Vài điểm nên lưu ý về các số thống kê Covid-19
1-3-2020
Giả sử số người bị nhiễm Covid-19 (tại thời điểm t, tại một nơi nào đó, một nước chẳng hạn) là N(t) và số người được công bố bị nhiễm là n(t); số người được cách ly là c(t); số người được phát hiện nhiễm là p(t); số người được xét nghiệm là x (t). Số c(t) và x(t) càng lớn thì càng tốn kém. N(t) lớn hơn n(t) nhiều là RẤT NGUY HIỂM vì nó bỏ sót những người có thể gây lây nhiễm. Đáng tiếc chúng ta không biết chính xác N(t) là bao nhiêu, nhưng có thể ước lượng, thí dụ N(t+7) ~ n(t) + (số nhiễm mới từ t đến t+7) – (số đã chết trong thời gian đó).
Chính sách hiệu quả nhất để chống Covid-19 (hay bất kể dịch nào khác) là phải cô lập và cách ly số người bị nhiễm để cắt đứt các mối quan hệ có thể gây ra sự lây nhiễm. Nhưng đáng tiếc chúng ta không biết chính xác ai bị nhiễm nếu chưa xem xét các triệu chứng hay chưa có xét nghiệm. Chính vì thế phải cách ly cả một nhóm người có thể bị lây nhiễm từ một (hay một số) người đã bị nhiễm, tức là c(t) phải lớn hơn n(t) và các biện pháp nghiêm ngặt và minh bạch lúc ban đầu là rất quan trọng vì ban đầu N(t) là nhỏ nên c(t) và x(t)cũng nhỏ và việc cách ly và điều trị là dễ và đỡ tốn kém hơn, để đến khi N(t) trở nên lớn vượt quá khả năng cách ly và điều trị của hệ thống thì tai hoạ xảy ra.
Nếu số người được cách ly (tự cách ly tại gia hay ở các cơ sở tập trung) bao gồm hết những người bị nhiễm và sau một thời gian theo dõi và điều trị, thí dụ 30 ngày, nếu không phát hiện thêm ca nhiễm mới thì có thể coi việc chống dịch đã thành công. Trong trường hợp lý tưởng này rõ ràng số người được cách ly c(t)>N(t), nhưng lớn hơn bao nhiêu? Nếu c(t)>N(t) quá nhiều ở những nơi tập trung, như các bệnh viện ở Vũ Hán, hay tàu du lịch Diamond Princess, thì việc cách ly có thể phản tác dụng và gây tai hoạ vì số người bị lây nhiễm N(t) có thể tăng nhanh vượt tầm kiểm soát.
Rất đáng tiếc rất hiếm thông tin về số người được xét nhiệm x(t). Thường người ta chỉ công bố số người được phát hiện bị nhiễm p(t), và số người đã bình phục hay đã chết.
Nếu người ta chỉ công bố những người được xét nhiệm dương tính là người bị nhiễm thì n(t)=p(t) và ở những nước không có xét nghiệm hay năng lực xét nghiệm kém [x(t)=0 hay nhỏ và chẳng thể phát hiện được ai hay p(t)=0] thì có vẻ không có dịch hay dịch không nghiêm trọng nhưng thực sự không phải thế, vẫn có sự minh bạch nhưng sự minh bạch ấy ít có ý nghĩa. Tại những nơi số x(t) là ít, thí dụ tổng số x(t) của Việt Nam đến 1-3-2020 là 16+1.597=1.613, thì số được công bố là bị nhiễm n(t) [tại Việt Nam là 16] cũng có thể ít, nhưng số N(t) thật có thể lớn hơn. Còn ở các nước có khả năng hơn, thí dụ Hàn Quốc số người được xét nhiệm cho đến 28-2-2020 là hơn 185 ngàn người và với x(t) như vậy, thì chắc n(t) là gần với N(t) hơn.
Nếu người ta nới lỏng tiêu chuẩn (hay thay đổi phương pháp) tính toán để đánh giá một người là bị nhiễm (những người có các triệu chứng cũng được tính là bị nhiễm chứ không chỉ những người được xét nghiệm dương tính) thì số người được công bố bị nhiễm n(t) có thể cao hơn (thậm chí cao hơn trước rất nhiều như ở Trung quốc ngày 12-2). Có lẽ Singapore đã làm như thế, tuy số người được công bố bị nhiễm ở Singapore lúc đó là cao nhưng có thể lại không đáng sợ bằng số thấp vì có thể cách ly và chữa trị hiệu quả hơn, không bị sót.
Vài chú ý trên và nhất là phải chú ý đến thời gian (t) có thể giúp chúng ta có ý kiến am hiểu hơn về các số liệu thống kê Covid-19.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét