Bài đăng nổi bật

Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực

  Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực 14/03/2024 Reuters Triển lãm vũ khí ở Hà Nội, Việt Nam...

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Nhớ Ba sàm (phần 2)

Nhớ Ba sàm (phần 2)

1-1-2019
Tiếp theo Phần 1
Có một dạo, suốt thời gian khá dài, biết bao người xứ này, không chỉ dân chúng mà cả cán bộ đảng viên, bắt đầu ngày mới bằng việc mở internet để vào Ba sàm “xem hôm nay có gì mới không”. Khi hàng trăm tờ báo giấy và trang thông tin điện tử vất vả lắm mới có thêm người đọc thì ở “Ba sàm” cứ tự nhiên nhi nhiên, người ta chen vai thích cánh ùa vào chẳng khác gì đi hội. Thế nên càng hiểu bất luận chính thống hay không chính thống, nếu cứ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân thì sẽ được yêu mến, phát triển, chẳng cần hoa hòe hoa sói, núp bóng mượn danh. Ba sàm đã đánh bạt cả hệ thống báo chí truyền thông nhà nước vốn chỉ chuyên thông tin “phải đạo”, một chiều, nịnh nọt, ca ngợi. Lại nhớ câu người đời hay nói “muốn biết tin thời sự thì xem hài, muốn coi hài thì xem tin thời sự”, ngoài câu “ba sàm thông tin chính thống, chính thống nói chuyện ba sàm” đã nêu.
Theo lẽ thường tình, có người yêu thì cũng chả thiếu chi kẻ ghét. Ba sàm (cả con người lẫn trang tin) được lòng dân thì mất lòng chính quyền. Bi kịch ở chỗ, người yêu mến chỉ có lòng yêu mến, trân trọng, kính phục, nên khi Ba sàm gặp nạn không biết làm cách nào để sẻ chia, giúp đỡ; còn kẻ ghét thì lại thừa thủ đoạn, dã tâm, mưu ma chước quỷ, sự tàn độc, tiền bạc, sức mạnh… để triệt hạ đối thủ đến cùng. Điều ấy được chứng minh rất rõ trong những ngày bộ máy quyền lực lôi Ba sàm ra đấu tố chẳng khác gì thời cải cách ruộng đất, tuyên cái án 5 năm tù sau một thời gian dài nhốt trong ngục. Nhà cai trị với việc bắt, khởi tố và thành án Anh Ba sàm đã nhằm đưa ra lời cảnh báo dân chúng rằng họ muốn làm gì cũng được, đám dân đen đừng có ho he, ngọ nguậy, hãy liệu cái thần hồn, “chưa đến lượt chúng bay đấy, nhìn gương Ba sàm mà lo cho thân mình”…
Báo chí đưa tin, tại phiên tòa của chính quyền ngày 23.3.2016, bị cáo Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba sàm) đã “không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ”. Thực ra, cả chính quyền lẫn báo chí làm sao hiểu nổi được Anh Ba sàm. Con người như cây trúc “trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng” dù án 5 năm hay 50 năm vẫn cứ là trúc, khí tiết vững vàng. Không có tội thì chả việc gì phải thành khẩn khai nhận. Ngày xưa, trước tòa đại hình của Pháp, những người cộng sản dù có tội với chính quyền cũng có bao giờ thừa nhận có tội đâu. Người vì dân vì nước, phản kháng lại mọi chính quyền áp bức không bao giờ có tội. Không nhận (chứ chưa nói gì đến thành khẩn), đó mới chính là Ba sàm, là Nguyễn Hữu Vinh. Cây trúc Ba sàm dẫu có bị đốt cháy thành tro, vẫn thẳng. Cái án mà chính quyền áp đặt cho anh Vinh Ba sàm, với người như anh chỉ như cơn gió thoảng, không dọa được gì.
Nhớ lại, ngay đêm nhà cai trị tuyên án Anh Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh, trên FB có bài thơ của nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội:
Với mình anh gọi Ba Sàm
Với dân với nước anh làm thông tin
Giữa thời nhũng loạn niềm tin
Anh đưa ra một hướng nhìn hướng nghe
Giữa thời thật giả bạn bè
Dân quyền anh muốn vỉa hè lạ quen
Giữa thời hỗn độn trắng đen
Anh ngồi chép sử trước đèn Việt Nam
Với mình anh gọi Ba Sàm
Với dân với nước anh làm thông tin
Trước phiên tòa, dù chỉ xử một mình anh Ba sàm với tội danh “vớ vẩn” nhưng có thể xem như phiên đại hình, Ba sàm đã chiến thắng. Trong cơn sóng gió phũ phàng, ai người chèo lái vững vàng hỡi ai? Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh đã không phụ lòng tin của hàng chục triệu người yêu mến anh. Tôi chưa gặp anh bao giờ nhưng đã lâu có sự mến phục anh. Nhớ một chuyện cũ: lần ấy tôi có được văn bản hiếm, đưa lên blog của mình. Anh Vinh xem trên mạng xong rồi nhắc nhẹ “cẩn thận” khiến tôi cảm ơn nhiều. Tôi cũng từng có nhiều năm dạy học chung với chị Nguyễn Thị Hiếu Thiện, là chị gái anh. Chị Thiện cũng là người rất thẳng thắn, quyết liệt. Tôi hiểu, những người con của bác Nguyễn Hữu Khiếu, một nhà cách mạng được cụ Hồ rất yêu mến, thì khó mà là người xấu được.
Những người đánh phá trang Ba sàm, dù triệt hạ được Ba sàm và đã “thành công” nhưng tôi biết chắc họ đều có đọc Ba sàm và rút ra từ đó nhiều điều bổ ích, cần thiết cho công cuộc cai trị của mình. Tìm những điểm yếu, sai lầm, thiếu sót của chính mình, cách tốt nhất là tìm ở những người nói thẳng, chê mình. Xưa nay, các triều đình hết hưng lại phế là chỉ bởi tin vào kẻ nịnh, ghét người ngay. Nhà cai trị xứ này biết điều ấy, nhưng họ hiểu rằng Ba sàm rất nguy hiểm cho chính sách ngu dân, cái chính sách mà họ từng mạnh mồm tuyên bố chỉ có ở bọn thực dân phong kiến. Người ta luôn rêu rao sự khai hóa, mở mang dân trí nhưng người ta lại quyết đánh sập trang Ba sàm. Nhưng trang Ba sàm không chết. Mà ngay cả nếu nó có “chết” đi nữa thì cũng sống lâu bền trong lòng đông đảo người dân-bạn đọc đã từng yêu quý nó.
Trong nền báo chí truyền thông xứ này, hiện tượng như Ba sàm cực hiếm, những người biên chép lại lịch sử báo chí đương đại một cách đàng hoàng sẽ trang trọng nhắc đến trang Ba sàm và tên anh Nguyễn Hữu Vinh.
Ngày đầu tiên luật an ninh mạng có hiệu lực ở xứ này, 1.1.2019.

Luật an ninh mạng: Nhiều điều vô nghĩa

Luật an ninh mạng: Nhiều điều vô nghĩa

1-1-2019
Nhiều bài viết và góp ý cho dự thảo Luật An Ninh Mạng (LANM) đã phân tích một số điều vi hiến, vi phạm nhân quyền, vi phạm những cam kết quốc tế của Việt Nam,… vân vân. Stt này chỉ nêu sự vô nghĩa của một vài điều của LANM.
Thí dụ, khoản 1 Điều 16 của LANM quy định phải ngăn chặn, xử lý “Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Chỉ bàn về khái niệm nhà nước. Lãnh đạo của ĐCSVN thường dùng những khái niệm lẫn lộn (thí dụ nhà nước thay cho chính quyền trong việc sao chép và gây ô nhiễm câu “chính quyền của dân, do dân, vì dân” rất có ý nghĩa của Abraham Lincoln thành câu “nhà nước của dân, do dân, vì dân” hoàn toàn vô nghĩa) và bằng cách ấy làm ô nhiễm nghiêm trọng tiếng Việt.
Hãy xem nhà nước là gì và chính quyền là gì để hiểu rõ thủ thuật gây ô nhiễm ngôn ngữ một cách có chủ ý này.
Đại thể, nhà nước [thí dụ, xem Bob Jessop, Nhà Nước-quá khứ, hiện tại, tương lai, 2016 [bản tiếng Việt 2018], chương 2 và 3] là một khái niệm để chỉ một hệ thống gồm 4 yếu tố sau đây và các mối quan hệ giữa chúng:
1) Lãnh thổ nhà nước (một lãnh thổ với các đường biên giới ít nhiều ổn định).
2) Dân cư nhà nước: dân sống trên lãnh thổ đó.
3) Bộ máy nhà nước.
4) Ý tưởng (dự án) nhà nước.
Người ta hay lầm lẫn (hay cố tình lầm lẫn) nhà nước với bộ máy nhà nước, thực ra với chỉ một phần của nó là chính quyền. Bộ máy nhà nước gồm 2 phần:
3.a) phần khung, thí dụ bộ nọ, uỷ ban kia… và
3.b) phần con người (tức là những con người cụ thể được bầu hay chỉ định đứng đầu các cơ quan đó và những người làm công việc chính ở đó).
Cái tập hợp những người nói trong phần 3.b) này được gọi là CHÍNH QUYỀN.
Trong tất cả những người tạo thành chính quyền thực ra phải phân biệt đội ngũ công chức (các nhà quan liêu theo nghĩa của Weber), viên chức, các chuyên gia [những người làm công ăn lương và làm việc tận tuỵ này là rất quan trọng và thường không biến động khi thay đổi chế độ, hay khi chính quyền bị lật đổ] và phần nhỏ của chính quyền là các CHÍNH TRỊ GIA nắm giữ các vị trí lãnh đạo của các cơ quan nhà nước (rất nhiều khi các ông vua bà chúa và vua tập thể này hay cố ý đồng nhất mình với NHÀ NƯỚC).
Và việc lật đổ, chống chính quyền thực ra là việc chống hay lật đổ các ông bà vua chúa này chứ không phải đội ngũ công chức, viên chức, chuyên gia làm công ăn lương trong bộ máy nhà nước.
Nếu hiểu rạch ròi như vậy thì thấy tội chống NHÀ NƯỚC (dù là nhà nước x, y, z) là hoàn toàn VÔ NGHĨA, nhưng việc chống CHÍNH QUYỀN lại rất có ý nghĩa.
Và khi chính quyền (tức là những con người nhất định, chủ yếu là các ông vua bà chúa nêu trên) làm bậy (chính quyền không còn là của dân, do dân, vì dân nữa) thì dân nhất thiết phải chống họ, PHẢI LẬT ĐỔ HỌ (trong các nền dân chủ bằng cách không bỏ phiếu cho họ nữa, tức là lật đổ chính quyền một cách văn minh, ôn hoà; hoặc cả bằng bạo lực thông qua các cuộc cách mạng bạo lực nữa thường trong các chế độ độc tài).
Ông Hồ Chí Minh có nói đại ý “nếu chính phủ làm không tốt thì dân phải đuổi chính phủ đi” chính là nói đến việc lật đổ chính quyền theo nghĩa đó.
Có thể kể ra vô vàn sự ô nhiễm ngôn ngữ do họ gây ra mà nhiều người cũng gọi là đánh tráo khái niệm (như sự đánh đồng chính quyền = nhà nước nêu trên, hay đưa ra những khái niệm vô nghĩa như sở hữu toàn dân,…). Tại sao họ lại cố tình lẫn lộn như vậy? Vì trong ngôn ngữ do họ gây ô nhiễm ấy, họ có thể dễ dàng hơn để nắm giữ quyền lực.
Chính vì thế việc tẩy chay những điều vi hiến, vi phạm nhân quyền, vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam và những điều VÔ NGHĨA của LANM và tất cả các luật khác phải là NGHĨA VỤ và TRÁCH NHIỆM của mọi công dân Việt Nam.

Bản tin ngày 1-1-2019

Bản tin ngày 1-1-2019

LTS: Cảm ơn quý độc giả đã đồng hành cùng Tiếng Dân trong suốt một năm qua. Ngày đầu năm 2019, BBT Tiếng Dân kính chúc quý độc giả một năm mới bình an, hạnh phúc, thịnh vượng… Chúc cho người dân Việt Nam sớm thoát khỏi ách độc tài đảng trị, trở lại làm người theo đúng nghĩa con người.
Ảnh trên mạng
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc ‘tranh thủ’ trên Biển Đông. Theo ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, Trung Quốc đã tiến đến “giai đoạn 3” trong chiến lược thu tóm Biển Đông: “Lần đầu tiên đá Vành Khăn chứng kiến máy bay vận tải quân sự đáp xuống, hay việc triển khai thiết bị gây nhiễu sóng ở Vành Khăn và đá Chữ Thập cũng như những tên lửa ở Trường Sa”.
GSTS Zach Abuza, thuộc Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia Mỹ, nhận định: “Việc quân sự hóa Biển Đông giúp Trung Quốc giữ sự hiện diện 24/7 và trong 365 ngày tại đây. Nó cho phép lực lượng hàng hải của Bắc Kinh đảm bảo việc thực thi các tuyên bố chủ quyền đơn phương, bằng cách ngăn chặn sự tiếp cận của các nước khác”.
VOA đưa tin: Việt Nam ‘cứng rắn bất ngờ’ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Theo tin từ Reuters, phía Việt Nam đã đưa ra “những yêu sách cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Asean và Bắc Kinh”. Việt Nam cũng thúc đẩy một số điều khoản nhằm ngăn phía Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Chính trường Việt Nam thời khắc cuối năm
Việt Nam Thời báo đặt câu hỏi: Vì sao đảng không chịu công bố kết quả phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị? Bài viết lưu ý hiện tượng: Hội nghị Trung ương 9 kết thúc với ít kết quả so với kỳ vọng đặt ra, dự kiến kéo dài đến 28/12 nhưng đến ngày 26/12 đã kết thúc, với “dấu ấn duy nhất là cách chức Tất Thành Cang”, chuyện xử lý hai cựu Bộ trưởng 4T và công bố kết quả phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư đến giờ vẫn không có tăm hơi.
Nhà báo Mặc Lâm viết: Khi ý đảng khác với lòng dân. Theo đó, “ý đảng lòng dân” là cụm từ thường bị chính quyền CSVN lạm dụng từ ngày thành lập chế độ đến nay, nhưng “ý đảng” hiện không còn là “lòng dân” nữa. Con số 36% ủy viên trung ương không đồng ý cách chức Tất Thành Cang là một bằng chứng cho “sự bất tín nhiệm của 1/3 Ủy viên Trung ương đối với ông Nguyễn Phú Trọng”, đồng thời cũng cho thấy các nhóm lợi ích không quan tâm đến sự bất bình của người dân. 
Luật An Ninh mạng có hiệu lực
Hôm nay 1/1/2019, cũng là ngày luật An Ninh mạng chính thức có hiệu lực, nhưng có vẻ như những người viết trên mạng, bày tỏ quan điểm bất đồng, không hề nao núng, bởi như PGS TS Mạc Văn Trang nói: Tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt là tất yếu, và rằng không ai có thể tước đoạt quyền tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt của chúng ta, ngoại trừ chính chúng ta.
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long viết về luật An Ninh mạng: 5 điều cần biết từ ngày 1/1/2019: “1. Luật An ninh mạng là một đạo luật phản động, ngu dốt và man rợ, hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng văn minh của loài người. 2. Nếu Luật An ninh mạng được Pháp ban hành cách đây 100 năm thì Nguyễn Ái Quốc sẽ bị xử đầu tiên…
Từ 1/1/2019 Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, theo VTC. Đây là công cụ được chính quyền CSVN kỳ vọng sẽ “xử lý triệt để tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu, những tin tức giả mạo, phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục Việt Nam”, tức là những tin tức, phát ngôn vạch trần sự thật bất lợi cho chế độ độc đảng ở Việt Nam.
Luật An ninh mạng có “7 chương, 43 điều luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các điều luật này bảo vệ an ninh mạng thì ít mà kiểm soát, bóp nghẹt tiếng nói của người dân thì nhiều.
Việt Nam Thời báo đặt câu hỏi về luật an ninh mạng: tuân thủ hay viết-nói theo ý mình? TS Nguyễn Hoàng Dũng nhận định: “Tư tưởng con người, đặc biệt tư tưởng tự do, là một dòng chảy xuyên suốt lịch sử cổ kim không ngừng nghỉ. Luật ANM sẽ chỉ là một khúc củi mục mốc cố ngáng cản dòng chảy đó trong vô vọng mà thôi”
Bài viết lưu ý: Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực trong hoàn cảnh chính quyền đang loay hoay tìm cách thông qua luật đặc khu, cùng với “Thông Tư 19/2018 của NHNN cho phép đồng nhân dân tệ lưu hành chính thức ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc”, tạo nên một hệ thống điều luật là “những sợi dây thòng lọng siết kéo Việt Nam lệ thuộc sâu hơn về phía Trung Quốc”
BBC đặt câu hỏi về luật ANM: cản trở chính với người dân hay doanh nghiệp? LS Trần Vũ Hải cho rằng luật này không chỉ nhắm tới người dân sử dụng mạng xã hội để bày tỏ bất bình, mà còn ảnh hưởng các doanh nghiệp. Còn Cô Nguyễn Vi Yên, thành viên sáng lập nhóm Save NET nhận định: “Ảnh hưởng lớn nhất của Luật ANM sẽ là đối với người dân”
Tin nhân quyền
VOA có bài tổng hợp nhận định của giới hoạt động: “2018 – năm tồi tệ nhất về vi phạm nhân quyền ở VN”. LS Lê Thị Công Nhân nhận định, “trong năm 2018 chính quyền Việt Nam đã đưa ra những bản án ‘khủng khiếp chưa từng có’.” Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng GĐ của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA: “Việt Nam bắt giữ 26 nhà hoạt động và kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù và 66 năm quản chế. Con số này chưa kể đến hàng trăm người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình giữa tháng 6”.
Theo ông Ngữ, an ninh Việt Nam còn sử dụng nhiều thủ đoạn để đàn áp những người đấu tranh như “sử dụng côn đồ để đánh đập, cũng như cô lập kinh tế, ngăn cản việc gặp gỡ với các nhà ngoại giao, và cấm xuất cảnh”.
Đất nước thời “tận thu”
Báo Dân Việt có bài: Nhìn lại những đề xuất thuế làm “đau” túi tiền năm qua. Theo đó, “thuế tài sản có lẽ là đề xuất gây làn sóng lớn nhất trong năm nay. Phương án được Bộ Tài chính đưa ra là đánh thuế ở mức 0,4% với đất và nhà ở trên 700 triệu đồng”. Đề xuất này đã gặp phải sự phản đối của rất nhiều người dân bởi phạm vi ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua và sắp có hiệu lực.  
Trang Môi Trường và Đô Thị đặt câu hỏi, trước giờ G: Người Việt đang phải chịu quá nhiều thuế và phí? Theo đó, kể từ ngày 1/1/2019 “phí khí thải chính thức có hiệu lực, người dân đưa ra câu hỏi: Nếu đã đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vì lý do gây ô nhiễm rồi thì tại sao phải đóng thêm phí khí thải?” Ngay cả một số trí thức “lề đảng” cũng phải thừa nhận sự vô lý của loại phí này, một “món quà đầu năm” mà chế độ dành tặng người dân trong tình hình phải tận thu bù ngân sách thiếu hụt. 
Báo VnExpress đưa tin: Giá gas trong nước tăng dù thế giới giảm. Ngày 1/1/2019, người dân sẽ phải “chi thêm 333 đồng cho mỗi kg gas so với tháng 12, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiên liệu này mở đầu năm 2019 bằng đợt tăng giá nhẹ tại các điểm bán lẻ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam”.
Cục Thuế phản hồi nóng cưỡng chế Sabeco hơn 3.100 tỷ, theo báo Đất Việt. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP HCM cho biết: Đối với trường hợp Công ty Sabeco, Cục Thuế TP.HCM “áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên. Cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này”.
Vụ 152 du khách bỏ trốn ở Đài Loan
Cơ quan chức năng Đài Loan bắt giữ một người bị tình nghi có dính líu đến việc giúp cho 152 du khách Việt bỏ trốn, theo RFA. Một người đàn ông gốc Việt họ Trịnh, có thẻ thường trú hợp pháp tại Đài Loan đã bị bắt ngày 28/12/2018. “Người này sống tại khu vực Tân Bắc và bị điều tra về việc lái xe chở các du khách Việt rời khỏi khách sạn. Người này cũng bị nghi bao che, giấu các du khách Việt bỏ trốn”
Báo Thanh Niên đưa tin: Lộ diện 2 nghi phạm nói tiếng Việt giúp 152 khách Việt ‘mất tích’ tại Đài Loan. Bên cạnh người đàn ông gốc Việt họ Trịnh nói trên, cảnh sát Đài Loan đang điều tra một người phụ nữ nói tiếng Việt. Theo đó, vào lúc một nữ phiên dịch ra sức khuyên các thành viên trong đoàn khách không nên “bỏ đi”, người phụ nữ này “bất ngờ đến đón các du khách Việt rời khách sạn”, nói rằng “chỉ đến đón hộ người lên Đài Bắc có việc”.
Sau vụ 152 người Việt mất tích: Đài Loan cân nhắc tăng hình phạt nhập cư trái phép, theo BBC. Tính đến chiều 29/12/2018, thêm 20 du khách Việt đã được tìm thấy, còn 128 người kia vẫn đang “mất tích”. Bộ Nội vụ Đài Loan “đang lên kế hoạch tăng nặng mức tiền phạt và hình phạt đối với lao động nhập cư trái phép, chủ doanh nghiệp thuê lao động, các công ty môi giới liên quan đến buôn người”.
Nhà hoạt động Ngô Văn Hiếu viết: Xấu hổ cho Đài Loan đã ngược đãi miệt thị du khách Việt Nam. “Nhà chức trách và báo chí Đài Loan thật nông nỗi khi vội gán cho 152/153 du khách Việt Nam ‘đi lạc’ tại xứ này tội ‘bỏ trốn’. Nên nhớ là phải cho các du khách này hưởng sự tình nghi vô tội “benefit of doubt” trước khi gán tội bỏ trốn… Tại sao không nghĩ là họ đi lạc, hay họ không thích ăn ở nơi được hãng du hành thuê bao đã chỉ định nên bỏ đi chơi theo kiểu tự túc, mà lại vội gán họ là bỏ trốn như phạm nhân trốn tù?
Mời đọc thêm: Bắt người nghi giúp 152 khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan (ĐV). – Đài Loan bắt đối tượng nghi giúp 152 du khách Việt Nam rời đoàn — Những vụ lùm xùm của du khách Việt ở nước ngoài gây nhức nhối dư luận trong năm 2018 (DT). – Có nên còng tay du khách bỏ trốn? (TT). – Đài Loan phạt nặng người nhập cư trái phép sau vụ du khách Việt “mất tích”(CATP). – Vụ 152 du khách Việt “biến mất” ở Đài Loan: Tước giấy phép công ty làm visa (ĐS&PL). – Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan (TP). – Nhiều uẩn khúc trong vụ du khách Việt “mất tích” bí ẩn tại Đài Loan(Sputnik).
Thời luật rừng lên ngôi
Tối 30/12/2018, tại xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, trụ sở ban chỉ huy quân sự xã bị đập phá, theo RFA. Do xích mích với người của Ủy Ban Xã, một nhóm khoảng 20 thanh niên đã kéo đến tấn công, hành hung một dân quân thường trực và và hai người giữ xe ở UBND xã Long An. Ông Sang, Phó trưởng Công an xã đã “nổ súng chỉ thiên nhưng nhóm thanh niên vẫn tấn công” nên ông cùng 3 người nói trên “chạy vào Trụ sở Công an và đi qua cửa sau vào Trụ sở Ban chỉ huy quân sự xã để lánh nạn và gọi điện thoại Công an huyện hỗ trợ”.
Tuy nhiên, “nhóm thanh niên vẫn tiếp tục truy lùng nhóm người của Ủy Ban và dùng ghế gỗ đập phá khiến nhiều tài sản bị hư hỏng”. Thêm một bằng chứng cho thấy, khi luật pháp vắng bóng, thì luật rừng lên ngôi. Nhiều người không còn sợ chế độ công an trị ở Việt Nam và sẵn sàng dùng… luật rừng đáp trả sau nhiều năm chính quyền dùng luật rừng với họ.
Giáo dục VN: Vẫn đầy khiếm khuyết
Trang Pháp Luật TP HCM điểm lại những điểm xám của nền giáo dục trong năm 2018 vừa qua. Theo đó, vết nhơ gần đây nhất là giáo viên dâm ô nữ sinh lớp 8 ở Gia Lai, “hiệu trưởng một trường tại Phú Thọ cũng bị khởi tố vì liên quan tới việc lạm dụng một loạt học sinh nam”. Bên cạnh đó là nhiều vụ giáo viên hành hạ học sinh, hoặc học sinh hành hung giáo viên.
UBND TP Đà Lạt vừa kỷ luật Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn vì gian dối, bòn rút, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Bà Lê Thị Tuyết Oanh bị kỷ luật cảnh cáo vì “đã có rất nhiều sai phạm trong chỉ đạo thu tiền học sinh học tiếng Anh I-Learn nhưng không qua bộ phận tài vụ, lại chỉ đạo lấy tiền từ ngân sách làm phần thưởng phát cho học sinh khá, giỏi không đúng quy định”.
***

Không viết được những lời vui

Không viết được những lời vui

31-12-2018
Chỉ còn mấy giờ đồng hồ nữa là hết năm 2018, tờ lịch cuối cùng rơi xuống để đón một năm mới đến. Năm 2018 bản thân và gia đình có nhiều chuyện buồn. Đầu năm mất anh trai ruột, cuối năm mất người vợ chung sống hơn bốn mươi năm. Vốn biết có đến có đi, có sinh có diệt, đời vốn vô thường nhưng cũng không giấu được nỗi buồn riêng. Năm mới tới, cũng muốn gác cái buồn riêng ấy để viết cái gì đấy vui một tý để đón những ngày mới, mong có một năm mới vui tươi hơn.
Thế nhưng đọc báo thấy tin một người chết vì đói và rét trên chiếc xe ba gác ở Thanh Hoá. Người chết mới hơn tuổi sáu mươi, chết quạnh hiu vì đói và rét mà chẳng ai hay.
Người đàn ông chết gục trên chiếc xe ba gác đậu ven đường. Ảnh: K.Đ/ Soha
Thanh Hoá là địa phương nổi tiếng với những cán bộ lãnh đạo khét tiếng ăn chơi, giàu có, vợ lớn vợ nhỏ đầm đìa và vợ nào cũng nhà, cũng xe, cũng tài sản kếch xù. Mặc dù đây là thành phố chẳng làm ra của cải mà chỉ sống nhờ ngân sách trung ương. Cán bộ sống như vua và dân chết như ăn mày. Chuyện này không chỉ có một người mà sẽ còn có nhiều người, nhiều gia đình chẳng có cơm ăn, chẳng có cái áo mặc chống rét khi Tết tới.
Cái chết của người đàn ông vô danh đó khiến ta ngậm ngùi và gợi lại những thảm cảnh của các nhân vật trong các tác phẩm văn học của một thời tố cáo chế độ thực dân phong kiến. Các nhân vật vẫn còn đấy trong thời đại ngày nay. Họ cùng khổ hơn, đau khổ hơn, hờn tủi hơn bởi vì bọn cường hào ác bá ngày xưa không còn nhưng lại có bọn cường hào mới, tàn nhẫn hơn, thủ đoạn hơn, thâm hiểm hơn, ác độc hơn và trên hết là chúng có luật pháp che chở. Chưa viết được lời vui đã thấy thấm những giọt nước mắt cho những số phận.
Nước mắt chưa khô lại được tin: Cả mảng lớn núi Hòn Cậu, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đổ ập ước chừng ngàn tấn đất, đá làm sập nhà, chôn chết ba nạn nhân thuộc 3 thế hệ trong một gia đình… Người ta cho rằng những dự án xây dựng trên đầu dân ở Khánh Hoà là nguyên nhân của những vụ sạt lở gây chết người gần đây ở địa phương.
Vì những món lợi người ta bất chấp số phận của người dân, sẵn sàng đặt bút ký cho những dự án đe dọa cuộc sống của dân đen. Và với vị trí thấp hèn, không cất được tiếng nói, người dân nghèo chấp nhận những thiệt thòi về mình kể cả những cái chết. Tang thương phủ trên mảnh đất nghèo ngày cuối năm. Tiếng khóc uất nghẹn đầy xót xa vẫn còn vọng trên đống hoang tàn.
Khi gió lạnh cuối năm thổi về, những dân oan Thủ Thiêm vẫn còn co ro ở những phố Hà Nội để tiếp tục kêu oan như mấy chục năm qua họ đã làm nhưng chưa nghe tiếng vọng. Nhiều người dân Thủ Thiêm vẫn ngóng chờ và rất nhiều người lại sẽ đón giao thừa với thân thế của một kẻ không còn miếng đất để cắm cây nhang, đốt ngọn đèn cầy đón ông bà. Vẫn còn đó những tiếng khóc, vẫn còn đó nỗi uất nghẹn của những kẻ bị cướp trắng tay.
Một Tất Thành Cang vẫn còn đấy, dù bị cách chức nhưng tài sản vẫn còn hiên ngang giữa phố phường. Rồi Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Lê Thanh Hải… những kẻ chủ mưu cướp đất của dân vẫn còn đấy, vẫn ung dung tận hưởng cuộc sống vương giả có được từ máu và nước mắt của dân. Chúng còn đó là lòng dân chưa yên, chúng còn đó là nước mắt dán còn chảy, chúng còn đó là nỗi uất nghẹn chưa nguôi.
Và đất nước này không chỉ có từng đó, còn biết bao số phận oan nghiệt bị dập vùi, còn biết bao con người bị đẩy vào đường cùng không lối thoát, còn biết bao đất đai, ruộng đồng bị cướp trắng để làm giàu thêm tài sản của nhóm lợi ích. Biết bao tài nguyên, sông suối, rừng già đã bị vặt trụi để làm thành biệt phủ, cung điện xa hoa, xe hơi bóng lộn và cuộc sống chẳng khác vua chúa của một số người.
Đêm nay, đêm cuối của một năm, gió lạnh làm tê tái biết bao số phận. Oan nghiệt làm đau khổ biết bao con người. Làm sao viết được những lời vui. Tạm quên nỗi buồn riêng lại rơi nước mắt nỗi đau chung của một dân tộc. Lũ sâu bọ vẫn còn đầy ra đấy, dân đen vẫn còn lắm khổ đau.
Năm mới lại chưa thấy hi vọng gì cho đất nước dù chung quanh bầu trời đang chuẩn bị để đốt pháo hoa.