Putin, hoàng đế trọn đời
3-7-2020
Một cuộc trưng cầu dân ý vừa cho phép Vladimir Poutine (Putin) sửa hiến pháp, để tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa, có thể tiếp tục làm tổng thống Nga tới… 2036, khi đã 84 tuổi.
Cuộc trưng cầu dân ý chỉ có tính cách hình thức. Hiến pháp mới, được quốc hội, dưới quyền kiểm soát của Poutine, thông qua từ đầu năm, đã được in, bán trong các tiệm sách và phân phát trong guồng máy hành chánh trước ngày dân bỏ phiếu.
Từ 20 năm nay, Poutine, từ một sĩ quan KGB, với nhiều đòn phép, đã trở thành Tổng thống, thủ tướng, rồi tổng thống một lần nữa, cho tới năm 2024. Sau 2036, nếu muốn, Poutine chắc sẽ không ngần ngại sửa hiến pháp để trở thành một thứ hoàng đế trọn đời. Chính phủ Nga hài lòng với con số 60% cử tri tham dự, 77% bỏ chiếu chấp nhận hiến pháp mới.
Các tổ chức dân sự độc lập ghi nhận có ít nhất 2100 trường hợp gian lận. Đa số các phòng phiếu tổ chức ngoài trời, không ai kiểm soát: tại sân vận động, chợ búa, parking, nhiều khi trong một thùng xe. Để thu hút cử tri, chính phủ tổ chức tombola, phát quà, thẻ mua hàng hoá, thực phẩm cho những người bỏ phiếu.
ĐỐI LẬP BẤT LỰC
Ngoài việc cho phép Poutine tranh cử thêm 12 năm nữa, sau 2024, hiến pháp mới quy định việc giáo dục tinh thần ái quốc, nguyên tắc hôn nhân đồng tính, điều chỉnh lương hưu với mức lạm phát.
Các cử tri phải bỏ phiếu chấp thuận, hay bác bỏ toàn bộ dự án hiến pháp, khiến đối lập rất khó thuyết phục dân bỏ phiếu chống lại chuyện bảo đảm mức lương hưu tối thiểu. Mặt khác, hiện nay Nga không có một lực lượng đối lập nào đáng kể. Những người chống đối có uy tín đã bị hãm hại, nằm tù hay sống lưu vong. Thành phần còn lại bị kiểm soát chặt chẽ, không có phương tiện hoạt động và, cực kỳ chia rẽ.
Nga đang trải qua một giai đoạn kinh tế tế nhị. Dầu lửa, nguồn lợi chính yếu mất giá, nhiều cơ sở kỹ nghệ kinh doanh phá sản, tình trạng thất nghiệp gia tăng, dân số giảm mỗi năm trên một lãnh thổ mông mênh. Covid-19 khiến tình trạng nghiêm trọng hơn nữa. Theo hãng thăm dò dư luận Lavada, mức tín nhiệm của dân đối với Poutine, trên 70% năm qua, đã tụt xuống 60% hiện nay, là một con số thấp nhất, nơi cả một thế hệ chỉ biết có một lãnh tụ là Poutine.
Chính vì muốn thay đổi hiến pháp trước khi dân Nga phải đương đầu với đời sống khó khăn, Poutine đã tổ chức gấp rút cuộc trưng cầu dân ý mà đối lập gọi là một trò hề.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét