Trung Quốc: Không kiểm soát được thông tin, thì làm nhiễu loạn thông tin?
26-3-2020
Trang báo độc lập AXIOS, được thành lập với mục đích làm sáng tỏ thông tin trong thời kỳ tin tức giả mạo nhuốm màu dân tuý, vừa đăng một bài “vạch mặt” chiến thuật làm nhiễu loạn thông tin của Trung Quốc.
Cả tuần qua, Trung Quốc đã không ngừng truyền tải các thuyết âm mưu về nguyên nhân gây ra Covid-19, nhằm chuyển hướng chỉ trích của dư luận ra khỏi việc bàn luận về khả năng kiểm soát dịch của Bắc Kinh.
Trước đó, chiến thuật của Trung Quốc là mạnh mẽ ngăn chặn các luồng thông tin về bệnh dịch qua việc ngăn cản bác sĩ Lý Văn Lượng (RIP) và các đồng nghiệp của ông khi họ sớm cảnh báo về một căn bệnh bí ẩn nguy hiểm đã lây lan từ hồi tháng 12 năm ngoái và sau đó là tăng cường kiểm duyệt các thông tin hàm ý tiêu cực chỉ trích chính quyền.
Nhưng càng về sau chính sự kiểm duyệt này lại phản tác dụng, khiến chính người dân và quốc tế càng đặt câu hỏi về tình hình dịch bệnh thực tế ở Trung Quốc.
Và khi khủng hoảng niềm tin ngày càng trầm trọng hơn, thì các cơ quan chính thức của Trung Quốc gồm các đại sứ quán, và cơ quan truyền thông nhà nước bắt đầu lan truyền một số thuyết âm mưu khác nhau về nguồn gốc của corona virus.
Phó phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian liên tục tweet rằng virus Covid-19 có thể “đến từ một phòng thí nghiệm quân sự của Hoa Kỳ.”
Một bản tin của kênh CGTN thì cho rằng “căn bệnh này đã xuất hiện lần đầu tiên ở Ý vào tháng 11, trước khi xuất hiện ở Vũ Hán”.
Nhiều nguồn khác của Trung Quốc còn đưa ra nhiều tuyên bố mơ hồ rằng “virus có thể không đến từ Vũ Hán, thành phố ở Hồ Bắc”.
Tất cả những chiêu thức này ôi sao quá đỗi quen thuộc?
Theo Axios, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật nhiễu loạn thông tin của Nga:
Laura Rosenberger, giám đốc Liên minh Bảo vệ Dân chủ tại Quỹ German Marshall của Hoa Kỳ nói có 3 chiến thuật chính mà Bắc Kinh đã “chôm” lại từ Moscow.
1. Truyền bá “nhiều thuyết mâu thuẫn.”
2. Xuất hiện các trang web thuyết âm mưu của các bên thứ ba nhưng lại cổ xúy cho các tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh.
3. Sử dụng các tài khoản Twitter ngoại giao và đại sứ quán và truyền thông nhà nước để giúp lan truyền các thuyết âm mưu này.
Mục đích của các chiến thuật nhiễu loạn thông tin này là để làm bất ổn môi trường thông tin bằng các tin đồn, giả thuyết không có cơ sở, nhằm tạo ra sự hỗn loạn, khiến cho không một ai trong dư luận có thể tự tin thẳng tay vạch mặt chỉ tên kẻ chủ mưu gây ra tình trạng dịch bệnh toàn cầu này.
Rằng Trung Quốc biết đâu đấy có thể là một nạn nhân mà thôi và kẻ chủ mưu có khi là thằng khác.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng hùng hổ gửi các gói viện trợ và hỗ trợ y tế cho các quốc gia khác, để cố gắng xây dựng lại hình ảnh với quốc tế.
Đơn cử như việc hùng hổ gửi 150.000 bộ xét nghiệm Covid-19 cho Séc nhưng sau đó lại bị tố là cả 80% cái bộ đấy đều bị lỗi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét