Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Giáo sư Trần Văn Thọ và sự cố truyền thông

Giáo sư Trần Văn Thọ và sự cố truyền thông

31-3-2020
Đài truyền hình quốc gia VN, trong bản tin 7g tối qua 30/3/2020, đã đưa tin GS Trần Văn Thọ gửi về tặng VN 2.000 máy trợ thở. Nghe tin, tôi đã thấy ngờ ngợ vì mỗi máy này trị giá cũng gần 1 tỷ đồng. 3 giờ khuya thức dậy, Facebook cũng còn nhiều bài cám ơn ông về nghĩa cử này. May mà cùng lúc tôi kịp đọc thông tin từ anh Hoàng Tư Giang đã xác minh trực tiếp từ GS Thọ.
SỰ THẬT VỀ VIỆC TĂNG 2.000 MÁY TRỢ THỞ
GS Thọ trình bày như sau:
“Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi đã đề nghị Thủ tướng:
(1) Phải chuẩn bị đối phó ngay tình huống dịch bệnh lây lan nhanh kéo theo hiện tượng gọi là sự sụp đổ của hệ thống y tế (medical collapse).
(2) Một trong những chuẩn bị cần thiết là cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiên tại và sản xuất một số lượng dự phòng.
Trước mắt sản xuất 2.000 chiếc, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới.
Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy nầy nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước, có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế.
Tôi đã đến gặp anh Trần Ngọc Phúc (cựu du học sinh tại Nhật), người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp, để bàn về tính khả thi của đề án này.
Rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp. Mừng là anh Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ nầy về VN.
(3) Tôi gửi thư cho Thủ tướng NXP ngày hôm kia (28/3), hôm qua (29/3) anh Phúc điện thoại sang nói rất tán thành đề án nầy và đề nghị giúp triển khai ngay.
(4) Chiều hôm nay (30/3), trong phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng đã nói về đề án nầy và giao cho một phó TT phụ trách.
Công ty Metran sẽ cùng với phía VN triển khai sản xuất ngay trong tháng tới.
Đài VTV1 tường thuật phiên họp của chính phủ và nói về đề án nầy nhưng thông tin lại không chính xác.”
Như vậy hầu như mọi người ở Việt Nam đều mừng hụt và biết đâu, trong thất vọng lại sẽ có những lời đáng tiếc về ông. Tôi hình dung, một người hết sức yêu quê nhà, tinh tế và cẩn trọng như ông, rủi bị đưa tin vịt như vậy, chắc ông cũng sẽ không phàn nàn gì nhưng không khỏi buồn lòng…
Tình cờ rơi vào một sự cố truyền thông như vậy, tôi thấy ái ngại cho ông và thực lòng muốn xin lỗi ông về những phiền phức sẽ xảy ra. Rồi tôi nghĩ về những lần gặp ông, có cả lần ông đệm piano những bài nhạc tiền chiến VN thật thanh thản mà đầy xúc cảm.
PS. Sáng nay GS Trần Văn Thọ vừa cho tôi biết: Chi phí sản xuất máy trợ thở của anh Phúc dự kiến từ 80 đến 100 triệu đồng, thật là con số có ý nghĩa. Cám ơn anh Thọ.
Đây là những cống hiến từ gần 30 năm trước cho VN, qua nhiều bài báo, bài giảng và các cuốn sách ông viết và góp ý cho kinh tế Việt Nam. Vâng, 28 năm trước là cuốn: Phát triển công nghiệp trong tương quan với các công ty đa quốc gia: Kiểm chứng tính năng động tại vùng châu Á – Thái Bình Dương (xuất bản ở Nhật năm 1992); và 3 cuốn xuất bản tại VN là Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại châu Á – Thái Bình Dương (Nhà xuất bản TP.HCM – 1997); Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – 2005); Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam (Nhà xuất bản Tri Thức – 2015).
BA NGUY CƠ CỦA KINH TẾ VIỆT NAM
Trong cuốn sách gần đây nhất, Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, ông đã chỉ ra đích danh 3 nguy cơ của kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới: Nguy cơ chưa giàu đã già, nguy cơ chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm và nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình thấp.
Đó là, Việt Nam chưa trải qua một thời đại “phát triển với tốc độ cao mặc dù đã ở trong giai đoạn dân số vàng. Với lợi thế của dân số vàng và lợi thế của nước đi sau, nhưng chưa có thời kỳ nào cả tỷ lệ đầu tư và năng suất các yếu tố tổng hợp TFP đều cao. Đó là, công nghiệp hóa còn ở giai đoạn thấp nhưng có nguy cơ sớm chuyển sang thời đại hậu công nghiệp. Trào lưu mậu dịch tự do sẽ làm cho khuynh hướng đó mạnh hơn.
Nỗi lo lớn nhất mà ông Thọ dành nhiều dữ liệu để phân tích, đó là chỉ còn khoảng 10 năm là chấm dứt giai đoạn dân số vàng (là giai đoạn mà các nước Đông Á đã đạt được thu nhập bình quân đầu người ở mức cao) mà ở VN thì thu nhập đầu người còn rất thấp và nỗi lo “chưa giàu đã già” đã hiển hiện…
Nói về chủ đích khi viết cuốn sách này, ông Thọ thẳng thắn muốn làm cho người có trách nhiệm với đất nước phải bị sốc khi nhìn lại 40 năm qua và cảnh báo một cú sốc khác sẽ đến trong tương lai nếu không có những cải cách mạnh mẽ và triệt để. Quả thật, trong mấy chục năm qua, bằng tất cả tâm huyết của mình, ông đã gửi về VN biết bao nhiêu máy “trợ não” rồi, mà được trân trọng, xem xét kỹ để áp dụng được bao nhiêu. Cũng mong đề xuất của ông về việc tiếp nhận công nghệ của một nhà khoa học Việt, ông Trần Ngọc Phúc sẽ được quan tâm, cùng với những cống hiến “trợ não” bền bỉ, miệt mài cho quê nhà của ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét