Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Bản tin ngày 1-1-2019

Bản tin ngày 1-1-2019

LTS: Cảm ơn quý độc giả đã đồng hành cùng Tiếng Dân trong suốt một năm qua. Ngày đầu năm 2019, BBT Tiếng Dân kính chúc quý độc giả một năm mới bình an, hạnh phúc, thịnh vượng… Chúc cho người dân Việt Nam sớm thoát khỏi ách độc tài đảng trị, trở lại làm người theo đúng nghĩa con người.
Ảnh trên mạng
Tin Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ có bài: Trung Quốc ‘tranh thủ’ trên Biển Đông. Theo ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, Trung Quốc đã tiến đến “giai đoạn 3” trong chiến lược thu tóm Biển Đông: “Lần đầu tiên đá Vành Khăn chứng kiến máy bay vận tải quân sự đáp xuống, hay việc triển khai thiết bị gây nhiễu sóng ở Vành Khăn và đá Chữ Thập cũng như những tên lửa ở Trường Sa”.
GSTS Zach Abuza, thuộc Cao đẳng Chiến tranh Quốc gia Mỹ, nhận định: “Việc quân sự hóa Biển Đông giúp Trung Quốc giữ sự hiện diện 24/7 và trong 365 ngày tại đây. Nó cho phép lực lượng hàng hải của Bắc Kinh đảm bảo việc thực thi các tuyên bố chủ quyền đơn phương, bằng cách ngăn chặn sự tiếp cận của các nước khác”.
VOA đưa tin: Việt Nam ‘cứng rắn bất ngờ’ với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Theo tin từ Reuters, phía Việt Nam đã đưa ra “những yêu sách cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Asean và Bắc Kinh”. Việt Nam cũng thúc đẩy một số điều khoản nhằm ngăn phía Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Chính trường Việt Nam thời khắc cuối năm
Việt Nam Thời báo đặt câu hỏi: Vì sao đảng không chịu công bố kết quả phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị? Bài viết lưu ý hiện tượng: Hội nghị Trung ương 9 kết thúc với ít kết quả so với kỳ vọng đặt ra, dự kiến kéo dài đến 28/12 nhưng đến ngày 26/12 đã kết thúc, với “dấu ấn duy nhất là cách chức Tất Thành Cang”, chuyện xử lý hai cựu Bộ trưởng 4T và công bố kết quả phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư đến giờ vẫn không có tăm hơi.
Nhà báo Mặc Lâm viết: Khi ý đảng khác với lòng dân. Theo đó, “ý đảng lòng dân” là cụm từ thường bị chính quyền CSVN lạm dụng từ ngày thành lập chế độ đến nay, nhưng “ý đảng” hiện không còn là “lòng dân” nữa. Con số 36% ủy viên trung ương không đồng ý cách chức Tất Thành Cang là một bằng chứng cho “sự bất tín nhiệm của 1/3 Ủy viên Trung ương đối với ông Nguyễn Phú Trọng”, đồng thời cũng cho thấy các nhóm lợi ích không quan tâm đến sự bất bình của người dân. 
Luật An Ninh mạng có hiệu lực
Hôm nay 1/1/2019, cũng là ngày luật An Ninh mạng chính thức có hiệu lực, nhưng có vẻ như những người viết trên mạng, bày tỏ quan điểm bất đồng, không hề nao núng, bởi như PGS TS Mạc Văn Trang nói: Tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt là tất yếu, và rằng không ai có thể tước đoạt quyền tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt của chúng ta, ngoại trừ chính chúng ta.
Nhà hoạt động Trịnh Hữu Long viết về luật An Ninh mạng: 5 điều cần biết từ ngày 1/1/2019: “1. Luật An ninh mạng là một đạo luật phản động, ngu dốt và man rợ, hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng văn minh của loài người. 2. Nếu Luật An ninh mạng được Pháp ban hành cách đây 100 năm thì Nguyễn Ái Quốc sẽ bị xử đầu tiên…
Từ 1/1/2019 Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, theo VTC. Đây là công cụ được chính quyền CSVN kỳ vọng sẽ “xử lý triệt để tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu, những tin tức giả mạo, phát ngôn thù ghét, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong, mỹ tục Việt Nam”, tức là những tin tức, phát ngôn vạch trần sự thật bất lợi cho chế độ độc đảng ở Việt Nam.
Luật An ninh mạng có “7 chương, 43 điều luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các điều luật này bảo vệ an ninh mạng thì ít mà kiểm soát, bóp nghẹt tiếng nói của người dân thì nhiều.
Việt Nam Thời báo đặt câu hỏi về luật an ninh mạng: tuân thủ hay viết-nói theo ý mình? TS Nguyễn Hoàng Dũng nhận định: “Tư tưởng con người, đặc biệt tư tưởng tự do, là một dòng chảy xuyên suốt lịch sử cổ kim không ngừng nghỉ. Luật ANM sẽ chỉ là một khúc củi mục mốc cố ngáng cản dòng chảy đó trong vô vọng mà thôi”
Bài viết lưu ý: Luật An ninh mạng ra đời và có hiệu lực trong hoàn cảnh chính quyền đang loay hoay tìm cách thông qua luật đặc khu, cùng với “Thông Tư 19/2018 của NHNN cho phép đồng nhân dân tệ lưu hành chính thức ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc”, tạo nên một hệ thống điều luật là “những sợi dây thòng lọng siết kéo Việt Nam lệ thuộc sâu hơn về phía Trung Quốc”
BBC đặt câu hỏi về luật ANM: cản trở chính với người dân hay doanh nghiệp? LS Trần Vũ Hải cho rằng luật này không chỉ nhắm tới người dân sử dụng mạng xã hội để bày tỏ bất bình, mà còn ảnh hưởng các doanh nghiệp. Còn Cô Nguyễn Vi Yên, thành viên sáng lập nhóm Save NET nhận định: “Ảnh hưởng lớn nhất của Luật ANM sẽ là đối với người dân”
Tin nhân quyền
VOA có bài tổng hợp nhận định của giới hoạt động: “2018 – năm tồi tệ nhất về vi phạm nhân quyền ở VN”. LS Lê Thị Công Nhân nhận định, “trong năm 2018 chính quyền Việt Nam đã đưa ra những bản án ‘khủng khiếp chưa từng có’.” Ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng GĐ của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA: “Việt Nam bắt giữ 26 nhà hoạt động và kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù và 66 năm quản chế. Con số này chưa kể đến hàng trăm người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình giữa tháng 6”.
Theo ông Ngữ, an ninh Việt Nam còn sử dụng nhiều thủ đoạn để đàn áp những người đấu tranh như “sử dụng côn đồ để đánh đập, cũng như cô lập kinh tế, ngăn cản việc gặp gỡ với các nhà ngoại giao, và cấm xuất cảnh”.
Đất nước thời “tận thu”
Báo Dân Việt có bài: Nhìn lại những đề xuất thuế làm “đau” túi tiền năm qua. Theo đó, “thuế tài sản có lẽ là đề xuất gây làn sóng lớn nhất trong năm nay. Phương án được Bộ Tài chính đưa ra là đánh thuế ở mức 0,4% với đất và nhà ở trên 700 triệu đồng”. Đề xuất này đã gặp phải sự phản đối của rất nhiều người dân bởi phạm vi ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua và sắp có hiệu lực.  
Trang Môi Trường và Đô Thị đặt câu hỏi, trước giờ G: Người Việt đang phải chịu quá nhiều thuế và phí? Theo đó, kể từ ngày 1/1/2019 “phí khí thải chính thức có hiệu lực, người dân đưa ra câu hỏi: Nếu đã đánh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vì lý do gây ô nhiễm rồi thì tại sao phải đóng thêm phí khí thải?” Ngay cả một số trí thức “lề đảng” cũng phải thừa nhận sự vô lý của loại phí này, một “món quà đầu năm” mà chế độ dành tặng người dân trong tình hình phải tận thu bù ngân sách thiếu hụt. 
Báo VnExpress đưa tin: Giá gas trong nước tăng dù thế giới giảm. Ngày 1/1/2019, người dân sẽ phải “chi thêm 333 đồng cho mỗi kg gas so với tháng 12, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Nhiên liệu này mở đầu năm 2019 bằng đợt tăng giá nhẹ tại các điểm bán lẻ ở TP HCM và các tỉnh phía Nam”.
Cục Thuế phản hồi nóng cưỡng chế Sabeco hơn 3.100 tỷ, theo báo Đất Việt. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP HCM cho biết: Đối với trường hợp Công ty Sabeco, Cục Thuế TP.HCM “áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp các doanh nghiệp nợ thuế từ 91 ngày trở lên. Cơ quan thuế sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản đối với toàn bộ doanh nghiệp có tiền nợ thuộc diện này”.
Vụ 152 du khách bỏ trốn ở Đài Loan
Cơ quan chức năng Đài Loan bắt giữ một người bị tình nghi có dính líu đến việc giúp cho 152 du khách Việt bỏ trốn, theo RFA. Một người đàn ông gốc Việt họ Trịnh, có thẻ thường trú hợp pháp tại Đài Loan đã bị bắt ngày 28/12/2018. “Người này sống tại khu vực Tân Bắc và bị điều tra về việc lái xe chở các du khách Việt rời khỏi khách sạn. Người này cũng bị nghi bao che, giấu các du khách Việt bỏ trốn”
Báo Thanh Niên đưa tin: Lộ diện 2 nghi phạm nói tiếng Việt giúp 152 khách Việt ‘mất tích’ tại Đài Loan. Bên cạnh người đàn ông gốc Việt họ Trịnh nói trên, cảnh sát Đài Loan đang điều tra một người phụ nữ nói tiếng Việt. Theo đó, vào lúc một nữ phiên dịch ra sức khuyên các thành viên trong đoàn khách không nên “bỏ đi”, người phụ nữ này “bất ngờ đến đón các du khách Việt rời khách sạn”, nói rằng “chỉ đến đón hộ người lên Đài Bắc có việc”.
Sau vụ 152 người Việt mất tích: Đài Loan cân nhắc tăng hình phạt nhập cư trái phép, theo BBC. Tính đến chiều 29/12/2018, thêm 20 du khách Việt đã được tìm thấy, còn 128 người kia vẫn đang “mất tích”. Bộ Nội vụ Đài Loan “đang lên kế hoạch tăng nặng mức tiền phạt và hình phạt đối với lao động nhập cư trái phép, chủ doanh nghiệp thuê lao động, các công ty môi giới liên quan đến buôn người”.
Nhà hoạt động Ngô Văn Hiếu viết: Xấu hổ cho Đài Loan đã ngược đãi miệt thị du khách Việt Nam. “Nhà chức trách và báo chí Đài Loan thật nông nỗi khi vội gán cho 152/153 du khách Việt Nam ‘đi lạc’ tại xứ này tội ‘bỏ trốn’. Nên nhớ là phải cho các du khách này hưởng sự tình nghi vô tội “benefit of doubt” trước khi gán tội bỏ trốn… Tại sao không nghĩ là họ đi lạc, hay họ không thích ăn ở nơi được hãng du hành thuê bao đã chỉ định nên bỏ đi chơi theo kiểu tự túc, mà lại vội gán họ là bỏ trốn như phạm nhân trốn tù?
Mời đọc thêm: Bắt người nghi giúp 152 khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan (ĐV). – Đài Loan bắt đối tượng nghi giúp 152 du khách Việt Nam rời đoàn — Những vụ lùm xùm của du khách Việt ở nước ngoài gây nhức nhối dư luận trong năm 2018 (DT). – Có nên còng tay du khách bỏ trốn? (TT). – Đài Loan phạt nặng người nhập cư trái phép sau vụ du khách Việt “mất tích”(CATP). – Vụ 152 du khách Việt “biến mất” ở Đài Loan: Tước giấy phép công ty làm visa (ĐS&PL). – Cuộc sống chực chờ bị bắt của những người Việt làm chui tại Đài Loan (TP). – Nhiều uẩn khúc trong vụ du khách Việt “mất tích” bí ẩn tại Đài Loan(Sputnik).
Thời luật rừng lên ngôi
Tối 30/12/2018, tại xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long, trụ sở ban chỉ huy quân sự xã bị đập phá, theo RFA. Do xích mích với người của Ủy Ban Xã, một nhóm khoảng 20 thanh niên đã kéo đến tấn công, hành hung một dân quân thường trực và và hai người giữ xe ở UBND xã Long An. Ông Sang, Phó trưởng Công an xã đã “nổ súng chỉ thiên nhưng nhóm thanh niên vẫn tấn công” nên ông cùng 3 người nói trên “chạy vào Trụ sở Công an và đi qua cửa sau vào Trụ sở Ban chỉ huy quân sự xã để lánh nạn và gọi điện thoại Công an huyện hỗ trợ”.
Tuy nhiên, “nhóm thanh niên vẫn tiếp tục truy lùng nhóm người của Ủy Ban và dùng ghế gỗ đập phá khiến nhiều tài sản bị hư hỏng”. Thêm một bằng chứng cho thấy, khi luật pháp vắng bóng, thì luật rừng lên ngôi. Nhiều người không còn sợ chế độ công an trị ở Việt Nam và sẵn sàng dùng… luật rừng đáp trả sau nhiều năm chính quyền dùng luật rừng với họ.
Giáo dục VN: Vẫn đầy khiếm khuyết
Trang Pháp Luật TP HCM điểm lại những điểm xám của nền giáo dục trong năm 2018 vừa qua. Theo đó, vết nhơ gần đây nhất là giáo viên dâm ô nữ sinh lớp 8 ở Gia Lai, “hiệu trưởng một trường tại Phú Thọ cũng bị khởi tố vì liên quan tới việc lạm dụng một loạt học sinh nam”. Bên cạnh đó là nhiều vụ giáo viên hành hạ học sinh, hoặc học sinh hành hung giáo viên.
UBND TP Đà Lạt vừa kỷ luật Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn vì gian dối, bòn rút, theo báo Giáo Dục Việt Nam. Bà Lê Thị Tuyết Oanh bị kỷ luật cảnh cáo vì “đã có rất nhiều sai phạm trong chỉ đạo thu tiền học sinh học tiếng Anh I-Learn nhưng không qua bộ phận tài vụ, lại chỉ đạo lấy tiền từ ngân sách làm phần thưởng phát cho học sinh khá, giỏi không đúng quy định”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét