Dấu ấn không tốt trong nhiệm kỳ Thủ tướng
1-4-2019
Quyết định Thủ tướng Chính phủ 452/2017 ký ngày 12/4/2017 (do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay) có thể sẽ thành một quyết định lịch sử liên quan đến ông Nguyễn Xuân Phúc- Thủ tướng đương nhiệm.
Quyết định này phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.
Bộ Xây dựng vẫn gấp rút để hoàn thiện cái gọi là “Đề án 452 đã được Thủ tướng phê duyệt” để đem tro xỉ đốt lò các loại đi san lấp. Sẽ là một thảm họa cho quốc gia khi hàng chục triệu tấn tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ nhà máy thép và tro xỉ nhà máy đốt rác sẽ đưa đi san lấp nền đường, san lấp công trình xây dựng và hoàn nguyên mỏ.
Tro, xỉ, thạch cao (bản chất là hạt gyps) đều là chất thải rắn chứa rất nhiều thành phần độc hại. Những chất thải rắn này đã được đem đi chôn lấp, san lấp trước khi chưa có đề án 452 nói trên. Trong thời gian thực hiện đề án, những chất thải độc hại ấy vẫn tiếp tục được chôn lấp và san lấp. Bất chấp pháp luật hiện hành gồm cao nhất là điều 50 Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và Nghị định Chính phủ số 38/2015 dù Quyết định 452 đều có tính pháp lý thấp hơn.
Trong Quyết định 452, phần “xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng”, thì càng lạ lùng hơn khi đề nghị ấy do chính ông Trịnh Đình Dũng ký vào năm 2016, thời điểm còn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Nghĩa là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký thay mình để phê duyệt chính đề xuất của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Một quy trình tự đề xuất, tự phê duyệt như thế có bất ổn hay không mà không thấy thành viên Chính phủ nào thắc mắc, không thấy Đại biểu Quốc hội nào chất vấn?
Tôi xin lưu ý thêm là ngoài các chất độc hại nói trên thì ngay cả tro xỉ nhà máy đốt rác cũng được đem đi san lấp, đem trộn vào ximang. Đốt rác tại Việt Nam là đốt rác tổng hợp, không qua phân loại tại nguồn. Và đốt rác còn tạo ra dioxin- thứ “quái vật” đã gây ra những nỗi đau nhức nhối về quái thai, trẻ biến dị kéo dài từ chiến tranh đến nay và vẫn chưa dừng lại.
Dioxin chiến tranh khiến cả nước vất vả lắm mới khu biệt được và Chính phủ Việt Nam vẫn đang cùng Chính phủ Mỹ xử lý chưa xong. Còn dioxin từ đốt rác sẽ dẫn đến điều gì khi phát tán trong không khí, trong các khoảng sân, bờ tường của công trình xây dựng có dùng ximang pha trộn tro bay đốt rác?
Thật không dám nghĩ đến nữa… Bởi nó quá đáng sợ!
Thời còn làm Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng thăm làng trẻ S.O.S Đà Nẵng (xem ảnh); nên tôi cho rằng Thủ tướng sẽ hiểu rõ trẻ biến dị vì dioxin là như thế nào. Muốn tận mắt chứng kiến thêm những biến dị môi trường, bệnh tật người dân thì Thủ tướng cần thị sát và lắng nghe người dân ở quanh các núi chất thải các loại tại quốc gia này.
Chứ không phải những báo cáo luôn đẹp của địa phương hay các cuộc tiếp xúc cử tri mà quanh đi quẩn lại chỉ có những cử tri quen mặt, quen nói những khẩu hiệu ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước!
Mong rằng các cảnh báo nghiêm túc của tôi sẽ đến được người đứng đầu Chính phủ. Vì ô nhiễm đã quá ngưỡng tại các bãi chứa và đang được phát tán bất chấp luật pháp lẫn Hiến pháp.
Cũng là vì chính ông Nguyễn Xuân Phúc hay các thành viên khác của lực lượng cầm quyền hiện tại. Bởi lịch sử luôn ghi danh những ai đã vì quốc gia, nhân dân mà tận hiến. Và cũng bởi lịch sử ghi nhận tất cả những gì là ngược lại.
Thế giới đã “phẳng” hơn xưa nhờ internet và trung bình tồn tại của các triều đại ở Việt Nam cũng chỉ khoảng trăm năm.
Đó chẳng phải là điều đáng suy nghĩ sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét