Lạm bàn lòng yêu nước
Jackhammer Nguyễn
27-7-2020
Yêu nước và chủ nghĩa dân tộc
Donald Trump nói rằng đeo khẩu trang là yêu nước. Chúng ta sẽ trở lại với “lòng yêu nước” của ông ấy, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ không lạ khi cái chữ yêu nước thoát ra từ miệng một kẻ dân túy như ông. Dân túy có nghĩa là làm cho dân chúng say rượu, thì “chủ nghĩa yêu nước” là một loại rượu rất say và rất hưng phấn.
Những kẻ dân túy như Donald Trump, hay một loại dân túy cực độc hơn nữa là chủ nghĩa cộng sản, cũng hay nói đến yêu nước. Khi nói đến yêu nước như vậy, Trump hay Cộng sản muốn nói, à những ai theo chúng tôi là yêu nước, những kẻ khác thì không. Chúng ta đối với chúng nó, vốn là đường lối tuyên truyền rất có hiệu quả của Trump và Cộng sản.
Yêu nước thường thấy nhất trong chiến tranh. Và điều đó được gọi là chủ nghĩa dân tộc. Nhưng yêu nước cũng thấy khi có xích mích gì đấy mà không dám thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau, bèn quay sang đập phá đồ đạc của nhau.
Sau vụ khủng bố tòa tháp đôi ở New York, năm 2001, Tổng thống George W. Bush tuyên chiến với Iraq, nhưng đồng minh Pháp không chịu vì cho là chẳng có bằng chứng là Iraq làm chuyện này (hóa ra họ đúng). Thế là nhân danh lòng yêu nước, vài người Mỹ đem rượu Tây ra đập bỏ. Lòng yêu nước của người Mỹ còn dữ hơn nữa khi không thèm gọi khoai tây chiên là French fries mà là Freedom fries! Ôi, khoai tây chiên tự do!
Đông Á cũng không hề thua kém. Năm 2012, sau vụ tranh cãi về quần đảo Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, trong đó người Nhật vẫn làm chủ các hòn đảo, và bắt giữ một số người Hoa yêu nước đổ bộ lên đảo, người Tầu lục địa phát động đập phá sản phẩm Nhật Bản, tẩy chay hàng Nhật, không xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm sang Nhật. Rồi Hàn Quốc và Nhật Bản xích mích nhau cũng thế. Tất cả đều nhân danh lòng yêu nước.
Tại hai quốc gia cộng sản là Việt Nam và Trung Quốc, lòng yêu nước lại còn được phát biểu một cách quái dị hơn: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, có khi đi xa hơn là yêu đảng Cộng sản luôn. Thế rồi vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014 bùng lên, mà Đảng cầm quyền Việt Nam không chịu được nữa, thế là xả giàn cho lòng yêu nước của người Việt bùng nổ ở Bình Dương, báo hại một số công ty Đài Loan, Hàn Quốc vạ lây.
Lòng yêu nước đôi khi đi đến cực đoan đến mức quái dị. Một số nhà hàng Tàu lục địa treo bảng ăn mừng khi kẻ thù truyền kiếp Nhật Bản của họ bị sóng thần. Nhiều người yêu nước Việt Nam cũng mong cho con đập Tam Hiệp vỡ đi, cho hàng triệu người dân trên đất nước là kẻ thù truyền kiếp của mình tang hoang cho thỏa chí.
Chủ nghĩa toàn cầu
Nhưng sau khi nhân loại thấm đòn hai cuộc chiến thế giới, chủ nghĩa dân tộc-yêu nước có vẻ giảm, nhất là tại các quốc gia phương Tây khi những liên minh kinh tế xã hội ra đời chẳng hạn như Cộng đồng châu Âu. Cuộc chiến tranh lạnh, ngoại trừ trường hợp Việt Nam, nơi lòng yêu nước được những người cộng sản nhân danh, cuộc đối đầu giữa hai hệ thống tư tưởng không mang mấy tính cách chủ nghĩa dân tộc. Bản thân những người cộng sản đã từng đề xướng loại chủ nghĩa quốc tế của họ, mà dữ tợn nhất là Đệ Tam Quốc tế.
Đệ Tam Quốc tế thất bại, chủ nghĩa Cộng sản thất bại, chiến tranh lạnh chấm dứt. Chủ nghĩa toàn cầu ra đời (globalism). Cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đang diễn ra trên toàn thế giới làm cho chủ nghĩa toàn cầu này khựng lại một chút, nhưng nó cũng đủ thời gian để tạo ra một, hai thế hệ trẻ tuổi của nó, nhất là tại phương Tây.
***
Cậu con trai tôi sang Mỹ từ năm 10 tuổi cũng thuộc vào thế hệ đó. Một lần hai cha con tranh luận nhau về việc ghi tên vào quân đội Mỹ, cậu tuyên bố: “Khi nào bọn ngoài hành tinh tấn công trái đất, thì con sẽ đăng lính, chứ còn bây giờ vào lính để đi đánh mấy thằng Trung Đông à?” Tôi cho rằng đây là một quan điểm rất tiêu biểu của giới trẻ phương Tây toàn cầu hóa hiện nay, mà Mỹ không phải là một ngoại lệ.
Tôi chưa đến mức “cấp tiến” như cậu con trai và bạn đồng lứa của nó (tôi ghi tên cử tri độc lập tại California), nhưng tôi cho rằng, nước Mỹ là một ý tưởng chứ không phải là một dân tộc với một loại chủ nghĩa dân tộc nào. Khoai tây tự do (Freedom fries) nào ai còn nhắc tới? Khắp các siêu thị Hoa Kỳ rượu vang Pháp vẫn là hảo hạng!
Có những cuộc khủng bố của các nhóm Hồi giáo cực đoan nhắm vào nước Mỹ, nhưng bạn có bao giờ thấy một cuộc xung đột Hồi giáo chống Do Thái giáo trên đất Mỹ? Ngoài ra bạn có bao giờ thấy hai cộng đồng Mỹ gốc Việt và Mỹ gốc Hoa choảng nhau vì xung đột trên Biển Đông? Hay người Tàu ở San Francisco tẩy chay món Sushi vì quần đảo Senkaku?
Những kẻ cực đoan tấn công nước Mỹ chính là tấn công vào một ý tưởng, một lý tưởng, chứ không phải một dân tộc. Tôi cho rằng ý tưởng Mỹ (chứ không phải là dân tộc Mỹ) rồi cũng sẽ quay lại với sứ mệnh toàn cầu hóa của nó. Loại chủ nghĩa dân tộc cô lập của Trump không phải là con đường của nước Mỹ.
Bây giờ chúng ta trở lại với Donald Trump và lòng yêu nước của ông ấy. Chỉ trước khi tuyên bố đeo khẩu trang là yêu nước, ông ta đã nói rằng ai đeo khẩu trang là không chấp nhận ông ta. Cứ cho rằng ông ấy yêu nước, thế thì những kẻ đeo khẩu trang chống lại lòng yêu nước, rồi thoắt một cái lại trở thành yêu nước.
Nhưng lòng yêu nước của Donald Trump còn phức tạp hơn nữa khi ông “tránh” quân dịch bằng cách khai bị bệnh gai xương để không phải tham chiến ở Việt Nam. Rồi ông cũng công khai nói rằng cuộc chiến Việt Nam là khủng khiếp lắm. Thành ra những ai lên án những người “cánh tả” phản chiến chống chiến tranh Việt Nam là không yêu nước, thì phải xem chừng mình có yêu nước theo kiểu Donald Trump không đấy nhé!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét