Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Những tượng đài đã chết

Những tượng đài đã chết

26-3-2020
Năm 2003, tỉnh An Giang dựng tượng đài con cá basa ngay tại ngã ba sông Châu Đốc để tôn vinh loài cá da trơn nổi tiếng của vùng sông nước Cửu Long. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, từ con cá danh giá được xuất khẩu đi Tây, đi Mỹ, cá basa lặng lẽ về lại ao nhà, sản lượng chưa bằng 1% so với cá tra…
Gần 20 năm nay, khách du lịch khi qua công viên ngã ba sông Châu Đốc đều thấy Tượng đài cá basa nổi bật, vươn mình giữa vùng sông nước yên bình.
Tôn vinh con cá da trơn – loài cá mà rất nhiều người nhầm lẫn không biết là có gì khác biệt so với cá tra, thậm chí còn nói là “tượng đài cá vồ”, loại cá được gán với tính năng ăn dơ, ăn tạp cũng là sự kiện gây xôn xao tại thời điểm dựng tượng vào năm 2003.
Hơn 15 năm trước, cá basa có giá trị kinh tế rất cao, chiếm hơn một nửa trong sản lượng cá bè phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Không chỉ có đóng góp về kinh tế, cá basa cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành những nét đặc trưng trong ẩm thực của người miền Tây nói chung. Chính vì thế, Tượng đài cá Basa xây dựng được đông đảo người dân hưởng ứng nhiệt liệt. Tại thời điểm 2003, chính quyền địa phương đã mạnh tay chi 2 tỷ đồng xây dựng tượng với chiều cao 14m, có thiết kế khung thép, đế tượng đài ốp đá granit, cùng tượng cá bằng inox. Tượng đài này là tượng đài sinh vật đầu tiên ở An Giang và là tượng cá basa đầu tiên trên thế giới.
Tượng đài vẫn đứng sừng sững giữa ngã ba sông, nhưng con cá basa đã hết đường xuất khẩu 6, 7 năm nay. Năm 2014, sản lượng cá tra của ĐBSCL đạt trên 1,1 triệu tấn. Trong đó, cái nôi của con cá tra là An Giang chiếm khoảng 300.000 tấn. Trước những con số ấn tượng này, sản lượng cá basa của An Giang chỉ vào khoảng 2.000 tấn – với số người nuôi “có thể đếm được”.
Vì sao con cá “huyền thoại” lại bị thất sủng, là một câu chuyện khá dài. Những năm 1990, sau khi thịt cá basa philê tìm được đường xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đã mở ra thời cơ vàng cho người nông dân An Giang xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Với mức giá cá basa xuất khẩu lên đến 8USD/kg, làng bè cá mới mọc lên san sát bên sông Hậu, các nhà máy, chế biến tấp nập ra đời. Do con cá basa là loại cá “đỏng đảnh”, chỉ nuôi trong lồng bè, có dòng nước chảy và cá giống phải vớt trong tự nhiên nên chỉ có một số địa phương đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như Châu Đốc, Phú Tân, Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự (Đồng Tháp) nuôi được. Do lợi nhuận từ cá basa quá cao, người ta nghiên cứu và cho cá basa sinh sản nhân tạo, hết lệ thuộc thiên nhiên. Chỉ cần có lồng bè, không có dòng chảy thì người nuôi đưa máy bơm xuống sông, cho máy bơm nước tạo dòng.
Suốt nhiều năm, con cá basa được nuôi kiểu tự phát, chèn ép lẫn nhau, cạnh tranh tự do dẫn tới không bảo đảm chất lượng, khâu giống có nhiều gian dối vì giá con giống khá cao. Ông Nguyễn Minh Nhị – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, xót xa: Họ nói “thị trường là tự do, Nhà nước không can thiệp”. Tiếp nữa, khi nhu cầu cá basa tăng nhanh, khách hàng ở Mỹ gợi ý, một số Việt kiều ở Mỹ gợi ý đưa cá tra vào nuôi đội lốt cá basa để kiếm lời. Cá tra dễ nuôi, năng suất lại cao đã nhanh chóng “đè bẹp” cá basa – loài cá vốn dĩ thịt thơm ngon nổi tiếng trên thế giới này chỉ có Việt Nam nuôi thương phẩm thành công.
Chỉ trong vòng vài năm lao vào nuôi cá tra, nhiều nông dân ở ĐBSCL cũng như nhiều nhà máy bắt đầu đổ nợ. Khoảng năm 2004 trở đi, con cá tra, cá basa cùng nhau thua lỗ.
Cũng ở An Giang, năm 2003 UBND tỉnh khởi công xây dựng tượng đài Bông lúa – biểu tượng của nền nông nghiệp tỉnh. Tượng đài được làm bằng đồng cao 15,3 m; phần bông lúa cao 9,5 m. Tượng đài được đặt ngay trước trụ sở UBND tỉnh. Tổng trị giá công trình 3,86 tỉ đồng…
Và cũng như thân phận con cá, dân trồng lúa ĐBSCL mấy mươi năm nay luôn nghèo. Gạo xuất khẩu, giá luôn đứng bét thế giới khi mỗi kg bán ra nước ngoài giá chỉ bằng một nửa giá nội địa. Người trồng lúa được vay vốn lãi suất chỉ khoảng 7%, rồi DN tạm trữ được ưu đãi vốn, rồi hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào thủy lợi đê điều… Có thể thấy, nguồn lực quốc gia được dồn vào cây lúa, để rồi hạt gạo xuất đi với giá thảm hại. 6 – 7 triệu tấn gạo xuất đi với giá rẻ mạt, đã bao gồm nguồn lực quốc gia. Và nguồn lực đó, nước ngoài hưởng!
Tượng đài bông lúa, hay con cá basa, rõ ràng rất ý nghĩa ở thời điểm nó xuất hiện. Tượng vẫn rất đẹp, với giá trị lịch sử không thể chối bỏ.
Nhưng 20 năm trôi qua, cứ loay hoay con cá và cây lúa, thì nông dân miền Tây còn lâu mới hết khổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét