Ném đá
LTS: Chuyện cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, lên tiếng về nước Mỹ, đã bị “ném đá” trên mạng mấy ngày qua, cho thấy có một số quan điểm khác biệt giữa những nhà hoạt động trong và ngoài nước nói riêng, cũng như sự khác biệt giữa người Việt với những người phương Tây, nói chung.
Mỹ và các nước phương Tây tôn trọng quyền tự do ngôn luận, miễn là nói lên sự thật, nói đúng bản chất, thay vì bịa đặt, tung hô lãnh đạo… Cho dù Tổng thống Mỹ có nói sai, thì ông vẫn bị một nhà khoa học như TS Anthony Fauci sửa lưng ngay trước bàn dân thiên hạ. Cho dù ông chủ Nhà Trắng có gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân“, cũng không ngăn báo chí nói khác đi, bởi báo chí chỉ ra cái sai của chính quyền, giúp chính quyền làm việc tốt hơn.
Nhân chuyện blogger Mẹ Nấm bị “ném đá”, ông Từ Thức, cựu ký giả Thông tấn Xã VNCH, có bài viết sau đây, cung cấp thêm cái nhìn của người phương Tây, xem quyền tự do ngôn luận quan trọng như thế nào đối với các nước phương Tây.
______
25-3-2020
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (NNNQ) bị ném đá cẩn thận vì đã viết Hoa Kỳ không phải là một quốc gia vĩ đại.
Keep cool.
Đó chỉ là một ý kiến, có thể sai, có thể thiển cận, nhưng không có gì nguy hiểm, đến nỗi phải đánh tới tấp.
Một ý kiến, có thể đồng ý hay không đồng ý, và nói tại sao. Đó là cơ hội để trao đổi, trình bày quan diểm của mình, làm sáng tỏ vấn đề. Cái đó gọi là sinh hoạt dân chủ.
Không có gì khẩn trương, bởi vì nước Mỹ không bị đe doạ, về thanh danh, về uy tín , về an ninh quốc phòng, chỉ vì có người nói nước Mỹ không vĩ đại.
Phê bình, chỉ trích lãnh đạo cũng là chuyện rất thường trong một xứ dân chủ. Đúng hay sai là chuyện khác, có thể tranh luận không cần biến thành một cuộc săn người.
Hãy thử dịch câu nói của NNNQ sang tiếng Anh, đưa cho bất cứ người Mỹ da trắng nào, chắc rất ít người phẫn nộ như người Việt. Có lẽ họ chỉ mỉm cười.
Nước Mỹ, nếu vĩ đại, chính là vì họ chấp nhận và tôn trọng tự do ngôn luận, tự do suy nghĩ, kể cả những suy nghĩ tào lao nhất.
Hầu như tất cả những nhà văn lớn nhất của Hoa Kỳ, từ Truman Capote, Norman Mailer tới Philipp Roth, Toni Morrison, Paul Auster, James Ellroy đều chỉ trích nước Mỹ, nhiều khi thậm tệ. Họ không phải là những kẻ thù của nước Mỹ. Họ không bị coi là những người ghét Hoa kỳ, trái lại, họ là những người đóng góp nhiều nhất cho Hoa kỳ thấy rõ khuyết điểm của mình để cải thiện.
Tại tất cả những quốc gia dân chủ, chuyện chỉ trích những cái xấu của chính mình là môn thể thao quốc gia.
Tại Pháp, những cuốn sách kiểu “Le Mal Français” đếm không xuể. Tại Anh, Ý, Bắc Âu, Nhật, Hàn những cuốn sách lột trần cái tệ hại của văn hoá địa phương, của con người bản xứ, đều là best sellers.
Không ai đòi treo cổ tác giả.
Vô địch thế giới về môn này là nước Đức. Sau đệ nhị thế chiến, số lượng sách báo tố khổ cái xấu, cái ác của người Đức trong thời đại nazi, cái khía cạnh đen tối của mỗi người Đức, có thể gom lại thành một thư viện lớn. Và trong số các tác giả, những trí thức, triết gia, nhân sĩ uy tín nhất.
Chỉ cần đọc vài trang của Nietzsch chỉ trích Thiên Chúa giáo một cách tàn tệ, nhưng vẫn được trọng vọng như một triết gia lớn, trong một quốc gia có truyền thống Thiên Chúa Giáo, đủ thấy mức độ trưởng thành của dân tộc Đức.
Đó chính là cái làm cho nước Đức vĩ đại, nếu có thể dùng chữ vĩ đại để nói về một quốc gia, bất cứ quốc gia nào.
Viết vậy, không phải so sánh NNNQ với những tên tuổi vừa kể, chỉ để nói tư do phát biểu là động lực cải tiến ở một xứ văn minh.
Tại Pháp, quyền tự do tư tưởng là quyền căn bản của dân chủ. Hơn cả quyền tự do ngôn luận, họ đi xa hơn nữa, có cả quyền gọi là ‘’droit de blasphème’’ (quyền báng bổ, chỉ trích các tôn giáo).
Nếu tôi nhạo báng một Phật Tử, một người theo đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo, tôi có thể bị lôi ra toà về tội mạ lỵ cá nhân, nhưng tôi có quyền chỉ trích một tôn giáo, bởi vì mỗi tôn giáo là một lý thuyết, là chân lý với người này, nhưng không nhất thiết là chân lý với người khác.
Nhiều triết gia, trí thức Pháp nghĩ nước Pháp đang đánh mất cá tính của mình, tự do tư tưởng của mình từ khi, trước áp lực, trước sự đe doạ của khủng bố Hồi giáo, đã tự kiểm duyệt, không dám chỉ trích Hồi Giáo nữa.
Khi tất cả mọi người nghĩ như nhau nghĩa là không ai suy nghĩ gì nữa. Chúng ta đang đặt một chân vào chế độ độc đoán.
Khi tất cả mọi người nghĩ như nhau nghĩa là không ai suy nghĩ gì nữa. Chúng ta đang đặt một chân vào chế độ độc đoán.
Tôi nói chuyện này với hai, ba người bạn, có thể gọi là trí thức. Tất cả đều đồng ý, nhưng khuyên đừng viết ra, để khỏi bị vạ lây. Hay mất lòng với những người bạn của mình, rất đông. Tóm lại lợi ít, hại nhiều. Đó là cái túi khôn của người Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét