Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Lặng lẽ ra đi

Lặng lẽ ra đi

Trần Gia Phụng
2-3-2020
Hôm thứ Bảy 29-2-2020 là một ngày đặc biệt. Bốn năm dương lịch mới có một lần nhuận. Với tôi, hôm đó cũng là một ngày đặc biệt. Tôi được môt người bạn trẻ, đưa đến chùa Liên Hoa, Houston, dự lễ truy điệu hòa thượng Quảng Độ.
Người bạn trẻ nói rất đơn giản. Một người 45 năm can trường, liên tục tranh đấu bất bạo độmg. Chịu đựng tù đày, gian khổ. Vì tự do tôn giáo. Dân chủ nhân quyền. Cho đất nước. Cho toàn dân. Một người khí phách. Đầy đủ bi, trí, dũng. Hãy đến vinh danh Thầy. Bạn trẻ nói ngắn gọn. Với tôi, thật chí lý.
Sau năm 1982, những buổi sáng Chủ nhật, tôi chở Mẹ tôi đến Thanh Minh Thiền Viện để nghe Thầy giảng. Tôi được nghe theo. Chúng nó lấp ló quanh đây. Thầy vẫn tự tin, khoan thai, bình thản, từ tốn, nhẹ nhàng, vui tươi, hiền hậu. Hình ảnh còn đậm nét trong trí nhớ.
Rồi Thầy bị bắt giam lần nữa. Vẫn bền gan vững chí. Vẫn lặng lẽ bất khuất. Không sợ hãi. Không khuất phục. Không than van. Sau nhà tù nhỏ, đến nhà tù lớn. Thầy bị quản thúc. Cô lập suốt đời. Không được liên lạc với ai. Ở giữa Sài Gòn đông đúc. Một mình. Như Phan Châu Trinh. Một mình ngoài Côn Lôn.
Số phận hai nhà tranh đấu bất bạo động của hai chế độ khá giống nhau. Can trường như nhau. Pháp chẳng làm gì Phan Châu Trinh. Nhưng không cho Phan Châu Trinh làm gì. Chúng cũng chẳng làm gì Thầy. Nhưng không cho Thầy làm gì. Phan Châu Trinh ra nước ngoài đòi hỏi dân quyền. Thầy ở lại trong nước tranh đấu dân chủ. Lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhận. Chiến sĩ bất bạo động thứ hai sau Phan Châu Trinh là Thích Quảng Độ.
Đứng đầu sóng ngọn gió. Thầy nhứt định không đưa Giáo hội vào tay quốc doanh. Ông Gandhi sống với người Anh văn minh. Đối xử theo pháp luật. Nếu ông Gandhi ở với chúng. Lũ côn đồ gian ác. Không biết ông Gandhi có đủ sức chịu đựng như Thầy hay không?
Chỉ tới cuối cùng. Khi đã đi hết một vòng. Sinh, lão, bệnh, tử. Thầy dừng lại. Nhiều người thương tiếc. Tương lai sẽ ra sao. Quỷ sứ thì mừng. Nhưng chúng vẫn sợ. Phá rối tang lễ.
Nhìn hình Thầy đi vào thiên thu. Thầy vẫn bình thản. Vẫn an nhiên. Khi chết cũng như khi sống. Bỗng nhiên tôi nhớ đến 4 câu thơ của Alfred de Vigny, xin tạm ghi lại ý nghĩa: “Rên rỉ, khóc than, cầu xin đều là hèn nhát / Hãy thi hành một cách cương nghị nhiệm vụ lâu dài và nặng nề của bạn / Trên con đường mà Số phận đã đưa đẩy bạn đi. / Rồi sau đó, như tôi đây, đau đớn và chết không nói năng chi”. (Nguyên văn: “Gémir, pleurer, prier est également lâche / Fais énergiquement ta longue et lourde tâche / Dans la voie où le Sort a voulu t’appeler. / Puis après, comme moi, souffre et meurs sans parler.”)
Vâng, Thầy không rên rỉ, chẳng than van. Tranh đấu đến sức cùng lực kiệt. Rồi lặng lẽ ra đi. Trở về cõi Phật. Không nói năng chi. Hậu sự đơn giản. Theo đức người xưa …
Kính vĩnh biệt Thầy. Vị anh hùng bất bạo động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét