Viết tiếp về CPTPP: Hai câu hỏi khó về công đoàn độc lập và An ninh mạng
31-12-2018
Các câu hỏi không dễ trả lời. Vậy mà sau stt hôm qua về CPTPP, đã có nhiều bạn inbox hỏi mình. Hỏi để biết cũng có, mà hỏi “cắc cớ” cho bí cũng có. Còn 13 ngày nữa CPTPP có hiệu lực rồi. Nhân ngày hôm nay là ngày cuối trước 1/1/2019, mình nói mấy điều tóm lược thông tin, cũng chỉ là từ tìm đọc các tài liệu và cố sàng lọc các thông tin khách quan, ngắn gọn. Thế này…
VỀ CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP
Hiệp định TM tự do thế hệ mới như CPTPP yêu cầu thành viên phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong TUYÊN BỐ năm 1998 về CÁC NGUYÊN TẮC VÀ QUYỀN CƠ BẢN TRONG LAO ĐỘNG (các quyền này được qui định trong 8 công ước cơ bản của tổ chức lao động thế giói ILO.
Hiện nay Việt Nam còn chưa phê chuẩn 3 công ước cơ bản (công ước 87, 98 và 105).
– Công ước 87 là về quyền tư do lập Hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức. Công ước này qui định là người lao động và người sử dụng lao động được quyền tự xây dựng một tổ chức và tham gia tổ chức theo sự lựa chọn của mình, không phải theo tổ chức được qui định chính thức.
– Công ước số 98 là những nguyên tắc về quyền tổ chức và thương lượng tập thể đối với người lao động.
– Công ước 105 là về xóa bỏ lao động cưỡng bức, bao hàm việc khi người lao động đình công hay bị kỷ luật thì không bị bắt buộc làm một việc gì đó ngoài ý muốn hay bị phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, tôn giáo.
Khi ký hiệp định, Việt Nam sẽ thay đổi pháp luật cho đúng 3 công ước nói trên. Theo các chuyên gia pháp luật của VN, lộ trình phê chuẩn 3 công ước này sẽ là: công ước 98 là vào năm 2019; công ước 105 vào 2020 và công ước 87, chắc cần thời gian nhiều hơn và có thể vào 2023, thời hạn kéo dài nhất.
VỀ MỘT ĐIỀU KHOẢN CỦA LUẬT AN NINH MẠNG
Về nguyên tắc, thành viên tham gia CPTPP không được yêu cầu các công ty nước ngoài phải đặt máy chủ tại nước sở tại. Tuy nhiên, với Việt Nam, cũng có ngoại lệ. Một số ngoại lệ đã được Việt Nam nêu ra và được 10 nước kia thỏa thuận là tạm thời không trừng phat đối với các vi phạm về an ninh mạng và về quyền lơi người lao động.
Thỏa thuận tạm thời không trừng phạt cho Việt Nam sẽ kéo dài từ 3 đến 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực tại Việt Nam ngày 14/1/2019.
Nội dung của “thỏa thuận tạm thời không trừng phạt” có nghĩa là các nước sẽ “tự kiềm chế “không khởi kiện VN lên toà trọng tài về vi phạm qui định đặt máy chủ (Dispute settlement) trong 3- 5 năm đầu của hiệp định. Cần chú ý là trong thoả thuận chỉ nói đến là “tự kiềm chế” (REFRAIN), chớ không phải là bắt buộc đối với các thành viên còn lại. Nên khả năng việc tranh chấp về qui định đặt máy chủ, giữa VN và 10 thành viên kia, cũng vẫn rất có thể xảy ra tùy đánh giá của 10 thành viên cùng tham gia CPTPP.
Thu thập thông tin đến đây là hết. Toàn bộ chi tiết về những gì doanh nghiệp và nhà nước cần làm để CPTPP thực sự là cơ hội lớn (thay vì biến thành thách thức) bạn có thể tìm đọc mục Bình luận thị trường của báo in Thế giới Tiếp Thị phát hành ngày 2/1/2019 hay www.thegioihoinhap.vn nhé, vì bài khá dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét