Đừng để nông dân mãi cúi đầu như cây lúa
Hữu Danh – Lê Thắng Thế
25-3-2020
Chỉ trong vài ngày, cư dân mạng tranh luận dữ dội trước việc Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, sau đó là Bộ Công thương kiến nghị tiếp tục xuất dẫn đến việc Chính phủ chỉ đạo rà soát lại thật kỹ rồi mới quyết…
Xung quanh việc xuất hay dừng, tạm chia làm 2 phe. Phe muốn dừng, lấy lý do an ninh lương thực, nếu mở cửa xuất khẩu thì Trung Quốc sẽ gom hết gạo rồi đợi Việt Nam đói họ mở kho bán ngược về Việt Nam. Họ dựa vào việc TQ đầu năm nay mua gấp 6 lần so với năm 2019, cho nên việc tăng đột biến này là có vấn đề.
Dĩ nhiên, không tin TQ là có nguyên nhân: Ai coi TQ là bạn vàng thì coi, còn dân coi là giặc! Lịch sử đã chứng minh, mấy ngàn năm nay, và đặc biệt là mấy mươi năm nay, TQ chưa bao giờ là bạn tốt. Họ chỉ nhăm nhe lấn biên, cướp đảo, phá hoại kinh tế bằng hàng kém chất lượng…
Phe muốn xuất, đưa ra thông tin khá rõ ràng: Nhiều năm nay, năm nào VN cũng làm ra 30 – 32 triệu tấn gạo. Năm mất mùa khốc liệt nhất, cũng giảm khoảng 1 triệu tấn gạo. Mỗi năm, dân VN ăn không đến 10 triệu tấn. Phần gạo dư thừa, được dùng cho chế biến, thức ăn gia súc… Và có 6 – 7 triệu tấn xuất khẩu. Mấy tuần nay, giá gạo xuất khẩu đang tăng, nông dân bán tại ruộng cũng tăng giá từ 25 – 30%, nên có hy vọng mất mùa nhưng trúng giá.
Đùng một cái, thông tin cấm xuất đã làm thương lái ngừng mua, nông dân không bán được lúa trong khi chính phủ chưa có biện pháp hỗ trợ nào.
Rà soát lại thông tin TQ mua gấp 6 lần, thì mới thấy cái gấp 6 của TQ chỉ là 66.000 tấn – bằng 0,02% sản lượng gạo VN sản xuất. Nghĩa là, nếu so với mức tiêu thụ của các nước khác thì TQ chỉ là em út. TQ có mua gấp 100 lần năm 2019, thì cũng không hề hấn gì với lúa gạo VN.
Nhưng nhiều người, cứ nghe tới từ TQ là sợ – vì bị chơi xấu quá nhiều lần rồi. Ít ai để ý, TQ chỉ mua một lượng rất nhỏ gạo VN, nhưng lại mà nước đứng đầu trong việc đầu độc môi trường VN bằng việc bán phân bón, thuốc sâu sang VN hàng đầu.
Chúng tôi đã khảo sát nhiều nơi, tham vấn ý kiến nhiều chuyên gia, thì thấy rằng trong tương lai VN cần bỏ xuất khẩu gạo. Nhưng dừng ngay bây giờ thì không thể.
Thực tế một điều, là nơi nào làm ra lúa gạo càng nhiều, như Kiên Giang, An Giang, thì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng cao nhất nhì cả nước. Đồng lúa càng trù phú, thì nông dân càng nghèo.
Có mấy ai để ý, gạo nội địa giá khoảng trên dưới 15.000 đồng/kg, gạo ngon đóng túi từ 30.000 – 50.000 đồng/kg thì cả chục năm nay, gạo xuất khẩu luôn dưới mức 10.000 đồng/kg. Gạo Việt Nam, giá xuất khẩu thấp nhất thế giới.
Nông dân trồng lúa, sổ đỏ toàn nằm ngân hàng. Lúa vừa thu hoạch thì bán tươi ngay trên đồng để trả nợ ngân hàng, đại lý vật tư nông nghiệp.
Trong một bài viết cũ, chúng tôi nêu cảnh người dân Chợ Gạo đã vét đến những giọt nước cuối cùng cho đồng ruộng, chỉ để bảo đảm “an ninh lương thực”. Mà an ninh lương thực cho ai, khi hàng chục năm nay VN luôn tự hào xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới!
Việc sử dụng nước ngọt để trồng lúa, trong số các quốc gia dọc sông Mekong, Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã và đang lấy nước sông Tiền và sông Hậu nhiều nhất để mở rộng diện tích lúa có nước tưới trong mùa khô (đông xuân), đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hằng năm từ 6-7 triệu tấn gạo.
Nhưng, bao năm qua dân trồng lúa không thể làm giàu.
Có lẽ đã đến lúc chính phủ cần nhìn cao hơn cây lúa.
Đừng vin vào bài toán an ninh lương thực đã lỗi thời để khổ cho dân.
Trong câu chuyện xuất khẩu gạo đang xôn xao hôm nay, đã đến lúc chính phủ xem lại việc xuất khẩu lúa gạo. Đứng nhất nhì làm gì khi người nông dân Việt Nam cũng như những đứa bé ở An Giang: Càng làm ra nhiều gạo thì càng suy dinh dưỡng.
Hạn mặn càng lúc càng cực đoan, nguồn nước càng cho cây lúa càng lúc càng thu hẹp. Cứ bám mãi cây lúa nước để tự hào là cường quốc lúa gạo, thì nông dân mãi mãi cúi đầu như bông lúa.
Nên chuyển đổi cây trồng, và tương lai phải dẹp xuất khẩu gạo. Có gì mà tự hào khi nông dân mãi nghèo khổ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét