Bài đăng nổi bật

Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực

  Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực 14/03/2024 Reuters Triển lãm vũ khí ở Hà Nội, Việt Nam...

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực

 

Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam giảm xuống cực thấp bất chấp căng thẳng trong khu vực

14/03/2024
Triển lãm vũ khí ở Hà Nội, Việt Nam, hồi năm 2022.
Triển lãm vũ khí ở Hà Nội, Việt Nam, hồi năm 2022.

Dữ liệu công bố hôm thứ Hai 11/3 cho thấy, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm ngoái đã giảm xuống mức cực thấp giữa lúc nước này cố đa dạng hóa nguồn cung ngoài nước Nga ra, trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng Việt Nam ở thế mong manh trong một cuộc xung đột tầm cỡ khu vực.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), được đưa ra hôm 11/3, mặc dù ngân sách hàng năm để nhập khẩu vũ khí ước tính là hơn 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng năm ngoái Việt Nam không có thêm đơn đặt hàng mới nào với giá trị lớn.

Dữ liệu cho thấy đáng kể nhất chỉ là một tàu hộ tống hải quân do Ấn Độ tặng Việt Nam, và như vậy, lượng vũ khí nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 - không tính năm 2020 có đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia quốc phòng cho rằng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như có các cuộc chạm trán thường xuyên ở Biển Đông giữa tàu Trung Quốc và tàu của các cường quốc khác trong khu vực, Việt Nam do đảng cộng sản cai trị bị thiếu vũ khí hiện đại để tự vệ trong một cuộc xung đột quy mô lớn.

Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về an ninh Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói: “Sự chênh lệch về sức mạnh của lực lượng quân sự thông thường sẽ gia tăng theo hướng có lợi cho Trung Quốc nếu Việt Nam tiếp tục dậm chân tại chỗ”.

Chính phủ Việt Nam từ chối bình luận về nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu vũ khí bị giảm tốc. Một quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng nói hồi tháng 1 rằng nước này đã đạt được một số thỏa thuận tại hội chợ quân sự vào tháng 12/2022, nhưng Bộ Quốc phòng không đi vào chi tiết.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI nói rằng việc không có mấy thông tin về các thỏa thuận công khai có thể là do các cuộc đàm phán khó khăn vẫn đang diễn ra, trong đó Việt Nam đang xem xét các lời chào hàng cạnh tranh nhau.

Thayer và các chuyên gia khác cho rằng quốc gia Đông Nam Á này chủ yếu cần tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Quốc phòng, Việt Nam vận hành các hệ thống phòng không được nhập khẩu từ Nga và Israel, một số hệ thống trong số đó đã được giới thiệu lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm.

Nước này đang cố gắng cải thiện ngành công nghiệp quân sự của mình nhưng vẫn chưa thể sản xuất được vũ khí cỡ lớn như máy bay hay tàu chiến.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy, Nga, nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam trong nhiều thập kỷ, đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm ngoái và Việt Nam đã phải vất vả tìm cách thanh toán cho vũ khí của Nga mà vẫn không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, theo hai người nắm thông tin về các cuộc thảo luận. Họ từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Theo dữ liệu công khai, Hà Nội đã tổ chức hội chợ vũ khí quốc tế đầu tiên vào năm 2022, công khai tuyên bố rằng họ muốn đa dạng hóa nguồn cung thay vì chỉ dựa vào Moscow, điều này xác nhận một sự thay đổi bắt đầu từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Nhưng các cuộc đàm phán với những bên bán tiềm năng khác vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.

Theo dữ liệu của SIPRI, Israel, nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Việt Nam, đã không bán cho Hà Nội bất kỳ loại vũ khí nào trong hai năm qua, mặc dù xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Israel đã tăng lên trong giai đoạn đó.

Các cuộc đàm phán của Việt Nam với các bên cung cấp tiềm năng khác, bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Cộng hòa Séc đã diễn ra dồn dập hơn nhưng không thấy có tin các bên đạt được thỏa thuận lớn nào, ngoại trừ chiếc hộ tống hạm được Ấn Độ tặng, giữa lúc Việt Nam có các vấn đề về chi phí và khả năng tích hợp với kho vũ khí hiện có, mà theo phần lớn các chuyên gia, chúng có nguồn gốc từ Liên Xô.

Hội chợ vũ khí thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12.

Trong lúc này, Việt Nam đang dựa vào ngoại giao để duy trì quan hệ tốt đẹp với các siêu cường.

Nhưng nếu không mua vũ khí với giá trị lớn, Việt Nam vẫn "rất mong manh", Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Australia, nói.

Nhiều cán bộ, công chức Việt Nam không về nước sau khi học tập, công tác ở nước ngoài

 

Nhiều cán bộ, công chức Việt Nam không về nước sau khi học tập, công tác ở nước ngoài

Trang Người Đưa Tin nói về vụ 25 người thuộc Đại học Đà Nẵng đi học ở nước ngoài nhưng không quay về nước, 13/3/2024.
Trang Người Đưa Tin nói về vụ 25 người thuộc Đại học Đà Nẵng đi học ở nước ngoài nhưng không quay về nước, 13/3/2024.

Báo chí Việt Nam mới đây đưa tin rằng hàng chục người được chính quyền Đà Nẵng cử đi học tập, công tác ở nước ngoài đã không về nước sau khi kết thúc chương trình, và một cán bộ ở Quảng Bình cũng không hồi hương sau khi đi du lịch Mỹ.

Những trường hợp này bổ sung vào con số hàng nghìn cán bộ, công chức Việt Nam được cử đi tu nghiệp bằng ngân sách nhà nước song không quay về nước khi hoàn thành các khóa học.

Các báo mạng, trong đó có VietnamNet, Tuổi Trẻ…, hôm 13/3 trích dẫn thông tin tại một hội nghị của công an Đà Nẵng cho hay 25 cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng được đưa đi đào tạo, công tác ở nước ngoài đã phá bỏ cam kết rồi “cư trú, làm việc ở nước ngoài”, ngoài ra, 17 học viên thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng “không trở về nước làm việc”.

Hội nghị ngày 13/3 của công an thành phố Đà Nẵng được tổ chức để đánh giá 5 năm thực hiện một chỉ thị của thủ tướng Việt Nam về “tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài”.

Ít ngày trước, báo chí trong nước đưa tin hôm 5/3 rằng Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho thôi việc một nữ cán bộ sau khi bà này nghỉ phép đi Mỹ du lịch rồi không trở về. Tin cho hay bà từng làm trong Phòng Tổ chức Cán bộ, Thanh tra và Thi đua Khen thưởng của toàn án.

Theo quan sát của VOA, những tin tức kể trên dẫn đến nhiều bàn luận trên mạng xã hội, bao gồm những thắc mắc vì sao các cán bộ nhà nước lại rời bỏ Việt Nam, nơi bộ máy tuyên truyền vẫn thường ca tụng là một đất nước “bình yên”, “ổn định” và “trên đà phát triển”, hay “ngày càng thịnh vượng”, để tìm cách ở lại Mỹ hoặc các nước tư bản vốn hay bị mô tả là “bất ổn”, “nguy hiểm”, “nhiều tệ nạn”, “bất công” hoặc thường xuyên có “khủng hoảng”.

Võ sư Đoàn Bảo Châu với nhiều ảnh hưởng trên Facebook viết trong trang cá nhân có hơn 150.000 người theo dõi rằng việc những người có học, có vị trí trong xã hội “bỏ nước ra đi” là một “sự thật rất đáng buồn” và ông hy vọng những người trong hệ thống nhà nước nhìn thấy điều đó cũng như tự tra vấn xem điều gì đang diễn ra.

Ông Châu chỉ ra thực trạng là còn có hàng nghìn người khác “khao khát” được đi lao động xuất khẩu hoặc tìm cách xuất cảnh chui, và đưa ra bình luận: “Người lãnh đạo cần có một tầm nhìn rất cao, rất rộng và quan trọng là phải có cái tâm rất cao quý để có thể đau lòng trước sự thật này”.

Trong các bài đăng và ý kiến thảo luận khác trên mạng xã hội, nhiều người đề cập đến những yếu tố làm cho một số lượng đáng kể những người Việt muốn ra nước ngoài sinh sống, đó là mức lương trong nước quá thấp so với năng lực của những ai có bằng cấp, cơ hội phát triển ít ỏi hơn so với ở nước ngoài, nền giáo dục của nhiều nước khác tiên tiến, hiện đại hơn Việt Nam, v.v…

Không ít ý kiến cho rằng nếu cơ chế đãi ngộ trong các cơ quan nhà nươc Việt Nam không cải thiện, xu hướng cán bộ, công chức phá cam kết khi được đưa đi nước ngoài sẽ còn tiếp tục.

Cách đây chưa lâu, hồi tháng 10/2023, các báo Tiền Phong, Đại Biểu Nhân Dân và nhiều báo khác dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết trong 10 năm từ 2013-2022, bộ này cấp ngân sách nhà nước cho gần 12.000 người đi học ở nước ngoài, nhưng trong số đó, gần 4.500 người “chưa trở về nước làm việc dù đã đến hạn”.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài các biện pháp như phạt hoặc yêu cầu người đi học phải hoàn trả tiền được cấp, Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy cần phải “cải thiện môi trường nghiên cứu, làm việc trong nước theo hướng hiện đại, công bằng, lành mạnh và bảo đảm điều kiện làm việc thuận lợi”, theo tường thuật của Đại Biểu Nhân Dân.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT khuyến nghị rằng điều không kém phần quan trọng là phải “bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài như trả lương, phụ cấp, nhà ở, điều kiện làm việc, xây dựng quy định hỗ trợ tài năng, khen thưởng, vinh danh, cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, v.v...”.

Ngoài các trường hợp nghiên cứu sinh, du học sinh được nhà nước cấp tiền đi tu nghiệp ở nước ngoài song không quay về, còn có một số vụ doanh nhân, công chức, quan chức “trốn ở lại nước ngoài” trong những năm gần đây, theo ghi nhận của VOA.

Vụ việc gây chú ý nhất là 9 người đã “bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc” hồi tháng 12/2018 khi đi cùng phái đoàn chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Phải đến tháng 9/2019, bộ trưởng kế hoạch-đầu tư của Việt Nam mới xác nhận vụ này.

Vào tháng 11/2019, tỉnh Cà Mau ra quyết định kỷ luật, cho thôi việc một nữ phó trưởng phòng thuộc Chi cục Biển và Hải đảo của tỉnh vì bà này đi đào tạo ở Úc nhưng không về khi kết thúc chương trình.

Hồi tháng 12/2016, báo chí Việt Nam đưa tin một nam cán bộ thuộc Bộ Công Thương giữ chức phó tổng giám đốc công ty nhà nước PV Power đi Singapore học và không về, dù cơ quan không chấp nhận cho ông làm như vậy.

Trước đó, giữa tháng 8/2014, Sở Ngoại vụ tỉnh Cần Thơ cho biết một nam phó trưởng phòng hợp tác quốc tế đã “tự ý xuất cảnh” và “trốn ở lại Mỹ”.

Thấy gì từ lời khai của bà Trương Mỹ Lan trước tòa?

 

Thấy gì từ lời khai của bà Trương Mỹ Lan trước tòa?

Bà Trương Mỹ Lan là bị cáo trong vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)
Bà Trương Mỹ Lan là bị cáo trong vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ)

Những lời khai của bà Trương Mỹ Lan trước tòa về chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp bà thâu tóm ngân hàng SCB ‘cần phải được xác minh thêm’, một chuyên gia tài chính-ngân hàng từ trong nước nói với VOA.

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đang hầu tòa kể từ ngày 5/3 với cáo buộc rút ruột ngân hàng SCB với số tiền thiệt hại ước tính lên đến 500.000 tỷ đồng, tương đương 20 tỷ đô la Mỹ, trong đại án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam từ trước đến nay.

‘Làm theo chỉ đạo’

Cáo trạng của bên công tố cho rằng bà Lan đã tìm cách sở hữu đến 91,5% cổ phần của ngân hàng này trong khi luật pháp quy định một cá nhân hay tổ chức không được sở hữu quá 5%. Từ đó, bà đã khuynh loát và lũng đoạn toàn bộ hệ thống SCB và biến ngân hàng này thành công cụ phục vụ lợi ích của bà và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, trong lời khai trước tòa hôm 11/3 được báo chí trong nước dẫn lại, bà Lan nói rằng sở dĩ bà thâu tóm cổ phần SCB là để ‘thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước’ về việc phải làm sao sát nhập được ba ngân hàng yếu kém ‘bằng mọi giá’.

Ngân hàng SCB ra đời vào ngày 1/1/2012 trên cơ sở hợp nhất ba ngân hàng yếu kém là Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ nhất dưới vai trò chủ đạo của bà Lan.

“Ngân hàng Nhà nước nhờ tôi phải đi kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65% nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công,” bà Lan nói trong lời khai trước Tòa được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Bà cũng khai rằng mặc dù bà không hiểu biết về lĩnh vực ngân hàng nhưng bà vẫn được các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khi đó động viên đứng ra làm việc hợp nhất vì bà ‘có tiếng nói, có uy tín’ và có tài sản để đưa vào cơ cấu ngân hàng.

Bà Lan, vốn là một tiểu thương ở Chợ Lớn trước khi trở thành tỷ phú bất động sản, cho biết bà đã đổ nhiều tiền của vào để vực dậy SCB trong giai đoạn đầu vì ‘tài sản của SCB lúc đó rất xấu’ và phải ‘chịu áp lực trả 20.000 tỷ đồng khoản vay để tái cơ cấu cho Nhà nước’, theo tường thuật của VnExpress.

Chính vì vậy mà ‘toàn bộ tài sản’ của bà Lan hiện giờ ‘đều ở SCB’ và ‘cả gia tộc họ Trương của bà đều nợ nần, cũng theo lời khai của bà trước Tòa được Tuổi Trẻ dẫn lại.

Bà Lan cho rằng bà nhảy vào SCB ‘không phải vì tham tiền mà vì muốn cứu SCB’. Nhưng bà bị Bộ Công an cáo buộc chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB thông qua các hồ sơ vay vốn khống. Theo truyền thông trong nước, số tiền lãi của số tiền chiếm đoạt lên đến 130.000 tỷ đồng và bà còn bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng do vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

‘Cần có bằng chứng’

“Nếu lời bà Lan khai [thâu tóm cổ phần theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước] là đúng thì Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản chính thức cho phép bà ấy được sở hữu cổ phần vượt quy định,” Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt hiện đang làm việc ở Hà Nội, phân tích với VOA.

Ông cho rằng ‘Ngân hàng Nhà nước có quyền làm chuyện đó’.

“Còn nếu không có quyết định chính thức của Ngân hàng Nhà nước thì bà Lan đã làm sai,” ông nói thêm.

Theo ông Hiếu, để xác minh lời khai của bà Lan thì cần phải có sự đối chất của bà với các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm bà Lan đứng ra sáp nhập ba ngân hàng.

Khi được hỏi một cá nhân có cần phải có cổ phần chi phối để có thể đứng ra thành lập một ngân hàng mới hay không, ông Hiếu, vốn có kinh nghiệm làm việc trong ngành ngân hàng nhiều năm ở Mỹ, nói rằng ‘trên nguyên tắc là không’.

“Khi ba ngân hàng sáp nhập, hội đồng quản trị và ban quản lý của ba ngân hàng cũ cần thống nhất với nhau để có một cơ chế làm việc và bộ máy điều hành phù hợp để đưa ngân hàng vào quỹ đạo mới,” ông giải thích.

“Việc sáp nhập dưới trướng của một người là không cần thiết. Nó còn có thể dẫn đến tập quyền và độc quyền, đi ngược lại luật Tổ chức Tín dụng là quyền lực trong Hội đồng quản trị cần được phân bổ ra,” ông nói thêm.

Tuy nhiên, trong lời khai trước Tòa, bà Lan cho rằng tình hình ba ngân hàng trước khi sáp nhập ‘rất hỗn loạn’ với nhiều cổ đông chống đối nên bà phải đứng ra thâu tóm cổ phần mới thực hiện được việc sáp nhập.

Bà Lan cũng khẳng định trước Tòa rằng bà ‘không làm trái luật’ khi số cổ phần mà bà nắm giữ ở SCB chỉ có 4,9% – dưới ngưỡng 5% – chứ không phải đến 91,5% theo như cáo trạng.

Theo tường thuật của Tuổi Trẻ thì bà Lan khai rằng bà ‘chưa bao giờ xác nhận tỷ lệ sở hữu cổ phần của SCB trên 90%’. Tuy nhiên, bà thừa nhận hai con gái của bà nắm giữ mỗi người gần 5% còn tất cả thành viên trong gia đình bà nắm giữ dưới 15% trong khi bạn bè trong nước của bà nắm 30% và bạn bè ở nước ngoài có 30% cổ phần.

Tiến sỹ Hiếu nhìn nhận rằng tỷ lệ sở hữu cổ phần trên giấy tờ của bà Lan ‘không trái luật’.

“Nhưng nếu bà ấy có những người thân quen và những người đó sở hữu lượng cổ phần rất lớn, mang tính khuynh đảo mà không báo cho ngân hàng Nhà nước thì đó là việc trái quy định,” ông phân tích.

‘Ngân hàng là của tôi’

“Vấn đề SCB là một trường hợp điển hình về sự thao túng ngân hàng của các đại gia trong ngành bất động sản,” ông Hiếu bình luận về việc bà Lan nhảy từ bất động sản sang làm ngân hàng dù bà khai nhận ‘không biết gì về ngân hàng’.

Ông Hiếu cho biết khi ông về làm việc ở Việt Nam cách nay 15 năm, ông đã nhận thấy tình trạng ‘các đại gia bất động sản gia nhập hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ’.

“Họ có thực lực tài chính rất mạnh nên xâm nhập vào ngân hàng và giữ các chức vụ lãnh đạo,” ông cho biết.

Từ đó, theo lập luận của ông, những ông, bà chủ ngân hàng xuất thân từ giới bất động sản này đã quên rằng sứ mạng của ngân hàng ‘là phục vụ cho đại chúng’ chứ ‘không phải làm công cụ cho một nhóm lợi ích’.

“Hình như những người làm ngân hàng ở Việt Nam mang ý thức rằng ngân hàng là của tôi, tôi muốn làm gì thì làm. Từ nhận thức sai lầm họ đã đi đến hành động sai lầm,” ông nói.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Hiếu bày tỏ hy vọng Đạo luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới ‘sẽ chống lại sự khuynh đảo của các nhóm lợi ích đối với ngân hàng’.

Theo ông, luật mới có quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ cổ phần, quy định về việc cho vay cũng như trách nhiệm của Hội đồng quản trị.

Ông Hiếu cũng bày tỏ quan ngại về việc các luật không được thi hành nghiêm ở Việt Nam và nhấn mạnh rằng việc các ngân hàng bắt buộc phải khai báo ‘thành khẩn nhất’ về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức cùng các bên liên quan của họ, nếu không sẽ bị tước giấy phép hoạt động.

Bình luận về lời khai của bà Lan rằng do bà đã đổ tài sản rất nhiều vào SCB nên tài sản của SCB cũng là của bà và ‘không có chuyện’ bà ‘chiếm đoạt tài sản của chính mình’, ông Hiếu nói rằng ‘lập luận như vậy là sai’.

Ông dẫn ra quy định cho phép ngân hàng có thể huy động vốn gấp 11 lần vốn sở hữu và tất cả số vốn này đều được coi là tài sản của ngân hàng, cho nên bà Lan không thể cho rằng bà có quyền đối với tài sản của ngân hàng bao gồm vốn huy động của người gửi tiền hay số dư nợ cho vay.

Chữ nghĩa thời… Xã hội Chủ nghĩa

 

Chữ nghĩa thời… Xã hội Chủ nghĩa

07/03/2024
Mẫu thẻ căn cước mới của Việt Nam. (Photo: Tuoitre.vn screenshot)
Mẫu thẻ căn cước mới của Việt Nam. (Photo: Tuoitre.vn screenshot)

Chữ nghĩa sao thì con người vậy, xã hội và thể chế cũng từ đó mà ra. Cái gốc văn hóa một dân tộc chẳng phải cũng từ chữ nghĩa, ngôn từ - “Khởi thủy là Lời” đó sao? 

Cây không có cội, người không có quê

Tờ Thanh Niên ngày 25 tháng 2 dành hẳn trang nhất đăng tin bài “Dồn toàn lực chuẩn bị đổi thẻ căn cước”, nghe như cả nước chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công hay công nghiệp gì quan trọng lắm. Hóa ra là lại thay đổi cái thẻ Căn cước theo mẫu mới. 

Mạng xã hội có nhiều bài viết nói về cái vòng trầm luân “3 chìm 7 nổi” của tấm thẻ Căn Cước có từ thời Pháp thuộc, sau 10 lần thay đổi dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Xã Hội Chủ Nghĩa, cuối cùng lại trở về tên gọi cũ. 

Cụ thể là dưới thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1946 – 1956, Thẻ Căn Cước đổi thành Thẻ Công Dân dù nội dung thì không có gì khác. 

Sau đó, Thẻ Công Dân đổi thành Giấy Chứng Minh từ sau 1956. Từ năm 1964 lại phải có thêm Giấy Chứng nhận Căn Cước cùng với Giấy Chứng Minh đi cùng. 

Từ 1976, đổi thành giấy Chứng Minh Nhân Dân. Từ 1999, đổi thành Chứng Minh Nhân Dân 9 số. 

Từ 2012, đổi thành thẻ Chứng Minh Nhân Dân nhựa 12 số. Từ 2016, đổi thành thẻ Căn Cước Công Dân mã vạch. 

Từ 11/2023 đổi thành Thẻ Căn Cước gắn chíp và bây giờ là chuẩn bị đổi thành Căn Cước nhưng không có thông tin quê quán, dấu vân tay, đặc điểm nhận dạng. Cùng với điều đó, phải có cả giấy Chứng nhận Căn Cước với nội dung thông tin giống như một thứ giấy khai sinh và hộ khẩu đi kèm. 

Tức là sau 60 năm, lần thay đổi năm 2024, bộ Công an yêu cầu vừa có Căn Cước, vừa phải có giấy Chứng nhận Căn cước, giống như năm 1964.

Ở đây người viết không bàn đến những mục đích chính trị hay các tiêu cực có thể phát sinh từ việc thay đổi giấy tờ, thủ tục hành chính mà Bộ Công An liên tục ban hành các qui định mới gần đây. Chỉ đơn thuần về từ ngữ, văn phạm tối thiểu, những tên gọi và nội dung trong thẻ Căn Cước mới, đã có rất nhiều vấn đề. 

Khi mẫu Căn cước trên được chia xẻ trên mạng xã hội, rất nhiều người nhận ra sự cẩu thả đến ngạc nhiên từ mẫu thiết kế bất hợp lý, thông tin cái cần thì không có, từ ngữ không chuẩn mực, đặc biệt là lỗi chính tả tiếng Anh và cách sử dụng từ Hán Việt.

Cách dùng từ Hán Việt

Tất cả những tên gọi bằng tiếng Việt loại giấy tờ mà ngày nay cả thế giới gọi chung là Identity Card này, đều có nguồn gốc Hán - Việt. Thời Pháp thuộc, họ gọi là Thẻ Căn Cước, đúng chuẩn theo từ gốc Hán Việt. Theo từ điển Hán - Việt giản yếu của cụ Đào Duy Anh – cuốn từ điển Hán - Việt đầu tiên của Việt Nam, do nhà xuất bản Minh Tân tái bản 1949 thì: 

Căn 根:rễ cây, cội gốc của việc. 

Căn 跟:gót chân. 

Căn cước 脚:gót chân và cẳng chân. Thường có ý nghĩa là tên tuổi, quê quán, nguồn gốc của một người. Căn- cước chỉ hay Thẻ Căn -cước dùng để biết một người nào, ở đâu, làm gì (Carte d’identité)

Những tên gọi như Giấy Chứng Minh, Chứng Minh Nhân Dân, Căn Cước Công Dân mà sau này Bộ công an Việt Nam sử dụng, là sai về chữ và nghĩa từ gốc Hán Việt. “Chứng minh” cũng là một động từ gốc Hán - Việt, 證 實, có nghĩa là “chứng soi, sáng suốt”. Xuất phát từ gốc là “Chứng”, 證, có nghĩa là “bằng chứng”. Từ ghép “Chứng Minh Nhân Dân” vừa dài dòng, vừa vô nghĩa. Việc loại bỏ tên gọi vô nghĩa này nhẽ ra nên làm từ lâu rồi. “Căn Cước Công Dân” thì viết thừa, nên sai cả nghĩa, bởi một từ “Căn Cước” cũng đủ nghĩa rồi. Nhưng cần phải viết đầy đủ là “Thẻ Căn Cước” – Identity Card - chứ không dùng kiểu văn nói “Căn Cước” trong văn phạm hành chính được. Mẫu “Căn cước” mới 1/7/2024 cần sửa lại ngay cho đúng.

Lỗi thiết kế

Mẫu “Căn Cước” mới được thiết kế với hoa văn trống đồng, hình ảnh bản đồ Việt Nam và quốc huy. Các motip trang trí này rất phổ biến trên những mẫu giấy chứng nhận, mẫu thẻ, văn bằng... của Việt Nam. Tuy nhiên, với quá nhiều họa tiết và màu sắc trung tính, hình nền rối rắm, đây không phải là một motip thiết kế có tính thẩm mỹ nếu không nói là “quá phèn”. Vì nền ảnh có nhiều hoa văn và màu sắc trung tính, hình bản đồ Việt Nam đã không thể hiện rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà bị lẫn vào hoa văn của trống đồng. Nhiều ý kiến trên MXH cho rằng bản đồ không có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một thiếu sót không thể chấp nhận. Kỳ thực đây là do thiết kế và màu sắc không phù hợp, chứ không phải là không có.

Lỗi ngôn ngữ, chính tả

Mẫu “Căn Cước” mới sử dụng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng thẻ Căn Cước là tuyệt đại đa số người Việt Nam, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy đưa nội dung tiếng Anh vào thẻ “Căn Cước” để làm gì? Việc sử dụng song ngữ khiến cho việc format, căn chỉnh thiết kế khó khăn hơn, gây rối mắt và thực sự thì không có tác dụng. Người Việt Nam đâu có thể sử dụng thẻ Căn Cước ở nước ngoài đâu mà cần song ngữ? Còn nếu có tiếng Anh thì phần dịch phải chuẩn mực theo các mẫu ID card của các nước như Anh, Mỹ.

Việc sử dụng tiêu ngữ “Độc lập – Tự Do – Hạnh Phúc” ở thẻ Căn Cước cũng không cần thiết. Việc sử dụng tiêu ngữ dưới tên nước chỉ áp dụng cho các văn bản pháp qui, văn bản hành chính. Còn đối với một tấm thẻ Căn Cước nhỏ, việc đưa tiêu ngữ vào là nội dung thừa, gây rối mắt. 

Lỗi chính tả tiếng Anh ở mẫu Căn cước mới thật là... nản. Phần nội dung “Họ, chữ đệm và tên khai sinh” được các chuyên gia của Bộ Công An dịch là “Surname, given names”. Surname là họ; given name là tên. Tên của người Việt Nam hầu hết có nhiều hơn 2 chữ, bao gồm “Họ, tên đệm (chữ đệm) và tên khai sinh”, thì phần tiếng Anh nên dịch sát là “Surname, middle name, birth name” hoặc chỉ cần ghi fullname là được.

Phần “ngày, tháng, năm sinh” cũng là cách diễn đạt thừa vì chỉ cần giữ nguyên như cũ là (Ngày sinh/Date of birth) là đủ nghĩa rồi.

Điều kỳ lạ nhất là mẫu thẻ “Căn Cước” sắp phát hành không có thông tin “quê quán”, thay vào đó là “nơi đăng ký khai sinh” ở mặt sau của thẻ. Thiết nghĩ Căn Cước mà không ghi quê quán thì thật sự là kỳ cục. Cái nghĩa tự của cha ông rất rõ ràng, tại sao thế hệ sau cứ phải làm sai quấy đi, rồi lại sửa tới sửa lui? Căn cước mà không có quê quán chẳng phải như cây không cội rễ, người không nguồn gốc? Còn khái niệm "nơi đăng ký khai sinh" là gì? Nếu bạn sinh Nghệ An, bạn có đăng ký khai sinh ở Hà Nội được không? Xem qua một loạt mẫu ID card của Mỹ, Anh, Pháp, Đức... các nước họ vẫn ghi rõ ràng mục “place of birth” ở mặt trước của thẻ, bên cạnh các thông số quan trọng như số ID card, tên tuổi, giới tính, ngày sinh. 

Nghe nói mục đích loại bỏ thông tin “quê quán” bởi lý do nhiều doanh nghiệp phân biệt người lao động có nguồn gốc từ những tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trước đây ít lâu, dư luận xôn xao về việc Bộ công an bỏ nội dung “quê quán” trong mẫu Hộ chiếu mới vì nhiều nước từ chối người lao động từ các tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu lao động. Bộ Công an đã có "sáng kiến" bỏ đi thông tin “quê quán” ở mẫu Hộ chiếu mới. Sau đó, vì một số nước từ chối mẫu Hộ chiếu này nên Bộ công an lại phải bổ sung thông tin và sửa lại mẫu Hộ chiếu mới... giống như cũ. 

Chuyện cứ như đùa. Mỗi lần thay đổi như vậy tốn kém, phiền hà, hao tổn công quĩ, mà chẳng có quan chức nào phải nhận trách nhiệm khi hàng trăm, ngàn tỷ tiền thuế của dân bị đốt bỏ lãng phí như vậy. 

Việc sáng tác khái niệm "nơi đăng ký khai sinh" thay cho "Quê quán" cho thấy trí thông minh kiểu Trạng Quỳnh phổ biến ở giới chức Việt Nam, điều này e rằng lợi bất cập hại. Chưa nói đến lại còn phát sinh thêm cái giấy “Chứng Nhận Căn Cước” nữa, không biết phiền phức đến thế nào?

Bến Nhà Rồng có đổi tên thành “ga tàu thủy Nhà Rồng” được không?

Mấy ngày vừa qua dư luận xôn xao về việc thành phố Hồ Chí Minh thay tên gọi Bến Bạch Đằng thành “ga tàu thủy Bạch Đằng”. Hầu hết các ý kiến trên các trang mạng đều phản đối việc thay đổi này. 

Lý do vì đây là cái tên đã gắn liền với lịch sử thành phố. Điều quan trọng hơn là cách gọi mới hoàn toàn sai lệch. Về mặt nghĩa tự thì chữ “ga” bắt nguồn từ “gare” của tiếng Pháp, là nơi đỗ, bốc dỡ hàng hóa của xe lửa, xe điện. Còn từ “bến”, từ xưa tới nay người ta dùng để chỉ bến sông, bến cảng, bến nước. Chẳng ai lại gọi “bến” thành “ga” cả. Nếu như bây giờ, thay tên Bến Nhà Rồng thành “ga tàu thủy Nhà Rồng”, các quan đọc nghe có thấy chướng tai không?

Facebooker Nguyễn Gia Việt nhân việc đổi tên Bến Bạch Đằng thành “ga tàu thủy Bạch Đằng” đã có một bài viết về địa danh này, chia xẻ những e ngại khi mà “văn hóa, lịch sử Saigon bị sai lệch khi mà cái chữ nghĩa Miền Nam bị sai lệch”:

....

Đây vốn là đất Kompong Luông vùng Sài Gòn. Pháp đặt tên đường từ cột cờ Thủ Ngữ tới công trường Mê Linh là Quai le Myre de Vilers, đoạn còn lại tới Ba Son là Quai d’Argonne.

Sau 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm nhập hai đoạn đường lại đặt thành Bến Bạch Đằng. Kêu là bến vì đây là đại lộ ven sông, dưới là bến sông nhiều ghe tàu. 

Sau 1975 Bến Bạch Đằng bị xoá tên, đặt thành đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên người Sài Gòn vẫn kêu là Bến Bạch Đằng. Và nay xuất hiện "ga tàu thuỷ" tại bến Bạch Đằng. 

Trong lịch sử văn hoá Miền Nam chúng ta chữ “tàu” đã có nước rồi thì mắc mớ chi còn “ga tàu thuỷ" khi chữ thuỷ là nước?

Có ai, có người Miền Nam, người Sài Gòn nào nghĩ Bến Bạch Đằng là bến xe bao giờ mà để "tàu thủy"?

Chữ "Bến tàu Bạch Đằng" là đã đủ. Ông bà ta thường nói "Trên bến dưới thuyền", có nghĩa bến là chỗ tàu bè, ghe thuyền đậu, đặng chất hàng hóa, bắc cầu leo lên bờ. 

Trong lịch sử Sài Gòn, Bến Bạch Đằng không còn tên, xế chút là Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử cũng đã mất tên. Cái bến của Miền Nam có tội gì mà từ từ bị cho ra rìa? 

Nghe nói, cuối cùng trước sự phản đối của dư luận, mới đây nhà đầu tư đã dỡ bỏ cái chữ “ga tàu thủy” để trở lại với chữ “bến tàu Bạch Đằng”. Hy vọng, bộ Công an cũng sớm tiếp thu ý kiến của người dân để thay đổi mẫu Căn Cước mới kịp thời. 

Qua việc thay đổi thẻ Căn cước và cái tên bến tàu mà buồn lo cho tương lai đất nước. Một bộ máy quan liêu chỉ loay hoay với việc thay biển “thu phí” thành “thu giá”, thay “bến tàu” thành “ga tàu thủy” và cứ 3 năm lại thay một mẫu Chứng Minh Nhân dân hay Căn Cước mới, mãi không xong, thì bao giờ mới xây dựng được “xã hội chủ nghĩa” thành công?

Hóa ra, dù ở thời đại 4.0, 5.0, với máy tính, điện thoại thông minh, Internet vạn vật, trí thông minh nhân tạo… nhưng với những con người và bộ máy không có cội nguồn, văn hóa thì cũng chỉ tạo ra những thứ méo mó, sai lệch. Trước khi nói đến những thứ cao siêu khác, trộm nghĩ việc học để sử dụng đúng ngôn ngữ mẹ đẻ, đúng tiếng Việt là việc căn bản, đầu tiên cần làm. Viết đến những dòng này, chợt nghe quán café kế bên nhà đang bật hết cỡ một bản hit nào đó của giới trẻ:

… Khi gặp anh là thời gian bỗng dưng lặng im
Nghe nhịp tim khẽ rung lên từng hồi em bối rối
Ôi giồi ôi hình như em lỡ rơi vào đây
Vào tình yêu tình yêu với anh này…

… Yêu yêu yêu yêu thì yêu không yêu thì
Yêu yêu yêu yêu thì yêu không yêu thì…

Trời đất thánh thần, hóa ra bấy lâu nay đám thanh thiếu niên nghe những thứ gọi là nhạc trẻ đây sao? Những ngôn từ, chữ nghĩa này từ đâu mà ra? Chẳng phải từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa hay sao? Chữ nghĩa sao thì con người vậy, xã hội và thể chế cũng từ đó mà ra. Cái gốc văn hóa một dân tộc chẳng phải cũng từ chữ nghĩa, ngôn từ - “Khởi thủy là Lời” đó sao? Nên khi muốn hủy hoại một dân tộc tới tận gốc rễ, chẳng gì bằng việc phá hủy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc đó. Xem ra, nền giáo dục Xã hội Chủ nghĩa đang rất thành công trong công cuộc này.

  • 16x9 Image

    Tùng Phong

    Tùng Phong là một nhà báo độc lập đang sinh sống tại Việt Nam. Ông từng tâm sự ‘muốn dùng ngòi bút để lên tiếng cho các vấn đề dân chủ và quyền hiến định của người dân’. Các bài viết của Tùng Phong là blog cá nhân, được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.