Doanh nghiệp Việt trước nguy cơ dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc
Việt Nam đã trở thành điểm đến của các công ty muốn tránh thuế quan trong chiến tranh thương mại, nhưng virus corona đang đặt nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam trước nguy cơ dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nước ở khu vực Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực.
ADVERTISEMENT
Thông qua số liệu thống kê của 10.000 nhân viên trong nhà máy đóng gói ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam, ông Stuart Donegan thấy rằng “một cơn sóng lớn đang ập đến.”
Ngoài cơ sở tại Hà Nội, công ty của ông Donegan, Sino Manufacturing, thuê thêm 1.500 nhân viên tại một nhà máy ở TP HCM, cùng với 3 nhà máy khác ở Trung Quốc và Indonesia sản xuất bao bì hàng điện tử cho hai trong số năm công ty điện tử lớn nhất thế giới.
Nhưng tại Trung Quốc, nơi sản xuất linh kiện chủ yếu cho các dây chuyền lắp ráp trên khắp thế giới, các doanh nghiệp trong ngành này vẫn đang ngừng hoạt động ở các cấp độ khác nhau. Điều này đã khiến nhiều nhà máy ở Việt Nam đối mặt với việc sẽ hết hàng trong vài tuần tới.
“Nếu các công ty như Flextronics và Apple không thể sản xuất sản phẩm, thì họ cũng đâu cần đóng gói. Doanh số tháng 2 của công ty tôi sẽ vô cùng tệ. Chúng tôi hy vọng các đơn hàng sẽ quay trở lại vào tháng 5 hoặc tháng 6, nhưng vào lúc này không có gì là chắc chắn cả. Tạm thời chúng tôi vẫn chưa phải sa thải nhân viên, chúng tôi sẽ xem tình hình vào cuối tháng 3 ra sao, tuy nhiên tất cả phụ thuộc vào việc các nhà máy ở Trung Quốc có mở cửa trở lại hay không” – ông Stuart Donegan cho biết.
Cùng với việc hàng tấn thanh long và đu đủ bị hư hỏng bởi nắng nóng do cửa khẩu biên giới phía Bắc với Trung Quốc tạm đóng, các nhà máy sản xuất hàng may mặc không thể nhập khẩu vải từ Quảng Đông và các dây chuyền lắp ráp hàng điện tử rơi vào tình thế khó khăn do không thể tìm được nguồn cung ứng thay thế.
Trường hợp của ông Donegan minh chứng cho một “đòn nặng” mà Việt Nam phải hứng chịu từ dịch virus corona – vốn đang làm chao đảo chuỗi cung ứng châu Á.
Trong khi nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn cho Việt Nam – một nền kinh tế đã trở thành điểm đến nóng của cuộc di cư sản xuất vì chiến tranh thương mại, thì việc phụ thuộc vào Trung Quốc cũng vẫn là một mối nguy với Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
Chuỗi cung ứng rất phức tạp và mặc dù chiến tranh thương mại đã đem lại may mắn cho Việt Nam, nhưng các công ty đang nhận ra việc thoát khỏi Trung Quốc không hề dễ dàng chút nào.
Khoảng 30% linh kiện được sử dụng trong hoạt động sản xuất của Việt Nam đến từ Trung Quốc, nước này cũng nhập 20% hàng xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam, trong khi đó 32% khách du lịch đến Việt Nam là từ Trung Quốc đại lục.
Thêm vào đó, các công ty Hàn Quốc như Samsung và LG cũng đã đầu tư ồ ạt các nhà máy sản xuất vào Việt Nam trong thập kỷ qua, cùng với nó là các cụm nhà máy sản xuất linh kiện nhỏ hơn xung quanh. Ngoài lệnh cấm đối với các chuyến bay từ Trung Quốc, Việt Nam đã phải ban hành lệnh cấm đi lại đối với một số khu vực của Hàn Quốc, nơi mà số ca lây nhiễm virus corona đang tăng vọt.
“Sự thay đổi thông qua việc đầu tư của các nước trong khu vực Đông Bắc Á đối với Trung Quốc đại lục và Đông Nam Á thể hiện rõ sự tác động của chuỗi cung ứng đối với Việt Nam bởi các tập đoàn lớn của khu vực Đông Bắc Á như Samsung và Sony”, nhà kinh tế học Trịnh Nguyễn tại Hồng Kông đã viết trong một bài báo cho Quỹ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie trong tuần này. Ông Trịnh ước tính rằng 17% kinh tế Việt Nam có liên quan tới việc giao thương với Trung Quốc, cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Những người trong ngành hậu cần cho rằng một trong những nhà máy điện thoại thông minh khổng lồ của Samsung Electronics tại Việt Nam đang chỉ hoạt động với công suất từ 50 đến 80%, dựa trên số lượng hàng hóa rời khỏi các nhà máy, do sự thiếu hụt linh kiện đến từ nước ngoài và thực tế là một số kỹ sư đã không thể trở lại Việt Nam làm việc.
Trong 10 năm tính tới 2018, Samsung chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017, điều này có nghĩa là nếu việc giảm tốc độ sản xuất của Samsung kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với Việt Nam.
Cùng lúc đó, theo nguồn tin đáng tin cậy từ một nhân viên lâu năm tại khu thương mại ở Hải Phòng nói với SCMP, một nhà máy của LG đã đóng cửa trong tuần trước vì không thể vận hành dây chuyền sản xuất.
Ông Julien Brun, giám đốc điều hành tại CEL Consulting, một công ty tư vấn chuỗi cung ứng cho biết, “càng đi sâu vào chuỗi cung ứng thì sự tác động lại càng lớn, các công ty nhỏ có thể có tác động quan trọng đối với phần còn lại của chuỗi cung ứng, nhưng vì sự thiếu hụt hàng hóa từ Trung Quốc, họ sẽ là những doanh nghiệp đầu tiên cảm nhận rõ sự tác động”.
Giám đốc chuỗi cung ứng của một trong ba công ty thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam (do vấn đề nhạy cảm nên ông xin được dấu tên) nói rằng các công ty đa quốc gia lớn mà ông làm việc cùng, bao gồm Samsung, Nestle và Proctor&Gamble, đã cảnh báo rằng nguồn cung cấp nguyên liệu cho họ sẽ hết vào giữa tháng 3/2020, vì không thể lấy nguồn từ Trung Quốc.
Vị giám đốc này cũng nói thêm “chúng tôi hiện đang tận dụng cơ hội mọi người lo ngại về chuyện đi siêu thị vì virus corona”, “công ty ông đã bán hết các sản phẩm chăm sóc sức khỏe như khẩu trang và nước rửa tay từ vài tuần trước. Nhưng tình trạng có thể không kéo dài. Các công ty thương mại điện tử nhỏ sẽ bị tác động đầu tiên, tiếp theo sẽ là chúng tôi”.
Ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trở lại, rất nhiều công ty sẽ báo lỗ ít nhất một tháng vào cuối năm nay, Stanley Szeto, Chủ tịch điều hành tại công ty may mặc Lever Style, cho hay.
Trong ngành kinh doanh hàng may mặc, nguyên liệu thô thường phải nhập từ Trung Quốc, ông Szeto, người làm việc với các đối tác sản xuất tại Việt Nam cho biết. “Vì vậy, nếu các nhà máy sản xuất vải và phụ kiện không thể hoạt động trở lại, thì công nhân Việt Nam và Bangladesh sẽ không có nguyên vật liệu để làm. Ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc trở lại hoạt động, thì hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á cũng sẽ bị đình trệ ít nhất một tháng.”
Các công ty phương Tây cũng nhận thấy mình bị cuốn vào tác động của cuộc khủng hoảng virus ở Việt Nam. Sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, một loạt các cuộc đình công làm chao đảo các nhà máy ở Hải Phòng và TP HCM, các công nhân địa phương phản đối việc công nhân Trung Quốc quay trở lại làm việc mà không được cách ly.
“Chúng tôi đã bị ngừng hoạt động một thời gian, nhưng sau khi các công nhân hoàn thành việc cách ly, chúng tôi đã có thể trở lại và hoạt động ngay sau đó,” một giám đốc (xin được dấu tên) chịu trách nhiệm về cung ứng cho một công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công cho biết. Ông nói thêm rằng việc đóng cửa của Trung Quốc đã khiến công ty của ông bị thiếu hụt hàng tồn kho cho đến tận tháng Tư và tháng Năm.
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) thực hiện tại TP HCM tuần trước cho thấy 70% nhân viên sản xuất đang hoạt động ở mức trên 70%, 17% hoạt động ở mức từ 50-70% và 13% hoạt động dưới 1/2 công suất bình thường.
“Ngay cả khi một số [thành viên] vẫn nuôi hi vọng vào cuối tuần trước thì những người khác nói rằng nếu các nhà cung cấp của họ ở Trung Quốc không trở lại sản xuất, họ sẽ bị ảnh hưởng,” giám đốc điều hành AmCham Mary Tarnowka nói.
Thanh Vân (theo SCMP)
Xem thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét