Ông Covid lật nhào ông “Thuận thiên”?
28-3-2020
Mấy hôm nay, tôi gặp không ít doanh nghiệp, cả họp qua mạng. Khi nói về vấn đề xuất khẩu gạo, hầu hết đều bày tỏ ngạc nhiên. Họ hỏi một câu giống nhau: Ủa, nghe nói dừng, rồi đề xuất không dừng, rồi cho xuất từng phần, thì đã nghe ý nông dân chưa, và tính sao với nông dân?
Lẽ tự nhiên là phải tính cho xong chuyện mua, hay bù hay đền hay ít nhất cứu trợ nông dân tiền lãi nợ ngân hàng, tiền mua vật tư (ứng trước, trả sau) chứ? Nếu chưa tính được, đâu thể muốn dừng là dừng, bởi đâu phải sập trời hay ban bố tình trang chiến tranh, rồi họ sống sao, họ còn làm nông tiếp được không?
Tôi nói, chuyện nhà nước, mình cũng không thể biết hết là có nghe nông dân không, tới mức nào. Thì có anh làm công ty luật giở văn bản ra. Ngày 14/9/2019, ông Vương Đình Huệ tổng kết 2 năm xây dựng nông thôn mới, đã tái khẳng định, trong xây dựng nông thôn hiện nay, NÔNG DÂN LÀ CHỦ THỂ nhé (rõ ràng đồng bằng đang hạn, chứ đâu phải lũ mà… ông NÔNG DÂN CHỦ THỂ bị trôi đi đâu mất?).
Rồi tại cuộc tổng kết 2 năm thực hiện nghị quyết 120, nghị quyết “Thuận thiên”, đại diện Bộ Nông nghiệp, thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã nói, phải XOAY TRỤC, từ trục cũ là lúa – trái cây – thủy sản sang trục hiện nay là trái cây – cá tôm rồi mới tới lúa: Từ sau năm 2020, sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa – trái cây – thủy sản, sang là thủy sản – trái cây – lúa. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản. Và quan trọng nhất, Thủ tướng là người cổ vũ mạnh mẽ nhất cho chủ trương chúng: ĐBSCL PHẢI LÀM NÔNG KIỂU THUẬN THIÊN ĐỂ THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.
Hiện nay, nhiều người lo âu nói: Quan trọng nhất là phải bảo đảm An Ninh Lương Thực. Thì xin hỏi: An ninh lương thực, tính theo bây giờ hay thời bao cấp? Sự thật là nhiều người dân vẫn quen nếp nghĩ truyền thống về An Ninh Lương Thực. Đó là nhà nước dự trữ đủ lúa gạo, đem cất vào kho, khi toàn dân thiếu đói thì mở kho ra phát hay bán giá nhà nước. Với thực trạng kho của VN, nhất là kho nhà nước, liệu phát gạo giá bèo, bị ẩm mốc, ai ăn? Huống chi bây giờ, điều tra nhu cầu lương thực của dân thì gần 20% đang dùng sản phẩm sau gạo (thực phẩm chế biến từ gạo và các loại cây lương thực khác).
Và cũng phải tính tới lực lượng dự trữ của cả trăm công ty tư nhân, chứ kho nhà nước thì bao nhiêu chứa cho đủ, và cũng không đúng cách nghĩ phù hợp thực tể thị trường hiện nay.
Vậy mà, phải chăng vì nỗi ám ảnh “Dịch bệnh, dân chết đói”, “Trung Quốc thu gom gạo hết thì dân chết đói, lúc đó, anh ăn tiền hay ăn gạo?” mà không ít người đòi “dự trữ” cho đủ lúa.
Tuần trước, khi tham gia “Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Thủ tướng tuyên bố: “Ta” đang đối diện với “thử thách lớn”, phải “nuôi ăn 104 triệu người”, do đó cần “chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm”. An ninh lương thực cần đảm bảo, nhưng không chỉ cho vài tháng tới chạy nạn CoViD, mà là phải lo cho 5 hay 10 năm và là chiến lược lâu dài. An ninh lương thực muốn cho vững bền thì không thể cứ theo quán tính là dự trữ đủ số lượng, từ đó, phải đẩy cao sản lượng bằng việc thâm canh, dùng nhiều phân thuốc, xuất khẩu thật nhiều, năm sau cao hơn năm trước, hay tích trữ bao nhiêu trong kho với bất kể chất lượng thế nào. Thuận thiên là đúng, phải bắt đầu coi lại sức khỏe của đất đai. Theo đó, cần phải dần dần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị, giảm phân thuốc, dưỡng sức đất đai, đảm bảo sức sản xuất lâu bền cho đất”.
Đáng lo quá khi mình nói “Thuận thiên” mà quyết giữ cộng với tăng diện tích lúa, tăng sản lượng lúa vì nỗi lo “chết đói” siêu hình lâu đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét