Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Bản tin ngày 29-3-2019

Bản tin ngày 29-3-2019

Tin Biển Đông
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/3/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, VOV đưa tin. Khi được hỏi lập trường của VN trước chuyện TQ công bố “5 cảnh báo hàng hải về việc diễn tập bắn đạn thật ở khu vực quần đảo Hoàng Sa”, đồng thời công bố kế hoạch xây dựng các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa,“thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược”, bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu:
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế”. Vẫn là những lời nói quen thuộc, lặp lại như cái máy, bao nhiêu năm qua chỉ mang những câu nó đó ra bảo vệ chủ quyền lãnh hải bị xâm phạm.
Bên cạnh đó, bà Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc xây dựng “thành phố đảo” ở Hoàng Sa, theo báo Thanh Niên. Đáp lại kế hoạch xây dựng, củng cố các đảo quan trọng ở quần đảo Hoàng Sa thành cụm căn cứ hậu cần chiến lược, Việt Nam chỉ “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước”
Năm nào cũng vậy, Trung Quốc ngày càng lấn tới trên Biển Đông, trước đây thì bồi đắp các đá ngầm thành đảo nhân tạo, nay chuyện bồi đắp đã xong thì củng cố sức mạnh quân sự ở các đảo này. Việt Nam vẫn chỉ biết phản đối suông, không dám tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ hay các nước khác để tạo áp lực lên Trung Quốc.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Mỹ dồn sức vào các “kịch bản ở Biển Đông”. Theo tin từ trang Defense News ngày 28/3, Tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Mỹ, vừa thông báo rằng Lục quân Mỹ sẽ tài trợ cho cuộc tập trận lớn năm 2020 ở Thái Bình Dương: “Chúng tôi sẽ không đến Hàn Quốc mà đến với một kịch bản Biển Đông nơi chúng tôi sẽ ở quanh Biển Đông”.
Tướng Brown cho biết thêm, cuộc tập trận sẽ bao gồm nhiều hoạt động mà Lục quân Mỹ “chưa thực hiện ở quy mô lớn như vậy”, với sự tham gia của nhiều nước ASEAN. “Cuộc tập trận ở Biển Đông sẽ tập trung vào các hoạt động hỗn hợp và đa quốc gia”.
Trục trặc thoái vốn và cổ phần hóa ở các doanh nghiệp nhà nước
Trong cuộc họp báo ngày 28/3/2019 về tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, hàng loạt ông lớn lại xin lùi thời hạn cổ phần hóa, thoái vốn, báo Tuổi Trẻ đưa tin. 
Ông Tiến cho biết thêm, “năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước sẽ cổ phần hóa 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa”. Một số ý kiến cho rằng, các mối quan hệ lãnh đạo – doanh nghiệp đã bắt rễ chằng chịt trong các DNNN, nên chuyện thoái vốn không thể dễ dàng.
Trang VnEconomy có bài: Đấu giá VGC, Bộ Xây dựng bị “ế” gần 11,6 triệu cổ phiếu. Theo đó, “kết quả chỉ có 3 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua tổng cộng 69 triệu cổ phiếu. Như vậy, lượng đăng ký mua mới chỉ đạt gần 86% lượng cổ phần VGC mà Bộ Xây dựng chào bán, tương đương việc ‘ế’ gần 11,6 triệu cổ phiếu”, nghĩa là tiến trình thoái vốn của Bộ Xây dựng ở doanh nghiệp này không thuận lợi.
Cố ý làm trái
Vụ bán cảng Quy Nhơn: Thu hồi cổ phần, xử lý cán bộ sai phạm, theo báo Tuổi Trẻ. Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) “thu hồi 75,01% cổ phần (CP) cảng Quy Nhơn đã bán cho nhà đầu tư sai quy định”. Trước đó, “khi đề xuất bán hết 49% vốn tại Công ty CP cảng quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành, Bộ GTVT đã phớt lờ các cảnh báo từ hai bộ KH-ĐT và Tài chính”.
Ông Bùi Ngọc Lam, phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, chuyện “xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong vụ mua bán CP cảng Quy Nhơn” đang được tiến hành. Quan chức Bộ GTVT, Vinalines “đã làm trái quy định của Nhà nước” khi bán cảng Quy Nhơn. 
Báo Người Lao Động đưa tin: Cựu cán bộ huyện “vòi” 100 triệu đồng của doanh nghiệp nhận 30 tháng tù. Chiều 28/3, TAND huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án 30 tháng tù với bị cáo Lê Văn Tuyên, cựu GĐ Ban Quản lý dự án huyện, vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
Trước đó, Công ty Mạnh Phú đã được thư mời thầu dự án xây dựng hội trường Nhà Văn hóa xã Hà Thái, công ty này đã tham gia dự thầu với tư cách là nhà thầu chính. Đến ngày 1/6/2018, ông Lê Văn Tuyên gọi cho GĐ Công ty Mạnh Phú, nói rằng “Trung ương đã cấp ngân sách 1 tỉ đồng” và đề nghị phải “chung chi” 100 triệu đồng mới được trúng thầu.
Chuyện ở huyện Ý Yên, Nam Định: Cán bộ xã lạm quyền, bán đất trái thẩm quyền cho dân lĩnh án, theo trang Đầu Tư Chứng Khoán. Bài báo cho biết: Chủ tịch xã Yên Thắng Hoàng Tiến Bình đã “cho thuê và giao đất thời hạn lâu dài, thu tiền một lần thực chất nhằm che giấu hành vi bán quyền sử dụng đất… gây thất thoát tài nguyên thuộc sự quản lý của nhà nước, đến nay chưa thu hồi được”.
Vụ xâm phạm đất rừng Sóc Sơn
Báo Đất Việt bàn về nhà Mỹ Linh, Việt phủ Thành Chương: Rõ sự thật! Trường hợp  biệt phủ của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, kết luận của Thanh tra TP Hà Nội xác nhận, mảnh đất này “được vợ chồng nữ ca sĩ mua lại từ ông Đỗ Xuân Lâm… được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) năm 1997”.
Năm 2009, ca sĩ Mỹ Linh “xây dựng công trình diện tích trên 500m2, phần lớn diện tích xây dựng công trình của gia đình trong quy hoạch rừng nhưng UBND xã Minh Phú, Lâm trường Sóc Sơn không kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm”. Cô ca sĩ này từng phê phán dân oan Thủ Thiêm, rồi bị nhiều người lên án vì biệt phủ của cô ta đã xâm phạm đất rừng.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về diễn biến sau kết luận Thanh tra Sóc Sơn: Dân bức xúc, chính quyền nói gì? Theo đó, sau khi nhận được thông báo kết luận, người dân và cán bộ thôn Minh Tân “rất bất bình với Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội” vì đã “phủ nhận mồ hôi công sức 34 năm của nhân dân thôn Minh Tân, muốn xóa sổ và đuổi toàn bộ thôn Minh Tân”. Người dân khẳng định, họ đã đến đây theo chương trình xây dựng “vùng kinh tế mới” từ năm 1985.
Trước đó, UBND xã Minh Trí đã “đề nghị Thanh tra TP.Hà Nội tách thôn Minh Tân ra khỏi quy hoạch rừng… nhưng không được xem xét”. Kết luận thanh tra “không đề cập tới nguồn gốc lịch sử trước đây về việc bà con khai hoang đất đai”.
Báo Người Lao Động có bài: Rừng nào trụ nổi! Bài viết bình luận: Huyện Sóc Sơn giờ là “địa danh nổi tiếng bởi nơi đây trùng trùng biệt phủ, biệt thự, nhà nghỉ của những người nổi tiếng. Người nổi tiếng đến thì cây cũng đội nón ra đi… Sai rành rành nhưng xử lý thì chưa biết đến khi nào. Rừng gặp lâm tặc đã sợ, gặp người nổi tiếng muốn phá sơn lâm xây biệt phủ thì càng bi kịch hơn”
Tin nhân quyền
Blogger Nguyễn Ngọc Già viết: Tại sao ông Nguyễn Quang Hồng Nhân bị trục xuất khỏi nước Đức? Bài viết nhận định: “Ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị trục xuất khỏi Đức thô bạo và vội vã, như là một thông điệp không thể rõ ràng hơn của nhà nước Đức, đối với nhà cầm quyền Việt Nam: Nước Đức là của người Đức. Cho phép cư trú hay buộc phải ra ‘khỏi nhà’ là quyền của người Đức”.
Vào lúc 8 giờ sáng thứ ba, ngày 26 tháng 3, cảnh sát Đức đã đến trại tị nạn ở thành phố Nürnberg thuộc bang Bayern miền Nam Đức bắt và trục xuất ông Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ về lại Việt Nam. Nguồn: Thời Báo
Tác giả cho rằng, vợ chồng Nguyễn Quang Hồng Nhân bị kẹt ở giữa, khi trở thành nạn nhân cho mối bang giao Đức – Việt rạn vỡ. “Những chuyến đi của Phạm Bình Minh, Nguyễn Chí Dũng và cả của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức không mang lại một kết quả khả quan nào hơn cho quan hệ ngoại giao Đức – Việt”.
Lập luận này không thuyết phục lắm, vì một bên là quan hệ giữa hai chính phủ Đức – Việt, còn bên kia là vấn đề của chính phủ Đức đối với nhân quyền, nhân đạo… Khi một gia đình đang đối mặt với nguy hiểm như gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân, sao Đức lại trả họ về nơi mà tín mạng của họ bị đe dọa?
Vụ án Đoàn Thị Hương
Chiều 28/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về khả năng Đoàn Thị Hương được tha bổng tại phiên xử tới, trang Pháp Luật VN đưa tin. Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ ngoại giao, lãnh sự, pháp lý ở mức cao nhất để bảo đảm công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do”.
Bà Hằng cho biết thêm, “Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã 3 lần thăm lãnh sự công dân Đoàn Thị Hương kể từ ngày 11/3 để động viên, thăm hỏi sức khỏe và giúp Hương có thể ổn định tâm lý cho phiên tòa sắp tới”. Còn bị cáo Siti Aisyah bị cáo buộc cùng tội danh với cô Hương đã được trả tự do trước đó, dưới áp lực từ chính quyền Indonesia. 
Ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng
Báo Người Lao Động đưa tin: Ông trùm đường dây 300 kg ma túy người Trung Quốc sa lưới. Ngày 28/3, Cục CSĐT tội phạm về ma túy – Bộ Công an xác nhận, đã bắt khẩn cấp Wu He Shan, quốc tịch Trung Quốc về tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Đây là người cầm trịch đường dây 300 kg ma túy đá xuyên quốc gia, với sự tham gia của một số đồng phạm người dân tộc thiểu số ở Điện Biên, Đắk Nông.
Bài báo cho biết: “Đây là nhóm đã vận chuyển 12 thùng ma túy đá trọng lượng 300 kg được ngụy trang kỹ lưỡng trong 12 thùng bia. Đường đi của 300 kg ma túy này cực kỳ bí ẩn, xuất phát từ Myanmar qua lãnh thổ nước Lào tuồn vào Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y”.
Công an vừa bắt được lô ma túy 400 kg do người Đài Loan đưa vào Sài Gòn, theo báo Người Việt. Công an TP HCM xác nhận, tối 27/3, “hơn 100 cảnh sát giao thông và công an đã vây bắt một xe bán tải cùng một người Đài Loan đang vận chuyển ma túy tại khu vực ngã tư An Sương, Quận 12”
Nhiều người lưu ý: Tội phạm ma túy ngày càng lộng hành và lượng ma túy bị phát hiện ngày càng nhiều. Trong vòng chưa đầy một tuần, đã có ít nhất 3 vụ bắt ma túy khủng (vụ ở Kontum và 2 vụ ở TP HCM), mỗi vụ phát hiện từ 300 đến 400 kg. Nhiều khả năng đã có sự thông đồng ở các cửa khẩu để lượng ma túy lớn như vậy lọt vào lãnh thổ VN.
Môi trường ngày càng ô nhiễm
VTC đưa tin: Không khí Hà Nội đạt ngưỡng nguy hại, bụi ‘xuyên thủng’ khẩu trang. Một người dân quận Tây Hồ chia sẻ, “sáng sớm – thời điểm nhiều người cho rằng không khí sạch nhất, chị lại cảm thấy khó thở mỗi khi mở khẩu trang, và buốt buốt sống mũi. Đoạn đường từ nhà đến chỗ làm chỉ gần 3km, nhưng mũi chị lúc nào cũng bị nghẹt, khó thở”
Bài báo cho biết: “Theo số liệu quan trắc chất lượng không khí Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/3, chỉ số AQI luôn ở mức xấu, cho sức khỏe”. Khoảng 7 giờ sáng 28/3, chỉ số AQI lên đến 277, trong buổi trưa 27/3, chỉ số này đã lên đến mức 310. “Đó đều là mức nguy hại, khuyến cáo người dân không nên ra đường”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Chất lượng không khí toàn Hà Nội đang ở mức báo động. Bài viết đổ lỗi cho… khí tượng: “Nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại nội thành Hà Nội đang ở mức báo động thấp là do tại khu vực nội thành xuất hiện một lớp sương mù bao phủ ở độ cao khá thấp. Sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển trở nên bất lợi, điều kiện khí tượng không thuận lợi”.
Báo Thanh Niên bàn về hiện tượng tro bụi làm khổ dân ở nhiệt điện Vĩnh Tân: Chưa biết của ‘ông’ nào! Ông Nguyễn Trung Trực, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, thừa nhận, “việc xuất hiện tro bụi đen trong nhà dân mấy ngày gió lớn vừa qua là có thật”, nhưng lại không biết của “ông nào”. Có lẽ người dân ở đây biết tro bụi của “ông nào” gây ra, mặc dù lãnh đạo không biết.
Báo Tiền Phong đưa tin: Cá chết trắng sông Maspéro ở Sóc Trăng. Sáng 28/3, người dân phường 4 và 8 ở TP Sóc Trăng “rất bất ngờ và lo lắng khi phát hiện rất nhiều cá chết nổi trên mặt sông Maspero khoảng 1km”. Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng nói, sẽ cho cán bộ kiểm tra nghi vấn “cá chết có thể do môi trường nước bị ô nhiễm và ai đó xả thải ra sông Maspéro”.
Báo Người Lao Động có bài: Chuyện khó tin nhưng có thật từ… rác! Theo đó, có những tỉnh “nhà giàu” nhưng “sao bao năm trời vẫn không xây được nhà máy xử lí rác khép kín mà hầu hết đều xử lí thủ công. Có thể nói ngay cả chính quyền cũng đang…xả rác!” Người dân cũng muốn chuyện xử lí rác diễn ra nghiêm túc, nhưng chính các cơ quan hữu trách đang làm ngơ.
Giáo dục VN
Báo Người Đưa Tin có bài: Quảng Nam: Phụ huynh “tố” con bị đánh chấn động não, cô giáo nói không? Hiệu trưởng trường mầm non Đại Hồng, bà Võ Thị Trị kể: “Cô Y. cam kết rằng không đánh cháu Tr., trường cũng đã báo cáo sự việc lên cấp trên. Khi xác minh rõ thì ai sai sẽ xử lý”. Trước đó, bà Trần Thị Thu Thủy đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo cô giáo H.T.Y đánh con bà Thủy là cháu Tr bị thương. BV Đa khoa phía Bắc Quảng Nam xác nhận, cháu Tr bị chấn động não.
Vụ quan chức Bộ GD&ĐT từ chối công khai danh tính các thí sinh gian lận ở các tỉnh miền Bắc, báo Người Đưa Tin đặt câu hỏi: Ai thương những đứa trẻ nhà nghèo bị “cướp chỗ” nơi giảng đường đại học? Bài viết bình luận: “Thay vì dành tình thương cho những thí sinh gian lận, dư luận hãy quay sang dành tình thương và đòi hỏi quyền lợi cho ít nhất 110 thí sinh khác đang bị cướp chỗ bởi những em này”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét