Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Đôi điều về đề xuất dành 5% ghế QH cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý

Đôi điều về đề xuất dành 5% ghế QH cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý

1-3-2020
Ngày 10 và 11/2/2020 Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội đã họp phiên thứ 42. Trong số kết luận có đề xuất các phương án về tỷ lệ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách:
“Phương án 1: Quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định (khoảng 5%) cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng đủ điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ và uy tín có thể tham gia làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội.
Đối tượng của đề xuất khoảng 5% trong phương án này được hiểu khá khác nhau về mức độ ưu tiên. Chẳng hạn, Đài phát thanh Truyền hình Ninh Bình thì nhìn thấy: “Dành 5% tỷ lệ ĐBQH chuyên trách để thu hút lãnh đạo Bộ, ngành về hưu” – Tức là dành cho các bộ trưởng về hưu. Còn báo Pháp luật [TPHCM] thì “Dành 5% ghế Quốc hội cho chuyên gia, nhà khoa học” – Tức là ưu tiên các nhà khoa học, các chuyên gia.
Để thấy rằng, cho đến khi đưa vào thực tiễn thì cuộc phân chia 5% số ghế này dành cho đối tượng nào còn là vấn đề phải thảo luận nhiều lần. Nhưng thực ra thì đã biết trước kết quả: Đó là những khuôn mặt đã “quá cũ” trong Quốc hội và trong Chính phủ. Thậm chí đồ rằng, chưa phân xong số lượng ghế mà đã biết ghế “cơ cấu” cho ai.
Nhưng dẫu sao – bỏ qua các mục tiêu che dấu, thì đó cũng là một đề xuất mong muốn cho Quốc hội mạnh hơn. Đó cũng là đề xuất lưu tâm đến “chất xám khoa học, chuyên gia, và quản lý”. Có điều, cải cách chất lượng ĐBQH và hoạt động QH nằm ở những điểm cốt lõi khác.
1. Quốc hội là của cử tri cả nước. ĐBQH do cử tri bầu chọn. ĐBQH phải được ấn định theo số lượng cử tri và theo địa phương. ĐBQH được cử tri địa phương nào lựa chọn sẽ đại diện cho cử tri địa phương đó trong Quốc hội. Cho nên quy định % ghế Quốc hội dành cho các bộ, nghề nghiệp, giới tính… là không khoa học. Đây là một trong những nguyên nhân chính đẻ ra các ĐBQH không chất lượng – hậu quả là làm suy yếu Quốc hội.
2. Không chỉ quy định ghế ĐBQH theo các tổ chức, ban ngành, chuyên môn…mà một nguyên nhân quan trọng nữa là không có tranh cử thực sự trong bàu cử ĐBQH. Từ không có tranh cử thực sự dẫn đến bầu cử hình thức – tức là không có bầu cử.
SAO KHÔNG CÁCH MẠNG TRIỆT ĐỂ?
Không phải dành 5% ghế QH cho các bộ trưởng sắp về hưu, cho các chuyên gia, cho các nhà khoa học… mà là tranh cử ĐBQH tự do. Bất cứ ai cũng phải đi qua con đường tranh cử tự do để trở thành ĐBQH. Chỉ có tranh cử tự do mới chọn ra được một Quốc Hội trí tuệ và hiệu quả.
Khi đã tranh cử tự do thì không giới hạn tuổi tác. Ai sắp nghỉ hưu, đã nghỉ hưu, chức vụ gì, chuyên môn gì… đều không cần giới hạn. Bởi sự lựa chọn nằm trong tay cử tri.
BÀN TAY KHÔNG CHE NỔI MẶT TRỜI
Bàn tay không che nổi mặt trời. Đang ở ghế quyền lực thì quyền lực làm cho căn bệnh “Lấy tay che mặt trời” thêm trầm trọng. Nhưng quyền lực đi qua như bóng mây đi qua.
Ai muốn để lại “Văn Bia” thì ít nhất cũng đừng lấy tay che mặt trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét