Vì sao Việt Nam nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin (CNML)
Nguyễn Thành Chiến
28-12-2018
Ngay trong cuốn sách của mình (Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên) [1], Hồ Chí Minh (HCM) đã chỉ ra rằng, ông không hiểu rõ lắm những khái niệm mà mọi người trong đảng Xã Hội Pháp thảo luận như: chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghĩa xã hội, cách mạng, v.v…
Sau này kể cả khi tham dự Trường đại học cộng sản Toiler of the East (Communist University of the Toilers of the East) năm 1923, theo nhiều học giả thì HCM trước hết là một nhà cách mạng mang tư tưởng chủ nghĩa yêu nước [2]. Ông ấy thấy CNML như là một phương tiện giúp Việt Nam (VN) giành được độc lập khỏi chế độ thực dân Pháp.
Việc lựa chọn CNML đã giúp cho HCM dẫn dắt Việt Minh và đưa VN giành được độc lập năm 1945 và thống nhất đất nước năm 1975. Đó là điểm sáng duy nhất trong đóng góp của chủ nghĩa này với VN.
CNML thực ra là một mô hình tồi tệ trong xây dựng và phát triển đất nước. Nó bóp nghẹt tự do tư tưởng, tự do biểu đạt và tiêu diệt động lực cho phát triển kinh tế. Những chính sách như Cải cách ruộng đất (1953-1956) [3], Nhân văn-Giai phẩm (1955-1958) [4] không chỉ làm kiệt quệ nền kinh tế mà còn tạo ra một không khí nặng nề và lo sợ trên toàn miền Bắc Việt Nam (Trần Đức Thảo, Những lời trăng trối – Tri Vũ, Phan Ngọc Khuê [5]).
Nếu so sánh về phát triển kinh tế của hai vùng Bắc và Nam trong khoảng thời gian 1955-1964, ta sẽ thấy CNML đã thất bại như thế nào. Cả hai vùng lãnh thổ đều là vùng chính trị độc tài và được dẫn dắt bởi hai nhà chính trị xuất chúng nhất mà VN từng sản sinh: Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm.
Năm 1956 thu nhập bình quân đầu người của hai vùng tương ứng Bắc (40 USD) và Nam (62 USD) thì đến năm 1964, sau khi Ngô Đình Diệm bị ám sát, thu nhập bình quân đầu người miền Bắc chỉ tăng lên 59 USD (tăng 47,5%) trong khi ở miền Nam là 118 USD (tăng 90% và gấp đôi so với thu nhập của người dân miền Bắc) [6] .
Sau năm 1975, mô hình CNML đã gây thêm bao tai họa cho kinh tế và xã hội với Đánh tư sản và Học tập cải tạo, dẫn tới gần 1 triệu thuyền nhân Việt Nam bỏ nước ra đi. Mô hình phát triển đất nước của CNML thực ra là một thảm họa, đã bị các nước trên thế giới từ bỏ từ lâu.
Hiện tại bóng ma của CNML vẫn tiếp tục ám ảnh đất nước này. Không thể có một số liệu cụ thể để biết rằng có bao nhiêu người còn tin tưởng vào thứ chủ nghĩa này trong Đảng CSVN. Tuy nhiên trong những người VN tôi gặp chưa thấy ai còn tin tưởng vào nó nữa, những người trẻ còn vào Đảng CSVN chỉ mong thuận lợi cho việc tiến thân mà thôi.
CNML đã là lựa chọn của một lớp người Việt đi trước, đáng tiếc là lựa chọn này mang lại thành công cho họ, mặc dù đó là một lựa chọn mà sau này được chứng minh là sai lầm. Một lựa chọn sai trong quá khứ của thế hệ đi trước không có nghĩa là thế hệ hiện tại phải chấp nhận nó. Thể chế chính trị nên là lựa chọn của công dân hiện tại, những người đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước.
Giữ CNML không hề giúp bảo vệ sự lãnh đạo của đảng cầm quyền vì hầu hết người dân không còn tin tưởng vào nó nữa. Nó chỉ cho người ta thấy sự giả dối bao trùm lên hệ thống chính trị hiện tại. Chỉ cần thay đổi tên nước như cũ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tên đảng như ban đầu Đảng Lao động Việt Nam và bỏ CNML trong Hiến pháp hiện tại thì bước đầu đã có thể loại bỏ CNML khỏi nền chính trị VN.
Việc từ bỏ CNML trong chính trị sẽ bỏ được bóng ma đã theo đuổi dân tộc này hơn 70 năm. Nó loại bỏ thứ gông cùm vô hình gắn nước ta với Trung Quốc. Nó còn giúp bước đầu đưa nước VN hòa nhập vào văn minh khu vực và thế giới, nơi CNML đã bị quăng vào sọt rác từ nơi nó sinh ra (Đức, Anh) cũng như nơi nó phát triển nhất (Liên Xô, Nga).
Tham khảo:
[1] Trần DT. Những Mẩu Chuyện về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn Học; 2001. http://www.geocities.ws/xoathantuong/tdt/tdt_00.htm.
[2] Biography Documentary HD – Ho Chi Minh A Vietnamese Communist revolutionary. https://www.youtube.com/watch?v=nyd02sY-Irs. Published 2017.
[3] Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cải_cách_ruộng_đất_tại_miền_Bắc_Việt_Nam.
[4] Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_trào_Nhân_Văn_-_Giai_Phẩm.
[5] Vũ T, Phan NK. Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối. Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ; 2014.
[6] Economy of the Republic of Vietnam. From Wikipedia, the free encyclopedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Economy_of_the_Republic_of_Vietnam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét