Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa (Kỳ 4 - Kỳ cuối)

Bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải là khai tử Pháp chế xã hội chủ nghĩa (Kỳ 4 - Kỳ cuối)

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Tiếp theo Kỳ 1Kỳ 2Kỳ 3
Hội đồng thẩm phán cố ý làm sai lệch chế định Chủ tịch nước
Liên quan đến án tử hình, Khoản 1 Điều 258 (Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi đưa ra thi hành) Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định: “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước”. Điểm d Khoản 1 Điều 367 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định tương tự. Các điều luật này là phù hợp với Khoản 4 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, theo đó “Bất kỳ người nào bị kết án tử hình phải có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt”. Tóm lại, chỉ sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình thì bản án tử hình mới có thể được thi hành. Theo Điều 35 Bộ luật hình sự 1999 và Khoản 4 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015, trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, ngày 5/5/2020. Photo PLO
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trong phiên giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, ngày 5/5/2020. Photo PLO
Cũng cần nói thêm rằng Chủ tịch nước không có quyền ân giảm án tử hình nếu người bị kết án không xin ân giảm hoặc chỉ kêu oan. Trong trường hợp người bị kết án tử hình có đơn kêu oan thì Văn phòng Chủ tịch nước trả hồ sơ về cho Chánh án Tòa TANDTC để giải quyết theo thẩm quyền (Điều 9 Quy chế số 72 QC/LT VPCTN-TANDTC ngày 30/10/2003 phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và TANDTC). Đơn kêu oan sẽ được TANDTC xem xét như đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm.
Sau khi Tòa phúc thẩm giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, người này gửi Chủ tịch nước đơn xin ân giảm án tử hình. Ngày 24/5/2011, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. 5 tháng sau, ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Trên cơ sở hai Tờ trình này, ngày 17/5/2012 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 1639/TB-VPCTN-m, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải và yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước.
Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN-PL-m thông báo Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải. Trên cơ sở Công văn này, ngày 22/11/2019, Viên trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm (1).
Tranh luận với đại diện VKSNDTC tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán cho rằng Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải là một quyết định tố tụng và Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính, văn bản hành chính không thay thế được quyết định tố tụng. Do đó, vẫn theo Hội đồng thẩm phán, Viện trưởng VKSNDTC ra Kháng nghị trên cơ sở Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là vi phạm pháp luật?! (2). Quan điểm này sau đó được phản ánh trong Quyết định giám đốc thẩm.

Quyết định này ghi: “Chủ tịch nước đã có Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17/5/2012 bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số 688/VPCTN- PL-m, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải”. Pháp luật tố tụng hình sự quy định, các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền, chứ không thể thay thế bằng một văn bản hành chính. Trong khi Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành nhưng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo yêu cầu của Chủ tịch nước “bảo đảm đúng quy định của pháp luật” tại Công văn nói trên” (3).
Mấu chốt là phải chăng Quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải là một văn bản tố tụng? Để có lời giải đáp, cần thiết phải xem pháp luật xác định thế nào là văn bản tố tụng và tiếp đó, chế định Chủ tịch nước.
Khoản 1 Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất”. Theo Điều 1 Bộ luật này, hoạt động tố tụng gồm “tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự”. Như vậy, văn bản tố tụng là văn bản được ban hành bởi các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động này.
Điều 86 Hiến pháp 2013 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013 không hề có nhiệm vụ tiến hành tố tụng nói chung, “tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự” nói riêng. Ngược lại, vẫn theo Điều 88, Chủ tịch nước có một số quyền hạn liên quan đến tư pháp. Khoản 3 Điều này quy định Chủ tịch nước có quyền ra “quyết định đặc xá”. Tuy Hiến pháp không quy định chi tiết, “đặc xá” theo nghĩa thông thường bao gồm ân giảm án tử hình hay tha tội chết và tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt (4).
Như vậy, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia chứ không phải là cơ quan hay người tiến hành hoạt động tố tụng, bất luận hình sự, dân sự hay hành chính. Việc xem xét ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước do đó không phải là một giai đoạn của tố tụng hình sự, không phải là kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án tử hình như cách thức mà Viện kiểm sát tiến hành khi thực hiện chức năng kiểm sát. Bởi lẽ này, văn bản liên quan đến tư pháp của Chủ tịch nước hay Văn phòng Chủ tịch nước nói chung, quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải nói riêng, không phải là một văn bản tố tụng.
Ngược lại, ân giảm án tử hình là một đặc quyền của Chủ tịch nước, điều này được tiến hành trên cơ sở cân nhắc các nhu cầu của Nhà nước và cá nhân vị này (nhân đạo, đối nội, đối ngoại, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm,…) cũng như niềm tin nội tâm của vị này (có thể có sai sót trong tố tụng). Nó tương tự “quyền ân xá” (pardon right) của các nguyên thủ quốc gia khác, bất luận chính thể là quân chủ hay cộng hòa, độc tài hay dân chủ (Đạo luật của Hội đồng Cơ mật Anh, Điều 80 Hiến pháp Trung Quốc, Điều II, Mục 2, Khoản 1 Hiến pháp Mỹ, Điều 17 Hiến pháp Pháp…).
Cũng cần nói thêm rằng quyết định của Chủ tịch nước chấp nhận hoặc bác đơn xin ân giảm án tử hình là một văn bản cá biệt vì chỉ áp dụng pháp luật, chính sách của Nhà nước một lần cho một hoặc một nhóm đối tượng cụ thể. Nó khác với văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước đề ra quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng nhiều lần.
Chắc chắn việc Hội đồng thẩm phán khẳng định “quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải là một văn bản tố tụng” không phải do dốt nát, không phải do không có chút kiến thức sơ đẳng nào về Nhà nước và pháp luật vốn là môn học bắt buộc ở bất kỳ trường luật nào ở Việt Nam, hay không đọc Khoản 1 Điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về văn bản tố tụng như đã nói ở trên. Thực vậy, có 10 tiến sĩ, 5 thạc sĩ và 2 cử nhân, tất thảy ngành luật, trong cái tổ chức cao nhất của cơ quan có thẩm quyền tư pháp cao nhất này của Việt Nam. Ngược lại là đằng khác, Hội đồng thẩm phán biết rất rõ họ nói bừa.
Ngày 12/5/2020, 4 ngày sau phiên tòa giám đốc thẩm, trả lời phỏng vấn của báo Công Lý, cơ quan của TANDTC, thẩm phán Bùi Ngọc Hòa, một trong 17 thành viên của Hội đồng thẩm phán, khẳng định: “Sau khi có công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án và yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét lại toàn diện vụ án đó xem Hồ Duy Hải oan hay không oan, Hội đồng thi hành án tỉnh Long An đã ra quyết định tạm dừng thi hành bản án đối với Hồ Duy Hải. Như vậy, quyết định của Chủ tịch nước và quyết định thi hành án tử hình của hội đồng thi hành án là hai quyết định trong thủ tục thi hành án hình sự. Kháng nghị của VKS căn cứ công văn của Văn phòng Chủ tịch nước để ra kháng nghị là không đúng. Bởi vì các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền. Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính”. Thẩm phán này cho biết thêm: “Sau khi Văn phòng Chủ tịch nước có công văn yêu cầu xem xét lại vụ án, TAND tối cao đã thành lập đoàn công tác liên ngành gồm cả ngành kiểm sát và công an xem xét để đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ án” (5).
Thế là rõ, bằng việc mau mắn chấp hành công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, cả tòa án tỉnh Long An lẫn Tòa tối cao đều thừa nhận “văn bản hành chính” này (6) đã tạm đình chỉ hiệu lực của quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của bị án này. Điều này có nghĩa quyết định này của Chủ tịch nước cũng là một “văn bản hành chính” bởi chỉ có thế thì mới có thể bị tạm đình chỉ bởi một “văn bản hành chính” khác. Lập luận trí trá của Hội đồng thẩm phán tự nó bóc trần nó, “Gậy ông đập lưng ông” chính là đây!
Tóm lại, chỉ vì quyết tử hình cho bằng được Hồ Duy Hải mà Hội đồng thẩm phán TANDTC do Chánh án Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa đã không ngần ngại xâm phạm chính Hiến pháp với việc cố ý làm sai lệch chế định Chủ tịch nước khi biến nguyên thủ quốc gia thành một cấp tố tụng.
Tạm kết
Ở Việt Nam, chẳng ai lạ gì “án bỏ túi”. Quyết định bác kháng nghị án tử hình Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán TANDTC lần đầu lụng thụng đen điểm đỏ chỉ là biểu hiện sinh động nhất của quốc nạn này mà thôi!
Tuy nhiên, hệ lụy của nó lại vô cùng kinh khủng. Không chỉ ném sinh mạng của một con người vào lưới hái tử thần một cách độc đoán hiếm thấy, điều khiến tất thảy thường dân Việt ngủ mà không thể nhắm mắt, phán quyết này phá hủy luôn Nhà nước và qua đó, đe dọa sinh mạng quốc gia. Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp Việt Nam xác quyết: “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật”. Do đó, bằng việc thủ tiêu Pháp chế xã hội chủ nghĩa thông qua phiên tòa kangaroo này - từ cố ý làm trái Bộ luật tố tụng hình sự cho tới cố ý xâm phạm Hiến pháp - toàn thể 16 thẩm phán Tòa tối cao dưới sự dẫn dắt của Chánh án Nguyễn Hòa Bình, người chưa bao giờ là thẩm phán (ngạc nhiên chưa!) đã đang thủ tiêu chính Nhà nước Việt Nam. Và ai cũng rõ, một khi Nhà nước “có cũng như không” hay vô chính phủ - vô pháp lên ngôi thì sinh mạng quốc gia Việt Nam chỉ là “trứng để đầu đẳng” trước dã tâm thôn tính của láng giềng bành trướng phương Bắc - Trung Quốc!
Tác giả tại tư gia.
Tác giả tại tư gia.
Để sống sót, các chế định khác của Nhà nước Việt Nam, Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC trước hết, không còn con đường hợp pháp nào khác là phải nắm lấy Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để khởi động việc hủy bỏ Quyết định giám đốc thẩm để trên cơ sở đó điều tra lại vụ án theo đúng quy định của Bộ luật này (7). Việc Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí và các Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa ngay lập tức phản đối phán quyết này của Hội đồng thẩm phán và việc Ủy ban thường vụ Quốc hội nhanh chóng giao các cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiên cứu những ý kiến của các vị này để có quyết định thích hợp là những chuyển động tuyệt đối đúng hướng.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ và không thể dừng lại ở “tự cứu” của Nhà nước Việt Nam với hệ quả, tôi chắc như vậy, tử tù Hồ Duy Hải sẽ được hoàn toàn giải án, mà là làm sao để giải quyết được cả một “Kim tự tháp án oan, sai” đang tồn tại ở Việt Nam, mà một trong số đó là án tử Nguyễn Văn Chưởng (8), cũng như để tránh “kỳ quan tội ác” ấy tái lập trong tương lai. Để làm được việc này, bên cạnh việc thực hiện thực sự và đầy đủ chức năng giám sát Nhà nước và pháp luật của mình, được thể hiện mới nhất bằng Nghị quyết số 96/2015/QH13 ngày 26/5/2015 về tăng cường biện pháp phòng chống án oan, án sai trong hoạt động tố tụng hình sự, Quốc hội Việt Nam cần khẩn trương thực hiện một số cải cách tư pháp. Đó là: bảo đảm quyền im lặng, quyền có luật sư khi lấy cung để tránh bị bức cung của bị can, bị cáo bằng cách ghi rõ các quyền này trong Bộ luật tố tụng hình sự, chuyển quản lý các cơ sở giam giữ từ Bộ Công an sang Bộ tư pháp để tránh nhục hình, bức cung trong điều tra... Sự giám sát trực tiếp từ Người Dân, thông qua tố cáo hoặc phản biện qua kênh báo chí và mạng xã hội, chỉ có thể giúp cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất này hoàn thành nhanh hơn, kịp thời hơn, chính xác hơn những sứ mạng được chính Người Dân giao phó.
Suy cho cùng, án oan, sai và tham nhũng “tuy hai mà một”. Tham nhũng tất khiến những người có thẩm quyền bất chấp luật pháp khi điều tra, truy tố, xét xử. Chả thế ngạn ngữ có câu “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Thế nhưng chuyện đời là “có vay có trả”, các khối tài sản bất minh của những kẻ này sẽ là những chứng cứ buộc tội chúng vững chắc. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng thời gian tới, những kẻ ra bản án, quyết định tố tụng trái pháp luật nói riêng, các cá nhân tiến hành tố tụng gây oan sai nói chung, sẽ là nguồn cung mới cho “lò thiêu tham nhũng” do đương kim Tổng bí thư ĐCSVN - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đích thân nhóm lên.
C.H.H.V.
_________
Chú thích
3. Tòa án nhân dân tối cao công bố bản Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Tạp chí Tòa án nhân dân - Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 13/05/2020
4. Khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá 2018 giải thích “Đặc xá” là “sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”. Như vậy, Luật đặc xá cần sớm được bổ sung quyết định của Chủ tịch nước ân giảm án tử hình hay “tha tội chết”.
5. Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Thành viên Hội đồng thẩm phán nói gì? Công lý - Cơ quan của Tòa án nhân dân tối cao, 12/5/2020.
6. Tôi (CHHV) không cho rằng công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải là một “văn bản hành chính” theo nghĩa văn bản trao đổi ý kiến giữa các cơ quan Nhà nước. Đây là một lệnh của nguyên thủ quốc gia mà cơ quan tiếp nhận phải thi hành vô điều kiện.
7. Hồ Duy Hải không thể chết oan, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 08/05/2020. Khoản 1. Điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó”.
8. Nguyễn Văn Chưởng bị tòa án VN kết án tử hình trái pháp luật, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, VOA Tiếng Việt, 26/12/2014
Tác giả, luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.
Tác giả gửi BVN

Châu Âu quay lưng với Trung Quốc?!

Châu Âu quay lưng với Trung Quốc?!

Khánh An dịch
Josep Borrell, Bộ trưởng Ngoại giao EU nói rằng hệ thống toàn cầu do Mỹ dẫn đầu đã đến hồi kết thúc và Châu Âu cần phải thay đổi chiển lược với Trung Quốc.
Josep Borrell, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của EU, nói với một nhóm các nhà Ngoại giao Đức hôm thứ Hai rằng thế kỷ châu Á đã đến đánh dấu sự kết thúc của hệ thống toàn cầu do Mỹ đứng đầu. Lời cảnh báo được đưa ra trong một cuộc thảo luận về việc làm thế nào để tiếp bước giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà phân tích từ lâu đã thảo luận về sự kết thúc của hệ thống do Hoa Kỳ lãnh đạo và sự bắt đầu của thế kỷ châu Á. Điều này đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta”. Ông nói thêm rằng đại dịch corona có thể được coi là một bước ngoặt, và rằng “áp lực phải chọn lựa đang gia tăng”.
Lời nhận xét này dường như xác nhận rằng EU sẽ tiến nhanh sang hướng độc lập và cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Ông nói rằng 27 quốc gia EU “nên theo đuổi lợi ích và giá trị của chúng ta và tránh bị lợi dụng lẫn nhau”.
Ông nói thêm: “Chúng ta cần áp dụng một chiến lược mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, họ cũng đòi hỏi mối quan hệ tốt hơn với châu Á dân chủ”.
EU đã miễn cưỡng chấp nhận lập trường đối đầu của Donald Trump đối với Trung Quốc, nhưng cuộc tấn công của Bắc Kinh vào nền độc lập của Hồng Kông, việc Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng bắt tay với phe dân túy châu Âu, cũng như từ chối mở cửa thị trường đã dẫn đến sự thay đổi quan điểm, theo giới phân tích.
Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban EU Margrethe Vestager cũng là một nhân vật quan trọng trong cách thức châu Âu đối xử với Trung Quốc trong tương lai. Gần đây, bà đã chỉ ra những gì mà bà cho rằng đã thiếu tương hỗ.
Bà giải thích: “Ở miền tây Đan Mạch nơi tôi lớn lên, chúng tôi được dạy rằng nếu ta mời khách ăn tối và họ không mời lại, thì ta sẽ không mời nữa”. Bà nói rằng châu Âu cần ‘phải quyết đoán và tự tin hơn’”.
Châu Âu đã hết ngây thơ
Borrell trước đây thừa nhận rằng EU đã ngây thơ trong một số khía cạnh về Trung Quốc, nhưng ông nói rằng tình trạng này đã kết thúc. Trong một bài báo được đăng trên nhiều tờ báo châu Âu trong tháng này, ông đã hối thúc áp dụng kỷ luật tập thể nhiều hơn đối với Trung Quốc.
Đã có nhiều chính trị gia cao cấp ở Pháp và Đức ngày càng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hơn, vì nhận thấy âm hưởng từ việc Nga tìm cách chia rẽ EU thông qua thông tin sai lệch hoặc gây bất đồng giữa những thành phần dân tuý cánh hữu vốn có ác cảm với Cộng sản Trung Quốc.
Không ai biết “chủ nghĩa hiện thực mới” này sẽ cho phép EU thay đổi mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nhiều đến mức nào. Hàng nhập khẩu hàng ngày của EU từ Trung Quốc lên tới một tỷ Euro, nhưng các nhà kinh tế cho biết đã có dấu hiệu cho thấy một số giao dịch sẽ không tiếp tục.
Đa dạng đã trở thành mật khẩu cho nhiều vấn đề từ chuỗi cung ứng đến an ninh viễn thông. Borell cho biết ông rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng tất cả nguồn cung cấp thuốc paracetamol ở châu Âu đều đến từ Trung Quốc. Nội các Đức đã phê duyệt dự luật mới để ngăn chặn các công ty y tế nước ngoài mua lại các công ty y tế.
Bộ trưởng Tài chính Pháp của Bruno Le Maire cho biết: “Một số công ty rất dễ bị tổn thương, một số công nghệ rất mong manh, các đối thủ nước ngoài có thể mua giá rẻ. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra”.
Mối quan hệ giữa Thuỵ Điển với Trung Quốc cũng gần bị đổ bể
Andrew Small, nhà nghiên cứu chính sách cao cấp tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng cho đến tận gần đây, Bắc Kinh vẫn có thể trốn tránh đằng sau sự nghi ngờ của EU đối với Nga.
Ông viết: “Điều này là do sự tương phản mà các quốc gia Châu Âu phát hiện ra giữa Trung Quốc và Nga. Theo quan điểm này, mặc dù Nga chủ động thù địch với EU, Trung Quốc tìm cách cản trở sự thống nhất của EU bằng một loạt các vấn đề chủ nghĩa Đại hán; trong khi Nga tạo ra sự hỗn loạn, Trung Quốc lại là chỗ dựa trong cơn khủng hoảng; Nga đang lan truyền thông tin sai lệch, nhắm vào các công dân châu Âu và cố gắng đưa phe dân túy lên nắm quyền, Trung Quốc lại tập trung vào quản lý hình ảnh tích cực và nắm bắt giới tinh hoa đằng sau hậu trường”.
Rốt cuộc, Trung Quốc đã giúp Châu Âu phục hồi kinh tế năm 2007-2008 bằng cách mua nợ và tài sản sau khủng hoảng tài chính. Bắc Kinh không tham gia với Nga để cùng với Nigel Farage cổ suý tách Anh ra khỏi EU và cũng tránh hỗ trợ Nga trong vấn đề Ukraine.
Ước muốn cứng rắn đối với Trung Quốc của EU cũng đã bị các phương thức của Trump kìm hãm, cũng như nỗi lo rằng nếu EU hoàn toàn từ bỏ Trung Quốc, thì Trump sẽ trở thành đối tác chính của EU.
Mùa xuân năm 2019 có sự thay đổi quan trọng, khi châu Âu thất vọng vì những khó khăn khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và cảnh giác sự lãnh đạo dân tuý của Tập Cận Bình, EU gọi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống đang tìm cách thúc đẩy mô hình quản trị thay thế” trong một tài liệu chiến lược mang tính bước ngoặt.
Thậm chí hiện nay Trung Quốc còn sử dụng các bằng chứng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đế cho thấy sự tương đồng với quan điểm của họ.

Châu Âu thay lòng đổi dạ
Nhiều yếu tố đã làm khiến EU thay lòng đổi dạ.
Với sự suy thoái kinh tế của chính Trung Quốc, những lợi ích dự kiến ​​từ sáng kiến ​​Vành đai và Con Đường của Trung Quốc phần lớn đã không thành hiện thực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Latvia, Edgars Rinkēvičs, nói: “Thời của lạc quan lãng mạn đã kết thúc”.
Bốn năm trước, ​​Trung Quốc chỉ nói đến đến kinh tế, thương mại, “Vành đai và Con đường”, và đầu tư thêm. Hiện giờ, Trung Quốc đã ‘cân bằng hơn’” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trong một lần vận động thay đổi đặc biệt và kêu gọi châu Âu xem Nga là đồng minh.
Nhưng vẫn chưa lập tức rõ ràng chiến lược của năm 2019 sẽ được diễn giải ra sao ở mức độ quốc gia, Cùng thời điểm chiến lược được ban hành, Ý đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc. Nhiều nước châu Âu cho phép Huawei vận hành mạng 5G của họ.
Bản thân Bắc Kinh hy vọng sẽ ngăn chặn sự suy giảm trong quan hệ với EU, tuyên bố năm 2020 sẽ là năm Châu Âu với hai cuộc họp thượng đỉnh lớn và nhiều lễ ký kết. Trung Quốc cũng tiếp tục ve vãn nhóm 17+1 là các quốc gia Đông Âu.
Philippe Le Corre, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie, nói rằng Covid-19 đã “thay đổi” nhận thức của châu Âu về Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao phản tác dụng
“Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã phản tác dụng. Họ không công nhận sự giúp đỡ ban đầu của châu Âu dành cho họ, có lẽ vì chính quyền Bắc Kinh không thoải mái nhận sự giúp đỡ của nước ngoài. Và lại còn có các video giả về người Ý ở Rome hát quốc ca Trung Quốc. Thật kỳ quặc”.
Có ý kiến cho rằng Bắc Kinh dường như đã quyết định sử dụng châu Âu cho cuộc chiến thông tin tại thời điểm châu Âu đang lún sâu trong áp lực nội bộ để cho thấy sự bất cập của nền dân chủ phương Tây.
Điều đó chưa đủ để tuyên bố rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công; và những đảng khác là thất bại”, ông nói.
Borrell gọi “chính trị hào phóng” của Trung Quốc là khoe mẽ và cơ quan Dịch vụ Hành động Đối ngoại Âu Châu của EU đã đáp trả khi cáo buộc Trung Quốc thực hiện một ‘chiến dịch tuyên truyền sai lệch toàn cầu nhằm chuyển hướng các cáo buộc về dịch bệnh và cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc’”.
Thái độ của Trung Quốc cũng phản tác dụng với dư luận châu Âu. Một cuộc thăm dò do nhóm chuyên gia Colber Foundation thực hiện, đã tiết lộ rằng 71% người Đức tin rằng “nếu Trung Quốc minh bạch hơn thị đã có thể giảm nhẹ dịch corona. 68% người Đức cho hay quan điểm của họ về Hoa Kỳ đã xấu đi trong năm qua, và danh tiếng của Trung Quốc cũng đã bị tổn hại, giảm đi 11%.
Tại Pháp, cuộc khảo sát của Ifop được thực hiện vào cuối tháng 4 cho thấy chỉ có 12% người tham gia khảo sát tin rằng Trung Quốc là nước có khả năng nhất trong việc đáp ứng những thách thức trong thập kỷ tới.
Trường hợp ngoại lệ quan trọng là Ý, nhưng từ Ý lâu đã có thiện cảm với Trung Quốc, và ý kiến ​​có vẻ dễ dàng
Chính trị gia châu Âu sẽ bỏ rơi Trung Quốc?
Bây giờ, câu hỏi dành cho các chính trị gia châu Âu hiện nay là làm thế nào để sử dụng nhận thức mới này để chống lại Trung Quốc mà không rơi vào cuộc chiến tranh lạnh của Tổng thống Trump.
Bước đầu tiên là lập danh sách những gì được xem là phụ thuộc vào Trung Quốc, và việc đánh giá sàng lọc đầu tư đã được tiến hành ở Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Le Maire cam kết “tăng cường chủ quyền trong các chuỗi giá trị chiến lược” như ngành công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và dược phẩm.
Thử nghiệm tiếp theo là hướng đi riêng của Trung Quốc. Các cựu quan chức và chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm không bị mê hoặc vì “trường phái Ngoại giao Mafia” của Trung Quốc. Học giả Trung Quốc Lanxin Xiang thừa nhận rằng ông đã gây rắc rối khi tranh luận về việc họ xem thường mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trong việc biến EU thành vùng đệm chống lại Mỹ.
Tương tự, Long Yongtu người đã đàm phán cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, và nhờ đó Trung Quốc tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc, đã cảnh báo vào tháng Năm rằng Trung Quốc có thể tự cô lập trong trật tự kinh tế toàn cầu mới.
Ông nói: “Trung Quốc cũng là một thành viên quan trọng trong toàn cầu hóa, vì vậy khi ai đó bắt đầu nói về ‘thoái toàn cầu hoá’ thì’ tất nhiên chúng ta phải hết sức cảnh giác về điều đó”.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump cố gắng sử dụng số phận của Hồng Kông làm lý do để triệu tập Nhóm (G7), đặc biệt là các siêu cường ở châu Âu, để chống lại Trung Quốc, thì Trung Quốc có thể nhân ra rằng đã quá muộn để châu Âu quay trở lại.
K.A. 
VNTB gửi BVN

Đồng phạm đại học

Đồng phạm đại học

Nguyễn Hồng Lam
D:\Downloads\BVN\28-5\2.jpg
Nhờ được nâng điểm, có 222 em học sinh các tỉnh miền núi học lực từ bình thường đến yếu và rất yếu đã chễm chệ ngồi vào ghế đại các trường đại học danh tiếng sau kỳ thi 2018. Hơn thế nữa, có em còn trở thành thủ khoa, lên báo chia sẻ kinh nghiệm nhăng cuội, dạy khôn bè bạn cùng trang lứa.
Câu chuyện gian dối này không chỉ xảy ra ở một vài tỉnh miền núi đã bị lộ. Rất có thể nó còn xảy ra ở những địa phương khác. Cũng không chỉ là chuyện của kỳ thi 2018. Gian lận đã kéo dài nhiều rất nhiều năm. Sự tồi tệ không còn chỉ là nghi vấn hay lo ngại, nó đã tồn tại mặc định. Nó phổ biến đến mức từ nhiều năm trước người ta đã râm ran nói đến bảng giá vào từng trường, như bảng giá chạy việc ở nhiều ngành, nhiều địa phương vậy.
Đó là bảng giá rao bán những cơ hội đánh cắp, những tương lai bị tham nhũng mà có.
Sự nghiêm trọng không nằm riêng trong các kỳ thi ở phổ thông. Tội lỗi kéo dài không chỉ nằm ở vài ba địa phương đã bị lộ. Nó là sự bại hoại hệ thống. Một nửa tội đồ trong chuỗi tội lỗi này vẫn chưa bị sờ tới: nó nằm ngay trong các trường đại học, không loại trừ cả những trường đại học danh tiếng, tốp đầu.
Trong nhiều năm qua, chắc chắn sẽ có không ít em học rất kém, cỡ thi 3 môn chỉ đạt 1 điểm, đã lọt vào, thậm chí thành thủ khoa của các trường đại học. Vậy nhưng, chưa hề thấy có một thủ khoa, một thí sinh điểm đầu vào cao ngất ngưỡng nào trong số các em diện hoài nghi bị các trường đại học loại ra, buộc thôi học hay phải lưu ban... vì học yếu, vì không theo nổi yêu cầu đào tạo.
Thập niên 1980, thế hệ chúng tôi vào đại học với tỉ lệ, so với tổng học sinh phổ thông, được nâng dần từ 0,6 -2%. Nói như vậy để khẳng định rằng, vào thời điểm đó, vào được đại học chắc chắn phải là những học sinh thật sự có năng lực ngay từ khi còn ngồi ghế phổ thông. Vậy nhưng, vào đại học, những học sinh khá, giỏi ấy cũng phải học trầy vi tróc vảy mới có cơ hội tiếp tục. Ngày 24-9-1989, khi chào mừng các tân sinh viên khóa 14 Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, GSTS Lý Hòa, Hiệu trưởng nhà trường (1977-1990) đã nói rõ: “Các năm qua, chỉ trên dưới 60% sinh viên của năm thứ nhất có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp sau khi kết thúc năm học thứ 4. Thầy mong các em nỗ lực ngay từ ngày đầu để nằm trong số 60% tiếp tục có mặt tại đại giảng đường này vào 4 năm nữa, để nhận bằng!”.

Thực tế nghiêm túc đến mức khắc nghiệt này đã không hề lặp lại trong giai đoạn có những kỳ thi “thành công, an toàn và nhẹ nhàng” mà sau đó, học sinh tốt nghiệp cấp 3 muốn không vào đại học, lớn hoặc bé còn tùy, cũng... khó có cơ hội. Tôi không tin sinh viên thời "phổ cập đại học" lại có năng lực học tập vượt trội hơn hẳn sinh viên thời đầu vào siết chặt, đãi cát tìm quặng (quặng thôi, quặng gì chưa biết). Tôi cũng không tin, học lực kém ở phổ thông lại có thể đùng một phát thi đại học đậu thủ khoa; và suốt những năm sau đó cứ "tự nhiên" thành sinh viên khá, giỏi, dù việc học không làm gì có chuyện đi kèm mấy chữ cố gắng hay chăm chỉ. Tin điều đó, tôi chắc chắn chỉ là chính phụ huynh đầy tham vọng của các em, hoặc là chính các em - những người đã biết chắc là ngược lại.
Vậy nhưng, đó vẫn cứ là thực tế. Sau đại học là cao học, là nghiên cứu sinh, là du học, là thăng tiến thần tốc nhờ bằng cấp cao và sự sắp đặt sẵn... Đánh cắp cơ hội tương lai của những bạn bè khác cùng thế hệ, các em tiếp tục được hà hơi tiếp sức, nâng đỡ, phù phép trong một nền giáo dục đại học bại hoại. Nếu không như thế, chắc chắn những “top đầu 1 điểm + 1 tỷ” sẽ không bao giờ có cơ hội để ngồi ghế giảng đường sau khi kết thúc năm thứ nhất.
Một số trường đặc thù còn có sơ tuyển. Còn chần chừ gì nữa, sao không đưa các cán bộ sơ tuyển ra xử lý ngay. Để lọt học sinh có điểm liệt trong một số môn lách qua cửa hẹp, chắc chắn đó không phải là hành động “nhân văn và trong sáng”.
Một khối u đã bục vỡ. Dối trá trong giáo dục, từ phổ thông đã di căn vào đại học, từ quá khứ đang di căn vào tương lai. Bác sĩ điều trị các khối u đó - các nhà quản lý giáo dục - cũng đáng bị xử lý thật nghiêm, bị loại trừ. Bởi, thay vì ngăn chặn sự phát triển và lây lan các khối u, trong nhiều năm qua, họ đã thường xuyên che dấu nó.
Ngay cả khi đã bị vạch trần bệnh trạng, các trường thuộc lực lượng vũ trang đã buộc sinh viên được nâng điểm thôi học, ở các địa phương người ta vẫn cố tình viện lý do nhân văn để không công khai tên nguồn bệnh trong ổ dịch. Thật ra là để bảo vệ phụ huynh - người mua điểm, đa phần là quan chức - chứ không vì bảo vệ danh dự học sinh - cái không hề tồn tại. Có trường, ngay cả trường Y khoa, thậm chí còn không buộc tân sinh viên gian dối bị phát hiện thôi học, vẫn vì lý do sợ các em “tâm tư”. Vì sao, không nói xã hội cũng biết chắc mà không cần phải đoán.
Không có sự bại hoại trong môi trường đại học tiếp tay, các kỳ thi bại hoại ở phổ thông để lựa chọn sinh viên vào đại học đã không dám diễn ra, không kéo dài nhiều năm và lây lan nhiều đến thế.
Dùng tiền mua điểm là “phương pháp giáo dục” riêng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền và một số khác, ít hơn, là những trọc phú. Hơn ai hết, họ hiểu thực lực, sức học của con em mình. Bằng kinh nghiệm bản thân trong hàng chục năm, họ cũng hiểu rất rõ, tương lai và sự thăng tiến nhờ chủ yếu vào bảng điểm và bằng cấp, cộng một số điều kiện "tối quan trọng" khác, chẳng nhờ gì năng lực hay sự phấn đấu. Các loại bằng cấp mà họ có chắc còn đáng ngờ hơn nhiều so với bảng điểm có được nhờ mua của con em họ.
Một cá nhân tốt nghiệp hệ đào tạo gian dối thì cả đời sẽ không ngần ngại triển khai các kế hoạch dối trá, hành xử bằng hệ thống hành vi dối trá.
Dù sao học sinh trung học cũng chỉ là những đứa trẻ chưa lớn. Chỉ phụ huynh của chúng mới có sừng có mỏ và đáng ngờ hơn ai hết. Nghĩ vậy đi, cho nó nhân văn!
N.H.L.

Thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc

Thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc

Nhà làm phim Nick Holdsworth
Minh Nhật dịch
Thứ Ba, 26/05/2020
Ngày 21/5 vừa qua, trên chuyên trang phê bình phim tài liệu Modern Times, nhà báo, tác giả, nhà làm phim, chuyên gia truyền hình Nick Holdsworth đã đăng tải đánh giá của mình về bộ phim tài liệu “Finding Courage” (Tạm dịch: Đi tìm dũng khí), bộ phim mang đến cho ông một “thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc”. Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết, bản gốc xem tại đây. https://www.moderntimes.review/the-agonising-campaign-for-…/
Một cuộc vận động trong khổ đau để tìm kiếm sự thật.
Thoáng lạnh gáy về thực tế giết chóc tại Trung Quốc trong cuộc đàn áp phong trào thiền định Pháp Luân Công.
Đây là một bộ phim không dễ xem. Đây là câu chuyện về một cuộc vận động khổ đau của nhà báo Trung Quốc Yifei Wang nhằm vén màn sự thật đằng sau vụ việc em gái của cô bị giết hại dã man trong một nhà tù Trung Quốc 20 năm về trước, trong khi đang bị giam giữ vì kháng nghị cho Pháp Luân Công, một phong trào thiền định bị đàn áp ở Trung Quốc. Tuy nhiên bộ phim tâm huyết của đạo diễn Kay Rubacek này rất đáng xem cho bất cứ ai quan tâm tới vấn đề nhân quyền quốc tế, với những đoạn phim bí mật có một không hai, ghi lại cảnh bên trong một văn phòng của giám đốc nhà tù, nơi em gái của Yifei là Kefei Wang đã qua đời.
Cô Keifei Wang.
“Đi tìm dũng khí” là một tựa đề thích hợp với các tình tiết lớp lang của bộ phim tài liệu này.
Nó cho thấy dũng khí mà Yifei, một người Hoa lưu vong sống tại San Francisco, tìm kiếm để công khai câu chuyện của gia đình mình [tại Mỹ]. Hành động đó thậm chí xảy ra khi chồng cô, Gordon, phóng viên trong cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, chưa bị hại vì [chưa bị phát hiện là một người] tập Pháp Luân Công, đang bí mật tìm kiếm và thu thập chứng cứ về cái chết của em vợ Kefei.
Nó cho thấy dũng khí của anh trai Yifei là Leo, người đã sống sót sau nhiều năm bị tra tấn trong tù. Khi tị nạn tại Hoa Kỳ, anh đã tái hiện lại một cách tỉ mỉ cách những người cai ngục tàn bạo tra tấn anh trên một chiếc ghế đặc biệt trong thời gian ở tù.
Và nó còn cho thấy dũng khí của những người còn lại trong gia đình Yifei và của những người Hoa bất đồng chính kiến trên khắp thế giới đã dám công khai tiết lộ vai trò [trong chế độ trong quá khứ] của họ, và dám công khai phân tích về một nhà nước công an trị.

Đột ngột và tàn bạo
Hầu hết những người để ý [tới tình hình Trung Quốc] đều biết về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc, nhưng rất nhiều người sẽ không hiểu rõ căn nguyên, hoặc không hiểu rõ tại sao Pháp Luân Công lúc đầu được nhà nước ủng hộ, mà sau đó lại bị lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân yêu cầu đàn áp tàn bạo vào năm 1999.
Trong những năm đầu, môn tập luyện kết hợp việc thực hành đạo Phật cùng các động tác và việc thiền định, lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm nguyên lý, đã thu hút hàng triệu người theo tập, kể cả đảng viên và quân đội. Nhưng sự phổ biến rộng rãi của môn tập đã khiến kẻ hoang tưởng lãnh đạo Đảng bấy giờ coi Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với chế độ độc tài toàn trị. Ở một quốc gia kiểm soát toàn diện và toàn trị, không có chỗ cho tự do lương tri hay tâm linh.
Chính quyền hành động nhanh chóng và tàn bạo; hàng triệu gia đình tan nát, bị bỏ tù, bị đánh đập và tra tấn. Các cơ quan chức năng chất đống xuất bản phẩm, biểu ngữ, và sách của môn tập trên các con phố rồi đốt đi. Và như trong bộ phim đã đề cập đến, đó chỉ là một chiến dịch đàn áp tiếp theo trong số hơn 50 cuộc đàn áp của chế độ Cộng sản từ khi nó lên nắm quyền vào năm 1949, trong đó nổi bật phải kể đến Đại Cách mạng Văn hóa vào cuối thập niên 60, và sự kiện Thiên An Môn nổi tiếng năm 1989.
Cây gậy và củ cà rốt
Đạo diễn Kay Rubacek sắp xếp bố cục phim thông qua những bình luận của một cựu giám đốc trại lao động, một cựu thẩm phán, một nhân viên cảnh sát ngầm, một nhân viên truyền thông và một sĩ quan quân đội. Những người này đã từng trung thành phục vụ chế độ, và trong một số trường hợp, họ là công cụ trong việc trấn áp Pháp Luân Công. Họ đã trở thành những người bất đồng chính kiến đang tị nạn an toàn ở Mỹ, Pháp, Úc và các quốc gia khác, vì vậy giờ đây họ có thể tự do bình luận về những điều đã khiến con người hoạt động [như ốc vít] bên trong chế độ. Lý do chủ yếu đó là tiền: vì không có tín ngưỡng hay đức tin ngoài việc phục tùng Đảng một cách tuyệt đối, nên điều duy nhất mà chế độ cho phép con người quý trọng là tiền. Chủ nghĩa duy vật đã trở thành một vị thần mới của Trung Quốc, và Bắc Kinh đã sử dụng cám dỗ và áp lực kinh tế như cây gậy và củ cà rốt đối với mọi người.
Kefei và Yifei Wang kháng nghị cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh. (Ảnh: Youtube/Fox11)
Em gái Yifei qua đời sau khi bị bắt giam vì kháng nghị ở Thiên An Môn chống lại cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào năm 2001. Nhà nước Trung Quốc chỉ cần 6 tuần để biến một người phụ nữ 34 tuổi khỏe mạnh thành một người suy sụp hoàn toàn vì bị tra tấn. Cô đã qua đời do bị đánh đập, bị sốc điện bằng dùi cui, bị bức thực trong khi bị trói trên chiếc giường sắt chữ X – hay còn gọi là Chiếc giường Tử Thần. Yifei cũng bị bắt trong cuộc thỉnh nguyện đó, và cô đã cố gắng để nhìn thi thể em gái trước khi người ta mang đến nhà xác (nơi cái xác vẫn được giữ lại mà không được chôn cất vì chính quyền sợ phản ứng của người dân địa phương nếu họ cho phép tổ chức đám tang). Yifei cho biết khi đó em gái cô “khuôn mặt sưng phù” và cơ thể trần truồng từ thắt lưng trở xuống (trước đó trong bộ phim, Yifei đã nhắc tới việc những phụ nữ tập Pháp Luân Công bị lột trần, bị quẳng vào xà lim của tù nhân nam và chịu một số phận thê thảm).
Chưa bị buộc tội
Sự căng thẳng của phim tăng lên khi chồng của Yifei, khi đó vẫn ở Trung Quốc, nỗ lực để được xem thi thể của Kefei. Từ những đoạn phim ghi hình bí mật, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng ngay cả nhân viên nhà xác cấp thấp nhất cũng biết điều gì đã xảy ra với cô gái trẻ.
Đạo diễn Rubacek đã đặt một đoạn phim bí mật ở cuối phim, đó là đoạn phim ghi lại cuộc gặp với giám đốc nhà tù nữ nơi Kefei bị giam giữ và bị tra tấn tới chết. Gordon đến nhà tù với các thành viên khác trong gia đình. Là một nhà báo có tiếng, và có các mối quan hệ, anh có thể nói chuyện theo cách của mình và được sắp xếp một cuộc gặp mặt với giám đốc nhà tù. Không thể nói bà ta là một con quái vật, nhưng thái độ coi thường sự thật và trắng trợn mặc cả với gia đình Yifei (bà ta cho biết người nhà có thể thấy xác Kefei nếu họ chịu đưa ra tuyên bố rằng cái chết của cô không phải vì bị tra tấn) cho thấy bà là một thành viên được trả lương, là một phần của chế độ giết người.
Anh Gordon và cô Yifei Wang. (Ảnh: Youtube/Fox11)
Vì lý do đại dịch COVID-19 khiến liên hoan phim bị hoãn, bộ phim “Đi tìm dũng khí” chưa được công chiếu và phát hành rộng rãi. Nó như thường lệ sẽ khiến chế độ Bắc Kinh phản đối và phủi tay chối bỏ. Nhưng trong một đất nước cũng khét tiếng về việc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, lời kết của bộ phim đã nói lên tất cả:
Những kẻ giết Kefei Wang vẫn chưa bị đưa ra công lý. Chế độ cộng sản Trung Quốc vẫn chưa bị buộc tội vì cái chết của hàng triệu người. Những người tập Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ, tra tấn và giết hại.”
Xem phim tài liệu “Đi tìm dũng khí”


Nick Holdsworth, Modern Times
Minh Nhật biên tập và bổ sung ảnh trong bài  
Xem thêm:
Nguồn: Tri thức VN

Tự do báo chí ở Việt Nam với quyết định quy hoạch của chính quyền TP.HCM

Tự do báo chí ở Việt Nam với quyết định quy hoạch của chính quyền TP.HCM

Mai Lan
https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2020/05/Quy-ho%E1%BA%A1ch-b%C3%A1o-ch%C3%AD-.jpg
Mới đây trên trang Việt Nam Thời Báo có phát lời kêu gọi về quyền tự do báo chí được ghi tại Điều 25, Hiến pháp 2013.
Lời kêu gọi đó xem ra khó thể được đáp ứng, ít nhất là từ nay đến năm 2025, hoặc sớm lắm cũng phải sau năm 2023.
Ngày 22-5-2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Quyết định số 1786 phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. Theo đề án này, sau khi sắp xếp, TPHCM còn 19 cơ quan báo chí gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. (1)
Quy hoạch báo chí
Quyết định quy hoạch báo chí Tp. HCM
Thành ủy TP.HCM làm chủ quản của các tờ báo: Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Người Lao Động, Cựu Chiến Binh, trong đó có các ấn phẩm Thể Thao, Khăn Quàng Đỏ.
Ủy ban nhân dân TP.HCM là chủ quản của Kinh Tế Sài Gòn, Doanh Nhân Sài Gòn, Pháp Luật, Giáo Dục, Du Lịch, Khoa Học Phổ Thông.
Như vậy có phải là mặc dù các báo tại TP.HCM đều đã tự chủ tài chính, giờ về hết Thành ủy, Ủy ban mà không thuộc hội đoàn, sở ngành nữa, thì thế mạnh của các báo đó bấy lâu nay sẽ như thế nào, tôn chỉ mục đích phải thay đổi phù hợp với chủ quản mới?

Nhà báo Lê Anh Đủ, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, nhận xét là những nơi rất cần có báo thì lại ‘trắng tay’, đó là Ủy ban Mặt trận tổ quốc, và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố.
“Ví dụ trường hợp TP.HCM, trong lúc Thành ủy và UBND ôm một lúc hơn chục tờ báo, chưa kể truyền thanh, phát hình, thì Ủy ban Mặt trận tổ quốc và Hội đồng nhân dân TP.HCM như người sống nội tâm, dù về lý thuyết đó là các cơ quan thay mặt nhân dân giám sát, phản biện.

Xin hỏi các anh, tại sao Quốc hội có báo Người Đại Biểu, Ủy ban Mặt trận tổ quốc TW có báo Đại Đoàn Kết, mà Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc các địa phương, ít nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương thì không có ‘cơ quan ngôn luận’?
Thành ủy TP.HCM nên chia bớt Tuổi Trẻ cho Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM, Người Lao Động cho Hội đồng nhân dân TP.HCM, ít ra cũng có một chút cân bằng hình thức!” - nhà báo Lê Anh Đủ, ý kiến.
Tại Hà Nội, việc quy hoạch báo chí có khác đôi chút: Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố vẫn chủ quản báo in Phụ nữ Thủ đô; Liên đoàn Lao động Thành phố vẫn chủ quản báo in Lao động Thủ đô; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố tiếp tục chủ quản báo in Tuổi trẻ Thủ đô. (2)
Luật Báo chí hiện hành, tại Điều 14 “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí”, ghi:
“1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học”.
Như vậy, nhiều khả năng sau bản quy hoạch báo chí như nói trên, trong nhiệm kỳ mới của đảng chính trị, rất có thể lại có những tờ báo khác được thành lập trên nền tảng Điều 25, Hiến pháp 2013 và Điều 14, Luật Báo chí.
Và với cách hiểu lạc quan đó về tương lai, cùng với quyền tự do công đoàn được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hồi giữa năm ngoái; và nếu không gì thay đổi thì trễ nhất là vào năm 2023, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 về Quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức, cho thấy nhiều hy vọng cho việc hình thành các tòa soạn báo chí từ các hội, đoàn, tổ chức tôn giáo.
M.L.
_________
Chú thích:
(1) http://tphcm.chinhphu.vn/tphcm-con-19-co-quan-bao-chi
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Quyet-dinh-18-QD-UBND-2020-phe-duyet-De-an-sap-xep-phat-trien-va-quan-ly-bao-chi-thanh-pho-Ha-Noi-434949.aspx
VNTB gửi BVN

Chỗ đứng của Đô đốc Tư lệnh Hải quân

Chỗ đứng của Đô đốc Tư lệnh Hải quân

Phạm Đình Trọng
MỘT.  Là tư lệnh thứ tám quân chủng Hải quân, ông quan võ chỉ huy sức mạnh bảo vệ biển lâu năm nhất trong các tư lệnh Hải quân, 11 năm, tư lệnh Nguyễn Văn Hiến là Đô đốc thứ hai của Hải quân Việt Nam. Những ngày này ông Đô đốc thứ hai của lịch sử đương đại Việt Nam Nguyễn Văn Hiến đang phải phơi mặt ở bục bị cáo trước tòa án binh.
Nhìn dáng người đẫy đà béo tốt, nhìn bộ mặt trắng trẻo hồng hào phương phi nhưng ánh mắt nhìn băng quơ, xa vắng, không dám nhìn vào bất cứ ai, không dám nhìn vào bất cứ vật cụ thể nào của ông Đô đốc thứ hai đứng ở bục bị cáo tòa án binh, tôi lại nhớ đến gương mặt đen xạm nắng gió và dáng đứng như tượng đài trên tháp chỉ huy con tàu đang băng băng rẽ sóng ra quần đảo Trường Sa của vị Đô đốc đầu tiên quân chủng Hải quân, đô đốc Giáp Văn Cương.

HAI.  Tháng Năm, 1978. Tôi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa cầm giấy giới thiệu của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đến Cục Chính trị quân chủng Hải quân xin được hòa nhập vào cuộc sống người lính Hải quân. Chúng tôi liền được cùng đoàn văn công quân chủng tham gia vào đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đi kiểm tra tất cả các đảo đã có mặt lính ta và những mỏm cát san hô chưa nổi hẳn sẽ đưa lính lên giữ.
Đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đi Trường Sa do Tư lệnh Giáp Văn Cương và chính ủy Hoàng Trà chỉ huy. Ngày đó hàm tướng của quân đội còn hiếm hoi như sao ban ngày. Chỉ huy sư đoàn cũng chỉ thượng tá, đại tá. Hai vị thống lĩnh lực lượng hải quân đều mang hàm thiếu tướng và quân phục thiếu tướng cũng chỉ như quân phục thiếu úy, chuẩn úy, áo sơ mi trắng, quần xanh. Cũng chưa có bậc hàm Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc dành riêng cho những vị tướng ăn sóng ngủ gió như bây giờ. 
Ảnh: Một số gương mặt trong đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đi Trường Sa tháng Năm, 1978. Tư lệnh Giáp Văn Cương hàng ngồi, thứ hai từ phải. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đứng hàng trước, ngoài cùng bên trái. Phạm Đình Trọng đứng sau Tư lệnh Giáp Văn Cương. 
Đảo đầu tiên đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân đặt chân lên là đảo Song Tử Tây. Song Tử Tây và Song Tử Đông là cặp đảo sinh đôi ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa. Đứng trên Song Tử Tây nhìn về phía Đông chếch lên Bắc thấy trên ngọn sóng một nét xám mờ. Đó là đảo Song Tử Đông do quân Philippines chiếm đóng. Lên đảo, việc đầu tiên Tư lệnh Cương làm là cùng một số cán bộ đến thắp hương viếng ngôi mộ duy nhất trên đảo, liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh trong đêm tấn công giành lại đảo từ tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Lùm lùm một mô cát san hô trắng xóa, trần trụi không một ngọn cỏ. Phía Tây mô cát, phía Đất Mẹ Việt Nam mấy bông đá san hô xếp quanh chân tấm bia gỗ với hàng chữ vạch vụng về, lờ mờ nhưng cũng đọc được: Hạ sĩ Tống Văn Quang. Quê Bắc Thái. Hy sinh 14.4.1975.
Vì không có điện sinh hoạt, buổi chiều tốp văn công Hải quân đã biểu diễn ngay trong nhà lính. Buổi tối dưới trăng suông, hàng dừa in bóng lay động trên cát đảo, lính đảo ngồi theo đội ngũ nghe chính ủy và tư lệnh quân chủng nói chuyện. Tiếng chính ủy Hoàng Trà lào thào trong tiếng gió. Có lẽ lính chỉ ngồi hóng gió biển và ngắm trăng, ngắm những bóng dừa xõa tóc trong gió nên dù tiếng chính ủy nổi chìm mơ hồ trong tiếng gió nhưng đội hình lính vẫn ngay ngắn, vuông vức. Đảo có 54 cây dừa có dáng rất cổ thụ lâu đời nhưng không cây nào có dáng to đậm, thẳng đứng, không cây nào có tàu lá tỏa rộng xanh tốt như bãi dừa Sa Huỳnh, Tam Quan, Bình Định. Dừa Song Tử Tây cây nào cũng bị gió biển suốt đêm ngày vuốt cho thon nhỏ, dài ngoằng, thân cây bị xoắn vặn hình sin, hình sóng, bị xô nghiêng ngả, tàu lá nhỏ phong trần và gan góc như những cây bonsai trông thích thú vì lạ mắt. 

Khi Tư lệnh Giáp Văn Cương cất tiếng thì đội hình lính ngồi nghe không còn hàng ngũ chỉnh tề nữa. Tiếng Tư lệnh vang to nhưng nhiều lúc vẫn bị gió biển ào đến thổi bạt đi. Lính lặng lẽ chuyển dịch dồn lên thành vòng cung sát Tư lệnh. Tôi đứng xa không biết Tư lệnh Giáp Văn Cương nói gì với lính nhưng nhìn lính đảo ngồi vòng trong vòng ngoài quanh Tư lệnh, tôi cũng thấy được sức hút của Tư lệnh với lính đảo và tình cảm ấm áp giữa lính và Tư lệnh. Hôm sau tôi nghe lính còn bàn tán về những mẩu chuyện của Tư lệnh nói tối hôm trước. Lính nhắc nhiều nhất một chi tiết nhỏ thời Tư lệnh còn là lính bộ binh chiến đấu ở Khu Năm có lần mấy người lính nhịn đói nhiều ngày trong vòng vây giặc phải chia nhau cầm hơi bằng chén cám công nghiệp nuôi heo.
Đến đảo Đá Giữa lính mới lên ở. Kế hoạch của đoàn kiểm tra chỉ lên đảo thăm lính, mang quà, thư từ, sách báo, rau xanh lên cho lính đảo rồi đi ngay. Sóng lớn. Tàu vận tải HQ 604 chở lương thực, thực phẩm phải chạy vòng quanh đảo mãi mới thả neo được. Mãi chiều tối mới chuyển được mấy sọt rau xanh và mấy tảng thịt heo ướp lạnh từ tàu hậu cần HQ 604 vào đảo. Lính đảo thèm khát rau xanh như tuổi trẻ thèm khát tình yêu. Mấy người lính bơ vơ giữa biển cả còn thèm có người từ đất liền ra như thèm rau xanh vậy. Thấy lính quấn quýt với cán bộ đoàn kiểm tra, Tư lệnh liền quyết định cả đoàn ở lại với lính đảo một đêm. 
Trên đảo chỉ có mái nhà bạt lớn căng giữa đảo. Cả đoàn Bộ Tư lệnh ngủ lẫn với lính đảo trong nhà bạt. Đêm đó Tư lệnh Giáp Văn Cương đã có một giờ được trở về làm người lính ôm súng gác đảo. Người lính gác phiên trước hết một giờ thức với đảo, vào nhà bạt gọi gác. Giấc ngủ đêm của lính đảo cũng chỉ như giấc ngủ tạm. Dừng công việc, ngả lưng xuống tấm bạt, chìm vào giấc ngủ. Thức dậy lại lăn ngay vào việc. Ai cũng để nguyên quần áo đang mặc đi ngủ. Trong bóng tối lờ mờ, trước song sóng những quần xanh áo trắng, trước ngổn ngang chân cẳng những người lính ngủ mê mệt trên tấm bạt trải trên cát san hô, anh lính gác sờ sẫm rồi nắm ống chân Tư lệnh giật giật. Tư lệnh liền nhỏm dậy, lặng lẽ nhận bàn giao khẩu AK, chui ra khỏi nhà bạt ôm súng đứng gác đảo.
Ba con tàu chở đoàn Bộ Tư lệnh Hải quân rời đảo Sơn Ca đi về phía Nam quần đảo Trường Sa dưới vòm trời âm u. Phía trước những mảng mây đen sà sát biển. Gió lạnh nổi lên và mưa sầm sập trút xuống. Những ngọn sóng như vách núi dựng lên đổ ập xuống trùm kín con tàu. Nhiều cán bộ Bộ Tư lệnh đã ở Hải quân lâu năm cũng say sóng, chui xuống hầm tàu nằm la liệt. Tư lệnh Giáp Văn Cương vẫn đứng cạnh thuyền trưởng trên tháp chỉ huy con tàu vật vã trong sóng gió bất thường Thái Bình Dương. 
Năm 1988, ở tuổi 67, Tư lệnh Giáp Văn Cương mới được phong hàm Đô đốc và là Đô đốc đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Cũng năm đó, Tết Mậu Thìn 1988, Đô đốc Giáp Văn Cương rời không khí gia đình đoàn tụ ấm cúng thiêng liêng ngày Tết đi vào sở chỉ huy tiền phương chiến dịch CQ88 ở Cam Ranh. Sáng mồng một Tết, thắp hương vái ông bà tổ tiên rồi Đô đốc Giáp Văn Cương vội vã lên ô tô ra sân bay Gia Lâm lên chiếc máy bay quân sự đã nổ máy.

BA.  Dù là Đô đốc, Đại tướng hay Nguyên soái cũng là người lính. Dù là ông quan võ trong triều đình, dù là ông Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ, nhưng ông quan võ, ông Bộ trưởng, Thứ trưởng đang mặc áo lính thì vẫn là người lính. Người lính chỉ có một chỗ đứng thiêng liêng, cao cả, chỗ đứng cầm súng bảo vệ từng tấc đất, tấc biển cương vực lãnh thổ quốc gia.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến phải đứng ở bục tội phạm trong tòa án binh vì chủ trương quân đội làm kinh tế của một nhóm lợi ích đang thống lĩnh quân đội, một chủ trương sai trái nặng nề, vô cùng tệ hại, nguy khốn cho quân đội, cho đất nước.
Hãy nghe cáo trạng của viện Kiểm sát quân chủng Hải quân luận tội Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: 
Bị can Nguyễn Văn Hiến đã ký, phê duyệt các văn bản để đưa ba khu đất quốc phòng vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003 . . .  Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng ba khu đất (số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, quận Một thành phố Hồ Chí Minh) trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 939 tỷ đồng.
Quân đội làm kinh tế, Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Văn Hiến mới hăm hở mang đất quốc phòng là bản doanh phía Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân ra liên doanh làm kinh tế. Lời lãi ăn chia với liên doanh kinh tế tính sau. Để có chữ ký của Đô đốc Tư lệnh quân chủng biến đất bản doanh Bộ Tư lệnh quân chủng thành đất liên doanh, phía liên doanh phải biết việc đầu tiên phải làm là gì. Trong những công văn, mệnh lệnh của Tư lệnh gửi các đơn vị trong quân chủng, dấu son và chữ ký của Đô đốc, Tư lệnh hoàn toàn vô tư. Nhưng dấu son và chữ ký của Đô đốc Tư lệnh trong văn bản biến đất bản doanh Bộ Tư lệnh thành đất liên doanh kinh tế thì không thể vô tư. Quân đội làm kinh tế đã làm méo mó từ chữ ký của người lính tham gia vào ma trận lợi nhuận, lỗ lãi.
Đưa người lính đi làm kinh tế, chuyển những đơn vị quân đội thành những công ty thương mại, thành những tổng công ty kinh doanh sân sau của tướng nọ, tướng kia là làm hư hỏng quân đội, hủy hoại sức mạnh quân đội, làm nhụt ý chí chiến đấu người lính, là từ bỏ bổn phận người lính, rời bỏ chỗ đứng đích thực và cần thiết của người lính.
Người lính chỉ có một chỗ đứng cao cả, một nhiệm vụ thiêng liêng: cầm súng bảo vệ từng tấc đất, tấc biển cương vực lãnh thổ quốc gia. 
Vì chỗ đứng cao cả, thiêng liêng đó mà người lính có vị trí thương cảm đặc biệt trong tình cảm người dân và được đặc biệt ưu ái trong chính sách quốc gia. Chính sách quốc gia nhìn nhận: Người lính đồng nghĩa với hy sinh. Trong cương vực lãnh thổ quốc gia, nơi nào người dân không thể có mặt, người lính phải có mặt. Những công việc nguy nan, khẩn cấp, người dân không thể làm, người lính lao vào làm. Công cụ lao động của người lính là khẩu súng, là lao động bằng máu, bằng tính mạng. Chính sách quốc gia dành cho người lính mức lương cao hơn hẳn mọi công việc lao động khác vì thứ lao động đặc thù của người lính. Nhận mức lương cao đặc thù rồi chen vào giành giật làm những công việc bình thường của người dân. Đó là sự hèn nhát ô nhục của hạng người quyền lợi thì hưởng, trách nhiệm thì trốn.
Quân đội làm kinh tế đã biến hàng trăm hecta đất quân sự sân bay Gia Lâm, sân bay Tân Sơn Nhất của dân, của nước thành tài sản riêng của nhà tư sản, thành sân golf của doanh nghiệp tư nhân, thành tiền tỷ hoa hồng, tiền tỷ lót tay cho ông tướng nọ, ông tá kia. Quân đội làm kinh tế là làm việc không chính đáng, là kinh doanh lậu. Kinh doanh lậu đã biến tâm hồn người lính trong sáng, trung thực thành tâm hồn gian thương tăm tối, gian tham.
Quân đội làm kinh tế, nên đất lúa, đất ngô ở cánh Đồng Sênh của người dân Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội bỗng trở thành đất quốc phòng! Người dân Đồng Tâm yêu nước, lương thiện quyết giữ đất Đồng Sênh cho lúa cho ngô bỗng thành thế lực thù địch, để phải nhận bạo lực nhà nước trong vụ thảm sát dân Đồng Tâm rùng rợn đêm 9.1.2020.
Quân đội làm kinh tế làm hư hỏng đội ngũ sĩ quan, hàng chục tướng tá bị kỷ luật quân đội và trở thành tội phạm trước pháp luật nhà nước. Quân đội làm kinh tế đã làm hỏng một trí tuệ, một tài năng của quân đội, đẩy một Đô đốc được quân đội đào tạo bài bản, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trở thành tội phạm, đẩy Đô đốc thứ hai của Hải quân Việt Nam đến chỗ đứng của bị can trước tòa án binh.
Làm kinh tế đương nhiên phải chạy theo lợi nhuận, phải thèm khát lợi nhuận. Quân đội làm kinh tế là rời bỏ chỗ đứng chính đáng, chạy theo lợi nhuận bất chính. Quân đội còn làm kinh tế, còn chạy theo lợi nhuận bất chính, còn phải rời bỏ chỗ đứng chính đáng, cao cả của người lính, sẽ còn nhiều tội phạm Nguyễn Văn Hiến.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Khối Euro (Eurozone) (Bài 23)

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: Khối Euro (Eurozone) (Bài 23)

Đoàn Hưng Quốc
Liên minh Châu Âu (European Union, viết tắt: EU) gồm 27 quốc gia, trong đó có 19 quốc gia dùng chung đồng Euro. 19 quốc gia này được gọi là Eurozone (Khối Euro). Khối Euro được hình thành trong mục đích thúc đẩy mậu dịch khi không còn phải hoán chuyển giữa các đơn vị tiền tệ riêng lẻ của mỗi nước thành viên. Ít ai ngờ rằng chính lợi thế này của đồng Euro lại trở thành sợi dây lòi tói cột chặc nhiều nước chết chùm trong cơn khủng hoảng!
U, NATO, Schengen and Eurozone member states in Europe - FactsMaps
Lý do: mỗi quốc gia có đơn vị tiền tệ riêng khi gặp kinh tế suy sụp đồng bạc sẽ mất giá. Nhập khẩu tự động sút giảm vì mua vào mắc trong khi xuất khẩu tăng do bán ra rẻ giúp kinh tế có cơ hội phục hồi. Nhưng nay những nước Nam Âu bị trói buộc vào đồng Euro khi rơi vào khủng hoảng không thể tự mình hạ giá đồng bạc vì trong khối còn nhiều nền kinh tế mạnh như Đức và Bắc Âu, cho nên phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ (và nghi kỵ mắng nhiếc) của những nước mạnh này.
Đồng bạc gắn liền với chủ quyền quốc gia; chủ quyền quốc gia lại đi đôi với tự ái dân tộc. Khi gia nhập vào khối Euro, các nước Nam Âu đã từ bỏ quyền in bạc và không còn tùy tiện tăng hay giảm ngân sách để kích thích tăng trưởng. Trên nguyên tắc, mỗi quốc gia vẫn tự mình quyết định chi thu, nhưng lại bị gò bó trong khuôn khổ của Eurozone, nên thực tế bị Đức – vốn là nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu – áp đảo. 
Nói cách khác, mức độ tăng trưởng và con số thất nghiệp ở Nam Âu bị định đoạt bởi Berlin và Brussels (thủ phủ của Đức và của Eurozone). Điều này gợi nhớ món nợ ân oán khi Đức thống trị các nước Âu Châu trong Thế chiến Thứ Hai, làm nổ bùng làn sóng dân túy đe dọa tách rời khỏi khối Euro. 
Âu Châu gồm hai khu vực kinh tế mạnh (Đức + Bắc Âu) và yếu (Nam Âu), nhưng một khi khối Euro được hình thành, thế giới lạc quan tin rằng chỉ còn một Eurozone không còn lằn ranh giữa mạnh và yếu. Để so sánh: Hoa Kỳ tuy có tiểu bang giàu như California hay nghèo như Mississipi, nhưng nợ công Liên bang là do nước Mỹ mượn chớ không phải từng tiểu bang vay. Vì mập mờ giữa quy chế Liên Hiệp (Âu Châu) hay Liên Bang (Mỹ) nên khi mới gia nhập khối Euro, các nước Nam Âu mượn tiền dễ dãi với lãi suất thấp giống như Bắc Âu, vì các nhà đầu tư nghĩ rằng tiền cho nước nào vay cũng vẫn được toàn khối bảo đảm. 
Kinh tế Hy Lạp trước đây yếu kém nên khó mượn tiền, nay đi vay dễ dàng với phân lời thấp như Đức thì… dại gì không mượn! Kết quả, nợ công Hy Lạp tăng vọt cho dù độ tín nhiệm vẫn còn thấp. Ngược lại, Tây Ban Nha tuy nợ công thấp nhưng nợ tư nhân lại nhảy vọt do các ngân hàng ngoại quốc đầu tư cho vay vào thị trường địa ốc.

Một nghịch lý khác là kinh tế Đức mạnh nhờ vào cần kiệm nên không chịu mượn tiền tiêu xài trong nước. Cho nên các ngân hàng Đức thiếu chỗ để cho vay phải đổ tiền tiết kiệm của dân Đức xuống Nam Âu cho mượn… xài cho sướng – cũng giống như cho con nít ăn kẹo thì sau này đau bụng lỗi tại ai? Tình trạng vui vẻ này kéo dài từ năm 1999 đến năm 2008 – giới tài chánh ví von như “keep dancing until the music stops” tức là nhảy đầm đã đời đến lúc phải đi hốt rác.
Năm 2007-08 bong bóng tín dụng và địa ốc tại Hoa Kỳ nổ bùng. Các ngân hàng Âu Châu hoảng hốt xem lại sổ sách mới nhận ra bên cạnh những thua lỗ ở Mỹ còn thêm nhiều khoản cho vay đầy rủi ro ở Nam Âu. Các ngân hàng Đức không còn dám cho vay mà lại thúc giục trả nợ. Thế là Nam Âu không còn mượn được nợ để trả nợ, và khủng hoảng Euro bắt đầu vào năm 2010.
Nếu Nam Âu quịt nợ thì nhiều ngân hàng Bắc Âu, Đức và Pháp sẽ phá sản. Cho nên những gói cứu trợ ban đầu không nhằm kích thích tăng trưởng mà chỉ đủ để giúp cho Nam Âu có tiền trả nợ cho Đức và Bắc Âu. 
Do tăng trưởng không có mà lại còn phải thắt lưng buộc bụng, nên số người thất nghiệp ở Nam Âu nhảy vọt lên ngang bằng thời kỳ Đại Khủng Hoảng 1929, tạo ra làn sóng công phẫn, dẫn đến trào lưu dân túy và nhiều xáo trộn về chính trị. Có lúc Hy Lạp tưởng chừng sẽ tách rời ra khỏi Eurozone. Ý là nền kinh tế lớn hàng thứ ba trong khu vực, nếu phá sản sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn khu vực. Nhưng oái ăm là Đức lại hưởng lợi lớn nhờ vào khủng hoảng!
Lợi thế thứ nhất: đồng Euro mất giá so với USD giúp hàng hóa từ Đức bán ra nước ngoài tăng nhờ giá rẻ, trong khi các nước Nam Âu lại kẹt cứng vì không thể tự hạ giá đồng bạc nhằm nâng đỡ xuất khẩu và du lịch do dùng đồng tiền chung Euro. 
Lợi thế thứ hai là Đức mượn tiền với phân lời rẻ mạt, trong khi Nam Âu cần tiền để thúc đẩy tăng trưởng lại phải đi vay với lãi suất cao hơn nhiều. Lý do: các quốc gia trong Eurozone đều phải vay mượn theo đồng Euro, trong khủng hoảng tiền Euro cần chỗ an toàn để đậu thì chạy vào nước Đức. Tệ hại hơn cả là các quỹ tiết kiệm Euro của dân Nam Âu cũng lại đầu tư qua Đức, tức là Nam Âu không cách nào vận động vốn trong nước để thúc đẩy tăng trưởng.
Khối Euro khác với Mỹ là không phát hành nợ công Liên bang, nên tự mỗi nước phải đi mượn tiền riêng lẻ. Nếu các nước Nam Âu chưa đi vay với giá cắt cổ là nhờ ECB (Ngân hàng Trung ương Âu Châu) bảo đảm mua lại nợ công. Nhưng ECB do Đức thao túng. Vào tháng 05/2020, Tòa án Tối cao Đức phán quyết Đức có 3 tháng để xét lại việc ECB bảo đảm mua nợ công có phục vụ quyền lợi nước Đức trên hết hay không! Bằng không Ngân hàng Trung ương Đức bắt buộc phải siết lại không cho ECB bảo đảm mua nợ công như trước, tức là lãi suất nợ công Nam Âu sẽ tăng vọt khiến Nam Âu không còn khả năng vay mượn nợ nhằm thoát ra cuộc khủng hoảng nhị trùng Đại dịch Vũ Hán lẫn đồng Euro.
Đức và Pháp vuốt ve Nam Âu bằng cách phá lệ phát hành nợ công toàn khối Euro trị giá 500 tỷ để hỗ trợ các doanh nghiệp và quốc gia bị đe dọa bởi Đại dịch Vũ Hán. Nhưng bà Merkel nhấn mạnh rằng đây là ngoại lệ chớ không phải tiền lệ cho các nước giàu Bắc Âu phải giúp đỡ các nước nghèo Nam Âu. Đoàn kết Âu Châu nhưng hạt muối chia đôi cục đường nuốt trọn.
Khi bà Merkel đơn phương tuyên bố thu nhận 1 triệu dân tỵ nạn từ Syria vào năm 2017 thì Hy Lạp đã nghèo lại lãnh đủ, do con số tỵ nạn tràn vào quá cảnh ở nước họ trước khi tràn lan khắp Âu Châu trong khuôn khổ tự do giao thông Schengen. Đông Âu đóng cửa biên giới để chận dân tỵ nạn bị lên án vi phạm thoả ước Schengen. Dân Ý trước đây ủng hộ khối Euro cho dù bị khủng hoảng, nhưng đến hồi tháng 03/2020, khi đại dịch Vũ Hán bùng nổ, Ý xin Đức và Pháp cứu trợ khẩn cấp lại bị từ chối do hai nước này cũng đang lo thủ thân. Điều này mở ra khoảng trống để Trung Quốc nhảy vào khoe khoang giúp đỡ Ý; Đức và Pháp sau này giúp Ý còn nhiều hơn Bắc Kinh, nhưng 75% dân Ý nay vẫn còn cay đắng về tình “đoàn kết” Âu Châu. Điều này cũng tương tự như Hy Lạp trong khủng hoảng kinh tế bị mắng nhiếc và ép uổng thắt lưng buột bụng nên bán hải cảng cho Trung Quốc đặt đầu cầu tiến vào Âu Châu.
Nói tóm lại khi gia nhập khối Euro và Liên Minh Châu Âu, các nước đã đánh đổi quyền tự quyết cho Đức xỏ mũi, lợi lúc ban đầu nhưng hại không có phương cứu chữa mà còn bị rủa là lười biếng. Sở dĩ chưa nước nào dám tách rời Eurozone là vì sợ rơi vào tình trạng hỗn loạn tệ hại hơn cả Brexit. Nhưng đại dịch Vũ Hán khiến Nam Âu đang trì trệ nay thành kiệt quệ, một khi nạn dịch nguôi qua thì các phong trào dân túy sẽ bùng nổ, và tương lai đồng Euro sẽ vô cùng bấp bênh. 
Đ.H.Q.
Tác giả gửi BVN

Có hay không thời mạt pháp

Có hay không thời mạt pháp

Tương Lai
Tình cờ qua dịch vụ Zalo biết được sinh nhật của ông bạn luật sư nên có mấy lời mừng: “Chúc anh luôn khoẻ, mọi sự an lành, tiếp tục góp phần giúp dân, giúp nước, trước mắt là góp tiếng nói của luật sư cứu mạng Hồ Duy Hải đang là nạn nhân của một thể chế độc tài vô pháp vô luân”. Ông bạn luật sư lại trang trọng hồi âm: “Cám ơn gs viện trưởng “sống... có một tấm lòng để gió cuốn đi. Thời Mạt pháp”.
clip_image002Thế là ông luật sư làm khó cho tôi rồi đây. Mấy từ “thời mạt pháp” động đến dự ngôn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà về lĩnh vực này thì tôi dốt đặc. Ông bạn tôi lại gắn cái khái niệm đáng sợ này vào với những suy niệm riêng tư chỉ “để gió cuốn đi” những “mênh mông thế sự” nhặt nhạnh được rồi ngẫu nhiên đậu lại đâu đó, bất định, đến và đi, ai vui thì đến, hững hờ thì đi, chẳng làm vướng bận bất cứ ai. Vậy thì làm sao hiểu được câu chuyện đượm màu huyền sử cách nay 2500 năm được ghi chép trong “Phật thuyết pháp diệt tẫn kinh”? Đó là những lời tiên tri mà người đời sau nhớ và ghi chép lại nên thật khó để cam đoan là hoàn toàn chuẩn xác. Ấy vậy mà vẫn không thể không suy ngẫm về những dự ngôn của Đức Phật: Rằng sau khi Ngài ly thế, cũng chính là thời kỳ Mạt pháp thì Phật Pháp mà Ngài truyền sẽ bị phá huỷ, diệt vong.
Lúc ấy, có bao nhiêu điều đã xảy ra? Có bao nhiêu điều đang xảy ra? Còn bao nhiêu điều sắp xảy ra? Theo sách ấy, trong thời Mạt pháp, sẽ nảy nòi ra rất nhiều tăng nhân giả làm thiện, đưa chúng sinh lầm đường lạc lối. Thời Mạt pháp cũng sẽ xuất hiện rất nhiều dị thường và cũng chính là lúc con người không còn tâm Pháp để câu thúc đạo đức... “Thuỷ hạn bất điều, ngũ cốc bất thục, dịch khí lưu hành tử vong giả chúng” tạm hiểu là khí hậu dị thường, thiên tai nhân hoạ xảy ra thường xuyên, hạn hán, ngũ cốc không chín, dịch bệnh chết người... Và rồi, Ác nhân chuyển đa như hải trung sa, thiện giả thậm thiểu nhược nhất nhược nhị” ý nói đạo đức xã hội trượt dốc, người ác nhiều như cát trong biển, người lương thiện lại càng hiếm hoi!
Hay là ông bạn luật sư của tôi mượn chuyện nhà Phật để nói lên nỗi đau đời theo cách tác giả của bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” mượn chuyện Phật để biểu đạt chuyện đời:
clip_image004“...ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe dông bão nổ trăm miền... 
Như từ vực thẳm đời nhân loại.
Bóng tối đùn ra trận gió đen... 
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.
Hai câu chuyện Phật cách nhau hơn hai thiên niên kỷ, thế nhưng “sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố” mà Einstein đã từng nhắc nhở. Câu hỏi lớn “như từ vực thẳm đời nhân loại, bóng tối đùn ra trận gió đen” ấy vẫn liền mạch với hôm nay và vẫn đang chờ câu trả lời.
Đang chờ. Bởi vì, chẳng phải những dự ngôn của Đức Phật dường như đang hiển hiện ngay trước mắt chúng ta đó sao! Môi trường sống biến đổi dữ dội, quả đất nóng dần lên, băng tan, nước biển dâng, hạn hán bão lũ dồn dập, và rồi đại dịch xuất phát từ Vũ Hán ở Trung Quốc đang gây nên một tai hoạ khủng khiếp cho con người trên toàn cầu, làm đảo điên nhiều quốc gia. Đó là “một thông điệp không lời về tính vô thường của vạn sự” mà chúng tôi đã nói đến trong “Mênh mông thế sự” số 91. Nhưng rồi tôi nghĩ, ông bạn của tôi khi nhắc đến “thời mạt pháp” chắc là muốn nói nhiều hơn đến thực trạng “vô pháp, vô luân”, những thuật ngữ tôi viết trong tin nhắn mừng sinh clip_image006nhật ông luật sư, một người am hiểu về đạo lý và luật pháp – lĩnh vực chuyên môn của ông – nơi đang có cả rừng luật nhưng người ta lại quen dùng “luật rừng”, trái với luân thường đạo lý!
Thì đó, mấy ngày vừa rồi dư luận đang nóng lên xoay quanh phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao do chính ông Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (trước đây là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) ngồi ghế Chánh án với 17 vị thẩm phán “chăm phần chăm” (100%) rất chi là tuyệt đối nhất trí để Hội đồng Thẩm phán kết luận: “Quá trình điều tra, xét xử có thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao”.
clip_image008Ngay lập tức, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật. Ông nói trong quá trình xem xét vụ việc thì có nhiều chứng cứ chưa rõ, cần phải làm rõ. Căn cứ vào Bộ luật tố tụng hình sự, khi có dấu hiệu thế thì phải kháng nghị xem xét lại... vụ án còn mâu thuẫn cần phải kháng nghị điều tra lại, đảm bảo khách quan, bảo vệ tính mạng của người dân khi không có chứng cứ trực tiếp. Ông Lê Minh Trí khẳng định “Chắc chắn viện trưởng kháng nghị không sai luật và đúng thẩm quyền. Viện trưởng cũng có báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xem xét và đúng pháp luật” (Tuổi Trẻ. 18.5.2020). Xin lưu ý đã có báo cáo với các cấp có thẩm quyền rồi đấy nha! Mà “cấp có thẩm quyền” này chắc chắn phải ở cao chót vót khiến vị Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao phải dè dặt.
Vậy mà ngày 20.5.2020 báo Công Lý choang ngay một bài: Vụ án Hồ Duy Hải: “Cái nhìn khách quan từ chứng cứ, tài liệu tố tụng” trong đó ghi rõ: “Kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi, kết quả nhận dạng có đủ cơ sở xác định con dao, cái thớt là những vật có thật ở hiện trường vụ án, là hung khí mà Hồ Duy Hải dùng để giết các nạn nhân”.
Chỉ có điều “Công Lý” quên mất một chi tiết: “con dao và cái thớt đó đã biến mất tăm”!?. Nhà báo Lưu Trọng Văn đã tường trình rõ chi tiết bị “Công Lý” bỏ quên đó: “Theo lời khai của bốn người dọn dẹp hiện trường vụ án (Nguyễn Văn Thu, Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Vàng và Nguyễn Tuấn Ngọc) thì trong ngày 14 tháng 1 năm 2008, lúc họ dọn dẹp hiện trường đã phát hiện một con dao mới và sạch nhét sau tấm bảng treo trên tường gần chỗ nằm của hai nạn nhân Hồng và Vân. Họ đã báo cho công an xã và huyện nhưng được lệnh đốt bỏ. Họ đã dùng con dao này để cạo vết máu trên nền gạch rồi đốt bỏ nó”. Ơ hay, tang chứng vật chứng quyết định cho kết quả điều tra vụ án giết người sao lại có cái lệnh tai quái này? Mà sao “Công Lý” lại quên không nói nhỉ, hay sợ nói ra thì công lý bị vấy bẩn mà vì vậy mà đã có lệnh phải “đốt bỏ”?
Đừng quên rằng cũng báo Công Lý ngày 12.5.2020 đã có bài của một vị đại tá Công an cao giọng cảnh cáo: “Thực tế, vụ án Hồ Duy Hải và một số vụ án khác đã bị các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng và chúng tôi cũng biết rất rõ ai đứng đằng sau những “thông tin bẩn” để lôi kéo người ít hiểu biết về pháp luật và những vấn đề chuyên sâu của vụ án, nhằm tạo “sức ép” lên cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, thậm chí với cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước.Trước đây những thành phần này tập trung vào vụ Đồng Tâm, nhưng sau đó, do dịch bệnh COVID-19 nên tạm thời lắng xuống, và giờ chúng lại bám vào vụ án Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc bịa đặt, chống phá Nhà nước... tình trạng “trong nghiêm ngoài phá” như hiện nay chắc chắn đang có sự lợi dụng của các thế lực thù địch bên ngoài... Thậm chí, có những ĐBQH không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá, chưa kể những nhận định đưa ra sai hoàn toàn so với thực tế, điều này rất nguy hiểm. Để ngăn chặn tình trạng “nhiễu thông tin’ và “truyền thông bẩn” như hiện nay, các cơ quan tố tụng Trung ương cần báo cáo sự việc với cấp trên mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị về vụ án clip_image010và cả vấn đề truyền thông hiện nay.
Thật tội nghiệp cho ngài “Tổng Chủ” long thể chưa được an khang, lại bị lôi vào một vụ án không lấy gì làm lớn tại Bưu cục Cầu Voi ở một nơi hẻo lánh của tỉnh Long An kéo dài hơn cả thập kỷ, đang biến thành một vụ án tầm quốc gia cuốn theo cả “hệ thống chính trị” được khoác cho tấm áo Nhà nước Pháp quyền XHCN của dân, do dân vì dân luôn “thượng tôn pháp luật”!
Nhưng rồi thượng tôn kiểu gì để rồi chưa bao giờ pháp luật lại bị phê phán một cách quyết liệt như hiện nay, không chỉ là do các thế lực thù địch, mà còn là “các thế lực cơ hội chính trị... bám vào vụ án Hồ Duy Hải, coi như một miếng mồi mới, để tiếp tục trào lưu kích động dư luận, xuyên tạc bịa đặt, chống phá Nhà nước, trong đó có cả những ĐBQH không phải chuyên ngành luật, không nắm rõ về hồ sơ vụ án mà vẫn lên tiếng đánh giá, chưa kể những nhận định đưa ra sai hoàn toàn so với thực tế rất nguy hiểm như ông đại tá nọ viết trên tờ Công Lý.
Đấy là ngài đại tá tránh chưa nói đến chính những quan chức, những chuyên gia cao cấp trong ngành luật pháp đang thẳng thừng bác bỏ những phán quyết của Hội đồng Thẩm phán của phiên toà Giám đốc thẩm! Họ điểm mặt chính Chánh án ngồi ghế Chủ toạ Phiên Giám đốc thẩm ấy là vi phạm Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự.
clip_image012Một vị nguyên Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao viết rất rành mạch: “Ông Nguyễn Hoà Bình phải từ chối tham gia xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì ông Bình đã ký quyết định không kháng nghị vụ án này với tư cách là Viện trưởng VKS NDTC. Sở dĩ luật quy định như vậy để bảo đảm tính vô tư, khách quan, tránh áp đặt ý muốn chủ quan của người ngồi xét xử vụ án... Ông Bình ngồi xét xử, lại là Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao chủ tọa phiên toà làm cho người ta đặt câu hỏi về tính Khách Quan, Vô Tư của phán quyết”.
Trường hợp này chắc chắn không là “trong nghiêm ngoài phá” mà vị đại tá Công an nọ lên án trên tờ Công Lý. Mà đích thực là ở “trong” đấy chứ. Mà đâu chỉ có vị nguyên Thẩm phán Toà án Tối cao này, còn khá nhiều những vị đích thực là ở “trong” như một vị luật sư từng là Phó giám đốc Công An - Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã thẳng thừng trả lời báo Phụ Nữ ngày 13.5.2020: “Vụ án gì mà bày ra bao nhiêu thứ sai sót, xã hội thấy những sai sót này là không thể chấp nhận được, nhưng ông Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thản nhiên nói “sai sót này không thay đổi bản chất vụ án”. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao vừa rồi có những chi tiết và lập luận không đủ sức thuyết phục”.
Ông luật sư này còn nói rõ: “Chúng ta lại công khai một nền tư pháp lỏng lẻo, thiếu thuyết phục, thậm chí làm mất lòng tin nơi nhân dân…”! “Nền tư pháp lỏng lẻo” ấy được nguyên Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao chỉ ra trong lập luận của Chủ toạ Phiên toà Giám đốc thẩm về “hiệu lực pháp luật” để bác bỏ kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cứ tiếp tục tiến hành phiên toà là không đúng! Không đúng, vì theo ông: “Không có quy định nào về vấn đề này trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự cả”. Vì vậy “Thông thường khi xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm HĐXX phải xem xét ngay đến cơ sở của trình tự tố tụng này là Kháng cáo, kháng nghị. Một kháng cáo hoặc kháng nghị đã không hợp pháp thì không có phiên toà”.
Ông còn nói rõ: “Trong vụ án này, việc điều tra đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng hình sự từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, nhận dạng vật chứng, mua cái không phải là vật chứng để cố tình hợp pháp hoá vật chứng… Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, không đúng quy định của pháp luật và lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì không ổn vì đó không phải là chứng cứ. Vì thế nó không có sức thuyết phục, không đủ để chứng minh tội phạm và đương nhiên nó làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nội dung, bản chất của vụ án.
Sẽ là một tiền lệ và nguy hiểm hơn là án lệ cho các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự nói riêng và pháp luật tố tụng nói chung”.
Vậy là, từ quá trình điều tra, thu thập chứng cứ cho đến phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, ông chủ toạ và các vị thẩm phán đều có vấn đề – nói theo ngôn từ dân dã – thì đã bị “lên thớt”! Mà việc bị “lên thớt” này lại không dễ phi tang như cái thớt và con dao của hung thủ dùng để giết người vừa được nhà báo miêu tả. Và không chỉ nhà báo, Bản báo cáo của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát, kiểm tra và báo cáo Quốc hội ngày15.2.2015 đã tường trình rất rõ ràng: “Cái thớt gỗ được cho là hung khí gây án được công an sai người ra chợ mua về; biến thành tang vật gây án. Con dao được cho là hung khí giết người được dân phòng lượm khi thu dẹp hiện trường nhưng công an không thu giữ mà đem đốt đi. Sau đó, con dao tang vật được “tưởng tượng” và vẽ lên trên giấy”! Không hiểu bà Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hôi (nay là Chủ Nhiệm) có bị ông đại tá Công an trên báo “Công Lý” xếp vào loại gây “nhiễu thông tin’ và “truyền thông bẩn” cần phải ngăn chặn và cần phải báo cáo sự việc với cấp trên mà trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị không nhỉ?
Thế rồi, cứ như cố tình phơi ra “công khai một nền tư pháp lỏng lẻo” đến tệ hại ấy, một tình tiết vừa được tung ra “tên tuổi, địa chỉ cư trú của cá nhân trong một vụ án phức tạp, kéo dài hơn 12 năm lại bất ngờ thay đổi: sau hơn 12 năm, từ "Nguyễn Văn Nghị" lại thành "Nguyễn Hữu Nghị"”,... Sau khi Dân Việt thông tin việc không thể tìm ra tung tích Nguyễn Văn Nghị (Cai Lậy, Tiền Giang), người từng được cho là "nghi can" trong vụ án Hồ Duy Hải thì ngay sau đó, Công an tỉnh Long An lại khẳng định: Không có Nguyễn Văn Nghị mà chỉ có Nguyễn Hữu Nghị ở Long An (?)”. [Dân Việt ngày 17.5.2020]
Đến lúc này, dư luận mới đặt câu hỏi: Vậy trong hơn 12 năm qua, hầu hết cơ quan luật pháp và công luận chỉ gọi tên Nguyễn Văn Nghị trong hàng trăm hồ sơ, tài liệu và cả trong các đơn từ, bài báo liên quan tới vụ án, nhưng Công an tỉnh Long An không có ý kiến gì. Mãi đến bây giờ, Công an Long An mới lên tiếng phủ nhận sự tồn tại của người có tên Nguyễn Văn Nghị (ở Tiền Giang) liên quan tới vụ án, thay vào đó là người có tên Nguyễn Hữu Nghị (ở Long An).
Vậy suốt 12 năm qua, Nguyễn Văn Nghị bị nêu tên và có lúc trở thành "nghi can số 1" của vụ kỳ án Hồ Duy Hải thực chất là ai?... Nếu lời khẳng định của lãnh đạo Công an tỉnh Long An là chính xác, thì hơn 12 năm qua, không chỉ dư luận, báo chí, cơ quan luật pháp..., cho đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và cả Hội đồng thẩm phán – gồm 17 thành viên của Tòa án nhân dân tối cao – đã bị nhầm lẫn khi nhất nhất tin rằng chỉ có nhân chứng Nguyễn Văn Nghị trong hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải. Và nếu đúng vậy, tại sao trong suốt 12 năm qua, hoặc ít nhất là từ năm 2016 (thời điểm Công an Long An có văn bản chính thức trả lời bà Loan khi phủ nhận không có cái tên Nguyễn Văn Nghị trong vụ án của con bà), Công an tỉnh Long An không lên tiếng hoặc yêu cầu các cơ quan tố tụng các cấp đính chính lại “sai sót” này trong các văn bản, hồ sơ, giấy tờ của vụ án? Để rồi, cái tên Nguyễn Văn Nghị cứ thế được lặp đi lặp lại qua các cấp tòa và tới tận phiên Giám đốc thẩm, như một tình tiết quan trọng trong vụ án, một cách rất hiển nhiên?
Đúng là “Một câu hỏi lớn. Không lời đáp”. Nhưng công chúng không chỉ “cho đến bây giờ mặt vẫn chau” mà ầm ầm phẫn nộ! Chỉ cần điểm qua những bài viết trên báo “lề phải” vốn phải đưa tin và bình luận theo cái gậy chỉ huy từ bên trên, nay bỗng phá khung, vượt rào! Hãy nhìn lướt qua một vài tờ báo ra ngày 18.5.2020 để thấy một chỉ báo về tính đột biến này:
- “Dân trí”: Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ án Hồ Duy Hải (trước VietnamNet 6 phút) – “VietnamNet ”: Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ Hồ Duy Hải - “VOV đưa sau VietnamNet 1 phút: “Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu vụ Hồ Duy Hải“ - Pháp luật HCM sau VOV 1 phút: UBTVQH đang nghiên cứu, xem xét vụ án Hồ Duy Hải - Tiền phongsau PLHCM 10 phút: Uỷ ban Thường vụ QH đang giao cơ quan chuyên môn xem xét vụ Hồ Duy Hải - Dân Việt trước Tuổi trẻ: Vụ Hồ Duy Hải: Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lên tiếng - Tuổi trẻ sau Tiền phong 5 phút: Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải...!
Thế là, Quốc hội cũng phải vào cuộc vì “Đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm nên trong nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát của Quốc hội để giám sát, xem xét, tránh trường hợp án oan sai. Từ đó khởi động quá trình xem xét lại vụ án, cho đến khi có phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua” và nay “để xem xét thật toàn diện vụ án này, UB Thường vụ Quốc hội đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xem xét, xử lý”. Vớimột loạt sai phạm hết sức nghiêm trọng, ngớ ngẩn và đầy chứng cứ ngụy tạo của cơ quan công an, Tòa án Việt Nam đã 4 lần một mực quyết định tước đoạt mạng sống của một con người vẫn còn rất trẻ” như báo cáo Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát, kiểm tra và báo cáo Quốc hội ngày15.2.2015 đã chỉ ra thì “hướng xem xét, xử lý” là cực kỳ quan trọng. Hướng nào đây? Lại “một câu hỏi lớn” đang chờ lời đáp.
clip_image014Xem ra đây cũng lại là một chỉ báo sống độngvề tác động và tính lan toả ngày càng rộng rãi, ngày càng trực tiếp của công luận xã hội, một biểu hiện có thể định tính và định lượng về vai trò ngày càng tăng của các hoạt động mang tính ôn hoà, bất bạo động của xã hội dân sự. Sự chuyển động khá ngoạn mục của những tờ báo “lề phải”, gọi đúng tên là báo “chính thống”, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và nghiệt ngã của bộ máy chuyên chính, cho thấy sức nén xuống càng chặt thì sức bật dậy càng mạnh. Để nồi hơi không bị vỡ, phải tìm cách tháo một vài cái van. Và rồi cuộc sống sẽ tự mở lấy đường thoát cho nó không tuỳ thuộc vào sự ngoan cố với những toan tính và thủ đoạn vừa trắng trợn vừa tinh vi nhằm duy trì hiện trạng trong cơn bấn loạn.
Sự chuyển động ngoạn mục của nhiều tờ báo vừa dẫn ra phải chăng là động tác tháo van ấy? Dù sao thì cũng do đó mà dòng chảy cuộc sống đang ách tắc tạo nên sự tù đọng và hôi hám vì bị ô nhiễm quá nặng nề cũng được khơi thông đôi chút. Đương nhiên, cái lực chìm sâu dưới dòng chảy đã và đang tác động trực tiếp hoặc gián tiếp, nhất thời hoặc dai dẳng, thúc đẩy sự chuyển biến của những tờ báo “lề phải” này, lại là sức nặng của công luận xã hội dồn lên ngòi bút của nhà báo, cộng thêm vào đó – nói theo ngôn ngữ dân dã – là họ “đã đánh hơi” thấy một cái gì đó để dám giữ thẳng ngọn bút mà không sợ vỡ niêu cơm. Đặc biệt là “niêu cơm” đáng nể của các Tổng Biên tập.
Cho dù vậy thì xem ra có cho ăn gan hùm họ cũng chưa dám nhúng ngòi bút vào nghiên mực của sự thật thấm đầy máu và nước mắt để viết đúng những nỗi đau mà người dân đang ngày ngày gánh chịu khi cuộc sống đang bị luật rừng khống chế. Mà vì thế, tuyệt đối không có dòng nào động chạm đến ông Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao vừa ngồi ghế Chủ toạ Phiên toà Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải như kiểu báo mạng đưa tin: Điểm mặt hàng loạt căn nhà mặt tiền, biệt thự, căn hộ cao cấp tại Hà Nội... Khối tài sản của ông “bao công” lên đến hàng ngàn tỷ, nhà cửa quá nhiều, ông Nguyễn Phú Trọng có biết không? Ông có muốn người dân chỉ cho ông biết không khi mà ông vừa khẳng định: “Nhân sự khoá XIII không để lọt người giàu nhanh, nhiều đất không rõ nguồn gốc.
Vậy là, nếu là người thật lòng muốn “làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân” thì phải loại bỏ ngay những người đã gây tai tiếng bằng việc dùng chính công cụ của pháp luật để làm sụp đổ niềm tin của dân mà ông muốn củng cố. Nếu không làm được như thế mà chỉ muốn dùng pháp luật như một công cụ bạo lực thể củng cố cái ghế quyền lực của ông và phe nhóm của ông thì càng đẩy cái thể chế toàn trị phản dân chủ sớm sụp đổ. Sụp đổ vì niềm tin của dân đã sụp đổ như chính ông đã nhiều lần nhắc lại câu nói quen thuộc: “Mất dân là mất tất cả”! Cái gọi là “Phiên toà Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao” đã cho thấy cái thể chế này với cái hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp này đã và đang bục vỡ thảm hại đến cỡ nào. Sự phẫn nộ dâng trào khi “Mạng người mong manh. Công lý xa vời. Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý. Khi nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung bị gạt bỏ, nguyên tắc suy đoán vô tội bị bước qua, thì có thể sẽ còn nhiều người mẹ khác phải khóc, sẽ còn nhiều em gái khác phải kêu gào thảm thiết như hôm nay. Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà như nữ phóng viên BH đã viết trên Facebook của mình được nhiều người nhắc lại.
Công luận phẫn nộ không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, quả là “dông bão nổ trăm miền”! Ngày 14.5.2020, đúng 1 tuần sau Phiên toà Giám đốc thẩm, một Kiến Nghị đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải do những trí thức, nhân sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài khởi xướng được sự hưởng ứng của trí thức, nhân sĩ và nhiều người thuộc các tầng lớp nhân dân trong nước ký tên đã được gửi đến Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Các Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Quyền Tổng thư ký Ân xá Quốc tế, Tổng thư ký Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn, Chủ tịch Tổ chức Công giáo Chống tra tấn Pháp, Giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Trưởng ban Nhân quyền, Văn phòng Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Các ngàì Đại sứ của các nước tại Hà Nội. Vào cuối ngày 14.5.2020 đã có 1435 chữ ký. Đến thời điểm tôi đang viết bài này là 7.420 chữ ký.
clip_image016Kể từ lúc khai mở cho đến lúc kết thúc Phiên toà Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải cho đến nay, “dông bão” của lòng dân vẫn đang gào thét thì dù ai đó có giả ngây giả điếc vì màn kịch được dàn dựng với kịch bản quá thô thiển và đạo diễn lại quá bấn loạn đang đâm lao phải theo lao, cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt để mà cứu vãn tình thế, xoa dịu lòng dân! Liệu có phải vì thế mà cử tri được nghe một lời nói chân thành của ông nghị L.Th.V: “việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy”! Mong sao tâm nguyện ấy không chỉ của riêng một đại biểu Quốc hội đang có mặt trong Hội trường của Kỳ họp có quá nhiều vấn đề quốc gia đại sự khiến cho không ít người phải “Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau. Quay theo tám hướng hỏi trời sâu”. Ai đó sẽ bảo người viết lếu láo này rằng: “Họ không hỏi trời đâu, đang ngồi trong Hội trường trang trọng và hoành tráng này, với sứ mệnh và lợi ích rất trần thế của mình, họ phải hỏi ngài “Tổng Chủ” chứ!”. Cũng có lý.
Nhưng sao tôi vẫn chưa dứt ra được câu chuyện các vị La hán chùa Tây Phương của Huy Cận với nỗi ám ảnh có sức lay động tâm tư không chỉ của riêng tôi mà chắc của nhiều người khác nữa, trong đó e cũng có một số các vị đang ngồi trong hội trường Quốc hội để rồi lẩn thẩn mà tưởng tượng ra rằng các vị “ngồi đây trong lặng yên. Mà nghe dông bão nổ trăm miền”! Thế rồi từ câu chuyện đời sống chính trị đang nóng bỏng để trở lại với câu chuyện Phật với một niềm day dứt “Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau? Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão. Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời” mà Huy Cận từng đặt ra trong bài thơ kia.
Vậy là lại phải trở về với dự ngôn của Đức Phật về thời “Mạt Pháp” khi mà “đạo đức xã hội trượt dốc, người ác nhiều như cát trong biển, người lương thiện lại ít như lá mùa thu”. Câu chuyện đời sống của chúng sinh bằng xương bằng thịt: “Mạng người mong manh. Đau cho thân phận con người. Đau cho một xã hội thiếu vắng công lý. Tương lai nào cho một đất nước mà ở đó công lý đã mù loà” liệu có chút âm vang nào khi soi lại dự ngôn của Đức Phật về “thời mạt pháp” kia không? Bỗng nhớ đến lời của một nhà sư Đài Loan mà tôi sẽ kể vài dòng kết thúc bài mênh mông thế sự này.
clip_image018Hoà thượng Quảng Khâm viết: “Phật pháp không có mạt pháp mà “người” thì có mạt pháp. Người không biết kính Phật trọng pháp. Người già đặt Phật pháp tại chỗ mạt nhất trong các sinh hoạt: đặt sau tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghê, đặt sau trà dư tửu hậu, đặt sau “nhân tình thù tạc”. Người đem tính trọng yếu của việc học Phật đặt vào chỗ tối mạt là người của thời đại mạt pháp. Người kính trọng Phật, trọng pháp thì mãi mãi là người của thời đại pháp”. Quảng Khâm là vị hoà thượng được người dân Đài Loan sùng kính vì cuộc đời và con đường tu tập kỳ diệu của ngài. Hoà thượng viên tịch ngày 13.2.1986 tại Diệu Thông Tự ở Cao Hùng, một tỉnh phía Nam, thành phố lớn thứ hai của Đài Loan.
Cũng là cơ duyên sao đó, năm năm sau, 1989 tôi có dịp cùng với anh Đào Dậu, bạn rất thân suốt hơn nửa thế kỷ từ 1951 mà chúng tôi vừa chuyện gẫu với nhau qua điện thoại. Dậu thông thạo tiếng Trung nên tôi đề nghị cùng đến Đài Loan theo lời mời của một cơ quan Văn hoá Đài Loan. Chúng tôi có dịp viếng thăm Diệu Thông Tự và được vị sư trụ trì tiếp. Quanh ấm trà, nhà sư kể lại những hiện tượng kỳ diệu về cuộc đời của Hoà thượng Quảng Khâm. Điều để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi là thời khắc trước khi viên tịch, Hòa thượng nói với các đệ tử đang tụng niệm bên ngài: “Vô lai vô khứ, một hữu sự!” và gật đầu mỉm cười rồi nhắm mắt ngồi bất động. Thế đấy, sống gần một trăm tuổi, thanh thản nhẹ bước vào cõi hư vô “chẳng đến chẳng đi, chẳng việc gì”. Câu nói đơn giản, thâm thuý và sâu thẳm như một châm ngôn ấy gợi trong tôi dự ngôn của Đức Thích Ca Mâu Ni “Các hành là vô thường, các vị hãy tinh tấn”!
Từ câu chuyện Phật mà đến với ít nhiều bóng dáng của “thời mạt pháp” hiển hiện ngay trước mắt chúng ta để khơi dòng cho mạch suy tư về thời cuộc với dồn dập những sự kiện. Điều cần nói là chỉ có thể hiểu sâu sắc những sự kiện ấy khi đặt chúng trong bối cảnh của thảm hoạ toàn cầu với đại dịch Covid 19 đến từ Vũ Hán làm “loài người rúng động, xã hội suy sụp vì một thứ xoàng xĩnh nhỏ nhoi... đúng như nhà văn châu Phi Moustapha Dahleb viết. Thâm trầm và dữ dội hơn, nhà văn chưa được nhiều người biết đến ấy, còn quyết đoán rằng: “Chỉ cần vài ngày để nhân loại ý thức được rằng mình chỉ là làn hơi và hạt bụi”. Ý tưởng đậm chất triết lý ấy cứ như liền mạch với dự ngôn của Đức Phật “các hành là vô thường”, với câu nói nhẹ nhàng thấm đẫm chiều sâu triết lý “vô lai vô khứ, một hữu sự” của Hoà thượng Quảng Khâm... Sự liền mạch đó dẫn ta trở lại với luận điểm Einstein “Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố”!
Cho nên, việc ngộ ra được thân phận con người “chỉ là làn hơi, hạt bụi” mà nhà văn xứ Chad ở Châu Phi nói đến nhân cơn đại dịch thế kỷ 21 này thì dường như cũng là vang bóng của hình ảnh “con người chỉ là cây sậy yếu ớt” mà Pascal đã nói từ thế kỷ 17. Là nhà toán học và nhà triết học và cũng là người chế tạo chiếc máy tính đầu tiên, khi trả lời câu hỏi của người bạn “Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trước tạo hóa vô biên. Làm sao anh có thể đương đầu nổi với giông tố cuộc đời”, thiên tài trẻ tuổi ấy đã tự tin mà rằng: “Đúng, con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết tư duy”.
clip_image020Nếu hoà thượng Quảng Ngâm mỉm cười “chẳng đến chẳng đi, chẳng việc gì” rồi nhẹ bước vào cõi hư vô thì Pascal quan niệm “Con người chỉ là hạt bụi, óc tưởng tượng không quan niệm nổi cái vô cực lớn đến thế nào, cũng như đối với cái cực nhỏ như nguyên tử? Không ai có khả năng nhìn thấy cái vô cực là nơi mình sẽ chìm vào” trong luận điểm “Hai Vô Cực” (Les deux infinis) của ông khiến ta nhớ đến tương đối luận của Trang Tử. Với Pascal con người không là thiên thần cũng chẳng là ác quỷ, nhưng điều bất hạnh là họ đóng vai thiên thần mà hành động như ác quỷ! Luận điểm của ông gợi cảm hứng sáng tạo cho trường phái văn học hiện sinh viết về con người chống lại số phận.*
Nghiệt ngã thay khi phải chứng kiến những gì viết trên trang giấy kia đang phô diễn giữa cuộc đời này. Nhan nhản những kẻ khoác mặt nạ “thiên thần” để hành động như “ác quỷ” mà những sự kiện, hiện tượng vừa trình bày ở trên là những minh hoạ sống động. Vậy thì băn khoăn làm gì cho mệt với câu hỏicó hay không “Thời Mạt Pháp”! Thì chẳng Phiên toà Phúc thẩm vụ án Hố Duy Hải đã là một bi kịch về “đau cho thân phận con ngườiđau cho một xã hội thiếu vắng công lý”, đầy rẫy những ác quỷ mang mặt nạ thiên thần” đó sao? Khi “công lý đã mù loà” thì đúng như dự ngôn của Đức Phật “con người không còn tâm Pháp để câu thúc Đạo đức”.
Chỉ có điều “Lịch sử luôn tự lặp lại: ban đầu là bi kịch, sau là hài kịch”. Marx đã thật sâu sắc khi đưa ra sự đúc kết giàu tính triết lý tiến trình hưng thịnh và suy tàn của những triều đại trong lịch sử nhân loại. Cần phải có “hài kịch” để con người vui vẻ từ bỏ cái hiện tồn đang thối rữa mà hăng hái bước vào xã hội mới đang hình thành. Phải chăng chúng ta đang chứng kiến một vở hài kịch vừa được công diễn tuy có hơi vụng về và lúng túng. Liệu rồi công chúng còn được thấy những gì khi màn hài kịch hạ xuống đây. Có lẽ phài “xin chờ, hồi sau sẽ rõ”!
Ngày 25.5.2020
T. L.
Tác giả gửi BVN
____________
*Tham khảo từ những công trình nghiên cứu và bài báo của học giả Hữu Ngọc
Chú thích ảnh từ trên xuống
1. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
2. Đường lên chùa Tây Phương
3. Phiên toà Giám đốc thẩm
4. Viện trưởng Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí
5. Bưu cục Cầu Voi vẫn bỏ hoang tàn suốt 13 năm qua
6. Luật sư Trần Văn Tạo, nguyên Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TPHCM
7. Tử tù Hồ Duy Hải
8. Ba trong các bức tượng gỗ các vị La Hán ở Chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội
9. Hoà thượng Quảng Khâm
10. Tượng Pascal