Bài đăng nổi bật

Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Campuchia quyết tâm thực hiện

  Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Campuchia quyết tâm thực hiện 13/04/2024 The code has been copied to your clipboard....

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Xe tăng Liên Xô đè bẹp Mùa Xuân Praha, cách đây 50 năm

Xe tăng Liên Xô đè bẹp Mùa Xuân Praha, cách đây 50 năm 

Một em bé trước tác phẩm của nghệ sĩ David Cerny nhằm kỷ niệm 50 năm "Mùa Xuân Praha", khi xe tăng Liên Xô tràn vào thủ đô Tiệp Khắc. Ảnh chụp ngày 21/08/2018.

Tháng Tư năm 1968, ông Alexandre Dubcek, tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc loan báo về « chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người », cho phép tự do báo chí và đa đảng. Toàn thể dân tộc Tiệp Khắc tràn trề hy vọng về làn gió tự do. Tuy vậy ngay từ tháng Tư, Brejnev đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Tiệp Khắc. Tổng bí thư Liên Xô tuyên bố đầy đe dọa : « Mỗi đảng Cộng sản có thể tự do áp dụng các nguyên tắc mác-xít lênin-nít và chủ nghĩa xã hội tại nước mình, nhưng không thể tự do đi chệch khỏi các nguyên tắc này nếu còn muốn là cộng sản ». Đảng đứng trên Tổ quốc, đó là nguyên tắc của nhà nước toàn trị độc đảng do Lênin áp đặt kể từ ngày 07/11/1917. 


Nhà sử học tên tuổi Stéphane Courtois chuyên nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, tác giả cuốn « Lênin, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị » (NXB Perrin, 2017), trên báo Le Figaro đã thuật lại vụ đàn áp Mùa Xuân Praha cách đây vừa đúng 50 năm, ngày 21/08/1968.
Vào lúc quá nửa đêm 20/08/1968, một đạo quân hùng hậu gồm 450.000 binh lính từ Liên Xô, Hungary và Đông Đức, 6.300 chiến xa, 800 phi cơ và vô số khẩu đại bác, tràn vào Tiệp Khắc, quốc gia nhỏ bé có 15 triệu dân. 

Sáng sớm 21/08, người dân Praha chết lặng khi thấy thủ đô tràn ngập những người lính Nga đến để « giải phóng » dân Tiệp khỏi « chủ nghĩa phát-xít ». Đến lượt những chiến binh này ngạc nhiên khi bị bao vây bởi một đám đông khổng lồ dân Tiệp Khắc, trẻ có già có, phẫn nộ và tuyệt vọng. Người dân Tiệp cố giải thích cho họ - bằng tiếng Nga, ngôn ngữ đã trở thành bắt buộc trong chế độ cộng sản - là không có « tên phát-xít » nào ở đây, và họ nên quay về Matxcơva.

Vài vụ đụng độ và những phát súng lẻ tẻ đã làm cho gần một trăm người thiệt mạng, trong đó có vài người bị xe tăng cán chết. Ông Alexandre Dubcek, tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã kêu gọi không chống cự.

Mỗi người dân Tiệp Khắc đều nhớ đến cuộc cách mạng ở Hungary năm 1956, đã bị Hồng quân Nga dập tắt trong biển máu : 35.000 người chết, hàng ngàn người bị bắt giam và 200.000 người phải bỏ đi biệt xứ, ở đất nước chỉ có 8 triệu dân.

Hơn nữa, tất cả những người dân Tiệp trên 40 tuổi không quên cái ngày 15/03/1939, khi xé bỏ các hiệp ước Munchen ký kết vào tháng 9/1938, Hitler đã đưa quân Đức quốc xã sang Tiệp Khắc. Còn lần này có cả sự tham gia của quân Đông Đức…

Cuộc chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào, với cuộc xung đột Israel-Palestine và chiến tranh Việt Nam. Leonid Brejnev, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng cần khẩn cấp siết chặt hàng ngũ hệ thống cộng sản quốc tế. Ông ta đã nhận ra mối nguy từ Praha. 

Nếu tại Hungary năm 1956 đã diễn ra một cuộc cách mạng chống cộng, thì phong trào phản kháng ở Tiệp Khắc lại nảy sinh ngay trong nội bộ đảng Cộng sản Tiệp. Từ giữa năm 1967, ê-kíp nắm quyền theo chủ nghĩa Stalin đã bị các nhà lãnh đạo trẻ - ý thức được ngõ cụt của chế độ - làm cho chao đảo.
Phong trào phản kháng diễn ra trên nhiều mặt. Về kinh tế, với các dự án cải cách của Ota Sik, chủ trương tái lập nền kinh tế thị trường. Về văn hóa, với các nhà văn nổi tiếng Milan Kundera, Pavel Kohout, và kịch tác gia trẻ Vaclav Havel. Nhưng nhất là về chính trị.

Ngày 05/01/1968, với sự đồng ý của Brejnev, ông Dubcek lên thay khuôn mặt cứng rắn Novotny, làm tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Đến tháng Tư, ông loan báo về « chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người », cho phép tự do báo chí và đa đảng. Toàn thể dân tộc Tiệp Khắc tràn trề hy vọng về làn gió tự do.

Tuy vậy ngay từ tháng Tư, ông Brejnev đã ra lệnh chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Tiệp Khắc. Và trong một cuộc họp với ông Dubcek ở Bratislava hôm 03/08, tổng bí thư Liên Xô tuyên bố đầy vẻ đe dọa : « Mỗi đảng Cộng sản có thể tự do áp dụng các nguyên tắc mác-xít lênin-nít và chủ nghĩa xã hội tại nước mình, nhưng không thể tự do đi chệch khỏi các nguyên tắc này nếu còn muốn là cộng sản ».

Người dân thủ đô Praha vây quanh các xe tăng Liên Xô, ngày 21/08/1968.
Đảng đứng trên đất nước

Đảng đứng trên Tổ quốc, đó là nguyên tắc của nhà nước toàn trị độc đảng do Lênin áp đặt kể từ ngày 07/11/1917. Nhà lãnh đạo xô-viết cũng loan báo thuyết « chủ quyền giới hạn » đối với các Nhà nước vệ tinh trực thuộc Liên Xô, được gọi là « học thuyết Brejnev ». Học thuyết này sau đó đã giúp hợp pháp hóa việc đè bẹp Mùa Xuân Praha, bảo đảm sự vững chắc của « cộng đồng xã hội chủ nghĩa ».

Tuy vậy nó cũng không ngăn cản được sự sụp đổ của bức tường Berlin 20 năm sau đó. Và đến tháng 11/1989, « Cuộc cách mạng nhung » Tiệp Khắc đã dẫn đến việc tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ là ông Vaclav Havel – cựu phát ngôn viên của Hiến chương 77, tổ chức tập hợp các nhà ly khai Tiệp.

Việc Mùa Xuân Praha bị chà đạp không gây ra các phản ứng đáng kể ở phương Tây. Đảng Cộng sản Pháp chỉ phản ứng nhẹ nhàng, và sau đó im lặng dưới áp lực của các khuôn mặt stali-nít trong đảng, đứng đầu là Jeannette Thorez. Ngoại trưởng Mỹ Dean Rusk tuyên bố : « Các sự kiện ở Đông Âu không đặt lại vấn đề chiến tranh và hòa bình giữa chúng tôi và Liên bang Xô viết (…) ».

Nhưng đối với tất cả các nhà ly khai chế độ cộng sản, cuộc xâm lăng hôm 21 tháng Tám năm 1968 vang vọng như một hồi chuông báo tử. Tại Praha diễn ra một sự kiện hiếm thấy, là các nhà cải cách trong đảng Cộng sản Tiệp Khắc đã họp lại ngày 22 tháng Tám trong một nhà máy. Đại hội Đảng bí mật tập hợp 1.100 đại biểu đã lên án cuộc xâm lược, và đồng thuận với chương trình cải cách của tổng bí thư Dubcek. 

Ngay tại Matxcơva, hôm 25 tháng Tám, trước lăng Lênin, bảy nhà ly khai xô-viết đã có can đảm biểu tình, và bị bắt ngay. Ngày 8 tháng Chín, một người Ba Lan là Ryszard Siwiec tự thiêu phản đối trước sự chứng kiến của 100.000 người tại một sân vận động ở Vacxava. Và ngày 25 tháng Giêng năm 1969, anh sinh viên Jan Palach tự thiêu trên các bậc thềm của Viện bảo tàng quốc gia, ở quảng trường Wenceslas, thủ đô Praha.

Cũng từ ngày 21/08/1968 ấy, đã có gần 100.000 công dân Tiệp bỏ trốn khỏi đất nước, trong khi người dân chìm đắm vào tình trạng trầm cảm tập thể. Công cuộc « bình thường hóa » do những nhân vật thân Liên Xô chủ trương là những cú đòn giáng xuống các nhân tố của Mùa Xuân Praha. Họ bị tống giam rồi bị tước các chức vụ trong trường đại học hoặc cơ quan văn hóa, sau đó phải lưu vong và bị tước quốc tịch Tiệp Khắc.

Đó là trường hợp của hai người bạn nhà sử học Stéphane Courtois, từng làm việc cho tạp chí Chủ nghĩa cộng sản, thành lập năm 1982 cùng với Annie Kriegel – người nằm trong số những nhà tổ chức Đại hội Đảng bí mật hôm 22/08/1968. Trước hết là Lubomir Sochor, nhà vật lý kiêm lý thuyết gia đã nhấn mạnh : một xã hội dân sự trong một nhà nước độc đảng cộng sản là bất khả. Ông sống lưu vong ở Paris, và tự kết liễu cuộc đời năm 1986. Rồi đến Karel Bartosek, nhà sử học, cũng sang Paris và trở thành giám đốc La Nouvelle Alternative, tạp chí chuyên về đời sống trong các « nền dân chủ nhân dân ». Ông qua đời năm 2004.

Cuộc xâm lăng Tiệp Khắc ngày 21/08/1968 đã bộc lộ một nghịch lý lớn lao. Vào lúc các xe tăng xô-viết đè bẹp những ý tưởng dân chủ vừa mới chớm nở, thì tại Paris, Roma hay Tây Berlin, hàng ngàn sinh viên không biết gì về chính trị, bị các chính khách lêni-nít– từ trốt-kít, mao-ít cho đến những người tôn sùng Che Guavara – dẫn dắt, lại xuống đường hát Quốc tế ca, giơ cao nắm đấm và kêu gọi một cuộc cách mạng cộng sản. Họ không nhận ra tính chất toàn trị của chủ nghĩa này. 

Hố sâu ngăn cách giữa một bộ phận giới trẻ các nước dân chủ thịnh vượng, và tuổi trẻ trong các chế độ mà chủ nghĩa cộng sản đã hủy hoại nền kinh tế và các quyền tự do, là một trong những nguyên nhân gây ra sự chia rẽ hiện nay trong Liên Hiệp Châu Âu. Giới tinh hoa xuất thân từ phong trào phản kháng tháng Năm năm 1968 thích rao giảng đạo đức, trong lúc nhân dân Trung Âu vẫn còn bị chấn thương sau nửa thế kỷ dưới sự thống trị của độc tài, cả Quốc xã lẫn Cộng sản.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180823-xe-tang-lien-xo-de-bep-mua-xuan-praha-cach-day-50-nam

Thủ tướng Malaysia tố cáo chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc

Thủ tướng Malaysia tố cáo chủ nghĩa thực dân mới của Trung Quốc



Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Ảnh How Hwee Yong/AP.

(Cyrille Pluyette, Le Figaro22/08/2018) Công du Bắc Kinh, thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ ba dự án với Trung Quốc, một đòn đau cho Tập Cận Bình. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chắc chắn không chờ đợi một tuyên bố vỗ mặt như thế trong cuộc họp báo trên « sân nhà », một sự kiện vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng ở tuổi 93, thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đến thăm Bắc Kinh lần đầu tiên kể từ khi bất ngờ đắc cử hồi tháng Năm, chẳng ngán ai cả ! 

Rõ ràng là nói về chế độ cộng sản Trung Quốc, nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất thế giới hôm thứ Hai 20/8 đã từ chối « một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân », theo đó các nước nghèo chịu thiệt thòi về thương mại so với các nước giàu có. 

Rất kiên quyết, hôm sau ông khẳng định việc hủy bỏ ba dự án đã thỏa thuận với Trung Quốc, có tổng giá trị 22 tỉ đô la. Nổi bật nhất là dự án xây dựng một tuyến đường sắt từ biên giới Thái Lan và Kuala Lumpur. Hai dự án khác liên quan đến các đường ống dẫn dầu trên đảo Bornéo.

Thủ tướng Malaysia biện minh : « Các dự án này khiến chúng tôi phải vay tiền quá nhiều. Chúng tôi không thể tự cho phép làm như thế, vì không thể trả nổi nợ ». Ông muốn giảm dần số nợ khổng lồ 250 tỉ đô la, tuy vậy vẫn không gác lại khả năng tái thúc đẩy các dự án này trong một bối cảnh thích hợp hơn. 

Là người chiến thắng một liên minh đã ngự trị liên tục kể từ khi Malaysia giành được độc lập từ thực dân Anh, « Bác sĩ M » không hề thay đổi mục tiêu. Ông không ngừng tố cáo các hợp đồng khổng lồ ký kết với Trung Quốc, bởi người tiền nhiệm Najib Razak, đã bị khởi tố vì tội tham nhũng. Ông Mahathir nhận định những hợp đồng này bất lợi cho đất nước, đặc biệt là tỉ lệ lãi vay, chỉ làm lợi cho các công ty và công nhân Trung Quốc.

Cha đẻ của « phép lạ kinh tế »Malaysia từng lãnh đạo đất nước một cách độc đoán từ năm 1981 đến 2003, tuy vậy vẫn hy vọng thương lượng lại một số hợp đồng trong chuyến công du. Nhưng người khổng lồ châu Á rõ ràng không sẵn sàng thảo luận.

Việc hủy bỏ này là một cú đá giò lái cho Trung Quốc, vốn muốn biến Malaysia thành một trong những điểm chính của « Con đường tơ lụa mới ». Sáng kiến chủ đạo trong chính sách đối ngoại của chủ tịch Tập Cận Bình chủ yếu nhằm triển khai các cơ sở hạ tầng đại quy mô tại khoảng sáu chục nước. 

Lại càng dễ dàng hơn cho tân lãnh đạo Kuala Lumpur khi chỉ trích « sự ngu xuẩn » của các hợp đồng được người tiền nhiệm - bị cáo buộc biển thủ hàng tỉ đô la từ quỹ đầu tư 1MDB - và bộ sậu ký nháy trước đó. Tân chính phủ còn cho rằng một trong những nghi can của vụ này, nhà tài phiệt Malaysia Low Taek Jho, đang được Trung Quốc chứa chấp – theo báo chí Mỹ.

Nhưng ông Mahathir không nêu điểm này ra với Bắc Kinh. Không có chuyện đi quá xa, vì chuyến công du còn nhằm củng cố quan hệ kinh tế với đối tác thương mại hàng đầu của mình - ngoài những hợp đồng gây tranh cãi. Hôm thứ Bảy ông còn gặp Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập tập đoàn bán hàng trên mạng Alibaba, mà các tham vọng tại Malaysia, theo ông, mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Sự cứng rắn của ông Mahathir làm vui lòng công luận. Chỉ hơn 100 ngày từ khi quay lại nắm quyền, nhân vật đã hứa hẹn sẽ cải cách đất nước rất được lòng dân. Người Malaysia hoan nghênh việc bắt giữ Najib Razak, và hủy bỏ một sắc thuế tiêu thụ rất bị kêu ca. 

Nhưng theo một số chuyên gia, tình hình thuận lợi này có thể sẽ không còn nữa khi chính phủ chuẩn bị các biện pháp kinh tế. Giáo sư James Chin của trường đại học Tasmania, Úc dự báo :« Còn phải mất nhiều năm nữa để chấn chỉnh lại những quản lý tồi tệ thời chính quyền Najib, đặc biệt trong lãnh vực kinh tế mà tham nhũng đã thành lệ ». 

Còn hiện tại, ma thuật của nhà lãnh đạo mới mà cũ này vẫn hiệu quả. Trừ phi với Trung Quốc, có lẽ thế…

Một số hình ảnh về Mùa Xuân Praha 1968

Một số hình ảnh về Mùa Xuân Praha 1968



(France24 21/08/2018) Trong đêm 20 rạng sáng 21/08/1968, trên 250.000 quân của Liên Xô và Hiệp ước Vacxava đã tràn sang Tiệp Khắc, để đè bẹp một cách thô bạo « Mùa Xuân Praha » và « chủ nghĩa xã hội với khuôn mặt nhân văn » của Tiệp. 

Người Tiệp Khắc bao vây các chiến xa Liên Xô trên đường phố Praha

Ngày 21/08/1968, hàng ngàn người Tiệp đã tràn ngập các đường phố Praha, bao vây các xe tăng xô-viết để phản đối sự xâm lăng của Liên Xô.

Dân Praha tập trung trên quảng trường Saint-Venceslas

Cư dân Praha tập trung dưới chân bức tượng Thánh Venceslas trên quảng trường chính của thủ đô hôm 21/08/1968. Trên băng-rôn ghi : « Svoboda » (Tự do) và tên của Alexander « Dubcek », Oldrich« Cernik », hai khuôn mặt hàng đầu của Mùa Xuân Praha. 

Điện tín cuối cùng của Trung tâm Hữu nghị Pháp ở Praha


Ảnh chụp bức điện tín SOS do Trung tâm Hữu nghị Pháp ở Praha gởi cho văn phòng hãng tin Pháp AFP ở Genève, ngày 21/08/1968, để báo tin Liên Xô xâm chiếm Tiệp Khắc. Trong bức điện có một thông tin sai là lãnh tụ Tiệp Khắc Alexander Dubcek đã bị giết chết ở Bratislava.

Nguyên văn bức điện :

SOS. Đây là Praha, Trung tâm Hữu nghị Pháp

Người Nga đã tấn công Trung tâm Điện báo

Chúng tôi gởi đi bức điện cuối cùng này. Xin chuyển cho báo chí tự do ở nước quý vị. 

Khẳng định là Dubcek đã bị Liên Xô sát hại ở Bratislava đêm nay.

Thế là hết…Họ đã đến rồi…Họ đang phá cửa…

Tôi muốn nói rằng…



Người dân chận xe tăng Liên Xô

Những người dân thành phố Karlovy Vary ở Bohême vẫy cờ Tiệp Khắc khi cố gắng chận lại một chiến xa Liên Xô, ngày 21/08/1968.

« Không bao giờ theo Liên Xô »

Người dân Tiệp Khắc diễu hành khắp thành phố Karlovy Vary với tấm băng-rôn đỏ mang dòng chữ « Không bao giờ theo Liên Xô », nhại theo câu khẩu hiệu « Mãi mãi bên cạnh Liên Xô ».

Ngoại trưởng Tiệp Khắc cầu cứu Liên Hiệp Quốc

Ngoại trưởng Tiệp Khắc Jiri Hajek hôm 24/08/1968 lên tiếng với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phản đối việc quân đội Hiệp ước Vacxava xâm lăng nước mình. Vì động thái này mà sau đó ông bị tước các chức vụ trong đảng Cộng sản.

Xe tăng Liên Xô trước hãng tin CTK

Người dân thủ đô Praha đi qua những chiến xa xô-viết đang canh gác trước lối vào hãng thông tấn Tiệp Khắc CTK hôm 29/08/1968.

Mùa Xuân Praha bị đàn áp, cách đây 50 năm

Mùa Xuân Praha bị đàn áp, cách đây 50 năm


Biểu tình trước nhà ga Zurich, Thụy Sĩ cuối tháng 8/1968 phản đối quân Liên Xô tràn vào Tiệp Khắc và đàn áp tàn bạo Mùa Xuân Praha. Ảnh STR/Keystone/MAXPP.

(Audrey Parmentier, LaCroix21/08/2018) Ngày 21/08/1968, những chiếc xe tăng của Liên Xô đã đè bẹp cuộc nổi dậy ở Praha, Tiệp Khắc cũ. Cuộc cách mạng này là điềm báo cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản gần 40 năm sau đó.

Chúng ta đang ở vào năm 2018, và những bức ảnh đen trắng được chuyền trên các mạng xã hội.

Năm mươi năm sau, cuộc đàn áp Mùa Xuân Praha hôm 21/08/1968 vẫn luôn hiện diện trong ký ức người Tiệp Khắc. Sự kiện này cũng làm rung chuyển đời sống chính trị của toàn bộ các quốc gia Trung Âu.

Bắt đầu là Tiệp Khắc. Kể từ năm 1968, Praha lao vào một loạt cải cách dưới sự thúc đẩy của Alexander Dubcek, tổng bí thư đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Sự tự do hóa này không làm Leonid Brejnev, người đứng đầu Liên Xô hài lòng, và căng thẳng không ngừng tăng lên. 

« Chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt nhân văn » do ông Alexander Dubcek chủ xướng đã bị đè bẹp vào ngày 21/08/2018, với khi Tiệp Khắc bị xâm lăng bởi quân đội Liên Xô và các nước trong Hiệp ước Vacxava.

Tháng Tư năm 1969, Alexander Dubcek bị mất chức, người thay thế là Gustav Husak, thuộc phe bảo thủ của đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Đó là khởi đầu của tiến trình « bình thường hóa », và những quyền tự do đã đạt được một năm trước đó bị xóa sổ. 

Nhà nghiên cứu Roman Krakovsky, giáo sư môn lịch sử Trung Âu và Đông Âu tại trường đại học Genève nói : « Từ một chính phủ tự do, đã biến thành chính phủ bảo thủ và sự thay đổi này thật khó khăn ».

Sự thay đổi ý thức hệ quan trọng

Vào giữa thập niên 70, nhiều nhà ly khai đặt lại vấn đề tính hiệu quả của mô hình cộng sản. Năm 1977, một bản kiến nghị mang tên Hiến chương 77 được rất nhiều nhà trí thức Tiệp Khắc ký tên, trong đó có nhà văn Vaclav Havel. Vụ đàn áp cuộc nổi dậy Praha đã khiến người ta ý thức được rằng chủ nghĩa cộng sản là không thể cải cách nổi. 

Roman Krakovsky nói : « Mười năm sau, chúng tôi đều có ý định ra khỏi chủ nghĩa cộng sản. Đối với tôi, việc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 không phải là một bước ngoặt, mà bước chuyển thực sự là trong thập niên 70 ».

Sự thức tỉnh lan rộng sang các nước khác như Ba Lan, với sự thành lập công đoàn Đoàn kết (Solidarnos) năm 1980. Jacques Rupnik, nhà chính trị học chuyên về Trung Âu và Đông Âu nhận định : « Dù là ở Tiệp Khắc, Ba Lan hay Hungary, tất cả các phong trào ly khai đều có điểm chung là đề cao Nhà nước pháp quyền hay dân chủ. Đó là một sự thay đổi ý thức hệ quan trọng ».

Hai mươi năm sau, nhà lãnh đạo xô-viết Mikhail Gorbatchev tung ra một chương trình cải cách cho Liên Xô, lấy ý từ chính sách của Alexander Dubcek. Nhiều người thân cận của ông Gorbatchev từng sống ở Praha, và vẫn giữ lại những ấn tượng sâu sắc về không khí của thời kỳ đó. 

Cũng theo Jacques Rupnik : « Nhưng những cải cách ấy đã bị trễ đến 20 năm. Vụ xâm lăng Praha đã giáng một đòn chí tử vào tất cả những ý định cải cách ở Liên Xô. Khi nêu ra vụ đàn áp Mùa Xuân Praha, Gorbatchev đã tuyên bố : Chúng ta không chỉ bóp chết hy vọng của người Tiệp Khắc, mà cũng đã tự bóp cổ chính mình ». 

Nguyen My Khanh - Nghệ sĩ, hãy nói theo cách của mình

Nguyen My Khanh - Nghệ sĩ, hãy nói theo cách của mình


Hình chụp từ phim "Xóm cào cào" TFS sản xuất 2005.

Năm 2005, tôi làm phim “Xóm cào cào”, các vai đã xong, duy vai Hồng tìm mãi vẫn chưa ra. Hồng là cô gái thôn quê khoảng 17 tuổi, hồn nhiên trong sáng, mang vẻ đẹp mong manh dễ vỡ như giọt sương mai, dáng vẻ cô quạnh nhưng không ủy mị, lặng lẽ chịu đựng mọi bất hạnh trên đời. Cuối cùng là nạn nhân của nạn cưa bom, thoắt cái, Hồng tan thành tro bụi ngay từ đoạn thứ hai của phim. 

Thầy Nguyễn Văn Phúc khi nghe mô tả về nhân vật, lập tức bảo tôi vào lớp thầy đi, có em sinh viên năm nhất hao hao vậy. Tôi đã gặp Mai Phương, em không rực rỡ như các bạn cùng lớp, nhưng càng nhìn càng hút, vừa mang vẻ mong manh, xanh xao, vừa có nét gì đó rất mạnh mẽ, cam chịu. 

Em làm việc rất nghiêm túc, nhẫn nại và lặng lẽ. Nhiều lúc đang quay mà tôi giật mình, như chính là em đang sống chứ không phải là vai diễn. Thoáng chơi vơi, thoáng mơ màng, ánh mắt em lúc tinh nghịch, lúc sâu hun hút xa thẳm. Em gieo vào lòng tôi chút yêu mến, chút âu lo, nhưng rất nhiều tin cậy. 

Một mình vào chùa sinh con, bươn chải nuôi con, mấy ai biết ra sao, khi lâu nay em kín tiếng. Tới khi bệnh nặng cũng cắn răng chịu đựng một mình. Vì lòng tự trọng, em không muốn vin bám vào tình thương khán giả, không muốn “bán bệnh”trên mạng. Nhưng mạng nào có tha cho em, giữa bao dòng thương cảm, xót xa, vẫn có vài dòng đăng đắng. 

Không may cho em, như giọt nước làm tràn ly, mọi biến động xã hội như tới ngưỡng dồn lên đỉnh với cường độ cao, đánh vỡ bờ của sự chịu đựng cuối cùng. Mọi thứ bung đứt, vỡ vụn như thác lũ, biến thành lời trách cứ, nhắm tới cái đích màu mè hào nhoáng, chẳng may rơi trúng vào thời khắc của em- người nghệ sĩ mộc mạc- lặng lẽ. 

Những người viết không sai khi đặt cái nhìn giữa toàn cảnh bề nổi hoa lệ giả tạo của hoạt động biểu diễn. Nào mấy ai thấu bề chìm, hằng hà những nghệ sĩ thật sự sống lặng lẽ ra sao, tâm- ý đau đáu thế nào trước vận mệnh nước nhà, trước mọi bức xúc của xã hội. 

Không nói, không viết phải đâu là không quan tâm.

Nếu vũ khí của người cầm bút là câu chữ, thì của người diễn viên chính là việc thể hiện nhân vật. Như em, qua nhân vật Hồng trong phim tôi, đâu chỉ tố cáo nạn cưa bom giết chết bao nhiêu sinh mạng giữa thời bình. Mà chính cái chết trẻ của nhân vật mà em hóa thân 13 năm trước, mang tính dự báo mạnh về sự trả giá rất đắt của việc “tự ăn vào đuôi mình” của thế hệ ông-cha. Tiếng nói của em ẩn-lồng trong nhân vật là vậy. 

Nhớ nghệ sĩ Thanh Nga xưa, tuyên ngôn oai hùng lẫm liệt nằm trong tiếng ca - lời thoại hùng tráng của nhân vật Trưng Trắc, của Thái hậu Dương Vân Nga... Tạo nên hào khí anh hùng từ vở diễn lan truyền tự nhiên ra xã hội, như lời hiệu triệu toàn dân đứng lên bảo vệ đất nước, làm nức lòng triệu triệu trái tim, mãi cho tới giờ chưa ai thay thế được. Đó phải chăng chỉ là diễn, là lập lại lời thoại của người viết, hay chính tâm thế của người diễn viên đã thổi hồn vào nhân vật anh hùng. 

Nhớ nhà sưu tầm Nguyễn Thanh Phương cứ hỏi tôi mãi một câu:
Vì sao một nghệ sĩ như bà Bảy Nam lại quan tâm sưu tầm cả mấy thùng tài liệu cắt từ báo chí về vụ mưu sát Ngô Tổng Thống và vụ nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu? Anh bất ngờ quá, anh không hiểu nổi!
Bà sưu tầm từ những năm sáu mươi, nhưng mãi tới sát ngày mất, mới có một số người biết khi bà đem các thùng tài liệu đó tặng lại cho anh Nguyễn Thanh Phương. 

Nghệ sĩ, phần lớn, không vô cảm với thời cuộc, với xã hội mà ngược lại, rất nhạy cảm. Nếu không, làm sao có thể nhập vai để diễn cho ra nhân vật, mà có nhân vật nào lại không gắn liền với hoàn cảnh lịch sử- xã hội? Mà càng nhạy cảm thì càng đau đớn, đau tới u uẩn, nhưng diễn viên không giỏi dùng chữ nghĩa để diễn tả, để trải lòng. 

Viết được, nói được là giải thoát, hát được, hét được cũng giải thoát. Nhưng diễn - không phải lúc nào cũng có vai phù hợp để phát ngôn, để giải thoát. Chưa kể phần lớn phải diễn những vai ngược với suy nghĩ của mình, nói tiếng nói ngược với lòng mình. 

***
Hàng ngàn người Việt Nam mắc bệnh ung thư mỗi ngày, trong đó có một số nghệ sĩ, khi tin loan ra ngoài, hầu hết ai cũng ở giai đoạn cuối, hoặc đã ra đi. 

Phải đâu các nghệ sĩ không biết bệnh tình của mình sớm, nhưng vì sao họ giấu kín, tự chịu đựng một thời gian dài, tới khi vào giai đoạn cuối sắp đi xa mới thố lộ cho bạn bè, đồng nghiệp biết? 

Rồi tin lan ra tới báo chí và khán giả. Khách quan mà nói, tại thời điểm thập tử nhất sinh này, chính người trên giường bệnh không thể điều khiển nổi mọi thứ đang xoay cuộc đời mình. 

Có lẽ ai cũng muốn được sống trong tình yêu thương, và rất sợ bị thương hại. Đâu mấy ai mong nhận quyên góp từ bá tánh, tín ngưỡng Việt cho rằng “của cho là của nợ”, đó là cuộc vay nặng lãi truyền kiếp, đời mình, đời con cháu trả mãi không hết. 

Tôi nghĩ, khi nghệ sĩ chấp nhận công khai căn bệnh của mình, cũng có phần mong muốn từ trường hợp của mình, có thể đánh hồi chuông cảnh báo khẩn thiết hơn. Đây cũng chính là lúc những người cầm bút vung mạnh vũ khí sắc bén, mở thêm một trận đánh, đấu tranh với những thế lực nhẫn tâm mang mầm bệnh tới trút trên quê hương mình. Dùng ngòi bút kêu gọi các nghệ sĩ cùng tham gia, cảnh tỉnh những ai còn tham tiền, làm ăn gian dối, vô trách nhiệm trước sức khoẻ đồng bào mình. 

Hàng ngàn người dân vô tội mắc bệnh ung thư mỗi ngày, chẳng khác gì cơn đại hồng thủy đang cuốn chậm. Xin đừng chờ tới phiên mình, xin đừng chê trách nhau. Ung thư không chừa một ai, tất cả chúng ta đã cùng chung một thuyền: nạn nhân, hãy dành sức để cùng nhau đánh trúng vào căn nguyên gốc rễ của đại dịch. 

Các nghệ sĩ, hãy nói theo cách của mình!

FB NGUYENMY KHANH (Tựa bài do Thụy My đặt)

Lưu Trọng Văn - Không quên…

Lưu Trọng Văn - Không quên…


Con tàu vượt biên, khoảnh khắc ngày 13.8.1981. Ông Hùng là người lưng trần, khi đó ông 34 tuổi.

Con số 13

Thật kỳ lạ, hôm qua gã dính cùng lúc với 5 con số 13 - con số mà người phương Tây coi là xui xẻo.

Ngày 13.

Gã bay lúc 13 giờ.

Số ghế ngồi 13.

Bay từ Thụy Điển đi Bỉ là chuyến bay thứ 13 trong cả hành trình châu Âu của gã.

Thụy Điển là nước thứ 13 gã đặt chân đến trong hành trình.

Gã ghép lại xâu nhòm đám mây đen mịt mù ngoài ô cửa và người thường xuyên tâng tâng khi máy bay liên tục lọt ổ... gà mà thon thót tim. 

He, được cái gã ngồi bên một nàng rất xinh. Thỉnh thoảng tay nàng chạm tay gã. Và, khi máy bay tâng tâng, gã tìm mắt nàng để níu sự bình yên, nàng lại nở một nụ cười rất... tình.

Rồi thì máy bay cũng hạ cánh để lại trên đường băng năm con số 13 ấy.

Trương Quyền - một cô nàng, từng là nữ sinh Quy Nhơn xinh đẹp mà gã quen khi cùng Trần Đăng Khoa và Hoàng Anh Sướng đi dự khai trương cây cầu ở vùng núi Tây Bắc đón gã.

Gã được đến một ngôi nhà ở một làng rất đẹp. Gã được ba má của Quyền hái rau dền, bầu và khổ qua (mướp đắng) trong vườn đãi một bữa cơm thuần Việt.

Ông Trương Hùng. Ảnh Lưu Trọng Văn
Bỗng điện thoại reo.

Ba của Quyền nói chuyện với ai đó mà gã nghe rõ: Ồi, anh Cảnh à, làm sao tôi quên được ngày 13 tháng Tám này chứ. Ngày mà tôi với anh sau một tuần lênh đênh trên biển vì tàu hư, chúng mình tưởng chết rồi thì được một chiếc tàu của Bỉ cứu. Quên sao được 13 tháng Tám năm 1981. Chà, 37 năm rồi.

Đúng, hôm nào tụi mình đi viếng mộ ông thuyền trưởng đã quyết định cứu chúng mình nghe. Không có ông ấy tất cả chúng mình thành mồi cho cá rồi.

Gã thấy trên khoé mắt của ông Trương Hùng dòng nước mắt.

Thế là thêm con số 13 nữa.

Con số định mệnh may mắn với hơn 50 người dân nước gã: Được sống.

Gã được xem những tấm hình do ông thuyền trưởng người Bỉ chụp con tàu vượt biên.

Bây giờ thì nước mắt chuyền qua gã...

Thuyền trưởng là người đứng thứ hai bên phải hàng cuối, ảnh chụp khi tất cả được cứu lên tàu.
Không quên...

Gã đã quyết định không đến Berlin hứa hẹn những cuộc gặp gỡ bạn bè Võ Thị Hảo, Vũ Lương, Mạnh Hùng, Lê Minh Hà, Lê Thị Minh Hà mà gã quý mến.

Gã đến hải cảng Oostende - nơi có Nghĩa trang Hàng hải yên nghỉ những thuyền trưởng, thủy thủ của Bỉ đã vì biển khơi mà ra đi.

Gã nói với ông Trương Hùng - người cùng 64 người dân Quy Nhơn, trong đó có 40 đứa trẻ vượt biển ngày 5.8.1981 và sau 9 ngày lênh đênh trên biển vì tàu chết máy được thuyền trưởng tàu E R Brugge cứu vớt: Tôi muốn được viếng mộ thuyền trưởng của con tàu E R Brugge.


Trước khi lên xe đi hải cảng Ootende vợ ông Hùng cho gã xem tấm hình bà chụp với 6 người con tại Quy Nhơn khi nhận được tin chồng mình và 64 thuyền nhân đã thoát chết.

Bà không nói gì mà chỉ im lặng khóc.

Ông Hùng ở tuổi 70 lái xe đưa gã đi. Con đường xa. Dọc đường ông Hùng kể gã nghe hành trình làm thuyền nhân như hàng trăm ngàn thuyền nhân của một thời quá nhiều bất hạnh của nước gã.

Ông bảo: Biết có thể chết mà vẫn đi. Vì cuộc sống của vợ và 6 đứa con thôi. 

Bia do 64 thuyền nhân Việt Nam lập cho vị thuyền trưởng người Bỉ đã cứu sống họ.
Gã sẽ kể lại câu chuyện này vào dịp khác. Bây giờ thì trước mặt gã là nơi yên nghỉ mãi mãi của thuyền trưởng Jacques Pierlood với dòng số 1931-1984 và tấm hình của ông trên trang sách cuộc đời in dòng chữ: Những người Việt Nam chạy nạn chính trị chúng tôi không bao giờ quên ơn ông.

Tấm bia tưởng niệm đặt trên mộ thuyền trưởng Jacques này do ông Hùng và những thuyền nhân được thuyền trưởng Jacques cứu sống, lập nên khi biết tin ân nhân của mình bị chết vì bệnh đột ngột khi cùng con tàu E R Brugge lênh đênh trên đại dương.

Đứng trước mộ thuyền trưởng Jacques, ông Hùng chắp tay nói tiếng Hà Lan: chúng tôi đói khát trên con tàu gỗ chết máy suốt 7 ngày 7 đêm giữa biển, bao con tàu đi qua nhưng không tàu nào dừng lại mặc tiếng gào khóc của đàn bà và trẻ nhỏ.

Tưởng nhớ ân nhân.
Jacques ơi, ông đã ra lệnh con tàu của mình dừng lại. Ông đã cho chúng tôi nước uống, bánh mì. Ông đã cho các bác sĩ chăm sóc những người kiệt sức.

Ông đã đưa chúng tôi đến bến bờ Tự do.

Ông không vợ con, cha mẹ không còn. Chúng tôi sẽ mãi mãi là người thân của ông. 

Gã đã chắp tay trước mộ Jacques: Tôi từ Việt Nam xa xôi rất tiếc không còn cơ hội được mời ông đến thăm đất nước tôi, được mời ông đi thăm biết bao cảnh đẹp quê hương tôi để nói với ông rằng: chẳng ai muốn từ bỏ quê hương của mình.

FB LƯU TRỌNG VĂN 14 và 18.08.2018

Nguyễn Tuấn - Chuyện gian lận khoa học: Sato và một kết cục rất buồn

Nguyễn Tuấn - Chuyện gian lận khoa học: Sato và một kết cục rất buồn 



Tập san Science mới đi một bài tương đối dài về một vụ gian dối khoa học mà nhân vật chính là một giáo sư người Nhật là Yoshihiro Sato (1). Sự việc này có liên quan đến [tập san] Journal of Bone and Mineral Research, vì Gs Sato từng công bố nghiên cứu trên đó, và tôi là một trong những người có liên quan. Nhưng tôi không biết và không ngờ rằng sự việc kết thúc một cách bi thảm: Gs Satoh tự tử. Tôi mô tả lai sự việc để chúng ta cùng suy ngẫm. 

Yoshihiro Sato là một giáo sư y khoa thuộc một đại học nhỏ của Nhật. Ông là một nhà nghiên cứu về loãng xương có tiếng, nhưng sự nghiệp của ông kết thúc một cách đột ngột khi ông tự tử vào năm ngoái, vì bị đồng nghiệp phương Tây cáo buộc ông ngụy tạo dữ liệu. Cái chết của Giáo sư Sato làm cho những người cáo buộc sống trong nỗi dằn vặt suốt đời. Câu chuyện là một chuỗi dài những sự kiện mang dấu ấn khoa học nhưng cái kết cục lại nói lên sự khác biệt về văn hóa giữa Đông và Tây. 

Sato giữ chức giáo sư y khoa thuộc Đại học Hirosaki University từ 2000 đến 2003. Chuyên ngành nghiên cứu của ông là loãng xương, và một trong những hướng nghiên cứu ông theo đuổi là ảnh hưởng của vitamin D đến loãng xương. Trong suốt sự nghiệp khoa học, Giáo sư Sato đã công bố gần 200 công trình nghiên cứu, một số công trình được công bố trênJAMA (một tập san y học hàng đầu thế giới). Ông cũng có một số ít công trình công bố trên các tập san hàng đầu trong chuyên ngành như Journal of Bone and Mineral Research, Bone, và Osteoporosis International. Nói chung, ông là một nhân vật trong "bộ lạc" được nhiều người biết đến. 

Vấn đề của những công trình nghiên cứu của ông là các kết quả quá "đẹp". Đẹp hơn những gì giới khoa học trong chuyên ngành có thể đạt được, và đó chính là nguồn gốc của nhiều nghi vấn về số liệu của ông. Chẳng hạn như trong một bài báo trên Neurology, Sato và đồng nghiệp báo cáo rằng thuốc risedronate [một loại thuốc chống loãng xương] giảm nguy cơ gãy xương đùi đến 86% -- một kết quả làm ai cũng ngạc nhiên. Trong nghiên cứu này, Sato còn báo cáo rằng nhóm nghiên cứu đã tuyển 374 bệnh nhân trong vòng 4 tháng! (Thông thường, thời gian tuyển dụng bệnh nhân kéo dài chừng 1-2 năm). 

Một công trình khác công bố trên Archives of Internal Medicine, Sato báo cáo rằng ông tuyển 280 bệnh nhân trong vòng hai tháng. Tất cả các nghiên cứu này đều có độ tuân trị rất cao mà các nghiên cứu khác ở phương Tây khó có thể đạt được. Nhiều nghiên cứu khác của Sato cũng có những kết quả 'dương tính' và số liệu thì lúc nào cũng đẹp hơn những gì khoa học thực nghiệm có thể đạt được. 

Thoạt đầu, giới chuyên môn chỉ lịch sự nêu vấn đề qua kênh "thư đến biên tập"(Letter to the Editor). Có vài độc giả viết thư đến tập san bày tỏ sự ngạc nhiên về khả năng tuyển bệnh nhân quá nhanh, nhưng Sato trả lời một cách lịch sự rằng ông và đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu ở nhiều bệnh viện, nên tốc độ tuyển mộ như thế không có gì quá ngạc nhiên. Dù có nghi vấn, nhưng không ai nêu vấn đề mức độ ảnh hưởng của can thiệp, vì người trong chuyên ngành phải tin tưởng những gì Sato và đồng nghiệp báo cáo. 

Chỉ khi kết quả của Sato đặt trong bối cảnh các nghiên cứu khác thì sự bất thường mới hiện ra. Năm 2006, một nhà nghiên cứu người Anh tên là Alison Avenell thực hiện một phân tích tổng hợp (meta-analysis) về hiệu quả của vitamin D trong việc phòng chống gãy xương. Avenell đọc vài công trình của Sato và thấy có những trùng hợp bất thường. Một công trình làm trên bệnh nhân đột quỵ, một công trình trên bệnh nhân Parkinson, nhưng nhóm chứng của hai công trình này giống y chang nhau. Giống nhau về độ tuổi, chiều cao, cân nặng, tỉ trọng cơ thể (body mass index), và nhiều chỉ số lâm sàng khác. Sự trùng hợp là một hiện tượng rất rất hiếm xảy ra trong nghiên cứu thực nghiệm. 

Sau đó, Avenell liên lạc Bs Mark Bolland (một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Auckland, Tân Tây Lan, có kinh nghiệm về thống kê học) và họ đã "hợp lực" tiếp tục phân tích những dữ liệu của Sato. Họ chỉ ra những bất cập trong dữ liệu của Sato mà họ nghi ngờ là giả tạo, chứ không phải kết quả từ thí nghiệm. 

Cách làm của Bolland rất đơn giản: anh ta xem xét những so sánh các chỉ số 'baseline' trong các nghiên cứu của Sato. Thông thường, một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên có hai nhóm bệnh nhân (nhóm can thiệp và nhóm chứng), và nếu bệnh nhân được chia nhóm ngẫu nhiên thì các chỉ số lúc ban đầu (baseline) giữa hai nhóm sẽ không có khác biệt. 

Cách đánh giá khác biệt là trị số P, có giá trị từ 0 đến 1. Khi có nhiều nghiên cứu lặp lại, và mỗi nghiên cứu có nhiều chỉ số lâm sàng, thì trị số P phải tuân theo luật phân bố đồng dạng (uniform distribution). Nói cách khác, nếu có 20 biến số thì trị số P sẽ phân bố đều nhau giữa 0 và 1. Chẳng hạn như trị số P so sánh hai nhóm về độ tuổi có thể 0.1 hay về cân nặng có thể 0.9, và xác suất các trị số P này như nhau. 

Tuy nhiên, sau khi trích ra 33 bài báo của Sato với hơn 500 biến số và trị số P, Bolland thấy hơn phân nửa có trị số P trên 0.8! Đó là một xu hướng không nhất quán với phân bố của trị số P. Do đó, Bolland và Avenell nghi ngờ rằng có thể Sato đã giả tạo dữ liệu. 

Bolland và Avenell tóm lược các kết quả phân tích trong một bản thảo, và họ nộp bản thảo cho tập san JAMA. Tổng biên tập của JAMA là Howard Bauchner chỉ thị cho các phó biên tập liên lạc với Sato và bệnh viện Mitate nơi Sato công tác để xác minh sự việc. Mãi đến 2015 (tức 2 năm sau), JAMA vẫn không nhận được hồi đáp của bệnh viện Mitate! 

Thay vì rút lại bài báo của Sato, JAMA công bố một bố cáo nhỏ gọi là "Expression of Concern" (EoC) về công trình của Sato. Sau khi bị JAMA từ chối công bố bản thảo, Bolland và Avenell họ tiếp tục gửi bản thảo cho JAMA Internal Medicine, một tập san trong JAMANhưng JAMA Internal Medicine cũng từ chối bài báo của Bolland và Avenell. 

Bolland và Avenell vẫn kiên trì. Sau đó, họ gửi bản thảo cho Journal of Bone and Mineral Research (JBMR), tập san số 1 trong chuyên ngành loãng xương vào giữa năm 2015. Lúc đó, tôi ngồi trong ban biên tập JBMR và phụ trách mảng nghiên cứu lâm sàng; do đó, Tổng biên tập Tập san Journal of Bone and Mineral Research giao/nhờ tôi thẩm định bản thảo của Bolland & Avenell. (Tôi quen biết Bolland, nhưng không quen Avenell). 

Tôi xác định rằng Bolland đã làm đúng phương pháp và cách tiếp cận đúng, Nhưng tôi đề nghị không công bố bài báo của Bolland, vì câu kết luận quá nặng nề cho tác giả, và quan trọng nhất là khó lường trước tác động của việc công bố. Tôi đề nghị rút lại những bài báo của Sato trên JBMR, và báo cho Bolland biết quyết định của chúng tôi. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ đề nghị của mình là hợp lý và rất hài lòng là bà Tổng biên tập làm theo đề nghị của tôi. 

Bolland và Avenell có vẻ rất tức tối, vì họ thấy các tập san lớn không cho họ lên tiếng về một sự việc quan trọng. Họ lại nộp bản thảo cho Tập san Neurology, nơi mà Sato từng công bố một số bài báo. Nơi đây, Bolland và Avenell có may mắn hơn vì Neurology đồng ý bình duyệt bản thảo. Tháng 12/2016, Neurology công bố phân tích của Bolland và Avenell. Và, đến thời điểm này thì Sato đã rút lại 10 bài báo khoa học. Bolland và Avenell rất vui mừng khi thấy 'công trình' của họ cuối cùng cũng được công bố trên một tập san có tiếng. Avenell cho biết cô đã khóc khi thấy bài báo được chấp nhận cho công bố trên Neurology (2). 

Nhưng trong khi Bolland và Avenell vui mừng đến khóc, thì một sự kiện nghiêm trọng hơn xảy ra: Giáo sư Yoshihiro Sato tự tử chết chỉ sau một tháng bài báo của Bolland và Avenell được công bố. Tổng biên tập Neurology gửi email báo tin sốc cho Bolland và Avenell, giống như một cách nói gián tiếp "Hai người đã hài lòng chưa?" Cả hai Bolland và Avenell (còn tương đối trẻ) đều sững sờ vì nghe hung tin, và họ không ngờ hành động của họ dẫn đến cái chết của một đồng nghiệp. 

Cho đến nay, sau khi đã có điều tra của Đại học Hirosaki, cộng đồng khoa học mới biết rằng quả thật Sato đã vi phạm đạo đức khoa học. Có dấu hiệu cho thấy Sato đã giả tạo dữ liệu hơn 30 công trình nghiên cứu. Tính chung, sau khi Sato tự tử, các tập san đã rút lại 23 bài báo, và với con số này Sato đứng vào hàng những tác giả có nhiều vi phạm khoa học nhất thế giới. 

Sự việc còn nói lên tình trạng "tác giả quà" trong khoa học. Có 13 bài báo có vấn đề về đứng tên tác giả. Có đến 26 đồng tác giả đứng tên chung với Sato, nhưng những người này hoặc là không có dính dáng gì đến nghiên cứu hay chẳng có đóng góp gì về học thuật. 

Một trong những đồng tác giả là Kei Satoh, từng là hiệu trưởng Đại học Hirosaki. Một đồng tác giả quan trọng khác là Jun Iwamoto (tôi biết) từng phục vụ trong Hiệp hội Loãng xương Nhật Bản và là giáo sư của Đại học Keio ở Tokyo(một đại học lừng danh trên thế giới). Hai người, Sato và Iwamoto, đã hợp tác với nhau khá lâu và đồng tác giả của hơn 130 bài báo khoa học. Ấy vậy mà khi được Ủy ban điều tra về các công trình của Sato hỏi về sự việc thì Iwamoto nói rằng ông không hay biết gì về việc tên ông xuất hiện trong các bài báo của Sato! Ủy ban rất sốc khi nghe Iwamoto trả lời như thế. 

Ai cũng biết hiện tượng "gift authorship"(tác giả quà) rất phổ biến trong khoa học, nhưng không ai nghĩ rằng một giáo sư nổi tiếng có thể trả lời như thế. Sau này, người ta mới biết rằng hai người 'tương tác' nhau trong các bài báo: cứ mỗi lần Sato đề tên Iwamoto là đồng tác giả, thì bài sau Iwamoto trả nghĩa bằng cách đề tên Sato là đồng tác giả. Họ có qua lại như thế suốt hơn 130 bài báo! 

Cái chết của Yoshihiro Sato nói lên một phần về sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây. Người phương Tây họ có tinh thần khoa học rất cao, và muốn duy trì các chuẩn mực khoa học. Tiêu biểu cho tinh thần này là việc làm của Bolland và Avenell. Nhưng cả hai đều còn tương đối trẻ, còn có sự háo thắng, với tinh thần quyết hạ gục đối thủ mà họ nghĩ là gian lận khoa học - ằng mọi giá. Họ không suy nghĩ đến hậu quả, và chắc chắn không bao giờ nghĩ đến nạn nhân của họ chọn cái chết. Có lẽ họ không am hiểu về văn hóa Nhật Bản vốn rất trọng danh dự và thể diện. 

Một người bạn Nhật của tôi, nay là giáo sư, có lần nói với tôi rằng hiếm thấy dân tộc nào trọng danh dự như người Nhật, và họ sẵn sàng chọn cái chết mà họ xem là "mỹ đức’’. Võ sĩ samurai bị hạ nhục có thể chọn cái chết như tự mổ bụng để phục hồi danh dự! Ba năm trước, một nhà khoa học Nhật chuyên về tế bào gốc là Yoshiki Sasai treo cổ tự tử, vì không chịu đựng được những cáo buộc về ngụy tạo dữ liệu và gian dối trong nghiên cứu khoa học. Do đó, tôi đoán (chỉ đoán thôi) Giáo sư Sato đã chọn cái chết ‘'mỹ đức'’ để phục hồi danh dự.

Khi ký giả của Science liên lạc qua điện thoại với Avenell và báo cho cô ấy biết những lá thư tuyệt mạng của Sato, Avenell im lặng trong sốc. Avenell nói rằng việc chỉ ra những sai trái trong khoa học là cần thiết, nhưng cô tự vấn có thể làm cách khác để không dẫn đến việc nạn nhân tự tử ("Could we have done it without Sato committing suicide?") Có lẽ Avenell sẽ sống trong nỗi dằn vặt về câu hỏi đó suốt đời, vì cô ấy đã gián tiếp giết chết một người đồng nghiệp. Cuối cùng thì câu nói "Ở đời phải tử tế với nhau" của Trịnh Công Sơn xem ra rất đúng và hợp ở đây. 

(1) http://www.sciencemag.org/news/2018/08/researcher-center-epic-fraud-remains-enigma-those-who-exposed-him 
(2) http://n.neurology.org/content/87/23/2391.long

NGUYỄN TUẤN 20.08.2018