Khủng hoảng Venezuela 30/3: Biểu tình từ 2 phía, chỉ 1 phía bị đáp trả bằng hơi cay
08:40, 31/03/2019
2 cuộc biểu tình từ hai phía diễn ra tại Venezuela ngày 30/3/2019 (Ảnh: Twitter)
Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido có nguy cơ bị chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro bắt giữ bất cứ lúc nào, trong bối cảnh ông Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát quân đội, cảnh sát và có cả sự ủng hộ từ những băng đảng có vũ trang gọi là Colectivos.
Dưới đây là diễn biến cuộc khủng hoảng Venezuela tính đến thứ Bảy ngày 30/3/2019:
Hàng ngàn người ủng hộ chính phủ của Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido đã xuống đường hôm thứ Bảy để phản đối chính quyền Nicolas Maduro về sự cố mất điện gây tê liệt phần lớn đất nước trong tháng này, và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm ở quốc gia Nam Mỹ từng rất thịnh vượng, theo Reuters.
Một người phụ nữ cầm mảnh giấy ghi “Maduro hãy từ chức ngay”, trong cuộc biểu tình tại Venezuela ngày 30/3/2019 (Ảnh: AFP)
Điện đã được khôi phục một cách chậm chạp sau khi bị mất vào thứ Hai, khiến hầu hết 24 bang ở Venezuela không có điện sinh hoạt. Đây là đợt mất điện lần thứ hai xảy ra sau một đợt cúp điện kéo dài một tuần vào ngày 7/3.
“Chúng ta đều biết rằng ai là người chịu trách nhiệm cho sự cố mất điện, chính là Maduro”, ông Guaido nói trước đám đông người biểu tình ở Caracas hôm thứ Bảy. “Chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình xóa bỏ chế độ trộm cướp và tồi tệ này”, vị tổng thống lâm thời nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido phát biểu trước đám đông những người biểu tình phản đối chính quyền Nicolas Maduro hôm thứ Bảy ngày 30/3/2019 (Ảnh: Twitter)
Các lực lượng an ninh thuộc chính quyền Maduro đã bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình, theo Al Jazeera. Tờ báo này cho biết ít nhất tám cuộc biểu tình phản đối ông Maduro đã được lên kế hoạch vào thứ Bảy tại Caracas. Không rõ có bao nhiêu cuộc bị lực lượng an ninh giải tán.
Cùng ngày, những người ủng hộ chính quyền Maduro cũng xuống đường để phản đối cái mà họ coi là mối đe dọa của đế quốc đối với đất nước. Trái ngược với cuộc biểu tình của người dân bị đáp trả bằng hơi cay, cuộc biểu tình ủng hộ Maduro diễn ra êm thấm và được nhà lãnh đạo cánh tả chia sẻ trên Twitter.
Cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Maduro ngày 30/3/2019 (Ảnh: Twitter)
Tổng thống Nicolas Maduro thường đổ lỗi cho “thế lực thù địch nước ngoài” về các vấn đề của đất nước, bao gồm cả sự cố mất điện quy mô lớn tại nước này.
Trong sự cố cúp điện lần thứ nhất, ông Maduro nói là do Mỹ “tấn công mạng” vào hệ thống điện của Venezuela, nhưng các chuyên gia cho biết mạng lưới điện Venezuela không được cải tiến từ những năm 90 và không có kết nối công nghệ cao để thực hiện tấn công mạng. Ngược lại, tình trạng thiếu đầu tư bảo trì và quản lý yếu kém trong nhiều năm, cộng với làn sóng di cư của nhân viên có trình độ trong ngành điện đã dẫn tới tình trạng mất điện quy mô lớn, và sẽ còn xảy ra thường xuyên, các chuyên gia cho biết. Trong sự cố cúp điện lần 2, chính quyền Maduro chỉ đề cập chung chung là do lỗi của “thế lực thù địch”.
Trong cuộc biểu tình hôm thứ Bảy, Tổng thống lâm thời Guaido cho biết ông sẽ làm việc với chính phủ Nhật Bản để khắc phục tình trạng cúp điện tại Venezuela, NHK đưa tin.
Cùng ngày, phu nhân của ông Guaido, cô Fabiana Rosales có cuộc phỏng vấn với báo el Nuevo Herald, sau những ngày cô được tiếp đón tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington và dinh thự của Tổng thống Trump tại bang Florida, Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, con gái ông Trump – cô Invanka Trump tiếp đón cô Fabiana Rosales, phu nhân của Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido tại Nhà Trắng ngày 27/3/2019 (Ảnh: White House)
Cô Rosales, 26 tuổi, nói: “Chúng ta phải ngăn chặn cuộc khủng hoảng này ngày hôm nay. Chúng ta phải ngăn chặn việc tàn sát của trẻ em ngay hôm nay. Chúng ta phải ngăn chặn dân số cao tuổi của chúng tôi lựa chọn tự tử như là cách duy nhất để thoát khỏi sự sụp đổ kinh tế của Venezuela.”
Họ đều là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng đang gia tăng bắt đầu từ nhiều năm trước, cô Rosales nói. Cô cho biết cha của cô, ông Carlos Rosales, đã qua đời vào năm 2013 do thiếu nguồn cung cấp y tế. Điều tương tự cũng xảy ra vào tháng 2/2019 với người em họ 10 tuổi yêu dấu của cô, cậu bé Jorge Andrés.
“Cậu ấy bị tình trạng đặc biệt, cậu ấy cần truyền máu, nhưng không thực hiện được… Việc tìm thuốc chạy chữa cho cậu ấy trở thành trò săn lùng khắc nghiệt, như là truy tìm báu vật.”
Nữ nhà báo từng là thủ lĩnh sinh viên cho biết cô và chồng mình – Tổng thống lâm thời Guaido – có thể bị chính quyền Maduro bắt giữ bất cứ lúc nào. Cô nói: “Tôi cầu xin Chúa giúp tôi tiến về phía trước”, cô ấy nói thêm, “để ban cho tôi sức mạnh, để ban sức mạnh cho tất cả nhân dân Venezuela chúng tôi có thể tiếp tục con đường này chúng tôi đã đi. Và để không để bất cứ điều gì khiến chúng tôi lạc lối.”
Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thống lâm thời Juan Guaido của Venezuela phát biểu tại một cuộc mít tinh với những người ủng hộ tại Plaza Bolivar of Chacao, ngày 25/1/2019. Bên cạnh ông là người vợ của ông, nữ nhà báo Fabiana Rosales. (Ảnh: Getty)
Cũng hôm thứ Bảy, Nga đã bác bỏ mối quan ngại của Mỹ về sự hiện diện của các binh lính Nga tại Venezuela, gọi mối quan ngại này là “hoàn toàn không có căn cứ”.
Theo Al Jazeera, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria phát biểu: “Phía Nga đã tuyên bố rõ ràng về mục đích của các chuyên gia đến Venezuela. Đây không phải là về ‘đối thủ quân sự’ nào’”.
Nga, cùng với Trung Quốc, là các đồng minh quan trọng của chính quyền Maduro. Tại cuộc họp ở Liên Hợp Quốc hôm 26/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomepeo chỉ trích Nga và Trung Quốc “nâng đỡ một chế độ thất bại với hi vọng thu hồi hàng tỉ đôla các khoản đầu tư và viện trợ thiếu cân nhắc trong nhiều năm qua”.
Đại Kỷ Nguyên News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét