Làm thế nào để mua đứt một quốc gia? (Bài 2)
28-12-2018
Tiếp theo Bài 1
Để có thể hình dung bức tranh “đặc khu kinh tế” Việt Nam như thế nào, thử nhìn hiện thực đang xảy ra tại Campuchia. Vân Đồn hay Phú Quốc có giống Sihanoukville hay không, chưa thể khẳng định, nhưng viễn cảnh ấy là một hiểm họa đầy ám ảnh…
CÂU CHUYỆN CAMPUCHIA
BÀI 2: “CHỖ NÀY LÀ TRUNG QUỐC!”
Từng là khu rừng rậm nguyên sinh, nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm, Botum Sakor thuộc tỉnh Koh Kong tại Tây Nam Campuchia đã biến thành “công viên quốc gia”. Chính xác hơn, nó là một sòng bài khổng lồ. Hổ, báo, voi, vượn… đã được thay bằng những “hình nhân” Trung Quốc. Botum Sakor không là nơi duy nhất Campuchia được sang tay cho Trung Quốc với giá rẻ mạt…
“Chỗ này là Trung Quốc!”
Công ty bất động sản Trung Quốc Tianjin Union đã biến 340 km2 thuộc vùng Botum Sakor thành một thành phố sòng bài. Khắp Campuchia, hàng loạt công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đã và đang được bán cho Trung Quốc. Chỉ tính đến năm 2011, Phnom Penh đã bán cho Trung Quốc khoảng 7.631 km2 đất, hầu hết là công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Diện tích đất được “sang tay” đã tăng sáu lần chỉ từ 2010-2011. Các vụ giải tỏa khiến nhiều gia đình cư dân địa phương lâm vào cảnh khốn cùng. Bằng việc bán rẻ đất đai, Chính phủ Campuchia cũng mặc nhiên hợp pháp hóa tình trạng phá rừng.
Luật đất đai Campuchia năm 2001 cấm sang nhượng nhiều hơn 10.000 hecta nhưng Tianjin Union vẫn giành được hợp đồng thuê đất 99 năm với 36.000 hecta, chưa kể giấy phép khai thác 9.100 hecta để xây một đập thủy điện. Kế hoạch Tianjin Union là biến khu vực bằng nửa diện tích Singapore thành một thành phố với một phi trường quốc tế, một hải cảng cho du thuyền to, hai bể chứa nước, các khu chúng cư, khách sạn, bệnh viện, sân golf và một casino được đặt tên “Angkor Wat trên biển”. Tổng vốn là khoảng 3,8 tỷ USD. Năm 2012, khi đại công trình này đang được xây dựng, các chốt chặn đã được dựng lên và được canh gác nghiêm nhặt như khu quân sự. Người lạ mặt đến đều bị đuổi đi. “Chỗ này là Trung Quốc!” – nhân viên canh gác xua tay “giải thích”.
Người dân Campuchia không thể biết chính xác bao nhiêu đất đã và đang được bán. Những hợp đồng sang nhượng gần như luôn được giữ bí mật. Theo điều tra Reuters, Tianjin Union đã đặt cọc một triệu USD cho Hội đồng bất động sản Campuchia, như luật quy định; nhưng Campuchia chỉ tính phí thuê đất vỏn vẹn 1 USD/hecta/năm đối với hầu hết công ty bất động sản Trung Quốc!… Năm 2008, Tianjin Union được trao giấy phép thuê khoảng 20% bờ biển Campuchia trong thời hạn 99 năm với giá chỉ 30 USD/hecta. Tương tự Botum Sakor, Koh Pich – còn được gọi là “đảo Kim Cương” – cũng đang biến thành một thành phố với loạt chúng cư, nhà hàng bên bờ sông lộng gió, khu văn phòng và trường học “quốc tế”… Nó nối thủ đô qua một con kênh hẹp với bốn cây cầu. Một mô hình Khải Hoàn Môn đang được dựng tại đây nhưng cảnh quan chẳng dính dáng gì đến văn hóa Pháp: xung quanh đều dày đặc chữ Trung Quốc. Thực dân cũ đã đi. Thực dân mới đang vào.
“Hoan nghinh lai đáo Tây Cáp Nỗ Khắc thị!” (Welcome to Sihanoukville)
Không nơi nào mà Trung Quốc hiện diện rõ bằng Sihanoukville, tức Kompong Som, tức “Tây Cáp Nỗ Khắc thị” theo cách gọi Trung Quốc. Đó là một hải cảng lớn cách thủ đô khoảng 220 km về phía Tây Nam dọc huyết mạch Quốc lộ 4. Các sòng bài Sihanoukville sáng đèn hàng đêm. Thành phố nhộn nhịp với không khí ăn chơi sa đọa. Chẳng ai biết chính xác có bao nhiêu sòng tại nơi này. Một nguồn từ Bộ du lịch Campuchia cho biết có 42 sòng được cấp phép (Nikkei Asian Review 18-7-2018). Tuy nhiên, Cheap Sotheary, giám đốc tổ chức Nhân quyền Campuchia, nói với Nikkei Asian Review rằng con số thật lên đến 81 sòng. Tốc độ xây dựng Sihanoukville ào ạt chóng mặt đến mức người địa phương cũng kinh ngạc. Một số nguồn cho biết, số người Trung Quốc có mặt tại “Tây Cáp Nỗ Khắc thị” hiện chiếm khoảng 20% dân số địa phương. Các công trình xây dựng làm việc suốt 24/24. Trong tổng cộng người ngoại quốc đến Sihanoukville năm 2017, có gần 120.000 người Trung Quốc – tăng 126% so với cùng kỳ năm trước (Guardian 31-7-2018). Trong 1,3 tỷ USD đầu tư vào Sihanoukville vào năm 2017, có đến 1,1 tỷ USD đến từ Trung Quốc.
Ngồi bên ngoài quán ăn của mình, cư dân Deu Dy 23 tuổi bày tỏ lo lắng trước sự xuất hiện của đám người xí xa xí xố tiếng Tàu. “Mọi thứ đều thay đổi tại Sihanoukville chỉ trong hai năm” – Dy nói. Như nhiều người địa phương, Dy giờ phải học tiếng Hoa để “hòa nhập” với cộng đồng dân Trung Quốc dồn dập đến đây. “Tôi lo rằng môi trường sẽ bị tiêu diệt. Chuyện gì sẽ xảy ra một khi toàn bộ công trình được xây dựng xong và hàng ngàn người nữa sẽ đến? Sẽ chẳng còn người Campuchia nào ở Sihanoukville này nữa” – Dy thở dài. Sự có mặt Trung Quốc cũng khiến du khách phương Tây gần như biến mất khỏi thị trấn này – Dy nói thêm.
Đặc khu kinh tế Sihanoukville còn đang biến thành “khu tự trị” của anh chị giang hồ. Dân xã hội đen Trung Quốc thanh toán nhau như cơm bữa. Chúng bắn nhau giữa thanh thiên bạch nhật. Trong một vụ vào tháng 7-2018, 5 du khách Trung Quốc sau khi thua bạc sạch túi đã bị một nhóm người Trung Quốc khác bắt cóc đòi tiền chuộc. “Cơn lốc du khách Trung Quốc đã tạo cơ hội cho mafia Trung Quốc đến và mang lại sự bất an cho tỉnh” – Yun Min, tỉnh trưởng Sihanoukville, viết thư gửi Bộ nội vụ Campuchia.
Cơn lốc Trung Quốc chắc chắn còn tung hoành Sihanoukville vì doanh nhân Trung Quốc được hưởng lợi từ chính sách miễn thuế của đặc khu kinh tế này. Đa số trong hơn 100 nhà máy tại đặc khu Sihanoukville đều thuộc quản lý người Trung Quốc. Khoảng 200 công ty Trung Quốc nữa sẽ tiếp tục có mặt, trong kế hoạch mở rộng của đặc khu. Một xa lộ bốn làn (dài 120 km, dự kiến hoàn thành năm 2020) đang được một công ty Trung Quốc xây để nối Sihanoukville đến Phnom Penh. Với một số người địa phương, cơn lốc Trung Quốc là cơ hội làm giàu. Với một số khác, nó là ác mộng.
Kong Samol, tài xế xe tuk-tuk 32 tuổi, cảm thấy ngột ngạt không thể sống nổi. Tiền thuê nhà đã tăng từ 50 USD lên 150 USD/tháng. Chủ nhà muốn tống Kong Samol đi để lấy chỗ cho người Trung Quốc. Sản xuất và kinh doanh hàng hóa-sản phẩm địa phương ngày càng khó khăn. Người Trung Quốc nhập hàng từ nước họ sang. “Thậm chí rau và trái cây cũng nhập từ Trung Quốc” – lời kể của cư dân Srey Mach 43 tuổi – “Họ có tiền, nhiều hơn rất nhiều so với người Campuchia. Điều đó có nghĩa họ đang nắm quyền”. Kinh tế lẫn xã hội Sihanoukville đang bị xáo trộn dữ dội. Hàng trăm doanh nghiệp gia đình của dân địa phương đã đóng cửa trong 12 tháng (tính đến giữa năm 2018). Nhiều người dân địa phương đang biến thành con nợ của các ông chủ Trung Quốc chuyên cho vay nặng lãi. Cả nước cũng đang nợ Trung Quốc: gần ½ trong 5,8 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia đều thuộc chủ nợ Trung Quốc.
Tiến trình thuộc địa hóa
Giữa năm 2018, nhiều dân làng thuộc khu Kiri Sakor (tỉnh Koh Kong) kéo lên thủ đô Phnom Penh để đòi đất, dù chính quyền đã tìm cách ngăn cản bằng cách chặn quốc lộ 48. Nạn nhân Chay Kimhuoch cho biết bà mua 26 hecta từ dân địa phương vào năm 2007 nhưng bị tập đoàn bất động sản Tianjin Union cướp mất vào năm sau. Hơn 10 năm nay, các vụ tranh chấp đất liên quan Tianjin Union vẫn chưa được giải quyết. Theo VOA (22-6-2018), Tianjin Union đã tống hơn 1.000 gia đình ra khỏi nhà họ trong 10 năm qua. Báo chí gần như bưng bít các thông tin liên quan. Hai nhà hoạt động phanh phui vụ khai thác cát tại Koh Kong đã bị bắt năm 2017, trong khi nhà hoạt động môi trường Tây Ban Nha, Gonzalez-Davidson (từng lăn lộn một thập niên ở Campuchia), bị đích thân Hun Sen ra lệnh trục xuất năm 2015…
Người Trung Quốc có mặt ở Campuchia từ thế kỷ 13 và hai nước có quan hệ giao thương trong nhiều thế kỷ với các thương vụ lông chim bói cá, ngà voi, sừng tê giác, mật ong (…) – theo quyển Chân Lạp phong thổ ký (The Customs of Cambodia) ấn hành năm 1297 của đô đốc Chu Đạt Quan (Chou Ta-Kuan), nhà ngoại giao Trung Hoa thời Nguyên Thành Tông (quyển này có bản dịch của Lê Hương, ấn hành năm 1973 tại Sài Gòn). Sự có mặt Trung Quốc lần này không chỉ thể hiện ở các cuộc giao thương. Nó là một hiện tượng: “Trung Quốc hóa Campuchia”, biến Campuchia thành thuộc địa, với sự tiếp tay của Hun Sen. Đất nước xinh đẹp với cảnh quan thiên nhiên không tỳ vết như được miêu tả trong Chân Lạp phong thổ ký giờ đã thay đổi một trời một vực. Thậm chí hồ thiêng Yeak Loam thuộc tỉnh Ratanakiri ở cực Đông Bắc dường như cũng đã bán cho Trung Quốc, dù Hun Sen bác bỏ điều này. Cách không xa Yeak Loam, công ty Trung Quốc Hyrdolancang đã xây con đập Sesan 2 trên dòng Sesan, bịt một trong những cửa sông quan trọng nhất Mekong và làm điêu đứng cư dân làng Srekor. Các con đập Trung Quốc thậm chí còn xuất hiện tận trên núi Cardamom ở Kampot…
Chu Đạt Quan có thể sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng bây giờ tê giác đang bị người Trung Quốc săn đến gần tuyệt chủng và số lượng voi ngày càng giảm nghiêm trọng. Thế kỷ 19, nhà tự nhiên học Pháp Henry Mouhot dự báo: “Có lẽ chẳng lâu nữa những gì còn lại ở vùng đất không may mắn này rồi cũng rơi vào tay thế lực nào đó. Dường như người Pháp đang dán chặt mắt vào, với mong muốn thôn tín nó (Campuchia)”. Henry Mouhot nói đúng. Thực dân Pháp đã đến. Tuy nhiên, mức độ tham lam và nhẫn tâm của thực dân Pháp đối với Campuchia chẳng là gì so với tên tân thực dân Trung Quốc. Ít ra thực dân Pháp còn mang lại văn minh. Với tân thực dân Trung Quốc, Campuchia không chỉ là “vùng đất không may mắn” và bị thôn tín; nó còn đang bị tàn sát và hủy diệt.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét