Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Menras André: “Ngày nào tôi cũng nghĩ đến Việt Nam”!

Menras André: “Ngày nào tôi cũng nghĩ đến Việt Nam”!

Mạc Văn Trang
2-7-2020
Chiều qua Kim Chi gọi điện hỏi thăm anh André Menras, vì biết tin anh bị ngã, phải băng bó chân tại BV bên Pháp.
Anh rất lạc quan, vui vẻ, bảo được vợ chăm sóc như một đứa trẻ… Nằm đây nhưng ngày nào tôi cũng nghĩ đến Việt Nam…
Anh không chỉ “nghĩ” mà trên giường bệnh, nhưng ngày nào cũng cập nhật tin tức Việt Nam và luôn bày tỏ thái độ trước các sự kiện, chia sẻ ý kiến với bạn bè.
Mình bảo, có lẽ kiếp trước anh có duyên nợ gì với Việt Nam, nên kiếp này phải trả nợ chăng!
***
André Menras sinh năm 1945 trong gia đình nông dân tại Coufouleux, miền nam nước Pháp.
Năm 1967, André tốt nghiệp đại học Sư phạm thành phố Montpellier. Năm 1968, André Menras tới Việt Nam dạy tiếng Pháp tại Lycée Blaise Pascal ở Đà Nẵng và năm 1969 tại trường phổ thông trung học Jean-Jacques Rousseau ở Sài Gòn.
Thuộc nhóm phản đối Chiến tranh và để bày tỏ sự ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, André Menras đã cùng bạn là Jean-Pierre Debris leo lên tượng Thủy quân Lục chiến trước Hạ nghị viện của Việt Nam Cộng hòa (nay là Nhà hát lớn) ở Sài Gòn để treo cờ Giải phóng, và rải truyền đơn đòi Mỹ và quân đồng minh rút quân khỏi Việt Nam. Vì hành động này, André Menras và Jean-Pierre Debris đã bị xử tù người ba năm, người bốn năm. André được trả tự do và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 1/1/1973.
Năm 2002, anh được công nhận là công dân danh dự TP Hồ Chí Minh. Cũng trong năm này, anh thành lập Hiệp hội hữu nghị phát triển và trao đổi sư phạm Pháp Việt (ADEP) và giữ cương vị chủ tịch.
Tháng 11 năm 2009, với quyết định do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký, André Menras chính thức trở thành công dân có quốc tịch Việt Nam với tên Hồ Cương Quyết. Các bài viết của anh từ đó thường ký hai tên André Menras – Hồ Cương Quyết. Anh nói, viết tiếng Việt rất tốt, đặc biệt anh trò chuyện được với cả những người dân quê ở Bắc, Trung, Nam.
André rất căm phẫn Trung Cộng cướp đảo Hoàng Sa, Gạc Ma của Việt Nam. Đặc biệt anh rất đau lòng trước cảnh ngư dân Việt Nam bị tàu Trung cộng cướp bóc, đánh, giết ngay trên biển quê hương mình…
Anh đã quyết định dấn thân cùng ngư dân bám biển để làm bộ phim “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát”. Bộ phim do anh tự viết kịch bản, tự làm đạo diễn, quay phim.
Anh nói: “Tôi đã quyết định phải dấn thân vào việc bảo vệ các ngư dân vì tôi nghĩ rằng, bảo vệ ngư dân cũng là bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Và rồi, tôi quyết định làm một phóng sự về họ“.
Bộ phim được thực hiện tại huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn, cả hai huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong hơn 3 tháng và hoàn thành vào năm 2010.
Tháng 2/2019 anh sang Việt Nam với mục đích thực hiện bộ phim mới về Trường Sa, nhưng thấy rất bức xúc về vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận, nên quyết định làm phim tài liệu “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong“. Phim đã phỏng vấn nhiều dân oan mất đất, tù nhân lương tâm, nhiều nhân sĩ, trí thức…
André – Hồ Cương Quyết là người yêu Nước Việt, yêu Dân Việt, nhưng lại mạnh mẽ phê phán những sai lầm của Đảng CSVN, vì thế phim của anh làm ra, được ngoài nước khen ngợi, nhưng trong nước thì gặp nhiều trắc trở.
Phim “Hoàng Sa – Việt Nam: nỗi đau mất mát”, năm 2011 chiếu ở nước ngoài nhưng không được chiếu ở Việt Nam. Tuy nhiên từ Vụ giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam đã cho phép chiếu phim lần đầu tiên vào ngày 10, 11, 12 tháng 7 ở Hà Nội và vào ngày 5 tháng 8 năm 2014 ở Sài Gòn.
Phim “Việt Nam: Tiếng gào thét từ bên trong”, nghe nói nhận được mấy giải thưởng quốc tế, nhưng không biết khi nào được tự do công chiếu ở Việt Nam?
Chúc anh André mau bình phục, để lại được gặp anh say sưa làm tiếp những phim mới về Việt Nam.
____
Hình ảnh Menras André – Hồ Cương Quyết với ngư dân Việt Nam. Nguồn: FB Menras André:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét