều trong chuyến công du khắp thế giới, ngay trước đó ông chào đón các nhà phi hành không gian Mỹ, khi họ vừa từ mặt trăng trở về.

Qua lời tuyên bố có vẻ đầy ấn tượng trong cuộc họp báo này, Nixon trình bày về chính sách Đông Nam Á; thực ra, bài diễn văn này đã được Toà Bạch Ốc chuẩn bị cẩn trọng và tu chỉnh ngay trong chuyến bay, nhằm nhấn mạnh đến mối bang giao của Hoa Kỳ và các đối tác trong vùng. Nixon cảnh báo về các nguy cơ do các chế độ Cộng sản tại Trung Quốc, Bắc Hàn và Bắc Việt gây ra và tiếp tục lập luận là:

“Hoa Kỳ phải tránh một chính sách mà các nước tại châu Á trở nên quá lệ thuộc vào chúng ta, đến độ mà chúng ta bị ràng buộc trong các cuộc tranh chấp như cuộc tranh chấp mà chúng ta có tại Việt Nam”.

Dĩ nhiên, báo chí tháp tùng có hỏi về các chi tiết mà Nixon đã chuẩn bị sẵn để trả lời. Ông đáp: “Tôi tin rằng, thời điểm đã đến khi Hoa Kỳ phải nhấn mạnh đến hai điểm về mối quan hệ đối với tất cả các nước thân hữu châu Á. 

Thứ nhất: Chúng ta sẽ tuân thủ các nghĩa vụ kết ước … nhưng thứ hai, trong những vấn đề có liên hệ đến an ninh nội địa và bảo vệ quốc phòng, với ngoại trừ việc các cường quốc có trang bị vũ khí hạt nhân đe doạ, Hoa Kỳ sẽ khuyến khích và có quyền kỳ vọng các quốc gia châu Á là sẽ càng lúc càng tự lo liệu về các vấn đề của họ và đảm nhận trách nhiệm”.

Những gì mà về sau nổi danh là “chủ thuyết Nixon” bao gồm ba nguyên tắc cơ bản:

1. Hoa Kỳ sẽ tuân thủ các nghĩa vụ kết ước.

2. Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng bảo vệ trong trường hợp cường quốc nguyên tử đe doạ tự do đối với một trong các nước đồng minh của chúng ta hoặc một nước mà sự sống của họ còn được Hoa Kỳ xem như cần thiết cho nền an ninh của Hoa Kỳ và toàn khu vực.

3. Trong trường hợp có các loại tấn công khác, nghĩa là, các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước của các cường quốc không có vũ khí hạt nhân, Hoa Kỳ sẽ yểm trợ bằng quân sự và kinh tế, khi được họ yêu cầu. Nhưng Hoa Kỳ cũng chờ đợi các nước bị đe doạ trực tiếp, đảm nhận trách nhiệm chủ yếu trong việc cung ứng nhân lực cho việc bảo vệ.

Trong khuôn khổ mà về sau được gọi là “Việt Nam hoá chiến tranh”, Hoa Kỳ muốn viện trợ quân sự, huấn luyện và yểm trợ không quân theo theo nguyên tắc thứ ba trong ba nguyên tắc kể trên, để cho Sài Gòn có điều kiện cầm cự cho đến khi nào đủ mạnh để tự bảo vệ. Mục đích của chủ thuyết Nixon là thể hiện việc người Mỹ  kiên quyết và khả năng của miền Nam Việt Nam có thể phòng thủ để Hà Nội đồng thuận về một giải pháp chính trị, nó cho phép dân chúng miền Nam tự quyết định tương lai của mình.

Nixon hứa tuân thủ các nghĩa vụ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh kết ước như Nam Hàn và Thái Lan và cũng bảo vệ các nước khác tại châu Á, khi họ bị các cường quốc nguyên tử đe doạ, việc này ám chỉ Trung Quốc và Liên Xô. Sự khác biệt giữa Nixon và các bậc tiền nhiệm là ông làm ràng buộc phạm vi các viện trợ Mỹ, các nước bị đe doạ phải tự nhận trách nhiệm bảo vệ. Mục tiêu chính là ông muốn trấn an các nước mà sự sống còn của họ dựa vào niềm tin về vai trò của Mỹ, khi các cuộc đàm phám để chấm dứt chiến tranh Việt Nam không đánh dấu về việc triệt thoái chiến lược từ châu Á (3).

Vào cuối nhiệm kỳ, tổng thống Johnson đã có các cuộc đàm phán chính thức với Bắc Việt và được tiếp tục dưới thời Nixon. Hàng tuần đại diện của Bắc Việt, Mỹ, chính quyền miền Nam của Sài Gòn và Mặt trận Giải phóng miền Nam gặp nhau tại khách sạn Majestic, Paris. Hà Nội không bao giờ xem các cuộc đàm phán này là một tiến trình ngoại giao, mà chỉ là một giai đoạn tiếp tục của một chiến lược tâm lý, để họ làm hao mòn ý chí của Mỹ và làm sụp đổ chính quyền “bất hợp pháp” của Nam Việt Nam.

Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử năm 1969, Tổng thống Johnson công bố với niềm hy vọng tràn trề là Bắc Việt theo đuổi hai mục đích trong các cuộc đàm phán này: Đối với chính phủ Nam Việt Nam phải mất tính chính danh, để trước hết Hà Nội hoàn toàn từ chối đàm phán với họ và kiên trì là Mặt trận Giải phóng miền Nam là phía đàm phán cho miền Nam tại bàn hội nghị.

Sau khi một thoả hiệp được tìm ra để cả hai phe của miền Nam được tham dự đàm phán chính thức, Hà Nội từ chối không hề nói đến bất cứ vấn đề nội dung nào. Mục tiêu của Bắc Việt là kéo dài các cuộc đàm phán cho đến khi nào Hoa Kỳ kiệt sức hoặc do các phản đối của dân chúng Mỹ đến độ phải quay lưng từ bỏ Đồng minh Nam Việt Nam.

Diễn đàn đàm phán chính thức tại khách sạn Majestic mà phái đoàn Bắc Việt do Xuân Thuỷ lãnh đạo, mang lại một kỳ tích bất thường. Trong bốn năm được gọi là đàm phán, không có tiến bộ nào đạt được và kết quả chỉ nhằm trình bày hàng loạt các lời tuyên bố cho có hình thức với nội dung rỗng tuếch.

Vào mùa hè năm 1969, Nixon tìm hiểu rằng qua kênh đàm phán với Moscow có thể đạt được kết quả đầy vinh dự theo quan điểm của chúng tôi. Trước khi thực hiện cách này để gia tăng áp lực, ông quyết định thử lại một lần nữa khi khởi động lại các cuộc đàm phán. Việc này có hai phần: Tôi phải huỷ chuyến du hành thế giới để hội kiến với Xuân Thuỷ tại Paris vào ngày 4 tháng 8 năm 1969. Đó là cuộc mật nghị đầu tiên mà từ đó cho đến tháng 4 năm sau, một kênh mật đàm giữa Lê Đức Thọ và tôi diễn ra.

Pháp là quốc gia duy nhất trong khối NATO có quan hệ ngoại giao với Hà Nội, và cuộc gặp gỡ do Jean Sainteny, Đại sứ Pháp tại Hà Nội, thu xếp. Đối với tôi, phu nhân của Sainteny là một người bạn thân thiết sau khi bà đã tham dự một khoá học quốc tế kéo dài ba tháng trong khuôn khổ chương trình mùa hè của Đại học Harvard, do tôi giảng dạy. Nhờ thế, cuộc mật nghị giữa các giới chức của Nixon và Việt Nam diễn ra trong một căn phòng sang trọng của Sainteny trên đường Rivoli. Khi ông giới thiệu những người Việt cho chúng tôi, ông đặt điều kiện là không được phép phá vở bất cứ các đồ gia dụng nào.

Một cuộc trao đổi sau đó cho thấy trước viễn cảnh bế tắc trong ba năm sau. Xuân Thuỷ lên lớp giảng dạy về cuộc chiến đấu hào hùng của người Việt cho độc lập và lòng kiên quyết của Hà Nội để theo đuổi cuộc chiến cho đến cùng. Tôi nghe các lời này lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong nhiều năm và kết thúc bằng việc công bố các điều kiện tiên quyết của Hà Nội. Đến phiên tôi, tôi giải thích là sẵn sàng đàm phán trên cơ sở của một tiến trình chính trị mà tất cả các phe nhóm, kể cả những người cộng sản, có thể tham gia.

Nixon chỉ thị cho tôi nên dùng cơ hội cho các biện pháp táo bạo. Tôi đã truyền đạt là nếu cho đến ngày 1 tháng 11 mà chúng tôi không có được một hồi đáp giá trị nào về các đề nghị của chúng tôi thông qua các kênh ngoại giao của hai phía, chúng tôi sẽ cứu xét đến các biện pháp khác hơn là ngoại giao, có hàm ý về việc dùng biện pháp quân sự. Xuân Thuỷ, cũng như những nhà đàm phán Việt mà tôi gặp gỡ, họ tỏ thái độ rất lịch sự khi trả lời bằng cách lặp lại các điều kiện tiên quyết của Hà Nội: Mỹ rút quân và chính phủ Sài gòn sụp đổ trước khi có các cuộc đàm phán đầy ý nghĩa.

Vì Nixon không có ý định thảo luận trong các điều kiện như vậy, nên vào ngày 20 tháng 10 tại Toà Bạch Ốc, ông quyết định lặp lại một tối hậu thư cho Dobrynin, Đại sứ Nga. Nixon cầm một tập ghi chú màu vàng từ trên bàn của phòng Bầu Dục đưa cho vị Đại sứ và nói: “Tốt hơn, ông nên đưa ra một vài ghi chú”. Dobrynin đặt vài câu hỏi cần làm sáng tỏ và cho là không biết gì về nội dung của vấn đề. Để ép Moscow và Hà Nội phải cho ngày hẹn chót, Nixon còn đi xa hơn khi cho rằng ngày 3 tháng 11 ông dự trù sẽ có bài diễn văn nói chuyện về vấn đề Việt Nam. Việc này trở thành một trong các cách hùng biện nhất của ông.

(Còn tiếp)