Khi sân khấu tín ngưỡng hạ màn
28-3-2019
Có thể thấy rằng vụ bê bối chùa Ba Vàng đang được dàn xếp rất nhanh, gói ghém lại mọi thứ, với mục đích không để công luận xoáy vào và tìm hiểu thêm. Trên website của chùa, hình ảnh liên quan với các quan chức nhà nước cấp cao đã được gỡ sạch trong một đêm. Các quyết định trừng phạt cá nhân nhanh chóng được đưa ra, cùng với việc trụ trì Thích Trúc Thái Minh trở nên im lặng, cho thấy từ bên trên chính quyền đã có một quyết định chung cuộc.
Tất cả những điều đó, như đang muốn chặn đứng câu hỏi dồn dập từ quần chúng “ai bảo kê cho chùa này?”, “ai đầu tư kiếm lợi từ chùa?” và số tiền khổng lồ hàng năm không có thuế, chỉ nằm trong két sắt của chùa, hay còn được chuyển vào tài khoản của quan chức nào khác?
Làm tiền, lũng đoạn tinh thần tín ngưỡng của quần chúng và âm mưu làm băng hoại hình ảnh Phật giáo, là những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Chùa Ba Vàng chỉ là một điểm trong tấm bản đồ dày đặc chạy dài suốt Việt Nam. Nên nếu để thông tin tự do lan tràn và đào sâu, chuỗi mạo danh nhà Phật này sẽ bị bóc trần toàn bộ.
Sự kiện chùa Ba Vàng, Quảng Ninh gợi nhớ về những sự kiện tương tự ở người đàn anh vô thần Trung Quốc. Năm 2015, sư trụ trì Shi Yongxin, người được biết đến như là một “CEO Thượng tọa” cho việc kinh tài của Thiếu Lâm Tự, bị tố giác là lạm dụng tiền bạc trong nguồn thu khổng lồ của chùa này, cũng bao gồm từ việc cúng sao, giải hạn, cầu an, bán vé vào cửa… Theo cáo giác, chỉ trong năm 2015, chỉ riêng việc bán vé vào tham quan chùa thôi, với 100 nhân dân tệ/người, Thiếu Lâm Tự đã thu về khoảng 7,3 triệu USD.
Nhưng sự việc không ngừng ở đó, khi mọi chuyện đổ bể, người ta biết được Thiếu Lâm Tự chỉ giữ lại được có 1 phần 3 số tiền đó. Phần còn lại thì được chia cho quỹ đen của chính quyền địa phương. Trong bài phân tích có tựa đề The decline and fall of Chinese Buddhism – how modern politics and fast money corrupted an ancient religion (tạm dịch: Sự suy tàn và sụp đổ của Phật giáo Trung Quốc – làm thế nào mà chuyện chính trị và làm tiền nhanh đã hủy hoại một tôn giáo có từ ngàn xưa) của tác giả Mimi Lau, đăng trên tờ SMCP, tháng 9/2018, có nói rõ rằng Thiếu Lâm Tự cũng như hàng ngàn ngôi chùa mới được xây dựng ở Trung Quốc, luôn có một hội đồng điều hành, mà trong đó các đảng viên CS, quan chức nhà nước cùng tham gia.
Một nghiên cứu của giáo sư Zhe Ji, từ Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông ( Institut National des Langues et Civilisations Orientales) tại Paris, cho thấy ở nhiều chùa, thủ quỹ là người được chính quyền địa phương chỉ định. Chi tiêu riêng cho chùa phải trình lên, trụ trì cũng không được tự quyết”.
Dĩ nhiên, giờ đây, buôn bán thánh thần, và diễn đạt tín ngưỡng dưới ngọn cờ tam vô của chủ nghĩa cộng sản, là những nơi có thể làm ra tiền nhanh và nhiều đến mức chóng mặt.
Cách đây 10 năm, chính quyền Bắc Kinh tìm ra đủ các phương thức mà quan chức tham nhũng giấu hay chuyển tiền đi. Nhưng từ khi việc đầu tư vào xây chùa, đền thờ, dựng lễ hội ra đời… là cách thức rửa tiền nhanh và hợp pháp nhất mà quan chức đích thân ra tay, hoặc núp bóng dưới các công ty đầu tư du lịch. Đó là lý do vì sao, chính quyền Bắc Kinh với chính sách nhất quán thù ghét tôn giáo, nhưng lại cho phép xây dựng hàng ngàn chùa, đền, tượng Phật lớn kỷ lục… trong suốt 3 thập niên.
Nói về tốc độ xây dựng chùa, đắp tượng lớn, theo thống kê của Giáo hội Phật giáo quốc doanh Việt Nam, từ năm 1997, đến năm 2007, cơ sở thờ tự Phật giáo chỉ tăng lên vài trăm (từ 14.048 ngôi, lên 14.777 ngôi). Nhưng vào thời gian gần đây, từ 2007 đến 2017, đã có đến 18.466 ngôi. Con số tăng trưởng này, giải thích phần nào tình trạng đột phát các chùa tranh nhau gây quỹ, thu tiền, bịa đặt các nghi thức đắm đuối mê tín… Ghê sợ hơn, qua việc tập hợp đám đông, những nơi như vậy còn dẫn dụ đám đông quên đi hiện thực điêu tàn của đất nước, chia rẽ tôn giáo và thậm chí còn hủy hoại cả lòng yêu nước trước ngoại bang.
Một điều dễ thấy của đạo pháp – xã hội chủ nghĩa, là chính quyền không chủ trương tạo ra những bậc cao tăng, những bậc trí giả Phật giáo để giác ngộ chúng sinh, mà chỉ tạo ra đám đông mặc áo sư cùng chuông đồng và nhang khói. Bởi bản chất của chính quyền tam vô luôn lo sợ các bậc trí giả đó sẽ hướng chúng sanh đi vào chính đạo. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Mimi Lau, Trung Quốc vĩ đại chỉ có 240.000 đại đức, nhưng hơn phân nửa là từ Tây Tạng. Quốc gia rộng lớn này thu tiền vô kể từ Phật giáo, nhưng chỉ có 41 trường đào tạo Phật học, nhưng người đến học thì bị kiểm soát chặt bởi Ban tôn giáo Chính phủ (State Administration of Religious Affairs). Ngay tại Việt Nam, sau 44 năm thống nhất địa lý, nhà nước cộng sản Việt Nam đã không thể có được những bậc trí giả Phật giáo như Tuệ Sỹ, Thích Nhất Hạnh, Lê Mạnh Thát…
Phía sau sự phát triển Phật giáo như một cách kiếm tiền nhanh và lũng đoạn quần chúng là gì? Các nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy nhiều trụ trì vì ganh tị với cách kiếm tiền của nhau, lại dựa thế có có các quan chức hay giới tài phiệt đỏ chống lưng, nên vẫn tìm cách hãm hại, đạp đổ nhau.
Cũng là chùa dựa vào mê tín, vòi tiền tín hữu… nhưng Thích Thanh Quyết lại mạnh miệng chỉ trích Thích Trúc Thái Minh. Phía sau của Thích Thanh Quyết là một vị thế chính trị vững chắc hơn, đang hậu thuẫn chăng? Thật khó đoán. Nhưng điều có thể nhìn thấy ngay lúc này, là những kẻ giả sư, giả đạo đang đẩy dân tộc và đất nước vào con đường như điên như dại. Sân khấu tín ngưỡng ấy, cũng đang hạ màn như qua một cuộc giải vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét