Biến số
31-12-2018
Mai là 1/1/2019. Có người sẽ lo về việc Luật An ninh mạng được áp dụng tại Việt Nam. Tôi lại nhìn thấy mấy thứ đáng lo hơn nhiều.
Hồi sinh viên, thầy giáo Triết học phương Đông của tôi từng đem một ví dụ về Kinh Dịch khiến tôi ấn tượng: Người Tàu đoán trước được chiến tranh Vùng Vịnh 1992 sẽ diễn ra. Sai số là 36 giờ tính từ tiếng súng nổ đầu tiên (thật ra là tên lửa).
Đại loại thì Kinh Dịch là một loại khoa học, một loại “logic rất rất cao cấp”. Tôi hiểu đơn giản là tính hằng số để ra kết quả, còn có sai số là do chưa tính hết, hoặc do một biến số nào đó xuất hiện.
Tổng thống Trump là một dạng biến số! Với cách loay hoay đối phó của Trung Quốc hiện nay với các chính sách của ông Trump có thể thấy sai số của các nhà nghiên cứu kinh dịch bên Tàu lớn đến độ nào.
Mấy lý thuyết đó rườm rà lắm nhưng đại ý là sẽ chẳng có cái quái gì về việc “xài hàng nóng” với Tàu ngay lúc này đâu; nếu nhìn dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang tăng lên. Không có nhà tư bản nào đổ tiền vào quốc gia sắp có/sắp ảnh hưởng chiến tranh cả. Việt Nam cũng tuyên bố không tham gia liên minh quân sự Nhật, Mỹ, Úc, Ấn Độ hay tỏ ra đứng về bên Trung Quốc nếu có chiến tranh.
Dự đoán của tôi là 2019-2024 sẽ tăng lãi suất ngân hàng. Nó tương tự giai đoạn kinh tế 2008-2013, chỉ là lặp lại của chu kỳ 11 năm. Khó khăn có thể sẽ đến nhưng điều đó chưa là gì so với mâu thuẫn đất đai mà những định dạng Thủ Thiêm ở các nơi đang chực chờ. Tây Nguyên chẳng hạn…
Nhưng mâu thuẫn đất đai vẫn có thể điều chỉnh bằng việc sửa đổi Luật Đất đai. Thứ tôi thấy đáng lo nhất vẫn là ô nhiễm!
Quốc gia này không cùng kiệt giải pháp, cũng không thiếu những nhà khoa học đủ tài để giải quyết ô nhiễm một cách hiệu quả. Vấn đề là thiếu một “cơ chế đỡ đầu” họ.
Ngay giữa trung tâm kinh tế lớn nhất quốc gia là Tp.HCM, người dân phải lập page Facebook để phản đối mùi hôi thối của rác Đa Phước. Mỉa mai thay, rác Đa Phước nhận vô số ưu đãi để… tạo mùi; thì nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn lại không được ngành thuế miễn giảm thuế theo Luật Khoa học công nghệ.
Giữa trung tâm kinh tế quốc gia đã như vậy, nơi xa hơn sẽ thế nào?
Tôi đã nhiều lần góp ý với nhiều lãnh đạo biết lắng nghe rằng các anh đừng quá tin các báo cáo màu hồng của cấp dưới. Càng không nên tin các học phiệt và những đại nhà báo không dám đến tận nơi các “lò lửa mâu thuẫn” vì ô nhiễm (chứ nói gì đi đến cùng sự thật).
Người dân đặng chẳng đừng phải chặn quốc lộ phản đối ô nhiễm vì họ “tận đáy” rồi. Thở thứ không khí đầy bụi, uống nước “hỗ trợ thiên tai” vì nước giếng ngọt trong ngày xưa giờ màu bẩn và mùi hôi, nuôi trồng lần nào chết lần đó vì xả thải, người lớn lẫn trẻ con sống cùng bệnh tật,.v.v…
Nguồn gốc ô nhiễm mới chính là đại họa của quốc gia. Và xử lý khủng hoảng tương lai chính là việc nâng chuẩn môi trường hiện tại trong luật song song với xử lý ngay nguồn ô nhiễm hiện hữu. Đã có rất nhiều năm tích tụ ô nhiễm, xử lý lúc này chính là cố gắng hạn chế các phát tác.
Viết tới đây chợt nghĩ về biến số. Và biến số lớn nhất mà trực giác tôi mách bảo chính là hậu quả của ô nhiễm. Trước giờ tôi đoán đúng xu hướng nhờ 2 thứ: trực giác và logic. Cả hai đang cùng một hướng, ngày càng rõ nét: Bộc phát mâu thuẫn do ô nhiễm sẽ như trước đây, vào mùa khô…
Chặn được không? Được chứ! Vấn đề là làm như thế nào mà thôi… Mà lãnh đạo làm như thế nào còn nằm ở việc người dân lên tiếng như thế nào đấy!
P/s: Hôm trước tôi có viết về việc vận động khẩu trang chống bụi PM2.5 cho 1.200 trẻ em từ mẫu giáo đến cấp 2 ở vùng nhiệt điện Vĩnh Tân. Các tín hiệu ủng hộ khá tích cực nên sau Tết Tây sẽ công bố phương thức triển khai. Mong nhận được thêm sự ủng hộ và chia sẻ.
Chú thích: Một đoạn sông sôi lên vì nước làm mát nhiệt điện trước khi đổ vào vịnh Bái Tử Long. Các nơi khác thì khó thấy hơn vì đổ thẳng ra biển. Cá tôm chết hết, sinh kế không còn… (clip cung cấp bởi Nguyễn Dân)
Bình Luận từ Facebook
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét