“Hiến pháp” trước vành móng ngựa
Tuấn Khanh
26-7-2020
Ngày 31 tháng 7 năm 2020, 8 công dân Việt Nam đã xuống đường phản đối luật đặc khu và an ninh mạng ra tòa. 8 công dân này quen biết nhau trên mạng xã hội, hẹn nhau xuống đường và bị công an bắt giữ theo những cách khác. Theo lời kể, một trong những cách nhận diện nhau, là mỗi người đều cầm trên tay một cuốn Hiến pháp Việt Nam.
Vì sao là Hiến pháp Việt Nam chứ không phải là một cuốn sách khác? Đơn giản vì những người này tin rằng Hiến pháp Việt Nam là tiếng nói quan trọng nhất về quyền con người, trong đó khẳng định rõ quyền tự do biểu quyết và thái độ chính trị là thứ không thể bị chà đạp.
Nhưng tháng 6 năm 2018 diễn ra một chuyện khác với suy nghĩ của họ. Không chỉ có những người cầm cuốn Hiến pháp trên tay, mà hàng trăm người Việt Nam khác đã bị bắt cóc, bị đánh đập, bị ép cung, bị sách nhiễu… Và thậm chí có bị cầm tù chỉ vì họ thực thi những quyền mà Hiến pháp Việt Nam quy định.
Sau hai lần trì hoãn phiên tòa với những lý do khác nhau, thì nhà cầm quyền quyết định đưa vụ này ra tòa vào cuối tháng 7, và công bố một kết quả. Nhưng hầu hết tất cả những người quan tâm đến vụ án này, cũng như thân nhân của những người đang bị cầm tù đều cảm thấy khó lòng mà tin được tính công minh của một vụ án xét xử công dân Việt Nam sống theo Hiến pháp. Những lần trì hoãn ra tòa, được nhìn thấy như là một cách kéo dài thời gian để tìm kiếm thêm những chứng cứ nhằm buộc tội cho bằng được. Bởi theo nguyên tắc của một nhà nước độc tài, ngành công an không thể sai, và đã bị bắt thì dù như thế nào, cũng phải có tội danh.
Nói với vợ mình, người có tên trên facebook là Nga Kim, anh Ngô Văn Dũng (facebooker Biển Mặn) khẳng định rằng “Vì không có tội nên anh không bao giờ nhận bất cứ tội trạng nào mà họ ghép cho. Kể cả khi ra tòa, nếu họ dùng quyền lực và ép buộc. Anh vẫn là một người vô tội”. Vì nhất quyết không nhận bất kỳ tội trạng nào mà do các điều tra viên áp đặt, anh Ngô Văn Dũng đã bị đối xử tệ. Thậm chí anh bị đánh đập một cách khó hiểu bởi các tù hình sự được đưa đến giam chung phòng, đến mức phải đi cấp cứu. Sau đó anh Dũng còn bị trừng phạt bằng cách tách ra, biệt giam một tuần, và giữ ở trại giam Chí Hòa.
Anh Lê Quý Lộc, một thành viên khác của nhóm 8 người, trong thời gian bị tạm giam kể cho vợ biết rằng, anh bị chính hai công an viên ập vào phòng với dùi cui và đánh anh tới tấp, đổ máu. Khi anh Lộc la lên “đánh người” thì cả trại giam nghe thấy và đồng hô to “cộng sản giết người”, thì lúc đó anh Lộc mới bị ngừng tra tấn. Cả hai anh Lộc và Dũng đều có kỷ niệm ở trại tạm giam Phan Đăng Lưu bằng những vết thương trên đầu. Dĩ nhiên, cả hai đều bác bỏ các cáo trạng đặt ra với mình.
Tại sao lại có những trường hợp như vậy? Bởi phía điều tra viên cần một lời nhận tội, để họ được ở thế đúng trong việc bắt giữ các công dân Việt Nam. Và với tham vọng bày tỏ sự hoàn hảo của mình với cấp trên, họ sẽ dùng mọi thủ đoạn để đạt kết quả. Chẳng hạn, cô Đoàn Thị Hồng bị bắt cóc đúng nghĩa bởi an ninh thường phục, khi cô đang đi trên đường. Hơn nửa tháng sau, gia đình và con gái nhỏ dưới 36 tháng tuổi mới tự tìm thấy cô Hồng bị giam ở Phan Đăng Lưu, mà không có sự hướng dẫn hay thông báo nào của phía công an. Nhưng điều tra vinh mọi thứ là luật pháp của Việt Nam.
Công an gọi 8 người này là nhóm “Hiến Pháp” – thoạt nghe thì bình thường, nhưng đó là một mối nguy hại, vì nghe như 8 người này là một tổ chức, có nội quy hay cương lĩnh hoạt động. Năm 2019, Trung tướng Lê Đông Phong, giám đốc công an ở Sài Gòn báo cáo với Ban Tuyên giáo Thành Ủy TPHCM rằng ngành này tập trung vào triệt tiêu các “nhóm kín” xuất hiện trên mạng. Ông Phong cũng nói để ngăn chận trước các vụ biểu tình ngày 2 tháng 9 năm 2018, công an đã bắt được 10 nhóm kín. Những nhóm gọi là “kín” – theo quan niệm của ngành công an – còn là các diễn đàn riêng, group trò chuyện trên Facebook. Từ đó, người ta có thể hiểu việc đặt tên “Hiến Pháp” cho 8 công dân này, đươc coi là nhằm chính trị hóa hoạt động công khai và được quyền của họ.
Nói với chị mình, bà Kim Khánh, một trong ba phụ nữ bị bắt, là Đoàn Thị Hồng, cho biết cô bị giam và giữ gần hai năm vì công an muốn giữ cô qua ngày 2 tháng 9 năm 2018, phòng việc những người như cô có thể đi biểu tình vào ngày đó. Và khi gia đình tức giận, lên tiếng trên facebook khi tìm kiếm và đòi công lý cho cô Hồng, thì trong một lần thăm gặp, cô Hồng lo sợ nói với chị mình rằng “chị đừng lên tiếng trên facebook nữa, em không muốn chị gặp khó khăn và ăm cơm tù như em”. Bà Khánh nói rằng, bà tin em mình đã bị hăm dọa, và các điều tra viên muốn mượn cô Hồng nhắn gửi với bà, để buộc bà im lặng.
Thân nhân của 8 người trong nhóm “Hiến Pháp” mới đây, trong các cuộc tiếp xúc với đại diện Bộ ngoại giao Mỹ, Đức, Canada… đều bày tỏ sự lo ngại về phiên tòa 31 tháng 7. Bởi đó là một vụ án được xử theo ý chí chính trị, nên tính công minh và danh dự của luật pháp Việt Nam có thể bị chà đạp.
Đây không phải là chuyện tưởng tượng. Gần đây, ngày 21 tháng 7 năm 2020, phiên tòa xử người phụ nữ chống lại các trạm thu phí BOT gian lận là bà Đặng Thị Huệ (tức facebooker Huệ Như) đã bị hoãn khó hiểu. Nhưng điều quan trọng là từ những ngày phiên tòa bị hoãn, luật sư của bà Đặng Thị Huệ là ông Lê Đình Việt tiết lộ rằng liên ngành nội chính của Sóc Sơn (Công an, Viện Kiểm Sát, Tòa án) đã có văn bản kín số 54, khẳng định phải kết tội bà Huệ cho bằng được, nhằm răn đe tình trạng dân chúng phản ứng và đòi công bằng ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Có nghĩa là ở Việt Nam, tình trạng xử án theo ý chí chính trị, vẫn là một vấn nạn, bất chấp mọi thứ. Đó là điều mà thân nhân của 8 người nhóm “Hiến Pháp” lo ngại – về một sự ô nhục có thật của ngành mang tên tư pháp, mà ngày càng dễ nhìn thấy ở mọi nơi trong nước.
Danh sách 8 người
1. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh
2. Hoàng Thị Thu Vang
3. Đỗ Thế Hóa
4. Hồ Đình Cương
5. Lê Quý Lộc
6. Ngô Văn Dũng
7. Trần Thanh Phương
8. Đoàn Thị Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét