Nhìn thẳng từ Bắc Ninh!
27-7-2020
Nhìn thẳng từ Bắc Ninh, ông Vương Quốc Tuấn, người tái đắc nhiệm Bí thư thành uỷ Bắc Ninh trước khi được thay thế là con rể ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban công tác Đại biểu Quốc Hội.
Năm 2015, năm cuối nhiệm kỳ bí thư tỉnh uỷ Bắc Ninh của ông Tuý, hiền tế Tuấn khi đó 38 tuổi, bí thư thành đoàn về chấp chính chức bí thư thành uỷ.
Nay bổn cũ soạn lại, ở hoàng hôn nhiệm kỳ của ông Nguyễn Nhân Chiến, thái tử Nguyễn Nhân Chinh từ bí thư thành đoàn về làm bí thư thành uỷ Bắc Ninh.
Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ Bắc Ninh nói, việc này không vướng quy định nào của Đảng. Nhìn lại quá trình giăng “kỳ trận” Bắc Ninh càng cho thấy sự kỳ công và quyền lực khuynh loát.
Thứ nhất, anh Chinh không đi đường bầu cử cơ sở, anh Tuấn tái nhiệm bí thư thành uỷ với số phiếu gần tuyệt đối vào ngày 18/6. Nếu “xen ngang” từ đầu sẽ rất thô bạo.
Cái hay là ngày 10/7, HĐND tỉnh lại bầu anh Tuấn làm Phó chủ tịch tỉnh. Khi đó, ghế trống tại thành uỷ xuất hiện và Ban thường vụ điều chuyển anh Chinh về thay. Trong số Uỷ viên thường vụ đề xuất anh Chinh, có cha anh là bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến và cả anh… Vương Quốc Tuấn!
Chỉ trong vòng 20 ngày, cuộc điều binh khiển tướng diễn ra hộc tốc nhưng tròn trịa. Và cần phải nhìn nhận thẳng thắn, những cuộc họp bầu bán, những lá phiếu hội đồng hoặc đảng bộ cơ sở chỉ đóng vai trò cờ quạt cho một kịch bản định sẵn. Và vì thế, đương nhiên nó không vướng quy định nào!
Nói trắng ra, đây là thực tiễn tại nhiều địa phương, nhưng so với sự âm thầm lặng lẽ của các địa phương khác, Bắc Ninh bị ồn ĩ khi cờ dong trống mở, “làm xiếc” trước mắt dư luận.
Bộ Chính trị chủ tâm chống gia đình trị, phe cánh địa phương từ 2017, thế nhưng trong quy định vẫn có những “lỗ hổng”. Và cần nhìn thẳng ở Bắc Ninh để thấy rằng, nhiều và rất nhiều cán bộ đã dành toàn bộ năng lượng và tâm huyết để truy tầm kẻ hở, tìm đường vinh thân phì gia.
Thực tiễn tại các địa phương cho thấy rằng Trung ương không thể trông chờ vào cảm tính đảng của lãnh đạo cơ sở để hy vọng sự vô tư, công chính. Hồi tỵ và điều chuyển cán bộ là bắt buộc và làm cách nào để ngăn chặn hình thành cánh hẩu là một nan đề khác.
Khi quyền lực bị tập trung hoặc tung hứng, sẽ không ngạc nhiên nếu vài chục năm nữa, cháu đích tôn của ông Chiến hoặc con trai anh Tuấn đi theo con quan lộ cũ. Ở quan lộ đó, không chỉ có nhân dân mà các ban bệ Đảng và chính quyền cơ sở đều bị điểm huyệt đứng bên vệ đường.
Một mô hình đương nhiên không chỉ có ở Bắc Ninh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét