Bà Phạm Chi Lan: ‘Chính sách tài khoá của Việt Nam đang có vấn đề khá nặng’
Lê Ngà
(VNF) – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chính sách tài khóa của Việt Nam đang gặp phải những vấn đề nặng nề, điển hình là chi thường xuyên quá lớn.
Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ba-pham-chi-lan-chinh-sach-tai-khoa-cua-viet-nam-dang-co-van-de-kha-nang-20180504224221352.htm
(VNF) – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chính sách tài khóa của Việt Nam đang gặp phải những vấn đề nặng nề, điển hình là chi thường xuyên quá lớn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Bên lề hội thảo quốc gia “Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019” đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018 với chủ đề "Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng", VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về một số vấn đề kinh tế - thể chế hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan nói:
"Tôi nghĩ các dự báo về tăng trưởng năm 2019 ở các nước khác trên thế giới đều cũng thấp hơn so với năm 2018, bởi người ta lo ngại về một số rủi ro của kinh tế toàn cầu.
Ví dụ, thương mại toàn cầu đang có sự sụt giảm nhất định do các chính sách bảo hộ của một số nước hay do xung đột thương mại Mỹ - Trung. Cuộc xung đột này ảnh hưởng rất nhiều đến các nền kinh tế chứ không chỉ riêng mình hai nước đó.
Khu vực châu Âu cũng có nhiều bất ổn, đơn cử như câu chuyện Brexit. Nó đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới các nền kinh tế khác trong Liên minh châu Âu, không chỉ riêng mỗi nước Anh.
Nói chung trên toàn cầu, lúc nào người ta cũng nhìn một cách thận trọng về những rủi ro có thể xảy ra. Tại Việt Nam cũng vậy. Thực ra năm nay Chính phủ hay Quốc hội cũng đặt mức chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn so với chỉ tiêu đã đặt ra năm ngoái.
Tôi thấy chỉ tiêu đó là thực tế, bởi nền tảng năm ngoái đã rất cao thì năm sau không thể luôn luôn cao hơn được. Rất khó để chúng ta đòi hỏi một mức tăng trưởng cao hơn trong khi chưa thấy động lực mới của tăng trưởng được đưa ra.
Cho nên ở Việt Nam, việc đặt vấn đề năm nay tăng trưởng kinh tế có thể không bằng được năm ngoái, tôi nghĩ là hợp lý.
Cái “chốt” quan trọng nhất của năm 2019 cũng như là các năm tiếp theo là phải tạo được những động lực tăng trưởng mới, khi mà những nguồn lực cho tăng trưởng cũ đang cạn kiệt dần.
Ví dụ nhìn vào ngành khai khoáng, những năm gần đây đóng góp của ngành này vào nền kinh tế chung đã giảm đi đáng kể. Hay như nông nghiệp, năm ngoái tăng trưởng tương đối tốt phần nào nhờ vào điều kiện về tự nhiên, thời tiết, vậy năm nay có còn được những điều kiện tốt như vậy không.
Đối với khu vực tư nhân, năm nay các doanh nghiệp cũng hình dung được những khó khăn. Năm ngoái, tăng trưởng tốt nhưng vẫn nhìn thấy số doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể tăng cao hơn. Tức là đa số doanh nghiệp vẫn khó khăn. Thậm chí năm ngoái, số doanh nghiệp giải còn cao hơn số doanh nghiệp mới thành lập.
Điều này chứng tỏ số doanh nghiệp đã hình thành và đi vào hoạt động một vài năm nhất định cũng không chịu nổi sức ép mới, khiến họ phải rút ra khỏi thị trường. Nếu tình hình này còn tiếp diễn thì lấy đâu ra được những lực lượng đóng góp vào tăng trưởng mới cho đất nước.
Tôi cho rằng có nhiều lý do để chúng ta cần phải có một sự thận trọng hơn trong năm 2019".
- Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ khu vực tư nhân, theo bà việc thực hiện các chính sách này đến thời điểm hiện tại như thế nào?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ giải pháp được đề ra rất nhiều nhưng trên thực tế, việc thực hiện lại vô cùng kém.
Rõ ràng nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh được đề ra nhiều năm nay, năm 2017 thì tương đối khá nhưng đến năm 2018 dường như bị chững lại.
Khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra các yêu cầu cắt giảm các điều kiện kinh doanh thì một số bộ, ngành có triển khai. Tuy nhiên, có những điều kiện được xử lý nhưng không có tác dụng thực tế, theo kiểu gom nhiều điều kiện cũ thành một điều kiện mới, hoặc bỏ một một điều kiện mới thì lại đẻ thêm nhiều điều kiện khác khó khăn hơn.
Tôi cho rằng cái này còn phải chiến đấu lâu dài và chừng nào chúng ta chưa cải cách được bộ máy của nhà nước, chưa làm rõ được trách nhiệm giải trình của các cơ quan, buộc họ phải thực hiện những chủ trương lớn của Nhà nước, để cải thiện môi trường kinh doanh, thì chừng đó chúng ta không thể làm được.
Doanh nghiệp sống và làm việc trực tiếp với bộ máy ở các cấp dưới cụ thể, những người thực hiện chứ không phải người làm chính sách, thiết kế chính sách ở cấp cao nhất.
Cho nên ở cấp cao nhất có đề ra chính sách hay mà bên dưới không thực hiện thì cũng không làm cho những chính sách tốt đó đi vào cuộc sống, hay giúp cho doanh nghiệp phát triển được.
- Bà đánh giá như thế nào về chính sách tài khoá của Việt Nam hiện nay?
Tôi nghĩ chính sách tài khoá của Việt Nam đang có vấn đề khá nặng. Tất cả các con số đưa ra qua nghiên cứu so sánh với các nước khác càng cho thấy rõ hơn những vấn đề trong tài khoá của Việt Nam hiện nay.
Tức là, không có nước nào dành ngân sách cho chi thường xuyên cao đến như vậy, cũng không có nước nào có tỷ lệ chi tiêu hay đội ngũ cán bộ nhà nước cao như ở Việt Nam.
Đây là một gánh nặng làm cho chi thường xuyên quá cao, trong khi ngân sách dành cho đầu tư phát triển thì quá thấp. Điều này làm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, đồng thời cũng làm giảm đi động lực của những người đóng thuế, nhất là các doanh nghiệp.
Nếu như người dân, doanh nghiệp cảm thấy tiền thuế được dùng cho đầu tư chung của đất nước như phát triển hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, có lợi chung cho toàn dân thì họ sẵn sàng đóng thuế nhiều hơn.
Nhưng nếu họ thấy 10 đồng đóng thuế mà 7 đồng để chia cho bộ máy nhà nước mà bộ máy đó nhiều khi không phục vụ được yêu cầu của người dân, không phục vụ tốt được cho doanh nghiệp, gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp thì họ không còn động lực để đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước.
- Hiện nay, nguồn thu từ doanh nghiệp ngày càng tăng lên, điều này sẽ tác động như thế nào đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, thưa bà?
Hiện nay mức huy động từ doanh nghiệp của nước ta rất cao, nguồn thu này là lớn nhất trong tất cả các nguồn thu thuế; tiếp theo đó là đến từ thu thuế VAT (tức là đóng góp của người tiêu dùng). Tôi cho rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp.
Khi thuế đánh vào doanh nghiệp cao, có những doanh nghiệp làm ăn trả lãi ngân hàng, nộp thuế xong thì không còn lợi nhuận, vậy lấy đâu động lực để cho họ làm tiếp. Đây là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp ngưng hoạt động ngày càng tăng lên.
Kể cả đối với thuế VAT cũng vậy, khi đánh thuế cao vào người tiêu dùng và người sản xuất, họ không có khả năng chi trả sẽ dẫn tới thị trường bị thu hẹp lại, điều này lại tác động đến doanh nghiệp.
Tôi cho rằng vấn đề của nước ta là cần phải có những cuộc cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần phải có thêm chuyên đề sâu hơn để bàn và đưa ra giải pháp cụ thể đối với thuế như thế nào? Không giảm chi được thì làm sao có thể tăng thu mãi được…
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Xem thêm: Bộ Công Thương: Không có chuyện thiếu xăngNguồn: https://vietnamfinance.vn/ba-pham-chi-lan-chinh-sach-tai-khoa-cua-viet-nam-dang-co-van-de-kha-nang-20180504224221352.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét