“Cờ người” nhân sự
28-7-2020
Câu chuyện cha “cấy” con vào hệ thống cai trị để tiếp tục làm quan kiểu cha truyền con nối không quá mới mẻ tại Việt Nam.
Nhưng có câu “quan nhất thời, dân vạn đại”; nên cũng chứng kiến rất nhiều trưởng hợp con chưa ấm ghế mà cha mất thế nên con cũng bị phế.
Ở xứ sở của quan họ có chuyện cha bí thư tỉnh cấy con vào làm bí thư đoàn thật ra là một lối ứng xử quán tính u mê.
Đừng tưởng “người quan họ làm quan cả họ/đất Thuận Thành không thuận cũng thành”! Bởi rất nhiều “tấm gương” khi cha hạ mã thì con cũng mất quyền.
Năm xưa xứ Đà thành có bí thư trẻ chỉ non được hơn năm đã về vườn an phận. Thì thế cuộc của quyền lực tạm thời đâu có giúp ai 100% đoan chắc “tau có chi mô?”
Thời đại cùng cầm súng sống chết nên củng tề danh quyền lực mà vẫn dễ cảm thông cho nhau, cho con cái của nhau đã qua rồi. Giờ mỗi khi nghe câu đồng chí ơi thì cần dỏng tai nghe tiếp xem là thuận ý hay… đấu tố.
Làm quan là nắm quyền. Nhưng y phục quan quyền không xứng kỳ đức vì dân thì cái hậu bao giờ cũng đắng lắm. Vì ngoài kia lòng dân sục sôi căm phẫn mà trong chốn quan trường đầy rẫy hủ bại.
Ngồi lên một vị trí, nhận lấy một phẩm hàm mà để lại tiếng nhơ cho cháu con, thành nỗi hổ thẹn của dòng tộc thì đấy là hoạ chứ nào đâu phải phúc.
Nên, nếu có người cha làm quan từng đăng đàn quốc hội đòi cấm dân oan đưa đơn lên Facebook thì cũng không lạ khi hôm nay đứa con học cờ vua thành đề tài đàm tiếu trong cuộc cờ người nhân sự.
Nhân dân vốn khờ dại như cỏ xanh “dốc lòng cởi dạ cho người mình thương”. Nhưng nhân dân cũng thông mình để biết ai thực sự “dĩ dân vi bản”. Và đừng đùa với nhân dân của một quốc gia vốn “biết trồng tre đợi ngày thành gậy/đi trả thù mà không sợ dài lâu”.
Thứ thao túng nhất thời của quyền lực hôm nay càng siết bao nhiêu thì giá trả ngày mai càng đắt bấy nhiêu…
Bao nhiêu lần đại hội nhân sự sau đó chứng kiến những cuộc “thay ngôi”, những lần “thanh trừng” mà sao vẫn u mê quyền lực tạm? Bao nhiêu triều đại lịch sử hưng mạt nối nhau mà sao vẫn cho mình vống lên muôn năm quang vinh?
Ấy chẳng phải bản thân hoá “con cờ” trên bàn cờ loạn thế và đi những nước toan tính bất chấp nhân tâm hay không?
Rồi lúc nhân dân xoá bàn cờ quyền lực để thay một cuộc khác thì ai thí, ai không trong vận mệnh ngắn ngủi đời người?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét