Họp ít, nói nhiều để che mắt dân
Phạm Trần
27-12-2018
Hội nghị Trung ương 9 khóa XII của đảng CSVN đã kết thúc chỉ sau 2 ngày làm việc (25-26/12/2018), ngắn nhất trong lịch sử đảng, nhưng lại nói nhiều để giấu dân những việc làm trong bóng tối.
Có 4 việc chính đã xảy ra tại kỳ họp được “khua chuông gõ mõ” nhiều nhất trong năm 2018, đó là:
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong tổng số 24 người, kể cả 3 người đứng đầu gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Có 3 người được miễn lấy phiếu kỳ này gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, vì đã nghỉ bệnh lâu dài và hai ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5/2018 nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định.
Nhưng sau khi lấy phiếu xong ngày 25/12 (2018), Ban Chấp hành Trung ương lại họp kín vào ngày hôm sau (26/12 (2018) để nghe báo cáo kết quả.
Giống như lần lấy phiếu thứ nhất tại kỳ họp Trung ương 10 khóa đảng XI hồi tháng 1/2015, kết luận của Trung ương theo 3 mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” đã bị niêm phong không cho dân biết.
Chỉ thấy ông Trọng nói trong Diễn văn bế mạc hôm 26/12 (2018) rằng: “Qua kết quả được công bố trong Ban Chấp hành Trung ương đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm”. Ông nói: “Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương”.
Nghe ông Trọng nói thế thì cũng biết vậy thôi vì việc lấy phiếu lại do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu thì ai dám đòi kiểm tra thật hư ra sao.
THÀNH PHẦN ĐẢNG XIII
Thứ hai là Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu 205 nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên cho nhiệm kỳ đảng khóa XIII (2021 – 2026). Đây là con số ít hơn số gần 250 người đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng loan báo hôm khai mạc, 25/12/2018.
Thông báo cuối cùng của Hội nghị 9 đưa ra ngày 26/12/2018 đã không giải thích tại sao có sự sai biệt này. Nhưng họ là thành phần nào trong xã hội?
Ông Trọng nói chắc như bắp rang: “Các đồng chí được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển”.
Nhưng đến khi chọn giới thiệu thì Trung ương, theo lời ông Trọng: “Đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026”.
Vì vậy, nhân dân và kể cả các đảng viên cũng không biết tên tuổi những người này. Theo tiến trình chọn lựa thì Bộ Chính trị sẽ quyết định chốt danh sách cuối cùng, dựa theo đề nghị của Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Theo lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì lớp người mới thuộc 3 độ tuổi : dưới 55, dưới 50 và dưới 45.
Ông Chính nói chi tiết hơn: “Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương… Những cán bộ này phải là nhân sự được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, là ủy viên cấp ủy hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác.
“Nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND…Đây phải là nhân sự đã được quy hoạch vào chức vụ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.
Cuối cùng, theo ông Chính: “Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý (Phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương”. (VnExpress, ngày 7/12/2018)
TỰ KHOE HƠN TIỀN NHIỆM
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 9, ông Nguyễn Phú Trọng đã không giấu giếm khoe rằng việc gọi là “xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” chỉ được bắt đầu từ khóa đảng XI (2011-2016) từ khi ông làm Tổng Bí thư. Ông nói: “Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII này khẳng định phải tiếp tục làm và làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn”.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 9, ông Nguyễn Phú Trọng đã không giấu giếm khoe rằng việc gọi là “xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” chỉ được bắt đầu từ khóa đảng XI (2011-2016) từ khi ông làm Tổng Bí thư. Ông nói: “Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khoá XI, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII này khẳng định phải tiếp tục làm và làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn”.
Nhưng ông cũng thanh minh rằng: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026 chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng”.
Sở dĩ ông Trọng phải rào trước đón sau như vậy vì ngoài số người mới còn có các Ủy viên Trung ương khóa XII được tái cử nên chưa biết số người của Ban Chấp hành Trung ương XIII tương lai là bao nhiêu. Khóa đảng XII có 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.
Kỳ này, nhằm tạo uy tín cho sự lựa chọn của mình, ông Trọng đã nhắc lại tiêu chuẩn đã nói nhiều lần: “Tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực”.
Theo lộ trình của ông Trọng thì khóa đảng XIII sẽ diễn tiến từng bước: “Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt”.
Lý do ông Trọng cẩn thận vì Điều lệ đảng không cho phép ông làm Tổng Bí thư qúa 2 nhiệm kỳ. Đến hết nhiệm kỳ XII, đầu năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ 77 tuổi là quá già yếu để có thể tiếp tục đứng đầu đảng hay đứng đầu nước. Do đó, ông sợ nếu làm hỏng công tác nhân sự cho khóa đảng tương lai thì ông sẽ bị lên án nói nhiều mà làm không được, và bị bôi đen trong lịch sử đảng.
Việc Thứ ba được loan báo là Trung ương đã “Nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018”,nhưng nội dung cũng không được công bố cho dân biết.
Chỉ thấy ông Trọng tự khoe: “Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia”.
Nhưng “chủ quyền quốc gia” có bao gồm Biển Đông đang bị Trung Cộng đe dọa ngày đêm không?
Lý do thắc mắc vì đã từ lâu, trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong hai Diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 9 lần nay, không thấy ông Trọng nói đến vấn đề Biển Đông. Chẳng nhẽ Biển Đông đã hòa bình, hay lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã tự quên Hoàng Sa và Trường Sa là của Tổ tiên người Việt để lại?
Việc Thứ bốn xảy ra tại Hội nghị 9 là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cách chức ông Tất Thành Cang, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Cang bị tố cáo lạm quyền và gây hậu qủa nghiệm trọng trong nhiều dự án và chương trình kinh tế, kể cả vụ Thủ Thiêm.
Như vậy, ngoài vụ Tất Thành Cang, mọi vấn đề quan trọng khác tại Hội nghị Trung ương 9 đều diễn ra trong bóng tối, mặc dù mọi người đã phải nghe ông Trọng nói đến mỏi tai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét