Bài đăng nổi bật

Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Campuchia quyết tâm thực hiện

  Kênh đào Phù Nam: Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Campuchia quyết tâm thực hiện 13/04/2024 The code has been copied to your clipboard....

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Phòng chống dịch Covid-19: Phải đảm bảo sinh mạng và sinh kế của người dân bằng tự do lưu thông hàng hóa có điều kiện

 

Phòng chống dịch Covid-19: Phải đảm bảo sinh mạng và sinh kế của người dân bằng tự do lưu thông hàng hóa có điều kiện


Lê Thân -  Vũ Trọng Khải 

Nguyên tắc tối thiểu và căn bản của văn bản pháp luật là chỉ quy định những hành vi, hoạt động bị cấm đối với mọi cá nhân và tổ chức, tuyệt đối không được quy định những hành vi và hoạt động được phép. Những hành vi và hoạt động bị pháp luật cấm vì nó gây hại cho xã hội, người dân và các tổ chức. Mặt khác, những hành vi và hoạt động bị pháp luật cấm là rất ít, thì việc cấm mới khả thi. Còn những hành vi và hoạt động không bị cấm là vô số, có lợi cho quốc kế, dân sinh. Do đó, mọi người dân và tổ chức đương nhiên được làm những gì mà pháp luật không cấm, để mưu cầu lợi ích cho mình. 

Nhớ lại thời kỳ trước đổi mới (1986), cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu và bao cấp đã tạo ra nền kinh tế nhà nước hoá. Vì thế, việc “ngăn sông cấm chợ”, hàng hoá không được lưu thông tự do theo luật định, đã dẫn đến khủng hoảng trầm trọng các hoạt động kinh tế-xã hội. Năm 1986, đại hội lần thứ 6 của đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, có sự quản lý của nhà nước, nên hàng hoá đương nhiên được lưu thông tự do theo luật định. Nền kinh tế nước ta như cái lò xo bị dồn nén lâu ngày bởi sự trói buộc của cơ chế “ngăn sông cấm chợ”, nay được tháo gỡ, bật tung ra, đã tạo nên sự khởi sắc, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Hiện nay, đất nước ta lại lâm vào tình trạng trì trệ, “tiến thoái lưỡng nan”, do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhà nước đưa ra những quy định buộc người dân và doanh nghiệp chỉ được lưu thông hàng hóa vật phẩm và dịch vụ được coi là thiết yếu cho đời sống của con người. Chuyện có thật mới xảy ra ngày 12/08/2021, một bà mẹ đi mua đồ cho con, để chuẩn bị vào năm học mới, đã viết trên Facebook: “Bước vào cửa hàng, tôi thấy cái gì cũng có, mừng hơn bắt được vàng. Bỗng nghe thấy: Chị ơi, tụi em chỉ được phép bán tã, sữa, dầu tắm, bình bú; còn tất cả những thứ còn lại bị cấm bán vì không thiết yếu”… Luật pháp không thể quy định đầy đủ, chính xác mọi hàng hoá vật phẩm và dịch vụ nào là thiết yếu của cuộc sống con người. Khi có đại dịch như hiện nay, cùng một lúc mọi giải pháp đều phải đạt được hai mục tiêu là bảo đảm sinh mạng và sinh kế của người dân. Vì thế, luật pháp cần thiết phải mở rộng diện các hành vi của người dân và tổ chức bị cấm. Bởi vì những hoạt động ấy có ảnh hưởng xấu đến việc phòng chống dịch Covid-19, gây nguy hại đến sinh mạng của người dân. Mặt khác, luật pháp cũng cần quy định những điều kiện khi thực thi một số hoạt động theo yêu cầu của ngành y tế là vaccine cộng 5K để phòng chống dịch. Luật pháp không thể quy định những hạn chế của một số hoạt động vì không thể lượng hoá được mức độ hạn chế của nó, càng không thể quy định những hoạt động nào được cho là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống thì được phép làm.

Điều 4 khoản 3 luật về giá (luật số11 /2012/QH 13) giải thích hàng hóa dịch vụ thiết yếu "là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh". Thiết nghĩ như vậy cũng quá rõ ràng, không biết người thừa hành có muốn hiểu hay không. Việc quy định những hoạt động được phép như hiện nay đã gây hậu quả nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, làm đình đốn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây tác hại nghiêm trọng hơn thời kỳ trước đổi mới, vì nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hoạt động của mỗi nông hộ và doanh nghiệp đã trở thành một mắt xích không thể thiếu của chuỗi cung ứng ở tầm quốc gia và quốc tế. Nông sản đến ngày thu hoạch không có ai mua, còn dân đô thị thì thiếu nông phẩm, giá lương thực, thực phẩm tăng 2,3 lần so với trước đại dịch. Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, phải thu hẹp hay ngừng hoạt động vì thiếu nhân công, không nhập được tư liệu sản xuất và không bán được hàng hoá do mình làm ra. Khâu vận chuyển, kết nối cung-cầu bị ách tắc. Hàng vạn công nhân không có việc làm, ùn ùn kéo về quê để tránh dịch và hy vọng tìm lại được kế sinh nhai cũ trên mảnh ruộng vốn đã nhỏ bé, manh mún. Tình trạng này thể hiện sự thất bại của chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị và chính sách an sinh xã hội, cũng như giải pháp chống dịch “3 tại chỗ”. Người dân sợ chết vì đói hơn sợ chết vì dịch Covid-19. Vì chiến lược phát triển ấy đã không biến nông dân thành thị dân một cách bền vững. Tình trạng này cũng lại gây tác hại đến hoạt động phòng chống dịch Covid -19. Nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nút thắt của vấn đề lại là việc hạn chế quá mức cần thiết các hoạt động tự do lưu thông hàng hoá, bao gồm cả vật phẩm, dịch vụ và sức lao động. Thang máy hay máy bơm ở nhà cao tầng bị hư, không có người đến sửa; xe cộ đang đi trên đường bị xịt lốp, không có dịch vụ bơm vá; điện thoại đi động luôn là vật bất ly thân của đa số người dân bị hỏng không có dịch vụ sửa chữa; doanh nghiệp và nông hộ không có vật tư sản xuất vì không có người vận chuyển; sản phẩm làm ra không tiêu thụ được vì không phải là sản phẩm thiết yếu; hàng ngàn container chứa hàng xuất-nhập khẩu nằm ở cảng không được vận chuyển; khi có đơn hàng, doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất lại thiếu vật tư và nhân công… Giải pháp nào cho nan đề này? Tự do lưu thông hàng hoá, trừ loại bị cấm, xác lập một số điều kiện lưu thông của một số loại hàng hóa, bao gồm cả vật phẩm, dịch vụ và sức lao động, theo yêu cầu phòng chống dịch. Ví dụ: phải có vách ngăn, chống giọt bắn giữa người bán và người mua để khôi phục các hoạt động của các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hoá của tiểu thương; những người vận chuyển hàng hoá hay làm dịch vụ cho sản xuất và đời sống, người lao động trong các doanh nghiệp phải được ưu tiên tiêm vaccine chống Covid-19; cần tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đã về quê trở lại nhà máy làm việc; khuyến khích các tổ chức xã hội thiện nguyện quyên góp giúp đỡ những người dân mất kế sinh nhai… Cần xác định rằng dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và lâu dài. Vì vậy, cần phải tìm những giải pháp toàn diện để sống chung với dịch mà vẫn bảo đảm sinh mạng và kế sinh nhai của người dân. Hiện nay, rất cần thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly những nơi bị dịch bệnh, tập trung lực lượng y tế cho việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, giám thiểu tỉ lệ tử vong; hướng dẫn người dân thuộc diện F1 và F0 không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ tự cách ly và điều trị tại nhà; xác lập một danh sách các hoạt động bị cấm và những điều kiện cần có cho các hoạt động lưu thông hàng hóa của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm của mỗi mặt hàng và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Hệ thống quản lý hành chính nhà nước từ trung ương tới phường, xã vừa phải thống nhất hành động trong thực thi pháp luật, vừa phải nắm bắt thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc sự phản biện xã hội của các chuyên gia và người dân, để điều chỉnh, hoàn thiện luật pháp phòng chống dịch Covid-19. 

Về lâu dài, cần xác lập lại chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị để biến nông dân thành thị dân một cách bền vững. Các doanh nghiệp FDI chỉ được kinh doanh những ngành hàng sử dụng ít năng lượng, không sử dụng người lao động phổ thông là người nước ngoài, áp dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập của người lao động, đồng thời có tác dụng lan toả, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp phụ trợ, tao thêm việc làm cho người dân. Nhà nước phải đầu tư và có chính sách khuyến khích hợp tác công-tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, dần dần xoá bỏ nhà “ổ chuột”, xây dựng các cơ sở tiện ích công cộng như nhà trẻ, trường học, bệnh viện… ở những khu công nghiệp tập trung, hình thành các đô thị nhỏ. Ở đó, mức sống của người công nhân phải cao và ổn định hơn mức sống ở quê hương họ. Người công nhân rời bỏ đồng ruộng không còn trong tâm thế sẵn sàng trở về quê làm nông dân khi có khủng hoảng kinh tế như hiện nay, không còn coi ruộng đất ở quê là vật “bảo hiểm xã hội”, khi đó họ mới sẵn sàng bán hoặc cho thuê ruộng đất dài hạn, làm cho quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi, tạo ra các trang trại gia đình có quy mô sản xuất hàng hoá lớn, áp dụng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn chất lượng khác của thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp phải đa dạng hoá các thị trường cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm của mình. “Con thỏ phải có nhiều hang, trứng không để ở một giỏ”. Đặc biệt đối với nông sản, các doanh nghiệp phải triệt để tận dụng ưu thế của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, như EVFTA v.v. Theo đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản phải nắm bắt được tiêu chuẩn sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng của từng nước để xây dựng chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam, hướng dẫn nông dân sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Việc dùng hàng rào ngăn cản sự đi lại của người dân và hàng hoá như hiện nay đã bộc lộ khiếm khuyết là vừa triệt tiêu kế sinh nhai của người dân, vừa không phòng chống dịch Covid-19 được như mong đợi.

Hiện nay chiến lược và giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ và chính quyền địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực, khoa học hơn, thực tiễn hơn. Tuy vậy, nút thắt cần được tháo gỡ bằng giải pháp tự do lưu thông hàng hoá vật phẩm, dịch vụ và sức lao động, tuân thủ các điều kiện và yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời thực hiện nhanh chóng, rộng rãi việc tiêm vaccine cộng 5K. Tuyệt đối không để một người dân nào chết vì đói trước khi chết vì dịch Covid-19.

L.T. – V.T.K.

Tác giả gửi BVN

3 thắc mắc, 2 điều mừng và 2 kiến nghị

 

3 thắc mắc, 2 điều mừng và 2 kiến nghị

Vũ Kim Hạnh

Rõ ràng là tại chính quyền...

Hôm qua hầu như báo nào cũng đưa tin: Quân đội sẽ chu lo lương thực, thực phẩm cho dân; đem 100% nhu yếu phẩm đến nhà cho dân; rồi sẽ đưa hơn 1.000 chiến sĩ quân đội, quân y và thiết bị y tế, công an vào tăng cường cho TP HCM chống dịch; rồi cán bộ, công chức TP HCM phải mặc đồng phục xanh dương ra đường; áp dụng triệt để giãn cách xã hội ....Tất cả những động thái khác thường đó đã làm cho không chỉ dân TP HCM mà cả nước đều hiểu là từ 0h ngày 23.8, TP HCM và tỉnh Bình Dương sẽ áp dụng tình trạng khẩn cấp, phong tỏa và không một ai được ra đường....

Chính vì vậy mà mới có cuộc đổ bộ xuống đường của người dân mua bằng hết lương thực, thực phẩm sáng nay như vậy. Song hôm nay, lãnh đạo TP HCM lại bảo không khẩn cấp, không phong tỏa ...Nhiều người còn không tin đó là sự thật đã nhắn tin hỏi mình...

Rõ ràng sự mập mờ trong chỉ đạo, thiếu công khai, rõ ràng cụ thể đã để xảy ra tình trạng dân hoang mang, lo sợ và cái kết là số ca nhiễm dịch hôm nay đã lên đến con số kỷ lục hơn 13.100 ca. Dân đã điêu đứng vì đói khổ và chống dịch lại còn hoang mang, dao động vì lệnh của chính quyền cứ lúc thế này, lúc thế khác...

Đừng trách dân thiếu ý thức nữa, đây rõ ràng lỗi là của chính quyền. Nếu nói dịch mới bùng phát, TP còn lúng túng, cà cuống đã đành, nhưng tình trạng dịch bệnh phức tạp và khốc liệt tại TP HCM đã gần 3 tháng nay rồi mà vẫn không có một thủ lĩnh, một chỉ huy chống dịch có bản lĩnh và quyết đoán. 

Không biết có phải do đêm qua ông Phong đi rồi nên TP HCM như rắn mất đầu hay do yếu kém có truyền thống rồi?

Trần Thị Sánh

Chào các bạn,

FB giam mình 3 ngày, mới "thả" lúc 16g chiều. Sáng nay, cách đây 8 giờ, mình đã viết bài này trên trang FB của ông Nguyễn Tấn Thọ. Vậy mà bây giờ đã thấy có những thông tin mới. Mình post bài này lên để các bạn đọc trước. Có thể mình sẽ sớm viết bài về những thông tin mới. Nhanh thật. Thay đổi nữa...

Bốn việc chính cần làm, từ 0g ngày 23/8, được thông báo là:

-Giãn cách; -An sinh; -Điều trị F0; -Vac xin

Gọi tên là 4 nhưng phải làm đồng thời.

Và hai điều nữa, nếu 14 ngày tới mà dừng, không làm gì, thì sau đó, sụp đổ kinh tế là cái chắc, tiếp tục tiêm vac xin và hỗ trợ doanh nghiệp.

3 điều thắc mắc

(1) Có gì phải nói “gượng nhẹ” cho giai đoạn áp dụng biện pháp “kỷ luật sắt” sắp tới. Thủ tướng nói: 312 phường xã là 312 pháo đài chống dịch cơ mà. Thiết quân luật, ban bố tình trạng khẩn cấp, có gì ngại. “Ai ở đâu ở đó”, vừa dài vừa không rõ nghĩa. 

(2)Thứ hai là về hai chữ: BÓC TÁCH. Quyết tâm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng? Sao không là Quyết tâm xác định và điều trị ngay F0 trong cộng đồng. Đã chấp nhận cho 40.451 ca F0 đang tự điều trị ở nhà, sao còn nói bóc tách ra khỏi cộng đồng?

(3)Sao có những điều nên minh bạch mà chưa, hoặc đã minh bạch mà còn “nửa bí mật” (như về vac xin chẳng hạn)? Lần này, chính phủ hay quân đội cứ 2 ngày một lần lên TV thông báo diễn tiến tình hình và nhắc nhở được không?

2 điều mừng

Hai việc mà tôi thấy rất cần, và rất hi vọng ở quân đội, công an mấy ngày tới là HAI VIỆC LỚN MÀ QUÂN ĐỘI CÔNG AN CẦN GIÚP CHO CHÍNH QUYỀN PHƯỜNG XÃ LÀ Y TẾ và AN SINH XH. 

Có đi sâu mới hiểu, chính quyền các phường xã hiện cũng đã quá căng thẳng và mỏi mệt rồi. Không ít chủ tịch, phó chủ tịch phường, dàn quản lý của phường đã thành F0 và chung quanh bao người là F1 phải tự cách ly khiến bộ máy cơ sở suy nhược. Vì thế, tôi mừng nếu mỗi phường xã có sự hỗ trợ của ít nhất 2 tổ công tác (mỗi tổ 3 người).

(1) Hỗ trợ an sinh. Tổ bộ đội giúp an sinh sẽ giúp chuyển lương thực, thực phẩm tối thiểu cho mọi người dân bị ngồi trong nhà. Tôi sống ở đây 70 năm rồi, chưa bao giờ bị/được ai bảo “ngồi yên đi, cơm ăn sẽ được đem đến tận nhà hàng ngày”. Dù được cho hay phải mưa, chẳng qua vì dịch bệnh thôi, chứ người SG không bao giờ mong hay quen được bao cấp khi họ còn lành lặn.

(2) Hỗ trợ y tế. TP đã lập 312 tổ phản ứng nhanh về y tế mà vẫn chưa bao quát hết nhu cầu.Tình hình nhiễm mới vẫn nghiêm trọng. Nhà có F0 là lúng túng, đầy lo âu. Giúp cho họ hành xử đúng, sao gia đình có người bệnh an tâm và F0 không tủi thân, không tiến tới tự kỷ? Chưa ai quen tình cảnh này hết. Thảm cảnh khi không được trợ giúp kịp thời rất ám ảnh. 

Và 2 kiến nghị

A. Không thể gián đoạn, dù một ngày, việc tiêm vacxin cho CN và hỗ trợ doanh nghiệp

Việc tiêm vac xin vẫn là quan trọng nhất. Không phủ nhanh và ổn thì không chỉ rối loạn xã hội mà còn sụp đổ kinh tế. Rất rõ trước mắt là nguy cơ là các doanh nghiệp công nghệ cao, khi chuyển khỏi Trung Quốc đang định chuyển vào VN thì nay đang tính lại. Mà chuyện phân bổ vac xin thì hoàn toàn không phải thẩm quyền thành phố rồi. 

Chỉ có hai tuần mà nói chuyện hỗ trợ DN làm gì, sao được? Tưởng là vậy, nhưng chúng ta đâu có bảo các nền kinh tế ÂU MỸ đang phục hồi, hãy đừng chuyển hợp đồng đi nơi khác, dừng dời chuyển văn phòng ở VN đi, hãy ráng chờ chúng tôi 14 ngày nữa hay xa hơn nữa. Nhãn tiền hơn là mất hợp đồng xuất khẩu lớn (xuất khẩu là chỗ dựa chính của nền KT chúng ta, ít nhất là cách tính GDP). Và dù theo thống kê, hơn 80% CN ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được tiêm chủng (đảm bảo cho xuất khẩu) nhưng còn số lượng cực lớn các DN bên ngoài đang lao đao vì chi phí quá lớn của “3 tại chỗ”. Thực hiện cuộc giãn cách khẩn ở TPHCM 14 ngày này, vẫn phải coi trọng hàng đầu việc tiêm vac xin và hỗ trợ tài chính cho DN mới mong chặn được đà sụp đổ các tế bào của nền kinh tế hay ngăn được đà bán tháo DN cho nước ngoài.

B. Các hoạt động thiện nguyện –người dân TP đang cứu giúp nhau- dừng hết phải không

Không có mô tả ảnh.

Hoạt động của mạng lưới thiện nguyện “hữu cơ” này (tức là rất tự nhiên, tự nguyện và được tổ chức rất hiệu quả) sẽ dừng lại hết đúng không? Nên có hướng dẫn, thả nổi thì rất ức chế.

Đến 18g chiều nay, 21/8, bằng tất cả sức lực, chường trình Vòng Tay Việt-Sài Gòn – với cam kết trao 1 triệu suất ăn cho người nghèo, muộn nhất là 15/9 phải xong - đã nhanh chóng chuyển cho người nghèo gần 100.000 suất ăn, và gần 10.000 suất dinh dưỡng cho các trạm YT phường, các bệnh viện, trong tâm trạng hối hả cố chuyển xong trước 0g ngày 23/8, khi người dân “ai ở đâu ở yên đó”. Guồng máy: đặt hàng doanh nghiệp, xác minh danh sách nhận quà, nhận hàng, đi trao tận tay người nghèo, vẫn đang vận hành. Có nghe dự báo là anh em làm thiện nguyện cũng sẽ phải “3 tại chỗ” nghĩa là đến ở luôn nơi trụ sở cũng là kho nhận hàng. Và xe tải vận chuyển hàng của DN sẽ phải xin phép từng cung đoạn đi và đến cố định, trong khi nhà máy thì "3 tại chỗ", công nhân sẽ không đến nhà máy để SX được, nhiều khả năng là doanh nghiệp đành buông tay. Ai biết rằng giới tài xế vì nhiễm, vì quá mệt với thủ tục, sự ngăn trở đã bỏ việc khá nhiều. Rồi bây giờ nữa...

Mình an ủi các bạn trẻ tình nguyện viên, thôi đành, các bạn về, tụi mình gắng chờ 2 tuần cũng nhanh, rồi mình tiếp tục. Chỉ đau lòng, nhu yếu phẩm có đây, người nghèo luôn cần khẩn cấp. Thế mà...

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

Vấn đề xét nghiệm đại trà

 

Vấn đề xét nghiệm đại trà

Nguyễn Văn Tuấn

Đối với nhiều người ngoài ngành y, câu chuyện rất đơn giản: xét nghiệm toàn bộ dân số, phát hiện người bị nhiễm, điều trị và giảm tải hệ thống y tế. Nhưng câu chuyện đằng sau của xét nghiệm đại trà không hề đơn giản như vậy, mà có thể gây ra lãng phí lớn cho dân chúng. Cần phải suy nghĩ một chiến lược khác. 

Vấn đề của xét nghiệm đại trà có thể tóm tắt như sau: (1) dương tính giả và âm tính giả; (2) chi phí khá lớn để phát hiện 1 ca; và (3) hệ quả sau xét nghiệm. Chúng ta sẽ bàn qua từng vấn đề dưới đây để thấy 'bức tranh' chung về xét nghiệm. 

1. Dương tính giả và âm tính giả

Cho đến nay thì chắc đa số chúng ta đều biết rằng không có xét nghiệm nào là hoàn hảo cả, hiểu theo nghĩa chính xác 100%. Xét nghiệm PCR được xem là 'chuẩn vàng', nhưng vẫn có sai sót. Có hai sai sót chánh (xem bảng số liệu tóm tắt): 

• Người thật sự không bị nhiễm, nhưng xét nghiệm cho ra kết quả dương tính. Đây là trường hợp 'dương tính giả'. Các xét nghiệm PCR thuờng có tỉ lệ dương tính giả khoảng 5% (trung bình), nhưng xét nghiệm nhanh [dựa vào kháng nguyên] thì dương tính giả chỉ chừng 1%. 

• Người thật sự bị nhiễm, nhưng xét nghiệm cho ra kết quả âm tính. Đây là trường hợp 'âm tính giả'. Các xét nghiệm PCR thuờng có tỉ lệ âm tính giả khoảng 13% (trung bình), còn xét nghiệm nhanh thì rất cao, có thể lên đến 50%. 

Điều này dẫn đến khó khăn cho một cá nhân là nếu họ nhận được kết quả dương tính thì chưa chắc họ bị nhiễm, vì có thể chỉ là dương tính giả. Có nhiều lí do tại sao dương tính giả, kể cả lí do con virus đã 'chết' nhưng vì PCR rất nhạy nên vẫn phát hiện nó! 

2. Bao nhiêu người bị nhiễm? 

Có cách nào định lượng sai sót dương tính giả và âm tính giả trong cộng đồng không? Câu trả lời là có, nhưng với một giả định. Giả định về số ca nhiễm thật sự trong cộng đồng. Cho đến nay, không ai biết được bao nhiêu người trong cộng đồng bị nhiễm, nhưng chắc chắn con số đó cao hơn con số chúng ta phát hiện. 

OK, vậy ước tính có bao nhiêu người bị nhiễm trong cộng đồng? Theo một phân tích mà tôi 'favorite' (vì họ dùng phương pháp tốt), thì số người bị nhiễm trong cộng đồng Âu châu dao động từ 2.6% đến 16.1%, và tính trung bình là 6.2% (làm chẵn 6%) [1]. Rất cao. 

Giản đồ dưới đây minh hoạ cho một chương trình xét nghiệm trên 10 triệu người. Với dân số 10 triệu người, chúng ta kì vọng sẽ có 600,000 người bị nhiễm (với giả định tỉ lệ nhiễm là 6% như y văn). Phương pháp PCR có độ nhạy 87% sẽ giúp chúng ta phát hiện 522,000 người dương tính, tức là chúng ta bỏ sót 78,000 người (âm tính giả). Với độ đặc hiệu 95%, PCR sẽ cho ra 5% dương tính giả, tương đương với 470,000 người. 

Như vậy, PCR sẽ cho ra 522,000 + 470,000 = 992,000 người có kết quả dương tính. Nhưng trong số này chỉ có 522,000 là đúng (bị nhiễm). Nói cách khác, cứ 100 người có kết quả dương tính, thì chỉ có 53 người là thật sự bị nhiễm, còn lại 47 người là kết quả sai. 

3. Chi phí cho cộng đồng 

Những tính toán đơn giản trên dẫn đến câu hỏi: cộng đồng sẽ tốn bao nhiêu tiền để phát hiện 1 ca nhiễm? 

Theo báo chí thì chi phí xét nghiệm PCR là khoảng 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm [2]. Nhưng nếu làm số nhiều thì chi phí chắc thấp hơn. Chúng ta thử tính dựa vào chi phí 500,000 đồng / mẫu hay 25 USD. 

Bởi vì xét nghiệm đại trà phải làm trên 10 triệu người (quần thể giả định), nên tổng chi phí là 10 triệu x 25 = 250 triệu USD. 

Với 25 triệu USD, chúng ta phát hiện 522,000 ca dương tính thật. Như vậy chi phí để phát hiện 1 ca là 479 USD, hay 9.58 triệu đồng. Tức là, người dân phải chi ra gần 10 triệu đồng chỉ để phát hiện 1 ca dương tính thật! 

4. Sau xét nghiệm 

Nhưng dĩ nhiên câu chuyện không dừng ở đó. Sau xét nghiệm dương tính lại có thể phải xét nghiệm tiếp để chắc ăn, bởi vì xét nghiệm đầu có thể chưa chính xác. Có người phải làm xét nghiệm cả 3 lần để xác định. Do đó, chi phí cộng đồng lớn hơn nhiều so với con 250 triệu USD. 

Cái giả định đằng sau là những người dương tính và xác định bị nhiễm cần được điều trị. Chương trình phát hiện 522,000 ca nhiễm, vậy câu hỏi đặt ra là hệ thống y tế có thể kham nổi con số này? 

Tuy nhiên, tỉ lệ ca nặng cần nhập viện có lẽ là 20%. Hai chục phần trăm của 522,000 ca là 104,400 ca cần nhập viện. Vẫn là một con số khá lớn cho hệ thống y tế. 

5. Một chiến lược khác 

Những tính toán trên cho thấy xét nghiệm đại trà rất tốn kém và không phải là một 'good idea'. Cần phải suy nghĩ một chiến lược khác, và tôi gọi là chiến lược 'focused testing'. Theo cách làm này, chỉ nên xét nghiệm những người mà kết quả sẽ chính xác hơn và cái 'diagnostic yield' cao hơn. Cần nói thêm rằng các phương pháp xét nghiệm, ngay cả xét nghiệm kháng nguyên, có độ chính xác cao ở những người có triệu chứng (nhưng ở người không có triệu chứng thì độ chính xác kém). Do đó, tôi nghĩ chỉ xét nghiệm những ai:

• có triệu chứng -- bất kể người đó đã tiêm hay chưa tiêm vaccine. "Triệu chứng" ở đây là bao gồm ho, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, mất vị giác, đau cổ họng, ỏi mửa, tiêu chảy, v.v. 

• có tiếp xúc với người bị nhiễm: đây là những người có nguy cơ cao, nên xét nghiệm những người này có hiệu quả hơn; 

Chúng ta có thể giả định rằng số người đáp ứng hai tiêu chuẩn trên chiếm khoảng 10% dân số giả định, tức khoảng 1 triệu người. Do đó, tập trung vào các nhóm này sẽ giúp giảm gánh nặng về chi phí cho cộng đồng mà còn giúp gia tăng hiệu quả của tầm soát. 

Thật ra, những bàn luận trên đây trở thành vô nghĩa khi biến thể Delta hiện diện. Biến thể Delta có hệ số lây lan lên đến 6-7, thì từ ý tưởng miễn dịch cộng đồng đến xét nghiệm đều vô nghĩa. Nói như Giáo sư Andrew Pollard (người sáng chế vaccine AstraZeneca) thì xét nghiệm đại trà đối với biến thể Delta là vô nghĩa [3] và không có cách gì để ngăn chận con virus này trong cộng đồng. Chúng ta phải chấp nhận và điều chỉnh để sống chung với nó thôi. 

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

[1] https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rsos.200909

[2] https://tuoitre.vn/gia-mot-lan-xet-nghiem-covid-19-theo...

[3] https://www.telegraph.co.uk/.../delta-variant-has-wrecked...

Bàn với TBT Nguyễn Phú Trọng về hai chữ DANH DỰ

 

Bàn với TBT Nguyễn Phú Trọng về hai chữ DANH DỰ

Nguyễn Khắc Mai

Gần đây, trong cuộc họp Chính phủ, TBT Nguyễn phú Trọng đã có bài phát biểu dài và có những ý quan trọng. Vì tôi cho là quan trọng nên muốn góp với anh vài ý mọn. 

Vấn đề Danh Dự như anh nói theo tôi đúng là quan trọng rồi, vì nó cần thiết cho mỗi người Việt và cố nhiên cả nhân loại để biết sống trên/trong cõi đời này. Hơn nữa lại rất cần (như mong ước của Dân tộc, nhưng không chắc có là mong ước của những người cầm quyền lớn bé hay không). Vì có những người cộng sản hiện nay không cần danh dự vì thế vấn đề càng trở nên cấp thiết. 

Tôi nhớ, anh đã từng mời tôi hợp tác trong đề tài: Luận cứ khoa học để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong thời kỳ mới. Bấy giờ tôi đã góp với anh nhiều ý gay gắt mà anh cũng đồng tình. Ví như tôi đã trình bày rằng chính sách tiền lương không những lạc hậu mà còn là tội ác. Tuy nhiên khi về đánh máy bản tham luận để nộp, tôi nghĩ không nên ác khẩu, nên đã sửa lại là tội lỗi. Có vẻ như anh cũng đồng tình nên đã ghi lại ý này trong sách của anh xuất bản. 

Bây giờ xin đi vào mấy ý. Câu nói của anh mà tôi chú ý: “Những ai có tư tưởng này thì dẹp sang một bên, cho người khác làm. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. ”

Cái gọi là “tư tưởng này” là tư tưởng sống, làm việc, lãnh đạo chẳng cần chú ý đến danh dự làm gì, mà bây giờ anh hốt hoảng la trời lên, thôi rồi, nó đâu rồi, sao lại để trở nên thảm hại như vậy! Bây giờ thấy mà kêu lên cũng tốt nhưng vô nghĩa. Cái chính là phải hiểu nó là gì, không phải chỉ hiểu cảm tính, mơ hồ đại khái mà phải nghĩ được như đức vua Trần Nhân Tông trong bài Cư trần lạc Đạo phú khẳng định rằng: “Cùng nơi ngôn cú”, nghĩa là trong câu chuyện của tư duy khoa học, tư tưởng, triết lý (ngôn cú) thì phải đi cho đến tận cùng của cả hai chiều, đầu ngọn nguồn và cuối cùng của cứu cánh, kết quả, kết thúc… Như vậy, danh dự nghĩa là gì, danh dự của ai, ở đây anh muốn nói đến danh dự của người cộng sản, hơn nữa là của đội ngũ công chức công bộc trong Chính phủ từ anh Trưởng phường cho đến anh Thủ tướng. 

Làm gì để hình thành danh dự, để nuôi dưỡng danh dự, để không đánh mất danh dự. Lại còn là vấn đề danh dự của một người, danh dự của một cộng đồng, như của một chính đảng chẳng hạn, một dòng họ, một doanhnghiệp… một dân tộc. Danh dự của một người là quan trọng mà của một chính đảng như Đảng Cộng sản VN, hơn nữa của cả Dân tộc lại còn quan trong gấp bội. Làm sao mà lãnh đạo ngót cả trăm năm lại để cho Đảng Cộng sản rớt giá thảm thương như vậy, để cho dân tộc này phải cắp rá ăn xin như thời VNDCCH, phải đi làm ô-sin khắp chốn như hiện nay. Đâu rồi danh dự của dân tộc? Đâu rồi danh dự của đảng? Ai làm mất? ai đánh mất? ai không biết giữ gìn? Tội lỗi đầy mình. Tôi có cảm giác như anh chưa đủ một sự sám hối. (Nam mô cầu sám hối Bồ Tát). 

Bàn về danh dự của đảng, của dân tộc xin để sau. Bây giờ nói tới danh dự của một con người đã. Danh dự là gì? Trong những từ và tự điển mà tôi biết thì dự, trong danh dự có nghĩa là tiếng khen. Nó là sự thẩm định của xã hội đối với một người. Danh dự không có cao thấp, mà chỉ có sắc thái khác nhau. Như danh của anh là Trọng lại là TBT, còn tôi là Mai, là ông già về hưu nơi Ô Đồng Lầm Hà Nội. Chỗ khác nhau là anh có chức tước, tôi thì không. Không có cao thấp, nhưng có khác. Vì anh phải mang thêm cái danh dự của Tổng bí thư. Nếu cứ để đảng suy đồi như hiện nay, để xã hội suy thoái, để hệ thống công quyền cả gan biến thành tư quyền mà dân không làm gì được thì danh dự TBT đã mất (không phải sẽ). 

Đúng như anh nói danh dự là cao quý là thiêng liêng. Nó là cái phẩm giá của một con người. Ông cụ Hồ thế mà dí dỏm từng nói “đừng tưởng cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà khiến người ta sợ”. Bây giờ thì người ta vừa sợ vừa khinh. Hệ thống xã hội mới của ta quá nhấn cái danh mà thường bỏ quên cái thực. Nào là nhân dân nào ưu tú, nào anh hùng nào chiến sĩ, loạn cào cào…Danh dự là cái chiều sâu lặn bên trong như cái gen của văn hóa, nó như cái cốt sắt của bê tông (Nhưng ở Việt Nam và Trung Hoa lấy tre làm cốt). Có lần tôi phê bình Trường Nguyễn Ái Quốc, ở đây không dạy đạo đức. Họ cãi, họ đã dạy trong hình thái ý thức xã hội. Tôi bảo không đúng và không đủ. Phải dạy đạo đức công vụ, nghề nghiệp, đạo đức lãnh đạo, đạo đức kinh tế… Người xưa rất coi trọng cái thực chất. Khi tôi về làng Tó Tả Thanh Oai, vào thắp hương nhà thờ cụ Ngô Thì Trí, em ruột cụ Ngô Thì Nhiệm, thấy câu đối: “Hương lý xưng thiện nhân tư vinh túc hỹ. Gia trung hữu hòa hiếu hà lạc như chi. ” Nghĩa: Làng xóm khen là người tử tế, vinh dự ấy đủ rồi. Trong gia đình hòa hiếu thì có niềm vui nào hơn. 

Nó là cái gen lặn của văn hóa. Anh nói đúng, đừng thấy đỏ mà tưởng chín. Xã hội ta hiện nay rất đỏ, đỏ lòm mà văn hóa, đạo đức nhất là văn hóa đạo đức của giới lãnh đạo lại rất sống sượng! Làm sao nó có thể là rường cột của nước nhà được đây! Phải tìm danh dự trong văn hóa. Mà xây dựng văn hóa không thể một sớm một chiều, nhất là muốn hô khẩu hiệu, nói đạo đức suông mà được. 

Bây giờ phải lần tìm những cái duyên, tìm cho ra cái nhân mới biết cái quả đắng mất danh dự từ đâu. Người Nga quả không đến nỗi lú. Họ từng chủ trương Perestroika, làm lại. Nhưng hóa ra không đơn giản như vậy. Ta hô hào Đổi Mới, nhưng trống xuôi kèn ngược, nửa vời, tiếng kèn ngập ngừng. Ví dụ nhãn tiền là sự cố ở Đại học Duy Tân. Nói là duy tân nhưng hành xử rất hủ lậu. Duy tân hành xử, nhưng bàn tay thọc vào chỉ đạo là ở nơi khác. Ông Thủ tướng mới thì hô hào ở Chính phủ phải tôn trọng phản biện, lắng nghe ý kiến nhân dân, mà một cô giáo chỉ nói đôi điều cảm khái về chính sách an sinh liền bị đuổi dạy. Đáng trách là các anh không có ai lên tiếng điều chỉnh cái thói xấu bảo hoàng hơn nhà vua ấy. Cũng là chuyện danh dự cả thôi. Trong trường hợp này ít ra là các anh đã lạc hậu đến ba ngàn năm. Nhân vì cái Cô Vy chết giẫm mà tôi phải trói chân ở nhà, bèn nhớ lời Nguyễn Trãi, Cấp giản, phanh trà  độc cựu thư. Tôi không có nước suối để pha trà, mà hứng nước mưa ở đợt sau để có nước không bị a xit mà phanh trà và đọc sách xưa. Sách Đông Chu liệt quốc có chuyện Thương Ưởng giúp Tần Thủy Hoàng dùng luật pháp để trị dân. Để cho dân tin là ổng làm thật, ổng bèn lập mẹo cho để cây gỗ lớn ở cửa bắc và yết, hễ ai vác nó sang cửa phía nam sẽ được thưởng lớn. Một người thử vác xem sao. Quả nhiên ông thưởng cả chục lượng vàng. Dân tin ông nói được làm được, biến pháp được thi hành. Nếu các anh không có ý kiến lại, không ai tin những gì các anh nói. 

Những thế hệ đảng viên làm cán bộ, làm công chức lớp sau này, họ lại tham lam tàn nhẫn như vậy, trở thành cả một bầy sâu, cái gì cũng ăn. Mà cái ăn bẩn thỉu nhất, đồi bại nhất, thất đức nhất, là ăn chính trị, ăn thể chế, ăn ghế, ăn quyền lực. Ngày xưa vua Việt vương Câu Tiển phải ăn cứt của Ngô Phù Sai là để trả thù, tìm cách giành lại nước, nay tuy ăn những thứ sang như chức tước bí thư chủ tịch, viện trưởng nghị sĩ… nhưng lại là giúp Tàu cộng làm suy đồi đất nước ta để chúng dễ bề thao túng. 

Anh nêu hai ý mà tôi thấy đúng và tâm đắc. Một là phải chăm lo cho cái danh dự của đám quan chức to nhỏ khác nhau của đảng. Có làm được hay không là chuyện khác. Nhưng nói như Lỗ Tấn, hy vọng giống như con đường cứ đi khắc thành đường. Nếu anh không vãn hồi được, cứ giao cho Dân, vì khó vạn lần dân liệu cũng xong. Đây là ý trong một câu vè của Thanh Tịnh làm ở Quảng Bình, cụ Hồ dùng lấy thành ra của cụ. 

Phải thay đổi thể chế. Phải có một thể chế Dân chủ để Dân được là chủ, họ sẽ biết cách buộc đám quan lại mất tư cách phải đi tìm danh dự để làm việc, nếu không tôi sẽ đuổi anh ra một bên, để người khác làm. Đây là điều thứ hai mà tôi khen anh, anh đáng được như vậy. Trong tiếng Pháp chữ danh dự có nguồn ý nghĩa từ chữ digne, đáng giá, đáng được (khen ngợi, xưng tụng). 

Cái câu anh nói “Dẹp sang một bên cho người khác làm” tôi cho là một thông điệp, một tuyên bố, phải biến nó thành một chủ trương, thành đường lối chính trị, chớ để nó chỉ như là một khẩu hiệu dân túy mị dân!

Đánh động vấn đề danh dự, lo cho cái danh dự, bồi dưỡng, giữ gìn cái thiêng liêng quý báu nhất. Đúng rồi. Anh không tìm được danh dự để làm việc, anh tự gạt mình ra, mà thể chế mới của Dân, sẽ sẵn sàng dẹp anh sang một bên cho người khác, là những người biết quý trọng danh dự của mình, còn biết trọng cái danh dự của đảng của nhà nước của Nhân dân. Hay lắm, thật digne để bàn để khen ngợi. 

Như ông Liệt-ninh (Lenine) nói Que Faire*, Làm gì?

Ở tầm xa, chiến lược phải sửa sang cái văn hóa, coi trọng nó, nuôi dưỡng nó, chấn chỉnh nó. Phải thay đổi cái tư duy cái não trạng sai lầm méo mó về văn hóa. Cái tinh túy, cái chất tủy của văn hóa phải nằm trong phương châm bốn chữ: Chân, Thành, Tín, Mỹ. Cả bốn yếu tố này trong mọi bình diện văn hóa hiện nay đều bị vi phạm. Trong chính trị, trong kinh tế, khoa học giáo dục, đạo đức lối sống xã hội, gia đình, cả trong tôn giáo, nhiều điều của chân, thành, tín mỹ đều bị xáo trộn. Không phải ngẫu nhiên mà cả dân gian cả trí thức đều lo phiền. Dân gian thì “chúng ta đang ở vào thời kỳ văn minh đồ đểu...”, còn nhà thơ thì “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”. 

Trong tầm gần, mà cũng có ý nghĩa chiến lược là phải gấp gáp sửa đổi thể chế. Các anh đang bàn để sửa đổi một số luật, như sửa luật đất đai, một hệ thống những văn bản luật pháp về một lĩnh vực thiết cốt của dân mà thất đức, vô đạo, kéo dài, gây biết bao tội lỗi, oan khiên chết chóc, thiệt hại dân nước vô kể. Liệu nay có dám làm cho tử tế hay không. Chớ để bị chê là hời hợt, như nhận xét của những giáo sĩ phương Tây vào thế kỷ XVII ghi chép rằng: “Người Đàng ngoài (Bắc Việt) vốn có tính hời hợt”**. Hãy xác định cho rõ sửa luật đất đai để làm gì? Phải nhận thức cho rõ: Để Lập Quyền Dân trên lĩnh vực này! Chính ông Mác cũng nói: luật pháp để cho có luật pháp là vô nghĩa. Còn Hồ Chí Minh khi còn trên Việt Bắc từng nói “Ngày nay tư pháp là chuyện làm người và ở đời! Tư pháp của mình có quá nhiều những chuyện áp bức con người và chà đạp cuộc đời”. 

Còn “Dẹp sang một bên cho người khác làm”, không chỉ kêu gọi họ, mà là một đạo luật mới chấn chỉnh hệ thống tổ chức công quyền và đội ngũ quan lại công chức. Hãy rút từ quỹ dự trữ một số ngân sách, thiếu thì đi vay thêm để thực hiện chương trình cải tạo lại hệ thống công quyền và đội ngũ công chức. Theo đánh giá của giới nghiên cứu và của xã hội, thì có 30% công chức vô tích sự họ gọi là ngồi chơi xơi nước, có 30% nói là có việc cũng được mà không cũng được. Như thế 30% này chỉ tính ½ là có làm việc. Tống lại chỉ có khoảng 50% được gọi là hữu hiệu. 

Trong những cái hư hỏng cũ kỹ mà Hồ Chí Minh nói trong di chúc, thì hư hỏng cũ kỹ về sự lãnh đạo của đảng là phải đáng quan tâm hàng đầu. Các anh cũng mường tượng ra rằng “kinh tế là trọng tâm. Xây dựng đảng là then chốt”. Nhận thức thế, mà làm thì chớt chát, hình thức, đặc biệt là cái tâm thức về mục đích là không chính xác. Dường như chỉ nhăm nhăm củng cố quyền lực, địa vị của mình cho lâu dài (vạn tuế, muôn năm), mà quên đi cái lý do tồn tại của một chính đảng của dân tộc là ở chỗ, như ông cụ Hồ nói là để phụng sự dân tộc. Lại nói, lý do tồn tại của một chính đảng cách mạng là ở chỗ Lập Quyền Dân. Nhân tiện nói luôn về A Phú Hãn. Một chính quyền thối nát, tham nhũng lý do tồn tại là chỉ vì mình, thì quân đông, vũ khí hiện đại, cũng sập tiệm. 

Hai bậc tiền bối Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh từng nói với nhau: “Giành được Độc lập rồi mà Dân không có quyền cũng vô nghĩa”. Sau này Hồ Chí Minh cũng mượn ý ấy để nói: “Có độc lập, thống nhất mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì cũng vô nghĩa!” Một chính đảng lãnh đạo ngót trăm năm, mà không xây dựng nổi một chính quyền thật sự của dân do dân vì dân, một chính quyền dân chủ, văn minh văn hóa, tinh gọn và hữu hiệu, digne là rường cột của nước nhà, là nhạc trưởng, chứ không phải kẻ cầm gậy chỉ huy, công cuộc Phục hưng Dân tộc, là có công hay có tội chắc anh cũng đồng tình với tôi. 

Vì thế tôi hoan nghênh anh đặt vấn đề khôi phục cái Danh dự của đảng cầm quyền, của hệ thống công quyền, trước mắt là của đội ngũ những nhà lãnh đạo cao thấp là đảng viên đang giữ những chức vụ lớn nhỏ. 

Hãy làm như khi anh chưa ngồi vào bất cứ ghế quyền lực nào, đi kiếm một kinh phí rồi hợp đồng với chúng tôi xây dựng một Đề án: “Đi tìm danh dự bị đánh mất cho đảng cầm quyền, cho hệ thống công quyền và công bộc của nước”. Chúng tôi sẽ mời các anh cùng tham gia, mời cả anh chị em ở nước ngoài. Sẽ lập một hội đồng đủ tư cách để thẩm định, và nhất định có mời nhân dân tham gia trưng cầu ý kiến. 

Vấn đề “Saisire le Pouvoir”, Karl Marx có câu nói rất hay, không biết anh đã đọc chưa, tôi xin thưa với anh, Mác đã trao đổi với Bakounine: “Một khi giai cấp vô sản nắm đươc chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một thể chế ủy trị, để cho một nhóm người tự ứng cử và tự bầu cử, nhằm đại diện và cai trị họ (G/C vô sản). Ngay lập tức, họ (gc vs) sẽ rơi tõm vào sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ tỉnh dậy, thấy mình là: nô lệ, con rối và là con mồi cho những tham vọng mới”. Tôi đọc câu này trong quyển Marx sa vie et son oeuvre của Jean Eleinstein, nhà Fayard Paris xuất bản

Ông K. Mác đã tiên đoán cái chính quyền vô sản sẽ đánh mất danh dự như thế nào, từ cuối thế kỷ XIX, trước khi chính quyền Xô viết được thiết lập, rồi chính quyền các nước XHCN Đông Âu, chính quyền cộng sản Trung Hoa, Việt Nam, Cu Ba v.v. ra đời!

Danh dự không dễ bồi dưỡng, nhưng không phải khó tìm. Phật dạy “quăng bỏ dao thì thành Phật”. Bỏ ngay cái hư hỏng cũ kỹ nhất thì có thể tức khắc khôi phục được danh dự. 

Trong bài Kê Minh Thập Sách, của bà Phi hậu của vua Trần Duệ Tông, mà tôi cho là minh triết Trị nước An dân (anh cũng nên tìm đọc, đây là lời dạy của tiền nhân để làm vua, làm chính khách), có sách thứ sáu: “Nguyện cầu trực gián, lệnh thành môn dữ ngôn lộ tịnh khai. ”(Xin cầu lời nói thẳng khiến cho cửa thành và đường ngôn luận đều rộng mở). Kỳ lạ, người xưa đã nói ngôn lộ (con đường ngôn luận!). Ở lời kết luận Bà viết: “Phục ký sô nghiêu chi quảng nạp. Thiện tất hành, tệ tất khử. Đế niệm kỳ tai. Quốc dĩ trị, dân dĩ an, thiếp chi nguyện dã”. Mong những lời quê mùa (sô nghiêu, là lời kẻ cắt cỏ chăn trâu) được rộng lượng dung nạp. Điều tốt thì giữ lấy để thi hành, điều dở thì bỏ đi. Chỉ cốt là nước được thịnh trị dân được an vui, đó là ý nguyện của thiếp. 

Tôi cũng mong mấy lời “sô nghiêu” của kẻ già sắp tới ngã rẽ vô Văn Điển, sẽ ngồi trên nóc tủ nhìn “gà khỏa thân” cũng sẽ được quảng nạp. 

Kính chúc anh đặng bình an trong mùa Cô VY. 

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

Covid 19 vẽ lên bộ mặt những người quản lí xã hội

 

Covid 19 vẽ lên bộ mặt những người quản lí xã hội

Phạm Đình Trọng 

Một trong những điều khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa nhà nước dân chủ và nhà nước cộng sản là nhà nước dân chủ quản lí đất nước và xã hội bằng luật, còn nhà nước cộng sản quản lí đất nước và xã hội bằng lệnh. 

Quản lí xã hội bằng luật tạo ra hành lang quyền hạn rộng rãi và rành mạch cho người dân tự làm chủ bản thân và làm chủ đất nước, đồng thời tạo ra hành lang trách nhiệm rất rõ ràng, chặt chẽ với người quản lí xã hội. 

Nhà nước quản lí xã hội bằng luật, quyền làm chủ đất nước của người dân ghi trong luật được thực hiện triệt để. Người dân được thực sự tư do ứng cử và bầu cử. Hiền tài trong dân được phát hiện và bằng lá phiếu bầu cử tự do dân chủ, người dân đặt hiền tài vào vị trí xứng đáng quản lí đất nước và xã hội. Nhờ vậy đất nước phát triển mạnh mẽ, xã hội tốt đẹp, bình yên. 

Đất nước Israel thiếu từ giọt nước ngọt. Đất nước Nhật Bản nghèo từ hòn đất dưới chân. Bốn phần năm đất đai là núi nghèo tài nguyên lại có độ dốc lớn, khó phát triển nông nghiệp, khó xây dựng hạ tầng công nghiệp và khó cư trú, người dân phải dồn xuống dải đất hẹp ven biển thường xuyên có động đất và sóng thần. Khó vậy, chỉ nhờ những tài năng quản lí đất nước và xã hội đã đưa Israel và Nhật Bản trở thành đất nước phát triển thần tốc đến giầu mạnh. Người dân ở vùng nào trong nước cũng có mức sống khá giả và cuộc sống ổn định, không phải lang bạt đi kiếm sống nơi khác.

 

Quản lí xã hội bằng lệnh dành cho cấp được ra lệnh nhiều lợi ích và không đếm xỉa đến quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước của người dân, không đếm xỉa đến luật pháp. Điều gì khó quản lí với nhà nước cộng sản, nhà nước liền ra lệnh cấm, đẩy cái khó cho dân, bất chấp quyền con  người, quyền công dân của người dân.

Quản lí đất nước và xã hội bằng lệnh đã thu hẹp hành lang trách nhiệm gần bằng không và mở ra hành lang quyền hạn không giới hạn của những nhà quản lí, những quan cai trị. Các loại lệnh: nghị quyết, nghị định, thông tư, chỉ thị là ý chí của quan cai trị. Chữ kí và con dấu trong tay quan cai trị. Muốn lệnh gì có ngay lệnh đó. Bằng các loại lệnh, quan cai trị đã tự cho mình những đặc quyền, đặc lợi vô cùng lớn. Đặc quyền đặc lợi lúc đương quyền. Đặc quyền đặc lợi lúc nghỉ hưu. Đặc quyền đặc lợi cả khi đã chết. Đặc quyền đặc lợi từ đời cha đến đời con. Một bà lên quan ở thành Hồ nhờ có bố là bí thư tỉnh uỷ đã hợm hĩnh và lếu láo phán rằng: Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân! 

Chưa bao giờ câu ca dao ai oán trong dân: Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa, lại hiển hiện ở khắp nơi khắp chốn như hiện nay. Vua bố Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra một thời quốc nạn tham nhũng, tạo ra cả một trận bão tham nhũng kinh hoàng kéo dài suốt hai nhiệm kì, mười năm, tàn phá đất nước hơn cả mười năm chiến tranh. Chiến tranh chỉ tàn phá những giá trị vật chất. Vua tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng tàn phá từ bộ máy nhân sự giường cột quốc gia, tàn phá giá trị đạo đức, tàn phá giá trị vật chất, tàn phá giá trị văn hoá đến tàn phá cả tình cảm và lòng tin của người dân với nhà nước cộng sản. Nguyễn Tấn Dũng về hưu, luật pháp mới dám đụng đến bộ sậu nội các tham nhũng Ba Dũng để lại và lần lượt gọi tên đám bộ sậu tham nhũng của Ba Dũng ra toà, nhận án tù. Nhưng vua tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng vẫn bình an, vô can và vô tư đặt con lên bệ phóng quyền lực để con lặp lại con đường công danh tội lỗi của vua bố. Vua con trị nhậm ở Kiên Giang, đất vàng của nước, đất sống của dân bị xâu xé trở thành tài sản của quan chức đỏ và tư bản đen, vua con vẫn thăng tiến về kinh đô ngồi ghế Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Hồng phúc của dân đó! 

Những người quản lí đất nước như vậy, làm sao đất nước không nghèo, làm sao dân không phải trôi dạt từ Bắc vào Nam, từ rừng xuống biển kiếm miếng ăn từng bữa! 

Không biết đến pháp luật, không biết đến người dân, quản trị quốc gia bằng lệnh là hành lang tiến thân thần tốc và an toàn cho những quan chức chỉ có dòng dõi nhà quan, cho những quan chức được cơ cấu và cho những quan chức chỉ biết chạy chọt luồn lách mà không có năng lực và nhân cách. Những ông quan chỉ để vinh thân phì gia đã chiếm hết chỗ của hiền tài trong dân muốn được mang tài năng giúp nước. Đất nước mãi mãi trì trệ, càng ngày càng tụt lại phía sau trong tiến trình đi tới của thế giới. Người dân cứ trôi dạt vô định. Nay đến thành Hồ làm thuê, mai đến khu công nghiệp Bình Dương làm mướn, sống lay lắt, vật vờ cho qua kiếp người. 

Quản lí đất nước và xã hội bằng lệnh, người dân chỉ còn là bầy cừu, không còn là những công dân có trách nhiệm với quốc gia. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” chỉ có ở thời phong kiến những thế kỉ xa xưa mà thôi. Thời cộng sản độc tài quản lí xã hội bằng lệnh thì đừng mơ thất phu hữu trách. Người dân dù là hiền tài cũng chỉ là những con cừu tội nghiệp. Quan tham và ngu cứ mặc sức lộng hành. Đất nước cứ gian nan. Dân đen cứ nghèo đói dài dài, cứ lưu vong ngay trên đất nước mình từ đời cha đến đời con, từ đời ông đến đời cháu! 

2.  Nhờ có những thuận lợi tự nhiên, không những là trung tâm kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế và giao thương của Đông Nam Á và thế giới, thành Hồ đã thu hút được vốn liếng, công nghệ và nhà đầu tư của cả nước và cả thế giới. Nhờ vậy thành Hồ là nơi tạo ra nhịp sống mạnh mẽ năng động, tạo ra việc làm, tạo ra hàng hoá dồi dào cho thị trường cả nước và thế giới, tạo ra việc làm ăn, buôn bán dễ dàng nhất trong nước. 

Nước nào cũng có những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi và những vùng sự sống khó khăn nhưng có hiền tài quản lí đất nước vẫn tạo được thế mạnh kinh tế cho vùng đất nghèo khó để ổn định dân cư. Người dân nơi khó không phải bỏ đi nơi khác. Nevada là vùng đất sa mạc khô cằn và vách đá trần trụi không có mầu xanh sự sống của nước Mỹ. Hiền tài nước Mỹ đã xây dựng trên sỏi đá khô cằn và giữa những vách đá sừng sững hùng vĩ những lâu đài, những sòng bạc, vũ trường lung linh ánh sáng, biến mảnh đất nghèo thành trung tâm giải trí, trung tâm lạc thú không phải chỉ của nước Mỹ mà của cả thế giới. Người có đồng tiền dư giả trên khắp thế giới tấp nập tìm đến đổ tiền vào mảnh đất nghèo của nước Mỹ mua vui thâu đêm và mảnh đất Mỹ không có sự sống đã viết lên cái tên của sự giầu có, phong lưu, ăn chơi lịch lãm nhất thế giới: Las Vegas. 

Las Vegas trở thành chốn xả hơi nghỉ ngơi, giải trí. Vách đá, thác nước và địa hình gập ghềnh sỏi đá nghèo sự sống nhưng kì thú của Nevada trở thành nơi du lịch và khám phá cho cả thế giới tìm đến. Người giầu từ mọi miền đất đến Las Vegas bước ra khỏi ánh sáng Las Vegas là đến kì thú Nevada. Người dân Nevada không phải lang bạt từ miền Tây sang miền Đông nước Mỹ đến trung tâm thương mại New York, đến thành phố cảng Chicago kiếm việc làm mà có việc làm, có thu nhập cao ngay ở mảnh đất sỏi đá khô cằn Nevada nơi họ sinh ra. 

Không ảo tưởng hão huyền, không lạc quan địa lí rừng vàng biển bạc vẫn có thể khẳng định rằng Việt Nam có điều kiện tư nhiên thuận lợi cho sự sống con người hơn nhiều nước trên thế giới, hơn Israel, hơn Nhật Bản. Đất nước nơi nào cũng xanh tươi sự sống, nơi nào cũng non xanh nước biếc. Nơi nào cũng có thế mạnh kinh tế riêng và nơi nào dân cũng có sức lao động sáng tạo mạnh mẽ và bền bỉ phi thường. 

Nhưng hiền tài trong dân không được sử dụng. Con người quản lí đất nước và xã hội không phải là hiền tài của nước mà chỉ là quan chức chính trị chay của đảng do đảng cơ cấu, đặt lên ghế cai trị, do đảng phân chia cho đám thái tử đảng từ trung ương tới địa phương. Bất tài, quan quản lí đất nước và xã hội chỉ biết hành xử theo lệnh, theo nghị quyết. Cúi đầu vâng dạ theo lệnh trên và lạnh lùng, quyết liệt ban phát lệnh cho dân. Đám quan chức cơ cấu không có năng lực sáng tạo, làm quan chỉ để vinh thân phì gia. Người dân sống chết mặc bay. Vùng đất khó khăn cứ mãi mãi khó khăn. Người dân phải bỏ mảnh đất quê trì trệ không sống nổi, tìm đến nơi có điều kiện phát triển để kiếm sống. Người nghèo từ Yên Bái, Sơn La, người lao động từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị . . . lũ lượt tìm đến thành Hồ đổi sức lao động lấy miếng ăn từng bữa là vì vậy. 

3.  Đất nước Việt Nam tươi xanh, tài nguyên trong lòng đất, tài nguyên trong lòng nước, tài nguyên trong thiên nhiên, tài nguyên trong con người đều giầu có nhưng đất nước mãi mãi nghèo khó, người dân mãi mãi điêu đứng, quằn quại, vật vã, rên rỉ, vật vờ trong kiếp sống mòn vì đội ngũ quan chức quản lí đất nước và xã hội không tương xứng với đất nước văn hiến, không tương xứng với thời đại dân chủ và tri thức, không tương xứng với một dân tộc nhiều hào kiệt, nhiều hiền tài nhưng người dân không được cầm lá phiếu tự do và dân chủ chọn hiền tài trong dân giúp nước. Đợt dịch covid 19 bùng phát và lây lan mạnh ở Việt Nam từ tháng năm 2021 lại càng cho người dân thấy sự không tương xứng đó ở những người được đảng cộng sản cầm quyền cơ cấu, đặt lên ghế quan cai trị. 

Người dân miền Bắc, miền Trung bỏ quê vào thành Hồ kiếm sống đều phải chấp nhận tiện nghi sống thấp nhất, tồi tệ nhất. Người có việc làm cùng đồng lương ổn định và người buôn thúng bán bưng gặp lúc may mắn có thể dành dụm được chút tiền còm, tích cóp gửi về quê. Nhưng cũng có rất nhiều người kiếm ăn từng bữa, kiếm được đồng nào xào đồng nấy. Sự có mặt của những người nhập cư chấp nhận cuộc sống tồi tệ, bấp bênh đã giúp cho các khu công nghiệp san sát và mênh mông ở thành Hồ, ở Bình Dương, Đồng Nai, giúp cho hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân có đủ sức lao động, giúp cho hàng hoá trên thị trường dồi dào, dòng hàng hoá lưu thông ào ạt, sức tiêu thụ hàng hoá mạnh mẽ, làm nên sự phồn vinh, phát triển cả một vùng đất rộng lớn phương Nam. Trong số tiền thu ngân sách lớn nhất nước của thành Hồ, có phần đóng góp rất quan trọng và không nhỏ của những người nhập cư. 

Cuối tháng bảy 2021 thành Hồ phát lệnh thực hiện lệnh Chính phủ là chỉ thị 16, giãn cách xã hội, không có việc cần thiết không được ra đường. Việc buôn bán kiếm sống trên đường phố của người nhập cư đương nhiên bị xếp vào loại không cần thiết. Không được ra đường, không còn nguồn sống, thôi đành về quê. Đợt tháo chạy của dân nhập cư lần thứ nhất khỏi thành Hồ đầu tháng tám 2021 đã cho thấy năng lực quản lí xã hội và cái tâm với người dân của quan cai trị. Quan chỉ biết ra lệnh. Trên ra lệnh cho dưới. Dưới ra lệnh cho dân. Dân khốn khổ vì lệnh như thế nào không cần biết. 

Cả một gia đình ba người, bốn người ép thành một hàng kẹt cứng trên chiếc xe máy cà tàng. Vợ mới sinh được vài ngày ôm con đỏ hỏn sau lưng chồng giữa những bọc lớn, bọc nhỏ chênh vênh, lắt lẻo trên chiếc xe máy lúc nổ, lúc tịt, ròng rã nắng mưa gió bụi hơn nghìn cây số. Lúc người dân khốn cùng như vậy không hề thấy bóng dáng quan cai trị đâu cả. Con lành con ở cùng bà / Văng mình sốt mẩy con ra ngoài đường. Ca dao của dân gian từ xa xưa nhưng là tiếng thở dài não lòng của dân nhập cư rời thành Hồ hôm nay đấy. Cảnh người dân đến thành Hồ bán sức lao động, khi dịch bệnh phải ngậm ngùi, bơ vơ rời khỏi thành Hồ cũng y hệt cảnh người dân đi ở đợ, làm thuê cho địa chủ thời dân một cổ hai tròng dưới chế độ phong kiến và thực dân chưa xa. 

Nơi dân nhập cư phải tháo chạy dịch covid 19, chính quyền bỏ mặc đã là tận cùng của sự vô lương tâm. Chính quyền nơi quê hương người dân trở về, chính quyền Thừa Thiên Huế, chính quyền Quảng Ngãi còn tàn nhẫn, độc ác, khốn nạn không cho người dân trở về quê của mình, trở về nhà của mình. Đám người ngồi ghế quan cai trị không do người dân cầm lá phiếu bầu lên mới hỗn xược và tàn nhẫn với dân đến như vậy. Những ông quan, bà quan cai trị dân được đảng phân chia, sắp đặt cho chiếc ghế quyền lực nên họ chỉ biết có đảng, chỉ cần nói thật đúng, thật hay theo nghị quyết, một thứ lệnh của đảng, khi họp chi bộ. Không cần biết đến dân. Mặc kệ dân đói khổ tha phương cầu thực. Kệ xác dân khi hoạn nạn. Không cho dân vào đất cai trị của quan mang dịch bệnh vào gây khó cho quan, làm mất thành tích của quan! Chỉ có hạng lên quan nhờ được đảng cơ cấu, chỉ biết hành xử theo lệnh mới hành xử với dân không còn mảy may tính người như vậy! 

Sau hai tuần giãn cách xã hội đầu tháng tám, số dân nghèo còn nán lại nơi nhập cư đã kiệt quệ.  Không còn tiền sống hàng ngày. Không còn tiền thuê phòng trọ. Không còn tiền mua viên thuốc lúc dịch bệnh bùng phát. Chưa mắc dịch bệnh thì nguy cơ chết đói đã cận kề. Người nhập cư đang nín thở chờ ngày hết hạn giãn cách xã hội 15.8.2021 để lại ra dòng chảy cuộc sống đi làm thuê, đi buôn thúng bán bưng kiếm sống thì sáng 15.8, lệnh quan cai trị thành Hồ lạnh lùng ban ra tiếp tục giãn cách xã hội thêm một tháng đến 15.9.2021 đã tạo ra đợt tháo chạy thứ hai, cuộc tổng tháo chạy của dân nhập cư khỏi thành Hồ. 

Thành Hồ đã là ổ dịch covid 19 lớn nhất, chết chóc khủng khiếp nhất nước. Cuộc tổng tháo chạy khỏi thành Hồ của người dân nhập cư ngày 15.8.2021 là cuộc tháo chạy khỏi cái đói do không thể kiếm sống và tháo chạy khỏi cái chết do covid 19 bủa vây. Người quản lí xã hội thành Hồ sáng suốt phải nhận ra rằng dân nhập cư đều ở những khu nhà trọ chật chội, ấm thấp, tối tăm, tù túng, lại người người chen chúc là môi trường quá tốt cho covid 19 khu trú và lây lan. Người nhập cư ở lại là thụ động trông chờ vào nguồn cứu trợ vô cùng hạn hẹp, ít ỏi, nhỏ giọt. Trở về là chủ động xoay xoả lá rau ngoài vườn, quả trứng gà trong chuồng, con cá dưới ao và sự san sẻ đùm bọc vô tận của họ hàng, làng xóm. Tiền cứu trợ dù ngàn tỉ, chục ngàn tỉ, trăm ngàn tỉ cũng quá nhỏ bé với số người cần cứu trợ tới hàng triệu và với dịch covid 19 còn dai dẳng. Y tế thành Hồ đã quá tải. Người nhập cư rời thành Hồ về quê cũng giúp gánh nặng chống covid 19 của thành Hồ nhẹ đi rất nhiều. Lúc này người nhập cư rời bỏ môi trường ngột ngạt covid 19 trở về với màu xanh trong lành ở làng quê là đúng đắn và cần thiết. 

Lẽ ra việc khẩn thiết cần làm không phải là giãn cách xã hội mà là chính quyền thành Hồ cần làm việc với chính quyền nơi người dân trở về rồi hai tỉnh thành tổ chức đưa đón để cuộc trở quê của dân được thuận tiện, an toàn và ấm áp tình người. Không chia sẻ với nỗi khó của dân, chính quyển chỉ biết ra lệnh, dồn thêm nỗi khó cho dân, lại lệnh cho quân đội, công an, dân phòng, lệnh cho công cụ bạo lực chặn dân nhập cư chạy trốn cái đói, chạy trốn dịch bệnh covid 19. 

Giãn cách xã hội làm ngưng dòng chảy cuộc sống, không cho người dân được quyền kiếm sống và ngăn chặn người dân nhập cư trở về quê đều là việc làm thô bạo, chà đạp lên quyền con người.

Lệnh giãn cách xã hội, không cho dân ra khỏi nhà đi lại trên đường thực sự là lệnh tước đoạt quyền con người cơ bản của người dân. Động vật là loài vật có vận động, di chuyển. Con người là động vật cao cấp nhất và quyền đầu tiên, cơ bản nhất của con người là quyền đi lại. Luật cơ bản, luật cao nhất của nước nào cũng có điều luật bảo đảm quyền đi lại của người dân. Quyền tự do đi lại của người dân Việt Nam được Hiến pháp 2013 bảo đảm ở điều 23: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước. 

Tháng tư, 2021 dịch covid 19 bùng phát đợt thứ tư dữ dội nhất ở Canada. Canada chỉ có hơn 37 triệu dân mà có tới hơn một triệu dân nhiễm dịch, hơn hai mươi ngàn dân chết dịch. Mỗi ngày có cả ngàn dân nhập bệnh viện vì covid 19. Dịch covid 19 ở Canada nặng nề, thê thảm hơn ở Việt Nam nhiều lần, quyền tự do đi lại của người dân Canada vẫn được bảo đảm. Để biết vì sao người dân vẫn dập dìu trên đường phố khi dịch bùng phát dữ dội, thủ hiến Dough Ford tỉnh bang Ontario cho một nhóm cảnh sát chặn ngẫu nhiên người ngược xuôi hỏi lí do đi đường. Lập tức người dân Canada đùng đùng nổi giận đòi người ra lệnh xét hỏi dân phải từ chức vì xâm phạm quyền tự do đi lại và quyền riêng tư. Cảnh sát cũng ý thức được hành vi trái pháp luật của mình. tự động dừng công vụ, không chấp hành lệnh xét hỏi dân. Hôm sau lệnh của thủ hiến bị thu hồi và thủ hiến Dough Ford phải lên truyền hình khẩn khoản xin lỗi dân. 

Không quản lí xã hội bằng luật, chỉ quen quản lí bằng lệnh, chống covid 19, nhà nước Việt Nam từ trung ương đến địa phương chỉ biết liên tiếp ban lệnh giãn cách xã hội, tước đoạt quyền tự do đi lại, sinh sống của người dân. Người dân thì thực sự là bầy cừu, ngoan ngoãn theo chiếc gậy quyền lực lùa đuổi. Có người phản kháng vì bị tước đoạt quyền tự do đi lại thì lại phản kháng tiêu cực. Ngày 17.8.2021 một thanh niên đi xe máy ở Thủ Dầu Một, Bình Dương bị cảnh sát chặn lại xét hỏi và lập biên bản xử phạt. Anh thanh niên liền châm lửa đốt chiếc xe của mình. Chiếc xe ngùn ngụt cháy như ngọn lửa Norman Morrison ở nước Mỹ năm 1965 phản đối chính phủ Mỹ đưa lính Mỹ sang tham gia chiến tranh Việt Nam. 

Bằng mắt thường không nhìn thấy con covid 19 nhưng con covid 19 vô hình lại cho ta thấy rõ hai loại hình chính quyền. Một chính quyền mọi hành xử lớn nhỏ đều theo luật, đều vì con người, vì người dân. Một chính quyền chỉ hành xử theo lệnh và các lệnh thường đẩy phần khó cho dân, giành lợi ích cho quan. Con covid 19 vô hình còn cho ta thấy rõ hơn những khuôn mặt của một chính quyền hành xử theo lệnh, khuôn mặt những người quản lí đất nước và xã hội Việt Nam.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

WHO sốc trước kết luận của nhóm điều tra COVID ở Vũ Hán: "Tất cả chúng tôi đã té khỏi ghế"

 

WHO sốc trước kết luận của nhóm điều tra COVID ở Vũ Hán: "Tất cả chúng tôi đã té khỏi ghế"

Lưu Bình | 20/08/2021 12:30 PM

WHO sốc trước kết luận của nhóm điều tra COVID ở Vũ Hán: "Tất cả chúng tôi đã té khỏi ghế"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đến thăm tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 28/1/2020 ( Ảnh: Reuters)

Một cuốn sách mới được xuất bản tại Mỹ gần đây đã tiết lộ về những khó khăn của ông Tedros cũng như phơi bày mối quan hệ thực chất giữa WHO và giới chức Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc virus, sự hợp tác giữa WHO và Trung Quốc đã gây ra nhiều tranh luận. Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, người ta thậm chí còn gọi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus là "Thư ký Tedros".

Bức ảnh bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tư thế chạy nước kiệu của ông dường như đã ghi lại một cách sống động hình ảnh WHO chào đón quyền lực của Bắc Kinh - theo đài VOA (Mỹ).

Tuy nhiên, cuốn sách có tựa đề "Dư chấn: Chính trị đại dịch và sự kết thúc của trật tự quốc tế cũ" mới được xuất bản tại Mỹ gần đây đã tiết lộ về những khó khăn của ông Tedros cũng như hé lộ mối quan hệ thực chất giữa WHO và giới chức Trung Quốc.

Cuốn sách này đồng thời cũng cung cấp những thông tin nội bộ về lý do tại sao các chuyên gia của WHO đã nhiều lần tán thành những tuyên bố của ông Tập Cận Bình về vấn đề rò rỉ virus tại phòng thí nghiệm.

Tác giả của cuốn sách này là học giả Thomas Wright từ Viện Brookings, một tổ chức tư vấn của Mỹ, và ông Colin Kahl,  Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

WHO sốc trước kết luận của nhóm điều tra COVID ở Vũ Hán: Tất cả chúng tôi đã té khỏi ghế - Ảnh 1.

Dư chấn: Chính trị đại dịch và sự kết thúc của trật tự quốc tế cũ - Cuốn sách tiết lộ nội tình đằng sau mối quan hệ của WHO với Trung Quốc và nguyên nhân đưa ra những kết luận của tổ chức này về quá trình điều tra nguồn gốc đại dịch toàn cầu (Ảnh: Nguồn Internet)

NộiI tình bên trong kết luận của WHO

Tờ Washington Post hôm 19/8, đã đăng tải một số tình tiết chính trong cuốn sách này.

Chuyên gia của WHO Ben Embarek - người đứng đầu nhóm điều tra đến Trung Quốc hồi đầu năm nay - nói rằng khi nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc để tiến hành cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus Covid-19, họ đã đàm phán với các quan chức Trung Quốc về địa điểm tiến hành cuộc điều tra.

Theo ông Embarek, về cơ bản các quan chức Trung Quốc hoàn toàn không muốn đề cập đến vấn đề rò rỉ phòng thí nghiệm, họ đã đề nghị với nhóm chuyên gia rằng, nếu đội ngũ WHO nhất định phải đến Vũ Hán để điều tra, thì có một điều kiện tiên quyết là WHO sẽ không được yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc tiếp theo.

WHO đã chấp nhận các điều kiện do Trung Quốc đưa ra, điều này mở đường cho sự tán thành sau này của Bắc Kinh.

Hồi tháng 2 năm nay, một nhà khoa học của WHO tham gia cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus Vũ Hán đã tuyên bố, việc virus khởi nguồn từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là điều "cực kỳ khó xảy ra" và không cần phải điều tra thêm. Điều này đã được nhấn mạnh một lần nữa trong báo cáo điều tra liên danh Trung Quốc-WHO được công bố vào tháng 3.

Theo nội dung cuốn sách của Kahl và Wright, các nhân viên cấp cao của WHO tại Geneva đã bị sốc khi nghe tuyên bố này. Một trong số họ nói với tác giả của cuốn sách, "Tất cả chúng tôi đều té khỏi ghế".

Ban lãnh đạo WHO tại Geneva đã bị sốc trước kết luận việc rò rỉ virus Covid-19 từ phòng thí nghiệm là điều "cực kỳ khó xảy ra", họ không tin rằng các nhà khoa học này sẽ loại trừ khả năng virus rò rỉ phòng thí nghiệm sau khi đã tiếp xúc với những thông tin và dữ liệu ở Vũ Hán.

Tổng Giám đốc WHO Tedros khi đó đã bày tỏ quan điểm này với nhóm điều tra, nhưng nhóm điều tra khá "thận trọng" mô tả lại những áp lực mà các quan chức Trung Quốc đã gây ra cho họ cùng quá trình thỏa hiệp giữa hai bên.

Nhóm chuyên gia của WHO tham gia cuộc điều tra ở Vũ Hán dường như đã không chịu nổi và buộc phải chịu khuất phục trước những áp lực của Bắc Kinh, đồng thời loại bỏ tính cần thiết của việc phải tiến hành điều tra thêm. Nhưng lúc này, ông Tedros đã không thể nhẫn nại hơn và buộc phải phản kích.

Tổng Giám đốc WHO công khai tuyên bố, phạm vi của cuộc điều tra này "không đủ rộng" cũng như thiếu những "chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện." Ông Tedros đồng thời cũng nói với đặc phái viên Trung Quốc tại Geneva "ngay cả khi Trung Quốc không thích", ông cũng phải đưa ra những tuyên bố trung thực về bản báo cáo này.

Tuần trước, WHO đã đưa ra một tuyên bố bác bỏ những cáo buộc chỉ trích "cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc đã bị chính trị hóa" hoặc "WHO bị khuất phục trước những áp lực chính trị."

Kể từ đó, mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc đã xấu đi trông thấy. Các quan chức Trung Quốc hồi tháng 7 đã chỉ trích WHO vì đã chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc virus, đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc WHO tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, và cáo buộc Washington đã gây áp lực lên các nhà khoa học của WHO.

L.B.

Nguồn:  soha.vn

97,7 % tiền Quỹ Vaccine Covid vẫn đang để ngân hàng thương mại ???

 

97,7 % tiền Quỹ Vaccine Covid vẫn đang để ngân hàng thương mại ???

Hoang Tran

Theo báo Chính phủ, tính đến 17h ngày 18/8, Quỹ vaccine đã tiếp nhận được 8.626 tỷ đồng từ 519.155 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ. Đây là một điều tuyệt vời thể hiện tinh thần yêu đồng bào và đoàn kết của dân tộc ta. 

Tuy nhiên, cũng theo báo Chính phủ, tính đến ngày 18/8, Quỹ đã xuất 197 tỷ đồng để thanh toán tiền mua vaccine, còn số tiền còn lại của Quỹ được gửi tại các ngân hàng thương mại. Điều đó có nghĩa rằng chưa đến 2,3% tiền của Quỹ mới chỉ được sử dụng để mua vaccine và 97,7% còn lại vẫn đang để tại các ngân hàng thương mại. 

Báo Chính phủ cho biết dự kiến trong quý III/2021, Quỹ sẽ xuất 450 tỷ đồng để mua vaccine. Tức trong quý III, Quỹ cũng dự kiến chỉ sử dụng 5,2% tiền đã nhận được cho đến nay để mua vaccine. Hầu hết số tiền còn lại vẫn sẽ để lại trong ngân hàng thương mại ??? 

Cá nhân tôi cho rằng thực trạng và kế hoạch sử dụng Quỹ Vaccine là quá tệ, quá chậm. Chắc chắn rất nhiều người đã đóng góp vào Quỹ Vaccine mong muốn tiền của họ được sử dụng hiệu quả hơn để cứu đồng bào, cứu đất nước ngay lập tức, chứ không phải để gửi ngân hàng thương mại. 

Trong 03 tháng rưỡi, số người nhiễm Covid tại Việt Nam đã tăng 100 lần (từ 3000 ca lên 300.000 ca). Trong 02 tháng, số người chết vì Covid tại Việt Nam đã tăng 100 lần (từ 70 ca lên 7000 ca). Hiện tại, mỗi giờ, chúng ta lại có 10 đồng bào chết vì Covid. Việt Nam hiện đang trong danh sách những nước có nhiều ca tử vong nhất trên thế giới trong 07 ngày qua. Tình hình sẽ còn có thể tệ hơn nếu chúng ta không làm gì hoặc làm mà không quyết liệt.

Đối với tôi và rất nhiều người khác, dân tộc ta đang ở trong một thảm họa tồi tệ. Chúng ta cần hành động ngay lập tức để cứu sống đồng bào, cứu sống dân tộc, và cứu sống chính chúng ta và con em chúng ta. 

Tôi mong muốn và xin kêu gọi nhà nước hãy sử dụng Quỹ Vaccine hiệu quả hơn, nhanh hơn.

H.T.

Nguồn: FB Hoang Tran

Người dân thiếu đói bị làm khó khi xin hỗ trợ của Nhà nước

 

Người dân thiếu đói bị làm khó khi xin hỗ trợ của Nhà nước

Cao Nguyên

Này đây, có khác gì những tay anh chị đang tiếp quản Afghanistan không nhỉ?

Bọn ăn cướp!

Chú Ba quê ở Bến Tre lên Bà Rịa-Vũng Tàu để chăn vịt thuê trong rừng cao su gần nghĩa trang Tân Lâm, Xuyên Mộc.

Trong rừng cao su không có giếng bơm nước, nên nhờ giếng bơm người ta cách khoảng 200m. Hàng ngày chạy qua chạy lại bơm cho vịt uống.

Giữa rừng hoang vắng không có một nhà, sáng qua Chú dắt xe đi bơm như thường lệ thì gặp tổ kiểm soát dịch lưu động, bắt phạt 2 triệu và giam xe Chú. Mặc dù chú van xin nhưng bọn côn đồ quyết phạt không tha. Chúng cho rằng Chú Ba ra đường không cần thiết. 

Vậy là chú phải đi bộ bơm nước chứ không thể không bơm vì cả trang trại vịt còn đó vậy mà quyết phạt cho được, không đi bơm nước thì đàn vịt ra sao? Mặc dù Ủy ban BR-VT ra công văn những trường hợp chăn nuôi, ra đồng để tăng gia sản xuất như Chú Ba đây đều được phép đi lại. Thế mà chúng nó quyết phạt bất chấp trái luật để... cho đủ chỉ tiêu. Phạt kiểu bất chấp thế này là ăn cướp chứ không có thi hành nhiệm vụ gì cả.

Sao các ông lại ác quá vậy? 

Thay vì phạt sao không hướng dẫn cho Chú đi làm giấy thông hành, người ta nghèo khổ bỏ xứ đi làm mướn đã không thương thì thôi lại trấn lột 2 triệu của một nông dân khắc khổ, còn thu luôn cả xe thì có tàn ác quá không? Hay như thế mới là đạo đức là văn minh? 

Một cách chống dịch cực đoan và không hiệu quả đã kiểm soát được dịch đâu? Hôm trước xúi người ta đi bầu cử làm CCCD rồi bây giờ người ta đi bơm nước cũng phạt vì lý do không cần thiết.

Các ông trước khi làm cán bộ thì nên học cách làm người trước đi đã. 

Các ông cái gì cũng có, cái gì cũng làm, sáng đúng chiều sai mai lại xin lỗi. Cái gì cũng có, nhưng trái tim của một con người thì không.

Phạm Minh Vũ

Người dân thiếu đói bị làm khó khi xin hỗ trợ của Nhà nước

Hình minh hoạ: Người dân TPHCM nhận thực phẩm qua rào trong thời gian giãn cách do dịch bệnh hôm 20/7/2021Reuters

Chính quyền TP.HCM mới đây thông báo đã tung ra hai gói hỗ trợ COVID trong hai tháng 7 và 8/2021, bao gồm tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm cho lao động tự do mất việc làm, người nghèo và cận nghèo trong thành phố.

Với gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo thành phố hứa hẹn rằng lao động nghèo, ai có mặt tại TP.HCM thì đều được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú.

Viện lý do để không trợ cấp

Trên Facebook, một nhóm có tên “Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp Covid” với gần 8.000 thành viên tham gia. Trong đó, có rất nhiều người phản ánh rằng mình là lao động tự do, thất nghiệp do COVID và đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào do Chính phủ trợ cấp.

Và tất cả những người lao động mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn sau đây đều xác nhận cho đến ngày 19/8, họ chưa nhận được tiền từ các gói hỗ trợ trên vì nhiều lý do khác nhau.

Ông Tài làm nghề phục vụ quán ăn ở Bình Chánh cho biết ông không nhận được tiền hỗ trợ dù đã nộp giấy tờ lên phường chờ xác minh. Cán bộ địa phường nói với ông Tài là phường “bốc hồ sơ ngẫu nhiên” nên có người nhận được hỗ trợ, người không. Ai trúng thì được nhận tiền, còn lại thì chờ đợt sau:

Không, chưa nhận được một cái gì luôn. Có hỏi, có làm giấy tờ, cũng đã có xác minh giấy tờ nộp rồi, nhưng mà cũng im ru không nghe nói năng gì tới hết.

Họ nói là bây giờ muốn gì thì lên trên xã trên phường hỏi chứ nó không biết gì hết. Có người nhận được, có người không nhận được. Người ta thắc mắc thì nó nói là giờ trên phường xã bốc hồ sơ ngẫu nhiên. Người nào bốc trúng trước thì được trước. Còn người nào chưa bốc tới thì phải chờ chứ nó không biết gì hết trơn.”

Ông Nghiêm, trước dịch chạy xe ba gác mướn ở Nhà Bè cũng không được hỗ trợ từ Chính phủ. Lý do là cấp trên chưa rót tiền xuống:

Không nhận được cái gì hết. Từ đầu mùa tới giờ nhận được hai bịch rau với lại 10 ký gạo.

Mình hỏi người quen biết trên xã về tiền hỗ trợ thì người ta nói rằng mình chạy xe ba gác này là Nhà nước cấm nên là không có.

Hai tháng này là không đi làm được lấy đâu mà có tiền, tổng cộng tiền nhà trọ điện nước là hơn ba triệu/một tháng. Bây giờ khi nào người ta ném đồ ra sân thì mình đi thôi.

Có lần phản ánh 1022 (tổng đài hỗ trợ trong mùa dịch) thì nó có gọi về cho địa phương. Bên địa phương xác nhận rồi gọi cho tôi hỏi một hồi rồi nó chốt lại là tiền chưa về.”

Ông Hải, nhà ở Hóc Môn chia sẻ, ông và vợ buôn bán tự do, phải nuôi hai con nhỏ, nhưng đã mất việc ba tháng rồi. Cách đây vài hôm ông Hải có nhắn tin xin quà trên Zalo thì được Uỷ ban xã cho năm ký gạo, nhưng không có tiền:

“Có nhận được năm ký gạo với mì nhưng mà tiền thì chưa có. Mình không nhận được một triệu rưỡi.

Mình có nghe hỗ trợ thì mình làm đơn nhưng mà không thấy. Có thì mình mừng không có thì thôi, chứ bây giờ biết làm sao!”

Chị Dương, ở Bình Chánh là trợ giảng cho một trung tâm Tiếng Anh, có bố làm nghề hớt tóc, còn mẹ bán quán cà phê nhỏ. Cả ba đều mất việc mấy tháng nay nhưng không có tiền hỗ trợ vì nhà mất việc nhưng không được xếp vào hộ nghèo:

Nhà em cũng không được hỗ trợ. Ba mẹ cũng không được hỗ trợ gì hết. Cũng là nằm trong diện lao động tự do nhưng mà nó tinh vi lắm, nó không cho mình lãnh.

Lúc mình hỏi là nhà em có được lãnh không, thì nó bảo là nhà mày đâu có nghèo đâu mà đòi.”

Cuối tháng bảy, Bộ LĐ-TB & XH công bố sáu đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Phóng viên RFA nhiều lần gọi đến số 0911151166, số này phụ trách về các chính sách hỗ trợ lao động bị mất việc và lao động tự do, nhưng không có ai nghe máy.

Ngày 10/8, mạng báo Lao Động dẫn lời Giám đốc Sở LĐ-TB & XH TP.HCM ông Lê Minh Tấn lý giải về việc có nhiều người lao động phản ánh không nhận được hỗ trợ vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là người lao động không cư trú hợp pháp trong thành phố. Thứ hai là người lao động không có thu nhập thấp hơn bốn triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, Bí thư Thành uỷ TPHCM hôm 15/8 phát biểu rằng “Người đang cư ngụ tại thành phố, không phân biệt thành phần nào, ở đâu, chỉ cần khó khăn, thiếu thốn thì thành phố giúp đỡ vô điều kiện”.

Chính quyền các cấp đùn đẩy trách nhiệm

Không nhận được tiền từ các gói hỗ trợ, bà Dương và ông Tài chủ động đến hỏi tổ trưởng dân phố nơi mình sinh sống thì được yêu cầu lên phường mà hỏi, ở khu phố chỉ có nhiệm vụ lập danh sách. Lên phường xã hỏi thì được chỉ lên quận, lên đến quận thì họ cho số tổng đài hỗ trợ mùa dịch 1022. Khi gọi vào đây chất vấn về gói hỗ trợ thì nhân viên trực máy hứa rằng sẽ ghi nhận thông tin và chuyển lại về phường xã.

Bà Dương kể với RFA:

“Nó hứa lèo, hứa suông. Nó cho số điện thoại gọi lên cũng không giải quyết được gì. Nó kêu là cấp trên giải quyết, nó không biết gì hết. Gọi điện lên trên đó hỏi thì nó nói là cấp trên đó nữa chưa giải quyết. Nói chung là cứ đưa cấp trên ra để đùn đẩy trách nhiệm. Cuối cùng họ vẫn không giải quyết.”

Ông Tài nói:

“Ở đây mình gặp trực tiếp tổ trưởng để hỏi thì tổ trưởng nạn ngang nạt dọc nói là mốt có gì thì đi lên trên phường trên xã mà hỏi.

Khi mà mình gọi điện lên trên phường trên xã hỏi thì nó đá lên lên quận. Khi mình điện lên quận thì nó kêu mình điện qua 1022 là tổng đài chăm sóc những người khó khăn mùa COVID này.

Khi mà mình điện lên 1022 thì nó nói là nó sẽ ghi nhận ý kiến của mình rồi chuyển lại về địa phương. Chuyển sao không biết nhưng cũng không thấy ai gọi, không thấy ai xác minh gì hết.

Ở đây gọi cả chục lần nhưng nó nói chỉ ghi nhận được ba lần chứ nó không ghi nhận thêm lần thứ tư. Nó đều nói là sẽ gửi về địa phương, thì địa phương cũng im ru thôi à.”

000_9EG2CP.jpg

Tấm biển cổ động chống dịch ở TPHCM hôm 9/7/2021. AFP

Đe doạ người lên tiếng trên Mạng xã hội

Trong nhóm “Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp Covid”, có một người yêu cầu được giấu tên đăng status có nội dung là nếu đến ngày 20/8 mà chưa nhận được tiền hỗ trợ thì sẽ lên trụ sở chính quyền địa phương biểu tình, đồng thời kêu gọi mọi người cùng tham gia với mình.

Ngay sau đó, ông này bị công an mời làm việc, yêu cầu xoá bài và viết cam kết sẽ không đi biểu tình, nếu không sẽ bị phạt:

Em cũng có bị mời lên rồi. Họ bắt em viết giấy cam kết, bắt em nói là đăng tin không đúng sự thật. Họ nói em là do hoàn cảnh khó khăn cho nên lần này chỉ cảnh cáo, nhắc nhở, còn nếu tái phạm nữa ra thì sẽ phạt hành chính.”

Người này nói với RFA rằng ông đã bị mất việc từ tháng năm tới giờ, đói mà cũng không có tiền đóng trọ. Mấy tháng nay sống chủ yếu nhờ mạnh thường quân cho quà chứ Chính phủ cũng không hỗ trợ được gì.

Bà Dung làm công nhân ở Đồng Nai nhưng cũng phải nghỉ việc do dịch. Bà nói hồi đầu tháng tám có lên Zalo xin thuốc men cho ba mẹ già trên 80 tuổi. Bốn ngay sau đó, ông tổ trưởng nơi bà sinh sống dẫn theo ba người đàn ông khác xông vô nhà bà Dung lúc chín giờ tối để chửi bới, đe doạ bà Dung vì đã lên mạng xã hội xin thuốc. Bà Dung kể:

“Ông trưởng ấp kéo thêm ba người nữa, cỡ 8:30 tối rồi mà la mắng, chửi, bắt lỗi là tại sao lại đăng Zalo.

Ảnh nói là nếu không xin lỗi về cái bài Zalo đó thì anh sẽ mời cả gia đình em lên xã làm việc. Em thiệt là bức xúc luôn. Trong khi giãn cách nữa mà ảnh vô nhà em chửi như vậy đó.”

Về hai gói hỗ trợ an sinh xã hội mùa COVID của TP.HCM, Theo báo chí Nhà nước, đã có gần 334.200 người, tương đương 100% số người lao động tự do trong thành phố đã nhận hỗ trợ lần một vào tháng 7/2021, mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Tổng chi đợt một  là 501 tỷ đồng.

Trong đợt hỗ trợ lần hai, tình từ ngày 2/8, ngoài số lao động phổ thông đã được nhận tiền trong đợt một, lãnh đạo thành phố thông báo sẽ phát tiền và thực phẩm thêm cho những hộ nghèo và cận nghèo, với tổng ngân sách đợt hai là gần 900 tỷ đồng, sẽ hoàn tất giải ngân trước ngày 15/8.

C.N.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Lo vốn ngoại rời đi nếu TP HCM kéo dài giãn cách

 

Lo vốn ngoại rời đi nếu TP HCM kéo dài giãn cách

Tất Đạt

Đại diện Intel Việt Nam mong TP HCM dừng giãn cách sau ngày 15/9 và nêu lo ngại, nếu biện pháp này kéo dài, dòng vốn FDI sẽ rời bỏ.

Ý kiến trên được bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam nêu tại buổi gặp mặt giữa các doanh nghiệp, hiệp hội FDI với lãnh đạo TP HCM sáng 20/8.

Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang phải thực hiện giãn cách xã hội với mức độ siết chặt ngày càng tăng để phòng chống dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có khối FDI bị đình trệ, công nhân gặp nhiều khó khăn.

Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Intel Việt Nam có 86% người lao động đã tiêm mũi vaccine đầu tiên. Hiện doanh nghiệp áp dụng mô hình "một cung đường hai địa điểm" cho 1.870 người lao động. Chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch trong giai đoạn 15/7-15/8 khoảng 140 tỷ đồng. Nếu tính tới ngày 15/9, con số trên có thể tăng gấp đôi.

Intel cũng mong sau ngày 15/9, TP HCM sẽ dừng giãn cách khi tình hình sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn. Theo bà Uyên, sau 30 năm Việt Nam thành công thu hút nhiều vốn FDI, mùa dịch này khiến lãnh đạo Intel lo lắng rất lớn khi dòng vốn ngoại có thể sẽ rời đi nếu giãn cách kéo dài.

Cùng quan điểm, Công ty Jabil Việt Nam cho biết, nhiều đối tác đã chuyển đơn đặt hàng sang một số nước khác như Trung Quốc, Singapore... khi Jabil Việt Nam không đáp ứng được tiến độ. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, công ty sẽ phải thu hẹp hoạt động tại Việt Nam.

Jabil Việt Nam cũng đang áp dụng "một cung đường, hai địa điểm" cho 2.500 lao động. Chi phí mỗi tháng cho mô hình này khoảng 120 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ hoạt động với công suất dưới 30% nên bị hụt 60 triệu USD doanh thu xuất khẩu mỗi tháng.

Cả hai doanh nghiệp FDI này đều cho rằng, tiêm vaccine cho lao động là giải pháp hàng đầu lúc này để hỗ trợ họ. Jabil Việt Nam cho biết, TP HCM cần linh hoạt hơn trong việc tiêm chủng. Thực tế, Khu Công nghệ cao ghi nhận trường hợp có vaccine nhưng thiếu đội ngũ tiêm chủng. Vì thế, doanh nghiệp này kỳ vọng có cơ chế cho doanh nghiệp tự trả tiền phí dịch vụ để tổ chức tiêm vaccine từ nguồn cung cấp của Chính phủ hoặc có cơ chế cho doanh nghiệp nhận vaccine từ tập đoàn, công ty mẹ. Doanh nghiệp này kiến nghị được chính quyền ưu tiên tiêm mũi hai cho người lao động trong Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Về phía Intel Việt Nam, bà Uyên cho biết, đây đã là tuần thứ 9 kể từ lúc người lao động được tiêm mũi đầu. Nếu tiếp tục tiêm mũi thứ hai thì người lao động trong Khu Công nghệ cao sẽ là "lao động xanh". Từ đó, doanh nghiệp có thể kéo lại năng suất sản xuất cho cả năm trong quý cuối năm.

Nếu lao động đã được tiêm chủng đầy đủ ở vùng xanh, Intel mong TP HCM cho phép doanh nghiệp được thí điểm "hai tại chỗ". Công ty sẽ cho lao động cam kết về việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch. Công ty sẽ bố trí xe đưa đón, không cho dùng xe cá nhân.

"Cung đường xanh" và "hai tại chỗ" là phương án lâu dài, đỡ tốn kém cho doanh nghiệp và giúp lao động đỡ đối mặt với trở ngại tâm lý khi đến nơi sản xuất, hoàn toàn phù hợp với phương án của Sở Công Thương trình lãnh đạo TP HCM", bà Uyên nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Intel kiến nghị Bộ Lao động và chính quyền TP HCM cho phép doanh nghiệp tăng giờ làm của lao động lên thêm 100 giờ. Điều này giúp tăng nâng suất và cải thiện tình trạng chậm trễ đơn hàng.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ và TP HCM nên xem xét ban hành "hộ chiếu vaccine" cho người lao động. Hiện chưa có sự phân biệt nào giữa nhóm lao động đã tiêm và chưa tiêm vaccine. Như Jabil Việt Nam đang có 200 lao động đã tiêm đủ hai mũi mà họ vẫn phải "một cung đường, hai địa điểm" nên rất bất tiện.

Tại cuộc gặp, doanh nghiệp FDI khác cũng nêu ra nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh của các thành viên suốt giai đoạn Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Những vướng mắc về hàng hoá thiết yếu, quy định đảm bảo phòng chống dịch....

Trước những chia sẻ này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị các sở, ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tiếp thu các kiến nghị mà các doanh nghiệp và hiệp hội vừa nêu. Đây sẽ là những giải pháp chung tay ứng phó khó khăn và phục hồi sau đại dịch.

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết rất thấu hiểu khi hoạt động của các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn, hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm. Quan trọng hơn, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hoá là rất lớn nếu không có kế hoạch ứng phó kịp thời.

"Dự báo của Tổng cục Thống kê vào đầu tháng 8, GRDP của TP HCM có thể tăng trưởng âm. Các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng rất mạnh và có chiều hướng giảm sâu", ông Hoan nói.

T.Đ.

Nguồn: VnExpress