Hệ thống tồn trữ lúa gạo
26-3-2020
Tôi có ông anh họ bên ngoại (sinh 1947) được học bổng Hoa Kỳ, đậu master toán thống kê và xác suất, về nước làm ở bộ Kinh tế.
Anh kể, năm 1974, TS Nguyễn Văn Hảo – Phó Thủ tướng VNCH đặc trách phát triển kinh tế, kiêm Bộ trưởng Bộ Canh nông và Kỹ nghệ, gọi anh lên xem “Đồ án xây dựng Hệ thống kho tồn trữ lúa gạo” (rice preservation system) theo Chương trình tài trợ kế hoạch hậu chiến của Hoa Kỳ.
Nhưng ngặt là Chương trình tài trợ đòi VN phải đưa ra được danh sách kỹ sư ngành tồn trữ lương thực (food storage engineer), TS Hảo sai anh rà soát có KS tồn trữ nào đang làm trái nghề ở các bộ, ngành không?
Anh nhờ bộ Giáo dục rà soát danh sách du học từ trước đến giờ. Tra danh sách học bổng và danh sách du học tự túc đều không thấy. Tra danh sách công chức và viên lại ở bộ Nội vụ cũng không có.
TS Nguyễn Văn Hảo tha thiết với dự án tồn trữ lương thực để bài trừ mạng lưới chành lúa gạo do các Hoa kiều khuynh đảo.
Ông cấp học bổng cho SV học KS tồn trữ nhưng không kịp nữa, vì chiến sự khốc liệt và Quốc hội Hoa kỳ cắt hoàn toàn viện trợ.
Xin nói thêm, Hoa kiều độc quyền phân phối và khuynh loát giá gạo suốt 21 năm ở miền Nam, cho dù tướng Nguyễn Cao Kỳ đã xử bắn Tạ Vinh (14/3/1966 ) để làm gương.
Khi cảnh sát tài nguyên (CS kinh tế bây giờ) ập vào kho bến Bình Đông, Tạ Vinh cho đổ gạo xuống kênh Đôi để phi tang tội đầu cơ, làm tướng Kỳ điên tiết.
Việc tồn trữ lúa gạo bằng chành (bị chuột phá, bị nấm mốc) kéo dài sau giải phóng, cho đến khi bà Ba Thi xây nhà máy xay xát Satake (của Nhật) ở chợ Đệm.
Kho tồn trữ lúa Satake đúng công nghệ bảo quản, nhưng quá nhỏ và chỉ tồn trữ tạm chờ xay xát.
Trở lại chuyện ông anh.
Sau giải phóng, TS Nguyễn Văn Hảo (có công giữ 16 tấn vàng trong ngân khố) được cách mạng mời làm cố vấn. Trong khi, anh bị cải tạo vì chức chủ sự phòng. Năm 1987, anh vượt biên thành công.
Thời bao cấp, khi toàn dân ăn gạo mốc độn với bo bo, anh tâm sự với tôi, nếu còn thời gian để TS Hảo xây dựng đồ án tồn trữ lúa gạo xong, thì mình đâu bị ăn gạo mục thế này!
Anh kể, đồ án tồn trữ lúa dài hạn cả năm trời, với nhiêt độ và độ ẩm chuẩn, không chuột bọ và nấm mốc. Khi cần tiêu thụ mới đem xay, nên không có gạo mục.
Trong khi đó, các công ty lương thực tỉnh (trừ NM Satake) toàn mua gạo trữ. Ngoài chuyện chứa từng lô nhỏ làm lẫn lộn giống gạo, việc vận chuyển gạo bằng ghe bầu bị sóng nước (chưa kể thương lái đổ nước cho tăng cân) làm độ ẩm gạo tăng, chất lượng gạo giảm.
Sau này, tôi hỏi về tồn trữ gạo, GS Võ Tòng Xuân nói không có nước nào trữ gạo như VN.
Theo GS Võ Tòng Xuân, hệ thống tồn trữ ở Thái Lan không chỉ bảo quản lúa sau thu hoạch đúng công nghệ, mà còn tạo ưu thế về thanh toán, thanh khoản.
Thí dụ, mỗi nông dân (sở hữu hàng chục mẫu) gửi lúa vào kho tồn trữ được chứa từng lô riêng, đánh dấu mã giống lúa. Rồi, anh nông dân ra ngân hàng thế chấp “biên nhận lúa nhập kho” (mà là kho tư nhân và không cần công chứng) vay tiền mua vật tư nông nghiệp để làm vụ sau.
“Biên nhận nhập kho” trở thành “hối phiếu” hoán đổi thành tiền trong vòng một nốt nhạc! Đúng là “tư bản chó chết”!
Cho đến khi tìm được hợp đồng xuất gạo trùng giống lúa của anh nông dân gửi, Kho tồn trữ chỉ a lô: “có hợp đồng xuất với giá này anh chịu bán không?”.
Nếu nông dân “say no” cứ để đó chờ giá lên, nếu nông dân “say yes”, kho tồn trữ xay liền ra gạo nóng hổi, thổi lên băng chuyền chuyển ngay xuống tàu.
Rồi, nông dân ra ngân hàng lãnh tiền bán gạo, sau khi khấu trừ vốn và lãi vay mua vật tư nông nghiệp, cộng với tiền lưu kho tồn trữ.
Vì vậy, nông dân Thái Lan không bán lúa non, không bị thương lái ép giá và không có Hiệp hội lương thực làm đầu nậu xuất gạo!
P/S: Do nông dân không chứa lúa trong bồ ở nhà, nên bộ công thương chỉ cần “a lô” các tổng kho tồn trữ là ra “sản lượng lúa gạo tồn”, chứ không “no-biết” như ông Trần Tuấn Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét