Bài đăng nổi bật

Minh Nhựa và Vương Đình Huệ

  Minh Nhựa và Vương Đình Huệ. Quá trình công tác từ bộ tài chính, tổng kiểm toán, phó thủ tướng, bí thư Hà Nội của Vương Đình Huệ là quãng ...

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

ẢNH RUỘNG BẬC THANG TÂY BẮC ĐẸP

ẢNH RUỘNG BẬC THANG TÂY BẮC ĐẸP


Nguồn:vhtttg.blogspot.com
Ảnh ruộng bậc thang Tây Bắc đẹp với khung cảnh say đắm lòng người, khiến cho du khách phương xa đến với Tây Bắc như bị níu giữ đôi chân lại. Cùng 2anhdep.vn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của vùng Tây Bắc qua bộ ảnh ruộng bậc thang dưới đây nhé.













Xem xong bộ ảnh ruộng bậc thang Tây Bắc trên, các bạn thấy Việt Nam có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên đáng để tự hào phải không? Hãy tải bộ ảnh tuyệt vời này về máy của bạn và chia sẻ chúng cho những ai yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên nhé. Đừng quên theo dõi những bộ ảnh tiếp theo của 2anhdep.vn

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Lịch sử thành cổ Babylon

Lịch sử thành cổ Babylon


Nguồn:nghiencuulichsu.com
4081319
Khi đề cập đến sự phồn thịnh của một đất nước, nhiều người thường nghĩ đến những lâu đài xa hoa lộng lẫy, những vùng đất nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú như rừng cây, quặng mỏ và thời tiết khí hậu ôn hòa…
Nhưng đối với Babylon, một vương quốc giàu có bậc nhất thời cổ đại, thì không phải như vậy! Vương quốc Babylon tọa lạc bên cạnh dòng sông Euphrate, trong một thung lũng bằng phẳng, nhưng khô cằn và nắng hạn. Nó không hề có những rừng cây, quặng mỏ và đá để xây dựng các công trình quân sự hay dân sự, cũng không nằm trên con đường giao thương thuận lợi.
Babylon là một điển hình nổi bật của khả năng con người có thể đạt tới những mục tiêu vĩ đại, bằng cách sử dụng tất cả các phương tiện mà mình có được. Sự phát triển của cả thành phố rộng lớn này đều chỉ do bàn tay con người vun đắp. Tất cả sự giàu có của nó là nhờ ở con người.
Babylon chỉ có một điểm thuận lợi duy nhất là đất đai khá phì nhiêu do dòng sông Euphrate mang nhiều phù sa bồi đắp hàng năm. Nhưng để tận dụng được sự ưu đãi này, những người kỹ sư thời Babylon cổ đại đã phải nghiên cứu và thực hiện một công trình vĩ đại nhất thời bấy giờ. Đó là xây dựng những đập nước và vô số những kênh đào nhỏ để dẫn nước từ con sông chính vào khắp làng mạc, biến những vùng đất khô cằn thành vùng đất trồng trọt tốt. Nhờ vậy, người dân Babylon mới có thể cày cấy, trồng trọt và chăn nuôi, có được cuộc sống sung túc, giàu có trên mảnh đất quê hương mình. Đây là một trong những công trình xây dựng đầu tiên có tầm mức vĩ đại được biết đến trong lịch sử loài người.
Điều may mắn là trong suốt thời kỳ tồn tại lâu dài của mình, Babylon không sản sinh ra các vì vua tham bạo có ước vọng chinh phục toàn thế giới. Những khi Babylon lâm vào chiến tranh thì hầu hết đó là những cuộc chiến tự vệ chống lại những kẻ thù đầy tham vọng ở các xứ sở khác bị hấp dẫn bởi những kho tàng bạc vàng, châu báu của Babylon mà đem quân xâm chiếm.
Năm ngàn năm sau, mặc dù Babylon không còn, nhưng nó đã trở thành huyền thoại thu hút sự tìm hiểu của mọi người. Ngày nay, những dấu tích thành cổ Babylon còn sót lại nằm ở châu Á, cách khoảng sáu trăm dặm về phía Đông của kênh đào Suez, thuộc hướng Bắc của vịnh Ba Tư. Nó nằm ở khoảng kinh độ 30, phía trên đường xích đạo, có khí hậu nóng và khô. Những thành quách đền đài đã biến mất, chỉ còn lại những phế tích đổ nát và vắng lặng.
Ngày xưa, thung lũng bên dòng sông Euphrate là một vùng đất nông nghiệp có hệ thống tưới tiêu hết sức quy mô, dân cư đông đúc, nay đã trở thành vùng sa mạc khô cằn, lác đác với những bụi cây cằn cỗi, những đám cỏ dại đang đối đầu với gió cát để tồn tại. Những nghĩa địa của loài voi cổ đại cùng với những đoàn lữ hành dài dằng dặc của các thương gia thành Babylon cũng chỉ còn là huyền thoại. Ngày nay, trên vùng đất này, thỉnh thoảng chúng ta gặp những nhóm dân du mục Ả Rập cố gắng duy trì cuộc sống khổ cực của mình một cách khó khăn nhờ vào việc chăn nuôi những bầy gia súc nhỏ.
Tuy nhiên, đã nhiều thế kỷ trôi qua, những người dân du mục, những nhà lữ hành đi ngang qua vùng đất này vẫn không thấy điều gì khác lạ và cũng không biết rằng, bên dưới vùng đất này đang che giấu những dấu tích của một thời đại huy hoàng. Cho đến khi những nhà địa chất thu thập được nhiều mảnh gốm và gạch vỡ do những cơn mưa xói mòn đất đá phơi bày ra. Sau đó, những đoàn thám hiểm châu âu, châu Mỹ bắt đầu ồ ạt tiến đến khai quật và tìm kiếm. Và họ đã vui mừng phát hiện ra những dấu tích còn sót lại của thành cổ Babylon.
Babylon là một trong những vương quốc cổ đại được xây dựng bằng đất và gạch nung, trải qua thời gian hàng nghìn năm, những bức tường thành dãi dầu nắng gió đã bị tan rã và quay trở về với đất cát. Nếu không nhờ sự phát hiện và khai quật cẩn thận của những nhà khảo cổ, có thể chúng ta sẽ không bao giờ được biết đến những công trình vĩ đại, những đền đài cung điện nguy nga tráng lệ xưa kia của Babylon đã bị vùi sâu hàng bao nhiêu thế kỷ.
Nhiều nhà khoa học đã xem nền văn minh của Babylon và những đô thị khác trong thung lũng sông Euphrate là những thành thị cổ xưa nhất. Dựa vào các cổ vật đã khai quật được, trong đó có những mảnh đất sét nung miêu tả hiện tượng nhật thực mà người Babylon cổ đại đã chứng kiến, các nhà thiên văn học hiện đại xác định được thời điểm xảy ra và khẳng định nền văn minh Babylon cách thời đại chúng ta khoảng 8.000 năm về trước.
Cũng nhờ vào các cổ vật, chúng ta có thể biết được rằng cách đây 8.000 năm, những người Sumerite đã từng sống tại Babylon. Họ cư ngụ trong một lãnh thổ có các tường thành bao bọc. Những nhà khoa học chỉ có thể phỏng đoán Babylon phải trải qua một thời gian rất dài trước khi đạt được các thành tựu nổi bật như thế. Vào thời kỳ này, họ đã biết xây dựng những bức tường thành vững chắc để bảo vệ đất nước, cùng một hệ thống thủy lợi quy mô để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cày cấy, trồng trọt. Ngoài ra, cư dân Babylon cũng đã có hệ thống giáo dục với những con người có tinh thần sáng tạo, ham học hỏi. Những chứng tích còn lại cho thấy Babylon là nơi sản sinh những kỹ sư đầu tiên, những nhà thiên văn học đầu tiên, những nhà toán học đầu tiên, những nhà tài chính đầu tiên, và là dân tộc đầu tiên có chữ viết.
Các nhà khoa học rất chú ý đến hệ thống kênh đào của người Babylon cổ đại. Nó đã làm biến đổi vùng thung lũng khô cằn thành một vùng đất trồng trọt, chăn nuôi phì nhiêu. Theo những dấu tích để lại, các nhà khoa học cho biết, các con kênh, các đường mương rất lớn, hơn mười con ngựa có thể chạy hàng ngang dưới lòng kênh. Về mặt kích thước, chúng có thể được so sánh với những con kênh lớn nhất tại Colorado và Utah hiện nay.
khai quật thành cổ Babylon
khai quật thành cổ Babylon
Ngoài việc xây dựng công trình thủy lợi nhằm dẫn nước vào những vùng đất nằm bên trong thung lũng, những kỹ sư của Babylon cũng hoàn thành một công trình khác có quy mô lớn không kém. Đó là hệ thống tiêu úng nước khá phức tạp và hiệu quả. Với hệ thống này, họ đã làm khô cạn vùng đầm lầy rộng lớn nằm gần các con sông Euphrate và Tigris để biến chúng thành những vùng trồng trọt màu mỡ.
Thành Babylon trong phim Alexander đại đế
Thành Babylon trong phim Alexander đại đế
Herodotus, nhà du hành và nhà sử học của Hy Lạp, đã từng viếng thăm Babylon. Những ghi nhận của ông để lại đã giúp ích cho chúng ta rất lớn trong việc tìm hiểu những phong tục kỳ lạ, những đặc điểm đất đai phì nhiêu và mùa màng bội thu của các cư dân ở đó.
Những vinh quang của Babylon giờ đây không còn nữa, nhưng những kiến thức của họ vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Những kiến thức đó được lưu giữ trong hàng trăm ngàn thẻ đất sét nung mà các nhà khảo cổ tìm thấy – được chôn vùi một cách an toàn trong đất cát. Vào thời kỳ đó, giấy viết chưa có, cư dân Babylon đã cẩn thận ghi khắc tri thức của họ trên những tấm thẻ đất sét còn ướt. Sau đó, họ đem nung chín và cất giữ. Những tấm thẻ đất sét này có kích thước khoảng 15cm x 20cm, dày 2cm – 3cm. Nội dung khắc trên đó rất đa dạng, bao gồm các truyện truyền kỳ, thi ca, lịch sử, những chỉ dụ của triều đình, luật lệ của đất nước, các chứng khoán ruộng đất, các giấy hứa trả nợ, những lá thư viết để gửi tới cho những vương quốc lân cận…
Ngoài các công trình thủy lợi, Babylon có một thành tựu nổi bật thường được mọi người nhắc đến. Đó là công trình xây dựng bức tường thành rộng lớn bao bọc vương quốc. Quy mô xây dựng của nó có thể sánh ngang với các kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập. Đối với công trình này, nữ hoàng Semiramis được xem là người có công đầu tiên. Các nhà khảo cổ hiện đại vẫn chưa tìm được dấu tích của những bức tường thành nguyên thủy, nhưng theo số liệu từ các cổ vật khai quật được cho biết, chúng cao khoảng 15 đến 18 mét, mặt ngoài ốp bằng gạch nung, lại được bảo vệ bên ngoài bởi một đường hào sâu.
Sau này, khoảng sáu trăm năm trước Công nguyên, vua Nabopolassar đã cho xây lại thành Babylon với quy mô rất lớn. Tuy nhiên, vua Nabopolassar đã mất trước khi nhìn thấy công trình hoàn tất. Vua Nebuchadnezzar lên ngôi và đã tiếp tục thực hiện công trình còn dang dở của cha mình.
Khi hoàn tất, chiều cao và chiều dài của tường thành khiến nhiều người không thể tin được. Theo số liệu được ghi lại, chúng cao khoảng 48 mét, tương đương với chiều cao của một tòa nhà gồm 15 tầng ngày nay. Tổng chiều dài của nó ước tính khoảng 14.400 đến 17.600 mét. Bề mặt thành rất rộng, có thể đủ cho sáu con ngựa chạy hàng ngang trên đó. Sau này, khi chiếm được vương quốc Babylon, người Ả Rập đã tàn phá nó bằng cách gỡ lấy gạch ngói để xây dựng đền đài, cung điện, nhà cửa và các công trình khác. Bức tường thành đồ sộ này ngày nay chỉ còn dấu vết của phần móng và hào nước.
Vương quốc Babylon được tổ chức theo một hệ thống khá tân tiến và chặt chẽ. Trong thành có những con đường, phố xá và nhiều cửa hàng lớn cố định. Những người bán lẻ thì mang hàng hóa đi khắp nơi rao bán. Tôn giáo được tôn vinh bằng những đền đài nguy nga tráng lệ. Nằm giữa vương quốc là một hoàng thành bao gồm các lâu đài của hoàng gia. Bức tường thành bao bọc hoàng thành thường cao hơn bức tường thành của vương quốc.
Về nghệ thuật, cư dân Babylon đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong kiến trúc, hội họa, dệt, thêu, chế tác vàng bạc, chế tác những đồ binh khí bằng kim loại và những công cụ dùng cho nông nghiệp. Những người thợ kim hoàn đã chế tạo được những đồ trang sức rất đẹp và tinh xảo. Hiện nay, những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới đang trưng bày nhiều cổ vật được khai quật lên từ hầm mộ của những công dân giàu có thời kỳ Babylon.
Cách đây khoảng 8.000 năm, trong khi những nhóm người cổ đại khác trên thế giới chỉ biết sống trong các hang động, chặt cây bằng những cái rìu thô sơ, săn bắt thú bằng những mũi tên có gắn một mảnh đá sắc nhọn hoặc đánh nhau bằng gậy gộc, thì người Babylon cổ đại đã băt đầu biết xây dựng lâu đài, thành quách; dùng những chiếc rìu, thanh giáo bằng sắt thép cùng những mũi tên có đầu bịt bằng đồng.
Cư dân Babylon là những nhà tài chính, những thương gia giàu kinh nghiệm. Tài liệu khai quật được cho biết họ là những người đầu tiên biết sử dụng vàng bạc làm phương tiện trao đổi, biết dùng những tấm thẻ ghi nợ, hoặc ghi nhận tài sản sở hữu của mình.
Từ khoảng năm 540 trước Công nguyên trở về trước, không có một đạo quân xâm lược nào chiếm được Babylon. Thành Babylon vẫn kiên cố trước bất kỳ một sức mạnh quân sự nào. Về sau, nguyên nhân sụp đổ của vương quốc Babylon rất lạ lùng và khá bí ẩn. Vào thời đó, Cyrus, một trong những vị vua có tham vọng chinh phục các vương quốc lân cận, thể hiện ý đồ xâm lược Babylon. Những cố vấn của nhà vua Nabonidus đang trị vì xứ Babylon lúc bấy giờ thuyết phục rằng, thay vì chờ đạo quân của Cyrus đến bao vây thành, thì tốt nhất nên đem quân đi giao chiến. Nabonidus đã không suy tính kỹ nên đã cho xuất quân. Hậu quả là quân của Babylon liên tục bị thất bại. Nabonidus đành bỏ thành và chạy trốn khỏi vương quốc. Do thế, Cyrus đã chiếm lấy Babylon mà không gặp bất kỳ một sự kháng cự nào.
Từ đó, sức mạnh và sự nổi tiếng của thành Babylon cũng dần tàn lụi. Theo thời gian, nó trở nên hoang phế, vắng lặng và bây giờ chỉ còn là vùng đất hoang mạc đầy gió cát. Một lần nữa, Babylon lại trở về với đất, nơi đã sinh ra nó. Sự hoành tráng, đồ sộ và nguy nga của thành Babylon chỉ còn là huyền thoại…
Có thể nói, những thành quách hùng vĩ cùng những đền đài, cung điện nguy nga của Babylon đã trở thành cát bụi, nhưng những tri thức, những kinh nghiệm khôn ngoan, những thành tựu nổi bật của vương quốc cổ đại này vẫn còn lưu truyền cho đến tận bây giờ. Có lẽ, dù được mệnh danh là bất khả xâm phạm trước quân thù, nhưng thành Babylon vẫn không tránh khỏi quy luật sinh – diệt của thời gian. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nền văn minh Babylon đã trở thành một dấu ấn quan trọng đối với sự tiến bộ vượt bậc của con người ở các kỷ nguyên sau này.
                                                                                                    GEORGE S.CLASON
Trích từ sách: Người giàu có nhất thành Babylon
First News và NXB Tổng hợp TPHCM phối hợp ấn hành

Lịch sử thành Jerusalem

Lịch sử thành Jerusalem

Nguồn:nghiencuulichsu.vn

Nguyễn Hữu An
King-Solomons-Temple
HÃY PHÁ NGÔI ĐỀN NÀY ĐI” (Ga 2,19) ,CN 3 CHAY B
Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Đền thờ, nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng: sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. 
Khi người Do thái chất vấn : Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ?Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi, trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại. Thân thể của Chúa là Đền Thờ kỳ công của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Người ta phá huỷ Đền Thờ này, chôn vùi vào lòng đất. Sau ba ngày, Chúa xây lại, đó là Mầu Nhiệm Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh là Đền Thờ Mới, mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên Đền Thờ ấy. 
1. Lịch Sử thành thánh Giêrusalem 
Để hiểu câu nói của người Do thái: “Đền Thờ phải mất 46 năm mới xây xong”, chúng ta tìm hiểu đôi nét lịch sử thành thánh Giêrusalem. 
Giêrusalem được xem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tư liệu lịch sử cổ Ai Cập đã nói đến Giêrusalem, có từ 3.000 năm trước CN. 
Với người Do Thái giáo, Giêrusalem là nơi Đavít lập thành đô. 
Với người Kitô giáo, Giêrusalem là nơi xảy ra nhiều sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu, nhất là biến cố tử nạn phục sinh của Ngài. 
Với người Hồi giáo, Giêrusalem là nơi giáo chủ Mahômét đã đến hành hương, là thánh địa quan trọng của họ sau Mecca và Medina trung tâm của đạo Hồi ở Ả rập Sauđi. 
Giêrusalem, tiếng Do Thái gọi là Yerushalayim, người Ả rập gọi là Al Quds, có nghĩa là thành phố văn hoá đa dạng. Như một trung tâm tôn giáo quan trọng vào thời cổ, thuộc miền Cận Đông, Giêrusalem như ngã tư nơi xảy ra nhiều cuộc tranh chấp. Khảo cổ xác minh điều đó ở những di tích của thành cổ còn sót lại. 
Lịch sử của Thành Thánh là những cuộc chiến tranh, thôn tính, tàn phá và xây dựng lại. Đế quốc Babilon, Batư, Hylạp, La Mã, Byzantine, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ottoman, Đế Quốc Anh đều đã đặt chân lên Giêrusalem. Có lẽ ít nơi nào trên thế ghi lại chứng kiến sự biến thiên cũng như sự cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo như miền đất này. Trong mọi thời kỳ, đền thờ vốn là biểu tượng của Israel vinh quang và nhục nhã, trung thành và phản bội. 
Ba ngàn năm trước CN, Giêrusalem chỉ là vùng đất nhỏ bé. Người Canaan đã đến đó sinh sống, đồng hoá sắc dân bản địa. Họ ở trên vùng đất cao, dùng nguồn nước cạnh Gikhon, nằm giữa hai thung lũng Cedron và Tyropocon. Khoảng năm 2000, dân Amôri chiếm được miền này. Khoảng 1800, họ thành lập thành luỹ ở Giêrusalem, tường thành bao gồm cả đất của dixième dân và chiếm Ôphel ở phía bắc, họ còn đào một đường hầm xuyên qua đá để lấy nước ở suối Gikhon. Vào thế kỷ 14, các bức thư của El Amarna cho biết Giêrusalem lọt vào tay một quân vương tên là AbbiHepa. Sự thống trị của người Canaan kéo dài tới thời Đavít. 
Nằm trên độ cao 800m, bao gồm thành phố mới và thành phố cổ. Thành phố cổ do vua Đavít thành lập và con ông, vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ vĩ đại nhất thời bấy giờ, nhưng Đền thờ đã hai lần bị phá huỷ và bị người La mã bình địa năm 70 sau CN. Giêrusalem trải qua một quãng thời gian dài thành nơi linh thiêng của người Kitô giáo, nhưng năm 637 người Ả rập chiếm đóng và Giêrusalem lại thành thánh địa của đạo Hồi, họ tin rằng: chính trên mỏm núi Moriah, Mahomet đã bay về trời, thế là họ cho xây đền thờ Đá (Dome of the Rock). Năm 1099, Thập Tự quân chiếm đóng, Giêrusalem thành một nước thuộc quyền người Kitô giáo và sau cuộc đánh chiếm người Hồi Ottoman 1250 lại đặt dưới sự thống trị người Hồi Ả rập. 
Sau chiến tranh thế giới lần I, năm 1922 Giêrusalem đặt dưới quyền kiểm soát của người Anh. Năm 1948, người Do Thái về lập quốc, chiến tranh xung đột giữa Israel và Ả rập xảy ra, Liên Hiệp quốc đã phân chia khu Cổ thành Thánh địa Giêrusalem thuộc về xứ Jordanie. Năm 1967, chiến tranh “Sáu ngày” Israel chớp nhoáng chiếm lĩnh khu Cổ thành. Năm 1980, viện Knesset (viện dân biểu) chính thức tuyên bố “thủ đô vĩnh viễn” bất chấp sự phản đối của khối Ả rập. Trong khu vực cổ thành có các bức tường từ thời Thổ Nhĩ Kỳ, những bức tường từ thời Salomon và Herod còn dấu tích và còn nhiều di tích thánh, những vết tích Đền Thánh còn sót lại. Mỗi tôn giáo đều có khu phố riêng: khu vực Kitô giáo nằm về phía Tây Bắc quanh mộ Chúa Giêsu; khu Hồi giáo năm hướng Đông Nam trên thung lũng Cedron. 
Salomon xây Đền Thờ 
Thế kỷ thứ 10 trước CN, Đavít lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Ông muốn xây một thành Thánh. Kế nghiệp cha, Salomon đã cho xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy. 
Vua Salomon có vàng bạc, đàn gia súc, có mùa màng và lòng kiêu căng nhưng không có vật dụng hảo hạng, thợ lành nghề và ý niệm nghệ thuật xây dựng. Vì vậy ông phải nhờ đến các người Tyrians, họ có đủ tài nguyên cần thiết và quan niệm kiến trúc cơ bản cộng với nghệ thuật của Ai cập và Assyria. 
Trong vòng bảy năm, từ 1013 tới 1006, nhà của Giavê được hoàn thành. Giống như các đền đài Ai Cập, phần căn bản của nó là Pylon hay tiền đường mặc áo, cung thánh ngoại vi hay nơi thiêng liêng, phần bên trong linh thiêng hơn, nơi cực thánh không ai được đặt chân vào ngoại trừ các thượng tế, một năm một lần. Một số các phòng phụ cận dùng vào việc phục dịch đền thờ. Toàn bộ kiến trúc được dẫy cột bao quanh gọi là hành lang có mái. Phần này được hoàn tất muộn về sau. 
Bên dưới Haram của Salomon là các hồ chứa nước dùng cho các nhu cầu của nhân viên phục vụ đền thánh và việc tế lễ. Còn việc tắm rửa thì đã có một bể bằng đồng lớn gọi là “biển đồng” ( the sea ofBronze). Nó bắt chước các chậu tắm của Susa và cuối cùng là cung điện vua thượng vị với hoàng hậu của ông ở. Ông cư ngụ bên cạnh Đức Chúa của mình. 
Như thế, Salomon hoàn thành công trình thật tráng lệ. Các kích thước cùng với hình thể, hoa văn, phù điêu, chữ nghĩa là phổ thông nơi não trạng Ai cập. Chiều kích của từng phần và các chi tiết được trù liệu như các yếu tố của một bài toán mà lời giải là toàn thể kiến trúc. Nền cao bên hông tam giác đều, phía trước là tam giác vuông – mà theo Platô tam giác đẹp nhất, hoàn thiện nhất là tam giác vuông góc các cạnh được đo như sau 3, 4 và 5. 
Việc trang trí gồm có các tấm phù điêu dát vàng theo như thói quen người Babylon. Sàn nhà làm bằng gỗ bá hương và thông già, gồm luôn cả vỉa hè. Các bình thiêng thánh gần như bằng vàng ròng toàn khối. Các bàn lễ vật, các chân đèn, các cánh thiên thần Cherubim khắc bằng gỗ dát vàng. Các dụng cụ tuỳ tùng khác được trang trí hào phóng. 
Dân Israel đã đồng hóa tình yêu đền thánh với lòng sùng mộ Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Ngài xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng” (Tv 83, 2-3). 
Đất nước chia đôi, lưu đày 
Vương triều của Salomon đến cuối đời thì bị phân chia. Trong số 12 chi tộc Israel chỉ có hai chi tộc – Giuđa và Benjamin – trung thành với nhà vua, còn các chi tộc khác lập một vương quốc mới, vương quốc Israel. Do vậy nước chia làm hai: Giuđa và Israel. Chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Miền Bắc bị đế quốc Assyri xâm chiếm vào năm 721. Miền nam Giuđa Bị đế quốc Babilon tàn phá năm 587, Đền Thánh bị thiêu đốt, dân Do Thái phải tha phương cầu thực sống kiếp lưu đày. 
Hồi hương, xây lại đền thờ lần thứ hai. 
Đế quốc Assyri và Babylon bị đế quốc Ba Tư đánh bại. Năm 538, vua Ba Tư là Cyrus hạ chỉ cho phép người Do Thái lưu đầy được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Vua Zorobabel xây dựng tạm đền thờ trên đống đổ nát. Nó được đặt trên nền cũ nhưng nhỏ hơn chút ít. Năm 537, Đền thờ bắt đầu được tái thiết nhưng 17 năm ròng rã vẫn chưa xong. Sau cùng, nhờ Khacgai và Giacaria, Đền thờ được hoàn thành, được xây cất theo Đền thờ của Salomon và cùng một kích thước. Năm 445, Nêhêmia xin vua Ba Tư xây dựng lại tường luỹ bảo vệ chung quanh. Ông thực hiện trong một thời gian kỷ lục, hai tháng thì xây xong. 
Đế quốc Hy Lạp, anh em nhà Maccabê. 
Rồi thành Giêrusalem bị đế quốc Hy lạp chiếm. Năm 166-165, một cuộc nổi dậy trong dân Do Thái, ngoài Mattathia còn có anh em nhà ái quốc Maccabê, họ nổi dậy và đã thành công. Tháng 12 năm 165 Giuđa chiếm được Đền thờ, tổ chức lễ Hanmica cũng gọi là lễ Ánh sáng, để nhắc lại ngày tẩy uế và dâng hiến lại Đền thờ cách trọng thể. Cuộc nổi dậy đó không là một sự thành công hoàn toàn nhất là về phương diện tôn giáo. 
Hêrôđê xây đền thờ lần thứ ba. 
Ngôi đền thứ hai tồn tại cho đến khi Pompey của Roma thôn tính Giêrusalem và Hêrôđê cả tự phong mình lên ngôi vua ở thành phố. Ông vua tiếm vị và sát nhân này cho xây lại đền thờ Zorobabel, để hoà giải với dân tộc Do Thái, nhất là giai cấp tư tế và đền bù muôn vàn tội lỗi đã xúc phạm đến dân tộc ấy. Ông cần tới ba năm để thu gom vật liệu cần thiết, và bám sát vào đồ án trước đây, chỉ tôn tạo dấu vết cổ xưa, cố gắng dựng lại cách sắp xếp thuở ban đầu, mặc dù chủ yếu dùng kỹ thuật Hy lạp – Roma. 
Khi mọi sự đã sẵn sàng, Hêrôđê bắt tay vào việc. Mười ngàn thợ tốt được sử dụng dưới sự giám sát của một ngàn tư tế. Chỉ những tư tế này mới được làm việc nơi cung thánh và cực thánh. Trong vòng 18 tháng, phần “Naos” (nơi cực thánh) được hoàn tất và cung hiến. Tám năm nữa để xây dựng tiền đường và hành lang. Nhưng những công việc phụ kéo dài đến thời Agrippa, phỏng năm 64 sau công nguyên nghĩa là cho tới chiều hôm trước ngày lại bị tàn phá.
Xét theo tổng thể, thì ngôi đền Hêrôđê để lại, thể hiện quan niệm kiến trúc tinh tế. Các cột hành lang quay quanh một dinh cơ đồ sộ, cái nọ chồng lên cái kia, gọi là hiên hàng cột mà tuyệt đỉnh là chính cung thánh nằm ngay trên đỉnh đồi.
Coi từ phía xa, và trong nguồn ánh sáng thuận lợi, nó có một hiệu ứng ánh sáng kỳ diệu, tuờng đá cẩm thạch trắng, trang trí vàng bạc giống như một khối tuyết lóng lánh. Nhìn từ phía núi Olivêtê, khi mặt trời mọc nó sáng chói với các mái vòm mạ vàng, các cổng, các hoa văn, các dây leo to tuớng bằng vàng ròng ở cổng chính lấp loáng dưới ánh mặt trời lung linh. Trước quang cảnh rực rỡ đó, lòng khách hành hương không khỏi bùng lên một ngọn lửa kiêu hãnh, thì thầm lời Thánh vịnh: “Tại Sion, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh”(Tv 59,2).
Thế nhưng, khi thiên hạ tiến đến từng đoàn lũ từ khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn, xô lấn nhau vào cổng, tràn ngập các sân. Khi các tư tế lăng xăng đây đó để chu toàn chức vụ. Khi các tiến sĩ tranh luận lề luật, chung quanh là học trò vãng lai hay thường xuyên. Khi hội đồng Sanhedrin nhóm họp để cân nhắc. Khi các chiên cừu, bò lừa, chiên dê được dẫn qua cổng để làm lễ hiến tế, khi các cùi hủi đến để được tẩy sạch, khi các người chồng lo lắng dẫn vợ tới chịu phép thanh tẩy bằng nước “cay đắng”, khi những người đổi tiền, những lái buôn bồ câu và bánh tiến, thực hiện dịch vụ ồn ào, thì kiến trúc khổng lồ này trở nên náo nhiệt, sống động, diễn tả sức sống của tất cả những thứ mà nó đứng làm tiêu biểu. Lúc ấy toàn bộ nơi chốn uy nghiêm này đầy ắp tiếng lách tách của lửa cháy, tiếng rống của súc vật bị giết, tiếng nói, giọng cười, tiếng chân bước và kèn đồng thúc giục. Đền thờ giống như một “siêu thị”, tấp nập buôn bán, ồn ào náo nhiệt. Điều đó, khiến Chúa Giêsu nổi giận làm một cuộc “thanh tẩy đền thờ” (Ga 2). Khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi. Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo. Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận.Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. 
jerusalem
Đế quốc Lamã phá đền thờ
Đối với người Do Thái, tôn giáo và chính trị là một. Những người kế vị Maccabê quá trần tục, họ tranh dành nhau địa vị, người thì tự xưng là vua: Aristôbôrô I; người tự xưng là Thượng tế: Hátmon. Người Do Thái phản ứng quyết liệt, họ phủ nhận quyền lãnh đạo tôn giáo cũng như chính trị đó. Trong bối cảnh đó, người La mã đã đặt chân đến theo lời mời giảng hoà việc tranh chấp giữa vua và Thượng tế. Dịp này, người La mã tiến vào Giêrusalem, nước Giuđa bị biến thành chư hầu. Hicanô được đặt làm vua Do Thái từ năm 37-4 trước CN, ông cho xây dựng Đền thờ. Dưới sự cai trị của quan tổng trấn La mã, Pônxiô Philatô (ông được hoàng đế Tibêriô bổ nhiệm năm 26, giữ chức vụ 10 năm, rồi bị mất chức năm 36 sau vụ giết hại một số người Samaria vô tội), Chúa Giêsu bị xử tử ở Giêrusalem.
Vào năm 70 sau CN, vị tướng La mã Titus đem đại quân vây hãm thành. Ông ra lệnh không được đốt phá. Một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong Đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titus ra lệnh phá huỷ thành và Đền thờ, ngoại trừ, như sử gia Josèphe cho biết, ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành bị phá.
Năm 132 vào thời hoàng đế Adrien, ông truyền xây một ngôi chùa thờ thần Jupiter, Giêrusalem gọi là Aelia Capitolina, là một thành chính thức thuộc về La mã. Năm 362, Julius mệnh danh là “người chối đạo” cho phép cũng như giúp mọi phương tiện cho người Do Thái xây lại Đền thờ, nhưng không thành vì khi khởi công có chuyện kỳ lạ là những ngọn lửa từ dưới nền móng bốc lên khiến thợ xây phải bỏ cuộc (sự việc đó đã được các giáo phụ như Grêgôriô Nazianze, Gioan Kim Khẩu và một số sử gia không có đạo sống vào năm 363 như Socrate, Sozomène, Theodoret kể lại). 
Thời vua Constantin.
Năm 333 thời Constantin, người Do Thái được phép đến than vãn chỗ đặt Bàn thờ Toàn thiêu, ông cho phá đền Capitolina, để lộ thiên đồi Golgotha và mồ thánh. Thánh nữ Hêlêna, mẹ hoàng đế đã tìm ra Thánh giá của Chúa Giêsu và hai cây thập giá của hai tên tử tội, Constantin đã cho xây một giáo đường trùm lên khu vực đó. 
Nhiều thăng trầm.
Thế kỷ thứ 5, bắt đầu có phong trào người Kitô hữu về hành hương Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã cho lập nhiều lữ quán để đón tiếp các đoàn hành hương. Năm 614 người Ba Tư chiếm được Giêrusalem, đốt phá các nơi thờ tự, bắt thượng phụ Zacaria và lấy di tích Thập Giá đem theo. Ít lâu sau, Heracliô lấy lại được Thập giá trong tay người Ba Tư (629). Năm 638, người Ả rập chiếm được Giêrusalem, họ cho xây tại chính tâm Đền thờ giáo đường El Apsa, sau đó giáo đường Omar. Kể từ đó, người Do Thái thường đến than khóc tại bức tường Than Khóc. Người Hồi giáo đã chiếm Thánh địa từ lâu, nhưng các chủ nhân Ả rập này tương đối dễ dãi với các tín hữu địa phương và khách hành hương, miễn là nộp thuế cho họ. Hoàng đế Charlemange còn cho xây dựng một đan viện ở núi cây dầu. Nhưng từ năm 1009, vua Hakim phá Mồ Thánh. Năm 1071, Hồi giáo Ả Rập gốc Thổ Nhĩ Kì phá huỷ, bôi nhọ những nơi thánh thiêng nhất của Kitô giáo cũng như cản trản những đoàn hành hương Thánh địa.
Một cuộc chiến tranh mới xảy ra: chiến tranh của lòng tin. Bấy giờ, vua La mã, Alexius Commecus thỉnh ý Đức Giáo hoàng Urban II. Giáo hoàng cho triệu công nghị ở Clermont nước Pháp, người kêu mời mọi người sẵn sàng lên đường bảo vệ đức tin. Trước lời hiệu triệu vừa hùng hồn vừa thống thiết của Đức Giáo hoàng, như ngọn lửa nhiệt thành bốc cháy, mọi người từ tu sĩ, tín hữu la lên: “Chúa sẽ phù trợ”. Đạo binh Thánh giá không phải là quân đội có tổ chức mà là sự tập trung ô hợp, nhưng không vì thế mà không có người lãnh đạo. Một đội quân mà thành phần là: tu sĩ, hiệp sĩ, nhà quý tộc, binh lính, nông dân, người buôn bán, có cả trẻ em.. Họ tin rằng họ thắng chỉ vì có Chúa độ trì… năm 1096, đoàn quân thứ nhất lãnh đạo của Godfrey of Bouillon đa phần là hiệp sĩ và những nhà quí tộc. Sau chín tháng ở Antioch…Tháng 6 năm 1099 họ bắt đầu vào Giêrusalem vào ngày 15/07/1099 họ chiếm được Giêrusalem. Khi tiến vào Mồ thánh họ đi bộ, đầu để trần, đến nơi họ quì gối rồi hôn phần đất mà Chúa Giêsu chịu chết. Họ cho xây các thánh đường mới, trong đó có thánh đường Mồ thánh, nhà Tiệc ly…
Năm 1187, Saladin chiếm được Giêrusalem. Năm 1516, lại rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 1540, Soliman II cho xây một tường luỹ ở phía Bắc chạy dọc theo tường luỹ của Agrippa, còn phía Nam nơi từ tường thành phía nam Đền thờ chạy dài đến phía bắc Nhà Tiệc Ly. Đó là bức thành hiện có và cũng từ đó bắt đầu thời suy tàn…
Giêrusalem bây giờ được phân chia thành hai phần rõ rệt. Phần ngoại thành được xây cất hiện đại, với những cơ quan đầu nảo của chính phủ Dothái. Phần Cổ Thành, nằm trong bức tường đá cổ xưa, với các nơi thánh đối với Kitô giáo, cũng như Do Thái giáo và Hồi giáo. 
2Ngôi Đền Thờ mới. 
Người Do thái xưa đã xây 46 năm mới xong Đền Thờ. Họ tự hào về công trình vĩ đại ấy. Chúa Giêsu lại nói đến ngôi đền thờ thân xác Ngài, một kỳ công không gì sánh nổi, vì đó là Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người. Chúa cho phép thần chết đựơc quyền hành động. thân xác Chúa đã bị huỷ diệt, chôn vùi trong nấm mồ lạnh tử khí.
Người Do thái tin rằng công trình kiến trúc do tay họ dựng lên sẽ bất diệt. Vì thế họ phẫn nộ khi nghe Chúa nói đến ngôi đền thờ sẽ bị phá, lại còn đựoc xây mới chỉ trong ba ngày. Câu nói của Chúa làm họ chói tai. Họ căm phẫn và tìm mọi cách để loại trừ Ngài.
Con người mọi thời đại cũng có những “ngôi đền” mà họ tin là sẽ bất diệt. Những “ngôi đền” đựơc dựng lên để con người tôn thờ chính mình. Chúng rất kiên cố vì được xây bằng cố chấp và tham vọng, được trang trí bằng giả dối và thủ đoạn của con người.Trải qua các thời đại, “ngôi đền” của con người có rất nhiều kiểu cách, nhiều mẫu mã, nhiều thương hiệu. Nhưng tựu trung vẫn thể hiện một phong cách kiến trúc duy nhất: chuộng tiền tài, ưa quyền lực, ham vật dục. Phong cách kiến trúc này rất thích hợp để thờ những ông thần độc tài, độc đoán và độc tôn.
Chúa Giêsu đến để phá huỷ những ngôi đền đó và dựng ngôi đền thờ mới. Ngôi đền thờ mới chính là Thân thể được Thần khí hoá của Chúa. Thánh Phaolô mô tả ngôi đền thờ ấy với một lối kiến trúc mới
: “bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết độ” (Gal 5,22). Ngôi đền thờ mới bất diệt vì Đấng Cứu Độ đã chiến thắng tử thần.
Lịch sử đền thờ Giêrusalem trải qua những thăng trầm thịnh suy. Đền thờ mới vững bền muôn vạn thưở. Đền thờ mới là một thách đố đối với thế gian vốn chỉ quen tôn thờ quyền lực, giàu sang và tham lam vô độ.
Giữa xã hội hôm nay, “bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, tiết độ” trở thành những âm thanh lạc lõng, khó chịu đối với dòng thác âm thanh cuồng nộ trong cơn say thế tục.
Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến đền thờ. “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa,mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Chúa Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x. Ga 15,5).
“ Hãy phá huỷ đền thờ này đi”; những đền thờ thế tục cũ kỹ, hãy phá bỏ. Hãy nhiệt tâm cùng Chúa Giêsu xây dựng đền thờ mới để chúng ta luôn sống trong bình an và hoan lạc của Thánh Thần.