Trung Quốc nỗ lực biến hình thành “nhà lãnh đạo toàn cầu” trong dịch corona
Việc thúc đẩy tuyên truyền cho thấy chính phủ Trung Quốc đang lo lắng về những thiệt hại kéo dài của nạn dịch.
ADVERTISEMENT
Trung Quốc vẫn đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng với ít nhất hơn 80.000 người nhiễm bệnh và 2.900 ca tử vong, theo cơ quan y tế quốc gia Trung Quốc. Từ cuối tháng 1, nhiều thành phố bị phong tỏa, hàng nghìn xí nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Chính phủ Trung Quốc đã bịt miệng những “người thổi còi,” che giấu thông tin và xem nhẹ mối đe dọa do virus corona mới gây ra, tạo nên cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ chưa từng có.
Đối mặt với cơn bão giận dữ từ người dân vì những sai lầm của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng sử dụng các chiêu bài tuyên truyền, tìm cách khôi phục hình ảnh của mình trước công luận bằng cách xây dựng hình ảnh “một nhà lãnh đạo của thế giới”trong cuộc chiến chống virus.
Nỗ lực xoay chuyển hình ảnh là một canh bạc đối với ông Tập và Đảng cầm quyền, theo báo New York Times.
Ông Tập, nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc sau Mao, đã ưu tiên mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự của đất nước trên toàn thế giới để chứng minh rằng Trung Quốc có thể thực hiện vai trò của một siêu cường có trách nhiệm. Tuy thế, dịch corona đã hủy hoại những tham vọng toàn cầu đó.
Việc thúc đẩy tuyên truyền cho thấy ĐCSTQ đang lo lắng về những thiệt hại kéo dài. Và khi virus lây sang hơn 70 quốc gia, làm tổn thương trầm trọng nền kinh tế thế giới, các chuyên gia cho rằng chiến dịch này có thể làm dấy lên những lo ngại về cách thức che giấu của Trung Quốc trong quản lý cuộc khủng hoảng.
“Khi virus lây lan toàn cầu, hệ thống quản trị của Trung Quốc đang đối mặt với sự giám sát và chỉ trích ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế vì đã để vuột mất khoảng thời gian vàng ban đầu để kiểm soát dịch bệnh,” cô Elizabeth C. Economy, giảng viên chính và là giám đốc của bộ phận Châu Á học tại Hội đồng về Quan hệ Đối ngoại, nói với New York Times.
Việc đổi mới hình ảnh đất nước dường như là “nỗ lực cuối cùng của ông Tập nhằm lảng tránh chỉ trích và yêu cầu của cộng đồng quốc tế trong việc giải thích một cách trung thực điều gì đã xảy ra,” cô nói thêm.
Những chiêu bài tuyên truyền trong nước
Truyền thông nhà nước thời gian gần đây liên tục có những bài ca ngợi phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với nạn dịch như một mô hình cho thế giới học hỏi, cáo buộc các nước khác như Mỹ và Hàn Quốc hành động chậm chạp để ngăn dịch lây lan.
“Một số quốc gia phản ứng chậm đối với virus” là một tiêu đề gần đây trên Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận do ĐCSTQ kiểm soát.
Chính quyền ĐCSTQ còn thành thạo trong việc sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, biến họ thành những cái loa ca ngợi việc áp dụng các biện pháp kiểm soát xã hội thời Mao Trạch Đông để ngăn chặn dịch bệnh, với hashtag phổ biến #“Duy nhất phương pháp của Trung Quốc chứng tỏ thành công.”
Các quan chức Đảng đang cố gắng xoay chuyển cuộc khủng hoảng thành một minh chứng cho sức mạnh của hệ thống độc tài với vai trò của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Cơ quan tuyên truyền trung ương còn tuyên bố họ sẽ sớm xuất bản một cuốn sách bằng 6 ngôn ngữ về những nỗ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại virus, tập trung vào “sự lãnh đạo sáng suốt tài tình, tầm nhìn chiến lược, ý thức về sứ mệnh và quan tâm đến mọi người” của chính quyền ĐCSTQ, trong đó miêu tả ông Tập như “một nhà lãnh đạo quyền lực luôn quan tâm đến nhân dân.”
ĐCSTQ đã tìm cách phát huy các chủ đề yêu nước và tinh thần hy sinh để vẽ lại bức tranh về cuộc khủng hoảng thành một trận chiến anh hùng chống lại virus với ông Tập ở vị trí lãnh đạo.
Các trang tin tức đăng tải những bức ảnh về các nhân viên y tế tại sân bay, với dòng chữ “tấn công” được trình bày bằng chữ màu đỏ nổi bật. Bộ phim hoạt hình lan truyền trên mạng miêu tả các bác sĩ và nhân viên an ninh diễu hành dọc theo dòng chữ, “Chúng tôi sẽ chiến thắng trận chiến này!”
Chính quyền còn phái hàng trăm nhà báo do nhà nước tài trợ để sản xuất những “câu chuyện cảm động” về các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu.
Đẩy mạnh những lời ca ngợi từ quốc tế
Ngoài “tự khen”, chính quyền ĐCSTQ còn nỗ lực đẩy mạnh xuất bản những bài báo và thông điệp đầy ắp những lời ca ngợi mà các chuyên gia quốc tế nói về các quyết sách của mình.
Một câu chuyện gần đây của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước, kể rằng các chuyên gia từ một số nước đồng minh của Trung Quốc, gồm có Nga, Cuba, Belarus, đã không tiếc lời khen ngợi những nhà lãnh đạo Trung Quốc vì đã thể hiện “sự cởi mở” và một “tinh thần trách nhiệm cao” trong việc xử lý nạn dịch.
Trung Quốc còn tỏ ra “hào phóng” khi tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ Nhật, Iran và các nước khác trong việc phòng, chống dịch.
Đáng kể nhất trong kế hoạch tuyên truyền của Trung Quốc phải là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trưởng nhóm chuyên gia WHO tại Trung Quốc Bruce Aylward đã tuyên bố thế giới phải biết ơn Trung Quốc vì đã chấp nhận quyết định khó khăn là phong tỏa thành phố Vũ Hán, nhờ đó giúp hạn chế tốc độ lây lan ra toàn cầu của dịch bệnh.
Ông Aylward mô tả công tác dập dịch của Trung Quốc là “phi thường” và “tham vọng, linh động nhất” trong lịch sử, đồng thời cho rằng thế giới cần học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc để thành công trong cuộc chiến chống virus. “Đây là quốc gia duy nhất trên thế giới đã xoay chuyển được tình hình bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng và quy mô lớn.” Ông cũng tuyên bố rằng nếu bị nhiễm bệnh, ông cũng muốn ở lại Trung Quốc chữa trị.
Trong khi thế giới đang bày tỏ quan ngại về mối quan hệ mờ ám giữa WHO và Trung Quốc, thì những nội dung xoay quanh những lời ca ngợi trên đã được lan truyền mạnh mẽ bởi truyền thông nhà nước.
Để làm nổi bật những “thành công” của đất nước hơn nữa, các quan chức và các nhà bình luận Trung Quốc còn khuyến khích các quốc gia khác triển khai chiến thuật của Bắc Kinh trong việc chống lại nạn dịch, bao gồm các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt.
“Bài tập về nhà mà người Trung Quốc đã viết bằng máu và mồ hôi của họ ở ngay trước mắt các bạn, các bạn không thể sao chép nó sao?” một bài viết đang lan truyền rộng rãi trên WeChat cho biết.
Trong khi đó, một số người trong chính quyền ĐCSTQ lại hướng sự chỉ trích về phía Hoa Kỳ, cáo buộc Mỹ nói xấu Trung Quốc và cho rằng hệ thống chính trị của Mỹ không có khả năng giải quyết hiệu quả nạn dịch.
“Trung Quốc đã hành động như một nước lớn có trách nhiệm,” một bài báo tuần này trên Thời báo Hoàn Cầu cho biết. “Tuy nhiên, bởi vì định kiến về ý thức hệ và chính trị đối với Trung Quốc, giới tinh hoa của Mỹ không tin rằng động thái và kinh nghiệm của Trung Quốc là đáng tin và hữu ích,” bài báo viết.
Nhiều người dân đã không còn tin vào ĐCSTQ
Tuy vậy, việc cố gắng điều chỉnh cách nhìn nhận của công chúng với cuộc khủng hoảng của ĐCSTQ thường nhận được sự mỉa mai và phản đối từ công chúng.
Ông David Bandurski, đồng giám đốc của Dự án Truyền thông Trung Quốc, một chương trình nghiên cứu liên kết với Đại học Hồng Kông, cho biết ĐCSTQ dường như đang trong khủng hoảng và không biết làm thế nào để đối phó với sự chỉ trích không ngừng.
“Họ thực sự không biết phản ứng như thế nào đối một sự kiện đang diễn ra ở mức độ này,” ông nói. “Có rất nhiều điều không nhất quán. Công chúng ngày càng nhìn rõ hơn về việc chính quyền đang nỗ lực kiểm soát tư tưởng của họ.”
Ông Tập có vẻ mong muốn điều chỉnh lại cuộc khủng hoảng như một chiến thắng cho Đảng và một minh chứng cho những nỗ lực của ông nhằm tăng cường kiểm soát cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc.
Ông đã nói trong một cuộc họp qua truyền hình với 170.000 cán bộ đảng hôm 1/3 rằng sự sụt giảm các trường hợp nhiễm bệnh gần đây “một lần nữa chứng minh những lợi thế đáng chú ý của sự lãnh đạo của ĐCSTQ và hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Hoa.”
Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh và là một nhà phê bình của đảng, nói rằng một chiến dịch tuyên truyền khó có thể làm hài lòng công chúng.
“Thật khó để tin rằng ĐCSTQ đóng vai trò một anh hùng hay một nhà lãnh đạo trong cái gọi là phòng chống virus trên thế giới,” ông Wu nói.
Ông Tập đang gắng sức lấy lại niềm tin, nhưng trước công chúng vẫn đang giận dữ về nạn dịch, ông có thể phải đối mặt với những câu hỏi dai dẳng về uy tín của đảng và sự lãnh đạo của mình, theo các chuyên gia.
“Cuộc khủng hoảng này đã giáng một đòn chí mạng cho hình ảnh cá nhân của Tập Cận Bình,” ông Wu nói. “Trong một thời gian dài sắp tới, công chúng sẽ tiếp tục nghi ngờ ông ấy, và nghi ngờ này không thể khắc phục.”
Gia Huy (theo NYT)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét