Featured image: Desperate Housewives
Phần lớn chúng ta đều thích xem phim, đó là một loại nghệ thuật, một hình thức giải trí phổ thông, đơn giản và dễ tiếp cận nhất. Tôi cũng rất thích xem phim. Tôi đã từng mê mẩn đến quên ăn quên ngủ khi theo dõi những bộ phim Hàn Quốc dài tập sướt mướt. Tôi cũng từng đắm say những bộ phim Thái thật dễ thương và tuổi thơ tôi cũng gắn liền với các thể loại viễn tưởng, kiếm hiệp Kim Dung. Nhưng khi lớn lên và hiểu biết nhiều hơn, tôi lại chỉ thích xem phim Mỹ, vì nó để lại cho tôi thật nhiều thứ để học hỏi và mở mang tầm nhìn.
Nếu phim Hàn gây ấn tượng tuyệt đối bởi dàn diễn viên xinh đẹp và nội dung phim ướt át cảm động, nhất là diễn xuất của các diễn viên trong phim quá tuyệt vời, xuất thần không chê vào đâu được. Họ có thể khiến khán giả khóc, khiến khán giả cười. Nhưng sau tất cả, những bài học mà phim Hàn mang lại cho tôi không nhiều, xem nhiều phim Hàn tôi rút ra được kết luận rằng, sống ở trên đời, chỉ cần xinh xắn, đáng yêu, hiền lành và một chút may mắn là kiểu gì tôi cũng gặp được hoàng tử bạch mã của mình. Đơn giản thật.
Còn phim Thái, phim Tàu thì thú thật là xem thì xem thôi, cười thì cười, cảm động thì cảm động, chứ chả rút ra được bài học gì hay ho bổ ích cả. Những bộ phim này theo tôi chung quy đều có một điểm chung duy nhất: “chỉ để giải trí vì quá dài dòng, ngốn thời gian và toàn những câu chuyện khó gặp ngoài đời”. Nhưng với những bộ phim Âu Mỹ thì khác. Nhất là bộ phim tôi đang theo dõi, bộ Những bà nội trợ kiểu Mỹ (tựa gốc tiếng Anh: Desperate Housewives). Một chủ đề nghe thật nhàm tai, tình huống cũng không xuất sắc nhưng nó miêu tả cuộc sống thực một cách rất thực tế, rất bình dị đời thường, những con người, tình huống ta có thể gặp mỗi ngày và nhất là nó khiến tôi phải suy nghĩ, chiêm nghiệm và học hỏi được vô vàn điều hay ho bổ ích. Dù công việc bận rộn, tôi vẫn luôn dành thời gian để xem phim mỗi tuần vài lần, hoặc mỗi ngày, đây không chỉ là thời gian giải trí mà còn thực sự là thời gian để tôi chiêm nghiệm về cuộc sống và học hỏi được rất nhiều điều. Đây là vài điều tôi rút ra từ rất nhiều bộ phim dài tập Âu Mỹ.

1. Quý trọng Thời gian

Không một bộ phim Mỹ nào bạn gặp được những cảnh thừa thãi tiêu tốn thời gian. Thời gian đối với họ sao mà quý giá, từng giây phút. Điều này thể hiện rõ trong từng nhịp sống thường ngày, mọi thứ đều nhanh chóng, gọn gàng, dứt khoát. Tôi đã ngạc nhiên quá thể. Họ chẳng nói chuyện dài dòng. Họ chẳng rào đón và chiêu trò phức tạp, thậm chí khi gặp người yêu hay đối tác, khách hàng, họ chỉ nói điều cần nói rồi đứng lên. Rất nhanh gọn, không màu mè, không hoa mỹ. Không biết ngoài đời họ có cư xử hành động theo cách dứt khoát, nhanh chóng như vậy hay không? Nhưng tôi thật sự nể cách họ tận dụng thời gian của mình vào mọi việc. Cách họ dứt khoát trong mỗi hành động việc làm thường ngày. Thật khó kiếm những cảnh chèo kéo, năn nỉ ỉ ôi, thật khó thấy những cảnh nhân vật ngồi hàng giờ suy ngẫm, thật khó kiếm những tình huống, những cảnh phim kéo dài lê thê bất tận như phim Việt hay những cung bậc cảm xúc biến đổi tuần tự miên man như phim Hàn. Mọi thứ đều gọn gàng, rất gọn gàng, mỗi phút giây đều quý giá và ý nghĩa.

2. Tôn trọng trẻ em và cách dạy con trẻ

Thật lạ lùng khi người ta trân quý trẻ em như bất cứ một người lớn nào, thậm chí còn hơn nữa. Khi cha mẹ cùng dạy con mà bất đồng quan điểm, khi cha mẹ nói những chuyện không hay hoặc không tốt, họ sẽ chủ động xin phép và đi ra chỗ khác nói hoặc kêu đứa trẻ tạm đi chỗ khác, khi trao đổi hoặc cãi nhau xong họ sẽ lại quay lại, tiếp tục dạy dỗ đứa trẻ.
Khi một đứa bé yêu cầu một cấn đề gì, họ thật sự xem xét yêu cầu đó, không như chúng ta chỉ cần phụ huynh muốn thì ý muốn của bọn trẻ chẳng có nghĩa lý gì. Tôi thích cái cách họ thông báo những tin tức quan trọng tới những đứa trẻ, cách họ bảo vệ con em mình khỏi những điều có thể gây hại. Tôi thích cái cách họ trả lời gần như mọi câu hỏi, thắc mắc của bọn trẻ kể cả khi đó là những câu hỏi tế nhị hoặc ngớ ngẩn. Những đứa trẻ trong phim Mỹ luôn được đối xử như người lớn với những quyền lợi và nghĩa vụ đặc biệt. Liệu đó có phải là lý do khiến chúng luôn cư xử như những người trưởng thành từ rất sớm?
Tôi đặc biệt thích những cảnh khi bọn trẻ xem phim và người cha hoặc mẹ nói không xem nữa, hãy đi học/đi ngủ hay làm gì đó, dù rất muốn xem, nhưng chúng vẫn phải tuên thủ mệnh lệnh, gần như tuyệt đối, có thể mang theo cảm xúc bực mình, tức giận, nuối tiếc, nhưng vẫn nghe lời. Đúng thế, bọn trẻ sao thật nghe lời, nói chúng đi ngủ, chúng sẽ lên giường. Nói chúng ăn, chúng sẽ ăn, dù thái độ không mấy vui vẻ. Nói bị cấm túc, chúng thở dài, kêu trời, nhưng không mấy phản kháng hay xin xỏ. Nói chúng không được đến bữa tiệc, dù đã sẵn sàng, chúng vẫn nghe theo. Rất tự giác. Lời nói của bậc cha mẹ trong phim Âu Mỹ sao trọng lượng đến vậy? Nhìn lại lời nói của phụ huynh Việt Nam, tôi không khỏi thở dài.

3. Cách sử dụng điện thoại

Nếu theo dõi một bộ phim Hàn bạn sẽ thường xuyên chứng kiến cảnh những diễn viên cầm trên tay những dòng điện thoại hiện đại nhất và thường xuyên sử dụng chúng, để nói chuyện, để nhắn tin, để chat, để đọc tin tức… Tôi không ngạc nhiên vì điều đó vì nó khá gần gũi với cuộc sống hiện thực của chúng ta. Còn có thể do phim thần tượng Hàn thường kết hợp làm quảng cáo cho các thương hiệu khá tốt. Nhưng khi xem phim Mỹ, tôi rất ngạc nhiên khi một đất nước hiện đại nhưng tần suất sử dụng điện thoại trong phim quá ít. Không biết ngoài đời thì thế nào, chứ trên phim thật hiếm khi thấy cảnh các nhân vật ôm chiếc điện thoại của mình để làm bất cứ gì, từ nhắn tin cho tới đọc tin tức. Ta thường chỉ thấy được hai cảnh sử dụng điện thoại trên phim Mỹ, hoặc là họ chụp hình thứ gì đó làm bằng chứng, hoặc là họ dùng nó để nghe gọi, thi thoảng nhắn tin. Vâng, chỉ thế thôi. Đó là điều tôi thấy qua các bộ phim. Họ sử dụng điện thoại cực ít và nội dung cuộc nói chuyện luôn luôn cô đọng, họ chỉ nói đúng những gì cần nói, không màu mè, không râu ria, không ề à. Ngắn gọn tới mức nếu cuộc gọi đó xuất hiện trong đời sống chúng ta, chúng ta sẽ bị nhìn như những dị nhân. Kiểu như “Xin chào, sáng nay tôi sẽ đến trễ 30 phút. Cảm ơn.”
Một đất nước hiện đại, mọi công nghệ hiện đại đều cập nhật đầu tiên, nhưng họ lại không quá phụ thuộc vào chúng như chúng ta. Rất nhiều cảnh trong phim tôi đã xem. Nếu họ muốn xin lỗi hay cảm ơn ai đó. Họ sẽ gặp mặt đối tượng để nói điều đó trực tiếp. Nếu họ muốn nói những điều quan trọng, họ cũng sẽ gặp nhau. Tin nhắn là thứ sau cùng họ chọn để giao tiếp và truyền đạt. Nếu như chúng ta, đôi khi mất chục tin nhắn qua lại để nói được điều cần nói thì họ chỉ cần nhấc điện thoại lên và nói luôn điều họ muốn. Thế là xong. Họ sử dụng điện thoại và công nghệ thật sự đúng với ý nghĩa của chúng: làm cho mọi việc thuận tiện, dễ dàng và tiết kiệm thời gian. Chúng ta thì hoàn toàn ngược lại. Chúng ta dùng điện thoại để giết thời gian, để kéo dài những việc đơn giản nhất, để trốn tránh và tỏ ra bận rộn.

4. Ai cũng có mặt tốt xấu

Một điểm tôi cực thích khi xem những bộ phim dài tập của Mỹ, đó là mọi nhân vật trong phim đều được khắc họa một cách thực tế, nghĩa là không thần tượng hóa nhân vật như các bộ phim khác: Hàn, Thái, Việt… Các bộ phim Hàn, Việt ta thường xem, thường chỉ có hai tuyến nhân vật: chính diện và phản diện, đại loại là thiện và ác, người thiện thì cứ gặp chuyện tồi tệ hoài cho tới cuối phim họ mới gặp được điều may mắn hoặc thành công mỹ mãn. Người ác từ đầu thường sung sướng sau đó sẽ thê thảm khi kết thúc. Đây là mô típ kinh điển nhưng thật là nhàm chán và phi thực tế. Chúng ta thừa biết trên đời này, ai cũng có mặt tốt mặt xấu, không thể có người nào tốt hết cả đời và càng không thể có ai sống xấu xa ác độc cả đời. Chẳng thể có những kết thúc có hậu kiểu cưới nhau về là xong, sẽ hạnh phúc mãi mãi như cách chúng ta làm kết cho các câu chuyện cổ tích. Những bộ phim Mỹ tôi xem, mọi nhân vật đều có những câu chuyện và lý do riêng cho mỗi hành động của họ. Khi xem phim, dù cho ai đó có hành động độc ác và xấu xa đến đâu, ta đều có thể thông cảm và thấu hiểu được. Mỗi người đều có mặt tốt và mặt xấu, chỉ là trong các trường hợp, mặt nào biểu hiện trội hơn mà thôi. Các tình tiết phim vì thế vô cùng logic, hợp lý và dễ chịu. Điều này có lẽ phim Việt Nam chúng ta nên học hỏi.
Nếu như trong bộ Trò chơi vương quyền, thật đau lòng khi các nhân vật anh hùng lần lượt chết cả, tôi rất bức xúc, nhưng đó cũng là điều hợp lý, ngoài đời liệu có bao nhiêu anh hùng thật sự sống từ đầu tới cuối thoát mọi hiểm nguy giống như phim ảnh? Và những gia tộc dù cho ác độc nhất, mỗi hành động của họ đáng nguyền rủa đến đâu cũng đều vì những lý do chính đáng, bảo vệ dòng tộc của họ. Điều mà chúng ta thường gặp ở ngoài đời, rất nhiều. Ngay cả trong đời sống thường ngày bộ Những bà nội trợ cũng vậy. Dù cho những nhân vật phản diện có tồi tệ đến đâu, bạn cũng không thể ghét họ, vì bạn thấy được những nỗi khổ tâm, những lý do và duyên cớ đẩy họ đến những hành động như thế. Mọi người đều có hai mặt, thiện và không thiện, phim Âu Mỹ khắc họa rõ nét hai mặt này, còn phim chúng ta thì không, người thiện chỉ có mặt thiện, người ác chỉ có mặt ác, điều này thật phi lý.

5. Sự độc lập

Tôi khâm phục sự độc lập của người Mỹ, từ những đứa trẻ vài ba tuổi tự mình mặc đồ, tự mình ăn uống, tự vui chơi một mình, cho đến những cô cậu thanh niên cứ 18 tuổi là sẽ rời xa gia đình. Không phải ép buộc mà chính họ thật sự khao khát điều đó. 18 tuổi, họ không còn sống dưới sự bảo hộ của cha mẹ, họ bắt đầu một cuộc sống riêng, tự kiếm nơi ở, kiếm việc làm, kiếm tiền đi học và duy trì cuộc sống. Chính nhờ sự tự lập này mà thế hệ trẻ của họ mới mạnh mẽ, kiên cường và tự chủ làm sao. 18 tuổi, họ tự quyết định mọi thứ trong cuộc sống của mình, chính thức chịu trách nhiệm hoàn toàn cho cuộc sống của mình, làm mọi điều mình muốn làm, đi mọi nơi mình muốn đi.
Sau đó là sự độc lập của những người vợ sau khi ly dị, mặc cho những nỗi đau nỗi hận, họ vẫn tự đứng lên, hiên ngang và vô cùng mạnh mẽ. Rồi tới  những ông bà già không cần ai chăm sóc, không cần con cái phải ở bên khi họ còn tự lo được cho mình. Có thể nói, độc lập là một nét văn hóa tuyệt vời chúng ta có thể học hỏi từ  các bộ phim Âu Mỹ.

6. Những giá trị văn hóa tốt đẹp

Xem phim bộ Mỹ, tôi như được trải nghiệm trong chính nền văn hóa của họ, và tôi mơ mình cũng được sống một cuộc sống như thế. Nơi mà người ta cư xử lịch thiệp với nhau, nơi mà người ta thường xuyên trao tặng nhau những món quà, vợ chồng, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp… Những món quà bé nhỏ ý nghĩa, thường là cái khung tranh, một chiếc tách, một món ăn, rất nhiều những bó hoa và thiệp chúc mừng. Tôi tưởng tượng những bữa tiệc ấm cúng, nơi người ta trưng bày đồ ăn thật đẹp, những ngọn nến, những bình hoa và những ly rượu vang. Ở đó, người ta mặc những bộ đồ thật đẹp, mang theo một chai rượu, cùng nhau ăn uống, trò chuyện, cụng ly và cười vang. Tôi mơ mỗi ngôi nhà của chúng ta mai sau cũng đều được xây cất đẹp đẽ hài hòa với những khóm hoa, bồn hoa rực rỡ. Những khu bếp đẹp tuyệt vời khiến bà nội trợ nào cũng muốn sà vào. Những đồ trang trí mang đậm dấu ấn chủ nhân và không gian riêng tư tuyệt đối của các thành viên trong nhà…
Tôi còn mơ về một cuộc sống, nơi luật pháp và văn hóa thật khác biệt, quá nhiều điểm hay ho. Nơi người ta có thể kiện nhau vì bất cứ lý do gì, đôi khi nhỏ như con kiến, điều này khiến người ta tuân thủ pháp luật hơn, một cuộc sống quy cũ hơn. Và đặc biệt, một cuộc xử án chỉ cần một thẩm phán (và hai luật sư nếu cần), thế là xong. Nhìn lại hệ thống luật pháp – tòa án của Việt Nam tôi không thể không ngán ngẩm, cả một hội đồng với hàng chục con người, cồng kềnh nặng nề thủ tục, cả buổi đọc những văn bản lê thê mệt mỏi và những lời lẽ nhiêu khê phức tạp rỗng tuếch chả để làm gì cả.
Là một người thích thể hiện tình cảm nên tôi cũng quá thích nền văn hóa đó, nơi mà người ta thoải mái thể hiện mọi tâm tư, tình cảm, ý nghĩ của mình. Tự do thông tin, tự do ngôn luận và cả tự do thể hiện tình yêu thương. Những hành động yêu thương là điều thật ngọt ngào và tốt đẹp (miễn không quá lố). Vậy tại sao chúng ta lại phải sợ hãi, ngại ngùng?
Tôi chết mê những hành động của những người yêu nhau trong phim. Họ tay trong tay đi bất cứ đâu, họ yêu nhau và không ngại thể hiện bằng những cái ôm, những nụ hôn, kể cả nơi công cộng. Vừa tình cảm nhưng cũng rất lịch sự, thật là thích.

7. Hài hước

Xem phim Âu Mỹ ta luôn cảm nhận được chất hài trong từng câu nói, từng điệu bộ ngôn ngữ cơ thể. Tất cả đều rất tinh tế và ý nghĩa. Không phải là những hành động quá lố, những kiểu cười chọt lét. Sự hài hước của phim Âu Mỹ đến từ từng câu đối thoại, vô cùng thông minh, vô cùng thâm sâu và vô cùng hài hước. Từ một đứa trẻ đến cậu thanh niên, bà nội trợ hay ông cảnh sát, vị bác sĩ hay một chính trị gia… Tất cả đều có tố chất hài hước tuyệt vời. Những câu nói, cười nhưng thật là thấm, thật là ý nghĩa. Bất cứ một tập phim Âu Mỹ nào coi xong tôi đều để dành được cho mình những câu đối thoại thông minh và hài hước, nếu chép tất cả chúng lại, có lẽ cũng đủ để tôi in thành sách mất. Và nếu có thể vận dụng được những tình huống hài hước đó vào thực tế, có lẽ tôi sẽ trở thành người hài hước đáng yêu nhất trên đời.

8. Quan niệm về hôn nhân

Quá khác biệt với quan điểm hôn nhân của chúng ta, nhưng bản thân tôi thấy nó có những điểm rất hay đáng được học hỏi. Sau khi kết hôn, nếu cảm thấy không thích hợp, không hạnh phúc, họ chia tay. Nhẹ nhàng và thanh thản. Mỗi người mỗi lối không ai can dự đến ai. Rất nhanh sau đó, họ lại tìm thấy tình yêu nơi một người khác, và cuộc đời lại đẹp như ban đầu. Không quá nhiều những giọt nước mắt, hận thù và đau đớn. Họ thật mạnh mẽ. Nhìn lại cuộc sống tại Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy biết bao nhiêu con người không còn yêu thương, không còn tình cảm với người bạn đời của mình, nhưng vẫn gò ép để sống trong một cuộc sống như địa ngục. Lý do thường gặp là vì con cái. Xin thưa chẳng con cái nào muốn chứng kiến cảnh cha mẹ mình như những cái xác không hồn, những trận cãi vã thậm chí những màn động tay động chân. Ngược lại tôi thấy cuộc sống của đứa trẻ khi ba mẹ ly dị như trong phim Mỹ thật thích. Chúng có hai nhà để về, hai gia đình chăm nom. Cuộc đời vẫn hạnh phúc bình thường. Bất cứ ai còn quan niệm rằng, hôn nhân là phải sống với sự lựa chọn của mình cho đến chết, kể cả khi nó là sai lầm khủng khiếp, người đó thật đáng thương.
Tôi yêu cái cách những ông chồng trong phim Âu Mỹ chăm sóc gia đình của họ. Cách họ chăm con, cách họ đưa con đi chơi mỗi cuối tuần. Cách họ nói chuyện, dạy dỗ con cái như những người bạn. Cách họ kiên quyết không chiều theo ý thích của con, cho tới cách họ phụ giúp người bạn đời của mình trong mọi việc. Cách họ khen ngợi người bạn đời và động viên tinh thần họ những lúc khó khăn. Xin minh họa với bạn bằng ba mẩu đối thoại ngắn tôi vừa xem trong một tập phim Những bà nội trợ kiểu Mỹ.
“1. – Tom này, tôi biết thời thế đã đổi thay nhưng đàn ông thì vẫn là đàn ông, vẫn là trụ cột gia đình, tôi nghĩ vợ a nên tôn trọng a hơn.
– Cô ấy luôn tôn trọng tôi, Roy à, nhưng có điều này ông cần biết về Lynett. Từ nhỏ cô ấy đã mồ côi cha, mẹ thì nghiện rượu thường xuyên. Cô ấy đã phải trở thành trụ cột trong gia đình từ khi còn rất trẻ. Chính vì thế sâu trong lòng cô ấy luôn cảm thấy bất an và sợ hãi. Cô ấy cần và muốn kiểm soát tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Khi biết mình có thể kiểm soát mọi thứ, cô ấy mới thấy yên tâm. Nhưng ông biết đấy, chúng ta, không ai có thể kiểm soát mọi thứ được. Tôi biết điều đó, nên tôi đã cố tình để cho Lynett kiểm soát chính tôi. Ít nhất trong cuộc sống này, có một thứ cô ấy luôn kiểm soát được, là chính tôi. Đó là cách tôi thực hiện nghĩa vụ làm chồng của mình. Cô ấy sẽ luôn cảm thấy an toàn và yên tâm bên tôi. Tôi chỉ cần thế thôi.

2. – Lynett à, a k muốn e trở thành người hoàn hảo.
-Tại sao?
– Vì chính anh không phải là một người hoàn hảo. A k giàu, a chẳng tài giỏi gì và càng k đẹp trai bằng ai. Nếu như e hoàn hảo, mỗi sáng thức dậy bên e a sẽ luôn phải tự hỏi mình rằng: “Tại sao người phụ nữ này lại cưới tôi? Liệu tôi có xứng đáng với cô ấy?” Vậy nên, xin e đừng hoàn hảo.

3. – Calos, e thật là một người mẹ tồi, e bỏ mặc bọn trẻ hơn bất cứ bà mẹ nào khác. E thật tệ hại.
– Thôi nào Gaby, e k thấy sao, khi xảy ra chuyện, trong khi tất cả những đứa trẻ khác khóc lóc chạy về với mẹ thì con chúng ra, một đứa thì chạy liền vô nhà banh và đóng cửa lại, một đứa thì nằm giả chết. Chúng thật là thông minh, thật là nhanh nhẹn đúng k? Làm sao chúng có thể được như thế nếu như e cũng như những bà mẹ khác luôn luôn chạy theo từng bước chăm sóc chúng? Rồi đây con chúng ta sẽ trở thành những đứa trẻ mạnh mẽ và tự lập, không phải tất cả là nhờ sự dạy bảo của e sao? Đừng suy nghĩ nữa.”
Tuy có rất nhiều điều hay ho để học hỏi từ những bộ phim dài tập Âu Mỹ, nhưng tôi không thích hoàn toàn nền văn hóa của họ. Nơi mà những bậc phụ huynh quá tôn trọng con cái tới mức không dám dùng các biện pháp mạnh hơn để dạy dỗ chúng dù cho chúng hư quá là hư. Tôi không thích cuộc sống vợ chồng mặn nồng thắm thiết nhưng lại có thể ly dị quá dễ dàng đôi khi chỉ vì những lý do vớ vẩn, những mâu thuẫn thường ngày vụn vặt. Tôi không thích cảnh người ta tống cha mẹ già của họ vào viện dưỡng lão, cũng không thích một cuộc sống mà người ta quá dễ chết vì nhiều lý do, gần như bộ phim nào cũng có những người không còn cha hoặc mẹ… Tôi không thích rất nhiều điều trong nền văn hóa này. Nhưng nếu so với mọi nền văn hóa khác, như Hàn, như Thái, như Nhật… thì tôi thật sự muốn được học hỏi từ họ, từ nền văn minh của họ. Không chỉ xem phim và ngưỡng mộ, nhất định tôi sẽ học tập từ họ những nét đẹp văn hóa hay ho. Tôi sẽ giáo dục con cái mình thành những cá thể độc lập, mạnh mẽ. Tôi sẽ trân trọng thời gian và những giá trị của cuộc sống. Sau này khi có gia đình, tôi sẽ thường xuyên tổ chức những bữa tiệc ấm cúng, nấu những món ngon, trang hoàng bàn ăn rồi mời bạn bè, hàng xóm đến chung vui. Tôi sẽ tặng cho người thân của mình những món quà ý nghĩa. Và nhất là tôi sẽ không bao giờ bắt ép bản thân phải trói mình vào những cuộc hôn nhân tồi tệ. Tôi sẽ mạnh mẽ tìm lấy những hạnh phúc của chính mình. Tôi sẽ thấu hiểu người khác và những hành động của họ nhiều hơn, tôi sẽ tin yêu và tôn trọng con cái của mình… Cám ơn những bộ phim Âu Mỹ mà tôi đã xem.