Bài đăng nổi bật

Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Campuchia quyết tâm thực hiện

  Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Campuchia quyết tâm thực hiện 13/04/2024 The code has been copied to your clipboard....

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

An ninh mạng Việt Nam nào phải để bảo vệ công dân!

An ninh mạng Việt Nam nào phải để bảo vệ công dân!

Jackhammer Nguyễn
31-12-2019
Video riêng tư của ca sĩ Văn Mai Hương bị hacker xâm nhập vào camera của cô rồi tung lên mạng. Đã gần một tuần mà không thấy kẻ gian bị bắt giữ. Thôi thì cứ cho là lực lượng “an ninh mạng” của Việt Nam kém cỏi (các vị lãnh đạo công an thì nói là công an Việt Nam giỏi nhất thế giới) không truy tìm được thủ phạm, nhưng nhà nước “do dân và vì dân” phải nói cái gì chứ! Chẳng thấy vị chức sắc nào lên tiếng kết tội bọn hacker, thông cảm với cô Mai Hương cả.
Mà Luật An ninh mạng đã hoạt động gần một năm nay rồi.
Khi luật này còn là dự luật, nó đã bị phản đối mạnh mẽ vì cho rằng nhà nước sẽ kiểm soát tự do Internet, nhưng cuối cùng thì nó cũng được đưa ra thực hiện. Nhưng liệu nó có ảnh hưởng gì đến tự do internet của người Việt Nam không?
Tôi cho rằng chẳng có ảnh hưởng gì cả, như một số nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến nói với tôi hồi năm ngoái (2018): “Họ có thiếu gì luật để bắt anh khi anh nói điều gì đó làm cho họ không hài lòng, có hay không có luật an ninh mạng thì họ cũng bắt”.
Tôi thì hiểu hơi khác một chút cái toan tính của những người cộng sản Việt Nam. Họ có hai mục đích khi đưa ra luật này: thứ nhất là họ làm tròng làm tréo với các hãng nước ngoài làm ăn trên mạng như Google, Facebook,… vốn có thói quen chơi theo luật, thứ hai là họ khỏi phải truy xét các luật định xa xôi để bắt một người nào đó vừa nói điều gì đó trên mạng.
Quan sát một năm qua, độc giả có thấy sự chỉ trích, thậm chí chửi bới Đảng Cộng sản có giảm đi không? Không. Tăng lên thì có. Và cách hành xử của Đảng thì cũng như trước thôi. Bây giờ thiên hạ ai cũng chửi thì cơ hồ nào mà bắt cho xuể! Họ chỉ bắt bạn khi bạn tổ chức thực sự một cái gì đó họ không kiểm soát được, hoặc là một vị nào đó bất thình lình nổi nóng. Nhưng cũng đừng cho họ quá giỏi giang rằng là ai tổ chức cái gì họ cũng biết. Anh sinh viên Nguyễn Lâm Duy Quí, linh hồn của tổ chức Nhật ký yêu nước, họ có biết đâu, cho đến khi anh qua đời vì bạo bệnh. Mà họ rất tức giận tổ chức này lắm lắm.
Mục đích làm tròng làm tréo với người nước ngoài họ chỉ đạt được một phần, khi bắt Facebook và Google gỡ một số nội dung mà họ không hài lòng, còn chuyện bắt các “đại gia” này đặt máy chủ tại Việt Nam thì họ thất bại hoàn toàn, vì nếu các đại gia này vì lý do bị bắt buộc mà rút ra khỏi Việt Nam thì chỉ khổ cho kinh tế Việt Nam thôi.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây liên quan đến cô Văn Mai Hương là Luật an ninh mạng của Việt Nam không nhằm bảo vệ công dân của mình chống bọn hacker xấu.
Đối với những người có suy nghĩ bình thường, thì khi nghe nói đến an ninh mạng, người ta nghĩ ngay đến chuyện bảo vệ công dân, bảo vệ các công ty của quốc gia chống bọn hacker. Có lẽ mọi người còn nhớ một buổi sáng đẹp trời tại sân bay Tân Sơn Nhất, cả hệ thống máy tính bị “kẻ lạ” nào đó kiểm soát trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Khi nói tới an ninh mạng, người ta nghĩ ngay đến việc chống bọn xấu như vậy. Nhưng luật an ninh mạng Việt Nam thì không thế.
Trong một bài viết gần đây của ông Justin Sherman, một người phân tích về an ninh mạng, thì Việt Nam giống Trung Quốc ở chỗ là “quan điểm an ninh mạng” của họ là ngăn cản công dân mình tiếp xúc với các “tin tức độc hại của các thế lực thù địch”, chứ đâu phải để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân. Thành ra chuyện lên tiếng bảo vệ cô Mai Hương, kết án bọn xấu đã hack vào camera nhà cô ấy, hoàn toàn không có trong suy nghĩ của những người cộng sản Việt Nam.
Nhưng các bạn có thể nghĩ rằng an ninh mạng sẽ giúp những người cộng sản bảo vệ bí mật nhà nước của chính họ. Theo tôi họ cũng không nghĩ tới, vì bí mật của chính họ là do chính họ tiết lộ chứ ai đâu xa xôi. Các chức sắc tuyên truyền chính trị như ông Võ Văn Thưởng (Ban Tuyên giáo), ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Tổng cục chính trị của quân đội), nói như vậy vào tháng 12/2019 đó thôi.
Cho nên, ý của tôi là, có hay không có luật an ninh mạng thì hiện trạng Việt Nam vẫn không có gì thay đổi, người bất đồng chính kiến vẫn có thể bị bắt bớ, hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông-tin học của quốc gia vẫn có khả năng bị tấn công.
Còn quyền riêng tư? Ôi bạn đừng đòi hỏi điều ấy ở những người cộng sản.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Sóng ngầm trong chính trường Việt Nam trước thềm 2020

Sóng ngầm trong chính trường Việt Nam trước thềm 2020

BTV Tiếng Dân
30-12-2019
Tổng – Chủ nhìn lại một năm “đốt lò”
Sáng 30/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị của Chính phủ với các địa phương và có bài phát biểu chỉ đạo dài gần 50 phút. Zing dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ
Hàng đầu, từ trái qua: Trương Hòa Bình, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng được cho là đến dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ông Trọng nhận định về quá trình xử vụ Mobifone mua AVG: “Chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ mà trước kia toàn là thiếu trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ AVG cũng lần đầu tiên có người nhận hối lộ 3 triệu USD, VKS phải đề nghị tử hình. Nhưng khi người này nộp lại tiền đã được giảm xuống hình phạt tù chung thân”.
Về kế hoạch “đốt lò” trong năm 2020, VietNamNet dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Tiếp tục xử lý tham nhũng, các đồng chí chờ xem. Về chuyện này thì ông Trọng không cần lo, không những mấy người cùng phe ông đang chờ xem, mà những người quan tâm tới hiện tình VN cũng chờ xem ông có mang được lửa tới “đốt lò” ở thành Hồ và Kiên Giang hay không?
Chiến dịch “đốt lò” diễn ra hơn 2 năm, mặc dù không ít quan chức đã vào lò, trong đó có các cựu bộ trưởng như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hay các đại gia “tư bản đỏ” như Trần Bắc Hà, Trầm Bê… Nhưng thực chất những người này chỉ là “cáo mượn oai hùm”, lúc còn đứng được trên vai “hùm” thì họ tác oai tác quái, nhưng khi bị bỏ rơi thì họ hiện nguyên hình là những con cọp giấy. Khi không còn giá trị sử dụng, Trần Bắc Hà đã phải chầu viêm dương trước khi nói ra bất cứ điều gì bất lợi cho “đồng chí X”.  
Hai “con hùm” thật sự mà đến giờ ông Trọng chưa làm được gì là anh Ba X và Hai Nhựt. Chuyến về Kiên Giang không biết có dọa được ai không mà cụ Tổng đột quỵ. Mặc dù các nguồn tin nội bộ CSVN khẳng định, vụ này không liên quan đến “đồng chí X”, nhưng Kiên Giang không phải mảnh đất lành để Tổng – Chủ muốn làm gì thì làm. Sau vụ đột quỵ đó, sức khỏe của Tổng – Chủ ngày càng sa sút, rất ít khi xuất hiện trước công chúng, báo hiệu những điều không lành cho toàn bộ phe “đốt lò”. 
Riêng chuyện ở thành Hồ, khoảng trung tuần tháng 11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định rằng, Tất Thành Cang sai phạm rất nghiêm trọng, phải kỷ luật thích đáng. Hiện chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm 2020, nhưng vẫn chưa thấy Sáu Cang bị suy suyển gì. 
Tuy bị mất một số chức vụ trong đảng, nhưng Cang vẫn ngồi yên ở vị trí thành ủy viên thành Hồ. Dù về bản chất, Sáu Cang cũng chỉ là “cáo mượn oai hùm”, nhưng chưa bị bỏ rơi như mấy cựu bộ trưởng Thăng, Son, Tuấn, và chủ của Cang vẫn chưa trở thành “củi”, nên Cang vẫn bình yên vô sự. 
Hai diễn biến trên có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, “lửa lò” chỉ “đốt” được mấy mục tiêu mềm. Còn các nhân vật như “đồng chí X”, vốn đã xây dựng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao ở cả quân đội lẫn công an để ngồi vững ghế Thủ tướng suốt 10 năm, hoặc như Hai Nhựt, nhân vật mà một số nguồn tin trong đảng cho rằng, sự an nguy của ông này gắn liền với Quân khu 7, thì “lửa lò” của cụ Tổng vẫn chưa bén tới. Cho nên, trong năm 2020 này, nếu thật sự phe cụ Tổng còn khả năng đốt được “khúc củi to” nào nữa thì nên làm nhanh, trước khi bị hai “con hùm” này phản công. 
Một chi tiết đáng lưu ý trong bài phát biểu của Tổng – Chủ là lời hứa sẽ tiếp tục xử lý vụ sai phạm ở nhà máy gang thép Thái Nguyên, vụ Thủ Thiêm và vụ Nhật Cường. Vụ gang thép Thái Nguyên không chỉ liên quan đến các quan chức ở trung ương, cơ quan quyền lực của đảng CSVN, nhất là Bí thư Hà thành Hoàng Trung Hải, mà còn đụng chạm đến cả Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc.
Còn vụ Nhật Cường thì quyết định sinh mạng chính trị của Chủ tịch Hà thành Nguyễn Đức Chung. Riêng vụ Thủ Thiêm thì đã bế tắc suốt 2 năm nay bởi phe nhóm miền Nam không để cụ Tổng muốn làm gì thì làm. Thực tế, chính những người muốn đất nước thay đổi cũng mong Tổng – Chủ xử lý thích đáng cả ba vụ trên, để cụ Tổng buộc phải đụng đến những giềng mối ăn sâu vào tận cùng xương sống của chế độ CSVN.  
Phiên xử thứ ba vụ cựu Phó Chủ tịch thành Hồ giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”
Theo lịch làm việc dự kiến do TAND TP HCM thông báo từ trước, vụ án này lẽ ra đã kết thúc và HĐXX công bố các mức án vào ngày 30/12/2019. Nhưng phiên xử thứ ba này chỉ kết thúc với việc các bị cáo nói lời sau cùng chứ chưa nghe tuyên án. 
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Bao giờ tuyên án cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín? Theo đó, do phần nghị án kéo dài nên HĐXX sẽ tuyên án vụ Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm giao nhà đất 15 Thi Sách cho Vũ “nhôm” vào ngày 31/12/2019. 
Trong buổi sáng 30/12, phần tranh luận đã kết thúc, đại diện Viện KSND TP HCM đánh giá, các bị cáo đều ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu GĐ Sở TN&MT TP HCM, khai nhận, đã “thực hiện đúng các hành vi như cáo trạng nhưng tất cả vì mục đích an ninh quốc phòng”.
VnExpress dẫn lời tự bào chữa của ông Nguyễn Hữu Tín: ‘Không ngờ bị kẻ khác trục lợi’. Ông Tín lặp lại quan điểm chấp nhận làm “Lê Lai cứu chúa”. Ông nói: “Bị cáo không đổ lỗi cho cấp trên, không đổ lỗi cho những tham mưu từ các bộ, sở, ban ngành. Bị cáo xin chịu mọi trách nhiệm với vai trò lãnh đạo của TP HCM vào thời điểm vụ án xảy ra”
Lưu ý, ông Tín không đả động gì đến “lãnh chúa thành Hồ” Hai Nhựt, nhưng lại nhắc đến “đồng chí X”: “Mục đích chuyển đổi nhà đất 15 Thi Sách nhằm phục vụ an ninh quốc phòng; chỉ thị của Thủ tướng nói các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, đất đai để Cục tình báo hoạt động”
VnExpress có clip ghi lại lời tự bào chữa của ông Tín:
Đến chiều 30/12, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín xin lỗi toàn thể nhân dân TPHCM, theo báo Dân Trí. Tín phát biểu: “Dù biết rằng không phải động cơ vụ lợi, an ninh quốc gia hay bất chấp pháp luật mà vì nhận thức chưa đúng khiến hôm nay phải đứng đây với tư cách là bị cáo. Tài sản lớn nhất của tôi là niềm tin của nhân dân TPHCM nhưng chỉ vì một phút hiểu sai chủ trương mà tôi đã đánh mất đi niềm tin của nhân nhân TPHCM”.
Nhìn chung, vụ này quy mô nhỏ hơn vụ Mobifone mua AVG, không có án tử hình nào trong số các mức án đề nghị, lại xảy ra trên đất của “lãnh chúa thành Hồ”, nên các bị cáo tỏ ra “biết điều” hơn hẳn so với cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son. Tín chỉ phủ nhận vai trò “cầm đầu” trong ngày xử đầu tiên, sau đó ông ta trở nên “ngoan ngoãn”, nhận hết trách nhiệm và không nói gì đến các lãnh đạo cấp cao của mình nữa, dù vụ sai phạm này diễn ra khi Hai Nhựt vẫn còn là Bí thư thành Hồ.
Chỉ có một đoạn ngắn trong phần tự bào chữa sáng 30/12, ông Tín nhắc đến “đồng chí X” để giải thích chuyện ưu ái cho “công ty bình phong” của nhóm quan chức tình báo công an. Nhưng nếu lời khai của Nguyễn Bắc Son không thể gây hại cho cựu Thủ tướng VN giai đoạn 2006 – 2016, thì lời khai của ông Tín càng ít tác động. 
Một yếu tố làm rõ tính chất “luật rừng” của phiên tòa này là sự vắng mặt của cả Vũ “nhôm” và cựu Thứ trưởng công an Trần Việt Tân. Mặc dù Vũ là người nhận “đất vàng” trong vụ này, còn Tân đã ký văn bản để thúc ép quan chức thành Hồ, nhưng đến giờ hai người này vẫn không bị triệu tập. Qua đó có thể thấy, phiên tòa này chỉ muốn xử và tuyên án nhanh các “con tốt thí”, không để lửa lan ra đến các thế lực có thực quyền ở miền Nam đã thúc đẩy các sai phạm “đất vàng”, cho thấy “lửa lò” ở miền Nam đã nguội lạnh như thế nào. 
Đồng Tâm lại nóng?
Ngày 29/12/2019, ông Trịnh Bá Phương, đại diện dân oan Dương Nội đưa tin“Chú Lê Đình Công con trai cụ Kình và các bác ở Đồng Tâm vừa điện cho tôi, nói rằng có thể ngày mai hoặc đêm nay sẽ đổ máu. Hiện lực lượng cưỡng chế trang bị vũ trang tối tân đã kéo về khu vực Đồng Tâm. Nhà cầm quyền cộng sản đã lăm le cướp đất Đồng Sênh từ tuần trước, công an liên tục có các động thái tuyên bố bằng miệng sẽ san phẳng Đồng Tâm bằng vũ lực”.
Sau đó, ông Phương cập nhật“Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an tổ chức Diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người khiếu kiện, gây rối an ninh, trật tự ở mục tiêu bảo vệ. Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo. Có thể lực lượng diễn tập này đã nhân tiện đưa quân về Đồng Tâm hòng thực hiện chiêu ‘rung cây dọa khỉ’ và thăm dò phản ứng của người dân”.
Về phía người dân Đồng Tâm, họ đã “lên kế hoạch chiến đấu và phát đi tuyên bố sẵn sàng tử chiến, chú Công con trai cụ Kình đã tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ tiêu diệt bất kỳ nhóm người nào đến cướp đất Đồng Sênh”.
_______

Phạm Nhật Vũ và tiến trình chuyển giao ‘cơ đồ’ cho ‘trọc phú đỏ’

Phạm Nhật Vũ và tiến trình chuyển giao ‘cơ đồ’ cho ‘trọc phú đỏ’


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam Investment Review

Bản án mà Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm vụ “đưa, nhận hối lộ”, “vi phạm qui định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG – vừa tuyên giống như một tuyên ngôn: Tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc và “cơ đồ” của đảng CSVN đã được đặt vào tay các “trọc phú đỏ”.
***
Phạm Nhật Vũ – người đứng phía sau chính phủ, âm thầm điều khiển nhiều bộ (từ Công an, Kế hoạch Đầu tư đến Thông tin Truyền thông,…) để có thể dễ dàng bán 95% cổ phần của AVG cho Mobifone với giá cao gấp 14 lần giá trị thật, chiếm đoạt của công quỹ 7.000 tỉ đồng – chỉ bị phạt ba năm tù (1).
Cả giới lãnh đạo đảng CSVN lẫn HĐXX Phạm Nhật Vũ đều cho rằng, ông Vũ đáng được… khoan hồng vì ngoài việc chủ động khắc phục hậu quả còn thành khẩn khai báo, khiến các viên chức cao cấp phải “nhận tội”, giúp đảng và hệ thống bảo vệ pháp luật có đủ căn cứ để xét xử vụ án đầu tiên về tham nhũng (2).
Khi khắc họa sự thành tâm và thiện ý của Phạm Nhật Vũ để giải thích cho việc tạo ra – áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” hết sức bất thường (không chỉ luật pháp chưa hề đặt định mà trong thực tế xử lý hình sự cũng chưa bao giờ có tiền lệ) đối với Phạm Nhật Vũ, có một điều mà cả giới lãnh đạo đảng CSVN, lẫn hệ thống bảo vệ pháp luật, hệ thống truyền thông chính thức cùng lờ đi: Phạm Nhật Vũ đã sản xuất như thế nào, kinh doanh ra sao để có đủ năng lực tài chính, chịu đựng cả thiệt đơn lẫn thiệt kép?
Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG là một trường hợp điển hình, minh họa cho thực trạng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bị các “doanh nhân” lũng đoạn, thi nhau bán rẻ tài nguyên quốc gia, tước đoạt đủ thứ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của dân chúng để giao cho một số “doanh nhân”, hỗ trợ những “doanh nhân” này thành các tỉ phú đô la! Không phải ngẫu nhiên mà thiên hạ gọi những “doanh nhân” hối mại quyền thế để “phá sơn lâm, đâm hà bá” giàu có “nứt đố, đổ vách” là “trọc phú đỏ”!
Không phải tự nhiên mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhiều lần thừa nhận về sự tồn tại và phát triển càng ngày càng nguy hiểm, kể cả cho đảng, của các “nhóm lợi ích” – tập hợp những cá nhân hoặc là viên chức hoặc là “doanh nhân” câu kết với nhau để chia chác tài sản quốc gia, các nguồn lợi xã hội.
Nếu trước đây, việc xử lý một số “nhóm lợi ích” luôn theo khuynh hướng tha những viên chức hữu trách, chỉ “chặt đầu, lột da” các “doanh nhân” thì nay, cách xử lý hình sự Phạm Nhật Vũ trong bản án sơ thẩm xử thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG cho thấy “gió đã đổi chiều”. Khi khối tài sản của các “doanh nhân” là “trọc phú đỏ” càng ngày càng lớn, vai trò của các “trọc phú đỏ” càng ngày càng quan trọng, gánh nặng “trách nhiệm hình sự” được chuyển sang vai các viên chức hữu trách như Nguyễn Bắc Son,…
***
Cần lưu ý thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG vốn đã hoàn tất và “tiền đã trao, cháo đã múc”, tình thế chỉ bị lộn ngược sau khi Phạm Nhật Vũ đột nhiên “tự nguyện” hoàn lại toàn bộ số tiền đã nhận, “thành khẩn khai báo” đã đưa hối lộ 6,2 triệu Mỹ kim cho Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải.
Đó cũng là lý do, tuy Nguyễn Bắc Son bị xem như nghi can hàng đầu trong thương vụ vừa kể, đảng ta vẫn phải tổ chức trao “Huân chương Độc lập hạng Nhì” cho “đồng chí” Son, nhẫn nại chờ đến khi “doanh nhân” Phạm Nhật Vũ quyết định “đổi chủ giữa dòng”, đảng ta mới khởi tố và biến “đồng chí” Son thành “chủ mưu”!
Ai cũng biết tại sao một số “doanh nhân” ở Việt Nam đột nhiên trở thành tỉ phú đô la chỉ trong một thời gian rất ngắn. Khi các “doanh nhân” loại này được hưởng “chính sách hình sự đặc biệt” như Phạm Nhật Vũ, đó chính là sự khuyến khích “đổi chủ giữa dòng” và từ nay, các viên chức hữu trách sẽ trở thành “con tin” của “trọc phú đỏ”.
Bởi tương quan giữa thế và lực của các nhóm trong đảng liên tục thay đổi, qua trường hợp Pham Nhật Vũ, việc “đổi chủ giữa dòng” mở ra một cơ hội mới, khuyến khích các “trọc phú đỏ” chủ động chọn “chủ” để hoán chuyển các “trọng tội” thành những “đại công” giới này sẽ sớm nắm giữ toàn bộ “cơ đồ”.
Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rồi hệ thống bảo vệ pháp luật, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đã cũng như đang bảo rằng, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với Phạm Nhật Vũ là cần thiết vì nhờ vậy mà thu hồi được tài sản bị thất thoát do tham nhũng. Đây là một kiểu ngụy biện nguy hiểm!
Nếu thật sự muốn chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng, tại sao từ giới lãnh đạo đảng đến giới lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ vẫn gạt bỏ đề nghị đưa “giàu có bất minh” vào bộ luật hình sự theo tinh thần của Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (3)?
Thất bại trong việc đề nghị hình sự hóa “giàu có bất minh” (điều tra – truy cứu trách nhiệm hình sự tất cả những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản của họ) khi soạn – sửa Luật Hình sự Việt Nam vào các năm 2015, 2017, một số chuyên gia pháp lý tại Việt Nam tiếp tục đề nghị xử lý các viên chức “giàu có bất minh” bằng Luật Phòng – chống tham nhũng như: Định giá phần tài sản mà viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc rồi buộc nộp thuế hoặc tịch thu sung công,… (4).
Tuy nhiên sau ba năm nâng lên, đặt xuống, tất cả những đề nghị xử lý các viên chức “giàu có bất minh” và gian dối khi kê khai tài sản đều bị gạt khỏi Dự luật sửa đổi Luật Phòng – chống tham nhũng khi Quốc hội thông qua dự luật này hồi tháng 11 năm ngoái. Nếu xác định “giàu có bất minh” là tham nhũng, chấp nhận dùng Luật Hình sự xử lý “giàu có bất minh”, chắc chắn hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam không cần đến sự “hợp tác” của Phạm Nhật Vũ. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức cũng không cần phải ca ngợi “thành tâm, thiện ý” của Phạm Nhật Vũ!
***
Nếu ngẫm cho kỹ, bản án sơ thẩm vụ “đưa, nhận hối lộ”, “vi phạm qui định về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG chỉ minh định một điều: Sau khi đã cùng nhau bán đủ thứ theo kiểu đại hạ giá, để có thể triệt hạ các “đồng chí” có lợi ích khác biệt với mình, nhằm củng cố quyền lực, những đồng chí đang ở thế thượng phong trong đảng ta tiếp tục bán cả “cơ đồ” của đảng. Đáng lo là “cơ đồ” ấy bao gồm cả vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc!
Chú thích

10 năm chơi Facebook

10 năm chơi Facebook

30-12-2019
Hôm nay ngày gần cuối năm ngồi nhìn lại mọi chuyện, tự dưng tôi chợt nhận ra mình đã chơi Facebook chẵn 10 năm. 10 năm trong cuộc đời kể ra cũng không phải là ngắn, nhưng quả thật những biến chuyển trong đời sống của tôi nhiều khi nó dữ dội đến mức đôi khi tôi quên cả thời gian trôi đi. Tôi chắc những bạn bè facebook của tôi thủa ban đầu không thể nào quên cái thời suốt ngày rình rập ở trên này chỉ để đi ăn trộm.
Vâng, một facebooker có trên một trăm ngàn follow như tôi bây giờ lúc đầu vào facebook chỉ để đi ăn trộm hoa quả trong trò chơi Happy Farm. Trò chơi nổi tiếng này đã thu hút hàng triệu triệu người trên thế giới đến với Facebook chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam. Rồi cũng như những người chơi khác, tôi dần dần khám phá ra các tính năng thú vị khác của Facebook như có thể chat, viết note, khoe ảnh cá nhân, kể chuyện với mọi người về những chuyến đi…
Tôi đến với facebook thuần tuý là như vậy chứ không hề có ý định làm người nổi tiếng, làm chuyện nọ chuyện kia trên này như các bạn đã từng biết. Nhưng rồi với khả năng kết nối không giới hạn, chính facebook đã dần biến tôi thành một người khác. Tôi được giao lưu, được học hỏi, được kết bạn và được biết tới bao nhiêu người thú vị khác trong thế giới này. Facebook cho tôi biết những điều mà tivi, sách vở, báo chí không hề nhắc tới. Và facebook cũng cho tôi cả những hiểm nguy, những thử thách… khi tôi chỉ đơn giản là thực hiện việc nói ra những điều mình nghĩ trên đó.
Vâng, nói ra những điều mình nghĩ tưởng chừng như là một việc rất đơn giản, nhưng quả thật đó là một chuyện rất nguy hiểm khi bạn sống trong một nhà nước độc tài. Bản thân lời nói chẳng thể gây hại gì cho một thể chế, nhưng nếu nó trúng ý của nhiều người, nó có thể tạo thành một hiệu ứng tập hợp số đông, để cùng làm một chuyện gì đó. Đó chính là nguyên nhân vì sao các nhà nước độc tài ghét mạng xã hội vô cùng, muốn kiểm soát mạng xã hội vô cùng, và có thể bỏ tù ai đấy chỉ vì người ta viết gì đó lên mạng.
Ở Việt Nam người đi tù vì Facebook không phải là ít. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết cho đến đầu năm 2019 thì gần 10% trong số 128 tù nhân bị giam giữ tại Việt Nam vì bày tỏ quan điểm bất đồng đã bị xử tù vì đăng bình luận chống nhà nước trên các trang mạng xã hội như Facebook.
Tôi thì cho rằng con số này còn có thể lớn hơn thế, vì rất nhiều người khi cất lên tiếng nói của mình đã bị “mời” đi làm việc, bị đe doạ, bị hành hung, bị ép đuổi việc, bị ép đuổi nhà trọ, bị ép đuổi học, bị bôi nhọ trên truyền thông nhà nước… Sau tất cả những mưu hèn kế bẩn đó mà “đối tượng” chưa chịu khuất phục thì rất có thể một cái bẫy sẽ được giăng ra hòng buộc người ta vào một tội hình sự nào đó chỉ có trời mới biết trước được.
Nhiều người bị bỏ tù như vậy, nhưng tôi cho rằng người ta sẽ không ngừng phê phán hay chỉ trích nhà nước này, bởi vì nó quá xứng đáng lãnh nhận điều đó. Hãy thử nhìn lại xem, ở một đất nước đã hoà bình hơn 40 năm mà:
– Mỗi năm, gần 100 ngàn người di cư ra nước ngoài vì lý do kinh tế
– Nước sinh hoạt bẩn
– Không khí bẩn
– Thực phẩm bẩn
– Thuốc giả, bằng giả, xét nghiệm y tế giả
– Số người chết vì ung thư năm sau cao hơn năm trước
– Giá điện sinh hoạt tăng phi mã, càng dùng nhiều càng đắt theo 6 bậc luỹ kế
– Thuế cao gấp 1,5 lần thế giới
– Năng suất lao động bằng 1/30 Singapore
– GDP đầu người thua Lào
– Tăng trưởng thấy bảo là 7% năm, nhưng mỗi năm vẫn phải vay đảo nợ quốc tế trên 20 tỷ đô la…
Cho nên, với “thành tích” như vậy thì dù nhà nước có bỏ tù dân đông cỡ nào cũng không thể bịt được mồm họ hết được đâu, nhất là khi người ta đã có facebook trong tay.
Nói thì cứ bảo phản động, nhưng tôi xin nhắc lại chuyện này để các vị công bộc của dân nhớ lấy.
Trong thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, ông Hồ Chí Minh viết:
Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta“.
Trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Sự Thật, trang 283 viết: “Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ“.
Đấy, không có 10 năm chơi facebook, thú thật là tôi sẽ không thể viết được những điều như trên đâu. Tôi không biết 10 năm tới xu hướng xã hội còn dùng Facebook không, nhưng tin chắc rằng nếu không phải là nó thì rất đen cho đội cầm quyền là sẽ xuất hiện một phương tiện giao tiếp còn lợi hại hơn nhiều.
Xin cảm ơn Facebook 10 năm qua. Xin tạm biệt 10 năm đầu được mở mắt, thông não. Và xin chào đón năm mới 2020, với những điều thú vị ở trước mắt.
Sau cùng, tôi xin được cảm ơn các bạn trên Facebook. Dù có là friend hay không, dù lộ mặt hay ẩn danh, các bạn chính là những người đã tương tác để tôi trở thành một người như ngày hôm nay.
Yêu thương tất cả!

Báo chí ở Việt Nam chỉ là cái loa của chính quyền

Báo chí ở Việt Nam chỉ là cái loa của chính quyền

30-12-2019
Khu đất Vườn Rau Lộc Hưng tại Quận Tân Bình, TP.HCM sau khi bị cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019. Ảnh: Mạng xã hội
Sự việc xảy ra với khu đất Vườn Rau Lộc Hưng có rất nhiều vấn đề đằng sau, đâu phải chỉ có vài dòng là phân định được đúng sai. Bài báo dạng này chỉ che mắt được người hời hợt.
Đất của người ta có nguồn gốc từ trước năm 1954, nộp thuế đầy đủ. Chính quyền thành phố HCM đã rắp tâm lấy mảnh đất này từ năm 2001. Họ đã ban hành 2 quyết định giao khu đất VRLH cho Công ty Sài Thành và Bưu điện TP để triển khai Dự án thương mại xây dựng nhà ở nhưng dự án đổ bể bởi giá đền bù thấp, người dân không đồng ý.
Âm mưu cướp đất thất bại lần thứ nhất.
Trước đấy, người dân ở đây đã khiếu nại và đề nghị được cấp sổ đỏ nhưng không có kết quả mặc dù họ có đầy đủ giấy tờ và lịch sử sử dụng đất.
Sự cố tình tước bỏ quyền lợi hợp pháp của người dân
Trong thông báo số 159, ngày 28/12/2018, UBND phường 6 cho biết: tháo dỡ nhà xây dựng từ ngày 1/1/2018 trở về sau, nhưng họ đã đập phá, san ủi thành bình địa 503 căn nhà với hơn 1.000 nhân khẩu, và chiếm giữ toàn bộ diện tích khu đất VRLH với 48.000m2.
Thông báo 159 là thông báo chung, không đi kèm Quyết định thu hồi đất hoặc Quyết định cưỡng chế tháo dỡ, không được tống đạt đến các hộ dân, chỉ dán ở vách tường chốt dân phòng. Thêm một hành động phi pháp. Hơn nữa, họ đã phá huỷ và thu giữ nhiều tài sản của người dân.
Đây là một sự dối trá. Đa phần nhà được xây dựng trước ngày 1/1/2018. Văn bản một đằng, hành động một nẻo.
Khi bị chất vấn thì Chủ tịch UBND P6 trả lời: chúng tôi chỉ cưỡng chế tháo dỡ nhà chứ không thu hồi đất nhưng trong thực tế là họ đang chiếm giữ toàn bộ khu đất. Người dân dựng hang đá kỉ niệm lễ Giáng Sinh thì chính quyền quận Bình Tân cho người bịt mặt đến đập bỏ, người dân ngăn lại thì bị đánh đập dã man.
Tiếp tục dối trá để lấp liếm hành động phi pháp.
Còn theo nội dung bài báo này thì người dân nào muốn “kê khai”? Họ bị cướp một cách trắng trợn thì làm sao họ có thể cúi đầu cam chịu mà nhận mấy đồng “hỗ trợ”? Rồi lại còn cho thêm dòng “không chịu trách nhiệm” đầy lưu manh và đểu cáng. Họ không cúi đầu chấp nhận bị ăn cướp thì có thể mặc sức “không chịu trách nhiệm” trong việc đàn áp, tước đi quyền lợi của họ sao?
Rất cần sự quan tâm của công luận để người dân thấp cổ bé họng có thể tiếp tục đấu tranh đòi lại công lý.
Nhóm lợi ích nào đứng đằng sau âm mưu cướp đất này? Nỗi đau Thủ Thiêm với mấy vạn người mất đất còn chưa giải quyết được, tại sao chính quyền tp HCM tiếp tục gây ra sự việc đau lòng này?

Đừng tưởng làm công dân hạng bét xứ thiên đường là dễ

Đừng tưởng làm công dân hạng bét xứ thiên đường là dễ

30-12-2019
Huỳnh Anh Tú. Ảnh: FB tác giả
Đây là chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú, sinh năm 1968, con của một cựu sĩ quan cảnh sát thời Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi miền Nam bị “giải phóng”, gia đình anh Tú cũng như bao gia đình cựu sĩ quan VNCH khác lâm vào cảnh khốn cùng. Năm 1992, gia đình anh Tú bán hết nhà cửa đi vượt biên, hy vọng sẽ bớt khổ sở hơn khi sống ở xứ thiên đường xã nghĩa. Cuộc sống tha hương tại Thái Lan bắt đầu từ đó.
Chứng kiến cuộc sống cùng cực, tủi nhục của đồng bào nơi đất khách, ba anh em họ Huỳnh là Huỳnh Anh Tuấn, Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí tham gia tổ chức Việt Nam Tự Do với mong muốn góp chút công sức nhỏ bé nhằm đổi thay đất nước từ độc tài tiến đến tự do, dân chủ.
Trong một lần về nước rải truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên đòi nhân quyền, cả hai anh em Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí đều bị bắt. Đó là năm 1999, khi anh Tú 31 tuổi và anh Trí mới 27 tuổi. Họ bị đánh đập, tra tấn trong tù và bị kết án 14 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố” (nghe kinh không?). Cùng ra toà với hai anh em nhà Tú- Trí còn có 36 người khác và mức án nặng nhất là 20 năm tù giam. Có vài người đã chết trong tù, có người mắc bệnh trọng rồi qua đời sau khi mãn án ít lâu. Đó là trường hợp của Huỳnh Anh Trí. Trí đã bị cai ngục trả thù bằng cách cùm siết cổ chân bằng chiếc cùm dính máu và thịt của tù nhân bị bệnh AIDS. Sáu tháng sau khi ra tù, Trí qua đời trong đau đớn và tủi hờn.
Khi Trí chết, cả bệnh viện lẫn công an đều gây khó khăn cho việc nhận xác em trai của anh Huỳnh Anh Tú. Họ lấy lý do cả hai người đều không có hộ khẩu, không có giấy tờ tuỳ thân chứng minh họ là anh em nên không thể đem người chết về lo tang lễ. Giằng co, cãi lý, rồi trình cả giấy khai sinh (may là còn giữ được) đã vàng ố, cũ mèm ra, họ mới phải chịu thua. Lại cũng phải nói thêm về người anh trai là Huỳnh Anh Tuấn cũng đã chết khi hai người em Tú và Trí vẫn còn ở trong tù. Nhà họ Huỳnh có đến hai người chết trong tay cộng sản.
Ra tù, không giấy tờ tuỳ thân, không công ăn việc làm, không tiền bạc nhà cửa, có lúc anh Tú đã nghĩ đến cái chết. May mắn là còn được các cha Dòng Chúa Cứu Thế cưu mang. Rồi được sự giúp đỡ ban đầu của chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Trương Minh Đức và suốt chặng đường sau này là vợ chồng anh chị Thịnh-Phượng, nên anh Tú đến ở tại Vườn rau Lộc Hưng.
Việc làm giấy tờ tuỳ thân quả là rắc rối. Muốn có chứng minh nhân dân, phải có hộ khẩu. Muốn có hộ khẩu, phải có nhà và ngược lại, muốn có nhà phải có hộ khẩu. Thôi thì ngậm đắng nuốt cay, cứ sống vậy cho qua ngày. Một thân một mình, muốn đến đâu thì đến.
Nhưng người tính không bằng Chúa tính. Thấy anh Tú hiền lành nên Chúa muốn anh kết thúc cuộc sống độc thân bằng cách lấy một cô vợ vừa già vừa xấu vừa đanh đá để không bị ai bắt nạt, chỉ một mình cô ta bắt nạt chồng. Anh Tú không có giấy CMND nên cũng chẳng thể đi đăng ký kết hôn được. Cả hai vợ chồng đều những tưởng sẽ không có con cái gì, nên tặc lưỡi: “Chả cần, Giáo hội công nhận là đủ rồi”.
Rồi niềm hạnh phúc bất ngờ đến với chúng tôi khi bé Tâm An ra đời. Khi làm giấy khai sinh cho con gái, tôi cảm nhận rõ rệt hơn bao giờ hết nỗi buồn tủi của chồng. Con bé phải mang họ mẹ và phần chi tiết về người cha bị để trống. Khi con bé được một tuổi, ngôi nhà mơ ước của chúng tôi tại Vườn rau Lộc Hưng trở thành hiện thực. Nhưng cả gia đình mới chỉ được ngủ lại căn nhà nhỏ bé, xinh xắn ấy một đêm duy nhất trước khi nó bị biến thành đống gạch vụn chỉ trong một cái dụi mắt.
Cuộc đời của chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú quả là nhiều mất mát, toàn những biến cố kinh hoàng.
Có con, chúng tôi cần phải làm giấy tờ để con gái sau này còn đi học. Và để lớn lên nó không tủi thân, ba nó cũng đỡ mặc cảm. Rồi còn đi làm, đi thuê nhà và nhiều việc khác cần đến giấy tờ nữa chứ.
Theo tư vấn của luật sư, chồng tôi lên toà án yêu cầu cấp lại bản án. Vì trong bản án có ghi rõ ràng, đầy đủ nhân thân của anh Tú. Chúng tôi đã ở ngôi nhà thuê này được gần một năm và anh chủ nhà đã đồng ý cho nhập hộ khẩu. Tôi chưa bao giờ thấy vẻ mặt của chồng mình hớn hở như thế. Tôi đùa: “Gớm! sắp được làm công dân nước CHXHCN Việt Nam nó khác, mặt vênh váo thấy ghét”.
Chồng tôi mang giấy toà án, giấy ra tù, xác nhận của công an phường 12 quận Gò Vấp (về việc tạm trú) và “Đơn xin xác nhận thường trú” lên công an phường 4, quận 8 là để xin xác nhận việc anh từng có hộ khẩu thường trú tại đây. Sau nhiều ngày chờ đợi, hôm nay chồng tôi đã nhận được “xác nhận” của công an phường 4, quận 8. Nhưng không phải là xác nhận việc anh Huỳnh Anh Tú “có đăng ký thường trú tại địa chỉ số 102, 104 đường số 10 phường 4, quận 8, TP HCM” là nơi ở trước kia của gia đình anh Tú. Mà là “xác nhận tại hồ sơ công an phường 4, quận 8 không có thể hiện đăng ký Huỳnh Anh Tú: Sinh năm 1968, từng có HKTT tại số 102, 104 Đặng Thúc Liêng (đường 10), P4, Quận 8”.
Như thế kể cũng lạ. Nếu không có hộ khẩu thường trú, thì làm sao anh Tú đi học? Khi bị bắt và ra toà, nhân danh nước CHXHCN Việt Nam, toà đã xác định Huỳnh Anh Tú có hộ khẩu thường trú (cụ thể ở P4, Q8) để kết án anh 14 năm tù giam. Rồi khi mãn án, anh cũng được yêu cầu phải đến công an phường 4 quận 8 trình diện. Và chính công an phường 4 đã ký và đóng dấu xác nhận anh Tú có đến trình diện vào năm 2014.
Bây giờ cần xác nhận là người từng đăng ký HKTT tại phường này, ông Phó trưởng công an phường 4 quận 8 lại phủi tay là sao?
Chả lẽ, làm công dân hạng bét trong cái “thiên đường” xã nghĩa này đối với anh Huỳnh Anh Tú lại khó hơn lấy sao trên trời?
Ảnh: FB tác giả

Nói không với tiêu cực trong thi cử

Nói không với tiêu cực trong thi cử

30-12-2019
Cựu Bộ trưởng GD Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Ảnh: internet
Khẩu hiệu “Nói không với tiêu cực trong thi cử” là kiệt tác của ông Nguyễn Thiện Nhân ngay khi mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguồn cảm hứng làm nên kiệt tác này do nhà giáo Đỗ Việt Khoa mang lại cho ông sau khi công khai cái chợ thi ở Vân Tảo. Chưa bao giờ lịch sử giáo dục Việt Nam sôi động như là thời điểm này. Ông Nhân được tung hô vạn tuế và giáo dục Việt Nam tưởng chừng như đã vượt cạn để sinh ra một nền giáo dục mới lành mạnh và đầy lạc quan. Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu “Nói không…” đỏ chót.
Kết quả là, ngay trong năm đó, báo chí đăng tin tiêu cực diễn ra ngay trong kì thi chuyên viên của Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rồi năm sau, tiêu cực như dịch bệnh phát tán từ Vân Tảo sang Đồi Ngô, nếu cho lộ hết thì là tiêu cực toàn quốc. Tiêu cực đến mức Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên Đào Ngọc Dung khi đi thi cũng lật tài liệu. Và kết cục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng bỏ của chạy lấy người khi mới nửa nhiệm kỳ.
Tại thời điểm sôi động nhất của phong trào “nói không”, trong một hội nghị, tôi nói: “Tiêu cực mà nói không thì ai cũng nói được. Nhưng ở đất nước này sẽ luôn có chuyện nói một đằng làm một nẻo. Cho nên hễ “nói không ” cái gì thì người ta “làm có” cái nấy!” Một người hỏi tôi: “Vậy theo đồng chí thì nên có giải pháp nào hiệu quả?” Tôi nói luôn: “Muốn chống người đi thi lật tài liệu thì hãy cho phép lật tài liệu!” Nhiều người cười ồ. Có người mắng: “Nói ngu vậy thì nói làm gì?”
Cái thời điểm đó, cách đây cũng đã vài mươi năm, toàn hệ thống giáo dục Việt Nam gần như chưa biết dạy học phát triển năng lực là gì hoặc biết một cách lơ mơ. Tôi kiên nhẫn giải thích, rằng khi người đi thi thuộc hay chép đúng như tài liệu mà được điểm cao thì hãy xem lại cách dạy, ra đề và chấm thi. Nói gọn đó là cách giáo dục nhồi sọ mà người dạy và người học đều là những con vẹt. Trong cách giáo dục đó, người đi thi muốn đạt điểm cao chỉ có thể, hoặc cố mà học thuộc bài hoặc phải lật tài liệu và chép. Tôi khẳng định, trong hai trường hợp này, đứa lật tài liệu thông minh hơn, vì sau khi trả bài là xong, não của nó không bị nhồi những thứ mà cuộc sống tương lai của nó không cần. Còn những đứa để trong não bao nhiêu thứ bị nhồi từ nhỏ đến lớn thì chỉ có thể từ ngu đến điên. Và đối với người dạy, tôi nói thẳng, nếu chấm bài học sinh trả lại giống hệt như điều mình đã dạy mà vẫn cho điểm cao thì chẳng khác nào nhổ ra rồi liếm lại, rất mất vệ sinh!
Nói đến đó, gần như mọi người cũng không hiểu gì, thậm chí còn chỉ trích tôi nhục mạ nhà giáo. Không ai làm nhục mình bằng chính mình tự làm nhục. Tôi giải thích tiếp, bằng kinh nghiệm của tôi. Tôi không bao giờ dạy theo giáo trình người ta soạn sẵn. Tôi dạy bằng chính trị thức của tôi. Và không có tri thức nào áp đặt một chiều. Người học học tư duy phản biện và hiển nhiên đề thi luôn là đề có vấn đề để người học phản biện. Phản biện mới khai phóng tri thức và đi đến sáng tạo. Đề thi của tôi luôn ghi câu: “Thí sinh được phép sử dụng tài liệu khi làm bài”. Cứ chép tài liệu xem được mấy điểm? Và với cách ấy, giám thị không phải giương mắt cú vọ soi vào tận chỗ kín của người thi một cách đê tiện!
Có vậy mà 20 năm qua trôi qua, nhiều nhà giáo vẫn không hiểu gì rồi kêu ca về tiêu cực trong thi cử. Mà kêu ca cái nỗi gì khi chính nhà giáo đi thi là chúa lật tài liệu. Trong đợt học trung cấp chính trị, khi giảng viên trường đảng hỏi lớp: “Các thầy cô muốn ra đề mở hay đề đóng?” Tôi đứng dậy nói ngay: “Đề mở!” Bất ngờ cả lớp ầm ầm phản ứng. Đại diện lớp đứng lên năn nỉ: “Thầy làm ơn ra đề cho chúng em chép tài liệu ạ!”. Tôi mắng thẳng thừng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân, thầy cô đi thi đòi lật tài liệu thì sao khi coi thi lại nhăm nhe bắt tài liệu học sinh?”
Gần chục năm nay, tôi không tham gia coi thi. Nhưng có lần tới mùa thi, tôi đi vào sân trường thấy các em sinh viên ngồi dưới ánh đèn bảo vệ lảm nhảm đọc bài như thầy chùa tụng kinh, tôi hỏi: “Sao phải học khổ sở như trong tu viện vậy các em?” Một sinh viên cho biết, cái môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê, thầy bắt học thuộc lòng cả ba chương, học mãi không thuộc thầy ạ!”
Tôi lại chợt nhớ năm tôi đi thi giảng viên chính, lúc đứng bên ngoài chờ thi vấn đáp, nhìn nhiều thầy cô thi xong bước ra vã mồ hôi, vì giám khảo đặt đáp án trước mặt và dò từng từ, thiếu từ nào trừ điểm từ nấy. Vậy thì chết tôi rồi, vì tôi chẳng bao giờ thuộc lòng cái gì, trừ phi những thứ dùng nhiều lần thì nhớ. Đến lượt tôi bước vào, bóc đề xong, chuẩn bị khoảng 5 phút là bị gọi lên. Tôi nhìn giám khảo đặt đáp án trước mặt với cây bút chuẩn bị dò theo tôi trả lời là phát ớn rồi. Không hiểu sao lúc đó tôi to gan đến mức yêu cầu thầy úp đáp án lại. Ông trố mắt hỏi vì sao? Tôi nói, thầy làm giám khảo thì chắc chắn đã thuộc bài. Thầy nghe tôi trả lời mà phát hiện ra tôi sai chỗ nào thì cứ trừ điểm vô tư!
Bất đắc dĩ ông ta phải úp đáp án và nghe tôi thao thao bất tuyệt. Xong tôi hỏi: “Thầy có biết sai chỗ nào không?” He he, biết chết liền! Ông bảo: “Anh xong rồi, ký tên và ra ngoài cho người khác vào”. Tôi không chịu ký, vì cảnh giác ông cho điểm kém nên tiếp tục yêu cầu: “Thầy cho điểm xong tôi mới ra. Điểm vấn đáp theo quy chế là phải công khai!” Lại bất đắc dĩ ông phải cho điểm. Tôi nhìn rõ ông ghi số 9. Lẽ ra phải cãi, rằng tôi không sai chỗ nào mà sao lại bị trừ một điểm. Nhưng điểm 9 là cao chót vót so với mọi người rồi nên chấp nhận và ký tên vào bảng điểm vậy!
Vụ sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn vừa tung lên mạng về tình trạng lật tài liệu phổ biến trong phòng thi, có lẽ làm cho Hiệu trưởng Đỗ Ngọc Mỹ nhức đầu và lo chấn chỉnh. Nhưng theo tôi, đối tượng cần chấn chỉnh không phải học trò mà các thầy cô. Cái gốc là phương pháp dạy học và cách đánh giá chất lượng. Không có lý do gì ở phổ thông đã cải cách dạy học theo hướng phát triển năng lực mà giảng đường đại học hiện nay vẫn là một tu viện thời trung cổ!
Kết thúc bài này, mượn lời A.Einstein, tôi khuyên các bạn sinh viên, khi đi thi nếu gặp loại đề bắt phải thuộc lòng thì không nên bỏ cuộc mà nên… bỏ thi. Khi đó, ông Đỗ Ngọc Mỹ chịu trách nhiệm.

Chuyện xưa và nay về mây đen

Chuyện xưa và nay về mây đen

30-12-2019
Ảnh: Báo NLĐ
Hồi những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước (ối giời, thế kỷ trước, nghe cứ như chuyện thời xưa, xa xôi quá), đã từng xảy ra chuyện này, tạm gọi chuyện xưa.
Khi ấy, chả biết quan hệ “Mối tình hữu nghị Việt Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, đồng chí lục đục, anh em môi răng cắn nhau thế nào, nhưng quan hệ trở nên xám xịt. Hai bên chửi nhau tố nhau còn hơn hàng tôm hàng cá, ầm ĩ như đám mổ bò. Kỹ năng bôi xấu được nâng lên thành nghệ thuật. Phe ta còn ra cả cuốn sách trắng, phô bày trắng phớ thực chất cái gọi mối tình ấy, tên “Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” do Nhà xuất bản Sự Thật của đảng xuất bản (cái logo của nhà xuất bản là ST, bọn tếu táo đùa gọi thành Sờ Ti, Sờ Tí).
Biết bao nhiêu điều giấu kín thì nay phanh phui ra hết. Ai muốn coi cuốn đó nội dung thế nào, cứ lên mạng hỏi bác Gu Văn Gồ. Tất nhiên bên Tàu cộng cũng chả vừa, sách báo đài cứ ra rả tố cáo tiểu bá Việt Nam, nào ăn cháo đá bát, nào vô ơn, nào xâm lược, về sau lại còn lôi cả ông Hoàng Văn Hoan lên đài Bắc Kinh nói suốt ngày này tháng nọ cho có vẻ người thực việc thực. Vụ này, cụ thiếu tướng đại sứ Nguyễn Trong Vĩnh là rõ, tường tận nhất, nhưng cụ lại vừa qua đời thọ 104 tuổi mất rồi, chẳng biết có để lại di cảo gì không.
Té ra các bố cứ đồng chí đồng chiếc, nhưng tinh dững cầm dao đâm nhau, càng đồng chí càng đâm tợn. Chỉ khổ dân, cả dân Việt lẫn dân Hoa.
Khi ấy, chỗ tôi ở xem như là thủ phủ số 2 của người Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn (chỉ sau khu tục gọi là chợ Lớn, chợ Bình Tây bây giờ, ở quận 6), tức phường 9 quận 5, nơi có cái chợ nổi tiếng An Đông, 90% người Hoa buôn bán tại đây. Mối tình tan vỡ, người Hoa bị rơi vào tình cảnh “đi thì cũng dở, ở không xong”, cuối cùng phải dứt áo ra đi, “thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng”. Không đi cũng chả được, chính quyền nay ép mai ép, vả lại còn tạo điều kiện cho về cố quốc, cho phép cả tàu biển của Tàu cộng vào tận cảng Nhà Rồng đón, không đuổi mà như đuổi, đuổi mà không đuổi.
Tôi hay lang thang ra vỉa hè chợ An Đông mua đồ linh tinh của họ. Họ có gì cũng lôi ra bán tuốt, rồi vài hôm sau thấy vắng bặt, biết là đã hồi hương. Cả cái quận 5, cả khu Chợ Lớn vốn đông đúc, sầm uất, buôn bán nhộn nhịp trở nên vắng ngơ vắng ngắt. Nhà của người Việt vượt biên, lại thêm nhà của người Hoa bỏ đi, nhiều lắm. Hồi ấy giáo viên như chúng tôi, nếu chịu khó làm cái đơn xin nhà, có khi còn dễ hơn cả giám đốc sở bây giờ xin. Nhưng tôi quyết cố thủ trong căn hộ 19 mét vuông rưỡi ở khu tập thể bởi ở chung nhau mới vui, vả lại mình ngự như vậy là rộng hơn gấp 3 lần so với thầy mình ngoài Hà Nội rồi. Nghĩ lại thiệt mắc cười.
Những ngày đó, cứ tối là chương trình thời sự trên tivi có chủ đề chống bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Nó gọi mình là tiểu bá, mình tố nó đại bá. Nghe riết, không muốn chơi với Trung Quốc nữa, ghét chúng thậm tệ. Rồi cứ vài ba bữa tivi lại chiếu phim tài liệu, những bộ phim về một nhà nước Trung Quốc đen tối, xấu xa, nham hiểm, tàn bạo, chuyên lừa thầy phản bạn, chuyên xâm lược nước khác. Bộ phim mà tôi nhớ nhất có cái tên thật ấn tượng, “Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh”. Thành câu cửa miệng luôn, ai cũng thuộc.
Nghe mà hãi tới bây giờ. Khi không ưa nhau thì không phải chỉ dưa có dòi mà có cả mây đen mờ mịt. Xem phim xong, mấy ông bạn tôi bảo phen này thì chết mẹ chúng mày rồi, Bắc Kinh ơi, còn bá quyền được cái cứt. Rất kinh.
Đúng 40 năm sau, tôi lại mới được nghe từ mây đen. Chuyện nay. Sáng nay, ngày 30.12.2019, tức mùng 5 tháng chạp năm Kỷ Hợi, cụ chủ tịch rất hứng khởi khi tuyên bố trước quốc dân đồng bào về mây đen. Dù cụ cho biết chỉ dẫn lại từ nhận định của tổ chức nước ngoài, nhưng chắc cái câu nịnh ấy nó hợp với cụ và những đồng chí, lại đồng chí, của cụ. Cụ bảo “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Chả biết có phải như thế không, nhưng điều rõ ràng là trước kia mây đen chỉ bao phủ bầu trời Bắc Kinh, nay nó đã loang ra toàn thế giới, rất khiếp, nhưng nó có cảm tình với ta, chỉ chừa có Việt Nam.
Lại nhớ mấy câu thơ của ông Lành: Chào 61 đỉnh cao muôn trượng/Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau/Trông bắc trông nam trông cả địa cầu”, chả có tí mây đen nào mà khổ thấy mẹ. Từ năm 1961 tới giờ đã 58 năm nhưng tư duy của các vị vẫn y nguyên chả thay đổi gì.