Corona – Kháng thể đánh nhau và sai lầm của con người (Phần 3)
26-3-2020
Cô gái chân ngắn, đầu cắm sừng lởm chởm này không chỉ quật đổ các thị trường chứng khoán, đánh sập các hãng công nghiệp khổng lồ, xói mòn lòng tin mù quáng vào các “lãnh tụ”, mà còn làm cho con người trở nên khó lường. Người Mỹ bỗng không quan tâm đến McDonald’s, người Đức thì chê khoai tây, người Pháp coi thường bánh mỳ. Tất cả đều quan tâm đến giấy toilet.
Tiều phu cảnh cáo những kẻ coi thường cô Rona: Đây là cuộc chạy việt dã (42km). Trung Quốc và Nam Hàn mới chỉ ở km 10, Châu Âu mới ở km 5, Mỹ đang ở km 2. Hãy nhìn những kẻ chạy trước, những kẻ bò lê bên đường như Ý, Tây Ban Nha mà rút ra bài học. Chạy việt dã ăn nhau ở sự dẻo dai, ở một cái đầu lạnh, chứ không phải ở những lời lẽ mỵ dân, những hứa hẹn nghìn tỷ đôla.
Không chỉ Trump, Bolsonaro hay Johnson đánh giá thấp cô Rona, mà rất nhiều nguyên thủ.
Ngày 12.12.2019, Trung Quốc đã biết về dịch, nhưng coi thường và quyết bịt tin. Một số bác sỹ có lương tâm báo động cho dư luận thì bị công an chộp. Chỉ đến khi chết nhiều quá, hàng triệu người hoảng loạn bỏ chạy khỏi Vũ Hán thì nhà nước cảnh sát mới chuyển từ bịt tin sang chống dịch, phong tỏa toàn tỉnh Hồ Bắc.
Cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng, người từng bị công an câu lưu đã tạo nên hai tiền lệ chưa từng có trong lịch sử nước CHND Trung Hoa:
– Tòa án tối cao tiến hành điều tra và cảnh cáo công an Vũ Hán;
– Các mạng xã hội không chặn các bài lên án công an “Vi phạm tự do ngôn luận” [1]
Dư luận Trung Quốc còn đặt vấn đề, phải chăng vì ém tin mà Covid-19 đã từ một vụ Epidemic trở thành Pandemic?
Trên thế giới, chẳng ai tin vào các con số Trung Quốc đưa ra. Từ con số đến cách thống kê số người nhiễm và số tử vong đều mang yếu tố tuyên huấn.
Có bao nhiêu người chết thật sự ở Hồ Bắc?
Kết quả dập dịch do cách ly mà đạt được, hay do miễn dịch cộng đồng?
Phải chăng 120 ngày, từ đầu tháng 12.2019 đến cuối tháng 3.2020, trong đó khoảng 30 ngày đầu chưa có phong tỏa, là thời gian đủ để số người viêm nhiễm đạt mức độ miễn dịch cộng đồng, khiến dịch bị dập tắt? Nếu đúng vậy thì kể cả áp dụng tỷ lệ 0,5% tử vong của Đức, số người chết ở Hồ Bắc phải là 150.000 người.
Những câu hỏi không bao giờ được trả lời.
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, người ta nhìn vào Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nam Hàn và Nhật Bản đang vật vã chống cô Rona mà chưa biết rằng, cô ta đã rúc vào giường của mình từ lâu. Nước Ý, bàn đạp của Trung Quốc tại EU với hàng trăm hãng trá hình chuyên sản xuất hàng “Made in EU”, vẫn đang mải mê với lễ hội hóa trang. Trong khi đó, hàng ngàn công nhân Trung Quốc đã quay về Ý sau kỳ nghỉ Tết.
Những người Hoa dương tính đi khắp thế giới lúc đó (ở VN có 2 người vào Khánh Hòa bị cách ly ngay). Nhưng riêng ở Ý và Tây Ban Nha đã xảy ra một bi kịch.
Các nhà dịch tễ học Ý đang tìm cách truy tìm: Tại sao số người nhiễm bệnh tăng vọt trong vài ngày cuối tháng 2, vượt qua mọi sự kiểm soát.
Thị trấn nhỏ Bergamo ở vùng Lombardi ít ai biết đến, nếu không có đội bóng đá Atalanta Bergamo năm nay lọt sâu vào giải Champions Leaque. Trận lượt đi vòng tám với Valencia FC (Tây Ban Nha) tối 19.2.2020 phải đá ở Milano, vì Bergamo chỉ có sân “cấp huyện”. 40.000 Fan người Ý, ai cũng khỏe mạnh, khí thế hừng hực, đi chật các đoàn tàu đổ về sân Milano. Họ đã vui mừng chiến thắng 4-1 của đội nhà… cùng cô Rona. Cô cũng đi theo vài nghìn fan Tây Ban Nha đang gạt nước mắt về nước. [2]
Sau đó 10 ngày, dịch bùng phát ở hai nước này với mức độ chưa từng thấy. Hàng chục ngàn người nhiễm dịch cùng lúc, trên một diện tích hẹp đã khiến các bệnh viện ở đó bị tràn ngập. Thiếu máy thở, người ta phải chọn các bệnh nhân trẻ cho thở để hy vọng sau 4-5 ngày, họ sẽ sống sót rồi dành máy cho người khác.
Người già thường chiếm máy thở 20 ngày mà tỷ lệ chết vẫn cao. Do đó các bác sỹ phải đau xót để họ tự chiến đấu với tử thần. Con số người chết ở hai nước này cao vọt là vì vậy. Có ngày 300 người chết ở Bergamo, nghĩa trang hết chỗ. Quân đội phải mang xe tải đến chở quan tài đi chôn ở các nghĩa trang khác.
Tấn bi kịch Bergamo sẽ vĩnh viễn là giả thiết, vì với hàng chục nghìn ca nhiễm cùng thời gian, không thể truy tìm nổi ai là F0, F1, F2 nữa. Nếu như giải Formula 1 diễn ra tại Hà Nội tháng 2.2020, chắc chắn sẽ có Bergamo châu Á.
Hai người Đức sang Ý chơi, về đúng dịp Hội Hóa trang (20-26.2) và lây cho 300 người Đức khác trong một hội trường ở Heinsberg [3].
Chính phủ Đức lúc đó đang yên tâm vì ổ dịch ở Munich do một nhân viên Trung Quốc mang sang hãng Webasto đã bị khoanh kín, nay tá hỏa tam tinh. Mọi biện pháp lập tức phong tỏa huyện Heinsberg hôm đó đều quá muộn. Ngay sau hội hóa trang, các cô chú hề trở về làm việc đã lan tỏa khắp nước Đức. Khả năng dùng cách ly cá nhân (Quarantine) tuột khỏi tay. Berlin chỉ còn cách là điều tiết sự lan tỏa bằng Lockdown, câu giờ, chờ vắc-xin và miễn dịch cộng đồng.
Từ 26.2 đến ngày Berlin ra lệnh kiểm tra các biên giới và chuẩn bị Lockdown mất 3 tuần. Nhiều người coi đó là sự trễ nải của chính quyền Merkel. Có người còn coi đó là nhược điểm của chế độ dân chủ, nếu so sánh với chế độ toàn trị trong chiến tranh và thảm họa.
Đúng là các thể chế dân chủ luôn có các chốt chặn như: Quốc hội, các đảng đối lập, các quan tòa, bọn “báo chí thối mồm” và “bọn rách việc” xã hội dân sự để kiểm soát chính phủ. Mọi khoản chi đều phải xin quốc hội. Chính phủ không dễ tự tiện quyết định mọi việc.
Trong khi ở Việt Nam hoặc Trung Quốc, quân đội có thể tham gia cưỡng chế đất đai, thì ở Đức, quốc hội phải bàn xem có cho quân đội tham gia chống dịch hay không. Hiến pháp Đức quy định quân đội chỉ nhằm bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lăng và không được dính đến các vấn đề nội vụ. Bài học của chủ nghĩa quân phiệt Hitler vẫn còn đó. Sau nhiều tranh cãi, quân đội Đức nay chỉ được tham gia hỗ trợ các hoạt động y tế và vận tải, không được phép hỗ trợ cảnh sát giữ gìn trật tự. Đó là một ví dụ.
Hơn nữa, nền kinh tế đứng đầu châu Âu không thể tắt một phát từ 100% xuống 20%, nút giao thông lớn nhất châu Âu không thể đóng sập cửa qua đêm mà không thông báo cho 9 nước láng giềng.
Tất cả những “quy trình hợp hiến” chỉ cho phép Berlin đóng cửa và hạn chế đi lại khi đã có 94 người chết.
Không có con số, nhưng chắc chắn Hồ Bắc bị phong tỏa khi số người chết đã lên đến hàng trăm và hỗn loạn đã xảy ra.
Nước Đức không có hỗn loạn và 75% dân chúng hài lòng với cách xử lý khủng hoảng của chính phủ. (xem đồ thị)
Khi tiều phu nói “Trung Quốc không chỉ là một mối đe dọa về kinh tế và quân sự, mà còn là một thách thức về mô hình thể chế”, nhiều người chửi rằng hắn đề cao Trung Quốc.
Nay Trung Quốc đang tuyên truyền cho việc thắng dịch và bắt đầu ra tay viện trợ để khẳng định ưu thế của họ. Hãy còn quá sớm để chứng minh tính ưu việt của chế độ Trung Quốc Xã trong chống dịch.
Nhưng thành tích cho đến nay của Nam Hàn, Đài Loan và HongKong đang khiêm tốn nói lên điều ngược lại.
(Còn tiếp)
_____
[3] Vùng sông Rhein trong đó có cả Köln (quê tiều phu) và Heinsberg là tâm điểm của Hội hóa trang ở Đức. Hàng triệu khách du lịch kéo về đây hàng năm dự lễ hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét