Tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực trong gia đình khi phải cách ly đại dịch
Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học
30-3-2020
Trong đại dịch cúm Tàu (covid-19), hầu hết các nước đều áp dụng biện pháp: Người dân phải ở trong nhà mình để an toàn/hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng. Trước đây, mỗi buổi sáng, gia đình vui vẻ tạm biệt nhau; tối về, quây quần bên nhau trong một ít thời gian quý giá… Nay vì cách ly, cả gia đình ở cùng nhau suốt ngày, rồi ngày này qua ngày khác, khiến nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý phức tạp.
1. “MỖI CÂY MỖI HOA, MỖI NHÀ MỖI CẢNH”
– Nhiều gia đình nhân dịp này, cả nhà được quây quần bên nhau, hoạt động, giao tiếp cùng nhau, chia sẻ tâm tình bao điều thú vị, tăng thêm sự hiểu biết và tình thương yêu nhau hơn… Hôm qua mình gọi điện hỏi thăm chị Chi Lan, chị rất vui, bảo: Chưa bao giờ ông bà, hai vợ chồng con, hai đứa cháu, cả nhà 6 người được ngày ba bữa quây quần cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ như thế này…
Một cô cháu gái nhà mình lười nấu ăn lắm. Hôm qua thấy chụp hình mấy món ăn tự nấu lên khoe. Chắc là phải lên Google tra cứu, hì hục làm rất tỉ mỉ, đúng quy trình… Khoe như vậy hẳn cháu rất vui, vì đang “tự chuyển hóa”, và chắc là cu cậu chồng của cháu cảm thấy hạnh phúc lắm…
– Nhưng cũng không ít gia đình, nhất là những gia đình nhiều thế hệ, khi ở bên nhau ngày này qua ngày khác thường gây khó chịu cho nhau. Trẻ đùa nghịc quá, ảnh hưởng đến ông bà; vợ chồng đùn đẩy nhau chăm sóc trẻ; trò chuyện không hợp nhau sinh ra cãi cọ…
– Thậm chí một số người mất việc, buồn bực, uống rượu, gây cãi lộn, xảy ra bạo hành gia đình… Một bài báo đã điểm qua tình hình ở hàng chục nước bạo lực gia đình gia tăng trong những ngày bị phong tỏa.
Vậy là, trong cùng một hoàn cảnh bất thường, nếu biết nhìn ra mặt tích cực của cuộc sống, sẽ có thể tạo nên những giá trị tốt đẹp hơn cho những người trong cùng cảnh ngộ; ngược lại, nếu thụ động để hoàn cảnh xô đẩy mình, thì dễ rơi vào những phản ứng tiêu cực…
Trong bối cảnh bị cách ly hiện nay, làm thế nào để đời sống gia đình trở nên tích cực? Giải pháp căn bản là tạo nên BẦU KHÔNG KHÍ TÂM LÝ TÍCH CỰC (BKKTLTC) trong mỗi gia đình.
2. TẠO RA BẦU KHÔNG KHÍ TÂM LÝ TÍCH CỰC TRONG GIA ĐÌNH BẰNG CÁCH NÀO?
Bầu KKTLTC trong gia đình là trạng thái tâm lý được tạo nên bởi các mối quan hệ giao tiếp và các hoạt động chung của các thành viên trong gia đình, có ảnh hưởng lẫn nhau, khiến cho mọi người cảm thấy vui vẻ, đầm ấm, sẵn sàng chia sẻ và yêu thương nhau hơn… Cũng có thể nói, mỗi thành viên cảm thấy niềm hạnh phúc được sống trong gia đình của mình.
Khác với BKKTLTC nói trên, thì có trăm ngàn BKKTL gia đình với các sắc thái và mức độ tích cực khác nhau. Không sao cả, “mỗi nhà mỗi cảnh” mà. Nhưng khi chẳng may rơi vào BKKTL tiêu cực đến mức các thành viên lạnh lùng, đố kỵ, hay xảy ra va chạm, căng thẳng, thậm chí xung đột, bạo hành… thì cần gọi điện đến các Trung tâm tư vấn gia đình để được tham vấn, giúp đỡ…
Trở lại chuyện: Tạo ra hay xây dựng BKKTLTC trong gia đình bằng cách nào? Xin có vài gợi ý.
– Bàn nhau thử sắp xếp lại nhà cửa cho hợp lý hơn, gọn đẹp hơn. Không áp đặt, nhưng cứ thử nghiệm, có sao đâu. Nhà mình cũng vừa “làm cuộc cách mạng” đấy. Trước đây để 3 xe máy bên phòng khách, nay chuyển bàn ăn ra đó và chuyển xe máy vào thay bàn ăn gần bếp. Cũng có bất tiện hơn, nhưng mọi người thấy mới mẻ, hài lòng hơn… Rồi các gia đình nên xem xét sắp xếp lại góc học tập của các cháu và các thứ khác. Nhân dịp này cũng nên loại bỏ những thứ đồ tồn kho lâu ngày, cho nhà gọn, sạch, đẹp hơn…
– Nhà ai có vườn hay trồng cây trên sân thượng, ban- công… cùng nhau chăm sóc cũng vui…
– Các cháu tuổi Mẫu giáo, Tiểu học thì ông bà, bố mẹ có thể bầy ra nhiều trò chơi cho các cháu hoạt động: chơi cờ, xếp đặt, múa hát, nghe nhạc, chơi nhạc, các trò chơi như chương trình của trẻ Mẫu giáo, Tiểu học…
– Ông bà/ bố mẹ lên mạng vào trang Sách Cánh Buồm, lấy sách của nhà giáo Phạm Toàn xuống hướng dẫn trẻ tự học rất hiệu quả. Chẳng hạn, lấy sách Văn lớp Một, lớp Hai, lớp Ba xuống để dạy trẻ LÒNG ĐỒNG CẢM thông qua các trò chơi đóng vai; dạy trẻ TRÍ TƯỞNG TƯỢNG thông qua các hoạt động, các tình huống tưởng tượng; dạy trẻ ÓC LIÊN TƯỞNG thông qua nhưng câu chuyện, hình tượng, vân vân… Đây là bộ sách tuyệt vời để hướng dẫn trẻ tự học, mà không mất tiền mua.
– Nhân dịp con cháu ở nhà, ông bà liền nhờ bọn chúng nâng cấp trình độ IT để sử dụng máy tính, điện thoại thông minh “siêu” hơn… Xưa nay quen ông bà dạy con cháu, nay con cháu dạy ông bà, vui quá. Vậy là … “nhà có phúc”!…
– Cả nhà có dịp ngồi cùng nhau xem những cuốn Album ảnh, gợi lại bao kỷ niệm gắn bó gia đình. Ông bà, bố mẹ nhân đó kể lại những câu chuyện kỷ niệm ngày xưa rất buồn cười, thú vị…
– Cùng nhau xem những thông tin về dịch Covid-19 ở các nước và trong nước, bàn luận xem tại sao lại như vậy? Ta cần làm thế nào để hạn chế bị lây bệnh?… Có thể phân công cho các cháu theo dõi tình hình và thông báo cho cả nhà biết… Qua đó giúp trẻ nâng cao ý thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng chống dịch bệnh; tỏ thái độ cảm thông với những người bị nạn ở các nơi; ý thức về việc mình phải thay đổi hành vi thích ứng với những tình trạng khác thường trong đại dịch này. Mỗi người đều ảnh hưởng đến mọi người, nên phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội…
– Cả nhà cùng xem những bộ phim nhẹ nhàng như phim hoạt hình của trẻ em, Thế giới động vật, Khám phá thế giới, Du lịch qua màn ảnh… Cả nhà cùng nghe những bản nhạc vui tươi, êm ái… Qua đó cùng chia sẻ những biểu hiện cảm xúc, lây lan một không khí tâm lý tích cực lẫn nhau.
– Rất thú vị là cùng nhau nấu ăn, dọn bữa. Chả mấy khi vợ nấu ăn chồng lại đứng bên: “Anh giúp gì được em nào”? Hay vợ làm được món gì, nếm tí và tấm tắc khen…
Này, anh chồng cùng vợ cải tiến, sắp xếp bếp núc cho hợp lý hơn, giúp vợ cọ mấy cái nồi cho sạch bóng, vặn lại những cái quai nồi xộc xệch… cũng làm bà xã cảm động lắm đấy. Nhân dịp này, ai trổ tài làm món gì độc đáo thì vui lắm.
Bé cháu gái út nhà mình bỗng dưng nảy ra sáng kiến nấu CHÈ BƯỞI. Cả nhà chưa biết nó ra sao. Cháu hì hục nửa buổi mới xong nồi chè. Cả nhà xì xụp, khen rối rít. Mấy hôm sau cháu làm bữa chè nữa. Cả nhà lại ngon rối rít!…
– …
TÓM LẠI, trên đây chỉ là vài gợi ý tức thời. Khi những người chủ chốt trong gia đình có tình yêu thương tha thiết sẽ luôn nảy ra trăm ngàn sáng kiến để tạo nên BKKTLTC trong gia đình. Đó là môi trường cho tâm hồn trẻ phát triển lành mạnh, các thành viên trong gia đình cảm nhận niềm hạnh phúc, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.
Thiếu lòng yêu thương và tâm hồn cởi mở, dân chủ, bình đẳng, vị tha thì dẫu quyền cao chức trọng, xe hơi nhà lầu, tiền của đầy nhà, cũng không tạo ra được bầu KKTLTC trong mái ấm gia đình.
Chúc mọi gia đình xây dựng được BKKTLTC để không những ta vượt qua đại dịch, mà trong khó khăn gia đình lại càng yêu thương, gắn bó nhau hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét