Những người thế hệ chúng tôi
29-6-2020
Tôi tình cờ gặp Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội An vài năm trước đây. Buổi nói chuyện ngắn ngủi nhưng ấn tượng để lại là một bạn cùng trang lứa sống có lý tưởng và rất tốt bụng.
Hôm nghe tin Tuấn bị bắt, tôi vào Facebook bạn ấy, vốn chỉ chia sẻ những câu chuyện, hình ảnh về gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, có một bài đăng 3 năm trước đây nói lên rất nhiều về Tuấn:
“Từng là người rất sợ cái chết, nhưng giờ đây mình nhận ra cuộc sống này vốn dĩ ngắn ngủi, và “chết là hết”. Cô phụ trách nhận hiến mô tạng cho mình hay, con số người hiến còn khiêm tốn, ở mức 3.000 người/95 triệu người. Trong khi, một người chết não hiến mô – tạng sẽ cứu được 10 người khác!” (kèm hình ảnh thẻ đăng ký hiến tạng như bên dưới).
Tuấn hơn tôi chỉ một tuổi.
—
Với Trịnh Bá Phương, tôi chưa có dịp được gặp, dù đã biết nhau nhiều năm trên Facebook.
Lần đầu tiên nói chuyện với nhau, tình cờ thay là ngay sau khi tôi bị đưa đi ‘làm việc’ hồi cuối tháng 5 vừa rồi.
Phương lúc đó đã linh tính có điều không hay sẽ sớm xảy đến. Tuy nhiên anh chia sẻ rằng không muốn đi đâu cả vì chỉ vài tuần nữa sẽ đón đứa con thứ hai chào đời. Anh muốn ở cạnh vợ và con mình vào lúc họ cần anh nhất. Có ra sao cũng đành.
Bốn ngày sau khi nhìn mặt con, anh bị bắt.
Phương chỉ hơn tôi vài tuổi.
—
Mươi năm qua, tôi đã phải ‘làm việc’ với cán bộ an ninh đủ cả 3 miền. Không ít trong số đó cũng chỉ ngang tuổi tôi.
Những buổi ‘làm việc’ như thế không phải lúc nào cũng chỉ thẩm vấn và truy xét. Vẫn có những khoảng xen giữa nói chuyện đời thường nhật.
Tôi nhận ra có là ai thì cũng nghĩ về gia đình, lúc rảnh rỗi cũng thích tụ tập bạn bè, cũng tự hào kể về quê hương khi được hỏi.
Cũng cười thật tươi khi nhắc chuyện vợ con hay yêu đương tình cảm.
—
Tôi luôn nghĩ rằng những người cùng một thế hệ như chúng tôi, như Tuấn, Phương và những cán bộ an ninh kia, lẽ ra có thể ngồi lại với nhau, trong tình tự dân tộc và tấm lòng bằng hữu, bàn những câu chuyện làm sao đời sống gia đình, xã hội, đất nước chúng tôi ngày một tốt đẹp lên, ngay cả khi nhìn thấy nơi nhau những khác biệt.
Hà cớ gì người này lại đi bắt bỏ tù người kia, chia cách gia đình và đày ải họ trong đau khổ, cuối cùng chỉ vì đôi ba thứ chủ nghĩa, lý thuyết mà chẳng ai từ người khởi xướng cho đến chúng tôi thực sự hiểu?
Tôi biết sẽ có người nói ngay: Đó là vì quyền lợi. Nhưng ngay cả là vì quyền lợi, hà cớ gì cứ phải được mất, sống còn với nhau, vẫn có thể cùng thắng (win-win) cơ mà.
Từ khi nào, bởi ai hay điều gì mà đến tận thế hệ tôi, tức là đã 45 năm sau chiến tranh, người ta vẫn tìm cách loại trừ nhau một cách khốc liệt chỉ vì khác biệt như vậy?
Chuyện này còn kéo dài bao lâu nữa và mỗi người chúng ta cần làm gì để sớm chấm dứt nó?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét