Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Pompeo, cớ sao ông không muốn hiểu?

Pompeo, cớ sao ông không muốn hiểu?

Mai Vũ Phạm
29-7-2020
Hôm thứ Năm, 23/7/2020, tại Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Richard Nixon ở Yorba Linda, California, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã có bài phát biểu được cho là cứng rắn, lên án nhà nước cộng sản Trung Quốc. Pompeo tuyên bố sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc kiểm soát Trung Quốc trong 50 năm qua và kêu gọi các xã hội tự do chống lại Bắc Kinh.
Là một người xem các giá trị dân chủ là lý tưởng và đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù của thế giới dân chủ, người viết chia sẽ sự phẫn nộ của ngoại trưởng Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với nhiều cử tri Mỹ, trong đó có người viết, bài phát biểu của ông ngoại trưởng là những lời nói suông. Lẽ nào Pompeo quên rằng chính ông, thay vì trung thành với Hiến pháp, lại trung thành với Tổng thống Donald J. Trump, một người có cả lời nói và hành động nhượng bộ Trung Quốc?!
Ông Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại, phản biện Pompeo, cho rằng mục đích của chính sách ngoại giao lúc đầu giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc của tổng thống Richard M. Nixon và Henry Kissinger là sử dụng Trung Quốc làm đối trọng với Liên Xô và định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc, không phải biến nước này thành một quốc gia dân chủ.
Ông Hass cho rằng, những nỗ lực của Hoa Kỳ phần nào đã thành công bởi khi Trung Quốc quay mặt với Liên Xô, Hoa Kỳ đã chiếm được quyền quyết định khi nào và bằng cách nào kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Bài phát biểu của Pompeo mâu thuẫn với Trump
Bài phát biểu của Pompeo lên án nhà nước cộng sản Trung Quốc là cần thiết. Nhưng chẳng lẽ Pompeo không muốn hiểu nó không có giá trị do hoàn toàn trái ngược với hành động và lời nói của ông chủ của mình hay sao?
Ngay khi vừa nhậm chức tổng thống, Trump lập tức tuyên bố rút ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership), khiến nhà nước cộng sản Trung Quốc vui mừng tột độ. Việt Nam, Nhật Bản, và một số nước Đông Á khác đã chọn ký kết TPP bởi vì muốn tham gia liên minh mà Hoa Kỳ tạo ra nhằm đối phó với Trung Quốc. Các nước này ủng hộ TPP vì xem sự hiện diện thường trực của Hoa Kỳ tại châu Á thông qua TPP như một đối trọng kinh tế và chiến lược, nhằm kiểm soát một Trung Quốc hiếu chiến và bành trướng. Có thể nói, quyết định loại bỏ TPP của Trump là dâng tặng châu Á cho Trung Quốc.
Sau khi xóa sổ TPP, Trump chọn cách áp thuế quan lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Kết quả của tranh chấp thương mại với Trung Quốc đã khiến kinh tế Mỹ phải chịu thiệt hại hơn 300 tỉ Mỹ kim và kinh tế toàn cầu mất khoảng 700 tỉ Mỹ kim. Giáo sư và chuyên gia thương mại uy tín của Đại học Cornell, Esward Prasad, nhấn mạnh: “Trump là món quà từ Trời ban tặng cho Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã thao túng các qui tắc, nhưng cách đối phó của Trump là phản tác dụng. Cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho tất cả các bên: làm rối loạn kinh doanh và niềm tin người tiêu dùng, cản trở xuất khẩu và gây thiệt hại cho sự tăng trưởng”.
Trong bài phát biểu, Pompeo đã nêu ra những khiếm khuyết khi hợp tác với các công ty nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, Trump và gia đình đã và đang tiếp tục hợp tác với các công ty do đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Chính các công ty nhà nước Trung Quốc đang là chủ thầu xây dựng hai dự án sân golf sang trọng của Trump tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Indonesia.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã cấp 18 thương hiệu cho các công ty của Trump và công ty của cố vấn cao cấp, đồng thời cũng là con gái ông, Ivanka Trump. Cụ thể, văn phòng Thương hiệu Trung Quốc đã cấp phê duyệt 16 nhãn hiệu cho công ty Ivanka Trump, nâng tổng số thương hiệu mà Trung Quốc đã bật đèn xanh cho gia đình Trump là 34. Con rể Trump, đồng thời là cố vấn cao cấp của Trump là Jared Kushner cũng nhận được khoảng 50 triệu Mỹ kim từ các nhà đầu tư Trung Quốc giấu tên vào dự án bất động sản tại thành phố Jersey.
Không dừng lại ở đó, Trump còn chấm dứt lệnh cấm đối với tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, vì “quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất”. Kết quả cuối cùng là ZTE đã nộp phạt 1 tỷ Mỹ kim và đồng ý giám sát nội bộ. Nhưng nhờ quyết định quan trọng này của Trump mà ZTE vẫn sống sót. Ông Adam Segal, một chuyên gia về Trung Quốc và an ninh mạng, nói với báo Washington Post rằng, ông hết sức “kinh ngạc” trước sự nhượng bộ của Trump với ZTE.
Nhiều hơn, Trump chưa từng lên án lãnh tụ tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng ca ngợi hắn là “tài năng“, “yêu nước” và khen ngợi  chiến lược đối phó với đại dịch coronavirus của Tập, bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới trước đó đã chỉ trích sự không minh bạch của nước này. Thay vì xây dựng một liên minh để tạo áp lực lên Trung Quốc, Trump lại bỏ qua hành vi này của nhà nước cộng sản.
Đáng nói hơn, vào ngày 18/6/2019, Trump đã nói với Tập Cận Bình rằng ông sẽ không lên án cuộc đàn áp thẳng tay của chính quyền cộng sản Trung Quốc với người dân Hồng Kông. Sau đó, vào ngày 1/8/2019, Trump còn tuyên bố với báo chí rằng, tình trạng bất ổn ở Hồng Kông là giữa Hồng Kông và Trung Quốc vì Hồng Kông là một phần của Trung Quốc. Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người Trump từng khen ngợi không hết lời, đã viết trong cuốn sách mới, rằng Trump đã nói với Tập, rằng Tập cứ tiếp tục xây dựng các trại tập trung (cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương và đây “chính xác là điều nên làm”. Ông Pompeo chưa bao giờ phản đối tính trung thực của câu chuyện này, nhưng chỉ tấn công cá nhân ông Bolton.
Thân cận và những người ủng hộ Trump bao biện rằng, đừng bận tâm lời nói của Trump. Lập luận này không chỉ là một cái tát vào mặt Trump vì cho rằng lời nói của một lãnh đạo quyền lực nhất thế giới chẳng đáng một xu, nhưng còn tự cào mặt mình bởi chính họ lại ca ngợi các phát biểu cứng rắn của bất kỳ lãnh đạo nào lên án Trung Quốc. Trong thực tế, lời phát biểu của lãnh đạo công ty tư nhân còn quan trọng, huống chi phát ngôn của người đứng đầu chính phủ. Chẳng phải nhiều người chống chế độ cộng sản Việt Nam cũng luôn trích những câu nói ngu xuẩn của đảng viên đảng CSVN để lên án và dè bỉu họ hay sao? Đừng quên những lời ca ngợi Tập Cận Bình của Trump là liên tục và nhất quán.
Thế Trump có hành động nào cụ thể để Trung Quốc thấy ông là một người bảo vệ dân chủ và căm ghét độc tài chuyên chế hay không? Ngắn gọn là không. Pompeo kêu gọi các nước dân chủ cùng chống lại Trung Quốc chuyên chế, nhưng chủ của Pompeo lại có hành động và lời nói đậm chất độc tài. Thomas Wright, thành viên cao cấp của Viện Brookings, phản biện Pompeo rằng:
Muốn nghiêm túc bảo vệ thế giới tự do phải bắt đầu bằng việc khôi phục pháp trị và dân chủ ngay tại quê nhà và nghiêm túc kiểm điểm những gì sẽ cần để duy trì tự do và dân chủ trong những thập kỷ tới. Thay vì giải quyết vấn đề này, chính quyền Trump lại ném thêm dầu vào lửa đang bùng cháy trong thế giới tự do. Trump chưa gì đã nói ông có thể không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử sắp tới. Ông đã tuyên bố rằng bỏ phiếu bằng đường bưu điện (là cách mà Trump đã bầu trong một khoảng thời gian dài), một cách thức bầu cử hợp pháp của nền dân chủ Mỹ, là lừa đảo. Ông đã gửi quân đội vào các thành phố của Mỹ bất chấp sự phản đối của các thị trưởng thành phố này. Và Trump cũng đã kêu gọi Nga và Trung Quốc can thiệp vào quá trình bầu cử”.
Thay Lời Kết
Câu chuyện bó đũa tạo sức mạnh không xa lạ với người Việt. Trung Quốc hiện tại không phải là Liên Xô. Như sử gia Melvyn Leffler phân tích: “Không giống như các nhà lãnh đạo Liên Xô tách biệt nền kinh tế của họ khỏi tư bản phương Tây ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc đã biến mình thành trung tâm của một thị trường tư bản quốc tế”. Phần lớn các tập đoàn khổng lồ đang nhờ vào thị trường Trung Quốc để tồn tại và phát triển.
Giáo sư kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubinikhẳng định: “Một Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch, đơn phương, và phi tự do nhằm chống lại các đồng minh của Mỹ, khiến phương Tây bị chia rẽ, và không sẵn lòng bảo vệ và cải cách trật tự thế giới tự do mà nó đã tạo ra. Người Trung Quốc có lẽ thích Trump tái đắc cử vào năm 2020. Ông Trump có thể gây ra phiền toái trong ngắn hạn, nhưng, khi có đủ thời gian tại vị, ông sẽ phá hủy các liên minh chiến lược tạo nền tảng cho quyền lực mềm và cứng của Mỹ. Giống như hiện thân của “Ứng cử viên Mãn Châu”, Trump sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại (Make China Great Again)”.
Không một chế độ hung bạo nào có thể tồn tại mãi mãi. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao “America First”, đồng nghĩa với “America Alone”, bao gồm tấn công đồng minh và từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới, mà Trump đang theo đuổi, hoàn toàn mâu thuẫn với bài phát biểu của Pompeo. Làm cách nào để chống lại một “siêu cường” như Trung Quốc khi Hoa Kỳ đứng một mình hả ông ngoại trưởng?
Sự lớn mạnh và bành trướng của Trung Quốc từ quân sự, kinh tế, tới không gian mạng đã và đang là mối lo ngại đối với các nước dân chủ. Tuy nhiên, sẽ không có điều gì khiến Trung Quốc lo ngại ngoài một liên minh, đồng thuận bảo vệ dân chủ và kiểm soát Trung Quốc, bởi đoàn kết là sức mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét