Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Tôi vừa tỉnh dậy sau 3 ngày liệt giường vì cúm (flu)

Tôi vừa tỉnh dậy sau 3 ngày liệt giường vì cúm (flu)

1-3-2020
Trong thời gian đó, trừ những khi quá sốt hay ớn lạnh do hết Paracetamol, tôi đọc nhiều tài liệu về cúm và suy nghĩ nhiều về căn bệnh quái ác này cũng như các vấn đề liên quan. Tôi cũng chưa hết vẫn còn uống thuốc nhưng nghĩ là bắt đầu hồi phục nên xin bình tĩnh ghi ra đầy đủ các suy nghĩ, hy vọng sớm giúp ích mọi người. Các bạn có thể chỉ chọn đọc mục các bạn quan tâm.
1. CÂU HỎI ĐẦU TIÊN LÀ VÌ SAO TÔI LẠI MẮC BỆNH
Bị cúm trong những ngày này, khi TV, báo đài, mạng xã hội liên tục đưa tin về cúm Coronavirus, số người nhiễm, số người chết hằng ngày, thật không dễ dàng gì. Rồi như một người con/chồng/cha trong gia đình luôn dặn dò mọi người phải cẩn thận thế này thế kia, trong khi mình lại dính bệnh, lại là một cảm giác không vui, nên câu hỏi tôi liên tục đặt ra là vì sao tôi mắc bệnh.
Nói nhỏ một chút với các bạn: cảm giác không vui như trên đáng lý ra cũng không nên có: có ai muốn bị bệnh để làm khổ người thân và chính minh. Nên truy tìm nguyên nhân là việc nên làm, nhưng đừng tự làm khổ mình.
Tôi không phải thuộc diện những người phải đi xét nghiệm Coronavirus theo bắt buộc của NHS (National Health Service) của Anh. Tôi từ Việt Nam sang Anh đã gần 30 ngày, tức số ngày đã nhiều hơn thời hạn nghi ngờ ủ bệnh Coronavirus theo quy định của nước Anh. Mặc dầu các bạn có thể hiểu là tôi sẵn sàng đi xét nghiệm Coronavirus, nhưng họ khuyên nên nghỉ ngơi và tự chữa bệnh ở nhà. Mặt khác, dầu tôi bệnh lần này phải nói là nặng nhất từ trước đến giờ, tôi vẫn nghĩ là không phải Coronavirus. Vì sau 3 ngày tôi đã có thể ngồi dậy viết các dòng này.
Nếu không phải nhiễm bệnh từ Việt Nam hay từ các nơi có ổ bệnh, vậy vì sao lại bệnh? Tôi tự đánh giá có sức đề kháng tương đối tốt, chạy bộ, tập thể dục đều đặn và hồi đó giờ rất ít khi bị cảm (cold) hay cúm (flu), có mệt mệt cỡ một ngày là khỏi, không phải uống thuốc gì nhiều.
Lục trong trí nhớ vài ngày gần đây tôi mới để ý là cỡ một tuần trước tôi dụi mắt liên tục. Các bạn ở các nước có 4 mùa xuân hạ thu đông có thể bị cái bệnh dị ứng phấn hoa khi mùa xuân tới. Thường thì phải đến mùa xuân ấm ấm lên vào tháng 3 tháng 4 nhưng không hiểu vì sao năm nay mới gần cuối tháng 2 thôi mà mấy cây đào ở gần nhà tôi đã nở hết. Và nó càng nở rộ thì tôi lại càng thấy xốn xang trong mắt, giống như có ai lấy cái chổi nhỏ quét vào mắt mình vậy. Thế là dụi mắt, ban đầu còn kỹ lưỡng rửa tay, rửa mắt bằng nước muối. Sau thì chịu hết nổi đi xe, đi tàu cũng dụi mắt, ngồi làm việc cũng dụi. Vài ngày sau tôi đã uống thuốc chống dị ứng cho đỡ xốn mắt nhưng có lẽ đã quá trễ, virus đã vào người từ vài ngày dụi mắt rồi. Ngoài ra cũng có một ngày đi thăm công trường suốt trong trời lạnh cũng làm tôi khá mệt và có thể giảm sức đề kháng. Trong cái mùa đông dịch cúm này, đưa tay lên mắt, mũi một cách vô tội vạ, dầu bất cứ lý do gì, là cách để nhiễm bệnh nhanh nhất!
Các bạn đừng bao giờ đưa tay như vậy lên mắt, mũi, miệng. Phải rửa tay thường xuyên.
2. VÌ SAO PHẢI RỬA TAY THƯỜNG XUYÊN VÀ NHƯ THẾ NÀO?
Một số nghiên cứu vào đầu năm 2018 lại nói là hơi thở của người bệnh ra bên ngoài cũng chứa virus. Tuy nhiên phần lớn các tài liệu ghi virus cúm lây qua những giọt nước li ti mà người bệnh bắn ra không khí khi ho hay hắt xì. Có hai cách để những hạt này vào cơ thể của người chưa bị bệnh:
Họ hít phải, hay nói cách khác là bị dính phải mấy giọt hắt xì này vào mắt mũi miệng
Các hạt này bám trên các đồ vật dễ được dùng chung như tay nắm cửa, công tắt điện, điện thoại, mặt bàn vv. Khi người chưa bệnh đụng tay phải và đưa tay vào mắt mũi miệng thì sẽ bị nhiễm virus. Do đó bác sĩ và tất cả các trang web mà tôi đọc đều dặn dò rất kỹ là phải rửa tay thường xuyên để giảm đến thấp nhất nguy cơ đưa tay dính virus lên mắt mũi miệng.
Rửa tay bằng xà bông, trong nước ấm, chà xát hay bàn tay với nhau và tất cả các chỗ trên bàn tay cẩn thận trong ít nhất 20 giây, hay hai lần bài Happy Birthday. Tức là hát hai lần: “Happy Birthday to you, Happy Birthday to you, Happy Birthday to my love, Happy Birthday to you.”
Thường xuyên rửa tay nhe các bạn. Hiện giờ tôi đã có mỗi người trong nhà một bình xà bông rửa tay riêng.
Đó là kinh nghiệm xương máu của tôi, nếu có thể nói như vậy sau 3 ngày qua sốt, ớn lạnh mê man.
3. CÓ CẦN ĐEO KHẨU TRANG?
Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao Y tế Anh, Pháp, Mỹ đều nói không cần đeo khẩu trang. Đó là một sự vô lý và mâu thuẫn ngay tức khắc với lời khuyên của họ là khi hắt hơi hay ho cần giấu miệng trong tay áo hay trong khăn giấy.
Dĩ nhiên ai mà không biết là con virus nó nhỏ và có thể đi qua mấy cái lớp vải dầu nó có đặc biệt cỡ nào đi nữa của khẩu trang. Nhưng chắc chắn một điều là khẩu trang (tạo thành từ vài lớp vải) cũng che bớt nhiều các giọt nước mang virus li ti bắn vào không khí, bắn vào đồ dùng (những tác nhân lan truyền mạnh nhất). Và có phải người bệnh nào cũng đủ sức hay kịp đưa tay lên che miệng hay cầm khăn giấy ra sụt sịt đâu!!??
Gần đây hình như họ lại nó chỉ người bệnh mới cần đeo khẩu trang. Lại cũng là một điều vô lý nữa. Cúm thường ủ bệnh vài ngày, Coronavirus ủ bệnh và có thể lây 14 ngày. Định nghĩa thế nào là người bệnh để đeo khẩu trang hay không?
Theo tôi những người không bệnh cũng nên đeo khẩu trang, vì khả năng họ dính hắt xì hay ho của người khác vào mặt cũng thấp hơn. Và cũng phải tùy vào văn hóa ứng xử mà khuyên dùng khẩu trang hay không. Nói một cách thẳng thắn là nhiều người khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam hay Châu Á cũng hắt xì vào không khí. Có người lịch sự thì lấy tay che miệng; tốt đó, nhưng sau đó có đi rửa tay liền hay lại tựa lên bàn, cầm nắm tay mở cửa để lây lan virus vào đồ dùng!?
Là một người bệnh trong nhà, tôi thật sự thấy cái khẩu trang cần thiết kinh khủng. Tôi không muốn có bất cứ nguy cơ nào hắt xì vào người thân của mình.
Tôi thật sự không hiểu lý do gì mà họ cứ nói không cần đeo khẩu trang trong cái mùa dịch này. Có phải vì họ lo cháy hàng khẩu trang và tạo cảm giác là họ không chuẩn bị đủ? Như vậy thì nghe có vẻ kém y đức quá! Dầu sao đó cũng chỉ là một nghi vấn nhỏ, các bạn không cần phải quan tâm.
Tóm lại tôi nghĩ các bạn cần đeo khẩu trang, đặc biệt là các bạn sống ở vùng có dịch hay ở các nước khí hậu khô và lạnh, điều này tôi sẽ nói kỹ sau. Khẩu trang có thể là vài lớp vải, có thể là khẩu trang tự chế. Các hình ảnh vui trên mạng như đeo khẩu trang là băng vệ sinh hay chai nước nhựa đều đáng để tham khảo.
4. CẦN TIÊM VACCINE PHÒNG CÚM TRƯỚC MÙA ĐÔNG
Nói thật là hồi ở Sài Gòn, Việt Nam tôi cũng nghe đến cúm nhưng chưa bao giờ mắc phải. Chỉ thường là bị cảm mạo thông thường, bên này người ta gọi là cold. Cúm tiếng Anh là flu, tiếng Pháp là grippe là những bệnh do virus gây ra và chủ yếu xuất hiện ở mùa đông. Cảm thì chỉ một hai ngày là khỏi, cúm thì trầm trọng hơn nhiều và cần đến cả tuần sốt lên sốt xuống với đủ thứ mệt mỏi và có thể biến chứng. Các bạn có thể Google cảm hay cúm, hay flu or cold để tìm các khác nhau rất rõ của hai căn bệnh này để tự tin biết mình bị gì và không bị lo lắng quá khi bị cảm hay phải để ý hơn rất nhiều khi bị cúm.
Từ khi sang Pháp, Anh tôi biết nhiều hơn về cúm. Chủ yếu cũng là do các cháu nhỏ đi học và mang bệnh về hay trường học kêu phải chích hay hít (nasal spray) phòng cúm trước mùa dịch thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 (mùa lạnh ở Anh, Pháp, Đức). Công ty, bác sĩ cũng kêu tôi chích vaccine phòng cúm nhưng tôi không bao giờ chích vì lúc nào tôi cũng đặt câu hỏi: Chích có bị phản ứng phụ gì không? Dĩ nhiên bác sĩ sẽ trả lời: Anh có thể bị hắt xì sổ mũi vài ngày. Vậy là tôi không chích, tự nhủ bệnh thì bệnh, vaccine làm sổ mũi vài ngày mệt lắm!
Đó là suy nghĩ sai lầm nhe các bạn. Bị cúm sẽ làm cho bạn sốt liệt giường ít nhất là vài ngày, sau đó sốt lên sốt xuống trong 1 tuần. Không làm ăn gì được vì người ta ai cũng sợ bạn lây. Và nếu rơi vào các mùa như Coronavirus như hiện giờ thì rất stressed cho gia đình, bạn bè và xã hội. Do đó các bạn nên tiêm vaccine cúm cho bạn và người thân trước mùa đông, đặc biệt là các bạn ở vùng khô và lạnh.
5. CÚM LÂY LAN MẠNH NHẤT Ở ĐÂU?
Các bạn ở các nước có khí hậu lạnh và khô càng dễ bị bệnh cúm. Lạnh thì dễ rồi, các nước càng xa xích đạo càng lạnh, ví dụ như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Úc, New Zealand. Khô thì một luật chung là chỗ nào càng xa biển càng khô, ví dụ như Pháp, Ý sẽ có nhiều vùng khô hơn Anh; Vũ Hán sẽ khô hơn Thượng Hải.
Nếu để ý các bạn cũng sẽ thấy các nơi khô và lạnh hiện giờ có nhiều trường hợp bị nhiễm Coronavirus hơn.
Có hai lý do nhiều tài liệu đưa ra: 1/virus sẽ sống dai hơn trong khí hậu lạnh, đó là vì sao người ta nói cúm mùa, tức cúm lặp lại vào mỗi mùa lạnh. 2/các hạt nước li ti chứa virus sẽ lơ lửng trong không khí lâu hơn trong môi trường khô. Vì trong môi trường có độ ẩm cao, các hạt này sẽ kết với hơi nước và chìm xuống mặt đất, sàn nhà.
Ngoài các lý do khoa học trên, một lý do mà tôi thấy như một người Việt ở nước ngoài là mùa đông thì dễ bị bệnh hơn, lạnh, cảm vv làm cho sức đề kháng giảm. Thêm vào đó mùa đông thì chúng ta có khuynh hướng quanh quẩn trong nhà với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan bệnh cũng cao hơn.
Đúng là phước đức Ông Cha để lại, nước Việt Nam chúng ta nằm trong khí hậu nóng ẩm, là nơi mà virus cúm nói chung hay Coronavirus khó lan truyền. Nói như vậy để không phải kém phòng bị, nhưng để đánh giá đúng nguyên nhân và tình hình. Và khí hậu nóng ẩm cũng có thể là môi trường tốt cho các dịch bệnh khác.
6. TỰ CÁCH LY VỚI XUNG QUANH VÀ GIA ĐÌNH KHI CÚM
Xin làm rõ là trường hợp của tôi là cúm thường. Nếu các bạn xui rủi bị mắc Coronavirus thì có lẽ phải theo chỉ dẫn của cơ quan y tế địa phương hơn. Đối với người khỏe mạnh và không có các bệnh lý hay tình trạng đặc biệt (tiểu đường, mang thai, hen suyễn) thì cúm gây ra bởi Coronavirus có thể nguy hiểm và làm mệt hơn cúm thường, nhưng không quá nhiều và rất rất nhiều khả năng là các bạn sẽ vượt qua. Do đó các bạn nếu mắc bệnh thì nên khám, theo lời bác sĩ, tự tin dưỡng bệnh và đừng lo lắng quá đáng. Yếu tố tinh thần cũng là một trong những liều thuốc quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất trong thời đại mà suốt ngày cứ nghe về số người chết do Coronavirus như hiện nay.
Trở lại câu chuyện tự cách ly khi bị bệnh. Dĩ nhiên không ai muốn lây bệnh ra người thân và chung quanh. Ngay khi có dầu hiệu đầu tiên bị cúm: Sốt cao kèm với ớn lạnh, nhức đầu kinh khủng và mỏi mệt toàn thân, tôi lập tức tự tách ly mình khỏi những người xung quanh. Xin ghi ra vài việc cách ly như sau:
Tôi sống trong một phòng riêng, đến giờ đã được vài ngày, và sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi hết sốt và thêm vài ngày nữa. Tất cả các dụng cụ, đồ dùng đều dùng riêng: cái ly uống nước, khăn thì dùng khăn giấy nhất có thể, quần áo dơ giặt riêng vv và vv.
Hạn chế đụng vào các đồ vật trong nhà khi không cần thiết, ví dụ như nắm tay mở cửa, mặt bàn, công tắc bật tắt đèn là những điểm dễ lây lan virus. Rửa tay thường xuyên và nhắc cả nhà rửa tay thường xuyên. Ăn uống riêng. Hạn chế nói chuyện, trao đổi, gặp người thân. Khi gặp thì nhớ mang khẩu trang, thậm chí nói họ mang khẩu trang.
Nhẹ nhàng nói với người thân của mình làm theo các việc trên và chịu khó với mình. Vì tự cách ly mình bất tiện cho người bệnh một thì bất tiện cho người thân cũng ít nhất là ba bốn. Tự cách ly là một việc rất gian nan.
Tôi cố gắng làm tốt các việc cách ly đó nhất có thể. Tôi cũng tự nhủ là nó sẽ không hoàn hảo vì mọi người vẫn sống trong một ngôi nhà, giữa mùa đông. Nhưng hy vọng là nếu vợ hay con bị mắc bệnh thì cũng sau khi tôi đã khỏe và có thể chăm sóc. Và cũng hy vọng là mùa xuân của tháng 4 sẽ sớm đến để nhiệt độ nóng lên và virus không lan truyền dễ dàng nữa.
7. CÓ NÊN CHO TRẺ EM Ở VIỆT NAM ĐI HỌC Ở GIỮA MÙA DỊCH CÚM NÀY?
Ở Việt Nam, trên mạng xã hội đang có tranh luận về việc cho trẻ đi học lại vào đầu tháng 3 này. Tôi có xem nhưng nói thật là không dám có ý kiến, vì đơn giản mình đang ở nước ngoài.
Cho đến khi tôi nằm bệt trên giường mấy ngày qua. Sốt liên tục 40 độ, đầu nhức như búa bổ, mình mẩy rã rời. Cách chữa bệnh cúm? Nghỉ ở nhà và uống Paracetamol khi bị sốt trong ít nhất 1 tuần, vậy thôi, không có thần dược nào khác. Paracetamol thì bác sĩ chỉ cho uống 4000 mg/24 giờ tức mỗi lần 2 viên 500mg, cách nhau 6 tiếng, bất kể ngày đêm. Uống vào thì đỡ một chút, ngủ vùi được vài tiếng thì mê man, lạnh lập cập, rùng mình nhưng vẫn phải cố chờ cho đến giờ uống thuốc, vì sợ quá liều. Nói ra đây thì mọi người có thể cười nhạo mới sốt vài ba ngày mà đã phóng đại, nhưng thật sự là lúc sốt cao giống như mình đang lênh đênh trên biển, bất định, hay nằm giữa chiến trường người đầy thương tích, nóng hầm hập mà gió lạnh thổi rét trên xương. Tôi có thể làm thơ và làm văn về mấy bữa sốt vừa rồi, nhưng điều đó không quan trọng.
Rồi lúc bệnh mới nhớ những lúc mấy đứa con bệnh, sốt cúm v.v.., chắc các cháu bị nhiều hơn tôi nhiều. Những lúc đó chủ yếu là người mẹ lo lắng và thức bên con và chăm sóc con là phần lớn. Tôi thì chỉ chạy lòng vòng hụ hợ, thể hiện mình mạnh khỏe (cũng là điều tốt và cần thiết) và sẵn sàng để chở con đi cấp cứu v.v.. Lúc các con vừa hơi hết sốt (tức là có thể còn bệnh) cũng là lúc ba nó nghĩ cách để chở nó đi học, đi gửi, hay dạy nó cái này cái kia. Tôi còn nhớ lúc tôi dạy con tôi tiếng Pháp 10 ngày trước, khi đó cháu than mệt quá và ho; tôi nói thôi vậy học tiếng Việt nhé!
Nhiều khi tôi nghĩ mình thật kỳ. Bắt các cháu học như vậy để làm cái gì??? Vì các cháu hay vì bản thân, công việc, thời gian và ý chí của tôi thôi?
Bệnh cũng là cách để mình cảm thông với người khác hơn, đặc biệt là những người thân của mình. Thấy mình bé nhỏ, dễ vỡ và cần phải khiêm tốn hơn.
Có một câu mà tôi không biết mẹ tôi hay vợ tôi nói, nói chung là từ một người mà tôi thường nghe, đó là người khỏe có nhiều mong ước, còn người bệnh chỉ có một ước muốn thôi: Hết bệnh.
Đơn giản vậy thôi nên trước khi có mộng ước gì về tri thức cho các cháu hay tổ chức xã hội, nếu các cháu nhỏ ở Việt Nam may mắn chưa bệnh thì phải tìm hết cách để giữ các cháu đừng bị bệnh.
Tôi đọc đâu đó nghe nói TP HCM đã có công văn kéo dài thời gian các cháu nghỉ học đến hết tháng 3. Tốt. Nhưng miền Bắc lại càng phải cần như vậy hơn, vì lạnh hơn.
Là người ở nước ngoài, tôi hiểu khó khăn như thế nào trong công việc và cuộc sống khi giữ con ở nhà khi nó bị bệnh. Ở Việt Nam đối với những cặp vợ chồng trẻ lên thành phố còn cực hơn. Nhưng tôi thà để các cháu ở nhà, xếp lại các kế hoạch, dự định còn hơn là mang cháu đến trường với nguy cơ bị một thứ bệnh tôi đã trải qua 3 ngày qua. Khả năng các cháu sẽ bị lây nhiễm sẽ cao hơn tôi. Và khi các cháu bị bệnh, triệu chứng và biến chứng sẽ trầm trọng và mệt mỏi hơn tôi nhiều.
Ngoài ra dịch cúm này cũng không thể kéo dài quá lâu nữa. Khi khí hậu ở các vùng tâm dịch nóng lên vào tháng 4 tháng 5, tức 1 tháng nữa, sự lây lan của virus cũng sẽ giảm đi. Khi đó các cháu đi học cũng không muộn. Mà có bao giờ là muộn để học? Tôi vừa mới học một bài trong 3 ngày qua.
Cảm ơn mọi người đã đọc. Có bất cứ câu hỏi nào cứ trao đổi, tôi sẽ cố gắng trả lời.
Một số tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét