Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Nghĩ về án tử hình và vụ xử Đồng Tâm sắp tới…

Nghĩ về án tử hình và vụ xử Đồng Tâm sắp tới…

Năm 2012 mình được tham gia khoá đào tạo ngắn hạn về xã hội dân sự của VOICE ở Philippines. Chỉ 20 ngày thôi nhưng nó đã cho mình rất nhiều kiến thức.
Mình nhớ mãi đến buổi học đó, thảo luận về án tử hình. Khoảng 20 học viên chia ra làm 2 đội để tranh luận nhau về việc nên giữ hay bỏ án tử hình. Mình tất nhiên thuộc về nhóm bỏ án tử hình. Nhóm của mình sao thảo luận nhóm thì đứng bảo vệ nó trước Ban Giám khảo và tất nhiên nữa là nhóm mình thắng.
Nhóm ủng hộ huỷ bỏ án tử hình có cả trăm lý do để thuyết phục rằng nên bỏ án đó. Từ việc dẫn ra xu hướng tăng các nước huỷ bỏ án tử hình, giảm dần số lượng thi hành án tử hình qua các năm, so sánh tỷ lệ tội phạm của 1 quốc gia trước và sau huỷ bỏ, tỷ lệ tội phạm của 2 quốc gia tương đối giống nhau về nhiều tiêu chí mà chỉ khác nhau về có hay không có án tử hình…
Rất nhiều viện dẫn thú vị được đưa ra để chứng minh. Một trong số đó là dù có nhân danh gì đi nữa, anh nhân danh thứ đó để cướp đi một mạng sống của một con người khác thì anh cũng không khác kẻ đã giết người mà anh đang xử kia bao nhiêu.
Tất nhiên là còn cả lý do: Nếu có án tử hình oan sai thì không những đã bỏ lọt tội phạm mà còn giết cả nhầm người, không thể khắc phục. Còn nếu đã bỏ án tử hình thì có thể chỉ là bỏ lọt tội phạm.
Đã có nhiều vụ án tội phạm xuống tay tàn độc, giết thêm nhiều người đặc biệt là người già và trẻ em là vì chúng xác định đằng nào cũng tử hình rồi, giết thêm 1, 2 mạng cũng vẫn tử hình mà thôi.
***
Vụ Đồng Tâm sắp xử theo đồn đoán sẽ có 1, 2 án tử hình. Nhưng dù thế nào thì cũng đã có ít nhất một người đã chết mà không cần tuyên án. Đảng viên Lê Đình Kình.
Vụ Đồng Tâm, giết chết ông Lê Đình Kình là một vụ án man rợ của đảng cộng sản Việt Nam. Man rợ thời hiện đại. Nó làm cho ai còn bán tín bán nghi vào chuyện Hồ Chí Minh bịt râu đi xem xử tử ân nhân Cát Hanh Long, bán tín bán nghi vào sự độc ác tàn bạo của đảng cộng sản Việt Nam xuyên suốt thời gian tồn tại của nó không còn nghi ngờ gì nữa.
Xử tử không tuyên án ông Lê Đình Kình, vụ án mờ 3 viên công an chết và sắp tới có thể là 1, 2 người dân làng Đồng Tâm mà cụ thể là họ Lê sẽ dựa cột, đảng cộng sản tiếp tục lựa chọn hướng đi ngược lại sự vận động tiến bộ của xã hội. Không có gì bất ngờ.
Chỉ nên ghi nhớ rằng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an Hà Nội là hai nhân vật chính chịu trách nhiệm lịch sử của vụ án này. Đồng phạm là các uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12 và Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Hà Nội.
Lựa chọn bàn tay máu để hòng bảo vệ chế độ, nhấn chìm dân trong nỗi sợ hãi sẽ chỉ làm xuất hiện thêm nhiều Đặng Ngọc Viết, Đoàn Văn Vươn… ở mức độ ngày càng thù hận mà thôi. Cái ngày nhà riêng của một Uỷ viên BCT hay Chủ tịch, Bí thư một tỉnh nào đó bị ăn bomb sẽ tới, dù chuyện đó không được ủng hộ.
Ba viên công an bị thui kia nếu là thui thật thì bị thui bởi ai, đảng hay dân, cũng là ám ảnh.

Chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản đều thất bại

Chủ nghĩa Xã hội và Cộng sản đều thất bại

Ngọc Trương
28-6-2020
Theo Tiến sĩ Antony P. Mueller, một giáo sư Đức, dạy đại học ở Brazil, có bốn lý do khiến xã hội chủ nghĩa thất bại:
1/ XHCN xóa bỏ quyền tư hữu và thị trường, vì vậy loại bỏ mọi tính toán hợp lý.
2/ XHCN chấp nhận ngân sách mềm, nên không có cơ chế loại trừ những phương cách sản xuất không hiệu quả.
3/ Loại bỏ tài sản tư, thay vào đó bằng những khuyến khích lệch lạc của chính phủ.
4/ Thiếu vắng tài sản tư và các thị trường tự do trong hệ thống XHCN ngăn chận phối hợp kinh tế giữa lao động và tư bản (tiền/nguồn vốn).
Nhận định của giáo sư kinh tế người Đức nặng quan điểm chính trị kinh tế (économie politque) nghĩa là hệ thống kinh tế theo kiểu nào trong ba kiểu mẫu: Kinh tế thị trường tự do, kinh tế chỉ huy (cộng sản), và kinh tế hỗn hợp pha trộn hai loại trước.
Ký giả Simone Black nhận định đơn giản hơn: Ngày nay hầu như mọi người cho rằng nạn buôn bán con người là sự vi phạm nhân quyền, nhưng đối với một số quốc gia, nhân quyền vẫn còn bị giới hạn.
Có thời kỳ trong lịch sử, nô lệ được coi là kết quả hợp pháp sau khi chiến thắng. May thay lần hồi hầu hết các quốc gia đều tiến cao hơn về lương tâm xã hội.
Lương tâm xã hội xuất hiện từ nhận thức lúc còn bé, được dạy dỗ điều gì đúng, điều gì sai. Lương tâm xã hội thay đổi và thăng tiến.
Một số người tưởng tượng rằng chỉ có XHCN chú ý tới lương tâm xã hội, thật rõ ràng họ đã bị hướng dẫn sai lệch.
Trái: 1954 Chiến dịch con đường tự do (Wikipedia) và 1951 Tự do ngôn luận (Worldofartglobal)
Trên lý thuyết, XHCN rất hấp dẫn, trong một quốc gia lý tưởng, không có tài sản tư, mọi thứ đều thuộc về nhà nước. Mọi người làm việc cho nhà nước, bù lại nhà nước chăm sóc mọi người từ lúc nằm nôi đến khi xuống huyệt. Nghe rất hay cho đến khi chúng ta nhận ra XHCN thất bại ở tất cả các quốc gia theo chủ thuyết này.
Thiếu kinh doanh tự do sẽ giết chết mọi thúc đẩy làm ăn. Tội gì phải làm việc siêng năng để rồi không được gì hết?
Trong chế độ nói trên chỉ một thiểu số đứng trên kiểm soát mọi tài nguyên, tham nhũng bừa bãi không kềm chế và quốc gia không tránh khỏi bị phá sản như trường hợp Venezuela gần đây.
XHCN vẫn được tổ điểm cho hấp dẫn là: “Xã hội có nền y tế, nhà cửa và giáo dục hoàn toàn miễn phí”.
Người ta quên rằng các thứ “miễn phí” đó đổi bằng hy sinh tự do cá nhân. Dân chúng muốn tự do, tự do làm việc, tự do đi lại, sống cuộc sống bình an với sự kiểm soát tối thiểu của chính phủ.
Dưới chế độ cs, dân chúng chịu đựng cai trị độc đoán như Castro ở Cuba hoặc phải chịu đựng những cái vòi độc của chính quyền Trung Cộng. Dưới chế độ cộng sản, các lãnh chúa độc quyền cho phép ai được nói và chỉ nói điều đã được cho phép. Độc nhứt hệ thống truyền thông tin tức do nhà nước tài trợ được quyền quảng bá về đảng.
Khi dân chúng nói lên ý kiến bất đồng, họ bị gán cho đủ loại nhãn hiệu, bị loại khỏi xã hội, bị phạt, bị bắt bỏ tù. Nhà nước kiểm soát ngôn luận. Không hề có thủ tục dân chủ hay thủ tục nào quy trách nhiệm.
Các lãnh tụ tự do xài tiền thuế của dân đóng góp. Chúng áp dụng luật lệ, nhưng chính chúng lại phạm pháp. Nhà nước quyết định việc làm nào giành cho ai, ai có giấy phép và sở hữu võ khí. Chúng quyết định nhóm nào hay tôn giáo nào có đặc quyền hơn.
Nhà nước độc đoán quyết định ai được nhập cảnh, vượt lên trên sự quan tâm của người dân. Có khi các lãnh tụ theo đuổi những việc không cần thiết đối với dân hay không có lợi lộc cho dân. Bọn này thường bảo đảm với dân rằng, chúng đang làm công việc tốt đẹp cho đại chúng. Những lời chỉ trích đều bị gạt bỏ. Các loại thuế má tăng rất nhanh.
Nguyễn thị Kim Ngân đeo đồng hồ Hublot (DLB) và Nguyễn hồng Điệp Trưởng ban tiếp dân, đồng hồ vàng, xì gà đắt tiền (Nguồn: Báo ĐV)
Dù tự nhận là “rất bình đẳng” bọn cầm đầu XHCN và cộng sản sống cuộc sống rất xa hoa và đồi trụy, có nhiều nhà cửa sang trọng (dùng tiền thuế của dân để sửa sang) và cực kỳ giàu có khi đang nắm giữ quyền lực, luôn cả bạn bè của chúng cũng giàu có theo. Chúng tự do đi du lịch trong khi mọi người hoặc không đủ tiền để đi, hoặc bị cấm đoán.
Khi lên cầm quyền, chúng hoàn toàn làm ngơ lời cam kết “phục vụ dân” và làm mọi cách để ở lại chức vụ càng lâu càng tốt.
Nhận xét của hai người khác nhau, một về mặt tổ chức kinh tế, một về mặt thật của chế độ cộng sản hay XHCN, cả hai đều nêu lên sự thất bại hoàn toàn của chủ nghĩa rỗng tuếch, nói hay nhưng không mang lại thành tựu có ích lợi cho toàn dân.
Mời bạn đọc đóng góp ý kiến.
____
Tham khảo thêm:

Vấn đề “kỳ thị” trong chính sách phát triển của Việt Nam qua phát biểu của ông Vương Đình Huệ

Vấn đề “kỳ thị” trong chính sách phát triển của Việt Nam qua phát biểu của ông Vương Đình Huệ

Trương Nhân Tuấn
28-6-2020
Ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh trên mạng
Ông Vương Đình Huệ mới về Hà Nội nên có những ý kiến “nịnh bợ” dân Hà Nội. Ông Huệ nói rằng 10 năm nữa dân Hà Nội có mức thu nhâp 13,14 ngàn đô la năm. Vậy các nơi khác thu nhập ra sao ông Huệ?
Điều chắc chắn là dân Sài gòn phải thắt lưng buộc bụng thêm vài nấc để ông Huệ thực hiện “tốt” điều này. 82% tiền Sài gòn làm ra “cống” về Hà Nội rõ ràng là chưa đủ.
Ý kiến của ông Huệ lần nữa nổi lên vấn đề “kỳ thị” trong chính sách phát triển của Việt Nam. Kỳ thị màu da, kỳ thị chủng tộc, giới tính… đều được luật hóa. Ai vi phạm có thể bị truy tố ra tòa. Vấn đề là “kỳ thị trong chính sách” tàn độc gấp trăm lần kỳ thị màu da, chủng tộc… nhưng không có luật nào phân xử hết cả.
***
Hôm qua tôi có nhắc lịch sử cho thấy là các “đế quốc” hùng mạnh nhứt trong lịch sử, từ đế quốc La Mã, đế quốc Trung Hoa, đế quốc Nguyên Mông, đế quốc Liên Xô, đế quốc Mỹ… Điểm chung tạo nên sức mạnh cho các đế quốc là việc ban bố quyền công dân, hay phong quan cho các vị tướng lãnh thuộc các dân tộc bị đế quốc xâm lược. Tức các đế quốc này áp dụng thành công chính sách “hội nhập” cho các dân tộc bị xâm chiếm.
Còn CSVN sau khi chiếm miền Nam, đến nay hơn 4 thập niên, dân miền Nam vẫn bị đối xử tệ hại hơn cả lúc sống dưới thời “thuộc địa” Pháp.
CSVN cai trị miền Nam bằng một chính sách kỳ thị tinh vi. Dân miền Nam bị “sàn lọc” bằng lý lịch, bằng “giai cấp”, bằng xuất xứ vùng miền. Ông Trọng vài năm trước có nói “tổng bí thư phải là người Bắc kỳ biết lý luận“. Đây là một câu nói tầm thường nhưng âm hưởng một chính sách kỳ thị trầm trọng. Cho rằng “Bắc kỳ biết lý luận” vậy dân Nam kỳ ngu, không biết lý luận hay sao?
Ý kiến của vương Đình Huệ cũng bộc lộ một chính sách phân biệt vùng miền. Không lẽ chỉ có dân Hà Nội mới có vinh dự có được mức sống như vậy? Dân Hà Nội là thượng đẳng, dân các miền khác là hạ đẳng à?
Xem ra chủ trương phân biệt vùng miền của đảng CSVN còn độc địa hơn cả chính sách “da trắng ưu việt” của Trump. Vì chủ nghĩa da trắng ưu việt bị cả thế giới lên án.
Như vậy thì VN làm sao “mạnh”? Làm sao “phát triển”?
***
Đăng lại bài viết từ nhiều năm trước về vấn đề kỳ thị vùng miền:
Lại nói về kỳ thị vùng miền. Vấn đề “kỳ thị” Bắc Nam hình như nhờ vào sức nóng cái “lò” của ông Trọng nên cũng “nóng” lên theo.
Theo tôi, việc kỳ thị, phân biệt vùng miền (như Bắc-Nam ở VN) là có, như ở bất kỳ quốc gia nào. Nhưng tình trạng ở VN đang trở thành “trầm trọng”, có nguy cơ “phân liệt” quốc gia, vì tính độc hại “chính trị hóa việc phân biệt vùng miền” của những người chủ trương kỳ thị.
Người chủ trương việc kỳ thị là ai? Dĩ nhiên là lớp người vỗ ngực xưng là “bên thắng cuộc”. Cụ thể là lời tuyên bố: “Tổng bí thư phải là người Bắc kỳ, biết lý luận”.
Rõ ràng đây là một lời kỳ thị sâu sắc, hàm ý đầy khinh miệt. Khi cho rằng dân Bắc Kỳ biết “lý luận” thì mặc nhiên cho rằng dân Nam kỳ không biết lý luận. Tức hàm ý cho rằng dân miền Nam là một đám “ngu”.
Nhiều người “biện hộ” rằng đó chỉ là “tiếng đồn”, không có thật.
Vấn đề là trên thực tế, chưa bao giờ một người xuất thân miền Nam lên làm Tổng bí thư. Cũng chưa bao giờ một người xuất thân từ bên “thua cuộc” có một chức vụ nào đó trong xã hội, ngay cả ở cấp thấp nhứt, làng xã.
Nếu xét lại các văn bản hành chánh, các “tờ khai lý lịch”, chiến tranh tuy đã chấm dứt hơn 40 năm, nhưng người dân (mỗi khi đi xin việc làm công chức, hay công an v.v…) buộc phải khai lý lịch tới ba đời.
Trong một khoảng thời gian dài, con cháu những người “thua cuộc”, như “ngụy quân, ngụy quyền”, không được vào học các trường đại học. Vùng đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là “vùng trũng giáo dục”.
Từ năm 1975 cho đến nay, các tỉnh miền Nam vẫn là các nơi “làm ra tiền”, nhưng hệ thống hạ tầng ở các nơi đây, như đường xá, cầu cống, điện nước, trường học, nhà thương… đều không được xây dựng, đầu tư. Ngay cả các mỏ dầu, cũng thuộc miền Nam, nhưng lợi tức thâu được chưa bao giờ “rót” về đây để làm cái gì đó hữu ích cho dân chúng ở đây.
Sài gòn, đầu tàu kinh tế cả nước, phải đóng góp 82% cho “trung ương”. Sài gòn chỉ được phép giữ lại 18% cho việc phát triển thành phố.
Như vậy thực tế đã khẳng định sự hiện hữu một “chính sách” phân biệt vùng miền. “Bên thắng cuộc” đã “chính trị hóa sự khác biệt vùng miền”, để giành quyền lãnh đạo.
“Bên thắng cuộc” miền Bắc “ăn bòn” vào miền Nam, biến miền Nam thành một “thuộc địa”. Dân miền Nam trở thành “thuộc dân”, như dưới thời Pháp thuộc. Nhưng dưới thời Pháp thuộc, “thuộc dân” có quyền đi học, được quyền ra làm đại diện (dân biểu), làm quan v.v… Còn dưới thời thực dân “Bắc cộng”, dân miền Nam chỉ là một loại động vật có giá trị “lao động”, ngang hàng với trâu, ngựa…
Lời tuyên bố: “Tổng bí thư phải là người Bắc kỳ, biết lý luận” vì vậy không cần phải chứng minh nữa.
Một thí dụ khác về việc kỳ thị, là trường hợp ông Đinh La Thăng khi ông này có chủ trương xây dựng lại Sài Gòn trở thành “hòn ngọc Viễn Đông”.
Ta thấy liền tức khắc có vô số bài viết tung ra, với những bằng chứng bịa đặt cùng với những con số thống kê diễn giải sai, cố gắng phản biện rằng Sài gòn chưa bao giờ là “hòn ngọc Viễn Đông”.
Cá nhân ông Đinh La Thăng, sau khi phát biểu ý kiến như vậy, tức thời ông này bị “hạ bệ”, truất khỏi ghế bí thư Sài gòn, mặc dầu ông thuộc “bên thắng cuộc” và cũng là “Bắc kỳ”. Bởi vì khi cho rằng Sài gòn là “hòn ngọc Viễn Đông” thì mục tiêu “giải phóng miền Nam” của đảng CSVN chỉ là một lời bịp bợm.
Ông La Thăng phạm tội tày đình, nhưng không không phải vì tội tham nhũng.
Vì đâu ai chứng minh được những thất thoát tiền bạc là “vào túi riêng” của ông Thăng? Trong làm ăn, đôi khi phải “mạo hiểm”, kiểu “có gan mới làm giàu”. Nhưng gặp lúc tủi ro thì tuột vốn.
Ông Thăng bị hạ bệ, và có thể vô tù, đơn giản vì ông này lật mặt đảng CSVN. Sài gòn giàu có như vậy, mà cả miền Nam cũng giàu như vậy. Người miền Nam nào cần “giải phóng”? Công cuộc “giải phóng miền Nam” chỉ là một trò bịp bợm.
Bây giờ nhờ 82% tiền của Sài gòn đổ về, Hà Nội trở thành “thành phố rồng bay”. Xin lỗi, nếu không có 82% tiền đổ vô từ Sài gòn, thì con rồng Hà Nội là con rồng cụt cánh.
Bốn trăm ngàn đảng viên đảng CS, tức 10% đảng viên, xuất thân từ Hà Nội. 400.000 đảng viên là 400.000 con sâu mọt, ăn của dân không từ một thứ gì.
Tôi dám chắc, ngưng 82% tiền bạc đến từ Sài gòn, thủ đô Hà Nội sẽ trở về thời “bao cấp”. Không biết 400.000 đảng viên này sống bằng cái gì? Không lẽ sống nhờ “lý luận”?
Có điều ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Sài gòn, khi hô hào xây dựng Sài gòn “thành phố thông minh”, ông Nhân chửi tiên sư bố “Tổng bí thư phải là người Bắc kỳ, biết lý luận”
Khi nói rằng Sài gòn thông minh, tức người Sài gòn không thể ngu. Vậy ai ngu?
Ăn miếng trả miếng như vậy là khá.

Người Việt ngày càng chia rẽ thêm vì Donald Trump

Người Việt ngày càng chia rẽ thêm vì Donald Trump

Võ Ngọc Ánh
28-6-2020
Chưa bao giờ người Việt chia rẽ bởi một Tổng thống Mỹ như hiện nay. Quan điểm khác nhau về Donald Trump đang làm cho nhiều người Việt khó chấp nhận nhau. 
Vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đang là chủ đề tranh cãi giữa người Việt với nhau ở mức độ không kém gì những tranh cãi xoay quanh người Quốc Gia và Cộng Sản từ năm 1975 tới nay.
“Đừng viết về ông Tổng thống của anh nữa”
Tuần trước tôi bị một người anh thân tình sống cùng thành phố nói lời chia tay và xóa bạn với tôi trên Facebook. Lý do, anh đã nhiều lần nhắc, “Thôi, em đừng viết gì về ông Tổng thống của anh nữa”, tôi vẫn không làm theo.
Đây không phải lần đầu tôi bị người khác ngưng nói chuyện, hủy kết bạn sau khi tôi viết về Donald Trump. Dù trước đó chúng tôi khá thân nhau ngoài đời, hợp nhau về nhiều chủ đề từ chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, đến niềm tin.
Trên mạng xã hội Facebook tôi có bạn ở khắp vùng miền, quốc gia, khác tôn giáo, không cùng cách thức đấu tranh, chẳng chung sở thích… trước đây vẫn trao đổi với nhau về nhiều vấn đề để học hỏi lẫn nhau. Nhưng khi biết tôi suy nghĩ khác họ về Trump, đã có không ít người ngừng tương tác, hủy bạn.
Không chỉ cá nhân, mà cả những nhóm và tổ chức cũng bị cuốn hút vào cuộc tranh cãi này. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên một tổ chức chính trị có thành viên tại nhiều quốc gia vừa mất một thành viên ở Australia có hơn 20 năm gắn bó. Nguyên nhân vì anh ủng hộ Donald Trump, trong khi đa số các thành viên khác của tập hợp lại không.
Sự chia rẽ giữa người Việt vì Tổng thống thứ 45 của Mỹ dễ thấy nhất qua vụ cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh viết trên Facebook. Đây là nhận định cá nhân về Donald Trump, về nước Mỹ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại quốc gia này hồi nửa cuối tháng ba. Những điều cô Quỳnh viết đều đúng với thực tế tại thời điểm đó và cả sau này.
Tuy nhiên, chẳng cần suy xét lời cô Quỳnh viết đúng hay sai, rất nhiều người Việt đã hùa vào sỉ vả, ‘ném đá’ cô trên không gian mạng. Họ nói cô không biết mang ơn Donald Trump khi ra khỏi nhà tù Cộng Sản Việt Nam. Họ vu khống cô là “Cộng sản nằm vùng”
Không ít người đấu tranh trong nước cũng hùa theo cho rằng, Quỳnh nói không đúng về cá nhân ông Trump và nước Mỹ. Số khác tung ra những khác biệt cá nhân để thêm đòn nhằm hạ gục.
Họ ‘đấu tố’ cô bởi cô dám chê Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và nói quốc gia này không vĩ đại, ngược lại với những điều Trump tự khoe.
Một số còn đi xa hơn thu thập chữ ký kêu gọi trục xuất cô về lại Việt Nam.
Điều này hoàn toàn trái ngượi với thái độ tiếp đón nồng hậu, dành cho Quỳnh chưa đầy một năm trước, mời cô nói chuyện sau khi bị chính quyền Việt Nam trục xuất từ nhà tù.
Nhiều người Việt ủng hộ Donald Trump còn lập danh sách những người không thích Trump để tấn công. Có cái gì đó na ná những người đấu tranh bị dư luận viên trong nước lập danh sách để đánh phá, răn đe.
Người không thích Trump, thường bị nhóm ủng hộ cáo buộc, “Cộng Sản nằm vùng”, “phá hoại nước Mỹ”, “bọn thổ tả”, “Tình báo Hoa Nam”, “Nhận tiền từ Cộng Sản Trung Quốc để viết”
Với không ít người Việt, Donald Trump như một chân lý tuyệt đối. Họ đồng nhất ủng hộ Donald Trump mới yêu nước Mỹ, yêu Việt Nam và ngược lại. Sao mỉa mai giống yêu đảng Cộng Sản, yêu Chủ nghĩa Xã Hội và yêu nước là một?!
Ủng hộ Trump vì không thích Trung Quốc 
Ông Huỳnh Ngọc Chênh, một người đấu tranh trong nước được nhiều biết, viết: Tui có xu hướng ủng hộ Trump, vì ổng làm Trung Cộng suy yếu. Những yếu tố khác có thể xếp sau”.
Tương tự, cô Huỳnh Thục Vy cũng thổ lộ: “Ai trấn áp được kẻ thù truyền kiếp của đất nước tôi, thì tôi đều thích”. Donald Trump là người như thế nên cô thích, ủng hộ.
Người Việt hải ngoại và trong nước ủng hộ Donald Trump gặp nhau ở điểm, ông thể hiện việc chống Trung Quốc mạnh mẽ mà chẳng cần suy xét đến hiệu quả, cách làm của chủ nhân Nhà Trắng.
Đây là tâm lý dễ hiểu của đa số người Việt trước một Trung Quốc hàng ngàn năm qua chỉ muốn xâm chiếm, đồng hóa, khống chế Việt Nam. Do đó người Việt dễ dàng ủng hộ bất kỳ ai chống lại Trung Quốc.
Tranh chấp căng thẳng trên biển Đông có thêm lý do để người Việt đặt hy vọng Donald Trump kiềm hãm được sự tham lam, hung hăng của Trung Quốc.
Nhiều người Việt đặt niềm tin dễ dãi, Donald Trump gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc sẽ làm cho quốc gia này sụp đổ. Dẫn đến chính quyền Việt Nam hiện nay cũng sẽ tan rã để tiến đến xã hội tự do, dân chủ.
Rất đông người Việt theo đạo Công giáo, Tin lành, ủng hộ Donald Trump còn có thêm lý do, vì ông ta chống phá thai, phản đối hôn nhân đồng tính.
Có người đưa lý do ủng hộ Donald Trump, vì ông làm Tổng thống chỉ nhận lương một đô la/năm. Suy nghĩ theo cách dân Mỹ thiếu tiền trả lương cho Tổng thống của mình.
Số khác ủng hộ Tổng thống Mỹ đương nhiệm vì ông ấy nói năng bộc trực, phản ứng nhanh chóng. Thực tế thì Trump hành xử một cách đầy cảm xúc, trong cái tôi lớn, nặng tính hơn thua, thiếu tầm nhìn chiến lược.
Người Việt tại Mỹ lại ủng hộ Donald Trump vì ông thuộc đảng Cộng Hòa. Với nhiều người Việt phải bỏ quê hương ra đi sau ngày 30/4/1975, đảng Cộng Hòa như cuộc ‘hôn nhân’ chính trị.
Làm ngơ trước sự thật
Vì ủng hộ Donald Trump, nhiều người Việt không nhìn vào sự thật đang xảy ra cho nước Mỹ trong gần nửa năm qua. Một nước Mỹ vừa qua cơn khủng hoảng pháp lý với vụ luận tội Tổng thống ở Lưỡng viện Quốc hội, lại vướng vào đại dịch Covid-19.
Sau hơn ba tháng bùng phát, nước Mỹ vẫn ở đỉnh với hàng chục ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày. Trong khi đa số các nước bùng phát dịch với thời gian ngắn hơn đã khống chế được dịch bệnh.
Chính phủ Trump lúng túng trong việc xử lý đại dịch. Các cuộc họp báo hàng ngày ở tòa Bạch Ốc, cho thấy tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” giữa Tổng thống và các chuyên gia y tế, giữa chính phủ liên bang và các thống đốc tiểu bang, giữa vấn đề giãn cách xã hội và mở cửa lại hoạt động bình thường.
Khi cơn dịch chưa dứt thì xảy ra vụ George Floyd hồi cuối tháng Năm đã làm bùng lên cơn sốt âm ỉ về bạo lực cảnh sát và nạn phân biệt đối xử với người da màu.
Chia rẽ sắc tộc với phong trào “Black Lives Matter” mà người lãnh đạo quốc gia thiếu tiếng nói lắng nghe, cảm thông, để xoa dịu.
Không ai khác, chính Donald Trump phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của nước Mỹ hiện nay.
Trong khi nhiều người Việt ủng hộ ông Trump bất chấp thực tế, thì đã có những dấu hiệu cho thấy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống nơi người Mỹ đang đi xuống.
Một loạt quan chức, tướng lãnh quân đội, cựu cố vấn an ninh quốc gia… đã công khai chỉ trích ông Trump chà đạp hiến pháp.
Ngay trong đảng Cộng hòa đã hình thành nhóm Lincoln Project để ngăn ngừa ông Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Mùa hè này hứa hẹn vài ba cuốn sách chứa những yếu tố không có lợi cho ông Trump như cuốn hồi ký của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hay của cháu ruột Tổng thống là bà Mary Trump.
Ủng hộ nhưng xin đừng làm ngơ trước sự thật để bênh vực bằng mọi cách.
“America first” không bằng “Trump first”
Để ủng hộ Donald Trump, nhiều người Việt đang cố gắng tự đầu độc mình và cộng đồng bằng tin giả.
Từ chuyện Joe Biden quỳ trước quan tài của George Floyd; bốn cảnh sách bị người biểu tình giết; đập phá nghĩa trang, bia tưởng niệm; chủ tiệm nail bị người da đen hiếp dâm; hay việc Trump vận động ở Tulsa có hàng trăm ngàn người tham dự… đều là tin giả.
Ủng hộ hay không với Donald Trump đó chuyện bình thường trong xã hội dân chủ. Nhưng đừng vì ủng hộ hay phản đối mà phát tán tin giả, bịa đặt, chứng minh bằng thuyết âm mưu, vu cáo, đấu tố người có suy nghĩ khác.
Điều này chỉ đem lại sự hả hê vì hạ nhục, miệt thị, đè bẹp được người khác. Tuy nhiên không thể hiện được một người biết tôn trọng sự thật, ứng xử văn minh, lại hành xử dân chủ méo mó và không hướng tới một xã hội tốt đẹp.
Cần để sự thật được phơi bày, các chính sách, cách làm việc của Donald Trump cần được phân tích dưới nhiều góc nhìn.
Tất cả để thấy được Tổng thống Mỹ hiện nay có đặt sức khỏe, ích lợi, an toàn của người dân, của nước Mỹ lên hàng đầu hay không. Và cường quốc số một thế giới như Mỹ còn là trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế.
Đừng để yếu tố Donald Trump làm cho người ủng hộ và không ủng hộ trở nên khó chấp nhận nhau. Khoảng cách giữa hai nhóm này trong cộng đồng người Việt ngày càng xa.
Giữa một nước Mỹ chia rẽ thì với nhiều người khẩu hiệu “America first” không bằng Donald Trump first.

Công lý chi bộ

Công lý chi bộ

17/17 thẩm phán giơ tay biểu quyết tán thành 100% xử y án tử hình Hồ Duy Hải. Ảnh chụp từ clip
Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là việc 17 thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử hình. 
Không khác gì một phiên họp chi bộ đảng.
Cũng dễ hiểu thôi khi mà 17 thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng như toàn bộ thẩm phán Việt Nam, đều là đảng viên – chỉ riêng thực tế này đã đủ để phủ nhận mọi lập luận về tính độc lập của hệ thống tòa án Việt Nam hiện nay.
Bởi thế, đôi khi khó có thể phân định khi nào các thẩm phán đang nghị án, khi nào thì các “đảng viên làm công tác xét xử” đang họp chi bộ, vì tuy hai mà một.
Nghĩa là án nào ở Việt Nam cũng tiềm ẩn thành án chính trị, được phân xử không dựa trên chứng cứ, mà là những cân nhắc về ảnh hưởng chính trị.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc giơ tay biểu quyết bản án cũng là bình thường, dẫn chiếu bộ phim nổi tiếng 12 Angry Men trong đó 12 bồi thẩm viên khi thì bỏ phiếu khi thì giơ tay quyết định nghi can có tội hay không.
Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng là 12 bồi thẩm viên có thể giơ tay biểu quyết, song cả 12 bồi thẩm viên này, theo luật Hoa Kỳ, đều là dân thường được chọn tham gia bồi thẩm đoàn như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân.
Nghĩa là giữa họ không ai có tư cách hơn ai, cả về quyền lực lẫn chuyên môn pháp lý, để có thể gây áp lực lên người khác và khiến kết quả biểu quyết thiếu khách quan.
Điều này hoàn toàn khác với phiên nghị án vụ Hồ Duy Hải hôm trước khi mà 16 thẩm phán còn lại đều là cấp dưới của Chánh án Nguyễn Hòa Bình – người đã bị chỉ ra từng quyết định không kháng nghị vụ Hồ Duy Hải khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đó là chưa nói trong chi bộ đảng ở Tòa án Nhân dân Tối cao, tất cả các thẩm phán đều là đảng viên cấp dưới của của Bí thư Nguyễn Hòa Bình.
Vậy thì làm sao việc giơ tay biểu quyết khi nghị án như vậy có thể đảm bảo khách quan cho được?
Hình thức nghị án kiểu chi bộ đảng này cần phải chấm dứt, và nếu phải sửa đổi thì không cần tìm đâu xa, hãy học từ Bộ luật Hình sự Tố tụng 1972 của Việt Nam Cộng Hòa:
“Điều thứ 348 – Chánh thẩm và các phụ thẩm lấy tấm phiếu có in tiêu đề tòa đại hình cùng hàng chữ: “Tôn trọng danh dự, thành thực với lương tâm, ý thức trách nhiệm trước nhân loại, chúng tôi xin trả lời như sau câu hỏi đã được đặt ra”.
Các vị trên sẽ ghi trên phiếu chữ “có” hoặc “không” một cách thật kín đáo khiến không để lộ sự biểu quyết của mình. Sau đó, các tấm phiếu được gấp lại làm tư và trao cho chánh thẩm để vào thùng phiếu.”

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Nạn Kỳ Thị Người Mỹ Gốc Á (Phần 2)

Nạn Kỳ Thị Người Mỹ Gốc Á (Phần 2)

Tác giả: Nguyễn Thanh Việt
Dịch giả: Ian Bùi
25-6-2020
Tiếp theo phần 1
Lời dịch giả: Đây là phần 2 bài chính luận của Nguyễn Thanh Việt đăng trên tạp chí TIME số ra ngày 6 tháng 7, 2020, tựa đề “Asian Americans Are Still Caught in the Trap of the ‘Model Minority’ Stereotype. And It Creates Inequality for All” — “Người Mỹ gốc Á vẫn còn kẹt trong cái bẫy định kiến của ‘thiểu số gương mẫu’, tạo sự bất bình đẳng cho mọi người”. Vì bài viết khá dài, bản dịch được chia làm 5 kỳ. 
Nguyễn Thanh Việt là một nhà văn từng thắng giải Pulitzer và hiện là giáo sư đại học tại University of Southern California.
Một lớp học cho trẻ em Tàu ở New York năm 1900. Nguồn: Keystone-France/ Gamma-Keystone/ Getty Images
II
Giờ nhìn lại, tôi chợt nhớ những lần bị kỳ thị ở mức nhẹ, đôi câu bông đùa ngây ngốc của đám bạn trường Công giáo, như “Có phải họ của mày là Nam?” hoặc “Thời chiến mày có đeo AK-47 hông?” hay những câu tục tĩu hơn.
Tôi thắc mắc, không biết ở Minnesota Tou Thao có từng bị giễu chọc kiểu vậy? Anh ta nghĩ gì về trường hợp Fong Lee, người Mỹ-gốc-Hmong, 19 tuổi, bị bắn 8 viên đạn, 4 phát từ sau lưng, bởi cảnh sát viên Jason Anderson của Minneapolis hồi năm 2006? Anderson được xử trắng án, bồi thẩm đoàn toàn người da trắng.
Chạm trán nạn kỳ thị bài-Á từ dân da trắng, người Hmong, đa số là tị nạn chiến tranh đến Mỹ vào thập niên 1970-80, thường tái định cư tại nhiều khu dân cư khác nhau trong thành phố, một số sống trong các khu vực chủ yếu người da Đen, nơi họ cũng bị kỳ thị. Gần đây Yie Vue viết:
Có rất nhiều câu chuyện về người Hmong bị đánh phá, cướp bóc, hăm doạ bởi hàng xóm da Đen. Người Hmong và người da Đen từng sống chung trong những khu phố nghèo. Đôi bên vẫn còn nhiều sự hiểu lầm và thiên kiến ăn sâu trong tư tưởng qua nhiều thế hệ”.
Thế nhưng khi Fong Lee bị giết, các nhà đấu tranh da Đen liền lên tiếng. “Họ là tiếng nói lớn nhất ủng hộ chúng tôi,” em gái của Fong Lee kể. “Họ không hỏi trước. Họ tự động đến.”
Không như những kỹ sư hay bác sĩ đa phần đến từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ — thiểu số gương mẫu trong trí tưởng tượng của người Mỹ — nhiều người tị nạn Hmong đến từ các thôn làng ở Lào bị tàn phá bởi chiến tranh. Tâm lý đã bị chấn thương, họ còn bị đặt trong một môi trường nghèo khổ mới với một lịch sử đàn áp chủng tộc phức tạp mà hầu hết không hiểu rành.
Ngay cả những người Hmong lên án Tou Thao và ủng hộ phong trào Black Lives Matter cũng nhấn mạnh họ không muốn bị xét qua lăng kính của thiểu số gương mẫu, hay bị chụp lên đầu cảm giác tội lỗi tự đấm ngực của người Mỹ-gốc-Á cấp tiến như một biểu tượng của sự đồng loã. Mục sư Ashley Gaozong Bauer, gốc Hmong, viết: “Chúng tôi phải chịu đựng chung nỗi xấu hổ cùng thiểu số gương mẫu. Nhưng có bao giờ cộng đồng Mỹ gốc Á sẻ chia những chuyện đau lòng hay nỗi khổ tâm của người tị nạn Hmong, nhất là khi họ bị đe doạ trục xuất?
Giống như người Hmong, nhiều người Việt như tôi cũng bị đau khổ vì chiến tranh, và cũng có người đang bị hăm he trục xuất. Nhưng không như người Hmong, rất nhiều người Việt tị nạn, dù cố ý hay không, đã trở thành thiểu số gương mẫu, trong đó có tôi. Những màn kỳ thị cấp thấp mà tôi đã gặp xảy ra trong một môi trường tương đối cao cấp. Khi tôi bước chân vào ngôi trường trung học tư thục dành riêng cho con nhà giàu Mỹ trắng thì đám học sinh Á châu ít ỏi chúng tôi đã nhận ra thông điệp khá rõ. Chúng tôi thường tụ tập trong một góc riêng của sân trường và gọi mình là “the Asian invasion” — cuộc xâm lược của người Á châu, khi thì chúng tôi phá ra cười, lúc chỉ cần nheo mắt hiểu ngầm. Nhưng nếu đó chỉ là câu đùa giỡn vô hại của đám trẻ tụi tôi lúc ấy, thì sau này nó hoá ra lời tiên tri.
Cách đây hai năm tôi có dịp quay lại trường cũ để diễn thuyết về đề tài sắc tộc. Trong đám nam sinh 1600 đứa hôm ấy, dân Á châu rất đông tuy chưa có thể gọi là xâm lược hoàn toàn, đó chỉ là mới 30 năm sau. Không còn là mối đe doạ “xâm lược Á châu” nữa, giờ đây chúng ta là thiểu số gương mẫu: người đồng môn đáng kết bạn, người hàng xóm ai cũng thích có, gã da màu không làm người xung quanh phải lo sợ.
Nhưng có thiệt vậy không? Sau buổi diễn thuyết vài em học sinh Mỹ-gốc-Á đã đến gặp tôi và nói các em vẫn còn cảm thấy nó. Nó. Cái cảm giác vẫn bị cho là người ngoài, nhất là những em theo đạo Hồi hoặc bị nghi là đạo Hồi, hoặc các em da nâu, hoặc người Trung Đông. Nó. Sự kỳ thị chủng tộc không chỉ là tấn công lên thể xác.
Tôi chưa bao giờ bị tấn công lên thể xác chỉ vì mình gốc Á. Nhưng tôi vẫn bị tấn công hoài trên làn sóng điện, bởi những câu giễu dở kiểu “ching-chong” của mấy tay thợ nói trên radio, bởi các nhân vật Á châu côn đồ hoặc hài hước rập khuôn kiểu “japs”, “gooks”, “chinks” trong phim chiến tranh hay phim hề của Mỹ. Như nhiều người Mỹ gốc Á khác, tôi cũng tập làm quen với cảm giác xấu hổ bởi những thứ làm cho mình khác người bản xứ: đồ mình ăn, tiếng mình nói, kiểu tóc mình cắt, quần áo mình mặc, mùi của thân thể, và cả cha mẹ mình luôn.
Nhưng điều khiến cho cảm giác này tệ hại hơn nữa, Cathy Hong viết, là chúng ta lại lừa dối chính mình rằng nó chỉ là những “cảm xúc thứ yếu”. Ta đâu có cảm xúc chính đáng nào, hay có quyền than phiền về vấn đề chủng tộc khi ta đã được xem là thiểu số gương mẫu và được xã hội Mỹ chấp nhận? Cùng lúc, sự bài-Á vẫn là kho chứa những cảm xúc trọng yếu mà người Mỹ sẵn sàng đem ra dùng mỗi khi có khủng hoảng.
Người Mỹ gốc Á vẫn chưa có quyền lực chính trị mạnh đủ, hay có mặt trong nền văn hoá bản địa nhiều đủ, để khiến những người bạn Mỹ của chúng ta phải do dự khi thốt ra những tư tưởng nặng mùi kỳ thị. Vì chúng ta chưa quan trọng đủ, cũng như vì vị trí lịch sử của chúng ta bao lâu nay vẫn là người ngoại quốc trên nước Mỹ, nên tổng thống Hoa Kỳ và nhiều người khác vẫn nghĩ họ có thể gọi COVID-19 là “khuẩn Tàu”, là “kung flu”.
(Còn tiếp)

Viết thêm về nghệ sỹ Manfred Krug (tiếp theo)

Viết thêm về nghệ sỹ Manfred Krug (tiếp theo)

28-6-2020
Tiếp theo bài trước
Bài “Chúng ta cần nhiều Krug” nhận được một số lời bình trùng lặp nên tôi không trả lời từng người mà xin viết thêm về những vấn đề chưa nói hết.
Một số ý kiến cho rằng chế độ STASI ở CHDC Đức “văn minh”, “nhân văn”. Có lẽ bạn đọc so sánh với hoàn cảnh ở Việt Nam, Trung Quốc hay Triều tiên để phát biểu như vậy.
Một nhà nước văn minh đã không bắn chết hơn 1000 công dân của mình trên biên giới, sẽ không giam giữ hơn 200.000 người vì lý do chính trị, trong đó có 52 người bị xử tử và sẽ không bán 35.000 tù nhân chính trị cho Tây Đức để thu ngoại tệ và đã không bị 3,5 triệu công dân bỏ đi tỵ nạn. [1]
CHDC Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới ngay từ khi lập quốc 1949, có một tầng lớp trí thức và trung lưu khá mạnh, nằm giữa Âu châu, nên không thế dùng hệ quy chiếu của các xã hội nông nghiệp nửa phong kiến để xem xét.
Trong khi Mao và Polpot chủ trương đưa người về nông thôn để dùng cơ bắp xây dựng CNCS, luyện gang thép bằng lò củi để công nghiệp hóa thì Khrushev và Ulbricht chủ trương công nghiệp hóa nông thôn bằng máy gặt đập liên hợp và máy bay phun thuốc trừ sâu để đưa người về thành thị, nâng cao năng suất lao động. Ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên nông dân được là nòng cốt của cuộc cách mạng XHCN, nhưng ở Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungary, kỹ sư, bác sỹ được coi là lực lượng chính.
Ở Việt Nam những năm 1960-1970, bản lý lịch ghi thành phần “Bần nông” được coi là bùa hộ mệnh thì ở Tiệp-Khắc “ông kỹ sư” (Pan inženýr) bày tỏ sự kính trọng. Quốc huy CHDC Đức có hình chiếc búa và cái compa dùng trong toán-lý. Ngay cả trong lãnh đạo các đảng cộng sản Đông Âu, vẫn có những vị ủy viên bộ chính trị như Günter Schabowski dám đứng ra đối thoại với 200.000 ngàn người biểu tình chống chính phủ tháng 11.1989 tại Berlin.
Werner Lamberz cũng là một người có bản lĩnh. Ông nhờ Krug cho mình gặp nhóm nhân sỹ ký tên phản đối vụ Biermann, để rồi bị ghi âm. Khi biết bị hớ, ông ta vẫn giữ lời hứa với Krug (Lamberz được coi là nhân vật kế cận của Honecke, nhưng ông bị mất năm 1978 trong một vụ tai nạn ở Libya, khi muốn mở rộng ảnh hưởng của CHDC Đức ở Châu Phi).
Từ 1975, Đông và Tây Âu cùng tham gia “Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu OCSE”, cùng ký kết văn kiện Helsinky nên việc thủ tiêu các nhân vật nổi tiếng như W.Biermann đành phải thay bằng trục xuất.
Tuy là nhà nước công nông, nhưng CHDC Đức sẽ sụp đổ nếu thiếu lực lượng trí thức mũi nhọn. Vì vậy có rất nhiều trường hợp ngoại lệ được áp dụng để giữ chân các nhân tài này. Họ không cần phải công nhận học thuyết XHCN, không cần phải vào đảng. Họ vẫn được tự do đi ra khỏi bức màn sắt, tự do nhập sách báo phương tây, miễn là không chống lại chế độ. Tôi chỉ đơn cử trường hợp trong ngành điện tử, truyền thông mà tôi biết.
Đó là Bá tước Manfred von Ardenne [2] người cùng thời với Werner von Braun phát minh ra bom V1,V2. Chiếc camera truyền hình đầu tiên của tại thế vận hội Berlin 1936 sử dụng đèn quét hình flying spot của ông. Manfred von Ardenne được gọi là Bá tước đỏ, vì ông ở lại Đông Đức, hợp tác với Liên Xô trong việc chế tạo ra bom nguyên tử. Ông được giữ nguyên đội ngũ khoa học của mình cùng toàn bộ gia tài của dòng họ. Ông có viện nghiên cứu riêng mang tên Ardenne ở Dresden, chi nhánh ở Berlin. Ông và các phụ tá vẫn đi sang phương tây như đi chợ.
Trong các ngành khác (y học, hóa học, nông lâm) chắc cũng có các trường hợp tương tự, bác nào biết có thể kể.
Cũng có rất nhiều văn nghệ sỹ lớn vẫn ở lại Đông Đức với những ngọai lệ như vậy. Nổi tiếng nhất là Bertold Brecht, nhà biên kịch sân khấu được cả Đông và Tây ngưỡng mộ. Brecht đã phê phán chính sách của đảng SED trong vụ nổi dậy của công nhân CHDC Đức ngày 17.6.1953 [3]. Bên cạnh Brecht là các nghệ sỹ Helene Weigel, Gisela May, Hans Eisler v.v. cũng hưởng các đặc quyền tương tự.
Các đặc quyền cho thiểu số lựa chọn này là một chính sách xuyên suốt của STASI nên về sau, những nghệ sỹ ít tên tuổi quốc tế hơn, nhưng thành công trên con đường nghệ thuật như Manfred Krug hay nữ nghệ sỹ trượt băng nghệ thuật Katarina Witt cũng được hưởng lây. Katarina Witt chinh phục thế giới bằng tài nghệ trượt băng và vẻ đẹp lộng lẫy của cô gái 20, đến nỗi bình luận viên truyền hình Tây Đức phải bất ngờ thốt lên “Chủ nghĩa Xã hội đẹp quá” (So schön ist der Sozialismus). Chỉ có điều Katarina Witt không phải là con người chính trị. Cho đến nay cô vẫn chỉ là con người của nghệ thuật giải trí (Entertainment).
Manfred Krug cũng không phải là một nhà hoạt động chính trị với các bài viết bày tỏ chính kiến. Ý thức chính trị của ông chỉ thể hiện qua các vai diễn. Các nhân vật Willy Heyer trong “Những con đường qua đất nước” hay Daniel Druskat trong phim cùng tên đều là những cán bộ xã tận tâm, nhưng đầy góc cạnh, chịu những số phận cay nghiệt trong một xã hội đầy mâu thuẫn tiềm ẩn.
Thái độ chính trị của Krug còn ở chỗ luôn đứng về phía bị áp bức. Ông không phải là nhà bất đồng chính kiến như nhạc sỹ Biermann. Nhưng Krug đã ủng hộ quan điểm của Biermann từ 1968, khi vụ Tiệp Khắc xảy ra. Có thể nói Biermann đã ảnh hưởng sâu sắc đến Krug.
Nhưng tôi viết về Krug vì ấn tượng ở chỗ: Ông không thỏa hiệp để rồi rút lui ý kiến của mình cho yên thân. Người ta không chỉ cam kết cho ông yên thân mà còn thêm bổng lộc để ông rút đơn xin đi khỏi CHDC Đức. Việc cho phép ông chuyển toàn bộ tài sản sang phương tây, giữ lại bất động sản ở Berlin và cho phép vợ ông quay về thăm thân tùy thích cho thấy chính quyền STASI luôn để ngỏ cửa cho ông quay lại.
Quyết định ra đi của Krug không phải vì ông lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, mà là thái độ của ông đối với chế độ, là tình đoàn kết của ông với những người bất đồng chính kiến như Biermann. Đó chính là phẩm chất đáng kính của Krug.
Manfred Krug trong phim Daniel Druskat (1976). Ảnh: internet
Khi sang đến miền Tây, Krug cũng trăn trở rất nhiều. Nhưng ông không chối bỏ quá khứ để coi nền nghệ thuật của miền Đông (nhất là nhạc nhẹ và Jazz) là lạc hậu so với miền Tây. Mỗi khi trả lời phỏng vấn, ông vẫn kể về miền Đông bằng những tình cảm sâu lắng. Ông vẫn biểu diễn và đóng phim với phong cách cũ. Chính vì vậy ông luôn được khán giả của cả hai miền hâm mộ trong suốt thời kỳ đất nước chia cắt.
_____

Nhuận bút bất ngờ của ông Võ Văn Kiệt

Nhuận bút bất ngờ của ông Võ Văn Kiệt

Bùi Chí Vinh
28-6-2020
Ảnh chụp Bùi Chí Vinh ngồi cạnh ông Võ Văn Kiệt ở đầu bàn. Ngồi kế Bùi Chí Vinh là Lê Dụng (con trai nhạc sĩ Hoàng Việt). Nguồn: Bùi Chí Vinh
Qua chuyện một đại biểu Quốc Hội vạch trần thói chụp mũ những người dám ăn dám nói bằng luận điệu xảo ngôn về cái gọi là “bóng ma thế lực thù địch”, tôi sực nhớ lại những bài thơ từng đọc ở nhà ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Sài Gòn lúc ông mời tôi đến tư gia. 
Sở dĩ ông mời tôi là vì nghe đứa “ăng-ten” điềm chỉ viên nào đó tâu hót báo cáo tôi chuyên làm “thơ đen”. Trong bữa tiệc với một số văn nghệ sĩ thành phố, ông Kiệt sắp xếp tôi ngồi cạnh ông ở đầu bàn và bắt tôi phải đọc… thơ đen.
Coi, tôi đứng lên đọc sang sảng một loạt thơ chống bất công xã hội, trong đó có bài SINH NGHI HÀNH, XÍCH LÔ HÀNH, ĐÓI, ĐÓI LIÊN TỤC. Tôi chỉ nhớ tôi đọc đến đâu, ông Kiệt lặng người đến đó, còn trong bàn tiệc thì im phăng phắc.
Cuối tiệc, thay vì kêu an ninh làm việc với tôi, ông Kiệt lại trả “nhuận bút” cho tôi một phong bì dày cộm và tuyên bố đây không phải là thơ đen mà là thơ “cực đỏ”, là những bài thơ dám nói thẳng nói thật những sai lầm trong chính sách chủ trương cần được chính quyền nhìn nhận để sửa đổi.
Ông định nói riêng với tôi điều gì nữa nhưng tôi nói liền: “Thưa chú Sáu, không có đen hay đỏ ở đây mà đó là thơ từ xương máu nhân dân, khác hẳn loại thơ quốc doanh thơ nghị quyết”.
Ngay lập tức những ly bia giơ lên cụng nhau tới tấp cùng những tràng cười vui vẻ xóa tan không khí nặng nề. Quả là một kỷ niệm nhớ đời…
SINH NGHI HÀNH
Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Sĩ tử làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!
ĐÓI
Tôi mang cơn đói về nhà
Các em tôi đứng chờ với cái bụng lò xo
Đôi mắt các em tôi chảy nước miếng
Giá tôi biến được thành cục thịt bò màu tím
Được ram cẩn thận ở nhà hàng Lê Lai
Tôi nắn lên những đốt xương sườn có giá trị ngang những khúc cây
Nơi lồng ngực người yêu tôi hô hấp
Cặp vú của nàng xa lạ với chữ “mập”
Như đứa hiếp dâm xa lạ với nhà chùa
Nếu trời cho tôi có bùa
Tôi sẽ “thư” hết những kẻ ăn cơm một ngày ba buổi
Cơn đói không biết nói dối
Má tôi không biết đánh bài cào
Bà ngoại tôi không biết phi thuyền Phạm Tuân quá giang bay ở hướng nào
Nhưng biết khoai mì thiếu phân sẽ sượng
Biết mỗi tiếng còi công an là mười đồng to tướng
Mỗi ngày tôi lại ra đi
Mặt ngửa tay xin nhiều kiểu cầu kỳ
Sân khấu hóa trang đứng ngồi chồm hổm
Tôi thấy văn học đục tường ăn trộm
Hội họa, thi ca ghé tiệm cầm đồ
Tôi thấy xe hơi cầm lái là bò
Biệt thự mở vào khép ra đầy chó
Heo mặc áo vét cười rung cửa sổ
Mệnh phụ tuột quần đứng ngóng ngã tư
Thấy mắt tôi đui, màng nhĩ tôi ù
Thấy tôi trở về mang theo cơn đói
Ả điếm trở về mang theo hơi thối
Ả điếm được no nhờ bước hai hàng
Tôi được làm người nhờ đói quanh năm
ĐÓI LIÊN TỤC
Nhà hết gạo
Chung quanh một nồi cháo
Mười cái chén gục đầu
Bốn người thất nghiệp, một người đau
Nồi cháo bốc hơi cán bộ
Năm công nhân viên làm toán đố
Đáp số vượt qua giới hạn cộng trừ:
Bốn mươi lăm ký trong lu
Sáu trăm phần ăn một tháng!
Lúa miền Nam gặp hạn
Bình Trị Thiên bão về
Đồng bằng sông Hồng hồi hộp vỡ đê
Sao đọc báo thấy bội thu lương thực
Nghe đài thấy gạo Việt thành cơm Tây cơm Nhật
Xem ti vi thấy thóc nở đầy hình
Thóc tràn vào ngân khố vô danh
Đất nước đang được mùa công trái
Cho lãnh đạo rộng mồm ăn nói
Diễn văn đầy ngũ vị hương
Ôi, hoa màu thần tiên trên các bích chương
Thứ hoa màu trên giấy báo
Đương nhiên
Nhà hết gạo
Và mười người hết máu
BCV