Yếu thế ư? Bỏ mặc cho mày chết?
Những đứa học sinh mất dạy, thích bạo lực sẽ tiếp tục trò vui của nó. Và những đứa khác thì thây kệ, thản nhiên đứng xem. Khủng khiếp là bọn trẻ học người lớn, không thương bạn, bất chấp. Chuyện những người yếu thế sản xuất nước mắm truyền thống bị dồn ép đến cùng hay học trò bị đánh trong thờ ơ của thầy, bạn, là hồi chuông cảnh báo quá đau. Bạo lực, bất công, vô cảm đâu chừa một ai?
30-3-2019
Xin nói mấy câu chuyện đau lòng về người yếu thế. Chuyện thứ nhất. “Này KH biết không, tôi là người ký giấy phép đầu tiên cho Masan vào khu công nghiệp Tân Bình. Theo dõi chuyện Masan với nước mắm truyền thống, tôi thấy, cái gì phải ra cái đó, dứt khoát phải phân biệt rõ, nước chấm thì không thể coi là nước mắm nhé”.
Đó là câu đầu tiên tôi nghe khi vừa ngồi vào chỗ cạnh anh Nguyễn Chơn Trung (nguyên trưởng ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp) tại cuộc họp Hội khoa học kinh tế VN sáng 30/3, bàn về “giải pháp thực hiện mục tiêu chiến lược 10 năm 2021-2030”. Giáo sư Võ Tòng Xuân ngồi đối diện, hưởng ứng ngay, đúng, lập lờ vậy không được, nước chấm là nước chấm.
Tôi cố giải thích. Anh ơi, thực ra, sau một hồi đấu tranh thì họ cũng biết cách lấy luôn cái tên nước mắm. Như trong Dự thảo quy phạm thực hành sản xuất nước mắm vừa công bố gây ồn ào đó, chỉ còn nước mắm nguyên chất và nước mắm. Hiểu ngầm, nước mắm tức là nước mắm công nghiệp mà né thôi, và tự mặc định mình là nước mắm, còn nước mắm chính hiệu xưa giờ, làm kiểu truyền thống ông bà mình thì không muốn bị hiểu lầm là họ, đành phải lấy cái tên: nước mắm truyền thống để phân biệt với nước-mắm-nước-chấm.
Sự đời chồng chất đã nhiều, nhưng vẫn tiếp tục lá lay. Tôi đã viết trong stt “Ngồi xếp lego…” ngày 15/3, có đoạn: Ngày 2/2/2018, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp 2 Ban vận động. Thứ trưởng Tuấn đề nghị hai Ban vận động ngồi lại để thống nhất thành lập chỉ một Hội (vì một ngành không thể có hai Hội). Ngày 23/4/2018, Bộ Nội vụ ký công văn số 1714/ BNV- TCPCP trả lại hồ sơ xin lập HH nước mắm truyền thống do cùng lúc nhận được hai hồ sơ xin thành lập hội (của một ngành) là không được. Cố gắng ngồi đàm phán với ban vận động HH nước mắm VN (thực chất là của Masan) thì không xong vì họ bác tên HH nước mắm truyền thống.
Sau đó, Bộ nội vụ vẫn khăng khăng viện dẫn CV 1714, không cho lập 2 Hiệp Hội trong cùng ngành. Vậy là hình thành TIỀN LỆ 1 (nói là 1 vì sắp có tiền lệ 2) là muốn phá việc thành lập một hiệp hội, anh cứ xin lập đại một Hiệp Hội cùng ngành, thì Bộ chức năng sẽ buộc thương lượng, dĩ nhiên không thành, thế là tan luôn chuyện lập Hiệp Hội nộp đơn trước và đúng pháp luật.
Tình hình là sau vụ quy phạm sản xuất nước mắm ra công luận, mổ xẻ các bất hợp lý, thì Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Nội Vụ tiến hành thủ tục cho lập HH nước mắm truyền thống (đúng pháp luật). Vậy mà mới đây, lại tiếp tục xảy ra chuyện rất bất ngờ: đã có vị thứ trưởng Bộ chức năng nêu ý kiến với một ban của Quốc hội, nếu Hiệp hội nước mắm truyền thống được thành lập thì nên cho thành lập luôn Hội của nước mắm kia (tức NM công nghiệp). Giải thích thì dài tựu trung, thị phần họ lớn, phải có tổ chức đại diện cho họ.
Ủa, vậy là lại tự dẹp nguyên tắc “không lập 2 Hội trong cùng ngành”? Và vậy là sẽ có TIỀN LỆ 2: Doanh nghiệp lớn có thể tự mình thành lập một Hiệp Hội. Chuyện bên Tây bên Mỹ thì không ai ngạc nhiên. Nhưng ở VN, việc lập Hội đâu dễ vậy? Nếu lập được 2 Hội cùng ngành thì chuyện lập Hiệp hội NM truyền thống đâu ách tắc tới bây giờ? Vậy thì vì cớ gì mà sau 2 năm giữ nguyên tắc, giờ cho 1 doanh nghiệp lập Hội?
Bây giờ là lúc các DN nước mắm nhỏ ở địa phương sợ đòn trừng phạt kinh tế. Ai liên quan hay tham gia các Hội nước mắm địa phương, có nguy cơ bị cắt hợp đồng cung cấp nguyên liệu. Các doanh nghiệp nhỏ yếu thế lâu nay khó bán sản phẩm chắc chắn sợ đòn này. Bên cạnh đòn tổ chức, đòn kinh tế là đòn truyền thông: cứ xem xi nê, truyền hình, ai cũng thấy Ủ chượp, đóng chai gần đây hầu như dồn dập.
Người sản xuất nước mắm truyền thống là những người yếu thế. Tôi không liên can chuyện làm ăn nhưng thấy quá bất công và tội nghiệp. Có người khuyên, chị cũng là chỗ quen Masan, thử nói với họ. Trời, mười mấy năm rồi, tôi lặng lẽ theo dõi và thấy… vô vọng.
Chờ khi không còn ai làm nước mắm truyền thống nữa, may ra lúc đó mèo sẽ khóc thương chuột? Không lẽ ông bà mình, cả thời thực dân, nghề cao quí này sống được mà đến giờ đành bị hủy diệt? Người yếu thế sẽ “chèo chống” được bao lâu?
Có một nước nào trên thế giới đành mặc cho cạnh tranh hủy diệt giết chết một di sản đặc sắc để cho mấy trăm ngàn người, từ trùng điệp thuyền cá của ngư dân, tới ba ngàn doanh nghiệp sản xuất và hàng nghìn nhà phân phối và dịch vụ hậu cần phải bỏ nghề?
Chuyện thứ nhì. Trường học vùi dập người yếu thế? Hồi lâu, nghe câu chuyện hễ có “trên” về dự giờ là cô giáo cho học sinh kém, không lanh lợi thông minh nghỉ học. Các em này cũng luôn bị từ chối vì lớp bị ảnh hưởng thành tích. Nghĩ về giáo dục, là tôi nghĩ về những đứa bé bẩm sinh tật nguyền, thiểu năng bị từ chối. Quá thương tâm, tội nghiệp. Và nói thật, quá vô nhân đạo, tàn ác.
Cứ nhìn cách người ta bao biện chuyện giấu danh sách các thí sinh ăn cắp điểm thi đại học và chiếm đoạt chỗ học của… những người yếu thế, là rõ. Bảo là nhân văn, nhưng nhân văn cho ai và vô nhân đạo với ai? Và rồi chuyện em học sinh lớp 9 bị bạn lột trần đánh đập dã man lại cũng được giáo viên chủ nhiệm giấu nhẹm, nhà trường, hiệu trưởng cũng nói láo né trách nhiệm. Chung qui cũng vì nhà em nghèo, gia thế kém. Thử em là con một giám đốc sở?
Đau đớn nhất là hậu quả, thấy liền. Những đứa học sinh mất dạy, thích bạo lực sẽ tiếp tục trò vui của nó. Và những đứa khác thì thây kệ, thản nhiên đứng xem. Khủng khiếp là bọn trẻ học người lớn, không thương bạn, bất chấp.
Chuyện những người yếu thế sản xuất nước mắm truyền thống bị dồn ép đến cùng hay học trò bị đánh trong thờ ơ của thầy, bạn, là hồi chuông cảnh báo quá đau. Bạo lực, bất công, vô cảm đâu chừa một ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét