Vụ bắt cóc từ Berlin về Việt Nam- Người nắm giữ bí mật bị bắt giữ ở Singapore
Một nhân viên tình báo Việt Nam muốn chạy sang nước Đức và bị bắt giữ tại Singapore, liệu anh ta có biết chi tiết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Nhật báo taz của Đức đăng tin hôm 1.1.2018, ông Phan Văn Anh Vũ đang trên đường sang Đức để khai báo về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh thì bị tạm giữ ở Singapore
BERLIN taz | Một sĩ quan tình báo Việt Nam đã chạy trốn ra nước ngoài. Địa điểm muốn chạy tới: nước Đức. Blogger Bùi Thanh Hiếu hiện đang sống tại Berlin cho biết, ông ta muốn tiết lộ những thông tin nội bộ về vụ bắt cóc cựu chính trị gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về Hà Nội vào mùa hè năm ngoái cũng như các tài liệu cực kỳ nhạy cảm cho các nhà điều tra ở Berlin.
Tuy nhiên, nhân viên tình báo Phan Văn Anh Vũ đã bị cảnh sát bắt giữ ở Singapore kể từ ngày 28 tháng 12. Điều này đã được xác nhận bởi luật sư của ông Remy Choo với đài BBC của Anh Quốc, theo đó, Việt Nam đã ngăn cản ông ta có thể đi du lịch xa hơn bằng cách hủy bỏ hộ chiếu và yêu cầu dẫn độ ông ta.
Các phương tiện truyền thông của Việt Nam đã đưa tin từ hơn một tuần nay rằng Phan Văn Anh Vũ đang bị truy nã gắt gao. Ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo đảng Cộng sản cầm quyền, trực tiếp kêu gọi phải bắt giữ ông ta. Khi Bộ Công an lục soát nhà riêng của ông ở miền Trung Việt Nam vào ngày 21 tháng 12, thì ông ta đã biến mất.
Phan Văn Anh Vũ, 42 tuổi và như các phương tiện truyền thông đưa tin, ông ta chịu trách nhiệm mua bán bất động sản cho cơ quan tình báo ở Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Ông bị cáo buộc là Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước và hành vi sai trái về kinh tế, nhưng cụ thể là gì thì các phương tiện truyền thông Việt Nam không nêu rõ. Theo blogger Bùi Thanh Hiếu hiện đang sinh sống tại Berlin cho biết thì ông ta sử dụng các thương vụ bất động sản để tài trợ cho các hoạt động của đơn vị tình báo TC 5. Theo blogger Hiếu thì đó chính là đơn vị chịu trách nhiệm về việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin để dưa về VN.
Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các cơ quan tình báo
Blogger Bùi Thanh Hiếu, người điều hành một blog tiếng Việt đối lập từ Berlin với 162.000 người đăng ký theo dõi, cho biết ông đã liên lạc với viên sĩ quan tình báo này từ hai tháng trước. Viên sĩ quan này có hỏi thăm dò qua ông rằng liệu anh ta có thể xin tị nạn ở Đức nếu anh ta cung cấp cho các điều tra viên cảnh sát biết về vụ bắt cóc. Bùi Thanh Hiếu nói: "Đó không phải là chủ định để đến Berlin. Đó mới chỉ là một ý tưởng. Nhưng sau đó một trong những cuộc gọi điện thoại của chúng tôi đã bị nghe trộm và anh ta đã không còn đường nào để thối lui."
Một trong những lý do khiến anh ta có những suy nghĩ chạy trốn theo ông Hiếu cho biết là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai cơ quan tình báo trong việc kinh doanh bất động sản. Vũ, người đang bị truy nã, kinh doanh bất động sản cho cơ quan tình báo của Công an. Tuy nhiên, cơ quan tình báo của quân đội cũng đã chú ý đến công việc kinh doanh đất đai đầy hấp dẫn tại thành phố Đà Nẵng, nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vào mùa thu năm ngoái. Vũ đã đánh giá mình bị rơi vào tình thế nguy hiểm giữa cuộc đấu đá tranh giành quyền lực này.
Nhà báo Lê Trung Khoa ở Berlin xác nhận rằng những cuộc đấu đá tranh giành về việc buôn bán bất động sản ở Đà Nẵng đang rất khốc liệt. Ông Khoa điều hành một tờ báo trực tuyến song ngữ ở Berlin, có tới 1,5 triệu lần truy cập mỗi tháng. Ông cho biết: "Vào tháng 4, một người lạ đã tuồn tài liệu qua trang Facebook của tôi, những tài liệu cho thấy, Vũ, kẻ đang trốn chạy, đã tham gia vào các thương vụ đất đai bất hợp pháp". Ông Khoa đã từ chối phổ biến vì từ Berlin ông không thể kiểm tra tính xác thực của các tài liệu đó.
Trong một văn bản của luật sư Singapore được blogger Bùi Thanh Hiếu trưng dẫn, thì theo luật của Singapore, anh ta có quyền được trình bày trước một phiên tòa trước khi việc dẫn độ về Việt Nam được đặt ra, cũng trong văn bản đó luật sư cho biết là đã đặt đơn xin tị nạn cho anh ta tại một tòa Đại sứ quán một quốc gia của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các đơn xin tị nạn chỉ có thể được thực hiện ở tại các quốc gia muốn xin tị nạn chứ không phải trong các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
Bản dịch của Dân Luận từ báo TAZ/Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét