Hội nhà báo VN đi ngược lý tưởng dân quyền Cộng sản thời kỳ đầu?
Ánh Liên
VNTB gửi BVN
Hình của những người sáng lập ra Đảng Cộng sản VN vẫn được treo trong các văn phòng đảng, nhưng lý tưởng của họ đã bị phản bội! Nghe thật mâu thuẫn, nhưng lại hoàn toàn là hiện thực.
Còn vài ngày nữa Luật An ninh mạng hay Luật nhằm 'bảo vệ chế độ' (theo tuyên bố của ông TBT Nguyễn Phú Trọng) sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện giờ đã xuất hiện các thông tư của các ban ngành nhằm chi tiết hóa Luật này, điều chỉnh hành vi theo đối tượng.
Ngày 25.12, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Trong đó, quy định rằng, không được: đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác; không được bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp nhạy cảm đang cần tạo sự đồng thuận, cách nhìn và thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và xã hội.
Toàn cảnh buổi họp báo
Căn cứ quan điểm này, thì các bài viết bàn về Luật đặc khu sắp tới đây sẽ hoàn toàn biến mất trên Facebook của các nhà báo thuộc Hội nhà báo Việt Nam, bởi nó hoàn toàn 'đáp ứng' các quy định được nêu ra trong bộ ứng xử. Nói cách khác, việc ngăn chặn các quan điểm cá nhân hoặc ý kiến trái chiều với “quan điểm của cơ quan báo chí, của đảng và nhà nước” chính là thao tác chặn quyền tự do ngôn luận, chặn quyền giám sát và phản biện xã hội. Hội nhà báo Việt Nam giờ đây thay mặt luôn cả Ban tuyên giáo Trung ương gia tăng 'giám sát báo chí', trong khi chặn vai trò 'giám sát xã hội' của báo chí.
Từ nay, đội ngũ phóng viên - nhà báo sẽ không còn bàn về “chính trị, về kinh tế, văn học như ta thấy ở châu Âu và các nước châu Á khác”, mà chỉ thấy “nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn,...và rủ ngủ dân chúng”. Quan điểm này thực ra là sự trích lược của người sáng lập ra ĐCSVN - ông Hồ Chí Minh lên án trong kỳ đầu cách mạng.
Hãy xem, tờ báo Dân Chúng (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương, với người chỉ đạo xuất bản là TBT Hà Huy Tập) trong thời kỳ còn đấu tranh đã nói gì với quyền tự do báo chí: “Trong lúc nầy… hơn lúc nào hết toàn thể nhân dân trong nước đều muốn có tự do báo chí'.”
Tiếp đó, vào ngày 26.03.1938, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho thành lập 'Tuần báo Dân' - đây là cơ quan ngôn luận hợp pháp của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Trung Kỳ và được ông Phan Đăng Lưu (Ủy viên BCH TƯ ĐCSVN thời kỳ đầu) trực tiếp chỉ đạo. Tại trang nhất trong một kỳ báo đã đề ra 2 yêu cầu Chánh phủ: Ban hành luật tự do báo chí cho xứ Đông Dương; Tha cho những nhà viết báo chỉ vì ngòi bút mà bị khép vào vòng tù tội; và một chính luận: “Chánh phủ còn đợi gì nữa mà chưa ban hành Luật tự do báo chí cho Đông – Dương”.
Những lời kêu gọi của những người Cộng sản đời đầu lại tiếp tục có hiệu nghiệm trong tình hình hiện nay. Do đó, cần nói thẳng rằng, bộ Quy tắc sử dụng mạng xã hội của Hội nhà báo Việt Nam là một hành vi phản cách mạng một cách thô bỉ và phản bội lý tưởng một của những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu nhằm tâng bốc và nịnh bợ những kẻ cầm quyền hiện thời. Nó đi ngược với tinh thần tự do và cầu tiến nhân quyền của những nhà cách mạng đời đầu, là nhằm vun lợi cho kẻ chuyên quyền vì mục đích cá nhân nhân danh nhà nước.
'Tự do báo chí, tự do ngôn luận là quyền con người, Hội nhà báo Việt Nam lấy quyền cách gì mà vịn vào để thu hẹp hay tước bỏ nó đi?.' Sự ra đời của Bộ quy tắc ứng xử mang tính bịt miệng này thực ra chỉ cho thấy, chế độ chuyên chế đang được tái lập tại đất nước hình chữ S này, nơi mà tự do ngôn luận và tự do báo chí bị coi là tử thù, vì nó 'giúp dân trí mở mang và đạp đổ những đặc quyền mà bọn quyền quý muốn giữ lấy một mình'. Và nói một cách dí dỏm, giả như ông TBT Hà Huy Tập, ông Hồ Chí Minh, thậm chí cả ông Ủy viên BCH TW ĐCSVN Phan Đăng Lưu sống lại, thì hẳn nhiên cả 3 ông sẽ là 'phản động' trong mắt Hội nhà báo Việt Nam, vì cả 3 ông, với tinh thần 'tự do báo chí' của mình đã xé toạc bộ quy tắc ứng xử đầy chất nịnh thần nêu trên.
Bộ quy tắc ứng xử giờ đây sẽ là bài thí nghiệm cho chính các nhà báo trong Hội nhà báo Việt Nam, những người buộc phải lựa chọn ít nhiều giữa việc lên tiếng và sự im lặng (như một sự hèn mọn) nhằm lĩnh lương qua ngày. Và đây là một công việc không dễ dàng. Nhưng suy cho cùng, như chính nhà thơ Thái Bá Tân đăng tải trên Facebook cá nhân, nếu tiếp tục duy trì sự im lặng và tước bỏ quyền tự do con người một cách có hệ thống và trắng trợn như thế này, thì đến một lúc, chính bản thân các nhà báo sẽ phải trả giá: Khi ngồi yên một chỗ / Người tài giỏi, thông minh/ Cũng không nghe tiếng xích/ Đang trói buộc chân mình.
Một thời kỳ, không khác thời kỳ mà ông Hồ Chí Minh từng lên án vào thế kỷ XX: thời kỳ với một nền báo chí “kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được”.
A.L.VNTB gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét